Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Tàu sân bay Varyag của Trung Quốc - mối đe dọa đối với các nước xung quanh

Những thông tin về chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước xung quanh Trung Quốc. Theo trang web của Đài Truyền hình Vệ tinh Phượng Hoàng ngày 7/4, việc hạ thủy chiếc tàu này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với Trung Quốc và có tính đe dọa nhất định đối với các nước xung quanh.

Theo mạng trên, tàu sân bay Varyag hạ thủy sẽ biến giấc mơ suốt 70 năm qua của người Trung Quốc và Hải quân Trung Quốc thành hiện thực. Lực lượng Hải quân Trung Quốc, đang bị công chúng chỉ trích vì vấn đề Biển Đông, cũng có thể nhân dịp Varyag hạ thủy mà xoay chuyển sự chú ý của người dân, từ đó toàn tâm toàn ý tham gia giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trước kia, khi chưa có Varyag, máy bay chiến đấu của Trung Quốc phải tiếp nhiên liệu trên không mới có thể bay đến được khu vực biển tranh chấp. Khi đã có Varyag, Trung Quốc không chỉ có thể giải quyết những vấn đề này mà còn có thể hăm dọa, ngăn cản một cách có hiệu quả các nước ở khu vực Biển Đông, khiến họ không còn dám ngang ngược như trước, từ đó có thêm ưu thế trong đàm phán tranh chấp biển đảo.
Tàu sân bay được gọi là “quốc thổ di động”, việc tấn công tàu sân bay có nghĩa là tuyên chiến với nước sở hữu tàu sân bay. Do đó, nếu Varyag đi đến khu vực quần đảo Điếu Ngư, Nhật Bản sẽ không dám đối xử với Varyag theo cách đối xử với tàu tuần tra biển của Trung Quốc trước kia. Điều này cũng đánh dấu một thực tế là ưu thế và quyền chủ động trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản đang nắm giữ từ nay sẽ thuộc về Trung Quốc. Có thể nói, việc Varyag hạ thủy là điều Nhật Bản không mong đợi. Tuy có trong tay lực lượng hải quân tiên tiến và hai tàu sân bay trực thăng mới hạ thủy, song Nhật Bản vẫn chưa có tàu sân bay có thể chuyên chở được máy bay tiêm kích, tàu sân bay trực thăng có tiên tiến đi chăng nữa cũng không thể ngăn cản được sự tấn công mang tính hủy diệt của nhóm máy bay chiến đấu xuất phát từ tàu sân bay lớn cùng các tàu ngầm của Trung Quốc. Nếu chiến tranh Trung-Nhật xảy ra, khả năng Mỹ tham dự toàn diện sẽ không cao, chắc chắn sẽ chỉ giúp đỡ Nhật Bản trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao như viện trợ vũ khí, cung cấp thông tin tình báo từ vệ tinh… Mỹ cũng hiểu rằng, nếu tham dự toàn diện vào chiến tranh với Trung Quốc, không ai có thể dự đoán được khả năng hủy diệt thế giới của cuộc chiến này sẽ như thế nào.
Đối với Mỹ, Varyag hạ thủy không có nghĩa là hải quân Trung Quốc có thể khai chiến với lực lượng hải quân hùng mạnh của họ. Trên thực tế, đây là một điều “khá viển vông” bởi 11 cụm tàu chiến đấu sân bay của Mỹ không phải là "đồ chơi". Tuy nhiên, việc Varyag hạ thủy ít nhất sẽ gây cản trở, làm chậm chính sách “quay trở lại châu Á” của Mỹ.
Việc hạ thủy Varyag trước tiên sẽ tạo ra sự uy hiếp trực tiếp đối với Hàn Quốc, điều này sẽ giúp tình hình bán đảo Triều Tiên bớt căng thẳng và tạo môi trường thuận lợi hơn cho khu vực Đông Bắc Trung Quốc. Bên cạnh đó, hạ thủy Varyag cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thu hồi Đài Loan. Có tàu sân bay, Hải quân Trung Quốc sẽ có khả năng đi vòng qua vùng biển Thái Bình Dương, tiếp cận phía Đông và hoạt động ở khu vực biển phía Nam Đài Loan, Đài Loan có khả năng sẽ bị bao vây tứ phía. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra sự đe dọa nhất định đối với Đài Loan. PLA hiện đã chọc thủng “chuỗi đảo thứ nhất”, cùng với sự xuất hiện của tàu sân bay Trung Quốc, cuộc chiến trên biển giữa Trung Quốc và Mỹ tới đây sẽ không còn thực hiện trên lãnh thổ Trung Quốc (chỉ Đài Loan) mà là cuộc đọ sức ở bên ngoài “chuỗi đảo thứ nhất”.
Việc hạ thủy Varyag cũng là một tác động không nhỏ đối với Ấn Độ, quốc gia luôn mơ tưởng trở thành nước lớn, bá chủ mang tính khu vực. Hải quân Ấn Độ cũng có vài chiếc tàu sân bay cũ cỡ nhỏ và vừa, đồng thời tiến hành tự đóng tàu sân bay cỡ trung từ năm 1998 nhưng đến nay vẫn chưa hạ thủy. Tàu Varyag của Trung Quốc sắp hạ thủy thực sự là một việc khiến Ấn Độ không vui, nhóm tàu sân bay chiến đấu Varyag của Trung Quốc có thể nhấn chìm nhóm tàu sân bay chiến đấu hiện nay của Ấn Độ.
Theo “Phượng Hoàng”, mục đích sử dụng cuối cùng của Varyag có thể không phải là tàu sân bay mang tính chất tấn công về mặt ý nghĩa chiến lược, mà có thể là một tuần dương hạm dùng để luyện tập, song cho dù với vai trò nào, nó cũng đều tăng thêm sinh lực cho hải quân Trung Quốc trong chiến đấu, là một “mẫu hạm chuẩn” quá độ trước khi hải quân Trung Quốc chính thức trang bị thêm tàu sân bay trong tương lai. Quá trình cải tạo và tân trang Varyag đã giúp hải quân Trung Quốc nắm được kỹ thuật chế tạo tàu sân bay, nắm vững quá trình thực tiễn về chế tạo, đóng tàu sân bay một cách hệ thống, hoàn chỉnh và đầy đủ. Vì thế, Varyag tất sẽ có riêng một trang cho mình trong lịch sử phát triển Hải quân Trung Quốc.

Theo Phượng Hoàng

Trần Quang (gt)

Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1356-tau-san-bay-varyag-moi-de-doa-voi-cac-nuoc-xung-quanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét