Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

‘Mục tiêu’ của sách trắng quốc phòng Trung Quốc

Theo nhà nghiên cứu John Lee, Trung Quốc vừa công bố sách trắng chỉ trích Mỹ, cáo buộc Washington tập hợp liên minh chống Bắc Kinh ngay tại châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực và tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan…


Đồng thời, sách trắng tái khẳng định quân đội Trung Quốc tăng ngân sách chủ yếu để thực hiện các mục tiêu phòng thủ; cũng như cung cấp thêm thông tin về lập trường quân sự chiến lược của nước này.
Sách trắng của Trung Quốc còn cam kết tăng cường xây dựng niềm tin với các quốc gia láng giềng sau khi có nhiều hành động rất cương quyết trong năm 2010.
Còn phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc là Geng Yansheng xác nhận là Trung Quốc không bao giờ sử dụng sức mạnh quân sự đối “bắt nạt hàng xóm”. Ông Geng tuyên bố: “Các lực lượng vũ trang Trung Quốc tuân thủ cách tiếp cận hòa bình, hợp tác và xây dựng trong các quan hệ quân sự quốc tế”.
Tuy nhiên, John Lee cho rằng, giống như những sách trắng trước đó, tài liệu lần này cũng không giải thích được lý do tại sao Trung Quốc không trao đổi quân sự với bên ngoài; cũng như không tăng cường tính minh bạch…
Theo Lee, Trung Quốc liên tục khẳng định là họ muốn xây dựng sự tôn trọng và lòng tin với thế giới bên ngoài nhưng thực tế không cho thấy điều đó. Và sách trắng lần này cũng như những bản “tiền nhiệm”, có nhiều thông tin mập mờ.
Lập luận thứ nhất mà Lee đưa ra là việc Trung Quốc tăng ngân sách và sức mạnh quân sự không thể coi là nhằm mục tiêu phòng thủ như sách trắng. Bắc Kinh không thể thực sự “phòng thủ” tại các khu vực mà họ đang tranh chấp bởi họ không kiểm soát được các vùng đó, dù liên tục ra các tuyên bố chủ quyền ở nhiều vùng biển xung quanh.
Còn xét suốt cả năm 2010, những hành động của Trung Quốc và việc họ phát triển sức mạnh quân sự cũng cho thấy một điều, Bắc Kinh không đầu tư mạnh cho quân đội chỉ đề phòng khả năng Đài Loan tuyên bố độc lập. Nói cách khác, Mỹ và nhiều quốc gia láng giềng không tin rằng, giải quyết được khúc mắc giữa đôi bờ sẽ xoa dịu những tham vọng của Bắc Kinh.
Hậu quả, theo ChinaPost, 2010 là năm chứng kiến nhiều “va chạm” giữa Trung Quốc và Mỹ, các nước láng giềng về lãnh thổ. Việc này “đẩy” họ xa Trung Quốc và tới gần Mỹ hơn .
Về việc tăng cường trao đổi quân sự với thế giới bên ngoài, nhất là với Mỹ, Trung Quốc cũng không có nhiều bước tiến dù hai bên ký Hiệp định tham vấn hàng hải Mỹ-Trung năm 1998. Trong thập niên 1970 và 1980, khi chiến tranh Lạnh chưa kết thúc, Mỹ và Liên Xô còn có nhiều hoạt động trao đổi quân sự, xây dựng lòng tin… nhiều hơn cả giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đã vậy, hiện Trung Quốc hội nhập nhiều hơn vào thế giới bên ngoài so với Liên Xô. Theo đó, Trung Quốc đã và đang chủ động hội nhập vào trật tự thế giới đương đại và nền kinh tế của họ cũng hòa quyện nhiều hơn so với Liên Xô. Một điểm khác nữa (so với Liên Xô) là Trung Quốc cũng luôn khẳng định mình phát triển hòa bình, bác bỏ thông tin rằng Mỹ là đối thủ chiến lược của họ trong khu vực.
Vậy điều gì khiến Bắc Kinh không thực sự muốn tăng tính minh bạch và quan hệ quân sự với Mỹ; liệu đó có phải là việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan như điều mà Trung Quốc khẳng định?
Theo ông Lee, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan không đủ áp lực khiến Trung Quốc duy trì chính sách mơ hồ, thiếu minh bạch và không muốn đối thoại quân sự với Mỹ. Do đó, chỉ có thể giải thích cho những hành động của Trung Quốc là họ coi Mỹ là đối thủ khó đối phó.
Theo đó, dù chưa thể đạt được sức mạnh quân sự ngang bằng Mỹ trong thời điểm hiện tại nhưng Trung Quốc vẫn muốn có đủ sức lực để Mỹ phải “trả giá” nếu có hành động chống Trung Quốc trong khu vực.

Đơn cử như trong vấn đề Đài Loan, việc Mỹ không nắm rõ sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ khiến Washington phải đắn đo nhiều hơn nếu muốn dùng vũ lực với Bắc Kinh khi xảy ra “khủng hoảng”.
Nói cách khác, do Washington không biết là Bắc Kinh có vũ khí gì, mạnh tới đâu…nên sẽ phải cẩn trọng hơn. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc muốn đảm bảo rằng, họ sẽ chiến thắng một cuộc chiến tranh mà không cần thực sự tham chiến.

Một nguyên nhân khác khiến Trung Quốc mập mờ là những nhà lý luận Trung Quốc nhận biết được rằng, Bắc Kinh đang bị cô lập, không được bất kỳ cường quốc khu vực nào, kể cả Nga, tin tưởng; bất chấp là nền kinh tế của họ ngày một phình to.

Tóm lại, do muốn răn đe Mỹ và không chỉ muốn "phòng thủ", Trung Quốc "mập mờ", khiến không biết rõ sức mạnh của họ tới đâu. Kết quả là Bắc Kinh răn đe thành công nhiều đối thủ...

Nam Việt (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét