Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Trung Quốc và Nga là 'kẻ thù sinh tử' của nước Mỹ?

Trong báo cáo trình Uỷ ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James R. Clapper thẳng thừng tuyên bố Trung Quốc và Nga là “kẻ thù sinh tử” của nước Mỹ.

Trung Quốc và Nga rất nguy hiểm
Trong báo cáo của mình, James R. Clapper đưa ra các đánh giá khá khiêm tốn về sự phát triển của các lực lượng vũ trang Nga và Trung Quốc.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ ClapperR. Clapper thẳng thừng tuyên bố Trung Quốc và Nga là “kẻ thù sinh tử” của nước Mỹ.
Theo ông, những thành tích về kinh tế của Trung Quốc - trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và khả năng khắc phục những hậu quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng thế giới tạo nền tảng cho Trung Quốc ứng dụng chương trình dài hạn trong việc hiện đại hoá các lực lượng vũ trang của mình. 

Tướng Clapper nhấn mạnh, theo dõi sát đường lối đối ngoại của Trung Quốc và nỗi “khát khao” cháy bỏng giành vị thế hàng đầu trên trường quốc tế của nước này, Cơ quan Tình báo Mỹ không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, đặc biệt về các vấn đề liên quan đến chủ quyền trên biển. 

Theo thông tin của James, vào năm ngoái mối quan hệ giữa Đài Loan và Đại lục mang tính tích cực và vẫn ổn định. Hai bên phê chuẩn Hiệp định khung về hợp tác kinh tế. 

Nhưng đồng thời, Clapper cũng nhấn mạnh, nếu Đài Loan và Trung Quốc không thể duy trì ổn định trong các cuộc đối thoại chính trị và kinh tế thì mối quan hệ này sẽ rất dễ đổ vỡ. 

Người đứng đầu Cộng đồng tình báo Mỹ cho hay, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chương trình cải cách các lực lượng vũ trang của mình vào cuối những năm 90 thế kỷ XX. Giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rõ mối đe doạ đối với an ninh quốc gia. 

Vì vậy, Trung Quốc đầu tư khá nhiều tiền vào việc nghiên cứu chế tạo các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, các hệ thống quân sự vũ trụ, các phương tiện trinh sát, phát hiện và quan sát. 

Ngoài ra, Trung Quốc còn chi rất nhiều tiền cho việc hiện đại hoá phòng không không quân và phát triển hải quân. Cụ thể, vừa qua Trung Quốc thử nghiệm máy bay tiêm kích thế hệ mới J-20. 

Theo James, đây là bằng chứng cụ thể để chứng minh về khát vọng cháy bỏng chế tạo vũ khí tiên tiến của Trung Quốc. Đồng thời, ông cho rằng, Trung Quốc đạt được những thành tích không nhỏ trong việc phát triển vũ khí. 

Trong quan hệ với Nga, vị sếp của Cơ quan Tình báo Mỹ cho rằng, năm 2010 quan hệ giữa hai nước có nhiều tiến bộ. Cụ thể, tháng 4/2010 Nga và Mỹ ký Hiệp ước về vũ khí tấn công chiến lược. 

Ngoài ra, Moscow thể hiện sự sẵn sàng hợp tác với Washington trong các vấn đề đấu tranh chống sản xuất ma tuý tại Afghanistan và cắt đứt con đường vận chuyển ma tuý thông qua lãnh thổ Nga đến châu Âu và Mỹ, chống lại chương trình hạt nhân của Iran. 

Ngoài ra, trong báo cáo Clapper chỉ ra rằng, Nga sẵn sàng thảo luận phương hướng hợp tác với các nước NATO và Mỹ trong lĩnh vực xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu và tiến hành hàng loạt các cuộc hội đàm thảo luận Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu. Đặc biệt, Nga tiến hành những biện pháp cần thiết để được gia nhập WTO. 

Tuy nhiên, Clapper cũng cho biết, hiện nay Nga - Mỹ đang tồn tại những mâu thuẫn nhất định. Trong số những người đại diện lãnh đạo Nga có ý kiến cho rằng, việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu là nhằm chống lại Nga. 

Ngoài ra, Moscow phản đối các cuộc thảo thuận liên quan đến việc rút quân khỏi Abkhazia và Nam Ossetia, việc thừa nhận chủ quyền lãnh thổ của Gruzia.

Người lãnh đạo Cộng đồng Tình báo Mỹ cho rằng, Nga thực hiện chương trình hiện đại hoá các lực lượng vũ trang xuất phát từ nguyên tắc coi Mỹ và NATO là kẻ thù tiềm năng của Nga. Vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga sẽ thúc đẩy các cuộc xung đột tiềm năng trên toàn cầu và nâng cao ảnh hưởng địa chính trị của Nga. 

Lực lượng vũ trang thông thường của Nga được đào tạo bài bản và có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao. Mục tiêu chính của lực lượng vũ trang thông thường Nga hiện nay là phương Tây, Caucasus, Viễn Đông và Trung Á. 

Tại các khu vực này, các lực lượng vũ trang của Nga bảo đảm sự ảnh hưởng của Moscow và tạo ra một vành đai an ninh để từ đó Nga có thể bảo vệ biên giới của mình. Theo James, các cuộc tập trận quy mô nhỏ của hải quân Nga tại Ấn Độ Dương, biển Caribbean, Địa Trung Hải và Đại Tây Dương được tổ chức khá tốt nhằm mục đích phô trương sức mạnh hải quân và muốn khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng, Nga có lực lượng hải quân vô địch. 

Từ đầu năm 2008, Nga bắt đầu thực hiện kế hoạch cải cách các lực lượng vũ trang dựa trên các nguyên tắc khác cơ bản các nguyên tắc xây dựng quân đội theo kiểu Liên Xô.
Những người đứng đầu quốc gia Nga hiện nay hiểu rằng, vẫn có khả năng quân đội phương Tây sẽ tham gia trong các cuộc đụng độ quân sự tại biên giới Nga. Điều này cần phải có sự phản ứng nhanh nhạy và cứng rắn của quân đội Nga cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đồng thời, để đưa ra các biện pháp xây dựng lực lượng vũ trang Nga và củng cố vị thế của Điện Kremlin trên trường quốc tế, giới lãnh đạo Nga sắp tới sẽ thông qua quyết định cho phép quân đội tham gia trực tiếp vào các chiến dịch gìn giữ hoà bình.
“Quả bom” nổ trong Quốc hội Mỹ
Những đánh giá về sự phát triển tiềm lực quân sự của Trung Quốc và Nga do người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ đưa ra thực tế không có gì mới. Đa số những thông tin này được báo giới Mỹ và các nước trên thế giới công bố.

Nhưng tuyên bố của Tướng Clapper vẫn làm cho các thượng nghị sỹ Mỹ bị sốc. Trước công bố của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, Nhà Trắng ngay lập tức bác bỏ.
Tom Danilon, cố vấn của Tổng thống Mỹ Obama phụ trách vấn đề an ninh quốc gia bày tỏ, trong quá trình đánh giá tình hình ở Libya, Clapper chủ yếu dựa vào các dữ liệu thống kê không tính đến động lực phát triển xung đột.
Ben Rhoder, cấp phó của Tom Danilon bày tỏ phẫn nộ trước công bố liên quan đến Trung Quốc và Nga của tướng James. Ông cho rằng, không một quốc gia nào (Trung Quốc và Nga) là mối đe doạ đối với Mỹ. Kho vũ khí hạt nhân chiến lược của các nước này đơn giản chỉ là một trong những lĩnh vực quan tâm của các nhà phân tích đánh giá chiến lược.
Phản ứng trước công bố của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James, Thượng nghị sỹ Lindsey Graham bức xúc nói, Clapper nên từ chức hoặc cách chức ông ta. Lindsey Graham giải thích rằng, Clapper không hề hiểu mình cần làm gì và lời nói của Clapper sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cộng đồng thế giới.
Carl Levin, Chủ tịch Uỷ ban Quân lực bày tỏ ý kiến rằng, ông rất ngạc nhiên trước những lời công bố của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ. Clapper chỉ nói về Trung Quốc và Nga mà không hề đề cập đến các nước thuộc "trục ma quỷ" như Triều Tiên và Iran. Công bố này sẽ làm cho Trung Quốc và Nga hết sức quan ngại.
Dianne Feinstein, Chủ tịch Uỷ ban  tình báo của Thượng viện cho biết, ý kiến của Tướng Clapper gây nghi ngờ về dự định của Nga và Trung Quốc gây hại cho Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét