Trước đây không lâu, Thổ Nhĩ Kỳ thường được Phái Tân Bảo Thủ o bế như một đồng minh then chốt và một quốc gia dân chủ mẫu mực trong thế giới Hồi Giáo. Giờ đây tình hình đã đổi khác. Trước những sự kiện: Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Brazil, đã tỏ lập trường trái ngược với Hoa kỳ về vấn đề nguyên tử Iran, và phản ứng giận dữ của Tổng Thống Erdogan trước hành động tấn công đoàn tàu chở hàng cứu trợ vào vùng Gaza gây tử vong cho chín công dân Thổ Nhĩ Kỳ của Israel, Phe Tân Bảo Thủ đã hoàn toàn thay đổi thái độ.
Trong thực tế, phản ứng mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là sự đổ vỡ trong quan hệ với Israel – một đồng minh thiết thân của Mỹ – đã khiến chính quyền Obama vội vã tìm cách xoa dịu người Thổ Nhĩ Kỳ mà không phải lên án cuộc tấn công của Israel.
Không những phe hữu đã chỉ trích, mà ban biên tập tờ Washington Post cũng đã tố cáo chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vì “thái độ mị dân thô bạo chống lại Israel là điều không thể chấp nhận đối với một thành viên của NATO”[1], trong khi tờ Christian Science Monitor cũng đã gọi đó là “hành động quá đáng” (over the top), đã gợi lên hình ảnh bóng ma “chống Do Thái” (anti-Semitism), và quả quyết giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây sẽ phải đối diện với “ nguy cơ đánh mất tính khả tín và mục tiêu một quốc gia mong được giữ vai trò trung gian giải quyết các vấn đề khó khăn trong khu vực”[2]. Trong một mẩu tin, tờ The New York Times đã đăng lại lời tuyên bố truyền thống về vấn đề nầy của Steven A. Cook, một học giả thuộc Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại, theo nhãn quan của Hoa Thịnh Đốn: “Ở Hoa Thịnh Đốn, Thổ Nhĩ Kỳ được xem luôn bận rộn chạy quanh trong khu vực làm những điều trái ngược với những gì các đại cường trong khu vực mong muốn”[3]. Cook nói, vấn đề đặt ra là “Làm thế nào chúng ta giữ người Thổ Nhĩ Kỳ đi đúng lằn đường dành cho họ?”[4].
Chúng ta có thể tự hỏi, lằn đường đó là lằn đường nào? Có lẽ là đường cao tốc xuyên Trung Đông Hoa Thịnh Đốn muốn Thổ Nhĩ Kỳ phải bám theo. Nhưng khi uy thế của siêu cường Hoa Kỳ đang ngày một tuột dốc, sân khấu toàn cầu từ nay ngày một rộng mở cho nhiều mô hình sinh hoạt chính trị mới đủ loại. Tương lai sẽ mang lại nhiều bất ngờ, và điều rất đáng ngạc nhiên nếu Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một trong những bất ngờ đó.
Thổ Nhĩ Kỳ VÀ VAI TRÒ MỚI
Ngày nay nhiều người trên thế giới nghĩ: tương lai thuộc về Trung Quốc (TQ). Nếu một công ty đa quốc gia không dành chỗ cho TQ trong kế hoạch kinh doanh của mình, công ty đó sẽ bị thua thiệt và sẽ gặp sự đố kỵ của chính các cổ đông. Ngôn ngữ lựa chọn bởi các sinh viên nhiều tham vọng trong những năm đầu đại học là tiếng quang thoại. Các nhà tương lai học có óc quyết đoán luôn ám ảnh bởi một cọ xát có thể xẩy ra giữa Hoa Kỳ và TQ. TQ còn sở hữu nhiều bất động sản trong trí tưởng tượng của nhiều tác giả ngụ ngôn. Hầu hết những hành động trong tiểu thuyết The Diamond Age của Neal Stephenson, chẳng hạn, đều xẩy ra ở TQ tân-Khổng Giáo tương lai, trong khi phi hành đoàn trên tàu không gian trong TV show‘Firefly‘ trộn lẫn những ngôn từ nguyền rủa TQ trong lúc chuyện trò đối thoại .
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại không có sự hiện diện tương tự trong viễn kiến của người Mỹ về tương lai? Các nhân vật trong các tiểu thuyết khoa học giả tưởng không nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Các chương trình tiếng Thổ Nhĩ Kỳ rất hiếm hoi trong các trường đại học Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không đủ điều kiện để hiện diện trong bộ tứ BRIC gồm Brazil, Russia, India, và TQ. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ luôn hiện diện trong văn hóa Tây phương như một vùng đất lạc hậu của các món thịt ướp nấu với rau quả Kebabs, các cửa hàng tạp hóa, và các nhân công du cư.
Tạm quên đi yếu tố dân tộc, Thổ Nhĩ Kỳ lập tức có thể trở thành một ứng viên siêu cường tương lai. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 17 trên thế giới, và theo Goldman Sachs, có thể vươn lên địa vị một trong 10 nền kinh tế hàng đầu vào năm 2050. Sức mạnh kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được bảo vệ hữu hiệu: sau nhiều thập kỷ trợ giúp của NATO, guồng máy quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã là một cường quốc cấp khu vực.
Có lẽ quan trọng hơn hết, Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa lý huyết mạch, giao điểm giữa Âu châu, Trung Đông, và Trung Á. Một cộng hòa dân chủ Hồi giáo, tọa lạc trên tàn tích của cổ thành Byzantium (Istanbul), Thổ Nhĩ Kỳ là nhịp cầu nối các truyền thống Judaism-Cơ Đốc, nằm trên mắt xích chính trị năng lượng. Người ta thường nói mọi con đường đều dẫn tới La Mã; ngày nay, mọi tuyến dẫn dầu hình như đều dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu quy chế siêu cường rập theo quy luật bất động sản – tọa độ, tọa độ, tọa độ – Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã là siêu cường hàng đầu.
Dù mới chỉ là một cường quốc hạng trung, Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngần ngại xen vào nhiều vấn đề tranh cãi. Chỉ trong vòng tháng 5-2010, những nỗ lực làm trọng tài, trung gian hòa giải, của Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã báo hiệu một lối thoát khả dĩ cho cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Iran, và Ankara cũng đã hỗ trợ một đoàn tàu tìm cách phá vỡ bức tường cô lập giải Gaza của Israel. Với hai sự kiện đó và nhiều sự can thiệp cỡ nhỏ, Thổ Nhĩ Kỳ đã bước ra khỏi bóng tối và hiện đang lăm le chiếm một vị trí nổi trội trên sân khấu chính trị thế giới, trước đây đã có lần Đế quốc Ottoman chiếm giữ. Trong thế kỷ 17, Đế quốc Ottoman là lực lượng đáng gờm, trải rộng từ vùng Balkans đến Vienna trước khi suy yếu dần trong suốt 200 năm kế tiếp để trở thành “con bệnh của Âu châu” (the sick man of Europe).
Ngày nay, tinh thần tân-Ottoman năng động đang nung nấu Thổ Nhĩ Kỳ. Sau một thời tích cực thể hiện thế quyền, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây đã bắt đầu tạo mẫu và định hình một Cộng Hòa Dân Chủ Hồi Giáo ôn hòa. Một thời dưới thể chế độc tài quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trên lộ trình chế ngự giới quân nhân trong một trật tự pháp trị. Một thời không chấp nhận đa chủng, giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu duyệt xét lại ý nghĩa làm người Thổ Nhĩ Kỳ. Kinh tế một thời ngủ say, Thổ Nhĩ Kỳ nay đang trở thành một Cộng Hòa Hồi Giáo Calvinist. Quan trọng hơn cả, Thổ Nhĩ Kỳ đang chuyển hóa và định hình một chính sách đối ngoại mới. Đoạn tuyệt với nửa thế kỷ lệ thuộc Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ nay đang tạo dựng một vai trò địa chính trị độc lập.
Đã hẳn sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ đã không hề dễ dàng. Số người Thổ Nhĩ Kỳ ưa chuộng thế quyền không hề thoải mái với những biểu hiện khẳng định bản sắc Hồi giáo gần đây, nhất là khi được nhà nước yểm trợ. Người Kurds ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ là công dân hạng hai; và mặc dù đã mất một phần uy thế, phe quân sự vẫn còn nhiều quyền hành và tiếng nói.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi chính trị Trung Đông và thách thức ý niệm truyền thống của Hoa Thịnh Đốn như một trọng tài không thể thay thế trong khu vực. Trong thế kỷ 21, mô hình Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thoát khỏi thể chế độc tài, tập trung vào tăng trưởng kinh tế và các giá trị xã hội bảo thủ, có sức lôi cuốn lớn lao đối với thế giới đang phát triển.“Đồng thuận Ankara” (Ankara Consensus) một ngày nào đó có thể cạnh tranh ngang ngửa với mô hình chính trị và kinh tế của Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn. Mô hình Thổ Nhĩ Kỳ, tuy vậy, cũng đã khơi dậy sự kết án của cánh hữu như một đe dọa Hồi giáo kinh điển đang trỗi dậy ở ngoại vi Âu châu. Liz Cheney, một bình luận gia Tân bảo thủ, còn đi xa hơn, đã tưởng tượng ra một hình thái mới – “trục ma quỉ theo kiểu George W. Bush” – trong đó Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, và Syria đã trở thành ba bóng ma đen tối.
Trên đây là những chỉ dấu Thổ Nhĩ Kỳ quả thật đã bắt đầu tỉnh giấc sau nhiều thế kỷ ngủ say đến khi thức tỉnh, như Napoleon đã nói về TQ, thế giới sẽ rung chuyển.
RA KHỎI CHỦ THUYẾT OTTOMANISM
Constantinople có lần là giấc mơ của các học giả Đông phương. Năm 1877, Edmondo de Amicis, một tác giả Ý, đã viết: “Istanbul xa xưa không phải là một thành phố; không lao động, không suy tư, không sáng tạo; văn minh đến gõ cửa và tấn công Istanbul trên đường phố, nhưng Istanbul vẫn sống trong mơ và ngủ quên trong bóng mát của các giáo đường, và không hề lưu ý”[5].
Lần đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ-được-đánh-thức đã đến với Kemal Ataturk, một sĩ quan canh tân đến từ Salonika, người đã tạo dựng một xứ sở mới từ những vật liệu không có gì hứa hẹn còn sót lại sau khi Đế quốc Ottoman sụp đổ. Dứt khoát với một Caliphate [dưới sự lãnh đạo thần quyền của một giáo sĩ Hồi giáo về dân sự cũng như tôn giáo] năm 1924, Ataturk đã mô phỏng một nhà nước thế quyền theo mô hình của Pháp: trung ương tập quyền, một quân đội tân tiến, và một sự phân ranh rành mạch giữa hai địa hạt công và tư. Đã hẳn, đây không phải là một tiến trình đơn giản: Ataturk đã đưa một Thổ Nhĩ Kỳ đang dỗi hờn đề kháng vào thế kỷ 20.
Tình trạng đề kháng đã kéo dài trong suốt thế kỷ 20. Phe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ chịu hoàn toàn thần phục quyền lãnh đạo dân sự. Họ đã bốn lần chiếm lại chính quyền kể từ 1960. Trong hai thập kỷ 1980s và 1990s, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã giết hại hàng nghìn công dân của chính họ trong cuộc chiến bẩn thỉu chống lại người Kurds và người Thổ Nhĩ Kỳ tả phái, và đánh đập, tra tấn và giam cầm nhiều người khác. Giới lãnh đạo cai trị như một đồn binh – với tâm trạng e sợ người nước ngoài, được đạo quân thứ năm giúp đỡ, luôn tìm cách chia cắt đất nước, giống như các cường quốc thực dân đã từng tìm cách thực hiện trong năm 1920 với Thỏa Ước Sevres.
Tuy nhiên, trong thập kỷ 1980s, toàn cầu hóa kinh tế bắt đầu xói mòn tâm trạng một đồn binh, khi Tổng Thống Turgut Ozal tìm cách kết nối Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với thế giới bên ngoài qua các cải cách: phát triển xuất khẩu, và xây các nhịp cầu kinh tế, thay vì dựng lên những bức tường nghi kỵ cách ly. Chẳng hạn, trong suốt tám năm chiến tranh Iran-Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối đứng về một phía , luôn giữ thái độ thân thiện với cả đôi bên.
Trong thời gian đó, Istanbul đã chuyển biến và đã trở thành một trung tâm của lao động, suy tư, và sáng tạo, hướng về Âu châu và Hoa Kỳ ở phương Tây và Trung Đông và Trung Á về phương Đông. Ngay cả Central Anatolia và thành phố then chốt Kayseri, đã từng được xem như vùng sâu vùng xa, cũng đã trỗi dậy như một trung tâm kỹ nghệ chế biến sống động. Theo Influential 2005 Report của European Stability Initiative về các Calvinists Islamic mới của Thổ Nhĩ Kỳ, “trong khi vẫn còn là một xã hội thần quyền và bảo thủ, Anatolia cũng đã trải nghiệm những gì được gọi là ‘Cải Cách Hồi Giáo Thầm Lặng’. Nhiều nhà lãnh đạo doanh thương ở Kayseri còn truy nguyên các thành công kinh tế của họ từ tinh thần làm việc Tin Lành”[6].
Đến thập kỷ 1990s, Ngôi Sao Hồi Giáo (the star of Islam) – tên gọi Thổ Nhĩ Kỳ của tạp chí The Economist – đã tiến tới mức xa nhất có thể trong giới hạn của mô hình Ataturk hiện hữu. Năm 1997, giới quân sự, một lần nữa, đã lật đổ cấp lãnh đạo dân sự trong một cuộc đảo chánh thầm lặng, và Thổ Nhĩ Kỳ hình như đã bước lùi trở lại với một quá khứ đa nghi mang tính hiếu chiến. Cuộc chiến Kurdisk bùng nổ; tình hình căng thẳng lên cao với Nga về Chechnya; một cuộc khẩu chiến với Hy Lạp vì tranh chấp lãnh hải. Và Thổ Nhĩ Kỳ suýt nữa gây chiến với Syria về vụ dung dưỡng lãnh tụ Kurdish ly khai – Abdullah Ocalan.
Nhưng cuộc đảo chánh thầm lặng cũng chỉ là cố gắng cuối cùng áp đặt sự phát triển chính trị kinh tế trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ dưới guồng máy kiểm soát chặt chẽ hơn của quân đội. Chẳng bao lâu, giới quân sự cũng phải nhường bước, và Đảng Công Lý và Phát Triển, chịu ảnh hưởng Hồi Giáo (Islam-influenced Justice and Development Party – AKP), lên nắm chính quyền vào năm 2002, chuẩn bị nới rộng cơ sở chính trị sau cuộc bầu cử 2007.
CHÍNH SÁCH ZERO PROBLEMS
Trong suốt thế kỷ 20, địa lý đã chứng tỏ là yếu tố bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cảm thấy bị bao vây bởi các xứ thuộc Ottoman trước đây đang mang nhiều hận thù với nhà nước kế thừa. Trò ảo thuật của AKP đã chuyển hóa bất lợi thành một tích sản. Thổ Nhĩ Kỳ của thế kỷ 21 trở thành một quyến rũ. Giống như TQ, Thổ Nhĩ Kỳ đã khám phá những lợi điểm của uy lực mềm và những đức tính của uy lực nầy trong kỷ nguyên áp đảo kinh tế và quân sự của Mỹ.
Lãnh đạo bởi ngoại trưởng Ahmet Davutoglu, nguyên một nhà giáo, người đã cung cấp chương trình hành động cho chính sách mới –láng giềng tốt- trong tác phẩm ‘Chiều Sâu Chiến Lược’ (Strategic Depth) xuất bản năm 2001. Thổ Nhĩ Kỳ hứa hẹn sẽ “không có vấn đề với các lân bang” (zero problems with neighbors). Trong từ ngữ chính sách đối ngoại, Davutoglu đề nghị định hình một địa bàn ảnh hưởng cho Thổ Nhĩ Kỳ, qua đường lối chính trịcân bằng-quyền lực khôn ngoan. Giống như TQ, Thổ Nhĩ Kỳ hứa hẹn sẽ không can thiệp vào chuyện nội bộ của các đối tác. Thổ Nhĩ Kỳ cũng nỗ lực hàn gắn những quan hệ với các quốc gia láng giềng và kết thân, giao hảo với các xứ xa xôi. Thực vậy, giống như Bắc Kinh, Ankara cũng có những tham vọng toàn cầu. Có lẽ việc thay đổi chính sách ngoạn mục nhất của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vùng Kurdish tự trị của Iraq. Tình trạng thư giản do AKP giàn dựng, có thể so sánh với chính sách quan hệ thân thiện với TQ đáng kinh ngạc của Richard Nixon trong thập kỷ 1970s, đã nhanh chóng biến một cựu thù thành một xứ không mấy khác đồng minh. Tháng 3-2010, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi nhân viên ngoại giao đầu tiên đến Arbil, thủ đô của Iraqi Kurdistan, thiết lập lãnh sự quán ở đó. Ngày nay, như nhà báo Jonathan Head đã viết, 70% số đầu tư và 80% các sản phẩm trao đổi trong vùng Kurdish của Iraq xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Hiểu rõ khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq, các khu vực Kurdish sẽ rộng mở đón nhận ảnh hưởng kinh tế, chính trị và dễ xâm nhập, Ankara đã thiết lập một “hội đồng hợp tác chiến lược”(strategic cooperation council) để thương thảo và định hình quan hệ mới với Iraq trong năm 2009; và hội đồng cũng được xem như mô hình cho những sắp xếp tương tự với Syria, Bulgaria, Hy Lạp, và Liên Bang Nga.
Thư giản với Iraqi Kurdistan đã được tiến hành song song với nỗ lực giảm thiểu căng thẳng trong quan hệ giữa Ankara và dân Kurdish của chính Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng xung đột đã kéo dài nhiều thập kỷ. Cho đến đầu thập kỷ 1990s, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã giữ thái độ tảng lờ như không có sự hiện diện của ngôn ngữ Kurdish. Ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang có một đài truyền hình quốc gia tiếng Kurdish, phát hình 24 giờ mỗi ngày, và một phân khoa mới dạy tiếng Kurdish tại Đại Học Mardin Artuklu University. Chính quyền cũng đã bắt đầu chấp nhận dân tỵ nạn Kurdish cũng như số du kích Kurdish thuộc Đảng Kurdistan Workers’ Party (PKK) trở về từ miền Bắc Iraq.
Những sắp xếp nầy không dễ được phe quốc gia chấp nhận. Trong tháng 12-2009, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm đảng chính trị Kurdish hoạt động, và hồi đầu năm 2010, phe quân sự đã nhiều lần tấn công các mục tiêu PKK bên trong Iraq. Tuy nhiên, đảng AKP vẫn liên tục đẩy mạnh các cải cách, kể cả đề xướng nhiều đổi thay trong hiến pháp, lần đầu tiên cho phép tòa án dân sự xét xử các cấp chỉ huy quân sự phạm tội.
Những thay đổi – từ bỏ hay không còn xem các kẻ thù quốc nội như quỷ dữ – rất thiết yếu trong chiến lược của AKP: giảm thiểu quyền hạn giới quân sự trong nội chính. Thực vậy, kiềm chế giới quân sự là mục tiêu hàng đầu của các lãnh đạo AKP, nhằm tăng cường ổn định chính trị, cải tiến viễn tượng gia nhập Liên Hiệp Âu châu trong tương lai, và dẹp bỏ một đối thủ hùng mạnh đối với các cải cách quốc nội, cũng như với đảng AKP.
Ít đáng ngạc nhiên hơn những cử chỉ của chính quyền đối với người Kurds là chương trình chuyển đổi quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp. Hai xứ trước đây luôn kình địch – xung đột về đảo Cyprus bị chia cắt vẫn là bất đồng quan trọng nhất. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp hiện nay có thể là dịp may trong tai họa (a blessing in disguise) đối với quan hệ hai nước.
Chính quyền Hy Lạp – trước khủng hoảng tài chánh và áp lực kinh tế ngày một gia tăng từ Liên Hiệp Âu châu – đang cần một biện minh cho dự án cắt xén ngân sách quốc phòng. Tháng 5-2010, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan viếng thăm Hy Lạp và, sau khi ký kết 21 thỏa ước về di dân, môi trường, văn hóa…, cũng đã khởi sự thăm dò khả năng tài giảm binh lực, một việc trước đây không thể nào quan niệm được. Erdogan tuyên bố trước truyền hình Hy lạp : “Cả hai xứ đang chi tiêu quá nhiều về quốc phòng, và cả hai sẽ tiết kiệm được rất nhiều theo cách nầy [ cắt giảm ngân sách quốc phòng]”.[7]
Nếu có thể xích lại gần Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thắng được một trifecta [đoán đúng 3 tay thắng cuộc theo đúng thứ tự về đích 1,2,và 3]. Hai nước bất đồng về số phận của khu Nagorno-Karabakh, trung tâm của sự tranh cãi giữa Armenia và Azerbaijan, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề lãnh thổ càng thêm phức tạp vì lịch sử tranh cãi lâu năm. Armenia muốn Thổ Nhĩ Kỳ phải nhận trách nhiêm trong chiến dịch giết hại hơn một triệu người dân Armenia năm 1915 của đế quốc Ottoman. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận con số nạn nhân và từ chối xem vụ việc như biến cố “diệt chủng”. Tuy nhiên, năm 2009, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia cũng đã bắt đầu thương nghị trực tiếp về việc mở cửa biên giới trở lại và tái lập quan hệ ngoại giao. Mặc dù chưa có tiến bộ chính thức, hai phía vẫn tiếp tục bí mật thương thảo.
Nhiều nỗ lực ngoại giao khác cũng rất thành công. Năm 2004, sau 57 năm, lãnh đạo Syria, Bashar Assad, lần đầu tiên đã đến viếng thăm Ankara. Trong lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã củng cố quan hệ với Liên Bang Nga, duy trì quan hệ với Iran, và nối lại quan hệ với các quốc gia Balkans. Chiến dịch kết thân còn ấn tượng hơn cả cuộc vận động tương tự của TQ ở Á châu.
TRỌNG TÀI HÒA GIẢI
Làm bạn với mọi phía, Thổ Nhĩ Kỳ đang cung cấp dịch vụ môi giới ngoại giao, thậm chí ở những nơi cách đây không lâu Thổ Nhĩ Kỳ còn bị xem như thành phần bất khả chấp nhận hay bất hảo – persona non grata. Sule Kut, một chuyên viên Balkans tại đại học Bilge University ở Istanbul, đã nhận xét: “Rất ít ai có thể tưởng tượng người Serbians lại có thể yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra hòa giải các nhóm Bosniak trong vùng Sandjak thuộc Serbia. Trong lịch sử Serbian, người Thổ Nhĩ Kỳ, trước đây, được xem như những phần tử xấu. Như vậy, không rõ điều gì đang xẩy ra? Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển biến thành một tay chơi khả tín và hùng mạnh trong khu vực”[8].
Cũng không phải chỉ ở vùng Balkans. Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay đã trở thành một Trung Tâm Hòa Giải. Cùng với Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ đã thành đạt một thỏa hiệp bất ngờ nhằm tránh đụng độ với Iran về chương trình nguyên tử. Cùng với Spain, Thổ Nhĩ Kỳ đã sáng lập Alliance of Civilizations, một nỗ lực của Liên Hiệp Quốc làm cầu nối giữa thế giới Hồi giáo và Tây phương. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm cách thương thảo chấm dứt biện pháp phong tỏa giải Gaza, san bằng trở ngại đối với việc triệt thoái các lực lượng quân sự Hoa Kỳ ra khỏi Iraq, làm trung gian giữa Syria và Israel, giải quyết không khí bất hòa chung quanh vụ biếm họa Mohammed, và bảo trợ hội nghị LHQ về Somalia.
“Không Có Vấn Đề Với Lân Bang” (Zero Problems With Neighbors) là khẩu hiệu lớn. Đồng thời cũng là vấn nạn nan giải. Thổ Nhĩ Kỳ không thể vồ vập Hamas mà không làm Egypt và Israel nổi giận; chỉ có thể kết thân với Liên Bang Nga với cái giá phải trả: quan hệ tốt với Georgia có thể bị tổn thương; hòa giải với Armenia sẽ làm mếch lòng Azerbaijan.
nỗ lực vượt lên trên “tư duy zero-sum” của Thổ Nhĩ Kỳ đâu có thể là việc làm dễ dàng trong thời buổi “với chúng tôi hay chống lại chúng tôi” (with us or against us) của chính quyền Bush. Ngoài ra, còn những thời kỳ căng thẳng chung quanh các nghị quyết của Quốc Hội Hoa Kỳ về vấn đề diệt chủng ở Armenia, vẫn còn là một đề tài nhạy cảm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hoa Thịnh Đốn cũng đã tỏ ra lúc một bất bình với vai trò ngày một năng động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông, nhất là việc kết thân với Syria. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ phải ứng xử hết sức khéo léo, tinh tế, trong quan hệ với Hoa Kỳ để có thể đồng thời giữ vị thế một đồng minh then chốt của NATO và một thách thức đối với uy quyền của Mỹ trong khu vực.
Cũng như đối với TQ, Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ trong vài địa hạt ngoại giao, ngay cả khi cảm thấy nhức nhối trước ảnh hưởng ngày một gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Ngược lại, Ankara, cũng như Bắc Kinh, đang tìm cách lợi dụng tối đa đà suy giảm, còn tương đối, trong ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, nhưng vẫn hợp tác với Hoa Thịnh Đốn trên căn bản từng vấn đề.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với mô hình Zero-Problems của Thổ Nhĩ Kỳ là quan hệ ngày một rắc rối hơn với Israel. Bộ ba U.S.-Thổ Nhĩ Kỳ-Israel đã có lúc là một thực thể vững chắc trong chính trị Trung Đông. Mậu dịch song phương quan trọng, kể cả các giao dịch quân sự, đã nối kết Thổ Nhĩ Kỳ với Israel; và thương mãi cũng đã gia tăng đáng kể trong kỷ nguyên AKP.
Tuy nhiên, cuộc xâm lăng Gaza năm 2008 của Israel – và việc T T Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, lên án thủ tướng Israel, Shimon Peres, sau đó tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos – đã khởi đầu quá trình rẽ lối giữa hai đồng minh, đồng thời cũng đem lại uy thế ngày một gia tăng cho Thổ Nhĩ Kỳ trong thế giới Á Rập. Tháng 10-2008, Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy bỏ cuộc tập trận chung với Israel, do đó, ảnh hưởng không tốt đến các hợp đồng quân sự đắt tiền giữa hai xứ. Tiếp theo sau chuyến tàu chở hàng viện trợ đến Gaza bị tấn công trong hải phận quốc tế, vết rạn nứt đã trở nên vô phương hàn gắn. Khi biệt kích Israeli bắt giữ đoàn tàu đang tìm cách phá vỡ chiến dịch phong tỏa Gaza, giết chín công dân Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ đã nói đến khả năng gián đoạn quan hệ ngoại giao.
Với Israel ngày một cô lập, các nỗ lực hòa giải của Hoa Kỳ ngày một mất khả tín, và Thổ Nhĩ Kỳ đã trỗi dậy mạnh mẽ hơn, những sự kiện nầy chỉ có thể giải thích như điểm khởi đầu của quá trình tái phối trí quyền lực trong khu vực. Đã từng bị nhìn với nghi kỵ trong khắp khu vực Ottomans thống trị trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ nay đã trở thành quốc gia khả tín duy nhất có thể giữ vai trò hòa giải ở Trung Đông.
TRỞ LẠI OTTOMANISM?
Tân-Ottomanism không hẵn là tên gọi ưa thích ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Cấp lãnh đạo Ankara muốn chứng minh rõ ràng: họ không có ý định phô trương quyền lực đế quốc hay tái lập một dạng “Califate Ottoman”. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn những quan hệ hữu nghị Thổ Nhĩ Kỳ đã vun quén và những quan hệ thương mãi Thổ Nhĩ Kỳ đang nâng niu với Syria, Armenia, Palestine, Iraq, Libya, Balkans, nhiều người đã nẩy ý tưởng: bản đồ một đế quốc Ottoman xưa đang trên đường tập hợp trở lại.
Nói một cách khác, cũng như AKP đã chuyển biến vị trí địa lý thành một lợi điểm, hình như AKP cũng đã thành công đổi dạng từ một hải âu đế quốc thành một ngỗng đẻ trứng vàngdưới hình thức những sắp xếp thương mãi hữu lợi. Cùng một chiến lược, TQ đã tìm cách làm sống lại hệ ý thức cổ Trung Hoa mà không gieo rắc âu lo bộ binh TQ sẽ có thể tiến vào Ấn Độ hay hải quân TQ có thể chiếm đoạt Biễn Đông, ngay cả khi TQ, giống như Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã thiết lập quan hệ hữu nghị với nhiều nước thù nghịch trước đây, kể cả Nga.
Tuy vậy, ngay cả dạng thức đáng yêu tân-Ottomanism cũng có thể làm nhiều người dựng tóc gáy. Tháng 10-2009, tại hội nghị Sarajevo, bộ trưởng ngoại giao Davutoglu đã bộc trực thổ lộ ước mơ: “Chúng tôi muốn một vùng Balkan mới, cơ sở trên cùng hệ giá trị chính trị, hỗ thuộc kinh tế, hợp tác và hài hòa văn hóa. Đó là những gì Balkans Ottoman muốn. Chúng ta sẽ làm sống lại một vùng Balkan như thế…Nhiều thế kỷ Ottoman trước đây là câu chuyện của thành công, và điều nầy nên được làm sống lại”[9].
Người ta đã chứng kiến một phản ứng giận dữ sau đó trong số bình luận gia người Serb, xem dạng lịch sử được tiểu thuyết hóa nầy như bằng chứng một ước mơ của người Thổ Nhĩ Kỳ muốn Hồi-giáo-hóa vùng Balkans.
Điều mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn nói về viễn kiến hài hòa của Balkans có thể rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập Âu châu. Ottomans và Âu châu đã đối đầu trong nhiều cuộc chiến nhằm kiểm soát vùng Balkans. Ngày nay, Liên Hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ đang cạnh tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, và mọi chuyện sẽ tùy thuộc ở viễn ảnh Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập tổ chức 27 nước Âu châu. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu hội đủ điều kiện để gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, quá trình thương thuyết từ lâu đã chững lại. Trong lúc chờ đợi, vài lãnh đạo Âu châu, như Tổng Thống Pháp, Nicolas Sarkozy, đã nói rõ lập trường chống đối đơn xin gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó, nỗi âu lo về sự lan tràn khắp Âu châu của Hồi giáo đã làm phai nhạt lòng nhiệt thành còn lây lất đón nhận thành viên mới Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy, quần chúng cũng không còn sốt sắng trong việc gia nhập EU như trước – bách phân ủng hộ đã giảm sụt từ 70% năm 2002 xuống còn 50% hiện nay. Trong thực tế, khuynh hướng quay về Trung Đông, Trung Á, và Bắc Phi của Thổ Nhĩ Kỳ, một phần, cũng chỉ là phản ứng trước sự kiện trên đây. Người Thổ Nhĩ Kỳ hình như muốn nói: Cũng được thôi. Nếu các bạn không thiết tha với chúng tôi, chúng tôi cũng có thể chơi với các bạn khác.
Quả thật, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm như vậy, nhất là trong địa hạt năng lượng. Nếu dầu khí trước đây đã được khám phá trên lãnh thổ của họ sớm hơn, một hình thức Đế quốc Ottoman nào đó rất có thể đã thượng tồn như một tay chơi năng lượng giàu nhất trong lịch sử. Tài nguyên dồi dào của Iraq, Kuwait, và Libya trước đây cũng nằm bên trong phạm vi lãnh thổ của Đế quốc Ottoman.
Ngày nay, tuy thiếu tài nguyên năng lượng, nhưng thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã ráo riết vận động để phần lớn những tuyến ống dẫn dầu đều chảy qua xứ sở của mình. Âu châu và Hoa Kỳ đã tài trợ nhiều tuyến ống dẫn (như Nabuco từ biển Caspian) chạy qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để tránh Liên Bang Nga và giảm thiểu khả năng bắt chẹt của Liên Bang Nga đối với Âu châu qua biện pháp tạm ngưng cung cấp năng lượng.
Và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không dừng lại ở đây. Ankara còn trực tiếp thương thuyết với Mạc Tư Khoa về một tuyến dẫn dầu khác, tuyến South Stream, đi từ Nga đến Bulgaria xuyên qua lãnh hải của Thổ Nhĩ Kỳ, và tuyến Samsun-Ceyhan chở dầu Nga và Kazakh từ Hắc Hải đến Địa Trung Hải xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 60% năng lượng từ Nga và 30% từ Iran. Trong ý nhĩa nầy, “không có vấn đề với lân bang” thật dễ hiểu, chẳng khác gì “không có vấn đề với các xứ cung cấp năng lượng”.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng còn cung cấp dịch vụ xây cất. Trong số 225 nhà thầu quốc tế, đã có đến 35 công ty Thổ Nhĩ Kỳ- đứng thứ hai sau TQ. Cũng như TQ, Thổ Nhĩ Kỳ không quan tâm đến chính trị nội bộ của các đối tác, và vì vậy, các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ đang xây các phi trường ở Kurdistan và các khu thương mãi (shopping malls) ở Libya. Mặc dù đang trong tình trạng căng thẳng chính trị, năm 2009, các công ty Kurd cũng đã đảm nhiệm 9 dự án xây cất, trị giá 60 triệu USD, ở Israel.
Trong địa hạt văn hóa, cũng như các viện Khổng Học do TQ thiết lập trên khắp thế giới để truyền bá ngôn ngữ, văn hóa, và hệ giá trị tân-Khổng giáo, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thành lập những Yunus Emre Foundations trong tháng 5-2009 để lo quản lý các trung tâm văn hóa ở Đức, Bosnia và Herzegovina, Macedonia, Egypt, Turkmenistan, Kazakhstan, và Israel. Trường học Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mọc lên trong hơn 80 quốc gia. Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã xâm nhập vào đời sống Trung Đông qua truyền hình, với các phim nhiều tập và soap operas truyền bá các giá trị văn hóa tự do của phái Hồi Giáo ôn hòa. Theo nhà báo Nadia Bilbassy-Charters,“các phim ảnh Thổ Nhĩ Kỳ rất táo bạo và thực tế khi đề cập đến các vấn đề bình đẳng giới tính, tình dục trước hôn nhân, ngoại tình, tình yêu say đắm, và ngay cả con ngoại hôn”[10].
BÊN NGOÀI GIỚI HẠN OTTOMANISM
Cá nhân các cấp lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có thể không mấy thoải mái với nhãn hiệu tân-Ottoman , một phần vì tham vọng của họ trong thực tế còn lớn hơn nhiều. Dạng thức một Pax Ottomanica khi mới khai triển đã mang tính hòa bình và hướng về mậu dịch, chấp nhận các quan hệ được cải thiện với Phi châu sub-Saharan, Mỹ La Tinh, và Á châu-Thái Bình Dương. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: “2005 là ‘Năm Phi châu’ “, và đã chấp nhận tư cách quan sát viên trong Liên Hiệp Phi Châu. Năm 2010, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở 8 tòa đại sứ ở các xứ Phi châu và có kế hoạch mở thêm 11 tòa đại sứ mới trong năm 2011.
Ở cấp liên-Hồi giáo – với một người Turk, Ekmeleddin Ihsanoglu, đứng đầu Tổ chức Hội Nghị Hồi Giáo (Organization of the Islamic Conference – OIC), gồm 57 hội viên, tiếng nói quốc tế hàng đầu của các xứ Hồi giáo – các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, theo quan niệm Ummah, xem OIC như cộng đồng Hồi giáo toàn cầu. Theo một số nhà phê bình, tính cách Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ, và đảng cầm quyền, cũng chịu ảnh hưởng Hồi giáo, cùng với chiến dịch chỉ trích Israel gần đây, cho thấy: Thổ Nhĩ Kỳ đang đảm nhiệm sứ mệnh tái lập, mặc dù không chính thức, một Califate Hồi giáo. Đại diện cho phe quá khích nầy, nhà sử học Trung Đông, Bernard Lewis, đưa ra lập luận: chủ nghĩa kinh điển quá khích của Thổ Nhĩ Kỳ (fundamentalism) sẽ tăng cường đến mức độ chỉ trong vòng một thập kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giống như Iran, ngay cả khi Cộng Hòa Hồi Giáo không đi cùng hướng.
Tuy nhiên, các nhà phê bình trên đây đã hiểu lầm cốt lõi của đảng AKP và mục tiêu của họ. Vẫn biết ngày nay chủ thuyết Hồi giáo đã có nhiều ảnh hưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ, tương tự như chủ thuyết Cộng sản đối với TQ. Tuy nhiên, trong cả hai xứ, điều quan trọng nhất không phải ý thức hệ, mà là quyền lực chính trị của các đảng cầm quyền. Tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, và ngoại giao với quyền lực mềm, đã thắng thế đối với tính nhất trí trong ý thức hệ. Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng tỏ tinh thần quốc gia và khẳng định nhiều hơn; và uyển chuyển hay mềm dẽo, thay vì cực đoan, là nét đặc thù của chính sách đối ngoại mới.
Năm 1999, Bill Clinton đã gợi ý: nếu Ankara phát động một phong trào cải cách, thế kỷ 21 có thể là thế kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ. Quả thật, Thổ Nhĩ Kỳ đã nghe theo lời khuyên của Clinton. Ngày nay, Âu châu và Hoa Kỳ đang đối diện với một sự lựa chọn. Nếu Hoa Thịnh Đốn làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác, Hoa Kỳ sẽ có nhiều cơ may hơn để giải quyết các cuộc xung đột dai dẳng với Iran, bên trong Iraq, và giữa người Palestinians và Israelis, chưa nói gì đến các các vụ tranh chấp âm ỉ ở nhiều nơi khác trong thế giới Hồi giáo. Nếu Liên Hiệp Âu châu chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ như một thành viên mới, tính năng động trong phạm vi kinh tế và tính khả tín mới trong thế giới Hồi giáo có thể giúp Âu châu ra khỏi tình trạng xơ cứng hiện nay. Dù bị một hay cả hai bác bỏ, ảnh hưởng toàn cầu của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ gia tăng.
Trong mọi trường hợp, hãy khuyến khích con bạn học tiếng quang thoại. Dù muốn dù không, TQ vẫn sẽ là một siêu cường trong thế kỷ 21. Chúng ta cũng nên theo dõi mọi diễn biến trên trục giao thông, nơi gặp gỡ giữa các đại lộ, trong vùng Hắc Hải và Địa Trung Hải. Chắc không lâu trước khi nhiều người sẽ chen chúc nhau học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
© GS Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
25-7-2010
[1] …grostesque demagoguery toward Israel that ought to be inacceptable for a member of NATO.
[2] …ran the risk of further undermining Thổ Nhĩ Kỳ’s credibility and goal of being a regional problem solver.
[3] Thổ Nhĩ Kỳ is seen increasingly in Washington as running around the region doing things that are at cross-purposes to what the big powers in the region want.
[4] How do we keep the Thổ Nhĩ Kỳ in their lane?
[5] Old Istanbul is not a city; she neither labors, nor thinks, nor create; civilization beats at her gates and assaults her in her streets, but she dreams and slumbers on in the shadow of her mosques, and takes no heed.
[6] While Anatolia remains a socially conservative and religious society, it is also undergoing what some have called a ‘Silent Islamic Reformation’. Many of Kayseri’s business leaders even attribute their economic success to their ‘protestant work ethic’.
[7] Both countries have huge defense expenses, and they will achieve a lot of savings this way.
[8] Not many people would imagine that the Serbians would ask for the mediation of Thổ Nhĩ Kỳ between different Bosniak groups in the Sandjak region of Serbia. Thổ Nhĩ Kỳ were the bad guys in Serbian history. So what is happening? Thổ Nhĩ Kỳ has established itself as a credible and powerful player in the region.
[9] We want a new Balkan region based on political values, economic interdependence, and cooperation and cultural harmony. That is what the Ottoman Balkans was like. We shall revive such a Balkan region… The Ottoman centuries were a success story, and this should be revived.
[10] The Thổ Nhĩ Kỳ soaps have been daring and candid when it comes to gender equality, premarital sex, infedility, passionate love, and even children born out of wedlock.
http://nghiencuulichsu.com/2015/11/26/tho-nhi-ky-va-pax-ottomanica/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét