Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Sản xuất máy bay trinh sát: Điều Việt Nam làm được là...

Có thể nói lần đầu tiên VN đã làm được việc theo dõi máy bay ở một cự li xa.


TSKH Nguyễn Đức Cương – Chủ tịch Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam vui mừng chia sẻ những thông tin quan trọng liên quan tới máy bay trinh sát tầm xa của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam vừa công bố.

San xuat may bay trinh sat: Dieu Viet Nam lam duoc la...
Hình ảnh máy bay HS-6L đang chuẩn bị bay thử nghiệm. Ảnh do Viện Công nghệ Không cung cấp

Ông Cương cho biết, sau khi nhận tin vui ông đã có chia sẻ trực tiếp với PGS.TS Phạm Ngọc Lãng - chủ nhiệm đề tài và có lời chúc mừng chân thành gửi tới ông.

Qua trao đổi, ông Cương cho hay máy bay không người lái trinh sát điện tử tầm xa có tên gọi HS-6L, với những thông số kỹ thật cơ bản như sải cánh 22m; động cơ Rotax 914; 35 giờ bay; trên 4000km hành trình, sử dụng dẫn đường vệ tinh.

Trên máy bay có trang bị camera, radar comint/DF System... đây được xem là kết quả tuyệt vời, có những thứ mà lần đầu tiên Việt Nam đã làm được.

Đi vào phân tích cụ thể hai khía cạnh khoa học và ứng dụng, TSKH Nguyễn Đức Cương cho biết có hai vấn đề.

Xét về mặt khoa học công nghệ, vị chuyên gia thừa nhận đây là bước tiến vượt bậc, là thành tựu đáng kể đối với ngành khoa học nước nhà.

Theo ông, sản xuất một chiếc máy bay có thể bay được xa (khoảng 100km) là cả vấn đề rất phức tạp. Quan trọng nhất là thiết bị liên lạc đặc biệt được trang bị nhằm theo dõi thông tin giữa máy bay với các trạm thông tin mặt đất.

Máy bay trinh sát tầm xa vừa sản xuất dù không được trang bị thiết bị liên lạc đặc biệt nói trên nhưng đã sử dụng giải pháp thay thế, xác định vị trí của máy bay qua vệ tinh, sau đó phát tín hiệu đến trạm thông tin trên mặt đất.

“Có thể nói lần đầu tiên VN đã làm được việc theo dõi máy bay ở một cự li xa", vị chuyên gia phấn khởi.

Vấn đề nữa, vị chuyên gia cho biết đó là trọng lượng của máy bay. TSKH Nguyễn Đức Cương cho hay trọng lượng của máy bay có vai trò rất quan trọng bởi nó liên quan tới nhiều yếu tố như kết cấu, thiết kế, cũng như trang bị không gian, thiết bị trên máy bay.

Trọng lượng máy bay cũng ảnh hưởng nhiều tới khả năng cất, hạ cánh, nhất là trong điều kiện khí hậu, thời tiết không thuận lợi, gió mạnh. Hơn nữa, khi bay xa máy bay sẽ cần tới nhiều nhiên liệu, như vậy cũng có nghĩa trọng lượng của máy bay sẽ tăng thêm việc này sẽ tác động trực tiếp tới trọng lượng cả thân, cánh... Do đó, vị chuyên gia nói rằng một thiết kế chắc chắn, khỏe mới có thể chịu đựng được.

Tuy nhiên, có vẻ công tác bay thử nghiệm đã thành công, với một thiết kế, trọng lượng, sải cánh như vậy ông Cương nói rằng họ (các nhà khoa học Việt Nam) đã thành công.

Về mặt ứng dụng, TSKH Nguyễn Đức Cương cũng kỳ vọng sản phẩm không chỉ được ứng dụng vào một mục đích mà còn được sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau từ an ninh quốc phòng cho tới hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, lũ lụt…

Đối với khả năng ứng dụng trong phát triển kinh tế, phòng chống cháy rừng, cảnh báo thiên tai, lũ lụt vị chuyên gia đặc biệt yêu thích loại máy bay này. Theo ông, sử dụng máy bay điện tử không người lái cho những mục đích trên thuận lợi hơn rất nhiều so với máy bay có người lái.

Về ứng dụng trong an ninh quốc phòng, không bình luận nhiều về vấn đề an ninh quốc phòng, tuy nhiên vị chuyên gia khẳng định với khả năng kéo dài được hàng nghìn giờ bay liên tục, mục tiêu giám sát Biển Đông là hoàn toàn có thể đạt được.

Hơn nữa, máy bay còn được trang bị camera, radar là những thiết bị có khả năng quan sát rất tốt kể cả trong điều kiện khí hậu nhiều sương mù. Vì thế, dù ở phạm vi cách xa vài cây số máy bay trinh sát không người lái vẫn có thể ghi nhận những hoạt động, hoặc chụp được hình ảnh tại khu vực giám sát gửi về mặt đất thông qua các thiết bị giám sát vệ tinh.

Ông Cương cho biết thêm, hiện tại, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đang phối hợp với Nhật Bản thực hiện dự án để trong vài năm tới sẽ cho ra đời vệ tinh mang cả radar lên trời. Theo ông Cương, sử dụng radar thay cho thiết bị khí tài quang học nhằm tăng khả năng quan sát tốt hơn.  

Vị chuyên gia cũng nhận định, nếu lắp thêm các thiết bị thăm dò địa lý máy bay trinh sát không người lái tầm xa cũng có thể được sử dụng vào những mục đích khác nữa.

Ngoài ra, ông Cương nói thêm về động cơ Rotax 914 được cho là loại động cơ 4 thì, 4 xy linh, làm mát bằng nước hoặc không khí, tuốc bin tăng áp do công ty BRP-Powertrain của Áo sản xuất. Loại động cơ này hiện được sử dụng trên hàng chục loại máy bay khắp thế giới, và đặc biệt là UAV MQ-1 Predator nổi danh.

Ông Cương cho hay, sử dụng loại động cơ này cũng là lựa chọn thức thời, nó được đánh giá là động cơ siêu nhẹ, tiết kiệm nhiên liệu.

Không quá thổi phồng hoặc so sánh với Mỹ, vì ông Cương cho biết Mỹ đã phát triển máy bay không người lái từ rất lâu rồi, hơn nữa mục địch sử dụng là khác nhau. Tại Mỹ, họ đã đưa vào phục vụ cả mục đích quân sự, chống khủng bố… tuy nhiên Việt Nam chưa hướng tới mục đích này.

Ông giải thích, để biến máy bay trinh sát thành một vũ khí còn cần rất nhiều cải tiến khác. Vì nó còn liên quan tới tốc độ, độ cao, kỹ thuật, diện tích sử dụng, khả năng tàng hình không phải muốn có thể làm được ngay. Mặc dù vậy, vị chuyên gia một lần nữa ghi nhận sự thành công đáng kể của ngành công nghệ Việt Nam. 

http://baodatviet.vn/khoa-hoc/su-kien/san-xuat-may-bay-trinh-sat-dieu-viet-nam-lam-duoc-la-3297164/?paged=2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét