Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Căn cứ cho tàu ngầm hạt nhân ở Tam Á

Tạp chí chuyên tin tức quốc phòng, Jane’s Defence, mới đây trích các nguồn tình báo nói rằng Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ cho tàu ngầm hạt nhân ở Tam Á nhằm kiểm soát vùng biển Nam Trung Hoa.


Căn cứ tàu ngầm hạt nhân Tam Á của Trung Quốc trên đảo Hải Nam 


Báo Úc trích nguồn từ tạp chí uy tín này viết rằng: “Ở vị trí chỉ cách bờ biển Việt Nam 200 km, tầm vóc công trình đang xây dựng nhìn thấy qua không ảnh DigitalGlobe chỉ ra rằng Ngọc Lâm (Yulin) sẽ trở thành một căn cứ trọng yếu cho các hàng không mẫu hạm và tàu ngầm”.

Nguồn tin mà tạp chí Jane’s Defence xác tín nói tháng 12 năm ngoái, một tàu ngầm hạt nhân thế hệ hai hạng 094 chở tên lửa đạn đạo đã được Trung Quốc đưa đến căn cứ này.

Trung Quốc không hề giải thích trước công luận về các công trình xây dựng, mở rộng ở căn cứ trên đảo Hải Nam này cũng như ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Bình luận về diễn biến này, báo Úc The Australian hôm 24.04.2008 viết một cách mỉa mai rằng Tam Á lại chính là nơi được tổ chức thi hoa hậu hoàn vũ nhiều lần và cũng là nơi thủ tướng Kevin Rudd gặp chủ tịch Hồ Cẩm Đào chưa đầy hai tuần trước.

Tạp chí Jane’s Defence nêu ra những lo ngại về an ninh khu vực kể từ khi có tin Trung Quốc xây dựng căn cứ cho tàu ngầm hạt nhân từ năm năm về trước.

Sự phát triển (hải quân) ngay gần các hải lộ trong vùng biển Nam Trung Hoa vốn có ý nghĩa sống còn cho các nền kinh tế châu Á gây lo ngại vượt xa khỏi các tuyến đường này.

Richard D Fisher, chuyên gia của Jane's Defence


Nay thì sự việc được xác nhận và trong bài “Bí mật Tam Á - Tiết lộ về căn cứ hải quân hạt nhân mới của Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Richard D Fisher đưa ra các điểm chính như sau:

“Căn cứ Tam Á có thể dùng để làm bến đỗ cho tàu ngầm hạt nhân loại mới 094 được phát triển song song với sự bành trượ́ng quân sự trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

“Dù điều này không chứng tỏ sẽ có một cuộc xung đột trong vùng, căn cứ Tam Á là dấu hiện rõ ràng hơn về việc chuyển biến cán cân chiến lược ở châu Á và cho thấy mong muốn của Trung Quốc nhằm nắm những tuyến hải lộ ở vùng biển Nam Trung Hoa”.

Đầu năm 2008, Trung Quốc công bố con số chi cho quốc phòng trong vòng một năm tới là 59 tỷ đôla nhưng giới phân tích Hoa Kỳ tin rằng chỉ trong năm 2007, Trung Quốc chi cho mục tiêu quân sự từ 97 đến 139 tỷ đôla.

Các căn cứ và mục tiêu

Tạp chí Jane’s Defence cũng nhìn lại quá trình tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc từ 1974, khi họ chiếm Hoàng Sa từ tay hải quân Nam Việt Nam, qua các vụ đụng độ trên biển với Việt Nam năm 1988, vụ chiếm đảo Mischief năm 1995 cho đến nay.



Ảnh vệ tinh chụp căn cứ của Trung Quốc ở Trường Sa


Đến những năm 2004/2005, các nguồn tin châu Á và cả từ Trung Quốc đã cho hay về kế hoạch xây căn cứ cho tàu ngầm hạt nhân ở đảo Hải Nam với mục tiêu chứa được tới tám tà̉u ngầm.

Tuy thế, nguồn tin từ giới quân sự Trung Quốc năm 2004 không nói chi tiết về việc xây cất. Đến tháng Tám 2005, ảnh vệ tinh cho thấy phần đầu của công trình được tiến hành, gồm một bến đỗ, hai cầu cảng, một số đường hầm và lối vào cho tàu ngầm.



Nhưng các ảnh vệ tinh 17.12.2007 và 28.02.2008 đã cho thấy có một tàu ngầm Type 094 trong bến.


Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) cũng hoàn tất một bến đỗ 800 mét, đủ sức vào các tên lửa đạn đạo loại phóng đi từ tàu ngầm, cũng như có khả năng sửa chữa các tàu lớn, chuyển phương tiện nặng cùng quân lính lên hàng không mẫu hạm và các tàu liên hợp thủy bộ.

Bên cạnh đó người ta cũng xác định được những phần xây cất cho mục tiêu hậu cần, bộ chỉ huy và doanh trại.

Hiện quân đội Trung Quốc có 57 tàu ngầm, trong đó năm chiếc có động cơ hạt nhân.

Theo báo The Australian, nhiều tàu ngầm của Trung Quốc có hỏa tiễn chống tàu chiến Yingji-8 có thể phóng được cả khi đang lặn dưới mặt nước.

Vụ chiếc tàu Song S20, đóng ở Vũ Hán, có động cơ diesel rất im tiếng của Đức đột nhiên xuất hiện giữa hạm đội Hoa Kỳ không xa đảo Okimawa của Nhật 18 tháng trước cho thấy khả năng của tàu ngầm Trung Quốc.

Củng cố cơ sở




Một tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc


Jane’s Defence cũng nói đến việc tăng cường xây cất ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuối thập niên 1990, Trung Quốc được nói đã có một đường băng 2600 mét ở đảo Woody, Hoàng Sa có khả năng đón phi cơ ném bom. Các ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đã có thêm một cầu cảng 350 mét để đón tàu chiến và các tháp sử dụng vào cho thông tin vệ tinh và radar.

Các nguồn chưa được kiểm chứng cũng nói Trung Quốc duy trì căn cứ thu thập tin tình báo ở đảo Rocky, phía Bắc của Woody.

Ảnh vệ tinh tháng 12.2007 cho thấy ở đảo Fiery Cross, quần đảo Trường Sa Trung Quốc đã có một công trình 116x90 mét và một điểm 34x34 mét có thể cho trực thăng hạng Change Z-8 hạ cánh. Phần xây cất lớn hơn có thể dùng vào việc sử dụng tàu chiến và tên lửa đạn đạo.

Theo báo Úc, ngoài các nước ASEAN thì việc tăng cường hải quân của Trung Quốc là để tạo khả năng bao vây Đài Loan và kiểm soát Biển Đông.

Riêng với các nước như Việt Nam và Philippines, Jane’s Defence nhận định dù việc thỏa thuận ba bên với Trung Quốc nhằm cùng phát triển vùng Nam Trung Hoa (Biển Đông) có làm giảm đi khả năng xung đột nhưng “nhìn từ góc độ khu vực và ngoài khu vực, khó có thể coi thường việc Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ hải quân lớn tại Tam Á.”

Hơn nữa, tạp chí này viết: “Trung Quốc có thể đang chuẩn bị biến đây thành nơi chứa một phần lớn kho vũ khí hạt nhân của họ, và thậm chí có thể dùng chúng từ nơi này.”


Nguồn: http://lichsuvn.info/forum/showthread.php?t=5344 đăng ngày 27.06.2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét