Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay đầu tiên vào tháng 4.2011?

Trung Quốc sẽ sớm triển khai chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này, và trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Bắc Á làm như vậy. Chiếc Varyag được Trung Quốc mua của Ukraine và làm lại tại một xưởng đóng tàu ở Đại Liên từ năm 2002, đã gần hoàn tất, Tân Hoa xã cho biết.
Chiếc tàu sân bay này được đặt tên theo tiếng trung là "Shi Lang", theo tên vị đô đốc đã chinh phục Đài Loan năm 1681.
Hải trình thử nghiệm chiếc tàu sân bay này được hoạch định vào 23/4 - đánh dấu ngày thành lập lực lượng Hải quân hoặc 1/7, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc.
Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã thay đổi chiến lược hải quân và tìm cách mở rộng địa bàn chiến lược tới Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã triển khai ba tàu hải quân tới vùng biển ngoài khơi Somalia kể từ 2008 và tiến hành một cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn từ tháng 4 năm ngoái, trong đó, tàu chiến nước này vượt qua vùng biển phía nam Nhật và đi vào tây Thái Bình Dương. Một chiếc tàu sân bay là yếu tố then chốt để Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược này. 
Một chuyên gia chính trị quốc tế ở trường đại học Bắc Kinh cho biết: "Khi sự quan tâm của Trung Quốc mở rộng khắp toàn cầu, thì chiến lược hải quân vốn chỉ tập trung vào lợi ích quốc gia - bị hạn chế ở lãnh hải Trung Quốc - sẽ không còn phù hợp. Do đó, nước này cần tàu sân bay để mở rộng vùng hoạt động khắp thế giới".
Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc phát triển hàng không mẫu hạm để bảo đảm an toàn cho tuyến đường nhập khẩu dầu từ Trung Đông. Trung Quốc dường như lo ngại rằng an ninh năng lượng của nước này sẽ bị đe dọa nếu có trường hợp khẩn cấp ở Ấn Độ Dương, Biển Đông và vùng biển phía đông nước này - vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của quân Mỹ. Trung Quốc hiện dựa vào nhập khẩu dầu để đáp ứng 60% nhu cầu trong nước.
Hiện thời, chiếc Shi Lang dường như chỉ được dùng làm nền tảng thử nghiệm cho công nghệ máy bay chiến đấu dựa trên tàu sân bay trong khi Trung Quốc phát triển chiến lược tàu sân bay tham chiến. 
Dựa vào kinh nghiệm cải tiến Varyag, Trung Quốc đang đóng một chiếc tàu sân bay của chính mình ở Thượng Hải. Chiếc hàng không mẫu hạm mới này sẽ được triển khai vào 2015 hoặc 2016. Nước này còn dự định phát triển tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân vào 2020.
Một nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh cho biết: "Dựa trên những kiến thức công nghệ thu thập được từ việc cải tạo Shi Lang, Trung Quốc sẽ đóng hai hoặc ba tàu sân bay thông thường và một chiếc tàu sân bay chạy bằng hạt nhân"

Tính năng kỹ-chiến thuật của tàu Varyag:Lượng giãn nước, tiêu chuẩn/đầy đủ, tấn: 55.000 / 70.500
Kích thước: chiều dài / chiềurộng theo mớn nước / mớn nước / chiều rộng boong bay, m: 304,5 / 38,0 /10,5 / 75,0
Công suất động cơ turbine hơi nước, mã lực: 4х50.000
Tốc độ: tiết kiệm/tối đa, hải lý/h: 18,0 / 32,0
Cự ly hành trình chạy ở chế độ tiết kiệm, hải lý: 8.000
Số máy bay trên tàu: 26
Số trực thăng trên tàu: 24
Dự trữ nhiên liệu máy bay, tấn: 2.500
Thủy thủ đoàn, người (sĩ quan): 1980 (520)

Tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng Varyag (đến năm 1990 gọi là Riga) được khởi đóng vào năm 1985 tại Nhà máy đóng tàu Biển Đen ở Nikolayev, hạ thủy ngày 25.11.1988. Tháng 3.1998, chiếc tàu đóng dở được bán cho công ty Chong Lot Tourist and Amusement Agency ở Macao với giá 20 triệu USD (trong khi giá của một tàu sân bay hiện đại là 2-4,5 tỷ USD) để cải tạo thành casino, nhưng ngay từ năm 1998, báo chí đã đưa tin thực chất chính phủ Trung Quốc là người mua tàu này.

Với lượng giãn nước đầy đủ 70,5 ngàn tấn và chiều dài 304,5 m, Varyag có thể mang 26 máy bay, 24 trực thăng. Varyag cùng lớp với tàu Đô đốc Kuznetsov, tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga hiện nay. Trên tàu Kuznetsov hiện triển khai các tiêm kích trên hạm Su-33.

Tháng 6.2010, Kanwa Asian Defence đưa tin, Trung Quốc đã lắp ráp được một tiêm kích J-15 sao chép máy bay Su-33 của Nga. J-15 được làm nhái dựa trên máy bay T10K, một trong những mẫu chế thử đầu tiên của Su-33 mà Trung Quốc mua từ Ukraine năm 2005.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét