Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Mắt thần và Nỏ thần ngày nay

8 năm trước, khi mới về Báo Quân đội nhân dân công tác, vào TP Hồ Chí Minh, tôi gặp Đại tá Đoàn Hoài Trung Doan Hoaitrung, lúc ấy là phóng viên Ban đại diện phía nam Báo QĐND. Anh Trung có tài chụp ảnh, sau phụ trách luôn Câu lạc bộ Nhiếp ảnh chiến sĩ. 



Một trong những bức ảnh rất đẹp trong bộ sưu tập của anh có tiêu đề “Nỏ thần ngày nay”, chụp cận cảnh một giàn tên lửa đang được các chiến sĩ trẻ săn sóc, bảo dưỡng. Ảnh đẹp và chú thích cũng đầy ấn tượng nhưng không hiểu sao trong tôi cứ có một cảm giác gì đó không mấy…an tâm. Hình như, gọi “nỏ thần” đó, nhưng có lẽ chỉ là một cách gọi nặng tính khích lệ tư tưởng, chứ thực tế, dàn tên lửa có phần hơi…cũ, không mấy hiện đại.

Hai năm trước, mùa hè năm 2014, tôi và Nguyễn Hòa Nguyễn Hòa– phóng viên Phòng biên tập Báo QĐND điện tử được tiếp cận một cơ quan đặc biệt, cơ mật và một con người cũng rất đặc biệt: Đại tá Nguyễn Đình Chiến, khi ấy là Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Viettel (nay là Phó tổng giám đốc Tập đoàn). Đã đi, đến và tác nghiệp, ăn mòn bát mòn đũa ở nhiều đơn vị quân đội, thậm chí vào viết bài ở cả Tổng cục Tình báo nhưng chưa bao giờ chúng tôi bị kiểm soát gắt gao như lần tới Viện nghiên cứu này. Vừa tới cổng, chúng tôi bị “stop” lại. Một sĩ quan cấp úy lịch sự bước ra yêu cầu chúng tôi ra ngồi chờ ở một ngôi nhà độc lập cách viện vài trăm mét. Anh nói: “Các anh gửi máy tính, máy ảnh và điện thoại ở chỗ lễ tân. Các anh chỉ đi người không và sổ, bút. Viện trưởng sẽ làm việc với các anh ở ngôi nhà kia!”.Phải đến khi Đại tá Nguyễn Đình Chiến xuất hiện, cuộc làm việc đã vào lúc mặn chuyện, anh mới bật mí vì sao có cái sự cơ mật này. Đơn giản vì Viện đang nghiên cứu rất nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại, từ máy bay không người lái đến ra đa, rồi tên lửa, máy móc thông tin…Đặc biệt, phải kể đến Hệ thống quản lý vùng trời VQ, thứ được coi là “nỏ thần” trong bảo vệ biển trời của Tổ quốc. Trước chúng tôi ít ngày, lão nhà báo – ông vua ký sự cung đình Xuân Ba của Báo Tiền phong cũng được “đột nhập” vào Viện và có bài viết đầy những lời “xuýt xoa” kinh ngạc mang tên “Canh trời giữ biển theo cách của Viettel”. Câu chuyện giữa tôi và Nguyễn Hòa với Đại tá Chiến bữa ấy kéo dài từ sáng sớm đến tận gần 13 giờ chiều. Đến nỗi, nhìn đồng hồ, Viện trưởng mới nhớ ra đã quá giờ ăn trưa và anh rủ chúng tôi: “Hay là ăn mì tôm rồi trò chuyện tý nữa thôi, chiều anh có cuộc họp quan trọng”.


Đại tá Chiến sinh năm 1969, kể ra cũng không còn quá trẻ nhưng nếu nhìn đội hình các viện nghiên cứu toàn quân, ở tuổi anh mà ngồi ghế viện trưởng đã mấy năm, hình như cũng chưa có người thứ hai. Trong câu chuyện về “giấc mơ ngựa sắt” – giấc mơ xây dựng một tổ hợp công nghiệp quốc phòng đủ để mang sức ta bảo vệ bờ cõi ta mà anh Chiến chia sẻ với chúng tôi hôm ấy, nổi bật, sáng nhất là câu chuyện chế tạo hệ thống quản lý vùng trời VQ. Chuyện nôm na thế này: Mùa hè năm 2012, Viettel được Bộ Quốc phòng giao nghiên cứu, chế tạo hoặc chuyển giao công nghệ để thay thế hệ thống quản lý vùng trời cũ ta mua của nước ngoài đã hết date sử dụng. Lúc này, trên thế giới cũng mới chỉ có 8 nước chế tạo được hệ thống quản lý rất hiện đại này. Một trong những nước đó là Israel. Người Do Thái vốn rất tinh khôn. Thám thính biết sự việc này, họ lập tức tìm đến chào bán hệ thống của mình đồng thời chuyển giao công nghệ với mức giá ban đầu đưa ra: 100 triệu USD. So với mặt bằng chung của thế giới, mức giá này không đắt, nhưng với một nước nghèo như Việt Nam thì cũng cần phải cân nhắc. OK thôi, các ngài cứ suy nghĩ kỹ đi, rồi chúng tôi sẽ quay lại. Người Israel nói rồi lạnh lùng quay gót với sự tự tin: Thế nào rồi VN cũng phải mua hàng thôi, vì cũng chẳng thể tìm được ở đâu hàng tốt mà rẻ hơn được.


Nhưng họ đã lầm. Ngay sau khi họ quay gót, là những bàn bạc, tính toán của anh Chiến và các cộng sự trong Viện. Họ phần đông là những người trẻ, 7X, 8X mà 9X cũng có. Phần nhiều trong họ là dân máy tính, lập trình, đã làm bao thứ cả phần mềm, phần cứng. Họ hiểu cái giá 100 triệu USD đó chủ yếu là giá trả cho chất xám, cho công nghệ. Không đắt nhưng lại là rất “chát” với dân sành công nghệ thông tin. Họ làm được tại sao mình không làm được. Không vào rừng làm sao bắt hổ? Sau nhiều bàn bạc, anh Chiến và cộng sự báo cáo cấp trên quyết định vừa nghiên cứu, thử nghiệm vừa chờ để đàm phán với đối tác, tìm ra phương án có lợi nhất.Cả Viện lao vào nghiên cứu. Đó là một mùa hè không có ban đêm. Viện lúc nào cũng sáng đèn. Những gương mặt trẻ ngày đêm bóp trán trước màn hình máy tính. Những bí mật dần được bóc gỡ. Con đường dần được mở ra.


Ba tháng sau, người Israel quay lại. Họ ngạc nhiên thấy anh Chiến và những người Viettel không còn vồ vập như trước. Viettel không giấu diếm đã và đang nghiên cứu, làm chủ được “một phần” công nghệ. Sợ mất một đơn hàng lớn, đối tác lập tức xuống thang, đề xuất mức giá chuyển giao chỉ còn 60 triệu USD.
“Cứ biết thế, để chúng tôi tính” – Đó là câu trả lời của Viettel. 
Ba tháng sau nữa, người Israel quay lại. Nhưng lúc này, Viettel đã có trong tay nền tảng công nghệ không nhỏ nữa. “Đọc” ra điều đó, đối tác lần đầu tiên phá vỡ tiền lệ, đề xuất bán hàng với mức “phá giá”: 20 triệu USD!
Nhưng muộn mất rồi. Người Viettel đã gần “về đích”. Họ sẽ không mua, cũng chẳng chuyển giao của ai nữa. Những người trẻ sau nhiều đêm trắng đã đi tới niềm tin: Tự làm lấy “nỏ thần”. 
Chỉ trong vòng 20 tháng, hệ thống cảnh giới vùng trời quốc gia tự động VQ1-M do Viettel chế tạo đã được hoàn thành, sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch. Họ đã thành công, tiết kiệm gần 2.000 tỷ đồng cho ngân sách.


Ngày 26/05/2016 vừa qua, Quân chủng PK-KQ đã khai mạc huấn luyện hệ thống cảnh giới vùng trời tự động VQ1-M chuyển giao, bảo đảm kỹ thuật từ Tập đoàn Viễn thông Quân đội.
Mùa hè năm nay, cách đây vừa mấy ngày thôi, cơ duyên đưa chúng tôi đến Trung đoàn tên lửa 250 (Đoàn Thăng Long), thuộc sư đoàn 361, Quân chủng PKKQ. Một sự tình cờ thú vị, đây chính là đơn vị sở hữu hai thiết bị hiện đại nhất của “Nỏ thần” bảo vệ vùng trời Tổ quốc.


Thiết bị hiện đại thứ nhất, chính là hệ thống cảnh giới vùng trời tự động VQ1-M mà Trung đoàn 250 là một trong nhiều đơn vị được trang bị.


Thiết bị hiện đại thứ hai, giàn tên lửa tối tân được Nâng cấp từ tên lửa phòng không S-125 lên chuẩn S-125-2TM theo chuyển giao công nghệ của Công ty Tetraedr (Cộng hòa Belarus). Đáng chú ý, hệ thống này cũng đã được Nhà máy A-31 làm chủ được công nghệ. Loại tên lửa này có thể tiêu diệt được nhiều loại máy bay khủng như B52 và nhiều loại máy bay hiện đại mới. Đơn vị được tiếp nhận tổ hợp tên lửa S-125-2TM đầu tiên chính là Tiểu đoàn 152 - Trung đoàn tên lửa 250 nằm kề quả đồi trên “nóc” thủy điện Sông Đà. Chợt nhớ mấy năm trước, có ông nhà thơ từng viết tâm thư mở ngỏ bày tỏ sự hoang mang về đại thủy điện. Ông nói dại mồm, nếu kẻ địch táng vào đập sông Đà một quả bom, đập vỡ, cả đồng bằng sông Hồng sẽ chìm trong đại hồng thủy. Thủ đô HN sẽ bị xóa sổ, ngập sâu ít nhất 70 mét. Có phải vì thế mà đơn vị 152 luôn được trang bị những vũ khí tối tân nhất để hoàn thành nhiệm vụ số 1, bảo vệ thủy điện Hòa Bình, ngăn chặn mọi âm mưu tấn công từ hướng bầu trời Tây Bắc thủ đô. Thú vị nữa, giàn tên lửa hiện đại này đã được tích hợp với hệ thống quản lý vùng trời VQ. Như mũi tên thần được chắp thêm đôi cánh vạn dặm.


Một điều bất ngờ tựa như khi đến Viettel, chúng tôi gặp những người đang huấn luyện, làm chủ dàn tên lửa hiện đại này thì thấy họ đều còn rất trẻ. Thiếu tá Trần Ngọc Chinh, Tiểu đoàn trưởng ở tuổi 8X nhưng cũng đã dạn dày trận mạc, từng lặn lội trời Tây học chuyển giao công nghệ và từng chỉ huy thành công nhiều lần phóng tên lửa kể: “Bắn một quả tên lửa là mất cả triệu USD, là biết bao đồng tiền bát gạo của quốc gia. Điều đó không cho phép chúng tôi có một sai sót, dù là rất nhỏ”. Lời nói đầy khí khái, danh dự ấy đã được chứng minh bằng kết quả… “trên bia”. Trong đợt Diễn tập chiến thuật kíp chiến đấu phân đội hỏa lực tên lửa phòng không S-125-2TM năm 2016 tổ chức tại Quảng Nam đầu năm vừa qua, kip chiến đấu của Tiểu đoàn 152 đã phóng 6 quả tên lửa thì cả 6 đều trúng, bắn tan tành các mục tiêu. 


Ấy vậy mà nói về bí quyết, Trung tá Đào Hồng Phương, Trung đoàn trưởng lại khẳng định như đinh đóng cột với chúng tôi: “Vũ khí dù tối tân đến đâu nhưng thành công lại ở chỗ phải truyền được ý chí tinh thần cho bộ đội”. Theo anh Phương, nếu chỉ nhấn mạnh, đề cao huấn luyện kỹ thuật mà không biết cách xây dựng được một tình yêu, một ý chí chiến đấu mãnh liệt cho bộ đội, không thể có những kíp chiến đấu chính xác đến tuyệt đối như vừa qua. Còn trong huấn luyện, đừng bao giờ chạy theo thành tích theo kiểu nuôi “gà chọi”, chỉ đầu tư cho một kíp chiến đấu tốt nhất.Yêu cầu mà anh Phương đặt ra với mọi đơn vị là phải huấn luyện cho đầy đủ bằng hết, mọi người đều phải tham gia. Và từ trong tập thể rèn luyện thường xuyên ấy, sẽ xuất hiện những hạt nhân, tạo thành kíp chiến đấu “số một” của mỗi đơn vị.


Sở chỉ huy chiến đấu của Trung đoàn 250 nằm ẩn mình dưới những lùm cây xanh mướt. Tháng bảy đã về nhưng cây phượng vĩ đầu hồi sở chỉ huy vẫn đỏ cháy một góc đồi. Có tiếng chim gù dưới tàng cây. Thi thoảng, một chú bồ câu bay ngang lượn vòng trên cánh sóng Ra-đa. Một không khí im lặng, yên bình giữa trưa hè oi ả đến mức tôi cứ tưởng cả Trung đoàn đang say giấc ngủ trưa. Nhưng không, bước vào sở chỉ huy, tôi đã nghe thấy tiếng lách cách gõ bàn phím. Những sĩ quan vẫn ngồi căng mắt trước màn hình. Hai chiến sĩ tiêu đồ vẫn vẽ, cập nhật đường bay của các máy bay bay vào vùng trời quản lý từng phút, từng giây không ngơi nghỉ. Và kia nữa, trên màn hình máy tính, hệ thống quản lý vùng trời VQ – chiếc nỏ thần kỳ diệu mà anh Chiến kể với tôi hôm nào đang không ngừng nhấp nháy. Dải đất thân thương hình chữ S, vùng trời và vùng biển hiện lên rõ mồn một. Trên màn hình, hàng trăm chiếc máy bay đang di chuyển. Dù là máy bay dân dụng hay quân sự, dù nó bay trong vùng trời, vùng biển của ta hay lân cận các vùng biên giới, ra-đa của ta ở mọi nẻo rừng góc biển của Tổ quốc đều rà quét, cập nhật, sẵn sàng đưa ra những cảnh báo kịp thời. Khi địch xâm phạm, cảnh báo ấy sẽ được xử lý, Sở chỉ huy sẽ vào vị trí chiến đấu trong khoảng khắc và sẵn sàng ra lệnh cho các giàn tên lửa của mọi đơn vị trên mảnh đất hình chữ S sẵn sàng khai hỏa. Tiếng chim gù vẫn tha thiết trên nóc nhà sở chỉ huy. Những cánh chim hiền lành ngây thơ đâu biết, phía dưới chúng là hệ thống mắt thần cùng những người trẻ không ngủ, luôn túc trực bất kể ngày đêm gìn giữ sự bình yên của bầu trời Tổ quốc.


Nếu Tổ quốc có bão dông từ biển, giờ đây, chúng ta đã an lòng hơn nhiều khi có “nỏ thần” được làm từ bàn tay khối óc của những người lính Việt Nam. Từng được học qua trường quân sự, chúng tôi dễ nhận ra ngay những chiếc máy bay màu xanh quen thuộc chính là ký hiệu “địch”. Những kẻ mưu toan xâm lấn vùng trời của Tổ quốc ấy đều bị vạch mặt chỉ tên trên màn hình, dù chúng tới từ hướng nào. Tôi chợt nhận ra chiều sâu và tầm nhìn chiến lược phía sau những vạch màu công nghệ nhấp nháy. Ấy là sự chủ động, quyết liệt trong xác định đối tượng, đối tác; là sự cảnh giác cao độ phân biệt “địch – ta”; là ý thức tác chiến không một chút lơi lỏng, không một giây để Tổ quốc bị bất ngờ…Tôi nhìn màn hình, rồi lại nhìn đôi mắt chăm chú của những người lính trẻ... "..." 



Theo FB Nguyễn Văn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét