Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Báo Trung Quốc bàn về chiến thuật và mạnh-yếu của tàu ngầm Việt Nam


Việt Nam có thể sử dụng 6 tàu ngầm để tác chiến đặc biệt, răn đe tàu chiến 
nước khác, phục kích cảng biển địch, tác chiến phong tỏa chia cắt...

Trang mạng QQ Trung Quốc đăng bài viết mang tên "Tàu ngầm lớp Kilo thứ sáu của Việt Nam đến đúng hạn, có thể đe dọa tuyến đường giao thông Biển Đông của Trung Quốc".
Tàu ngầm thông thường Hà Nội HQ-182 Hải quân Việt Nam
Theo bài viết, cuối tháng 9 năm 2015, nhà máy đóng tàu hải quân Nga ở thành phố Saint Petersburg đã tổ chức buổi lễ hạ thủy cho tàu ngầm thông thường diesel cỡ lớn Type 636-1 thứ sáu chế tạo cho Hải quân Việt Nam, mang tên HQ-187 Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đây là chiếc cuối cùng trong lô 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam đặt mua của Nga, được khởi công chế tạo vào ngày 28 tháng 5 năm 2014, dự tính năm 2017 sẽ biên chế cho Hải quân Việt Nam.
Việt Nam có đường bờ biển dài 3.200 km, phía đông và đông nam của toàn bộ lãnh thổ đều trực tiếp hướng mặt ra biển, phòng thủ biển luôn là trọng điểm quốc phòng.
Việt Nam chiếm ưu thế địa lý ở Biển Đông, có nhiều cảng tốt tự nhiên, cách rất gần quần đảo Trường Sa. Trải qua 70 năm phát triển, hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống phòng thủ biển “hoàn thiện nhất” trong các nước Đông Nam Á.
Hệ thống này gồm nhiều loại vũ khí lục, hải không quân và dưới nước. Những vũ khí này có cả cũ và mới, chủ yếu do Liên Xô cũ và Nga chế tạo.
Tàu ngầm thông thường Hà Nội HQ-182 ở quân cảng Cam Ranh, Việt Nam
Hải quân Việt Nam có 3 máy bay tuần tra trên biển C-212-400, 12 máy bay tuần tra Skytruck do Ba Lan chế tạo, cùng với hệ thống trinh sát phòng thủ biển gồm radar bờ biển, tàu cá trinh sát trên biển. Mặc dù cự ly trinh sát khá gần, thủ đoạn thông tin hạn chế, nhưng còn mạnh hơn nhiều các nước xung quanh.
Ngoài ra, Việt Nam còn có 24 máy bay chiến đấu đa năng Su-27/Su-30, 50 máy bay tấn công Su-22, 150 máy bay tiêm kích MiG-21, tạo thành hệ thống tấn công không đối hải và phòng vệ trên không.
Trong đó, máy bay tiêm kích ném bom Su-22 được nhập khẩu từ Liên Xô vào thập niên 1980 - 1990, tình hình công nghệ sớm đã cũ kỹ.
Vũ khí tấn công không đối hải thực sự có uy lực của Việt Nam và có thủ đoạn tác chiến hiện đại là 4 máy bay chiến đấu Su-30MK2 và 20 máy bay chiến đấu Su-30MKV.
Máy bay này được cải tiến trên nền tảng máy bay chiến đấu phiên bản hải quân Su-30MKK2 mà Nga bán cho Trung Quốc, lắp hệ thống phụ không đối đất/đối hải SUV-P, có thể tiến hành đo vẽ bản đồ, có thể lắp tên lửa chống hạm X-31A và X-35, đe dọa tương đối lớn đối với các tàu chiến của Quân đội Trung Quốc triển khai (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).
Tàu chiến mặt nước Việt Nam lấy tàu hộ vệ hạng nhẹ làm chính, bao gồm tàu hộ vệ lớp Gepard Type 11661, tàu tên lửa lớp Moniya và tàu hộ vệ tên lửa lớp Sigma tương lai.
Tàu ngầm thông thường Tp. Hồ Chí Minh, Hải quân Việt Nam
Các tàu chiến này lắp lượng lớn tên lửa, nhưng trọng tải khá nhỏ, khả năng hoạt động liên tục tương đối thấp, đều lấy nhiệm vụ phòng thủ biển gần làm chính (không như Trung Quốc phát triển nhiều loại tàu chiến lớn lấy nhiệm vụ tấn công làm chính, dùng cho yêu sách xâm lược, bành trướng "đường lưỡi bò" - PV).
Vũ khí hải quân có khả năng răn đe nhất của Việt Nam là ở dưới nước. Sức mạnh tấn công dưới nước của Việt Nam được tạo ra từ 6 tàu ngầm thông thường lớp Kilo, đứng đầu các nước Đông Nam Á.
Bắt đầu từ năm 2000, trọng điểm xây dựng của Trung Quốc là Hạm đội Nam Hải, tàu hộ vệ Type 054A mới nhất là trang bị mới mang tính đại diện đã liên tục biên chế, đã gây sức ép khá lớn cho các nước như Việt Nam.
Năm 2009, Việt Nam và Nga đã ký kết một hợp đồng xây dựng lực lượng tàu ngầm cả gói, chi 1,8 tỷ USD mua 6 tàu ngầm lớp Kilo Type 636MV (06361), cộng với xây mới căn cứ tàu ngầm, mua sắm cơ sở chi viện hậu cần và vũ khí đạn dược đồng bộ, tổng đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD.
Để giành lấy ưu thế trong cuộc đối đầu "ngầm" với Trung Quốc, từ thập niên 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã tích cực tìm cách xây dựng lực lượng tác chiến tàu ngầm.
Tàu ngầm thông thường Đà Nẵng, Hải quân Việt Nam ở vịnh Cam Ranh
Trong "Quy hoạch phát triển 3 bước hải quân đầu thế kỷ 21" của Hải quân Việt Nam rõ ràng đề xuất: "Trước năm 2010, phải nỗ lực tăng cường tàu chiến mới, từng bước đào thải trang bị hiện có lạc hậu, phát triển lực lượng đường không và lực lượng tàu ngầm hải quân".
Để thực hiện kế hoạch này, vào cuối thập niên 90, Việt Nam đã hợp tác với CHDCND Triều Tiên, dùng lúa gạo đổi lấy vũ khí, đã mua được 2 tàu ngầm mini lớp Yono của CHDCND Triều Tiên.
CHDCND Triều Tiên sở hữu 40 tàu ngầm loại này, chủ yếu dùng để thâm nhập bờ biển và tác chiến đặc biệt. Loại tàu ngầm dài 20 m này có lượng giãn nước khi nổi là 76 tấn, lượng giãn nước khi lặn là 100 tấn, đã giúp cho Hải quân Việt Nam đạt được mục tiêu ban đầu trong tác chiến dưới nước.
Tàu ngầm lớp Kilo là tàu ngầm diesel-điện chủ lực thế hệ thứ ba sau Chiến tranh của Hải quân Nga. Nguyên mẫu là tàu ngầm Type 877, sau đó được cải tạo hiện đại hóa, tạo thành lớp Kilo Type 636. Lớp Kilo là tàu ngầm thông thường có lượng xuất khẩu lớn nhất của Nga hiện nay, nó có hỏa lực mạnh, tiếng ồn nhỏ, được gọi là "hố đen đại dương".
Từ năm 1995, Hải quân Trung Quốc đã lần lượt mua 2 tàu ngầm Type 877 và 10 tàu ngầm Type 636. Bài báo viết: "Trong tương lai rất có khả năng nhìn thấy giao tranh dưới nước giữa các tàu ngầm cùng loại lớp Kilo Type 636 của hai nước Trung Quốc và Việt Nam".
Tàu ngầm thông thường Hải Phòng, Hải quân Việt Nam
Hải quân Ấn Độ có 10 tàu ngầm Type 877 kiểu cũ, nhưng sau khi được cải tiến đã có tính năng tương đương Type 636. Cho nên, Ấn Độ có kinh nghiệm phong phú trong việc sử dụng tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo.
Cùng có ý thức cảnh giác chung với (tham vọng bành trướng của) Trung Quốc, Ấn Độ rất vui trong việc giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực tác chiến lực lượng tàu ngầm. Năm 2011, một bức ảnh trên diễn đàn Hải quân Ấn Độ đã tiết lộ tình hình hợp luyện giữa lực lượng tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ và Việt Nam.
Theo báo chí Nga, từ năm 2011, Ấn Độ bắt đầu tiếp nhận vài chục học viên Hải quân Việt Nam, đào tạo ở tàu ngầm lớp Kilo Type 877 hiện có của Hải quân Ấn Độ. Sau khi những học viên này kết thúc khóa học, trực tiếp đến tiếp nhận tàu ngầm mới ở nhà máy đóng tàu Nga.
Tàu ngầm Type 636-1 Việt Nam mua là loại mới nhất của lớp Kilo, cũng đã được cải tiến sâu sắc, bao gồm hệ thống định vị thủy âm MGK-400EM, kính tiềm vọng tấn công quang điện (bao gồm camera truyền hình, thiết bị ảnh nhiệt hồng ngoại và máy đo laser) cùng với hệ thống kiểm soát môi trường phù hợp hơn với môi trường nhiệt đới;
đồng thời nhập khẩu ngư lôi săn ngầm/chống hạm GE2-01, tên lửa chống hạm 3M-54 và tên lửa hành trình Club đối đất 3M-14. Tàu ngầm 636-1 có lượng giãn nước 3.000 tấn, thủy thủ đoàn 52 người, tốc độ khi lặn 20 hải lý/giờ.
Tàu ngầm thông thường Bà Rịa-Vũng Tàu của Hải quân Việt Nam
Đáng chú ý, Nga cũng tận dụng vốn và thành quả nghiên cứu chế tạo từ việc xuất khẩu tàu ngầm cho Việt Nam, năm 2013 cũng đã đặt mua 6 tàu ngầm Type 636-3, trang bị cho Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga, tất cả vũ khí thiết bị và chỉ tiêu kỹ chiến thuật đều tương đồng với Type 636-1 xuất khẩu cho Việt Nam.
6 tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam lần lượt đặt tên là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu, toàn bộ đều sử dụng những khu vực quan trọng chiến lược nhất của Việt Nam để đặt tên, có thể thấy, Hải Quân Việt Nam đã đặt kỳ vọng lớn vào lực lượng tàu ngầm.
Tháng 1 năm 2014, tàu ngầm Hà Nội HQ-182 và Tp. Hồ Chí Miinh HQ-183 chính thức gia nhập Hải quân Việt Nam. Đây là cột mốc rất quan trọng thể hiện Hải quân Việt Nam và Quân đội Việt Nam có bước đi mới trên con đường phát triển.
Sau đó, đầu năm 2015, lại có 2 tàu ngầm lớp Kilo chính thức biên chế. 2 tàu ngầm lớp Kilo cuối cùng vừa hạ thủy vào tháng trước sẽ biên chế cho Hải quân Việt Nam vào năm 2017.
Một quốc gia muốn sở hữu năng lực tác chiến tàu ngầm, chỉ có vài tàu ngầm thì còn lâu mới đủ. Tàu ngầm là một loại vũ khí, rất cần sự chi viện của hệ thống quốc phòng và cơ sở, phương tiện đồng bộ.
Tên lửa chống hạm Club-S trang bị cho tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo
Việt Nam mua 6 tàu ngầm đã trược tiếp chi 1,8 tỷ USD, trong khi đó, kinh phí cơ bản duy trì sức chiến đấu của 6 tàu ngầm này lại cao tới 1,4 tỷ USD, bao gồm hệ thống tình báo thủy văn, xây dựng lực lượng thủy thủ, đào tạo nhân viên, xây dựng hệ thống chi viện hậu cần, hệ thống vũ khí trang bị.
Điều quan trọng nhất là xây dựng căn cứ tàu ngầm. Từ năm 2011, Hải quân Việt Nam đã khởi công xây dựng căn cứ tàu ngầm ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, miền nam trung bộ, trở thành đại bản doanh của 6 tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo trong tương lai.
Nha Trang là thành phố trực thuộc của tỉnh Khánh Hòa, nằm cách vịnh Cam Ranh 60 km về phía bắc, là bộ phận nhô ra nhất hướng ra Biển Đông từ lãnh thổ Việt Nam, vị trí địa lý ưu việt, cùng với vịnh Cam Ranh tạo thành căn cứ tuyến trước quan trọng của Hải quân Việt Nam.
Khác với tàu chiến mặt nước, tàu ngầm cần có cảng và bến tàu chuyên dụng, để tăng cường tính bí mật trong tác chiến dưới nước, căn cứ tàu ngầm thường bao gồm lối ra vào ngầm dưới nước hoặc hang động riêng.
Việt Nam có thể sử dụng 6 tàu ngầm này trong 4 lĩnh vực tác chiến: Trước hết là lĩnh vực tác chiến đặc biệt, Việt Nam có lực lượng đặc nhiệm hải quân tương đối mạnh, có kinh nghiệm phong phú.
Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Thứ hai, phát hiện những tàu ngầm chạy êm trong đại dương rất khó khăn, các nước khác sẽ không mạo hiểm điều tàu chiến đến vùng biển nhạy cảm, vì vậy có thẻ đạt được một số hiệu quả răn đe.
Thứ ba là tác chiến phục kích, tàu ngầm có thể phục kích ở khu vực bến cảng của địch, là vũ khí lý tưởng trong chiến lược "chống can dự" (chống bành trướng xâm lược) của Việt Nam.
Thứ tư là tác chiến phong tỏa chia cắt. Báo Trung Quốc tưởng tượng rằng, trong tác chiến tưởng định của xung đột trên biển, Việt Nam sẽ dùng tàu ngầm thâm nhập Biển Đông, “đe dọa tuyến đường giao thông trên biển quan trọng của Trung Quốc”, thậm chí “phong tỏa eo biển Malacca”, tạo ưu thế số lượng ở khu vực cục bộ.
Trong tình hình bình thường, Hải quân Việt Nam sở hữu 6 tàu ngầm thông thường, trong thời chiến có thể ít nhất duy trì 4 chiếc hoạt động.
Do vài căn cứ của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc ở Trạm Giang và Hải Nam cách việt Nam đều rất gần, đặc biệt là căn cứ tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay ở Tam Á cách tuyến đường bờ biển của Việt Nam chỉ có 280 km, nằm đúng trong phạm vi tấn công của tên lửa hành trình đối đất Club 3M-14 (tầm bắn 300 km) lắp ở tàu ngầm Việt Nam.
Hải quân nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Tàu ngầm Việt Nam có thể xuất phát từ căn cứ ở vịnh Cam Ranh, dưới sự hộ tống của lực lượng đường không bờ biển, tiến ra tuần tra ở khu vực lân cận đảo Hải Nam, tăng cường rất lớn độ khó cho săn ngầm biển xa của Trung Quốc.
Sau khi đi vào hoạt động, tàu ngầm lớp Kilo sẽ tăng cường rất lớn hiệu suất tấn công của hệ thống phòng thủ biển Việt Nam. Cùng với việc hoàn thiện về huấn luyện và đồng bộ, dự tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có năng lực tác chiến tàu ngầm hoàn chỉnh.
Trong thời chiến, Việt Nam sẽ triển khai tàu ngầm ở tuyến đường giao thông quan trọng trên phướng hướng chiến lược Biển Đông, nhiệm vụ chủ yếu là giám sát, tấn công những tàu chiến có ý đồ xâm chiếm quần đảo Trường Sa và tiến hành tác chiến chia cắt.
Đối với Hạm đội Trung Quốc vẫn yếu về tác chiến săn ngầm, điều này sẽ gia tăng rất lớn độ khó trong kiểm soát biển của Hải quân Trung Quốc; sẽ tạo ra mối đe dọa to lớn cho "lợi ích" (bành trướng lãnh thổ, bành trướng vũ lực) của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bài báo bịa đặt cho rằng, Việt Nam xây dựng lực lượng tàu ngầm cũng gây "bất an" cho các nước Đông Nam Á. Malaysia đã trang bị 2 tàu ngầm lớp Scorpene do Pháp sản xuất, hàng năm triển khai ở căn cứ Klang mặt hướng ra Biển Đông.
Chính quyền bành trướng Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Indonesia đang hợp tác với Hàn Quốc cải tạo tàu ngầm Type 209 do Đức sản xuất và tiến hành cải tạo đối với căn cứ tàu ngầm. Singapore cũng đã nhận được 4 tàu ngầm lớp Challenger của Thụy Điển.
Thái Lan đang cân nhắc nhập khẩu 3 tàu ngầm của Trung Quốc hoặc Đức, trong đó, tàu ngầm S-20 do Trung Quốc đưa ra có khả năng trúng thầu (thực ra Thái Lan đã gác lại thỏa thuận này).
Tàu ngầm S-20 tương đương với tàu ngầm Type 041 mới nhất của Trung Quốc, lượng giãn nước 2.300 tấn, tốc độ tối đa 18 hải lý/giờ, hành trình khi chạy ở tốc độ 16 hải lý/giờ là 8.000 hải lý, khả năng chạy liên tục 60 ngày, thủy thủ đoàn 38 người.
Tàu này được cho là lắp hệ thống động lực AIP, có thiết bị trinh sát điện tử và chỉ huy tương đối hoàn thiện, trang bị tên lửa chống hạm và ngư lôi tự chế, năng lực tác chiến tổng hợp "mạnh hơn" tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam.
Mặc dù đã sở hữu tàu ngầm lớp Kilo với số lượng nhất định, phần nào đã tạo ra mối đe dọa cho Hải quân Trung Quốc. Nhưng, nếu Việt Nam chỉ trông chờ vào tàu ngầm để có được ưu thế chiến lược thì không thực tế.
Hải quân nhân dân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Tàu ngầm lớp Kilo cố nhiên tiên tiến, nhưng cũng có điểm yếu rất lớn, loại tàu ngầm này không trang bị động cơ AIP, chỉ có thể sử dụng ống thông khí hoặc điện cơ để tiến hành lặn, khả năng hoạt động liên tục dưới nước tương đối thấp, tỷ lệ sống sót trong tấn công săn ngầm liên tục thời gian dài rất có vấn đề.
Chiến thắng của tác chiến tàu ngầm trước hết phải có một hệ thống trinh sát, giám sát, cảnh báo sớm, chỉ huy và hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến đồng bộ chi viện, những điều này đều là điểm yếu của Hải quân Việt Nam, rất khó phát huy hiệu năng tác chiến tối đa.
Kinh nghiệm trong nhiều lần tác chiến tranh đoạt quyền kiểm soát biển sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đều cho thấy, không phải tất cả các lực lượng hải quân trang bị tàu ngầm đều có thể gây phá hoại nghiêm trọng cho địch.
Giống như Hải quân Việt Nam tồn tại khó khăn công nghệ và điểm yếu hệ thống, trước mặt hải quân khá mạnh có hệ thống kiện toàn thì vẫn rất yếu ớt, không chịu nổi một cuộc chiến - báo Trung Quốc tự tin bình luận.
Trên đây là toàn bộ nội dung của bài báo Trung Quốc, cho thấy Trung Quốc rất sốt ruột về việc Việt Nam tăng cường sức mạnh quân sự chống xâm lược, bành trướng, có nguy cơ đe dọa yêu sách “đường lưỡi bò” do Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông.
.http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/Bao-Trung-Quoc-ban-ve-chien-thuat-va-manhyeu-cua-tau-ngam-Viet-Nam-post162273.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét