Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Mặt trận Trung Quốc trong cuộc chiến tranh lạnh

Xin giới thiệu bài nghiên cứu của tác giả Aleksey Volynhets tiêu đề “Mặt trận Trung Quốc trong cuộc chiến tranh lạnh” đăng trên báo “Bình luận quân sự“ (Nga) ngày 05/7/2014.

“Khi nói đến thuật ngữ “chiến tranh lạnh” mọi người đều nghĩ ngay đến cuộc đối đầu Xô- Mỹ.
Không nhiều người để ý tới một thực tế là trong phần lớn thời gian của cuộc “chiến tranh” này, Liên Xô cùng một lúc phải đối đầu trên cả hai mặt trận – không chỉ với Phương Tây tư bản mà với cả Trung Quốc xã hội chủ nghĩa ở phía đông.

Thời kỳ “trăng mật” của quan hệ Xô- Trung
Thời kỳ “trăng mật” của quan hệ Xô- Trung

Người Nga và người Hán mãi mãi là anh em!

Năm 1953, khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Liên Xô để lại một lực lượng quân sự hùng hậu tại một khu vực then chốt của Trung Quốc là bán đảo Quan Đông. Chỉ riêng tại cảng Artur đã có tới 7 sư đoàn của Tập đoàn quân số 9.
Còn tại vùng Viễn Đông của Liên Xô vào đầu những năm 50 có tới 5 sư đoàn tăng, 30 quân đoàn bộ binh và một quân đoàn đổ bộ đường không (quân số bằng quân số của toàn Binh chủng bộ đội đổ bộ đường không Nga hiện nay).
Ý đồ chiến lược của việc bố trí một lực lượng mạnh như vậy tại khu vực này – ngoài việc làm đối trọng với quân Mỹ đang đóng tại Nhật Bản và Nam Triều Tiên, còn một lý do rất quan trọng nữa - để đảm bảo chắc chắn sự trung thành của đồng minh Trung Quốc lúc đó.
N.Khrushov, trong cơn say men tình hữu nghị với Mao Trạch Đông đã làm điều mà các tướng lĩnh Nhật trước đó không làm được là tự tay “đập tan” cụm quân Vùng Viễn Đông của Liên Xô.
Năm 1954, N.Khrushov trao trả cảng Artur và Dalnhi cho Trung Quốc - mặc dù trong chiến tranh Triều Tiên, do sợ Mỹ nên chính Trung Quốc đã yêu cầu Liên Xô duy trì các căn cứ quân sự của mình ở khu vực trên.

Cảng Artur, 1945. Ảnh: Lưu trữ của TASS
Cảng Artur, 1945. Ảnh: Lưu trữ của TASS

Trong các năm 1955-1957, Lực lượng vũ trang Xô Viết bị cắt giảm 2 triệu người, đặc biệt là tại các quân khu giáp Trung Quốc, N.Khrushev cho rằng Liên Xô không cần phải bố trí quân ở khu vực biên giới với Trung Quốc nữa.
Song song với việc cắt giảm quân số, Liên Xô cũng chuyển quân từ khu vực Viễn Đông sang phía tây. Tập đoàn quân xe tăng số 6 (từng chiếm Viena và giải phóng Praha) chuyển từ khu ngoại Baikal sang Ukraine. Tập đoàn quân số 25 (đóng quân tại khu vực tiếp giáp biên giới Triều Tiên – Liên Xô - Trung Quốc) bị giải thể.
N.Khrushov còn định tiến hành một đợt giảm quân quy mô lớn nữa vào đầu những năm 60, nhưng do quan hệ Xô- Trung lúc này đã xấu đi rõ rệt nên ý định này đã không thực hiện được.
Quan hệ giữa Matxcova và Bắc Kinh dưới thời Khrushev thay đổi hết sức nhanh chóng. Chúng ta không đi sâu vào phân tích các chi tiết của sự chia rẽ Xô- Trung, chỉ dừng lại ở việc trình bày một cách ngắn gọn những diễn biến của các sự kiện dẫn tới những thay đổi chóng mặt – từ hợp tác quân sự chuyển sang một cuộc chiến tranh gần như công khai giữa hai cường quốc xã hội chủ nghĩa.
Vào năm 1957, Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật quân sự, theo đó Liên Xô gần như “tặng không” cho Trung Quốc tài liệu kỹ thuật chế tạo bom nguyên tử.
Chỉ 2 năm sau đó “đồng chí” (nguyên văn-ND) Khrushev đã tìm cách dừng việc thực hiện thỏa thuận trên, một năm sau đó nữa đã triệu hồi tất các cố vấn quân sự và chuyên gia kỹ thuật về nước một cách thiếu suy nghĩ và vội vã.
Đến năm 1960, nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc đã kịp xây dựng hàng trăm xí nghiệp công nghiệp quân sự. Matxcova cung cấp một số lượng vũ khí hiện đại đủ trang bị cho 60 sư đoàn PLA. Đến giữa những năm 60 quan hệ giữa Matxcova với Bắc Kinh ngày càng xấu đi, nhưng lúc đó vẫn mới chỉ dừng lại ở mức độ tranh cãi ngoại giao và trận chiến trên hệ tư tưởng.
Ngay từ tháng 7/1960 các phái đoàn Trung Quốc từ các tỉnh láng giềng với Liên Xô đã công khai không thèm nhận lời mời của phía Liên Xô dự các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày thành lập thành phố Vladivostok.
Để Mao không phải ngượng khi đấu khẩu với Kremlin, đến hết năm 1964, Trung Quốc đã trả hết các khoản nợ vay từ thời Stalin lẫn thời Khrushov- gần 1,5 tỷ rúp chuyển đổi, tức tương đương với 100 tỷ đôla theo thời giá hiện nay.
Những nỗ lực của Cosyghin (chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng Liên Xô) và L.Breznhev (Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô) nhằm bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sau khi hạ bệ Khrushev đều không thành.
Tháng 5/1965 phái đoàn quân sự Trung Quốc đến Matxcova để tham dự lễ kỷ niệm ngày chiến thắng 09/5 là phái đoàn quân sự cuối cùng của Trung Quốc hiện diện tại Liên Xô.

Chiếc tàu được đóng tại nhà máy đóng tàu liên doanh Xô- Trung tại thành phố Dalnhi (nay là Đại Lâm) ,1954. Ảnh:RIA “Novosti”
Chiếc tàu được đóng tại nhà máy đóng tàu liên doanh Xô- Trung tại thành phố Dalnhi (nay là Đại Lâm) ,1954. Ảnh:RIA “Novosti”

Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Liên Xô trong giai đoạn 1960-1967 giảm gần 16 lần. Đến những năm 70 thì quan hệ kinh tế gần như bị căt đứt hoàn toàn.
Nên nhớ rằng, trong những năm 50, Liên Xô chiếm gần một nửa kim ngạch thương mại đối ngoại của Trung Quốc – khi ấy còn chưa trở thành “công xưởng thế giới”. Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ lớn và có lãi các sản phẩm công nghiệp Xô Viết. Xung đột với Trung Quốc đã giáng một đòn rất mạnh vào nền kinh tế Xô Viết.
Tiến trình cắt đứt mối quan hệ song phương đi đến hồi kết khi ĐCS Trung Quốc từ chối lời mời tham dự Đại hội XXIII của ĐCS Liên Xô, - quyết định này được công bố công khai trong bức thư của Trung ương ĐCS Trung Quốc ngày 22/3/1966.
Cũng trong năm đó, toàn bộ các sỹ quan Trung Quốc đang học tại các Học viện quân sự của Liên Xô rút về nước. Xung đột ngấm ngầm đã trở thành công khai.

Những bất đồng về hệ tư tưởng giữa Liên Xô và Trung Quốc lại “được đổ thêm dầu vào lửa” bằng các bất đồng trong việc phân định biên giới.

Thực hiện các chỉ thị từ Bắc Kinh, dân Trung Quốc tìm đủ cách làm thay đổi đường biên giới nhằm “mở rộng lãnh thổ”.
Xung đột biên giới lần đầu xảy ra vào mùa hè năm 1960 trên phía tây đường biên giới Xô - Trung, khu vực đèo Buz-Aigyr trên lãnh thổ Cộng hòa Kyrgystan.
Vào thời gian đó, các vụ đụng độ thường chưa biến thành xung đột vũ trang và mới chỉ dừng ở mức người Trung Quốc trắng trợn vi phạm đường “biên giới được phân định một cách không công bằng” – dĩ nhiên là theo quan điểm của phía Trung Quốc.
Nhưng tình hình căng thẳng ngày càng leo thang. Nếu như trong suốt cả năm 1960 mới chỉ ghi nhận được gần 100 vụ việc vi phạm biên giới thì trong năm 1962, con số trên đã là 5.000.
Từ năm 1964 đến năm 1968 chỉ riêng khu vực biên giới của Quân khu biên phòng Thái Bình Dương đã có tới hơn 6.000 vụ lính và dân Trung Quốc trắng trợn vi phạm đường biên giới.
Đến giữa những năm 60, Kremlin nhận thức được rằng, đường biên giới trên bộ dài nhất thế giới với Trung Quốc – gần 10.000 km, kể cả “vùng đệm” là Mông Cổ - bây giờ đã không chỉ không còn là “đường biên giới hữu nghị” mà trên thực tế là hoàn toàn trống trải trước một quốc gia đông dân nhất thế giới và có một lực lượng lục quân cũng đông nhất trên thế giới.
Lực lượng vũ trang Trung Quốc tuy trang bị kém hơn Quân đội Liên Xô hoặc Quân đội Mỹ nhưng không phải là yếu. Do đã có những đúc rút cụ thể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên mới xảy ra trước đó, nên lúc này cả các chuyên gia quân sự của cả Matxcova lẫn Washington đều đánh giá Quân đội Trung Quốc một cách nghiêm túc hơn.
Nhưng Mỹ cách Trung Quốc cả một đại dương, còn Matxcova trong bối cảnh này phải “một đối một” trong cuộc đối đầu với nước láng giềng vốn là đồng minh cũ.
Trong khi Liên Xô rút và giảm quân ở Vùng Viễn Đông, Trung Quốc lại làm ngược lại- điều động thêm lực lượng đến khu vực Mãn Châu Lý giáp biên giới với Liên Xô. Chính tại khu vực này, vào năm 1957, Trung Quốc bắt đầu bố trí các “cựu chí nguyện quân Trung Quốc” rút về từ Triều Tiên.
Chỉ dọc 2 con sông Amur và Ussuri Chính quyền Trung Quốc đã bố trí tới 100.000 cựu quân nhân. Trước những diễn biến trên, Liên Xô bắt buộc phải tăng cường đáng kể việc bảo vệ biên giới vùng Viễn Đông của mình.
Ngày 4/2/1967 Trung ương ĐCS Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã ra sắc lệnh: “Về tăng cường bảo vệ biên giới với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”.
Tại khu vực Viễn Đông Liên Xô đã thành lập mới Khu biên phòng độc lập ngoại Baikal và xây dựng 126 đồn biên phòng, trên biên giới với Trung Quốc đã xây nhiều con đường mới, các công sự - công trình quốc phòng, các khu vực phòng thủ cùng một hệ thống tín hiệu báo động.
Nếu như trước khi xảy ra xung đột mật độ lính biên phòng Liên Xô tại khu vực biên giới với Trung Quốc là ít hơn 1 người/01 km biên giới thì đến năm 1969, tỷ lệ này là 4 chiến sỹ biên phòng /01 km.

Một đội lính tuần tra biên phòng Liên Xô trên biên giới với Trung Quốc, 1969 .Ảnh: Lưu trữ ảnh TASS
Một đội lính tuần tra biên phòng Liên Xô trên biên giới với Trung Quốc, 1969 .Ảnh: Lưu trữ ảnh TASS

Tuy nhiên có một thực tế là dù có được tăng cường mạnh như vậy thì Bộ đội biên phòng Liên Xô cũng không thể bảo vệ biên giới trong trường hợp có một cuộc xung đột quy mô lớn.
Đến thời gian đó, chính quyền Trung Quốc đã điều từ sâu trong nội địa đến khu vực biên giới thêm 22 sư đoàn nữa. Tổng quân số Trung Quốc ở khu vực giáp biên giới với Liên Xô lên tới 400.000 người.
Tại khu vực Mãn Châu Lý, Trung Quốc đã xây dựng một cơ sở hạ tầng quân sự rất mạnh gồm: các khu vực công trình phòng thủ, hầm trú ẩn, hệ thống đường sắt và các sân bay quân sự.
Đến cuối những năm 60, cụm quân phía Bắc của PLA đã có trong biên chế 9 tập đoàn quân binh chủng hợp thành (44 sư đoàn, trong đó có 11 sư đoàn bộ binh cơ giới), hơn 4.000 xe tăng và 10.000 khẩu pháo. Ngoài bộ đội thường trực, Trung Quốc còn có thể nhanh chóng huy động dân quân với tổng quân số tương đương với 30 sư đoàn bộ binh.
Nếu xảy chiến sự thì về phía Liên Xô chỉ có trong tay 20 sư đoàn cơ giới hóa của Quân khu Ngoại Baikal và Quân khu Viễn Đông, nhưng tất cả các đơn vị của Quân khu Viễn Đông trong suốt 10 năm tính đến thời điểm đó được xếp loại là các đơn vị hậu phương và được trang bị vũ khí và trang bị kỹ thuật theo nguyên tắc “còn gì cấp nấy” (đó là chưa kể đến trình độ huấn luyện).
Tất cả các đơn vị tăng của Quân khu Ngoại Baikal dưới thời Khrushev hoặc bị giải thể hoặc được điều chuyển sang phía Tây dải Ural (vùng lãnh thổ Châu Âu để đối đầu với NATO –ND). Một trong 2 sư đoàn tăng của Quân khu Viễn Đông cũng chịu số phận tương tự.
Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, Liên Xô đã xây dựng tại khu vực Viễn Đông và Ngoại Baikal nhiều công trình phòng thủ kiên cố đề phòng trường hợp xảy ra chiến tranh với Nhật Bản. Sau năm 1945, những tuyến phòng thủ này bị quên lãng và đến thời Khrushev thì bị bỏ hoang hoàn toàn.
Từ giữa những năm 60, giới lãnh đạo Xô Viết buộc phải khẩn cấp khôi phục lại các tuyến phòng thủ này và điều từ phía Tây sang Viễn Đông các xe tăng đang niêm cất và bảo quản tại các kho từ cuối chiến tranh thế giới lần thư hai – chúng không còn thích hợp để chống lại các xe tăng hiện đại của Mỹ, phần lớn động cơ của chúng đã hết tuổi thọ, - chúng không thể tham gia tấn công, nhưng dù sao cũng có thể sử dụng để đánh trả các đợt tấn công theo chiến thuật biển người của Lục quân Trung Quốc.

Căng thẳng tiếp diễn đã bùng phát thành xung đột quân sự và Liên Xô đã có lúc khiến Trung Quốc phải run sợ.

Năm 1968, chiến dịch chuyển quân từ phía tây sang phía đông của Liên Xô mới bắt đầu đã tạm thời bị hoãn lại. Lý do: phần lớn lực lượng quân sự Liên Xô đã được huy động để xâm nhập Tiệp Khắc.
Nhưng cuộc xâm nhập gần như không có tiếng súng ở Praha đã phải trả giá bằng những vụ nổ súng quy mô lớn ở biên giới với Trung Quốc.
Mao phản ứng rất quyết liệt trước việc Matxcova đã dùng xe tăng để hạ bệ một nhà lãnh đạo cứng đầu ở một nước xã hội chủ nghĩa láng giềng và thay bằng một nhân vật thân và thần phục Liên Xô.
Không những thế, đối thủ chính trị chính của Mao trong cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng là Văn Minh lúc này đang nhởn nhơ ở Matxcova.
Tình hình nội bộ Trung Quốc và trong ĐCS Trung Quốc lúc ấy cũng rất không ổn định sau khủng hoảng của phong trào “Đại nhảy vọt” thể hiện qua sự lộng hành của Hồng Vệ Binh và cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng.
Trong bối cảnh như vậy, Mao cho rằng Matxcova có tất cả các cơ hội để “diễn lại” tại Bắc Kinh những gì đã làm ở Praha. Nhà lãnh đạo Trung Quốc này quyết định phải ra tay trước và ráo riết chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự công khai với Liên Xô.
Đầu tháng 3/1969 tại khu vực đảo Damanski, Trung Quốc đã chủ động gây ra một cuộc xung đột biên giới, - sự việc không dừng lại ở các vụ chạm súng lẻ tẻ mà là các cuộc tấn công bằng xe tăng và cả nã pháo hạng nặng vào đối phương.
Mao tận dụng vụ này để kích động tâm lý bài Nga và ban bố tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.
Dĩ nhiên, Mao cũng không có ý định tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn nhưng chính lệnh tổng động viên trên thực tế đã giúp Mao củng cố chắc chắn quyền lực trong tay mình.

Lính Trung Quốc đang cố đột nhập đảo Damanski, 1969.Ảnh: RIA “Novosti”
Lính Trung Quốc đang cố đột nhập đảo Damanski, 1969. Ảnh: RIA “Novosti”

Các trận đánh trên đảo Damanski cũng gây nên những phản ứng không kém phần kích động từ phía Kremlin. L.Breznhev và các cộng sự thân cận coi Mao là một kẻ cuồng tín điên dại và có thể có những hành động phiêu lưu không thể lường trước.
Nhưng bên cạnh đó, Matxcova cũng hiểu rằng – Trung Quốc và Quân đội Trung Quốc thực sự là một đối thủ quân sự đáng gờm. Từ năm 1964 Trung Quốc đã sở hữu bom nguyên tử, còn Mao cũng đã công khai tuyên bố là Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân thế giới.
V.Kriuchkov, cựu chủ tịch KGB, trong những năm đó là phó của Iu.Andropov (Chủ tịch KGB), trong các hồi ký của mình có viết rằng - chính năm 1969, Điện Kremlin đã hoảng loạn thực sự khi nhận được thông tin qua các kênh điệp báo về việc vũ khí nguyên tử của Trung Quốc đã được bí mật chuyển đến Rumani.
Trong những năm đó, thủ lĩnh ĐCS Rumani Nicolae Ceauşescu cũng đang công khai đối đầu với Matxcova, còn Mao thì đang làm mọi cách để trở thành lãnh tụ của phong trào cộng sản toàn thế giới, làm “người chiến sỹ thực sự” đấu tranh cho cuộc cách mạng toàn thế giới, thế chỗ cho “bọn xét lại” Kremlin.
Thông tin về việc bom nguyên tử Trung Quốc có mặt tại Rumani không được xác nhận, nhưng nó cũng làm đứt không ít dây thần kinh của L.Breznhev- đã có lúc Matxcova tính đến khả năng đánh đòn ném bom phủ đầu các mục tiêu hạt nhân của Trung Quốc.
Cùng lúc đó, tại Albani cũng đã xuất hiện vũ khí hóa học của Trung Quốc – như đã biết, Bắc Kinh tìm mọi cách ủng hộ các nước xã hội chủ nghĩa bất đồng với Liên Xô.
Do cuộc chiến tranh cân não này mà gần 2 tháng liền, các chuyến tàu dân sự không còn đi lại trên tuyến đường sắt xuyên Xibiri nữa. Thay vào đó, từ tháng 5-6 năm 1969, từ miền trung Liên Xô đã có hàng trăm toa tàu chở hàng quân sự được đưa đến phía đông.
Bộ Quốc phòng Xô Viết phát lệnh tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn, huy động các bộ tham mưu và các đơn vị của Quân khu Viễn Đông, Quân khu Ngoại Baikal, Quân khu Xibirri và Quân khu Trung Á.
Từ tháng 5/1969, Liên Xô bắt đầu động viên quân dự bị để bổ sung cho các đơn vị được điều sang Viễn Đông.
Các sư đoàn Xô Viết được điều thẳng đến biên giới Trung Quốc. Các chương trình phát thanh của các đài Trung Quốc bằng tiếng Nga liên tục phát đi các tuyên bố là Trung Quốc không sợ bọn “SS đỏ”.
Các tướng lĩnh Trung Quốc hiểu rõ rằng nếu muốn thì Liên Xô hoàn toàn có thể lặp lại những gì họ đã làm với đội quân Quan Đông của Nhật Bản trên lãnh thổ Trung Quốc trước đây.
Kremlin dù cũng hiểu là các sư đoàn Xô Viết tập trung trên biên giới với Trung Quốc có thừa khả năng làm lại những gì đã làm trong tháng 8/1945 (đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật Bản), nhưng đồng thời cũng không nghi ngờ gì về việc là sau những chiến thắng ban đầu, chiến tranh sẽ rơi vào một ngõ cụt chiến lược - Liên Xô sẽ sa lầy trong một cuộc chiến với một nước Trung Quốc hàng trăm triệu người.
Cả hai bên đều ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh tuy đều rất sợ nhau. Tháng 8/1969, đã xảy ra các vụ chạm súng giữa Bộ đội biên phòng Liên Xô với lính Trung Quốc trên khu vực biên giới khu vực hồ Zalanashkol - Kazakhstan với Trung Quốc. Cả hai bên đều có người chết và bị thương.

Binh linh Trung Quốc tham gia cuốc tấn công lính biên phòng Liên Xô tại khu vực biên giới hồ Zalanashkol, 1969. Ảnh: RIA “Novosti”
Binh lính Trung Quốc tham gia cuốc tấn công lính biên phòng Liên Xô tại khu vực biên giới hồ Zalanashkol, 1969. Ảnh: RIA “Novosti”

Đến mùa thu năm 1969, tình hình căng thẳng tạm thời được tháo ngòi nổ khi chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô Cosynghin bay đến Bắc Kinh để đàm phán. Tuy nhiên, sự đối đầu quân sự- chính trị giữa hai bên vẫn tiếp tục, dù nguy cơ một cuộc chiến tranh lớn đã tạm qua.
Trên biên giới giữa hai nước trong những năm tiếp theo vẫn có những cuộc đấu súng và đụng độ, đôi khi sử dụng cả xe thiết giáp và máy bay lên thẳng.

Liên Xô phải gồng mình để cùng lúc đối đầu với cả phương Tây và Trung Quốc lúc này đã hợp sức với nhau.


Kể từ năm 1969, Liên Xô phải duy trì một đội quân mạnh để đối phó với Trung Quốc, và dọc tuyến biên giới hàng trăm km phải xây dựng nhiều hệ thống công sự phòng ngự- cả hai việc đều rất tốn kém. Nhưng chi phí cho an ninh ở Viễn Đông không chỉ gói gọn trong các khoản chi trực tiếp cho quân sự.
Khu vực này nối với lãnh thổ còn lại của Liên Xô chỉ bằng một tuyến đường giao thông duy nhất- tuyến đường sắt xuyên Xibiri (Transsib), từ phía đông Chita và Khabarovsk và chạy sát với biên giới với Trung Quốc.

Tuyến đường sắt xuyên Xibiri (Transsib)
Tuyến đường sắt xuyên Xibiri (Transsib)

Trong trường hợp có xung đột quân sự, tuyến “Transsib” chắc chắn sẽ không thể đảm bảo giao thông vận tải giữa miền trung Liên Xô với Viễn Đông một cách chắc chắn.
Đến năm 1967, giới lãnh đạo Liên Xô nhớ lại tuyến đường Baikal- Amur bắt đầu được xây dựng từ những năm 30 trong thời kỳ xung đột quân sự với Nhật Bản.
Đây là tuyến đường sắt nằm sâu trong các rừng taiga và ở phía bắc, cách biên giới (với Trung Quốc) khoảng 300-400 km và khi hữu sự sẽ là một tuyến đường thay thế hoặc cùng với “Transsib” đảm bảo nhiệm vụ vận tải nhưng có ưu thế hơn nhiều so với “Transsib” ở chỗ nó nằm sâu trong hậu phương an toàn.

       Xây dựng tuyến đường BAM, 1974. Ảnh: Valeri Khristoforv/ Ảnh lưu trữ TASS
Xây dựng tuyến đường BAM, 1974. Ảnh: Valeri Khristoforv/ Ảnh lưu trữ TASS

Sau khi Stalin qua đời, tuyến đường cực kỳ đắt đỏ và phức tạp này đã không được triển khai tiếp.
Và chính xung đột với Trung Quốc đã một lần nữa buộc Liên Xô phải bắt tay làm lại từ đầu xây dựng con đường tốn kém và phức tạp trong những cánh rừng taiga và khu vực đóng băng vĩnh viễn.
BAM (viết tắt tiếng Nga – Tuyến đường Baikal- Amur) được đáng giá là dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ nhất trong suốt thời kỳ Xô Viết, không ít hơn 80 tỷ đôla theo thời giá hiện nay.
Từ cuối những năm 60, Liên Xô phải gồng mình trong cuộc “chiến tranh lạnh” trên cả hai mặt trận – chống lại các quốc gia giàu có và phát triển nhất ở phía Tây là Mỹ và các đồng minh NATO, và chống Trung Quốc, nước đông dân nhất và có một lực lượng Lục quân cũng đông nhất trên thế giới ở phía Đông.
Quân số Lục quân Trung Quốc đến những năm 70 đạt đến 3,5 triệu “tay súng” cùng với vài chục triệu dân quân. Các tướng lĩnh Xô Viết buộc phải động não tìm các phương thức tác chiến chiến thuật và chiến dịch để đương đầu với một đối thủ đông quân như vậy.
Để có thể đối phó với hàng triệu lính Trung Quốc sử dụng súng AK “hàng nháí”, Liên Xô chỉ có thể dựa vào ưu thế về phương tiện kỹ thuật quân sự.

Bộ đội xe tăng của Quân đội Xô Viết,1974.Ảnh: A.Semelak/ Lưu trữ ảnh của TASS
Bộ đội xe tăng của Quân đội Xô Viết,1974. Ảnh: A.Semelak/ Lưu trữ ảnh của TASS

Tại các trường bắn ngoại ô Ulan-Ude, các đơn vị của Tập đoàn quân binh chủng hợp thành số 39 mới được thành lập triển khai luyện tập các phương án phối hợp giữa bộ binh với xe tăng. Đây là Tập đoàn quân sẽ giữ vai trò quyết định trong một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.
Năm 1966, Liên Xô đã ký một Hiệp ước hợp tác mới với Mông Cổ. Nếu như trước năm 1945, Mông Cổ quan ngại những đội quân Nhật Bản ở Mãn Châu Lý, thì bây giờ nước này còn lo lắng hơn nữa về khả năng trở mặt không thể lường trước của Trung Quốc.
Chính vì thế mà Mông Cổ hoàn toàn sẵn sàng đồng ý cho Quân đội Xô Viết tái bố trí lực lượng trên lãnh thổ của mình.
Theo kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tham mưu Xô Viết thì các sư đoàn bộ binh cơ giới và xe tăng của Tập đoàn quân số 39 đóng tại Mông Cổ trong trường hợp xảy ra chiến tranh sẽ hành quân đúng theo tuyến đường mà Bộ đội Xô Viết đã đi qua để tấn công quân Nhật tháng 8/1945.
Chỉ có điều khác là do các phương tiện kỹ thuật mới hiện đại hơn nên tốc độ hành tiến sẽ nhanh hơn và quy mô lực lượng cũng sẽ lớn hơn tháng 8/1945. Còn các đơn vị của Quân khu ngoại Baikal sẽ sử dụng các đòn tấn công bằng xe tăng theo hướng đông nam, vòng qua Bắc Kinh từ hướng nam và tiến thẳng đến bờ biển Hoàng Hải và Vịnh Bột hải.
Với một đòn tấn công như vậy, cả một vùng Mãn Châu Lý rộng lớn có công nghiệp phát triển sẽ bị cách ly hoàn toàn khỏi lãnh thổ trung tâm Trung Quốc, cả thủ đô Bắc Kinh cũng sẽ chịu chung số phận.
Tuyến bao vây vòng ngoài có thể ở bờ bắc sông Hoàng hà- ưu thế kỹ thuật vượt trội đáng kể của Không quân Xô Viết đảm bảo chắc chắn là các phương tiện kỹ thuật quân sự của Trung Quốc không thể qua được con sông này.
Cùng thời gian đó, các đơn vị PLA đang tập trung ở Mãn Châu Lý để tấn công khu Primorie của Liên Xô, sẽ buộc phải từ bỏ ý định tấn công các đơn vị Xô Viết ở biên giới để khẩn cấp cơ động về cứu Bắc Kinh. Phần thắng chắc trong tay Quân đội Xô Viết.

Liên Xô cứng rắn

Sau những trận chiến và tập trận trên biên giới năm 1969, tình hình có vẻ dịu hơn được một thời gian nhưng căng thẳng trong quan hệ hai nước lại gia tăng khi “Người cầm lái vĩ đại” Mao qua đời ở tuổi 83.
Do lo ngại những chấn động chính trị có thể xảy ra trong nước Trung Quốc vốn có quá nhiều điều phụ thuộc vào cá nhân Mao, Liên Xô lại báo động Quân khu Ngoại Baikal và Quân khu Viễn Đông.
Nguy cơ một cuộc chiến tranh lớn lại xuất hiện vào đầu năm 1979, khi Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến quy mô xâm lược Việt Nam (...). 
Nhưng Việt Nam lúc đó là đồng minh thân cận bậc nhất của Liên Xô ở khu vực Châu Á. Đây là một đồng minh không chỉ đã rất thành công trong cuộc chiến chống Mỹ, mà đối với Matxcova còn là một đồng minh đã rất thành công trong việc “bao vây” Trung Quốc từ phía nam.
Sau thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Liên Xô công khai coi Trung Quốc là kẻ thù số một tại khu vực Châu Á. Do lo ngại là trong cuộc chiến mới này Trung Quốc có thể áp đảo Việt Nam, Điện Kremlin đã có phản ứng tức thời và rất cứng rắn.
Trên lãnh thổ Mông Cổ, - bàn đạp cực kỳ thuận lợi cho các cuộc tấn công Trung Quốc, Liên Xô bắt đầu các cuộc tập trận quy mô lớn. Đồng thời, các sư đoàn của Quân khu Ngoại Baikal, Quân khu Viễn Đông, Hạm đội Tháí Bình Dương và tất cả các đơn vị tên lửa Xô Viết tại Viễn Đông đều nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu. Một số sư đoàn tăng được tăng cường đến Mông Cổ. Tất cả có tới gần 3.000 tăng được huy động.
Tháng 2/1979, Liên Xô thành lập” Bộ Tổng tư lệnh bộ đội Viễn Đông”- bản chất là một Phương diện quân với 2 quân khu trực thuộc là Ngoại Baikal và Viễn Đông. Tại các hầm chỉ huy và tham mưu gần Ulan-Ude, các tướng lĩnh lên kế hoạch tấn công Bắc Kinh bằng xe tăng.
Tháng 3/1979, chỉ trong vòng 2 ngày đêm, Không quân vận tải đã vận chuyển một trong những sư đoàn tinh nhuệ nhất của Bộ đội đổ bộ đường không – sư đoàn đổ bộ đường không cận vệ số 196 từ Tula (gần Matxcova) đến Chita (Viễn Đông).
Ngay sau đó, Bộ tư lệnh Xô Viết cho máy bay quân sự đổ bộ các đơn vị lính dù cùng các phương thiện kỹ thuật quân sự ngay sát cạnh biên giới Mông Cổ- Trung Quốc.
Cũng chỉ trong vòng 2 ngày đêm, mấy trăm chiếc máy bay chiến đấu Xô Viết đang bố trí tại các căn cứ không quân tại Ukraine và Belarus, sau khi vượt cự ly hơn 7.000 km lần lượt hạ cánh xuống các sân bay tại Mông Cổ. Tổng cộng trong cuộc tập trận sát biên giới Trung Quốc lần này, Liên Xô đã huy động gần 1.000 máy bay chiến đấu hiện đại nhất.
Trong thời gian đó, Trung Quốc đặc biệt thua kém Liên Xô về không quân, và lực lượng không quân -phòng không Trung Quốc trên thực tế là không có gì để đối đầu với các hàng nghìn máy bay ném bom hiện đại nhất nói trên.

Tổ lái máy bay mang tên lửa, 1977. Ảnh:V.Leonchiev/ Lưu trữ ảnh TASS
Tổ lái máy bay mang tên lửa, 1977. Ảnh:V.Leonchiev/ Lưu trữ ảnh TASS

Cùng thời gian đó, trên biển Biển Đông, sát biên giới Việt- Trung - 50 tàu của Hạm đội Thái Bình Dương cũng nhận lệnh tiến hành tập trận. Các tàu tăng cường cho Hạm đội Thái Bình Dương rời quân cảng Murmansk và Xevastopol. Tại Primorie sát nách Trung Quốc, một cuộc tập trận đổ bộ mang tính cảnh cáo của sư đoàn lính thủy đánh bộ số 55 cũng được tiến hành.
Đến giữa tháng 3/1979 Liên Xô bắt đầu động viên lực lượng dự bị - chỉ trong vài ngày tại các sư đoàn ở Viễn Đông đã tiếp nhận hơn 50.000 “tân binh”. Hơn 20.000 lính dự bị cũng được huy động tại Quân khu Trung Á – quân khu này cũng đang tiến hành các cuộc tập trận phô trương lực lượng sát biên giới với Tân Cương.
Mấy ngày sau đó, lần đầu tiên kể từ chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc – Liên Xô đã trưng tập tất cả các xe ô tô vận tải tại các nông trường ở Xibiri và Viễn Đông.
Thần kinh của Bắc Kinh không chịu đựng nổi những đòn cân não này - những động thái như vậy theo lôgic quân sự là những động thái cuối cùng trước một cuộc tấn công. Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam.
Các cuộc tập trận lớn tháng 3/1979 trên thực tế đã cho phép Liên Xô thắng một cuộc chiến tranh cục bộ mà không phải đổ máu. Nhưng một chiến thắng không đổ máu như vậy cũng phải trả bằng một cái giá hoàn toàn không rẻ. Matxcova tính toán rằng để lại các sư đoàn mới được điều đến biên giới Trung Quốc sẽ đỡ tốn kém hơn là đưa ngược chúng lại phía Tây.
Việc bố trí lại vị trí đóng quân chiến lược năm 1979 cũng là dịp Matxcova nhận rõ sự cấp thiết phải hoàn thành BAM để Trung Quốc không có được bất cứ cơ hội nào cắt đứt tuyến giao thông nối Primorie với Trung tâm nước Nga.
Tuyến đường BAM được khẩn trương hoàn thành sau 4 năm với những khoản kinh phí cực kỳ tốn kém. Ngoài những khoản chi trực tiếp cho BAM, Liên Xô cũng phải dành những khoản tiền không hề nhỏ để xây dựng và củng cố các khu vực phòng ngự dọc biên giới hàng nghìn km với Trung Quốc từ Kazakhstan đến tận Primorie.

Đâm sau lưng ở Afghanistan

Cuộc chiến không đổ máu tháng ba với Trung Quốc cũng phải trả giá bằng những hậu quả chính trị lâu dài về sau. Lịch sử cuộc can thiệp Xô Viết tại Afghanistan thường dược xem xét qua lăng kính đối đầu với Mỹ và không mấy ai để ý đến “yếu tố Trung Quốc” trong cuộc chiến tranh lạnh.
Nhưng nếu nghiên cứu kỹ chúng ta sẽ thấy rằng Kabul không phải ngẫu nhiên đề nghị Liên Xô đưa quân vào Afghanistan đúng vào thời điểm tháng 3/1979. Và đến tháng 12/1979, khi Bộ chính trị ĐCS Liên Xô quyết định đưa quân vào Afghanistan – thì một trong những lý do chủ yếu dẫn đến quyết định này cũng chính là nhân tố Trung Quốc.
Trung Quốc “phát huy” di sản của Mao và ngày càng xử sự như một trung tâm thay thế Matxcova trong phong trào cánh tả thế giới. Trong những năm 70 Bắc Kinh tìm mọi cách tranh giành ảnh hưởng của Matxcova trong giới lãnh đạo các nước thân phe xã hội chủ nghĩa – từ Campuchia đến Angola, ở các nước mà các phe “Marxist” hoặc là thân Matxcova, hoặc là thân Bắc Kinh tiến hành các cuộc chiến tương tàn với nhau.
Chính vì vậy mà vào năm 1979, Matxcova đặc biệt quan ngại - trong cuộc chiến nội bộ giữa “các lực lượng cánh tả” trong giới lãnh đạo Afghanistan lúc ấy, người đứng đầu là Amin đang có biểu hiện ngả vào vòng tay Bắc Kinh.

Một đơn vị quân đội Xô Viết trên vùng núi Afganistan 1980. Ảnh V.Viatkin/RIA “Novosti”
Một đơn vị quân đội Xô Viết trên vùng núi Afganistan 1980. Ảnh V.Viatkin/RIA “Novosti”

Về phần mình, Trung Quốc coi việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan tháng 12/1979 là những động thái tiếp tục các cuộc tập trận lớn chống Trung Quốc tháng ba năm đó.
Trung Quốc đặc biệt lo sợ trước viễn cảnh chiến dịch của Liên Xô tại Afghanistan là bước chuẩn bị cho một cuộc chiến quy mô lớn chiếm Tân Cương – nơi mà Bắc Kinh đang phải đối mặt với rất nhiều vần đề người Duy Ngô Nhĩ. Không có gì ngạc nhiên khi lô vũ khi đầu tiên mà lực lượng đối lập ở Afghanistan nhận được từ biên ngoài không phải từ Mỹ mà là từ Trung Quốc.
Đến thời điểm này, Trung Quốc từ lâu đã coi kẻ thù số một của mình không phải là “Đế quốc Mỹ” nữa mà là Liên Xô. Nếu như Mao, vốn có sở trường kiếm lợi từ các mâu thuẫn và các quan hệ phức tạp trên thế giới, mới chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với Washington thì Đặng Tiểu Bình đã tiến thêm một bước mới - thiết lập một liên minh thực sự với Mỹ để chống lại Liên Xô.
Đến năm 1980, Trung Quốc đã có trong tay một lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới với tổng quân số - có nhiều số liệu khác nhau nhưng đều thống nhất là vào khoảng trên dưới 6 triệu người.
Chi phí quân sự của Trung Quốc lúc này chiếm 40% ngân sách quốc gia. Mặc dù vậy, công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vẫn lạc hậu nhiều so với Liên Xô và các nước NATO về trình độ công nghệ.
Để giải quyết khó khăn này, Đặng Tiểu Bình công khai chấp nhận một liên minh chống Liên Xô với Mỹ và Phương Tây để khai thác tối đa những công nghệ quân sự hiện đại của Phương Tây.
Phương Tây đáp lại “nguyện vọng” trên của Đặng một cách rất hào phóng – Trung Quốc nhanh chóng nhận được “quy chế kinh tế tối huệ quốc” từ Cộng đồng kinh tế Châu Âu.
Trước đó, duy nhất chỉ có Nhật Bản là nước có được quy chế này. Những ưu ái trên nhanh chóng cho phép Đặng Tiểu Bình bắt đầu tiến hành thành công các cải cách kinh tế tại Trung Quốc.
Tháng 1/1980, khi Quân đội Xô Viết đã chiếm đóng Afghanistan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ G.Brown khẩn cấp bay đến Bắc Kinh để gặp giới lãnh đạo Trung Quốc.
Hai bên đã thống nhất thiết lập một “tình hữu nghị Trung –Mỹ”, cái mà báo chí Phương Tây gọi là “liên minh Đại bàng và Rồng chống Gấu”. Cùng năm đó, cả Mỹ và Trung Quốc cùng tẩy chay Thế vận hội Matxcova.
Mỹ lúc đó do cực kỳ hào hứng khi đã mở được “Mặt trận thứ hai” chống Liên Xô nên cũng đồng thời chuẩn bị một chương trình khổng lồ hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc để lực lượng này đủ sức đương đầu với Lực lượng vũ trang Liên Xô.
Theo tính toán của các chuyên gia Mỹ thì để thực hiện được mục tiêu này, PLA cần ít nhất 8.000 xe tăng hiện đại, 10.000 xe vận tải bọc thép, 25.000 xe vận tải hạng nặng, 6.000 tên lửa cho không quân và ít nhất 200 máy bay chiến đấu mới nhất.
Trong suốt nửa đầu thập niên 80, Matxcova luôn trong trạng thái căng thẳng đối phó với “Liên minh Đại bàng-Rồng chống Gấu”, và đặc biệt quan ngại khả năng Quân đội 6 triệu người của Trung Quốc được tăng cường trang bị phương tiện kỹ thuật quân sự mới nhờ sự hỗ trợ của Mỹ.
Chính vì thế mà giới lãnh đạo Liên Xô quyết tâm không tiếc tiền đẩy mạnh tốc độ xây dựng BAM và đã thở phào nhẹ nhõm khi khánh thành BAM vào năm 1984. Lý do xây dựng BAM thì như chúng ta đã biết.

Thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc ,1979.Ảnh : Ira Schwarz / AP
Thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc ,1979. Ảnh : Ira Schwarz / AP

Đầu hàng ở Phương Đông

Đến đầu những năm 80, để đối phó với Trung Quốc, Liên Xô đã phải duy trì 7 tập đoàn quân binh chủng hợp thành, 5 tập đoàn quân không quân độc lập, 11 sư đoàn tăng và 48 sư đoàn bộ binh cơ giới, 10 lữ đoàn đặc nhiệm và rất nhiều đơn vị độc lập khác, các khu vực phòng ngự trên biên giới và khẩn cấp chế tạo các đoàn tàu bọc thép chuyên dụng tại Mông Cổ.
Khối lượng phương tiện kỹ thuật quân sự mà Liên Xô có trong tay để sẵn sàng sử dụng là 14.900 tăng, 1.125 máy bay chiến đấu và gần 1.000 máy bay lên thẳng. Trong trường hợp xay ra chiến tranh, khối lượng vũ khí kỹ thuật đó sẽ vô hiệu hóa ưu thế về quân số của Trung Quốc. Trên mặt trận Xô- Trung, Liên Xô đã huy động tới 1/4 tổng số tăng và 1/3 quân số.
Hàng năm, Tập đoàn quân số 39 đều diễn tập các tình huống tấn công, xuất phát từ biên giới Liên Xô- Mông Cổ và nhanh chóng chuyển quân qua lãnh thổ Mông Cổ tới biên giới Trung Quốc và lần tập trận nào của Tập đoàn quân này cũng khiến cho giới lãnh đạo Trung Quốc hốt hoảng.
Không phải ngẫu nhiên mà sau đó, yêu cầu hàng đầu và chủ yếu nhất của Bắc Kinh đối với Matxcova là đòi Quân đội Liên Xô phải rút quân khỏi Mông Cổ- tất cả những đòi hỏi về lãnh thổ lúc này đã thành thứ yếu.
Tất cả đã thay đổi vào năm 1989, khi M.Gorbachev đơn phương cắt giảm quân đội và rút quân không chỉ khỏi Đức và các nước Đông Âu mà còn từ vùng biên giới Viễn Đông Liên Xô.
Liên Xô đã thực hiện tất cả các đòi hỏi của Trung Quốc- cắt giảm đáng kể lực lượng quân đội tại Viễn Đông, rút quân khỏi Afghanistan và Mông Cổ(...).
Những người lính Xô Viết cuối cùng rời khỏi Mông Cổ tháng 12/1992, sớm hơn nửa năm so với Đông Đức. Trong những năm đó, Mông Cổ là nước duy nhất chống lại việc rút quân Nga (lúc này đã là Nga) ra khỏi lãnh thổ nước mình – Ulan –Bator quá ngại Trung Quốc.
Tháng 6/1992, Bộ Tổng tư lệnh bộ đội Viễn Đông bị giải thể.
Phần lớn các đơn vị quân đội tại khu vực và tất cả các khu vực phòng ngự trên dọc tuyến biên giới với Trung Quốc cũng có số phận tương tự - từ Khorgosski, khu vực phòng ngự bảo vệ Alma-Ata, lúc này đã là thủ đô của nước Kazakhstan độc lập, đến tận Vladivostok.
Liên Xô đã thua cuộc chiến tranh lạnh không chỉ với Phương Tây, mà còn cả với Phương Đông, mà cụ thể hơn là Trung Quốc.

Mối đe dọa nào nguy hiểm hơn, từ Phương Đông hay Phương Tây ? Ảnh : Báo Nga
Mối đe dọa nào nguy hiểm hơn, từ Phương Đông hay Phương Tây ? Ảnh : Báo Nga

Cảnh giác Đông hay Tây?

Tổng thống Nga V.Putin trong trung tuần tháng 9/2014 đã đích thân nắm quyền lãnh đạo Ủy ban công nghiệp- quốc phòng và chỉ thị phải viết lại Học thuyết quân sự mới.
Không biết trong học thuyết mới này, mối đe dọa nào sẽ được nhấn mạnh nhất? từ hướng đông hay hướng tây? Các chuyên gia quân sự Nga đang sôi nổi tranh luận chủ đề này.

Trước đó, có 2 sự kiện khác đáng chú ý:

1. Ngày 04/7/2014, Tổng thống Nga V.Putin phát lệnh khởi công xây dựng tuyến đường BAM-2 . Ông nhấn mạnh: “BAM không những có ý nghĩa quân sự- chiến lược mà còn mang ý nghĩa kinh tế …. Bắt đầu từ giữa những năm 2000, BAM cực kỳ cần thiết đối với Nga cả về chiến lược- quân sự lẫn kinh tế” .

2. Nga tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn tại Quân khu Viễn Đông “Vostok-2014” từ Andyra đến Vladivostok. Tổng số có tới 155.000 quân nhân, 1.500 xe tăng, 632 máy bay và máy bay lên thẳng , 84 tàu chiến và đảm bảo, 8.000 đơn vị vũ khí và các trang thiết bị quân sự đã được huy động (số liệu X.Shoigu báo cáó V.Putin ngày 26/9).

Đây được coi là cuộc tập trận quy mô lớn nhất kể từ thời Liên Xô, chính xác hơn là từ năm 1979.

  • Lê Hùng

  • http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bai-hoc-trung-quoc-chay-nha-hai-dau-3104984/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét