Việc củng cố sự hiện diện của Trung Quốc trên các đảo tranh chấp có một lợi ích phòng thủ đối với Bắc Kinh
Việc xuất hiện một vụ việc mới nêu bật tranh chấp ở Biển Đông và làm dấy lên câu hỏi về các ý đồ của Trung Quốc chỉ là vấn đề thời gian. Bắc Kinh thường bị nhìn nhận là đang theo đuổi các tham vọng bá chủ trong xung đột. Theo cách diễn giải này, Trung Quốc đang nỗ lực từng bước kiểm soát Biển Đông, để thống trị một khu vực nhìn chung được coi là có ý nghĩa về mặt chiến lược. Một nghiên cứu về khía cạnh quân sự trong tranh chấp biển đảo giúp chứng minh một số miêu tả kịch tính là đáng nghi, vì ý nghĩa chiến lược quân sự của các đảo đang tranh chấp là không lớn như người ta thường khẳng định. Ngoài ra từ quan điểm quân sự, một giả định được đưa ra là Bắc Kinh đang theo đuổi những mục tiêu phòng thủ trên Biển Đông.
Vào đầu năm 2015, xung đột về Biển Đông đã trở nên nổi bật trên các dòng tít của truyền thông phương Tây. Nguyên nhân không phải là do việc Trung Quốc mở rộng các hòn đảo khác nhau trong khu vực này – một hành động tới thời điểm đó đã diễn ra từ lâu và đương nhiên không được giữ kín. Phần nhiều là do Chính quyền Mỹ đã quyết định công bố các thông tin mà họ đã thu thập trong thời gian dài. Trong khuôn khổ chiến lược truyền thông của Mỹ, trước hết một đoàn làm phim của kênh truyền hình CNN được đưa lên một máy bay do thám và được cung cấp những hình ảnh chi tiết chụp từ trên không. Cách thức này đã khơi dậy ấn tượng về một hành động gây lo ngại của Trung Quốc trên Biển Đông. Việc các bên tuyên bố chủ quyền khác như Việt Nam và Đài Loan, vốn cũng có yêu sách chủ quyền đối với một số hòn đảo, trước đó đã tiến hành các hoạt động mở rộng tương tự – cho dù không tham vọng bằng – trên các hòn đảo do họ kiểm soát, không được đề cập tới nhiều.
Phía Trung Quốc cũng không ngồi yên trong cuộc đấu về cách diễn giải cuộc xung đột. Một mặt, Bắc Kinh nhấn mạnh quyền cơ bản của nước này là tiến hành các biện pháp mở rộng cơ sở hạ tầng dưới bất kỳ hình thức nào (kể cả quân sự) trên lãnh thổ của mình. Mặt khác, nước này cũng nhắc tới ý định sử dụng các hòn đảo được mở rộng cho các mục đích dân sự. Một phân tích từ quan điểm của châu Âu nên thận trọng xem xét cách diễn giải của cả hai bên. Chính quyền Mỹ khiến việc miêu tả Bắc Kinh như là bên gây hấn trở nên dễ dàng. Nhưng ở phía bên kia, khẳng định của Trung Quốc rằng việc mở rộng đảo chủ yếu vì các mục đích dân sự chỉ là hành động xoa dịu. Mọi dấu hiệu đều cho thấy các hòn đảo được mở rộng chủ yếu được sử dụng cho mục đích quân sự. Ngoài ra, một câu hỏi còn quan trọng hơn là Bắc Kinh có thể hy vọng gì từ một sự hiện diện quân sự trên Biển Đông.
Địa lý là một trở ngại đối với nỗ lực kiểm soát của Trung Quốc
Biển Đông là một biển rìa lục địa, được bao quanh bởi các hòn đảo lớn và các khu vực đất rộng ở mọi phía. Với diện tích gần 3,7 triệu km², biển này rộng gấp 1,5 lần biển Địa Trung Hải. Biển Đông có hai quần đảo lớn là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 400 km về phía Đông Nam và cách bờ biển Việt Nam 400 km về phía Đông. Quần đảo Trường Sa nằm xa hơn về phía Nam, cách đảo Hải Nam trung bình 1.200 km về phía Đông Nam, cách đảo lớn gần nhất của Philippines 400 km về phía Tây và cách đất liền của Việt Nam 500 km về phía Đông. Đảo lớn nhất trong số 10 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa trải dài trên diện tích 2,1 km². Trong số 22 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhiều đảo có diện tích từ 1 tới 2,5 km² (đã tính tới việc cải tạo đất). Ngoài ra, hai quần đảo này còn có rất nhiều bãi đá ngầm và bãi cạn.
Đối với các lực lượng hải quân, về cơ bản có hai đường tiếp cận Biển Đông: từ phía Bắc (thông qua eo biển Đài Loan hoặc eo biển Luzon giữa Đài Loan và Philippines) và từ phía Nam thông qua eo biển giữa Singapore và phần diện tích của Indonesia trên đảo Borneo. Một đường tiếp cận nữa là từ phía Đông thông qua biển Sulu và qua nhóm đảo của Philippines. Người ta có thể đưa ra những đánh giá ban đầu từ các thông số này. Thứ nhất, cần lưu ý rằng một cách nhìn biệt lập về các quần đảo sẽ dẫn tới một bức tranh bị bóp méo: Việc kiểm soát các đường tiếp cận vào Biển Đông cũng như kiểm soát bờ biển về mặt chiến lược quân sự ít nhất cũng có ý nghĩa như việc chiếm đóng các quần đảo. Ngoài eo biển Đài Loan và eo biển Luzon ở phía Bắc, mọi đường tiếp cận vào Biển Đông đều cách xa đất liền Trung Quốc và trên thực tế không do Trung Quốc kiểm soát. Ngoài ra, với ngoại lệ là Đài Loan, lãnh thổ của tất cả các quốc gia ven biển đang cạnh tranh với Trung Quốc đều nằm gần các quần đảo này hơn so với đất liền Trung Quốc. Vì vậy, cho dù xung đột tiến triển theo mô hình nào, các điều kiện địa lý đã gây khó khăn đáng kể cho sự kiểm soát của Trung Quốc đối với khu vực. Trong trường hợp xung đột leo thang, hai mô hình có thể được xem xét: Hoặc Trung Quốc đối đầu với một hoặc nhiều quốc gia nhỏ hơn ven Biển Đông trong một cuộc xung đột có giới hạn, hoặc một cuộc xung đột quân sự toàn diện có thể diễn ra giữa Trung Quốc với một hoặc nhiều quốc gia ven biển nhỏ hơn và có sự tham gia của Mỹ. Để hiểu được khía cạnh quân sự của tranh chấp biển đảo, cả hai kịch bản này phải được phân tích trong bối cảnh các thông số địa lý trên.
Tính dễ bị tổn tương của các tiền đồn trên các quần đảo
Về mặt quân sự, các hòn đảo này chỉ có thể được sử dụng trong trường hợp xảy ra xung đột, nếu chúng có thể được bảo vệ trước các cuộc không kích. Trung Quốc sở hữu các hệ thống phòng không mạnh mẽ với tầm bắn lên tới hàng trăm km, tạo điều kiện cho một sự phòng thủ như vậy.
Tuy vậy, việc triển khai các hệ thống phòng không có quy mô lớn của Trung Quốc thuộc nhóm S-300 và S-400 lại là những nỗ lực phức tạp. Trước tiên, một sự triển khai hợp lý về mặt chiến thuật loại vũ khí này đòi hỏi diện tích đáng kể. Tuy một số ít đảo lớn trong các quần đảo tranh chấp về cơ bản có đủ diện tích, nhưng các hệ thống này chỉ có thể tạo ra hiệu ứng lâu dài khi khu vực quan sát và hoạt động của chúng chồng lấn nhau. Chỉ như vậy mới xuất hiện một “cụm” gồm nhiều hệ thống phòng không có thể chống đỡ được cuộc không kích trên quy mô lớn của kẻ địch. Tuy nhiên, điều kiện địa lý của các quần đảo không cho phép nhiều hơn ngoài việc triển khai một số đơn vị phòng không đơn lẻ. Ngoài ra, khả năng tồn tại của các hệ thống này cũng phụ thuộc vào tính lưu động của chúng. Vì vậy, các hệ thống phòng không hiện đại do Nga sản xuất của Trung Quốc được thiết kế để tránh sự tấn công của kẻ thù bằng cách thay đổi vị trí phóng hỏa. Việc sử dụng các hệ thống này cũng gặp nhiều rắc rối khi xét từ quan điểm quân sự. Việc triển khai các hệ thống phòng không hiện đại của Trung Quốc trên 2 hoặc 3 đảo chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho một sự phòng thủ đầy đủ chống lại một số ít máy bay và tên lửa hành trình tấn công, nhưng trong một cuộc xung đột lớn thông thường, các hệ thống này sẽ bị quá tải do phải xử lý một số lượng lớn mục tiêu trong thời gian ngắn và trở thành mục tiêu dễ dàng cho các hệ thống vũ khí chuyên chống lại các vũ khí phòng không.
Nếu một cuộc xung đột toàn diện diễn ra với sự tham gia của Mỹ, người ta có thể trông đợi các cuộc không kích trên quy mô lớn của Mỹ lên các hòn đảo. Trong trường hợp này, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc đồn trú trên các tiền đồn tại các hòn đảo này chỉ có cơ hội sống sót rất nhỏ. Tính dễ bị tổn thương vẫn sẽ tồn tại, chừng nào Trung Quốc chưa sở hữu một hạm đội hoạt động ở các vùng biển xa với những năng lực phòng không trên biển ngang ngửa với hạm đội của Mỹ và chừng nào Bắc Kinh chưa thể thuyết phục các quốc gia ven Biển Đông ủng hộ Trung Quốc hoặc ít nhất giữ thái độ trung lập trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột quân sự với Mỹ.
Các tiền đồn cho tên lửa chống tàu đặt trên mặt đất và lực lượng hải quân?
Các tên lửa chống tàu đặt trên mặt đất của Trung Quốc có tầm bắn ít nhất khoảng 1.500 km. Nếu chúng được triển khai từ các hòn đảo, đây sẽ là một mối đe dọa thật sự đối với hải quân các nước khác. Tuy nhiên, việc triển khai loại vũ khí này cũng cần tới một số cơ sở hạ tầng. Khó có khả năng các đảo do Trung Quốc kiểm soát có thể tiếp nhận một cơ sở hạ tầng như vậy. Và ngay cả khi Trung Quốc thực hiện được việc này, một câu hỏi được đặt ra là một sự triển khai như vậy sẽ có những lợi thế tác chiến nào? Việc này dù thế nào cũng sẽ tạo điều kiện cho Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) xâm nhập vào tận vùng biển của Singapore. Nhưng nếu PLA cho triển khai các hệ thống vũ khí giá trị này một cách không cơ động trên các đảo tranh chấp, họ sẽ tự lấy đi khả năng gây bất ngờ và giành thế chủ động với các vũ khí này và sẽ khiến các hệ thống này phải đối mặt với rủi ro rất cao. Ngược lại, các tên lửa thuộc loại này được triển khai trên đảo Hải Nam hoặc ở khu vực duyên hải phía Đông Nam Trung Quốc hoàn toàn có khả năng ngăn chặn hiệu quả các khu vực lớn trên Biển Đông và đặc biệt các đường tiếp cận vùng biển này ở phía Bắc mà không trở nên dễ bị tổn thương ở mức độ tương tự.
Tầm bắn của các tên lửa chống tàu của Trung Quốc ước tính ở mức từ 300 tới 800 km. Các máy bay phóng tên lửa này có tầm bay lên tới 1.800 km. Vì vậy, một sự triển khai trên toàn bộ Biển Đông bao gồm cả các đường tiếp cận khu vực này về mặt lý thuyết là có thể thực hiện được, ngay cả trong một đánh giá thận trọng về năng lực hệ thống vũ khí của Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với chiến tranh trên không lâu dài, các tuyến đường này quá dài để có thể thiết lập một ưu thế trên không hoặc thậm chí kiểm soát không phận Biển Đông. Ngay cả việc triển khai máy bay tiếp nhiên liệu (các máy bay này cần một không phận được bảo vệ có khoảng cách rõ rệt với khu vực chiến sự) cũng không thay đổi được gì. Trong bối cảnh này, đường băng cất cánh và hạ cánh hiện đã được hoàn thiện trên một trong số các hòn đảo đã nhận được sự chú ý đặc biệt. Với độ dài 3000 m, đường băng này là đủ đối với phần lớn các loại máy bay của lực lượng Không quân Trung Quốc, điều đặc biệt có ý nghĩa cho việc triển khai các máy bay do thám. Việc triển khai luân phiên các đơn vị thuộc lực lượng Không quân cũng có thể thực hiện được. Bằng cách này, các phi công Trung Quốc có thể làm quen với khu vực.
Tuy vậy, các hòn đảo trên Biển Đông cũng chỉ phù hợp ở mức độ hạn chế đối với việc triển khai tên lửa chống tàu đặt trên mặt đất. Chúng cũng không đem lại không gian cho việc hỗ trợ lâu dài các hoạt động chiến tranh trên không. Tuy các tiền đồn trên đảo được lực lượng Không quân bảo vệ, phạm vi và thời gian triển khai của các đơn vị lớn hơn từ các tiền đồn này sẽ không được tăng lên. Vì vậy, chúng đem lại ít lợi thế cho hoạt động chiến tranh cao độ trên không, từ quan điểm quân sự chúng phần nhiều đem lại một gánh nặng.
Các tiền đồn cho việc triển khai lực lượng Hải quân
Về mặt kỹ thuật, lực lượng Hải quân Trung Quốc cơ bản có khả năng hoạt động trên toàn bộ Biển Đông. Tuy các tiền đồn được thiết lập trước trên các quần đảo có được lợi thế, nhưng chúng không thực sự cần thiết khi xét tới phạm vi hoạt động của các tàu chiến hiện đại. Tuy nhiên, người ta vẫn cần tới một cơ sở hạ tầng toàn diện cho các hoạt động tác chiến trên biển có quy mô lớn, trong đó bao gồm các cảng, các thiết bị điện và thông tin liên lạc và những hình thức bảo vệ khác nhau dưới dạng hầm trú ẩn và hệ thống vũ khí phòng không. Một cơ sở hạ tầng như vậy hiện đang được thiết lập trên đảo Hải Nam, nơi nền tảng cho một sự hiện diện trên biển lâu dài trong khu vực đang được tạo ra. Các hòn đảo tranh chấp lại không có diện tích cho những cơ sở với quy mô như vậy. Tuy nhiên, các cảng dành cho các tàu chiến cỡ nhỏ và cỡ trung như tàu hộ tống và tàu khu trục nhỏ đã có sẵn hoặc đang được xây dựng trên các đảo này. Các tiền đồn mới này tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc hỗ trợ các đơn vị thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc. Với tầm nhìn về lực lượng Hải quân, kết luận đã được đưa ra trước đó trong bối cảnh lực lượng Không quân cũng áp dụng vào đây: Việc kiểm soát các hòn đảo đem lại các lợi thế hậu cần cho PLA, tuy nhiên chỉ dành cho một số lượng phù hợp các đơn vị quy mô nhỏ và trung bình.
Do thám và giám sát quân sự
Do thám là một thành phần căn bản trong tiến hành chiến tranh. Kể cả trong thời bình, do thám cũng có tầm quan trọng lớn để đánh giá các tiềm năng và năng lực công nghệ của đối thủ. Sự mở rộng về mặt quân sự các hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát đem lại lợi thế kiểu này cho PLA. Trước hết, đường băng cất cánh và hạ cánh đã được nhắc tới ở trên tạo điều kiện đáng kể cho Trung Quốc thực hiện hoạt động do thám và giám sát các vùng biển từ trên không. Nhưng việc lắp đặt các phương tiện giám sát trên máy bay, tàu nổi và tàu ngầm không làm thay đổi thực tế rằng các tiền đồn này nhìn chung dễ bị tổn thương trong trường hợp xảy ra chiến tranh, và việc này cũng không đem lại lợi ích đáng kể nào trong việc kiểm soát các tuyến đường thương mại. Tuy nhiên trong thời bình, việc do thám các hệ thống vũ khí của kẻ thù mở ra cơ hội thu được các hiểu biết quan trọng về đặc tính kỹ thuật của các hệ thống này.
Các lực lượng Mỹ có thể thực hiện các nhiệm vụ do thám của riêng mình và đưa ra các biện pháp mang tính biểu tượng để thể hiện quyền tự do hàng hải tại các khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, họ cũng phải nhận thức được nguy cơ Trung Quốc có thể thu được các hiểu biết về đặc tính kỹ thuật của các hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ thông qua các cơ sở được xây dựng trên các hòn đảo này.
Một vấn đề quan trọng là các hòn đảo này cũng liên quan tới những lo ngại rằng Trung Quốc sẽ thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Những bóng gió từ Bắc Kinh cho thấy việc thiết lập một vùng như vậy hoàn toàn có thể xảy ra: Theo đó, các máy bay phải có trách nhiệm để một trong số các máy bay của Trung Quốc nhận diện theo thủ tục đã được thiết lập. Về mặt quân sự, một bước đi như vậy của Bắc Kinh là không quan trọng, vì một ADIZ về cơ bản thể hiện một sự mở rộng các yêu sách lãnh thổ lên không phận và vì vậy trong trường hợp xảy ra xung đột đột quân sự sẽ không có ý nghĩa thực tế. Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp tác động về mặt biểu tượng của biện pháp này: Nếu Bắc Kinh cho lắp đặt các thiết bị radar và các cảm biến khác trên các hòn đảo tranh chấp, nền tảng cho một ADIZ qua đó sẽ được thiết lập – và qua đó củng cố yêu sách rằng các hòn đảo tranh chấp phải được coi là lãnh thổ của Trung Quốc.
“Vật chắn ngang cửa”?
Trong thảo luận công khai của “cộng đồng chiến lược” Trung Quốc, những biện pháp của nước này nhìn chung được coi là mang tính phòng thủ. Những biện pháp này sẽ không cho phép một liên minh thù địch kiểm soát hoàn toàn các đảo và khu vực ven biển trên Biển Đông. Trong mắt các chiến lược gia quân sự của Trung Quốc, “chuỗi đảo thứ nhất” có thể trở thành một đường phong tỏa trong trường hợp xảy ra xung đột; họ nhìn thấy trong sự hiện diện trên Biển Đông khả năng đảm bảo tự do hoạt động hàng hải hướng ra Ấn Độ Dương. Theo đó, Bắc Kinh coi các quần đảo này như là “vật chắn ngang cửa”. Nhưng tính toán này không phải là nền tảng cho một “đại chiến lược” để giành vai trò bá chủ trong khu vực như người ta thường phỏng đoán, mà là nỗ lực để tránh bị bóp nghẹt bởi các tuyến đường kết nối trên biển của chính mình.
Theo quan điểm của Trung Quốc, vị trí địa lý không thuận tiện cũng có tác động tại đây: Nếu một liên minh chống Trung Quốc do Mỹ lãnh đạo trên thực tế có ý định thực hiện một sự bóp nghẹt như vậy, ở đây sẽ có một loạt các khả năng: Từ phong tỏa eo biển Malacca cho tới ngăn chặn tiếp cận vịnh Persian. Vì vậy, một sự hiện diện của Trung Quốc trên các quần đảo chỉ có thể là một trong số nhiều biện pháp phòng ngừa (và hoàn toàn không phải là biện pháp quan trọng nhất) để đảm bảo an toàn cho các tuyến đường kết nối trên biển. Người ta cũng nhận thấy một loạt các sáng kiến của Trung Quốc nhằm mục đích có được một sự hiện diện dọc theo các tuyến đường kết nối trên biển thông qua Ấn Độ Dương, biển Đỏ và biển Địa Trung Hải. Vì vậy, hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn là một phần của một chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, ý nghĩa của các quần đảo này đối với thành công toàn bộ của chiến lược không nên bị đánh giá thấp. Câu hỏi liệu Singapore, Indonesia và Malaysia sẽ có lập trường như thế nào trong trường hợp xung đột leo thang quan trọng hơn câu hỏi Trung Quốc sẽ sử dụng hòn đảo nào trong số các đảo tranh chấp và dưới hình thức nào.
Kết luận tạm thời: Giá trị chiến lược quân sự hạn chế của các hòn đảo
Bất chấp những lợi ích đã được nêu đối với hậu cần, do thám và giám sát, giá trị bổ sung về mặt quân sự của các hòn đảo là rõ ràng. Việc kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không mang tính quyết định đối với việc kiểm soát Biển Đông: Không quốc gia nào có ý tưởng đạt được sự thống trị về mặt quân sự trên biển Địa Trung Hải bằng cách chiếm đảo Malta hay đảo Lampedusa. Từ quan điểm quân sự, tuy việc kiểm soát các hòn đảo trong một vùng biển rìa lục địa có thể gây khó khăn cho các đối thủ trong việc sử dụng vùng biển này, chính các đường tiếp cận cũng như các vùng đất bao quanh mới mang tính cốt yếu đối với việc kiểm soát khu vực. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi xét tới diện tích nhỏ của các đảo tranh chấp, sự xa cách của chúng đối với đất liền Trung Quốc và tính dễ bị tổn thương của các tiền đồn mới được xây dựng trên đó. Việc chiếm đóng các đảo mà không kiểm soát các con đường tiếp cận Biển Đông và bờ biển của nó chỉ có ít giá trị về mặt quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Mỹ. Ngay cả khi Trung Quốc hiện nay đang tập trung nhiều nỗ lực đa dạng đối với các đảo này, trong tương lai gần các đảo này cũng sẽ không tạo điều kiện cho Trung Quốc kiểm soát Biển Đông về mặt quân sự. Đánh giá hoài nghi này về giá trị quân sự của các đảo trước hết áp dụng trong trường hợp xảy ra đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, các đảo tranh chấp cũng đóng một vai trò trong các kịch bản mà theo đó không xảy ra xung đột vũ trang toàn diện.
Một bước đi tiến tới sáp nhập các đảo còn lại
Các biện pháp mở rộng được nhắc tới ở trên của Trung Quốc giúp ngăn chặn một cuộc tập kích của đối phương; đồng thời với các biện pháp này, một điểm khởi đầu đã được thiết lập cho việc chiếm các đảo gần kề và mở rộng sự bành trướng của Trung Quốc. Các nguồn lực cần có cho việc này, bao gồm máy bay trực thăng, máy bay, tàu nổi và tàu ngầm, có thể được đưa tới các tiền đồn và nhanh chóng tới được các đảo đã được đưa vào tầm ngắm. Ngược lại, bên phòng thủ phải trông cậy vào việc cung cấp sự hỗ trợ lâu dài và trong một số trường hợp chứa đựng nhiều nguy hiểm từ đất liền. Trường hợp này mở ra một lựa chọn nhanh chóng thiết lập thực tế mới cho ban lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng một lợi thế chiến lược-tác chiến như vậy cũng phải được kết hợp vào bối cảnh chung. Ngay cả việc kiểm soát nhiều hơn các đảo cũng không làm gia tăng lợi ích chiến lược quân sự của chúng cho bất cứ bên sở hữu nào, lợi ích của các đảo phần nhiều bị giới hạn. Về mặt này, nếu Trung Quốc chiếm thêm nhiều đảo khác trên Biển Đông, cũng không có điều gì thay đổi đáng kể trong tình hình quân sự chung. Ngược lại, nếu không có sự tham gia của các nước láng giềng và việc phát triển sức mạnh hải quân ở mức độ định lượng và chất lượng ngang với của Mỹ, việc Trung Quốc chiếm đóng các đảo khác vẫn chỉ là một chiến thắng kiểu Pyrrhic (chiến thắng nhưng với thiệt hại quá lớn cho bên thắng), vì nước này rất có thể sẽ phải trả giá đắt với sự hình thành sức mạnh đối trọng của các nước láng giềng bị ảnh hưởng.
Kiểm soát các tuyến đường biển dưới ngưỡng một cuộc chiến tranh
Việc kiểm soát các đảo trên Biển Đông thường xuyên được đánh đồng với việc kiểm soát giao thông bằng tàu trong khu vực. Nếu hai điều này trên thực tế có giá trị tương đương, các tác động đối với xuất khẩu và nhập khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc có thể xuất hiện. Tuy nhiên, sự đánh đồng này là không hợp lý. Vai trò của việc kiểm soát các đảo đối với cơ chế kiểm soát trên Biển Đông của Trung Quốc không nên bị đánh giá thấp. Bất chấp những vấn đề kinh tế và pháp lý, các đảo được mở rộng sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị nhỏ trên biển, ví dụ như lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc, giám sát khu vực với thời gian dài hơn và cấp độ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, khu vực biển bao quanh các đảo tranh chấp lại lớn tới mức gây rất nhiều khó khăn cho việc kiểm soát và khiến các biện pháp phong tỏa hiệu quả khó có thể thực hiện được. Giữa các tiền đồn do Trung Quốc kiểm soát ở cực Tây và đất liền Việt Nam là vùng biển kéo dài hơn 500km. Khu vực nằm giữa quần đảo Trường Sa ở phía Nam và quần đảo Hoàng Sa ở phía Bắc cũng có diện tích rộng tương tự. Những khu vực với quy mô lớn như vậy khó có thể kiểm soát một cách hiệu quả dưới ngưỡng sử dụng sức mạnh quân sự. Vì vậy, các tiền đồn trên quần đảo Trường Sa cũng khó có thể làm thay đổi điều gì.
Tình hình sẽ khác đi nếu Trung Quốc cố gắng ngăn chặn các tuyến đường thương mại thông qua Biển Đông, trong đó nước này đe dọa sử dụng vũ lực. Việc này sẽ có tác động lên các nền kinh tế phát triển tại Đông Á. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể tạo ra được tác động này ngay cả khi nước này không kiểm soát các quần đảo: Khi xét tới tầm bắn của các hệ thống vũ khí của Trung Quốc, sức mạnh quân sự chống lại giao thông dân sự bằng tàu có khả năng đe dọa đáng tin cậy cho dù từ đảo Hải Nam hay từ đất liền Trung Quốc. Tuy nhiên, một kịch bản như vậy rất có khả năng sẽ khiến Mỹ phải can thiệp. Ngay cả việc phong tỏa các tuyến đường kết nối trên biển cũng khó có thể tạo ra những rắc rối mang tính sống còn đối với Nhật Bản. Một sự thay đổi các tuyến đường kết nối trên biển của Nhật Bản sang phía Đông sẽ đem lại nhiều phiền toái nếu xét về mặt kinh tế, nhưng hầu như có rất ít tác động khi nhìn từ khía cạnh chiến lược.
Bảo đảm nguyên trạng
Việc củng cố sự hiện diện của Trung Quốc trên các đảo tranh chấp có một lợi ích phòng thủ đối với Bắc Kinh: Các bức ảnh chụp từ trên không đã cho thấy sự mở rộng giống với xây dựng một pháo đài của Trung Quốc trên các đảo. Việc này không khiến chúng ít bị tổn thương hơn trước một đợt ném bom toàn diện. Nhưng người ta sẽ không còn có thể chiếm được các đảo với cơ sở hạ tầng quân sự được mở rộng như vậy trong một cuộc tập kích. Bên tấn công sẽ phải thực hiện các hoạt động đổ bộ phức tạp từ biển hoặc từ trên không. Chỉ xét về mặt quân sự, các quốc gia láng giềng còn lại không có khả năng thực hiện các hoạt động như vậy. Việc triển khai các hệ thống vũ khí phòng không trên một số đảo tranh chấp sẽ ngăn chặn các lực lượng không quân nhỏ hơn, không đặc biệt hiện đại của các nước láng giềng thực hiện một sự can thiệp. Như vậy đối với các nước láng giềng, những nước có năng lực quân sự kém hơn hẳn so với của Trung Quốc, một sự thay đổi nguyên trạng mà không có sự can thiệp của Mỹ khó có thể xảy ra.
Tuy nhiên, sự can thiệp của Mỹ cũng chứa đựng nhiều nguy cơ: Sau khi mở rộng các tiền đồn mới, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng gây thiệt hại cho bên tấn công. Một sự can thiệp có giới hạn của Mỹ vì vậy sẽ đi kèm với các phí tổn cao hơn cả về quân sự lẫn chính trị.
Kết luận
Việc Bắc Kinh theo đuổi nỗ lực kiểm soát các quần đảo trên Biển Đông hoàn toàn không được coi là điềm báo cho một sự triển khai sức mạnh quân sự lớn ở Đông Nam Á. Từ quan điểm quân sự, cách tiếp cận của Trung Quốc là không hợp lý khi đặt nó trong một “đại chiến lược” mang tính tấn công: Nhìn chung, cách tiếp cận này đem lại cho Trung Quốc rất ít lợi thế quân sự, nhưng lại tạo ra những phí tổn đáng kể về chính trị, vì nó tạo điều kiện cho các nước Đông Nam Á khác hình thành sức mạnh đối trọng, bao gồm cả sự can dự được tăng cường của Mỹ và Nhật Bản trong khu vực. Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự toàn diện, các quần đảo này sẽ trở thành một gánh nặng về tác chiến-chiến lược: Trung Quốc hoặc sẽ phải chấp nhận mất mặt và từ bỏ các hòn đảo này hoặc phải bảo vệ chúng với nguy cơ cao dành cho lực lượng không quân và hải quân của mình. Và ngay cả khi bảo vệ thành công, người ta chưa rõ Trung Quốc sẽ có lợi thế chiến lược nào từ việc kiểm soát các quần đảo. Nhìn chung, sự quyết liệt của Trung Quốc khi khẳng định yêu sách chủ quyền của họ đối với các đảo trên Biển Đông không có sự liên quan nào tới lợi ích chiến lược quân sự thực sự của các đảo này.
Tuy vậy với việc mở rộng các hòn đảo, bên cạnh những lợi thế dễ thấy về hậu cần, giám sát không phận và do thám, Trung Quốc đã tạo ra bước tiến đáng kể trước các nước khác để nâng cao yêu sách chủ quyền đối với các đảo, vì các nước này sẽ không còn có thể thay đổi được điều gì trong cán cân kiểm soát hiện nay kể cả với sức mạnh quân sự. Hệ quả là Bắc Kinh có thể thể hiện bản thân ở trong nước như là người bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc trước một công chúng chú ý rất kỹ tới các tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Trong bối cảnh này, chính trị châu Âu ít nhất nên xem xét lại hình ảnh Trung Quốc như là một bên tham gia hung hăng và theo chủ nghĩa xét lại, một nước đang từng bước thực hiện một kế hoạch vĩ đại. Một tính toán phòng thủ và nhằm mục đích bảo vệ nguyên trạng có thể là nền tảng cho các hoạt động của Trung Quốc nhằm mở rộng các đảo trên Biển Đông.
Các nhà quan sát vốn đang lo lắng về cán cân quân sự trong khu vực nên coi vấn đề Đài Loan có tầm quan trọng lớn hơn: Một khi Đài Loan không còn là một phần trong một liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc, tình hình chiến lược quân sự tại Đông Á và Đông Nam Á sẽ có thay đổi bền vững hơn so với thông qua những “lợi ích” đột ngột từ các đảo của Trung Quốc. Người ta phải chờ xem liệu đánh giá tỉnh táo này có tìm được đường vào cuộc tranh luận đầy cảm xúc đang diễn ra giữa các nước ven Biển Đông hay không. Nhưng đây sẽ không phải là lần đầu tiên một cuộc khủng hoảng thực sự bùng nổ vì một đối tượng tranh cãi có tầm quan trọng thấp kém.
Đối với chính trị châu Âu, điều quan trọng hơn là thúc đẩy tất cả các bên tham gia xung đột có một đánh giá hợp lý nhất có thể về tình hình. Tuy đúng là châu Âu nên tiếp tục thúc đẩy một giải pháp hợp lý cho xung đột, nhưng khối này cũng nên thể hiện rõ với tất cả các bên tham gia rằng “bên chiến thắng” trong một cuộc xung đột không nên trông đợi có được lợi ích mà xứng đáng với cái giá phải trả cho xung đột. Vì vậy trong bước đi đầu tiên, chính trị châu Âu nên tránh cách diễn giải về ý nghĩa chiến lược quyết định của các đảo tranh chấp, mà trước hết đang được các phương tiện truyền thông truyền tải./.
Theo “Militärstrategische Bedeutung des Südchinesischen Meeres” - Đức
.http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/5449-y-nghia-chien-luoc-quan-su-cua-bien-dong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét