Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Đánh thắng chiến tranh công nghệ cao trong lĩnh vực Tác chiến điện tử

Tác chiến điện tử (TACT) — tập hợp các hoạt động tác chiến theo mục tiêu, nhiệm vụ, vị trí và thời gian hoạt động của các đơn vị, phân đội thuộc lực lượng TCĐT nhằm mục đích phát hiện, làm rõ hệ thống điều hành tác chiến và các trang thiết bị điều hành tác chiến, tính năng kỹ chiến thuật hoạt động của các phương tiện hỏa lực đối phương (tên lửa, bom điều khiển), chiếm đoạt thông tin và quyền điều khiển, chế áp điện tử. Đồng thời bảo vệ môi trường điện từ cho hệ thống và các phương tiện, khí tài điều khiển binh lực, vũ khí trang bị quân ta, chống chế áp điện tử và trinh sát điện tử của địch.
Các hình thức và phương pháp tiến hành trinh sát và gây nhiễu.
Trong kế hoạch đảm bảo an ninh quốc phòng đồng thời sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xâm hại chủ quyền, lợi ích của quốc gia, ngăn chặn xung đột và chiến tranh, trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị quân sự và khoa học công nghệ, các cơ quan lãnh đạo quốc phòng các nước có sự quan tâm rất lớn đến các hoạt động trinh sát điện tử. Các nguyên tắc tiến hành trinh sát điện tử trong giai đoạn ngày nay bao gồm có:
- trinh sát toàn cầu, có trọng tâm – trọng điểm;
- liên tục tiến hành các hoạt động trinh sát;
- sử dụng tổng hợp tất cả các loại hình và các phương tiện khí tái trình sát;
- luôn luôn liên kết phối hợp với các cơ quan trinh sát của các nước bạn.
Các loại hình trinh sát điện tử:
1- Theo các phân loại các tổ hợp khí tài trinh sát: Trinh sát điện tử; trinh sát quang điện tử; trinh sát thủy âm; trinh sát siêu âm; trinh sát địa chấn; trinh sát phóng xạ; trinh sát hóa học; trinh sát từ trường.  
2-  Theo tính chất và mục đích sử dụng của các thông tin thu thập: chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học công nghệ; khí tượng; thủy văn môi trường, tài nguyên khoáng sản. Trong khuôn khổ bài viết chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng.
3- Trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, trinh sát điện tử có thể theo nhiệm vụ: Chiến lược quân sự; trinh sát điện tử cấp chiến dịch và trinh sát điện tử cấp chiến thuật.
4- Theo những kênh thu thập thông tin: Tình báo trinh sát; Sử dụng kỹ thuật công nghệ; Lực lượng trinh sát quân sự; Các nguồn thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5- Theo các phương tiện mang trang thiết bị, khí tài trinh sát điện tử: Vũ trụ; hàng không; Mặt đất; trên biển và dưới biển.
Mối đe dọa lớn nhất đối với hệ thống thông tin quân đội là hệ thống thông tin và điều khiển học sóng radio trên mọi dải tần số và hệ thống thông tin kỹ thuật số truyền tín hiệu vô tuyến. Tất cả các hệ thống thông tin và hệ thống kỹ thuật số vô tuyến cấu thành lên mạng lưới điều hành quân đội và điều hành tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Các phương tiện và khí tài trinh sát cũng tập trung khai thác chủ yếu các nguồn thông tin đã nêu. Các nguồn thông tin và mạng lưới thông tin hữu tuyến thông thường cần có biện pháp thâm nhập và các trang thiết bị đặc biệt.
Gây nhiễu điện tử chủ động – sóng điện từ gây nhiễu
Sóng nhiễu điện từ trường là các loại sóng điện từ trường trên các tần số tín hiệu không mang các thông tin hữu ích. Các sóng nhiễu điện từ trường bóp méo và che chặn các thông tin hữu ích, gây khó khăn cho việc xử lý thông tin, làm gia tăng các lỗi và sai lệch các thông tin được truyền đi theo các kênh truyền thông radio.
Nguồn phát sóng nhiễu điện từ trường có thể là tự nhiên “ từ bầu khí quyển trái đất, bão tuyết, bức xạ nhiệt trái đất và bức xạ nhiệt mặt trời). sóng nhiễu điện từ cũng có thế phát xuất từ các nguồn gốc nhân tạo như (công nghiệp, các trạm điện năng hoặc các trạm có chức năng khác nhau..). sóng nhiễu nhân tạo có thể được tạo ra có chủ ý và không có chủ ý, theo hình thức tạo thành có thể là: chủ động, xuất phát từ các đài trạm nguồn đặc biệt phát sóng nhiễu điện từ hoặc thụ động, xuất hiện những xung phản xạ từ các nguồn phát sóng radio định hướng đập vào vật gây nhiễu (các băng dây kim loại) hoặc các vật thể, vật chất trong môi trường.
Đài gây nhiễu chủ động SPN – 30M
Các sóng gây nhiễu có mục đích có thể phân loại thành: định hướng, ngăn chặn, quét và lướt. Các sóng gây nhiễu định hướng thường chiếm các dải tần số hẹp, không vượt quá 2 – 3 lần dải tần số mà đầu thu tín hiệu nhận hiệu quả nhất, sóng nhiễu ngăn chặn là sóng nhiễu được phát bao trùm toàn bộ phổ băng tần rộng, tần số được phát cao phổ tần số đầu thu của đối phương từ hàng chục cho đến hàng trăm lần. Phát sóng gây nhiễu dạng quét được tiến hành trong một dải tần số rất rộng, trên cả khu vực cần phải gây nhiễu và không cần phải gây nhiếu. Phát sóng gây nhiễu dạng lướt được hình thành trong quá quá trình chỉnh tần số phát trong một khoảng tần số hẹp trên một dải tần số rất rộng. Theo tính chất thời gian, nhiễu có thể được phát liên tục hoặc phát theo các chùm xung có công suất rất lớn, theo tính chất điều tiết phát xung có thể phát sóng gây nhiễu không điều tiết hoặc phát sóng gây nhiễu có điều tiết về biên độ, tần số và pha có thể theo quy luật hoặc sóng gây nhiễu được điều tiết một cách hoàn toàn ngẫu nhiên.
Gây nhiễu điện từ thụ động – phản xạ xung radio
Gây nhiễu thụ động bằng các xung phản xạ điện từ trường – âm thanh là kết quả của các sóng điện từ radar – siêu âm (sonar) khi gặp các vật chất phản xạ lại (môi trường, khói, các tấm phản xạ hoặc các hạt các băng dây kim loại có tính chất phản xạ hoặc tán xạ ngược) các sóng tán xạ hoặc phản xạ radars – siêu âm sẽ tạo lên môi trường nhiễu loạn tín hiệu. Nhiễu phản xạ thụ động chỉ có hiệu quả với các đầu thu tin hiệu sóng radar – sonar ở chế độ phát chủ động.
Gây nhiễu thụ động chống tên lửa trên biển
Các vật liệu phản xạ có thể là bất cứ vật liệu nào có tính phản xạ điện từ trường, có thông số kỹ thuật điện từ trường khác với môi trường xung quanh, ở Việt Nam, Mỹ đã sử dụng các băng dây kim loại lưỡng cực có tính phản xạ rất cao để tạo thành các đám mây nhiễu thụ động. Đối với các phương tiện có đầu dẫn radar – siêu âm, các cường quốc nước ngoài đã sử dụng các đầu đạn mang các chất cháy có thể tạo ra các đám khói mù bức xạ nhiệt trên diện rộng, hoặc sử dụng các đầu đạn gây nhiễu thụ động bằng các sợi băng lưỡng cực nhằm che phủ mục tiêu.
Sử dụng các vật liệu phản xạ có thể tạo ra các vật thể phản xạ radar xung quanh các mục tiêu bảo vệ, các khối phản xạ thường có hình lập phương hoặc có cạnh góc vuông, có tác dụng phản xạ ngược sóng radio. Một hệ thống các khối phản xạ thụ động có thể hoàn toàn che kín mục tiêu trước các đầu đạn tự dẫn bằng radar chủ động. Với các khối phản xạ này, có thể che chắn hoặc mô phỏng trên màn hình radar các mục tiêu như cầu, khu công nghiệp hoặc các mục tiêu cố định khác nhau. Để chống lại các đầu tự dẫn radar – hồng ngoại, công nghệ quân sự còn sử dụng một thiết bị nữa là kính phản xạ Lyneberga có chức năng phản xạ ngược các sóng điện từ trường phát xung chủ động.
Sơ đồ nguyên lý quả cầu kính phản xạ sóng điện từ Lyneberga.
Một trong những giải pháp được hình thành từ thời chiến tranh Việt Nam đến nay vẫn được duy trì và phát triển mạnh là các anten radar phản xạ ngược lại các nguồn phát sóng radars chủ động.
Song hành cùng với các trang thiết bị, khí tài chế áp điện tử, kinh nghiệm cuộc chiến tranh đường không trên bầu trời Hà Nội đã làm xuất hiện hàng loạt những khí tài mồi bẫy các đầu đạn tự dẫn radars – hồng ngoại và  các trang thiết bị nghi binh. Những bộ khí tài này có thể phát ra các nguồn tín hiệu hồng ngoại, sóng radio hoặc sóng radio – điện từ trường của radar. Một số các loại khí tài nghi binh có khả năng phát xung radar chủ động tương tự như radars chiến đấu hoặc có thể cơ động hành tiến trong đội hình. Các phương tiện chiến đấu hiện đại như chiến hạm, xe tăng, xe bộ binh cơ giới, các phương tiện bay đều được lắp đặt các thiết bị tạo mồi bẫy hồng ngoại, các vũ khí tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không được trang bị các thiết bị giả lập mục tiêu quang điện tử - radar. Các bộ khí tài giả lập cũng được lắp đặt trên các chiến hạm quân sự và các mục tiêu kinh tế dân sự quan trọng.
Tổ hợp nghi binh S-300.
Nhằm vô hiệu hóa hệ thống định vị vệ tinh và dẫn đường quán tính, các nhà khoa học quân sự Belarusia đã chế tạo các thiết bị ứng dụng nhằm mục đích gây nhiễu các tín hiệu từ vệ tinh. Các bộ khí tài này có tên là Optima – 3 và Tuman – 2. Hai bộ khí tài này có thiết kế rất đơn giản, gọn nhẹ và tiện dụng, có thể lắp đặt trên mọi phương tiện khác nhau và có tầm gây nhiễu xa đến 130 km. Bộ thiết bị này đã được Iran sử dụng để gây nhiễu hệ thống GPS của máy bay trinh sát UAV RQ -170 hiện đại nhất của Mỹ và bắt sống chiếc máy bay này.   
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ điện tử - truyền thông và thông tin, số lượng các phương tiện, khí tài, trang bị hiện đại phát triển rất mạnh với những tính năng kỹ chiến thuật của các đài, trạm thu phát thay đổi rất ngẫu nhiên. Hầu như mỗi nước khi phát triển hệ thống điều hành tác chiến, điều khiển hỏa lực và thông tin liên lạc đều đưa ra những thông số kỹ chiến thuật phù hợp với riêng mình, có khả năng lọc được nhiễu trong điều kiện tác chiến phức tạp của điện từ trường. Chính vì vậy các bộ khí tài tác chiến điện tử, gây nhiễu thông thường phải có công suất lớn, có dải tần số hoạt động rất rộng, các tính năng kỹ chiến thuật của các đài phát gây nhiễu cũng chứa nội hàm biến đổi ngẫu nhiên các tính năng kỹ thuật của sóng gây nhiễu, hình thức và phương pháp cũng hoàn toàn tính theo biến số và quy luật ngẫu nhiên. Ngoài ra, cần phải tính đến đối với các siêu cường có khả năng phát triển các trang thiết bị điện tử mạnh như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Nga, số lượng các thiết bị điện tử và khí tài TCĐT tăng gấp đôi trong vòng từ 3 – 5 năm. Thông thường, xu hướng phát triển và hoàn thiện trang thiết bị điện tử thông tin liên lạc có độ nhạy độ ổn định cao trong một số nhóm tần số ổn định, phát triển các thiết bị điều biến  thông tin liên lạc hiện đại có khả năng tự động hóa cao hoặc các thiết bị phi điều biến một cách ngẫu nhiên, cho phép co hẹp lại phổ tín hiệu truyền phát và tăng cường khả năng chống nhiễu, hoàn thiện và số hóa (digital) chế độ điều khiển tần số phát. Phát triển các hệ thống radars với không gian thu phát mở rộng và lực chọn phân cực đầu thu;
Những phát triển về công nghệ buộc các loại trang thiết bị TCĐT phải hoàn thiện cả về công nghệ, tăng cường về công suất và hoàn thiện phương pháp gây nhiễu đối phương, số hóa hệ thống các đài phát gây nhiễu và tăng cường các hình thức, các phương thức gây nhiễu chủ động hoặc thụ động.
Hệ thống phòng thủ TCĐT và đồng bộ hóa hệ thống tác chiến điện tử - yêu cầu bức thiết của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Kinh nghiệm từ các cuộc chiến tranh hiện đại trong giai đoạn gần đây cho thấy, để thực hiện các cuộc chiến tranh chớp nhoáng, các cuộc xung đột khu vực. Đối phương thường sử dụng các loại vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh có độ chính xác cao như tên lửa hành trình – có tính năng tương tự hoặc mạnh hơn tên lửa Tomahawk, bom có điều khiển (các loại bom như GBU-31 JDAM), các loại tên lửa có điều khiển tấn công các mục tiêu trên biển và trên mặt đất như AGM-84E SLAM, hoặc các loại tên lửa phòng từ tàu ngầm UGM Tomahawk với số lượng rất lớn, từ vài trăm cho đến hàng nghìn đầu đạn trong mỗi đợt tập kích. Các đòn tiến công có thể diễn ra từ nhiều hướng, nhiều chiều khác nhau từ đất liên, trên không, trên biển và dưới biển. Hầu hết các loại vũ khí đều được trang bị các thiết bị điều khiển học, bao gồm các hệ thống: dẫn đường quán tính, hệ thống nhận biết địa hình đường bay, hệ thống định vị vệ tinh, hệ thống theo dõi và nhận dạng mục tiêu quang điện tử. Các mục tiêu cần tấn công đã được xác định tọa độ, hình ảnh nhận diện, các mục tiêu quan trọng như các phương tiện hỏa lực trên biển, trên đất liền (chiến hạm, các trạm đài radars, hệ thống tên lửa phòng không, chống tàu, đạn đạo, các đơn vị chiến đấu và các sở chỉ huy, đồng thời với các mục tiêu kinh tế chính trị quan trọng, các mục tiêu về truyền thông, thông tin, thậm chí các các mục tiêu dân sự như các khu chung cư, tòa nhà cao tầng …) cũng được xác định rõ ràng.
Các đòn tấn công hỏa lực ban đầu với số lượng rất lớn – hàng nghìn đầu đạn có độ chính xác cao các loại thường được tiến hành với mục đích đánh quỵ tiềm năng quốc phòng của đối phương ngay từ giai đoạn đầu tiên, tiêu diệt và vô hiệu hóa lực lượng phòng không – không quân, phá hủy các phương tiện truyền thông đại chúng và phong tỏa bầu trời, mặt biển của đối tượng tác chiến. Trước, trong quá trình giáng đòn tấn công quy mô lớn, có độ chính xác và sức hủy diệt cao, đối phương thường tiến hành các hoạt động tình báo, trinh sát mục tiêu rất kỹ lưỡng, đồng bộ hóa các kết quả trinh sát – tình báo từ trên vũ trụ, trên không, trên biển, và dưới biển. Song hành cùng với các hoạt động chỉ thị dẫn đường mục tiêu là hoạt động TCĐT trên quy mô lớn với số lượng và công nghệ áp đảo nhằm hoàn toàn chế áp khả năng phản ứng của đối phương.
Trinh sát điện tử:
Những bài học kinh nghiệm trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ từ năm 1964 đến 1973 cho thấy. Trinh sát điện tử đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phòng thủ đất nước. Trong suốt giai đoạn quân đội Mỹ phong tỏa Vịnh Bắc Bộ, các đài radars trinh sát đường không của Việt Nam với sự chi viện thông tin của lực lượng trinh sát và cảnh báo sớm hạm đội Thái Bình dương liên bang Xô viết đã theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của lực lượng không quân – hải quân Mỹ trên Vịnh Bắc bộ, căn cứ không quân Guam và căn cứ không quân Utapao ở Thái Lan, những hoạt động tác chiến hiệu quả đã đem lại thắng lợi rất lớn trên bầu trời và vùng biển Miền Bắc.
Ngày nay, đất nước đã phát triển, đã có nhiều phương tiện, trang thiết bị khí tài trinh sát được trang bị cho lực lượng trinh sát – tình báo điện tử. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và không để bị bất ngờ. Công tác trinh sát điện tử cần được phát triển lên một tầm cao mới. Trong giai đoạn hiện nay, các lực lượng vũ trang  các trang thiết bị trinh sát điện tử đã phát triển vượt bậc. Để có thể theo dõi, quản lý bầu trời và không gian biển. Cần kết hợp các hệ thống quản lý điện tử bầu trời vào mặt nước trong một thể thống nhất.
Các phương tiện trinh sát điện tử thường xuyên bao gồm các đài radar thụ động lớp Kolchuga, Vega, Tamara của Cộng hòa Séc, đài radar trinh sát điện tử Radar phòng không RV-01/Vostock-E;  Valeria và các loại đài radar, các trạm sonar quân sự hoặc lưỡng dụng thông thường khác. Đây là những hệ thống radars trinh sát điện từ đã được thử thách qua nhiều thời kỳ phát triển, đáp ứng được yêu cầu tác chiến của chiến tranh hiện đại.
Do vị trí vô cùng quan trọng của biển trong điều kiện hiện nay, khi tình hình trên biển luôn có những biến động bất ngờ, có sự hiển diện quân sự của nhiều lực lượng hải quân của các cường quốc, cần xây dựng một hệ thống trinh sát trên biển và hải đảo. Truyền thống bảo vệ tổ quốc của dân tộc Việt Nam luôn lấy sức mạnh toàn dân, lấy lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân làm nòng cốt. Do đó, nhiệm vụ trinh sát tình báo trên biển sẽ là nhiệm vụ của toàn dân, trong đó, lực lượng hải quân cần có những phương tiện trinh sát hiện đại. Đó là các tàu trinh sát điện tử đa nhiệm, được trang bị các loại phương tiện và khí tài hiện đại có khả năng trinh sát điện tử trên không, trên biển và dưới biển. Song song cùng với việc xây dựng đội tàu trinh sát điện tử đa nhiệm, việc phát triển các máy bay không người lái các kích thước với các nhiệm vụ trinh sát điện tử cũng là một xu hướng phát triển mạnh mẽ và phù hợp với khả năng khoa học công nghệ trong nước, kết hợp tốt với các máy bay trinh sát và tuần biển của lực lượng cảnh sát biển hình thành nòng cốt của lực lượng TCĐT trên biển lớn.
Radar phòng không RV-01/Vostock-E.
Hệ thống các trạm radar trên hải đảo, trên bờ biển kết hợp với các tàu trinh sát điện tử trên biển lớn, các hạm độ tàu chiến đấu, lực lượng cảnh sát biển, lực lượng máy bay trinh sát tuần biển và máy bay không người lái được kết nối với một trung tâm chỉ huy điều hành các hoạt động tác chiến điện tử kỹ thuật số hoạt động ngày đêm hình thành một hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, đáp ứng yêu cầu tình báo – trinh sát tình huống, thống kê số liệu, đánh giá và nhận định tình hình và đặc điểm của không gian phòng thủ biển và bờ biển, từ đó đưa ra những đề xuất định hướng nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột và chiến tranh, đồng thời đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại.
СРТР
Đài radar trinh sát điện tử Valeria
Hệ thống tổ chức TCĐT của nền quốc phòng toàn dân.
Sức mạnh thật sự của hệ thống tác chiến điện tử trong tương lai không nằm của các phương tiện TCĐT của quân đội và cảnh sát biển, nó nằm trong sự phát triển lực lượng tác chiến điện tử toàn dân, do mọi thành phần kinh tế, nghiên cứu khoa học kết hợp với lực lượng vũ trang tạo thành. Để thực hiện được một mạng lưới trinh sát điện tử dày đặc, là tai mắt của hệ thống phòng thủ đất nước, cần có những hệ thống trang thiết bị trinh sát điện tử gọn nhẹ, có thể chỉ là những đầu thu tín hiệu đa dụng được lắp đặt trong các hệ thống radar dẫn đường, hệ thống đài vô tuyến điện, và điện thoại, các camera quan sát trên biển, các thiết bị phao trinh sát thủy âm trên tàu, thuyền đánh cá, nghiên cứu biển, các tàu du lịch và các tàu tuần biển của bộ đội biên phòng.  
Như vậy, hệ thống TSĐT của nền quốc phòng toàn dân sẽ là: Cơ quan chỉ huy, điều hành trinh sát điện tử cấp cao nhất (Bộ TTM, cơ quan tham mưu quân chủng và lực lượng), cơ quan tham mưu cấp quân khu, cơ quan tham mưu các địa phương, các đơn vị trinh sát điện tử cấp quân binh chủng, quân khu, quân đoàn, các đơn vị trinh sát điện tử địa phương và các tổ chức đơn vị trinh sát điện tử của lực lượng dân quân tự vệ bờ biển và biển được đồng bộ hóa, nhất thể hóa trên nền tảng của hệ thống quản lý, thu thập và xử lý thông tin kỹ thuật số, trinh sát điện tử đa phương tiện, liên kết phối hợp thống nhất với từng cấp, từng mức độ thu thập và xử lý thông tin, từ các hiện tượng đến các sự kiện. Đảm bảo tác chiến liên tục, trong cả thời bìnhvà thời chiến.
Với một chương trình huấn luyện nâng cao của lực lượng dân quân tự vệ biển, lực lượng bán vũ trang như hải quan, biên phòng, cảnh sát biển về các hoạt động trinh sát điện tử. Đơn giản là bật hoặc tắt, bảo quản các trang thiết bị và đảm bảo thông tin liên lạc. Khu vực phòng thủ đất nước sẽ có được một hệ thống trinh sát điện tử canh trời biển ngày đêm. Với sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng TSĐT 3 thứ quân
Tàu tác chiến điện tử Ural 7 SSV -33
Để có thể kiểm soát, trinh sát và thu thập được một cơ sở dữ liệu của tất cả các phương tiện hoạt động trên không, trên biển và dưới biển. Cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về các phương tiện quân sự hoạt động trên không gian biển, từ đó có thể xác định được các hiểm họa và nguy cơ, cũng như có được những căn cứ để xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm. Hệ thống nằm trong sự quản lý và điều hành của Bộ tổng tham mưu, bộ tham mưu lực lượng Hải quân và kết nối với tất cả các đầu thu tín hiệu trên mọi phương tiện trinh sát và TCĐT, thông qua hệ thống nhận biết mục tiêu và xử lý kỹ thuật số. Trở thành các chuẩn (templete) phục vụ cho mục đích tác chiến sau này. Khi tình huống xảy ra căng thẳng có thể dẫn đến xung đột quân sự và chiến tranh khu vực. Mạng lưới trinh sát điện tử sẽ nhanh chóng được chuyển trạng thái chiến đấu, các phương tiện trinh sát thời bình sẽ chuyển thành các phương tiện trinh sát thời chiến theo kế hoạch phòng thủ khu vực và phòng thủ đất nước tronng thời gian ngắn nhất.

Tương lai, các lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên cần được tăng cường các trang thiết bị hiện đại của TCĐT như các thiết bị gây nhiễu GPS, huấn luyện thành thạo các phương án gây nhiễu thụ động nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các mục tiêu quan trọng, xây dựng các khu vực trú ẩn và ngụy trang chống trinh sát hồng ngoại, thiết kế và chế tạo các bộ khí tài nghi binh, đánh lừa địch đồng thời đồng bộ hóa công tác chỉ huy, điều hành tác chiến, liên kết phối hợp với các lực lượng bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương trong TCĐT.
Tác chiến điện tử phi đối xứng.
Từ sau chiến tranh Việt Nam, các cường quốc quân sự thế giới đã thay đồi hoàn toàn mô hình chiến tranh, tính từ cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, mô hình tiến hành một cuộc chiến tranh “dồn nén thời gian” đã được hình thành trên cả lý luận và thực tiễn với sự tham gia trên quy mô lớn các loại vũ khí trang bị công nghệ cao, mà mũi nhọn là tên lửa hành trình đa tầm, bom liệng có điều khiển quang điện tử và máy bay không người lái. Sự kết hợp giữa của hệ thống tác chiến tiến công bao gồm TCĐT và vũ khí có độ chính xác cao (VKCX) là nòng cốt của các hoạt động tác chiến nhằm đánh quỵ tiềm lực quốc phòng của đối phương, phá hủy hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến và hệ thống phòng không, chống tàu. So sánh với các loại vũ khí khác tính từ sau chiến tranh ở chiến trường Nam Tư, hệ thống vũ khí chính xác và TCĐT có những ưu điểm mà không có hệ thống vũ khí trang bị trước đây có được. Thứ nhất: hệ thống VKCX và TCĐT giảm thiểu đến tối đa khả năng tác chiến tiếp xúc với đối phương. Từ đó giảm thiểu tổn thất các phương tiện mang và binh lực những vẫn đạt được mục đích đặt ra. Thứ hai: khả năng vô tận của các trang thiết bị, khí tài chế áp điện tử chủ động trong việc phát hiện mục tiêu và tầm xa các hoạt động chế áp của khí tài, khi sử dụng các phương pháp tìm kiếm và dẫn đường chủ động. Hiện nay, các cường quốc quân sự đã chế tạo và áp dụng thử thành công các bộ khí tài chế áp điện tử, có khả năng phá hủy hoàn toàn các hoạt động nội hàm của các phương tiện TCĐT đối phương, các chương trình phần mềm điều hành tác chiến và các trang thiết bị điện tử thông thường (bom viba, các bộ khí tài phát xung radio định hướng).
Từ những nhận định về VKCX và TCĐT trong một hệ thống chiến đấu tấn công. Có thể nhận thấy, để có thể dành thắng lợi trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ Quốc. Các lực lượng vũ trang QĐND Việt Nam phải có những phương án, xây dựng những khả năng, tăng cường vũ khí trang bị và phát huy nghệ thuật tác chiến sở trường.
Đặc điểm của TCĐT trên chiến trường Việt Nam giai đoạn hiện này là tác chiến phòng ngự tấn công, cơ động linh hoạt và sử dụng triệt để lực lượng vũ trang 3 thứ quân. Với tiềm lực kinh tế - quốc phòng không cao và tiềm năng công nghệ - công nghiệp quốc phòng. Thông thường sẽ là phương án phòng ngự và tiến hành chiến tranh phi đối xứng.
Mục đích của hệ thống chiến tranh điện tử phi đối xứng là nhằm vô hiệu hóa các loại VKCX của đối phương đi kèm với việc vô hiệu hóa vũ khí TCĐT của đối phương. Do đó, trang thiết bị, khí tài tác chiến điện tử mà nòng cốt sẽ là các phương tiện chế áp điện tử thụ động kết hợp với các phương tiện TCĐT chủ động nhằm tiêu diệt các loại vũ khí VKCX vượt qua khỏi hệ thống phòng ngự điện tử.
Hệ thống TCĐT phi đối xứng: Đó là các hệ thống gây nhiễu thụ động bằng các phương tiện cơ sở vật chất sẵn có trong khả năng nghiên cứu và chế tạo, hình thành các khu vực tác chiến nhiễu loạn điện từ trường, nhằm vô hiệu hóa khả năng tự dẫn của vũ khí đối phương. Các loại trang thiết bị gây nhiễu thụ động tạo xung phản xạ bảo vệ mục tiêu. Các trang thiết bị nhằm vô hiệu hóa khả năng định vị vệ tinh của hệ thống (GPS, Glonass và Bắc đẩu). Các hệ thống này kết hợp với hỏa lực phòng không của các khu vực phòng thủ và hỏa lực phòng không của chiến tranh nhân dân tạo thành một thế trận phòng ngự dày đặc ngăn chặn khả năng sử dụng vũ khí VKCX và các đòn tấn công TCĐT của đối phương.
Nghiên cứu các phương tiện VKCX cho thấy. Các tên lửa hành trình hiện nay mà điển hình là tên lửa hành trinh Tomahawk cấp chiến thuật có tầm tấn công từ khoảng cách 500 km đến mục tiêu, tầm bay hành trình trên mặt biển từ 5 -10 m, tầm bay trên địa hình từ 30 m – 120 m, có khả năng bay theo các quỹ đạo phức tạp do lập trình đường bay dự trên cơ sở dẫn đường quán tính, so ảnh scaner địa hình và hệ thống định vị vệ tinh. Các loại phương tiện mang khác đều có tính năng tương đương như vậy.
Phương pháp tiến công của VKCX cũng tương tự như nhau, sử dụng các đầu tự dẫn quang - ảnh nhiệt kết hợp với đầu tự dẫn radars, một số các loại bom, tên lửa có đầu tự dẫn phản xạ laser hoặc tự dẫn hồng ngoại. Hầu hết các loại đạn có điều khiển đều có thể tấn công tầm xa, từ khoảng cách 80 – 130 km.
 
Như vậy, trên cơ sở các thông số tính năng kỹ chiến thuật của các loại đạn có điều khiển với tầm bắn xa. Để bảo vệ được các mục tiêu quan trọng trong hệ thống phòng thủ đất nước. hệ thống phòng ngự TCĐT  được chia thành 4 lớp phòng thủ trong hệ thống phòng thủ chung của đất nước và phòng thủ khu vực: Hệ thống phòng thủ tầm xa, hệ thống phòng trung, hệ thống phòng thủ tầm gần và hệ thống phòng thủ mục tiêu.
Sơ đồ tác chiến điện tử phi đối xứng
Do các đòn tấn công từ xuất phát từ hướng biển và đường bờ biển nước ta kéo dài xuốt từ Bắc tới Nam là 3260 km. Các khu vực mục tiêu quan trọng đều nằm ven biển. Do đó tuyến phòng thủ tầm xa phải có tầm tác chiến lớn hơn 120 km tính từ mép biển. Tuyến phòng thủ điện tử tầm xa do hệ thống các thiết bị gây nhiễu dẫn đường vệ tinh GPS như “Tyman – 2” “Optima -3” đảm nhiệm kết hợp với các đài gây nhiễu tầm xa "Pelena-1"ở khu vực xung yếu, nơi có nhiều khả năng quỹ đạo đường bay của các tên lửa hành trình và máy bay không người lái tiếp cận bờ biển vào đất liền. Tuyến phòng thủ tầm xa có tác dụng gây nhiễu và ngăn chặn hệ thống dẫn đường, điều khiển VKCX trên đường bay đến mục tiêu.
Thiết bị gây nhiễu GPS Optima -3
Thiết bị gây nhiễu GPS Tuman – 2
Đài gây nhiễu chủ động tầm xa Pelena-1
Tuyền phòng thủ tầm trung được tính từ khoảng cách 40 – 50 km so với khu vực mục tiêu trọng yếu cần bảo vệ. Đây là tuyến phòng thủ được tổ chức xen kẽ giữa hệ thống gây nhiễu thụ động bằng các băng dây kim loại lưỡng cực, các loại hạt có khả năng gây nhiễu kết hợp với các trận địa phòng không và các đài chế áp điện tử bảo vệ mục tiêu như Liman (chế áp hệ thống thông tin trên không), Lotoc (chế áp hệ thống liên lạc viễn thông)  và các đài gây nhiễu hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS.  Kinh nghiệm của chiến tranh phòng không Việt Nam cho thấy, những đám mây nhiễu lưỡng cực gây rất nhiều khó khăn trong việc xác định mục tiêu của các đài radar điều khiển hỏa lực chủ động. Vật liệu gây nhiễu điện tử thụ động ngày nay có thể gây nhiễu cả hệ thống radars dẫn đường và hệ thống quang – điện tử xác định tọa độ mục tiêu. Thông thường tuyến phòng thủ tầm trung thường được bố trí thành các khu vực trận địa tác chiến điện tử, kết hợp giữa các khí tài, phương tiện TCĐT với các trận địa tên lửa, pháo binh phòng không các cỡ nòng được điều khiển hỏa lực bằng hệ thống radars kỹ thuật số nhằm giảm thiểu tối đa số lượng đầu đạn tấn công của đối phương.
Đài chế áp điện tử Liman
Đài chế áp liên lạc vệ tinh định hướng Lotoc
Tuyến phòng thủ tầm gần là tuyến phòng thủ nằm trong tầm hỏa lực tiêu diệt mục tiêu của các phương tiện phòng không bảo vệ mục tiêu như tên lửa tầm thấp, pháo phòng không các cỡ nòng như tổ hợp Shilka..trên khoảng cách xa đến 30km so với khu vực mục tiêu. Hệ thống TCĐT bao gồm các tổ hợp gây nhiễu bảo vệ các cụm mục tiêu như tổ hợp "Diabazol", các đài gây nhiễu bảo vệ mục tiêu 1L269 Krasuha-2, CPN-4, CPN -30M hoặc các hệ thống trinh sát và TCĐT của các đài gây nhiễu CPN -2, CPN-4.
 
Tổ hợp tác chiến điện tử đa năng - 1L269 Krasuha-2
Hệ thống chế áp điện tử chủ động SPN – 2 và SPN - 4
Tuyến phòng thủ điện tử bảo vệ mục tiêu. Đó là hệ thống các trang thiết bị TCĐT bảo vệ mục tiêu đó khỏi các đòn tấn công của VKCX, tên lửa chống radar và các đòn tấn công của các phương tiện tác chiến điện tử khác của đối phương. Đây là hệ thống phòng thủ quan trọng nhất và cũng là hệ thống đảm bảo an toàn cao nhất trước những đòn công kích hủy diệt của kẻ thù. Hệ thống phòng thủ điện tử bảo vệ mục tiêu tùy theo tính chất mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, tính năng kỹ chiến thuật và khả năng tấn công của đối phương để thực hiện. Trong bảo vệ các mục tiêu có tính cố định, có kích thước lớp và hình khối (cầu, bến cảng, các tòa nhà lớn, các công trình xây dựng) sẽ hình thành tuyến phòng thủ tầm trung bảo vệ khu vực mục tiêu, tầm gần bảo vệ mục tiêu và tuyến phòng thủ điện tử bảo vệ mục tiêu. Đối với các mục tiêu khác như trận địa, các phương tiện tác chiến có thể cơ động phân tán hoặc ẩn nấp (các hệ thống tên lửa đạn đạo, hệ thống tên lửa chống tàu, hệ thống tên lửa phòng không, ….) sẽ tổ chức liên kết phối hợp với hệ thống phòng thủ tầm trung và xây dựng hệ thống phòng thủ điện tử mục tiêu theo yêu cầu tác chiến.
Đối với các phương tiện tác chiến có sức cơ động cao như các chiến hạm, các đơn vị xe tăng – thiết giáp của các đơn vị binh chủng hợp thành, trong điều lệnh tác chiến đã được biên chế các loại vũ khí, phương tiện tác chiến điện tử. Với các mục tiêu quan trọng khác, hệ thống tác chiến điện tử bảo vệ mục tiêu thường có: các bộ khí tài nghi binh tạo mục tiêu giả (bao gồm cả mục tiêu giả bằng vật liệu hoặc bằng khí tài quang – điện tử) đánh lừa địch, các bộ khí tài ngụy trang tạo màn khói mù chống các đầu đạn tự dẫn bằng hồng ngoại, laser, các bộ khí tài phản xạ gây nhiễu thụ động kiểu khối góc lập phương hoặc quả cầu phản xạ Lyneberga và các đài gây nhiễu chủ động CPN -30M hoặc tổ hợp gây nhiễu chủ động 1L269 Krasuha-2. Với các trận địa chiến đấu có địa bàn rộng lớn như trận địa tên lửa, trận địa pháo bờ biển, tên lửa phòng thủ bở biển hải đảo hoặc các mục tiêu quan trọng khác, sẽ sử dụng các tổ hợp gây nhiễu trên không gian rộng lớn hơn như Tổ hợp “Diabazol”. Ngoài các phương tiện gây nhiễu điện tử, ngụy tranh, nghi binh. Để bảo đảm an toàn tối đa trong hệ thống còn được biên chế các tổ hợp hỏa lực tầm gần như tên lửa vác Igla, xe thiết giáp phòng không Shika hoặc các phương tiện module phòng không tầm cận gần như các tổ hợp "Pantsirt-C1" Palma. 
Tổ hợp đài chế áp điện tử bảo vệ mục tiêu “Diabazol”.
Trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ Quốc, các hệ thống tác chiến hiện đại là thành phần chủ chốt của hệ thống phòng thủ đất nước. Sự sống còn và khả năng chiến đấu được bảo đảm và tăng cường bởi hệ thống phòng thủ toàn dân, trong đó có lực lượng dân quân tự vệ và quần chúng nhân dân. Chiến tranh hiện đại đòi hỏi lực lượng vũ trang thứ 3 hùng hậu này cũng cần được hiểu biết sâu sắc về chiến tranh điện tử phi đối xứng. Kinh nghiệm chống chiến tranh đường không của Miền Bắc cho thấy, hệ thống phòng không nhân dân đóng vai trò quan trọng trong chiến đấu với các loại vũ khí công nghệ cao. Thế trận phòng không tầm thấp là sức mạnh ưu việt nhất và cũng đem lại hiệu quả tác chiến cao nhất. Tương lai, các lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên cần được tăng cường các trang thiết bị hiện đại của TCĐT như các thiết bị gây nhiễu GPS, huấn luyện thành thạo các phương án gây nhiễu thụ động nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các mục tiêu quan trọng, xây dựng các khu vực trú ẩn và ngụy trang chống trinh sát hồng ngoại, thiết kế và chế tạo các bộ khí tài nghi binh, đánh lừa địch đồng thời đồng bộ hóa công tác chỉ huy, điều hành tác chiến, liên kết phối hợp với các lực lượng bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương trong TCĐT.
Với một hệ thống phòng ngự TCĐT và chống VKCX được triển khai sâu rộng trên cả nước. Mặc dù kẻ thù có thể sử dụng mọi thủ đoạn, mọi biện pháp tác chiến, ứng dụng công nghê siêu hiện đại với những đòn tấn công lớn cả về quy mô lẫn số lượng thì mọi cuộc chiến tranh công nghệ cao đều có thể kết thúc bằng một “Điện Biên Phủ” ở Việt Nam.
Nguồn: Chiến thuật tác chiến điện tử quân đội Xô Viết
Trịnh Thái Bằng
http://www.quocphonganninh.edu.vn/Trangchủ/tabid/195/catid/540/item/2191/danh-thang-chien-tranh-cong-nghe-cao-trong-linh-vuc-tac-chien-dien-tu-ii.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét