Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Tam cường Mỹ-Nga-Trung: Trung Quốc sắp hết 'giấu mình chờ thời'?

Khi ông Tập lên cầm quyền đã từng bước mở rộng vai trò của Trung Quốc ra bên ngoài thông qua chính sách cường quốc biển, giấc mộng Trung Hoa.


TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam đánh giá về quan hệ Mỹ-Nga-Trung và sự trỗi dậy của Trung Quốc trong năm 2015.

Sự thay đổi trong hai trục tập hợp lực lượng

Theo TS Trần Việt Thái, trong quan hệ giữa các nước lớn hiện nay hình thành hai trục: Thứ nhất, Mỹ và phương Tây đấu tranh với Nga xung quanh vấn đề Ukraine và cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.

Cuộc chiến chống khủng bố thực ra chỉ là cái cớ, nó là sự tập hợp lực lượng cho cuộc đối đầu căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Thế của Nga trong tương quan lực lượng với Mỹ và phương Tây trong năm 2015 khác xa so với năm 2014 do Moscow chủ động có bước đi ở Syria, nhất là việc nước này tiến hành chiến dịch không kích IS. Đáng lưu ý, sau khi Paris bị khủng bố, Pháp và phương Tây đã có sự điều chỉnh thái độ đối với Nga. Trước đó, vào năm 2014, Nga ở thế bị động, bị sức ép nặng nề bởi vấn đề Crimea.

Thứ hai, Trung Quốc đấu với Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, ASEAN xung quanh vấn đề biển đảo ở châu Á-Thái Bình Dương, chủ yếu là Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nếu năm 2014 Trung Quốc chủ động đẩy mạnh vụ giàn khoan Hải Dương 981, cải tạo đảo và Mỹ đứng đằng sau thì năm nay Mỹ đã trực tiếp đưa máy bay, tàu chiến vào tuần tra Biển Đông. Điều dó cho thấy, sự đối đầu, cạnh tranh Mỹ-Trung ở khu vực này không còn qua tay người khác nữa mà là trực tiếp. Không những vậy Mỹ còn lôi kéo thêm các nước khác vào cùng tuần tra chung để cố gắng hình thành một liên minh ngăn Trung Quốc.

Tam cuong My-Nga-Trung: Trung Quoc sap het 'giau minh cho thoi'?
Một tam giác chiến lược mới được hình thành giữa Mỹ-Nga-Trung

Hai trục trên chi phối không gian quan hệ giữa các nước và có hai cải thiện trong năm 2015:

Thứ nhất, quan hệ Trung -Nhật: Sau chuyến đi tháng 11/2014 tới Bắc Kinh dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp Chủ  tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sau đó là một cuộc gặp khác ở Jarkata, Indonesia, quan hệ Trung-Nhật đỡ căng thẳng hơn do hai bên muốn tập trung vào các vấn đề họ quan tâm. Thế nhưng cạnh tranh chiến lược giữa hai nước là không thay đổi. 

Thứ hai, quan hệ Trung-Nga tiếp tục có những bước cải thiện, trong đó quan trọng nhất là lần đầu tiên trong lịch sử Nga mở cửa vùng Viễn Đông cho Trung Quốc và các nước vùng Đông Á vào. Nói cách khác, do bị bao vây, cô lập và cấm vận nên trong năm 2015 Nga có quyết định quan trọng là xoay trục sang phía Tây về an ninh và quốc phòng, đặc biệt là tham gia mạnh vào cuộc chiến chống khủng bố để đối phó với phương Tây. Ngoài ra, Nga cũng xoay trục sang phía Đông về kinh tế, mở cửa mời chào các nước châu Á-Thái Bình Dương và can dự sâu hơn vào các nước ở khu vực này về mặt kinh tế.

Chính sách 'giấu mình chờ thời' và sự trỗi dậy của Trung Quốc

Về chính sách của Trung Quốc, theo TS Trần Việt Thái, từ trước đến nay Trung Quốc đều thực dụng.

"Từ khi ông Đặng Tiểu Bình lên làm lãnh đạo Trung Quốc đã đề ra chiến sách "thâu quang dưỡng hối" (giấu mình chờ thời), Trung Quốc giảm can dự vào các vấn đề quốc tế, trừ những vấn đề có lợi ích sát sườn. Sự thực dụng của Trung Quốc chính là ở điểm này. Họ rút ra bài học từ Nhật Bản, sau Thế chiến 2 được Mỹ bảo hộ bằng ô an ninh nên tập trung vào kinh tế, khiến kinh tế tăng trưởng rất nhanh. Tương tự, sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa cũng chủ động hạn chế tham gia các vấn đề toàn cầu có thể lôi kéo họ vào các cuộc chiến.

Tư duy "giấu mình chờ thời" của Trung Quốc kéo dài đến tận ngày hôm nay. Trung Quốc chủ trương hạn chế tham gia các vấn đề toàn cầu để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội trong nước. Đó là điểm quan trọng nhất.

Thứ hai, từ khi ông Tập Cận Bình lên làm Chủ tịch Trung Quốc đã từng bước mở rộng vai trò của Trung Quốc ra bên ngoài thông qua chính sách cường quốc biển, giấc mộng Trung Hoa. Trung Quốc chỉ còn giấu mình với Mỹ, kiên trì chịu lép vế trước Mỹ. Họ từng bước bung ra nhưng vẫn tuyên bố chưa có đủ tiềm lực, chưa sẵn sàng", TS Trần Việt Thái chỉ rõ.

Vị chuyên gia đánh giá, riêng năm 2015, Trung Quốc tiếp tục lợi dụng các mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế trong đó có mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây chủ yếu để hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Họ lợi dụng quan hệ giữa Nga và phương Tây để đẩy mạnh quan hệ về kinh tế, thương mại với Nga, đồng thời mua trang thiết bị công nghệ hiện đại. Họ lợi dụng cuộc chiến ở Ukraine để đẩy mạnh mua các sáng chế, thậm chí Trung Quốc đầu tư sang cả Ukraine để có được một số trang thiết bị phục vụ cho khoa học công nghệ, quân đội, quốc phòng.

Gần đây nhất, khi sức ép chống khủng bố trong nước ngày càng tăng và khi 4 công dân Trung Quốc bị IS xử tử thì Quốc hội Trung Quốc mới đẩy nhanh việc ra đời của Luật chống khủng bố. Nhưng về cơ bản vẫn chưa có gì, định hướng  lâu dài của Trung Quốc vẫn là ưu tiên trong nước và theo đuổi các lợi ích của họ chứ không phải đóng góp cho toàn cầu.

Trung Quốc rất quan tâm đến cuộc chiến chống khủng bố ở Syria nhưng đóng góp của họ có hạn. Trung Quốc theo dõi rất chặt tình hình tại Trung Đông bởi ở đây Trung Quốc có nhiều đầu tư và họ chỉ chăm chăm bảo vệ lợi ích của mình. Chính sự thiếu tích cực và đóng góp như vậy nên Trung Quốc nhận phải nhiều chỉ trích.

Ở châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc lợi dụng quan hệ với một vài nước trong ASEAN để tìm cách phân hóa ASEAN. Tương tự, ở châu Âu, năm 2015 ông Tập Cận Bình chọn Anh - một nước thực dụng trong châu Âu, để chia rẽ châu Âu. Trong quan hệ Trung-Nhật-Hàn, Trung Quốc xoáy vào vấn đề Nhật-Hàn để chia rẽ, lôi kéo Hàn Quốc và chia tách mối quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn.


"Chưa bao giờ chính sách chia để trị, phân hóa đối phương của Trung Quốc được bộc lộ rõ như năm 2015, từ châu Âu đến châu Á cho đến quan hệ của các nước lớn", ông Thái nhận xét.

TS Trần Việt Thái cũng chỉ rõ, năm 2015 có một số sự kiện đáng chú ý. Thứ nhất, lần đầu tiên một thiết chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng đã ra đời, đó là Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Ngoài ra, Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược 'nhất đới, nhất lộ' (Một vành đai, một con đường).

Với việc AIIB ra đời, lần đầu tiên Trung Quốc có một ngân hàng trên phạm vi toàn cầu. Trung Quốc xác định rất rõ, muốn bá chủ thế giới thì đầu tiên phải có một nền sản xuất mạnh, thứ hai là chi phối về thương mại và thứ ba là chi phối về tài chính - ngân hàng. Năm 2015, số lượng các sáng chế Trung Quốc đăng ký lớn nhất thế giới.

Việc AIIB ra đời là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc rất quyết tâm chuyển từ chỗ là một trung tâm sản xuất toàn cầu vươn lên nắm ngành tài chính. Năm 2015 Trung Quốc cũng quyết tâm quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và đã thành công trong việc đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ của IMF. Đây không phải là sự ngẫu nhiên mà có bước đi chiến lược và có tính toán.

Trung Quốc đã bước đầu thành công trong việc xây dựng cho mình một công cụ, một thiết chế để tham gia vào lĩnh vực từ trước đến nay nước này chưa có thế mạnh là tài chính-tiền tệ-ngân hàng, nghĩa là vai trò của Trung Quốc trong hệ thống tài chính thế giới và quyền phủ quyết của họ tăng lên.

"Năm 2015, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc bộc lộ nhiều vấn đề bên trong nước này. Thế nhưng Trung Quốc cũng đang vươn ra mạnh mẽ mà trước mắt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hội nghị Shangri-La tồn tại mấy chục năm, giờ Trung Quốc tổ chức Diễn đàn Hương Sơn song song tồn tại. Học viện Ngoại giao Việt Nam có diễn đàn Biển Đông hàng năm rất nổi tiếng thì Trung Quốc cũng tổ chức ở Hải Nam một loạt hội thảo cạnh tranh. Trung Quốc cũng đang đề xuất nâng cấp diễn đàn về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) thành tổ chức an ninh phát triển châu Á. Ngoài ra, như đã nói ở trên họ có AIIB, chiến lược Nhất đới nhất lộ. Ý đồ của Trung Quốc bộc lộ rất rõ trong năm 2015", TS Trần Việt Thái nói.

Nga-Mỹ lúng túng

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược cho rằng, cả Mỹ và Nga đều phải lo ngại về sự vươn lên của Trung Quốc nhưng Nga không có nhiều lựa chọn như Mỹ. Mỹ lo Trung Quốc nhưng hai quốc gia này sẽ không bao giờ đấu nhau, họ hiểu giới hạn của nhau và hai nước phụ thuộc nhau sâu sắc. Nếu có cạnh tranh và hợp tác thì cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ đến mức độ vừa phải rồi dừng lại và tìm cách phòng tránh xung đột. Tư duy của Mỹ là luôn đặt các giới hạn để hai bên phòng tránh xung đột, bước đến giới hạn đỏ (redline) là phải dừng lại. Mỹ có nhiều thế mà Trung Quốc không thể có bởi họ duy trì được 5 sức mạnh: kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục và con người, chính trị trên toàn cầu, quân sự.

Trong khi Nga hơn được Trung Quốc về quốc phòng, một phần nào đó về khoa học công nghệ nhưng còn nhiều sức mạnh khác Nga không bằng Trung Quốc. Nga ngày càng gắn với Trung Quốc về lợi ích, và Nga có lo ngại việc người Hoa tràn vào khu vực Viễn Đông, Siberia. Nhưng không còn lựa chọn nào khác, buộc phải mở cửa để thu hút đầu tư vì phương Tây và Mỹ đã cấm vận, các nước BRICS đang khó khăn...

"Hiện cả Nga và Mỹ đang rất lúng túng. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là điều ngoài sức tưởng tượng của các nước, họ không nghĩ nhanh như vậy, nhất là Mỹ. Từ trước đến nay, Mỹ chủ trương là một cổ đông có trách nhiệm, Trung Quóc vươn lên nhưng phải là một cổ đông có trách nhiệm, đóng góp tương xứng với sức mạnh của mình và phải hành xử có trách nhiệm.

Cho nên, để bảo vệ lợi ích và ngôi vị số 1 của nước Mỹ, Washington áp dụng một tiêu chuẩn kép đối với Trung Quốc. Một mặt, Mỹ đặt ra các giới hạn đỏ để không cho Trung Quốc lấn tới, mặt khác đưa Trung Quốc vào các giỏ thể chế, tức lôi kéo Trung Quốc vào các diễn đàn đa phương. Trung Quốc không thích đa phương là bởi trong đa phương Trung Quốc dù lớn đến mấy chỉ là một phiếu, họ không có liên minh nhiều như Mỹ thì không vận động được. Mỹ cũng ép Trung Quốc minh bạch hóa, nhất là về quốc phòng. Mỹ ngấm ngầm vận động các nước tạo thành liên minh để ngăn chặn Trung Quốc.

"Quan hệ Mỹ-Nga-Trung là tam giác không đều, trong đó về mặt kinh tế Nga ở vị thế yếu nhất nhưng sự vươn lên về chính trị của Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại. Còn Mỹ khôn ngoan nhất, không bộc lộ mình hết, mà đẩy các nước khác ra. Ví dụ, trong cạnh tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông, Mỹ không dại gì nhảy ra để cạnh tranh trực tiếp mà đẩy Nhật, ASEAN ra. Thời gian qua Trung Quốc làm quá ở Biển Đông nên Mỹ mới ra mặt nhưng chỉ ở mức độ nào đó", TS Trần Việt Thái chỉ rõ.

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tam-cuong-my-nga-trung-trung-quoc-sap-het-giau-minh-cho-thoi-3296932/?paged=3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét