Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Nga-Mỹ nhắm vào hành lang tử huyệt của Thổ Nhĩ Kỳ

Sự hậu thuẫn của Nga, Mỹ đối với lực lượng bảo vệ người Kurd đang trở thành nỗi ám ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ.


Mới đây nhất, Ankara bày tỏ quan ngại trước việc Lầu Năm góc có ý định ủng hộ các nhóm người Kurd tại Syria nhằm tạo lập một “hành lang người Kurd” ở miền bắc nước này.

Thông điệp trên được giới chức Thổ Nhĩ Kỳ chuyển tới tướng Joseph Dunford, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, người có các cuộc hội đàm với Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar và Thủ tướng Ahmet Davutoglu hôm 6/1 tại Ankara. Hai bên tập trung thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, những diễn biến gần đây ở Syria, Iraq và các vấn đề khu vực.

Nga-My nham vao hanh lang tu huyet cua Tho Nhi Ky
Lực lượng người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Nội dung quan trọng nhất được giới tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra trong cuộc gặp là “nỗ lực” mới nhất của lực lượng bảo vệ người Kurd (PYD), khi họ đã vượt sông Euphrates, tiến vào hành lang Azaz-Jarablus. Ankara luôn tuyên bố PYD là “quân khủng bố” vì là một nhánh thuộc tổ chức đảng Công nhân người Kurd (PKK) hoạt động “ngoài vòng pháp luật”, dù Mỹ và nhiều nước trong liên minh chống khủng bố quốc tế xem PKK là một đảng chính trị hợp pháp.

“Chúng tôi nhận thấy PYD có tham vọng và toan tính thành lập một hành lang người Kurd dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khi họ tiến vào tuyến Azaz-Jarablus. Chúng tôi nhiều lần tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận điều này”, một nguồn tin an ninh ở Ankara nói.

Phản ứng trên xuất hiện tại thời điểm Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) – một liên minh mới được thành lập gồm các phe nhóm người Kurd, Turkmen, người gốc Arab, Thiên chúa giáo vừa giành được quyền kiểm soát con đập chiến lược Teshrin trên sông Euphrates. Ankara phàn nàn rằng, các tay súng PYD chiếm đến 85% lực lượng trong SDF.

Giới phân tích nhận định, Ankara đặc biệt dị ứng với PYD, thậm chí coi lực lượng này còn nguy hiểm hơn cả IS, do PYD hiện kiểm soát gần như toàn bộ dải biên giới Syria giáp phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đà tiến của PYD được cho là có sự hỗ trợ, hậu thuẫn từ các đợt không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu. Không tuyên bố công khai, nhưng Mỹ hiện xem PYD là đối tác khả dĩ nhất trong bước can dự ở Syria, do đạo quân này được cho là “thiện chiến” hơn tất cả các phe nhóm đối lập khác.

Không chỉ được Mỹ ủng hộ, người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ còn được Nga hậu thuẫn.  Nga bắt tay hợp tác với lực lượng người Kurd phía bắc Syria cung cấp vũ khí trang bị cho họ và ủng hộ lực lượng đối lập trong nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một bài viết mới đây, tác giả Soner Cagaptay, giám đốc chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington về chính sách Cận Đông nhận định, Nga có thể dùng chiến tranh phi đối xứng chống Ankara. Theo đó, Nga có thể chuyển giao vũ khí cho PKK thông qua đại diện người Kurd tại Syria là PYD đang nhắm mục tiêu chiếm giữ hành lang Azaz-Jarablus dài 60 dặm dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ để kết nối với hai khu vực khác do họ làm chủ ở phía Bắc Syria. Sự hỗ trợ của Nga sẽ cho phép PYD thiết lập một khu vực dài 400 dặm tiếp giáp với khu vực của PKK ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hậu thuẫn của Moscow.

Thổ Nhĩ Kỳ ra tay

Ở một diễn biến có liên quan, hôm 4/1, Bộ Tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, quân đội nước này đã bắn chết khoảng 300 tay súng phiến quân người Kurd trong một chiến dịch quân sự được triển khai trên địa bàn hai tỉnh Sirnak và Diyarbakir ở khu vực Đông Nam.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, 300 tay súng bị tiêu diệt thuộc PKK. Trong quá trình tấn công, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vô hiệu được nhiều thiết bị nổ, giải toả nhiều con được bị chặn và loại bỏ nhiều tay súng của PKK ở các quận Cizre và Silope.

Một trường học cũng bị phá huỷ do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng đây là nơi các tay súng của PKK sử dụng làm căn cứ huấn luyện.

Nhiều chính trị gia và nhà phân tích trên thế giới đã gọi chiến dịch quân sự chống lại người Kurd của ông Erdogan hiện nay là “tội ác to lớn”. Đã có khoảng 200 người dân đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công bao vây của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 100.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa.

Nhiều cuộc xung đột lớn đã xảy ra giữa quân chính phủ và PKK cùng với các nhóm nổi dậy kể từ sau một vụ khủng bố đẫm máu xảy ra tại thành phố Suruc (Thổ Nhĩ Kỳ) khiến hơn 30 người chết, phần lớn trong số này là những người Kurd.

Sau khi các nhóm người Kurd giết hại 2 cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ mà họ cho là có liên quan đến IS sau vụ tấn công, Ankara đã tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm vào PKK. Xung đột leo thang vào tháng 12/2015 tại thành phố Diyarbakir và lệnh giới nghiêm đã được thiết lập tại nhiều khu vực sinh sống của người Kurd ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới đây, tờ Hurriet (Thổ Nhĩ Kỳ) đã cho đăng một số trích đoạn từ báo cáo dài 90 trang về “vấn đề người Kurd” do ông Erdogan soạn thảo khi còn là một thành viên của đảng Phúc lợi Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Istanbul vào năm 1991.

Trong báo cáo, ông Erdogan phản đối các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực người Kurd sinh sống ở phía Đông Nam, gọi đây là “tội ác to lớn” đối với “đồng bào người Kurd”.

Lúc đó, ông viết điều này bởi “vấn đề người Kurd” mang tính toàn quốc và giải pháp duy nhất đó là “công nhận tiếng của người Kurd là một ngôn ngữ riêng, không liên quan đến ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ”.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi ông Erdogan trở thành Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù người Kurd không bị cấm học tiếng mẹ đẻ của mình, nhưng nhiều chữ cái của ngôn ngữ Kurd đã bị cấm sử dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ và số trường học dạy tiếng người Kurd hiện tại rất ít.

http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-my-nham-vao-hanh-lang-tu-huyet-cua-tho-nhi-ky-3297249/?paged=2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét