Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Tìm hiểu về thực lực Hải Quân Trung Quốc

Loạt bài tổng hợp giới thiệu các loại tàu và phân tích khả năng tác chiến của Hải Quân Trung Quốc
Phần I: Tàu ngầm

Hiện nay tàu ngầm các loại có trong thành phần Hải quân của trên 30 nước. Riêng tàu ngầm hạt nhân chỉ có trong lực lượng Hải quân của 5 nước: Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn độ đã chế tạo và đang thử nghiệm để đưa vào sử dụng chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên; còn Brazil và Argentina đang tiến hành nghiên cứu thiết kế tự chế tạo tàu ngầm hạt nhân. 

Lực lượng tàu ngầm của Hải Quân Trung Quốc gồm có:

      Loại tàu ngầm                                                                         Số lượng

 1.  Tàu ngầm hạt nhân loại 094 “Jin” mang tên lửa đạn đạo              4
 2.  Tàu ngầm hạt nhân loại 092 “Xia” mang tên lửa đạn đạo             1
 3.  Tàu ngầm hạt nhân đa chức năng loại 093 “Shang”                      4
 4.  Tàu ngầm hạt nhân loại 091 “Han”                                                4
 5.  Tàu ngầm diesel-điện loại 041 “Yuan”                                          2
 6.  Tàu ngầm diesel-điện loại 039G “Song”                                     13
 7.  Tàu ngầm diesel-điện loại 035 “Ming”                                        17
 8.  Tàu ngầm diesel-điện loại 033 “Romeo”                                     30
 9.  Tàu ngầm diesel-điện loại 877EKM                                              2
10. Tàu ngầm diesel-điện loại 636                                                       2
11. Tàu ngầm diesel-điện loại 636EM                                                 8


I. Tàu ngầm hạt nhân:

Tàu ngầm hạt nhân được phân thành 3 loại chính:

1. Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo: sử dụng để đánh đòn hạt nhân vào lãnh thổ của đối phương. Loại tàu này được trang bị từ 12 đến 24 tên lửa đạn đạo; và các loại ngư lôi, tên lửa-ngư lôi để phòng vệ. 

2. Tàu ngầm hạt nhân đa chức năng: là loại tàu ngầm phổ biến nhất, được trang bị các loại tên lửa hành trình. Nhiệm vụ chính của loại tàu này là tiêu diệt tàu ngầm, tàu trên mặt biển và sử dụng tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu trên đất liền của đối phương.

3. Tàu ngầm hạt nhân chỉ được trang bị ngư lôi: sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu bằng ngư lôi. Loại tàu này được coi là thế hệ đã qua, hiện nay tuy vẫn còn sử dụng nhưng không được sản xuất nữa.


1) Tàu ngầm hạt nhân loại 094 “Jin”:




Các đặc tính cơ bản:
- Loại tàu: Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo
- Mã hiệu: 094
- Phân loại theo NATO: Jin
- Tốc độ (dưới nước): 26 hải lý/giờ
- Độ sâu hoạt động: 300 m
- Thời gian hoạt động độc lập: 70 ngày
- Lực lượng: 120 người
- Kích thước:           + chiều dài: 133 m
                                 + chiều rộng: 12,5 - 13 m
- Lượng dãn nước (trên mặt nước): 8000-9000 T
- Lượng dãn nước (dưới mặt nước): 11500 T 
- Động cơ hạt nhân: 2x90 Mw
- Trang bị vũ khí:     + 6 thiết bị phóng ngư lôi 533 mm
                                  + 16 tên lửa đạn đạo JL-2

Tàu ngầm hạt nhân loại 094 “Jin” là tàu ngầm mới và hiện đại nhất của Hải Quân Trung Quốc. Tàu được trang bị 16 tên lửa đạn đạo JL-2 có tầm bắn tới 8.000 km. Tàu có các tính năng kỹ thuật hơn hẳn so với tàu ngầm hạt nhân loại 092 “Xia”, có độ ồn thấp hơn và độ tin cậy của hệ thống động cơ cao hơn.

Năm 2005 Trung Quốc đã thử nghiệm phóng thành công tên lửa JL-2 ở cự ly 8000 km. JL-2 là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên được đặt trên tàu ngầm của Trung Quốc. Tên lửa JL-2 được chế tạo dựa trên loại tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31 trên đất liền của Trung Quốc. Với tầm bắn 8.000 km, tên lửa JL-2 có thể bay tới bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ của nước Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân loại 094 “Jin” và tàu ngầm hạt nhân loại 092 “Xia” là thành phần của Lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc.

Với lực lượng tàu ngầm 094 “Jin”, Trung Quốc có hạm đội tàu ngầm chiến lược tương đương với các hạm đội tàu ngầm của Anh và Pháp. Tàu ngầm hạt nhân loại 094 “Jin” có tính năng kỹ thuật tương đương với tàu ngầm “Vanguard” của Anh, “Triumfan” của Pháp và “Yuri Dolgoruky” của Nga.


2) Tàu ngầm hạt nhân loại 092 “Xia”:



Tàu ngầm hạt nhân loại 092 “Xia” là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc, và cũng chỉ có duy nhất một chiếc tàu loại này. Tàu được trang bị 12 tên lửa đạn đạo tầm trung JL-1 có tầm bắn 2700 km.

Các đặc tính cơ bản:
- Loại tàu: Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo
- Mã hiệu: 092
- Phân loại theo NATO: Xia
- Tốc độ (dưới nước): 22 hải lý/giờ
- Độ sâu hoạt động: 300 m
- Lực lượng: 140 người
- Kích thước:           + chiều dài: 120 m
                               + chiều rộng: 10 m
- Lượng dãn nước (trên mặt nước): 6500 T
- Lượng dãn nước (dưới mặt nước): 8000 T 
- Động cơ hạt nhân: 90 Mw
- Trang bị vũ khí:     + 6 thiết bị phóng ngư lôi 533 mm
                             + 12 tên lửa đạn đạo JL-1

Người Trung Quốc đang thậm thụt phao tin về những lợi ích cốt lõi của họ ở Biển Nam Trung Hoa

(Kit Dawnay hiện là phóng viên đưa tin về vùng Viễn Đông của tạp chí Current Intelligence. Hiện ông sống ở Hồng Kông).
Ngày 28 tháng 4 năm 2011
 Dùng mọi thủ đoạn để điều khiển dư luận về Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]: sự thật, điều bịa đặt và còn cái quái quỉ gì nữa mà chúng ta chịu không thể biết được …
Hồi giữa tháng 10 năm 2010 báo chí dồn dập tiết lộ rằng Trung Quốc đã mở rộng lợi ích cốt lõi của họ bao gồm cả Biển Nam Trung Hoa. Báo chí cho rằng Trung Quốc lần đầu tiên nói ra điều này tại một cuộc gặp gỡ giữa họ với giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Jeffrey Bader và thứ trưởng ngoại giao James Steinberg. Bây giờ thì báo chí mới phát hiện ra rằng có lẽ điều này chưa hề xảy ra. 
Sự tiết lộ nói trên của báo chí có thể khiến chúng ta đặt giả thuyết là Ngoại trưởng Hilary Clinton hồi tháng 5 năm 2010 có thể đã nghe nhầm hoặc thậm chí đã cố tình kích động cho căng thẳng thêm – khi bà nói rằng ông Đới Bỉnh Quốc [Dai Binguo], ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách đối ngoại, cũng coi Biển Nam Trung Hoa là một lợi ích cốt lõi.  Không rõ là sự hiểu lầm này đã xuất hiện bằng cách nào và tại sao nó lại xuất hiện. Có thể là do cách nói không được rõ ràng và cũng có thể Trung Quốc đúng là đã phát biểu như thế nhưng bây giờ lại muốn chùn lại trước thái độ kiên quyết của Mỹ hoặc cũng có khi là Mỹ đã cố tình giải thích sai câu nói của ông Đới Bỉnh Quốc để có cớ mà khôi phục lại sự ảnh hưởng ở khu vực.   
Căng thẳng ở Biển Nam Trung Hoa đã dậy lên sau khi Malaysia, Philippines và Việt Nam đệ trình hồ sơ lên Ủy ban chuyên trách về Công ước về Luật Biển (UNCLOS) của Liên Hiệp Quốc trước hạn cuối cùng là tháng 5 năm 2009 để chính thức hóa những tuyên bố chủ quyền và chuyện này đã làm Trung Quốc có phản ứng tức giận. Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh quân sự trên Biển. Họ đã thành lập một căn cứ tàu ngầm lớn tại Yilun thuộc đảo Hải Nam để tăng cường cho các căn cứ hải quân của tỉnh Quảng Đông và hiện nay họ đang khoe khoang về các hàng không mẫu hạm sắp được hoàn thành. Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện thường xuyên của Hạm đội 7, còn Việt Nam và Malaysia đang mua tàu ngầm và Philippine, nước yếu nhất cho tới nay, thì đang được Mỹ hỗ trợ về hải quân và tuần tiễu trên biển.  
Nhưng mối quan hệ tranh chấp rõ rệt nhất là giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là một mối quan hệ đầy mâu thuẫn, bắt nguồn chủ yếu từ chỗ Việt Nam là một nước nhỏ hơn rất nhiều. Từ năm 111 cho tới năm 939 khi Ngô Quyền thành lập triều đại độc lập đầu tiên của đất nước này, vùng châu thổ sông Hồng là tỉnh An Nam thuộc đế chế Trung Hoa. Sự kiện lịch sử này (và cả sau đó nữa) thường được viện dẫn như là lý do đủ để giải thích thái độ thù địch, song sự thực không đơn giản như vậy. Sự cai trị của Trung Quốc có ảnh hưởng sâu sắc tới Việt Nam. Một tầng lớp quan lại cai trị đất nước được tuyển chọn qua thi cử đã ra đời ở đất nước này. Tầng lớp tinh hoa có học thức của đất nước này rất tôn thờ thơ ca Trung Quốc và họ sử dụng chữ Hán cho tới khi người Pháp đưa chữ Quốc ngữ dùng mẫu tự La Tinh vào Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Trong quá khứ và cho đến tận ngày nay xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Khổng giáo, truyền thống tôn ti trật tự được đề cao thể hiện ở chỗ người ta không bao giờ ăn nói trống không với nhau. Có thể nói Việt Nam còn giữ được ảnh hưởng của Khổng Giáo còn nhiều hơn Trung Quốc lục địa bởi vì cuộc cách mạng ở nước này ít hủy diệt các truyền thống hơn so với cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao.
Thế nhưng người Việt Nam lại có ý thức rất rõ về những khác biệt giữa Việt Nam với Trung Quốc. Ảnh hưởng của tư tưởng Trung Hoa tới các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam là bài học trong bối cảnh hiện nay. Về mặt lịch sử, Việt Nam xưa kia từng là một thực thể bé nhỏ tồn tại trong vùng ảnh hưởng của Trung Hoa, các nước láng giềng nhỏ hơn đều phải nộp triều cống cho các hoàng đế Trung Hoa. Hệ thống này trên thực tế đã đem lại một mức độ tự chủ có lợi – một số sử gia cho rằng lợi ích chủ yếu lại thuộc về những quốc gia nộp cống vật bởi vì họ được thuận lợi hơn trong quan hệ buôn bán. Nhưng trong chuyện này còn có cả vai trò của chính sách thực tế nữa [realpolitik], với Trung Hoa luôn nhìn vào vua để giữ cân bằng các nước tranh giành nhau quyền lực, chẳng hạn như Việt Nam, Thái Lan hoặc vương quốc Khmer.  Trong hoàn cảnh như vậy thì Việt Nam do ý thức được rằng láng giềng của nó là một nước lớn cho nên Việt Nam cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc ngay cả khi Việt Nam đã lợi dụng hệ thống này để kiếm lợi – chẳng hạn như vào thế kỷ 18 thì Việt Nam cũng có nước chư hầu cống nạp của mình và đã chiếm được đất đai của vương quốc Khmer khi đó đang suy yếu.
Nhìn vào mối quan hệ [giữa Việt Nam và Trung Quốc] trong thời hiện đại thì thấy được những khuynh hướng mâu thuẫn nói trên. Trong những năm 1920 khi các tổ chức yêu nước tìm cách giải phóng Việt Nam khỏi sự cai trị của người Pháp thì tất cả đều nhìn vào Trung Quốc để nuôi khát vọng, coi Trung Quốc là nơi ẩn náu và ủng hộ mình. Hồ Chí Minh, chẳng hạn, nói lưu loát tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại và từng có thời gian sống rất lâu ở Trung Quốc sau khi trở về từ Pháp và Nga trong những năm 1920.  Ông đã xây dựng mối quan hệ vững chắc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, thậm chí năm 1950 ông đã đi cùng Mao trên một chuyến tàu hỏa trở về Trung Quốc sau khi Hiệp ước Trung-Xô được ký kết. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh Trung Quốc đã cưu mang những người Việt Nam chống Pháp và Bắc Kinh thậm chí còn có lập trường ủng hộ mạnh hơn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ trong những năm 1960. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trên thực tế đã gửi tới 300 ngàn quân tới Bắc Việt Nam để làm công việc sửa chữa đường xá hoặc làm lính của các đơn vị pháo phòng không, bằng cách đó đã giúp Việt Nam rảnh tay có thêm lực lượng vào chiến đấu ở miền Nam.
Song mối quan hệ đã trở nên xấu đi trong những năm 1970.  Khi sự chia rẽ Sô-Trung ngày càng trở nên xấu đi thì Việt Nam đột nhiên thấy mình bị kẹt giữa Nga và Trung Quốc. Chuyến viếng thăm Trung Quốc của Nixon vào năm 1972 thật là tệ hại, nó diễn ra vào lúc Washington đang ném bom Bắc Việt Nam. Nhưng phải mãi tới sau chiến thắng năm 1975 của Hà Nội thì sự cắt đứt quan hệ với Trung Quốc mới xảy ra. Sự cắt đứt quan hệ này xảy ra bởi vì Việt Nam tỏ ra muốn tự khẳng định mình giữa các nước láng giềng xung quanh, thể hiện ở cuộc xâm lăng của Hà Nội vào Căm Pu Chia cuối năm 1978. Đặng Tiểu Bình đã đáp trả vào tháng 2 năm 1979 bằng một cuộc tấn công vào Bắc Việt Nam.  Hành động này đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ và Quân Giải phóng Nhân  dân đã nhanh chóng rút lui, nhưng số người chết là rất lớn. Số thương vong bên phía Trung Quốc là khoảng 40 nghìn người còn phía Việt Nam là khoảng 100 nghìn. Hai nước đã tuyệt giao, Việt Nam hợp tác chặt chẽ với Liên bang Sô Viết trong những năm cuối của Chiến tranh Lạnh.  
Mối quan hệ ấm lên trong những năm 1990. Hai nước nối lại quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1991. Năm 1999 hai nước đã đề ra nguyên tắc chỉ đạo gồm 16 chữ [vàng] để cải thiện quan hệ song phương và năm 200o đã giải quyết xong những vấn đề biên giới trên đất liền và trên biển ở Vịnh Bắc Bộ ở miền Bắc sau đó đã công bố một Tuyên bố chung về Hợp tác toàn diện trong Thế kỷ mới.  Năm 2006 hai nước đã thành lập một Ban chỉ đạo Quan hệ song phương và sau đó vào năm 2008 đã nâng quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược, điều này cho thấy hai nước đã có những mối liên kết đặc biệt mật thiết. Năm 2005 quan hệ quốc là ở mức hạn chế và tháng 11 năm 2010 Trung Quốc và Việt Nam lần đầu tiên đã tổ chức Đối thoại An ninh Quốc phòng Chiến lược. Quan hệ thương mại hiện nay là rất mạnh. Năm 2010 Trung Quốc đã đầu tư khoảng 250 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam. Thương mại song phương trị giá khoảng 25 tỉ đô la Mỹ, mặc dì cán cân thương mại là không cân bằng, Việt Nam chủ yếu bán hàng hóa chưa thành phẩm và năm 2010 Việt Nam đã bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc gần 12 tỉ đô la Mỹ. 
Mối quan hệ kinh tế hiện nay [giữa Trung Quốc và Việt Nam] đang ngày càng được củng cố vững vàng. Việt Nam bị thâm hụt tài khoản vãng lai [current account deficit – tức nhập siêu] vào khoảng 8% GDP và dự trữ ngoại hối đang thấp tới mức nguy hiểm. Trong vài năm qua chính phủ đã ép các ngân hàng nhà nước mở rộng tín dụng thật nhanh và cái giá phải trả là một tình trạng tràn ngập các khoản nợ xấu. Sự phá sản của tập đoàn Vinashin đã khiến cho mức tín nhiệm tín dụng của Việt Nam bị hạ bậc. Mối lo ngại chủ yêu giờ đây có lẽ là tỉ lệ lạm phát đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Theo số liệu ước đoán chính thức thì giá cả sẽ tăng trên 12%, một phần bởi vì tiền “đồng” của Việt Nam đã bị phá giá nhiều lần trong vòng hai năm qua. Khủng hoảng cán cân thanh toán đang trở thành một khả năng có thể xảy ra và Việt Nam có thể buộc phải cầu cứu các tổ chức cho vay quốc tế. Một số nhà bình luận cho rằng trong trường hợp đó các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ thích thảo luận với Bắc Kinh hơn là thảo luận với IMF; mặc dù cầu cứu Bắc Kinh thì sẽ gặp thử thách về chính trị song các điều kiện do Trung Quốc đưa ra có thể chứng tỏ là thích hợp hơn đối với bất kỳ sự đấu giá tài sản bắt buộc nào. Thực vậy, vào cuối tháng 4 vừa rồi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã đề nghị cho Việt Nam vay 1,5 tỉ đô la Mỹ để đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, điều này cho thấy là Trung Quốc đang trở thành một đối tác thương mại được ưa thích hơn. 
Song, đừng chờ đợi Hà Nội sẽ đi chệch khỏi truyền thống lâu nay là nó tự nhận là mang thân phận chư hầu của Trung Quốc trong khi vẫn lẳng lặng rào giậu nhà mình. Đúng thế, Thủ tướng Dũng hồi tháng 10 năm 2010 đã tuyên bố rằng tàu chiến nước ngoài được phép thuê sử dụng Vịnh Cam Ranh. Việt Nam cũng đang triển khai các kế hoạch hiện đại hóa cảng Cam Ranh với số tiền vay của Nga tương đương hơn 200 triệu đô la Mỹ và năm nay sẽ tiếp nhận chiếc tàu ngầm lớp kilo chạy diesel đầu tiên và sau đó là 5 chiếc nữa. Bằng cách này Việt Nam đang tìm cách ngăn chặn Trung Quốc như trước đây Việt Nam đã từng làm khi cho phép Nga sử dụng Vịnh Cam Ranh từ năm 1979. Mỹ về phần mình đang hi vọng sẽ được phép sử dụng cảng Cam Ranh mặc dù Việt Nam có thể lưỡng lự cho phép Mỹ vì sợ chọc tức Bắc Kinh.  
Câu hỏi thú vị là liệu có phải Mỹ đã chọn cách thổi phồng vấn đề “lợi ích cốt lõi” để thúc Việt Nam mở cửa Vịnh Cam Ranh hay là có phải Trung Quốc đã chùn bước trước sức ép của Mỹ. Cách nào đi nữa thì Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chính sách chung sống với Trung Quốc trong khi vẫn cố gắng tối đa duy trì sự tự chủ – giống như các nước khác có quan hệ yếu thế hơn vẫn làm. Lãnh tụ của nước Mehico Porfirio Diaz một lần đã than vãn về cảnh ngộ khốn khổ của đất nước ông như sau: “Thật tội nghiệp cho đất nước Mehico; ở quá xa Chúa mà lại quá gần nước Mỹ”. Hồ Chí Minh thì nói theo cách thô hơn, năm 1945 ông đã nói thế này: “Tôi thà ngửi cứt của người Pháp thêm 5 năm nữa còn hơn là ăn cứt của người Trung Quốc trong suốt quãng đời còn lại”.
Ẩn ý của hai người đều na ná nhau, nhưng cách diễn đạt di dỏm của Diaz nghe có vẻ làm mủi lòng người nghe hơn.
Người dịch: Hiền Ba
Nguồn: basam.info

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

'Chiến binh' tiêu biểu của tác chiến phi đối xứng

Sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin, truyền thông khiến quân đội các nước 
trên thế giới hiểu quá rõ về nhau.

Ngoài bầu khí quyển có hàng ngàn chiếc vệ tinh đang ngày đêm theo dõi nhất cử nhất động trên mặt đất. Bên trong bầu khí quyển cũng có hàng ngàn chiếc máy bay trinh sát, từ có người lái đến không có người lái vẫn ngày đêm xăm xoi từng mét vuông trên mặt đất.


Bất kỳ sự di chuyển quân sự nào trên quy mô lớn đều bị phát hiện từ sớm bởi các phương tiện trinh sát trên không, từ xa. Khi đó, một cuộc chiến tranh quy ước đồng nghĩa với những tổn thất cực kỳ to lớn cho cả đôi bên. Rõ ràng một cuộc chiến tranh quy ước rất khó xảy trong chiến tranh hiện đại.


Thêm vào đó, sự mở cửa các nền kinh tế và thương mại hóa toàn cầu khiến các nước xích lại gần nhau hơn, ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau. Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào đều ảnh hưởng đến các nước khác, nếu là nước nhỏ sẽ ảnh hưởng ở tầm khu vực. Nếu là nước lớn như Mỹ ảnh hưởng sẽ lan cả thế giới.


Trong bối cảnh đó, một thuật ngữ quân sự mới xuất hiện “chiến lược tác chiến phi đối xứng”, sử dụng cách đánh bất ngờ, nhằm tiêu hao lực lượng sinh lực của đối phương. Tạo thuận lợi về mặt chính trị hay tạo thêm tiếng nói trong các cuộc đàm phán.


Một trong những yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa quyết định là các hệ thống vũ khí phục vụ cho chiến lược tác chiến phi đối xứng phải đảm bảo được các yêu cầu: Hỏa lực mạnh, chi phí thấp, dễ sử dụng, tính linh hoạt cao trong vận chuyển và dễ dàng để ngụy trang.


Hiện nay, dù là quốc gia có sức mạnh quân sự thuộc loại hàng đầu thế giới nhưng Nga vẫn chú trọng phát triển các hệ thống vũ khí cho chiến lược này. 


Các hệ thống vũ khí của Nga có thể không tinh vi bằng các hệ thống cùng loại của phương Tây, tuy nhiên, chi phí rất phải chăng là đặc điểm hấp dẫn các đối tác. Đối phó với chiến lược tác chiến phi đối xứng là rất khó khăn, nhiều nước trên thế giới xem chiến lược này là một thách thức mới của thế kỷ 21. 


Đã có rất nhiều sự dịch chuyển trong cơ cấu tác chiến để đối phó với chiến lược tác chiến phi đối xứng. Sẽ rất tốn kém và vất vã để tìm ra một lời giải cho bài toán “chiến lược tác chiến phi đối xứng”.


Dưới đây, là hai "chiến binh" tiêu biểu của chiến lược tác chiến phi đối xứng:


Họ súng chống tăng cá nhân RPGHọ súng chống tăng cá nhân RPG thực sự khiến giới quân sự phương Tây đau đầu. Với hỏa lực rất mạnh, những biến thể hiện đại như RPG-29 hoàn toàn có thể tiêu diệt bất cứ loại tăng nào hiện có. 


Điểm nổi bật của loại vũ khí này là rất dễ sử dụng, chỉ cần vài hướng dẫn sơ bộ, bất kỳ người lính nào đều có thể làm chủ khí tài này. (>> xem thêm)


Trong khi đó, họ súng chống tăng cá nhân này lại rất cơ động, dễ dàng vận chuyển bằng tay hoặc giấu trong các xe dân sự.
Súng chống tăng cá nhân RPG-29 là một vũ khí cực kỳ hiệu quả trong chiến lược tác chiến phi đối xứng.
Đặc biệt, đơn giá cho họ súng chống tăng cá nhân RPG cũng rất phải chăng, bất kỳ quốc gia nào đều có thể sở hữu RPG với số lượng lớn. Thậm chí với những tổ chức khủng bố như Al-Queda, hay Taliban, du kích Lebanon, Hezbollah luôn bị các chế tài về tài chính vẫn có thể sở hữu loại vũ khí này.


Một phép so sánh đơn giản, để trang bị hệ thống phòng vệ chủ động APS Rafale Trophy ASPRO-A cho các xe tăng Merkava 4 tiêu tốn một khoản kinh phí từ 350,000-500,000 USD. 


Trong khi đó, theo thông tin từ trang warface, đơn giá cho họ súng chống tăng RPG khoảng 500 USD cho ống phóng và 300 USD cho tên lửa. Hệ thống APS Trophy có hiện đại đến mấy cũng khó lòng mà bảo vệ được chiếc xe tăng trước nhiều quả đạn tên lửa đến cùng lúc. 


Nếu bắn cùng lúc 10 quả RPG tiêu tốn 3000 USD, hoàn toàn có thế tiêu diệt được chiếc Merkava 4 trị giá hàng triệu đô là. Xét về mặt kinh tế thì đây chính là điểm mạnh của tác chiến phi đối xứng, tiêu tốn kinh phí ở mức tối thiểu song vẫn đạt được hiệu quả cao về mặt chiến lược.


Hay như hệ thống đánh chặn tên lửa và đạn cối Iron Dome của Israel, mỗi quả đạn tên lửa Tamir có đơn giá lên đến 50000 USD. Nếu đem để đánh chặn một quả đạn pháo thông thường xem ra quá lãng phí, hiệu quả tác chiến không cao.


Họ súng chống tăng cá nhân RPG tỏ ra cực kỳ hiệu quả trong môi trường tác chiến đô thị, là nỗi ám ảnh cho lực tăng thiết giáp đối phương. 


Họ tên lửa diệt hạm Club (NATO gọi là SS-N-27)


Sự ra đời của hệ thống tên lửa chống hạm siêu âm này, đặt các tàu chiến của NATO vào tình trạng báo động cao.


Tên lửa 3M-54 có tầm bắn lên đến 300km, mang đầu đạn nặng 220kg hoàn toàn có thể tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào. Tên lửa có thể tấn công tàu chiến mặt nước hay các căn cứ trên đất liền gần bờ biển.


Đặc điểm kỹ thuật nổi bật của 3M-54 là có quỹ đạo bay kiểu “zic-zắc” rất khó để đánh chặn, pha cuối của tên lửa có tốc độ lên đến gần Mach 3. Tên lửa được dẫn đường kết hợp giữa dẫn đường quán tính và radar chủ động.
Sự linh hoạt trong bố trí tác chiến biến Club thành một vũ khí tiêu biểu cho chiến lược tác chiến phi đối xứng.
Thế nhưng, yếu tố làm nên sự nguy hiểm của họ tên lửa diệt hạm Club là sự linh hoạt trong bố trí tác chiến.


Họ tên lửa chống hạm Club có thể được bố trí trên các bệ phóng trên tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, máy bay và quan trọng hơn cả là khả năng bố trí bên trong các container đựng hàng hóa thông thường. Biến thể bố trí bên trong các container này có thể đặt bất cứ nơi đâu, trên xe tải, trên tàu hỏa, hoặc trên các tàu biển chở hàng hóa thông thường.


Việc phát hiện ra các container chứa Club là cực kỳ khó khăn, nếu sử dụng các biện pháp trinh sát bằng hình ảnh. Rất khó để nhận ra đâu là container chứa Club và đâu là container thông thường.


Ngay cả trong trường hợp sử dụng các khí tài trinh sát ảnh nhiệt, nếu container chứa Club ở trạng thái nằm yên không hoạt động, cũng rất khó để phát hiện ra.


Trong trường hợp phóng từ container hàng hóa, tên lửa sẽ được nạp mục tiêu và dẫn đường ban đầu thông qua các phương tiện khác như trạm radar bờ biển, từ trực thăng, hay từ tàu chiến khác trong khu vực. Ở pha cuối tên lửa kích hoạt radar chủ động và lao đến mục tiêu mà không cần sự trợ giúp của các phương tiện dẫn đường khác.


Chi phí và hiệu quả 
Với trường phái và quan điểm tác chiến của phương Tây và NATO là dùng sức mạnh hỏa lực hủy diệt con người, cơ sở vật chất, áp đảo tinh thần và ý chí của đối phương. Chiến tranh Việt Nam la một ví dụ, khi Mỹ cho máy bay B-52 ném bom rải thảm khắp nơi, dường như Lầu Năm Góc không quan tâm là hiệu quả phá hoại như thế nào miễn là khuất phục được tinh thần người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét riêng từ góc cán cân kinh tế, việc ném những quả bom có giá hàng trăm, hàng ngàn USD để phá hoại với hiệu quả không rõ ràng là vô cùng tốn kém.


Gần đây, trong chiến dịch không kích của NATO vào Libya, mỗi quả tên lửa Tomahawk, tên lửa hành trình Storm Shadown có đơn giá trên dưới cả triệu USD được phóng đi để tấn công các mục tiêu trị giá vài ngàn USD thậm chí là vài trăm USD. Chỉ trong một tuần đầu tiên không kích, NATO đã tiêu tốn 600 triệu USD, trong khi đó tiềm lực quân sự của ông Gaddafi suy giảm không như mong đợi của phương Tây. Thậm chí, chiến thuật bảo tồn sức mạnh quân sự của ông Gaddafi khiến NATO "giở võ mồm" gọi đó là "không quân tử".


Trong khi đó, một ống phóng RPG-29 và quả đạn có chi phí khoảng 800 USD, nếu sử dụng hợp lý có thể hạ gục 1 chiếc xe tăng Merkava có giá tới 4,5-5 triệu USD. Ngay cả khi phải tăng số lượng RPG-29 để bắn cháy 1 chiếc Merkava, mức giá vẫn còn "hời".


Chi phí không đi đôi với hiệu quả, đó là lý do giải thích cho sự thất bại về mặt chiến lược của NATO trên những mặt trận như Iraq, Afghanistan và bây giờ là Libya. Chi phí phải chăng, hiệu quả tác chiến tối ưu đó chính là phương châm mà chiến lược tác chiến phi đối xứng đang hướng tới.

Quốc Việt (tổng hợp)


Nguồn: http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Chien-binh-tieu-bieu-cua-tac-chien-phi-doi-xung/20114/142625.datviet

Học thuyết răn đe và phòng thủ trong chiến lược vũ trụ quân sự của Trung Quốc

Theo nhận định của “Jamestown Foundation”, hiện nay các nhà chiến lược Trung Quốc nói riêng và PLA nói chung đều  coi vũ trụ như một chiến trường chủ yếu trong các cuộc chiến tranh tương lai. Ngoài ra họ cũng rất chú trọng răn đe vũ trụ và coingang hàng với răn đe hạt nhân, răn đe thong thường, răn đe thong tin và “Răn đe Chiến tranh của Nhân dân”. Bài “Defense and Deterrence in China’s Military Space Strategy” đăng trên Jamestown Foundation (Mỹ) về vấn đề này như sau.
 
Gần đây nhận định học thuyết răn đe vũ trụ của Trung Quốc có thể đang trở thành thực tiễn, nhưng Bắc Kinh tiếp tục phát triển hàng loạt hệ thống chống vũ trụ. Thực tế, Trung Quốc đạt được khả năng vượt xa vũ khí chống vệ tinh (ASAT) được thử nghiệm thành công tháng 1/2007. Sau đó cuộc thử nghiệm một tên lửa đánh chặn tháng 1/2010 cho thấy Trung Quốc có khả năng phá hủy các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất ở tầm thấp. Như Báo cáo về phát triển quân sự của Trung Quốc năm 2010 của Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: "Trung Quốc đang phát triển chương trình đa dạng để cải thiện khả năng hạn chế hoặc ngăn chặn việc sử dụng các tài sản đặt trên vũ trụ của các đối phương trong thời gian diễn ra khủng hoảng hoặc xung đột". Bên cạnh các vũ khí chống vệ tinh, Trung Quốc còn có khả năng gây nhiễu ở trong và ngoài nước và khả năng ASAT của lực lượng hạt nhân. Giới phân tích Trung Quốc cho rằng, cùng với tầm quan trọng ngày càng tăng đối với quân sự và thương mại, vũ trụ đang trở thành lĩnh vực quan trọng cho việc bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia.
Các nhà chiến lược Trung Quốc coi vũ trụ như một chiến trường chủ yếu trong các cuộc chiến tranh tương lai. Nhiều tài liệu của Trung Quốc mô tả vũ trụ như một điểm cao mà hai bên sẽ cố gắng để kiểm soát trong các cuộc chiến tranh khu vực được tin học hóa bởi vì vũ trụ ảnh hưởng đến ưu thế thông tin và đóng vai trò quan trọng trong việc giành thế chủ động trong một cuộc xung đột. Các nhà phân tích Trung Quốc khẳng định các hệ thống vũ trụ như chiếc chìa khóa cho phép yểm trợ các lĩnh vực như tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), cảnh báo sớm, thông tin liên lạc, dẫn đường và định vị, xác định mục tiêu cho các loại vũ khí chính xác, khảo sát và vẽ bản đồ và hỗ trợ khí tượng học. Các nhà phân tích cũng coi các hệ thống vũ trụ như động lực yểm trợ các hoạt động chung và tăng hiệu quả của các lực lượng bộ binh, không quân và hải quân.
Do tiếp tục chú trọng tầm quan trọng của các hệ thống vũ trụ trong các chiến dịch quân sự hiện đại, Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện các khả năng vũ trụ. Báo cáo năm 2010 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: "Trung Quốc đang phát triển các loại vệ tinh thông tin liên lạc, dẫn đường, trinh sát, giám sát và tình báo đặt trên vũ trụ". Khi Trung Quốc đặt nhiều vệ tinh hơn lên quỹ đạo, sự tin cậy của PLA vào hệ thống vũ trụ tăng lên. Quân đội Trung Quốc ngày càng trở nên phụ thuộc vào các khả năng vũ trụ về tình báo, giám sát, trinh sát, dẫn đường và định vị, cũng như thông tin liên lạc. Các tài liệu quân sự Trung Quốc cho rằng Trung Quốc vẫn tự đánh giá họ ít lệ thuộc vũ trụ hơn Mỹ, nhưng họ cũng thừa nhận sự tin cậy ngày càng tăng vào vũ trụ dẫn đến nhiều yếu điểm hơn. Nhiều nhà phân tích Trung Quốc khẳng định các hệ thống vũ trụ của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức tiềm tàng khác nhau. Do đó, PLA cần có khả năng bảo vệ các tài sản vũ trụ thông qua các biện pháp phòng thủ hoặc răn đe.
Một tài liệu về các hoạt động vũ trụ của quân đội Trung Quốc cho biết, các nhà chiến lược Trung Quốc rất lo ngại các mối đe dọa khác nhau đối với hệ thống vũ trụ của Trung Quốc. Đặc biệt, các nhà phân tích Trung Quốc coi chính sách vũ trụ của Mỹ là mối đe dọa tiềm tàng đối với các lợi ích của Trung Quốc vì chính sách đó chú trọng đến sự vượt trội trên vũ trụ. Ông Zhang Hui thuộc Trung tâm Belfer Nghiên cứu Khoa học và Quốc tế của Đại học Harvard nhận xét: "Nhiều quan chức và chuyên gia an ninh Trung Quốc rất quan tâm đến các tài liệu kế hoạch quân sự của Mỹ được công bố trong những năm gần đây đề cập đến việc kiểm soát vũ trụ thông qua việc sử dụng các loại vũ khí trên hoặc từ vũ trụ để đạt được ưu thế toàn cầu". Tương tự, ông Bao Shixiu, chuyên gia phân tích cao cấp của Viện Khoa học Quân sự trực thuộc PLA (AMS), nói: "Kết luận duy nhất có thể rút ra là Mỹ đơn phương tìm cách độc quyền sử dụng vũ trụ cho quân sự để giành ưu thế chiến lược so với các nước khác". Do đó, Trung Quốc phải bảo vệ các lợi ích của mình. Ông Bao nói: "Trung Quốc không thể chấp nhận sự độc quyền ngoài tầng không gian của nước khác". Do đó, ông quả quyết chính sách vũ trụ của Mỹ "gây mối đe dọa nghiêm trọng cho Trung Quốc cả về phá hủy phòng thủ quốc gia cũng như ngăn chặn quyền khai thác vũ trụ của Trung Quốc nhằm phục vụ các mục đích dân sự và thương mại". Nhiều học giả Trung Quốc còn cho rằng các cuộc diễn tập chiến tranh vũ trụ của Mỹ cho thấy mức độ quân sự hóa vũ trụ ngày càng tăng. Nhưng lo ngại của Bắc Kinh không dừng lại trước các tuyên bố và các cuộc diễn tập chiến tranh. Thực tế, một số nhà chiến lược Trung Quốc dường như tin rằng các nước khác đang nỗ lực phát triển các khả năng chống vũ trụ, từ đó có thể đe dọa các vệ tinh của Trung Quốc.
Một số học giả Trung Quốc đã thảo luận những gì họ coi là lịch sử của việc nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm ASAT ở Mỹ và Nga từ Chiến tranh Lạnh đến nay. Cũng như các đối tác phương Tây, các học giả Trung Quốc chia các mối đe dọa tiềm tàng thành 2 loại lớn "tiêu diệt mềm" và "tiêu diệt cứng".
Mối đe dọa tiêu diệt mềm có thể gây thiệt hại tạm thời cho các hệ thống vũ trụ, nghĩa là làm cho hệ thống vũ trụ không thể thực hiện các chức năng hoạt động. Các biện pháp chủ yếu của cuộc tấn công chống vệ tinh tiêu diệt mềm bao gồm các cuộc tấn công chiến tranh điện tử và tấn công các hệ thống máy tính. Ngược lại các mối đe dọa tiêu diệt mềm như gây nhiễu, khả năng tiêu diệt cứng có thể phá hủy vĩnh viễn các tàu vũ trụ. Trung Quốc xác định các loại vũ khí năng lượng động lực học và các loại vũ khí năng lượng trực tiếp như các loại lade năng lượng cao là các mối đe dọa tiêu diệt cứng. Nhiều tài liệu khác của Trung Quốc khẳng định các mối đe dọa xuất phát từ tầm của các hệ thống như các phương tiện đánh chặn năng lượng động lực học, các hệ thống ASAT lade, các hệ thống ASAT hạt nhân, các vũ khí sóng cực ngắn và các tàu vũ trụ có thể được sử dụng để vô hiệu hóa hoặc phá hủy các vệ tinh của đối phương. Ngoài ra, một số chuyên gia Trung Quốc cho biết các thiết bị đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ giúp Lầu Năm Góc nâng cao khả năng ASAT. Theo giới phân tích Trung Quốc, do hoạt động của các cường quốc vũ trụ trên thế giới, cuộc chiến tranh vũ trụ không còn là viễn tưởng. Do đó, Trung Quốc phải sẵn sàng không chỉ ngăn chặn khả năng sử dụng vũ trụ của đối phương mà còn bảo vệ các khả năng vũ trụ của mình. Để đạt được điều đó Trung Quốc phải kết hợp các biện pháp phòng thủ và răn đe.
Do các vệ tinh rất quan trọng cho các chiến dịch quân sự, Trung Quốc thúc đẩy sự cạnh tranh giữa công nghệ ASAT và bảo vệ vệ tinh. Vì vậy, để chuẩn bị cho các cuộc xung đột vũ trụ, bên cạnh khả năng tiến công các vệ tinh của đối phương, Trung Quốc cũng đang thảo luận hàng loạt biện pháp nhằm nâng cao khả năng tồn tại của các vệ tinh như: giảm tín hiệu, bảo vệ điện từ, cơ động vệ tinh... thậm chí thuê các hệ thống vũ trụ của nước ngoài. Giới phân tích cho rằng một biện pháp bảo vệ hệ thống vũ trụ là sử dụng các kỹ thuật giảm bớt tín hiệu, từ đó đối phương khó có thể phát hiện và tấn công tàu vũ trụ. Các biện pháp ngụy trang có thể bao gồm biện pháp quét bên ngoài vệ tinh các nhiên liệu đặc biệt để giảm bớt khả năng phát hiện của ra đa đối phương và giảm các tín hiệu khác. Một số chuyên gia còn đề nghị làm cứng hoặc tăng việc bảo vệ các thành phần quan trọng như các bộ phận cảm biến quang học điện từ trên các vệ tinh hình ảnh. Một số biện pháp bảo vệ khác chú trọng tăng cường bảo vệ chống lại sự can thiệp điện từ. Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nhận biết tình hình vũ trụ để theo dõi hoạt động của đối phương trên vũ trụ và kịp thời cảnh báo bất cứ cuộc tấn công nào của đối phương.
Bản thân các tàu vũ trụ không chỉ là các tài sản cần được bảo vệ. Việc bảo vệ các đường dây thông tin và các trạm trên mặt đất cũng quan trọng không kém. Các chuyên gia Trung Quốc dự định bảo vệ các đường dây thông tin bằng cách sử dụng nhiều biện pháp như mật mã và các loại công nghệ chống gây nhiễu khác nhau. Họ cũng cho biết để giải quyết các mối đe dọa hệ thống máy tính, vấn đề quan trọng là phải bảo đảm bí mật, vững chắc và thống nhất các hệ thống thông tin của Trung Quốc. Bảo vệ các hệ thống hỗ trợ trên mặt đất cũng được coi là vấn đề quan trọng. Biện pháp bảo vệ các hệ thống trên mặt đất bao gồm ngụy trang, che giấu, cơ động, dư thừa. Ngụy trang và che giấu nhằm giảm khả năng của đối phương trong việc phát hiện và xác định một phương tiện. Các hệ thống hỗ trợ trên mặt đất cơ động khiến đối phương khó tìm kiếm và tấn công các tài sản của Trung Quốc. Dư thừa làm tăng khả năng tồn tại của hệ thống trước các cuộc tấn công của đối phương. Cuối cùng, một chuyên gia Trung Quốc cho rằng sử dụng các hệ thống vũ trụ thuê của nước ngoài nhằm tạo ra tình thế khó xử về chính trị và ngoại giao cho kẻ thù muốn tìm cách tấn công các hệ thống thông tin vũ trụ của Trung Quốc. Thuê các hệ thống thông tin vũ trụ của nước ngoài sẽ gây khó khăn cho đối phương ra quyết định tấn công, bởi vì đối phương phải cân nhắc việc tấn công một vệ tinh của bên thứ ba.
Ngoài việc bảo vệ, các chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng rất chú trọng răn đe vũ trụ và coi răn đe vũ trụ như một trong những biện pháp cơ bản của răn đe chiến lược, ngang hàng với răn đe hạt nhân, răn đe thông thường, răn đe thông tin và "Răn đe Chiến tranh của Nhân dân". Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang phát triển chiến lược răn đe vũ trụ. Giới nghiên cứu Trung Quốc cho rằng răn đe chiến lược đòi hỏi một nước phải đáp ứng 3 điều kiện cơ bản: có các khả năng răn đe; quyết tâm sử dụng chúng; và khả năng để cảnh báo với đối phương rằng họ có đủ khả năng và quyết tâm sử dụng các phương tiện nếu cần. Nhưng các chuyên gia Trung Quốc cho rằng răn đe của lực lượng vũ trụ sẽ khác răn đe hạt nhân trên một số lĩnh vực cơ bản. Mặc dù thế giới cấm sử dụng các loại vũ khí vũ trụ, nhưng việc bắt đầu sử dụng chúng sẽ thấp hơn sử dụng các loại vũ khí hạt nhân do các đặc tính thông thường. Mảnh vỡ của vũ trụ có thể đe dọa các tài sản vũ trụ của các nước thứ ba, nhưng mức độ phá hủy, đặc biệt về cuộc sống của con người, có thể ít hơn vũ khí hạt nhân hoặc thậm chí cả các loại vũ khí thông thường. Hiện nay, mặc dù Mỹ chiếm ưu thế chiến lược trên vũ trụ, nhưng các phương tiện răn đe tin cậy trên vũ trụ sẽ làm giảm khả năng của Mỹ trong việc tấn công các tài sản vũ trụ của Trung Quốc. Từ nhận thức đó, Trung Quốc sẽ phát triển các vũ khí vũ trụ và chống vệ tinh có thể tấn công hiệu quả hệ thống vũ trụ của đối phương, để hình thành chiến lược phòng thủ tin cậy. Do đó, ngoài việc không cho đối phương khả năng sử dụng các hệ thống vũ trụ trong một cuộc chiến tranh với Trung Quốc và chống lại khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa đặt trên vũ trụ phá hủy răn đe hạt nhân của Bắc Kinh, nhiệm vụ khác của các khả năng chống vũ trụ của Trung Quốc là bảo vệ các hệ thống vũ trụ bằng cách ngăn chặn đối phương tấn công chúng.
Trung Quốc tiếp tục đưa nhiều vệ tinh lên quỹ đạo, các nhà chiến lược ngày càng quan tâm đến phòng thủ và răn đe vũ trụ, nhưng điều đó không có nghĩa họ không chú ý đến tấn công các hệ thống vũ trụ của đối phương nếu hành động tấn công đó không bị bác bỏ. Thực tế, các tài liệu của Trung Quốc nói về hoạt động vũ trụ quân sự nhấn mạnh việc duy trì tự do hành động của Trung Quốc trên vũ trụ đồng thời ngăn chặn đối phương sử dụng các tài sản vũ trụ trong một cuộc xung đột với Trung Quốc. Hơn nữa, nhiều nhà phân tích Trung Quốc nhận thấy quân đội Mỹ lệ thuộc rất lớn vào các tài sản vũ trụ để tiến hành các hoạt động quan trọng như ISR, thông tin liên lạc, dẫn đường và định vị. Một số chuyên gia Trung Quốc còn khẳng định vũ trụ tạo ra một điểm yếu quan trọng của Mỹ-mà Trung Quốc phải tận dụng để giành thắng lợi trong một cuộc chiến tranh khu vực tương lai trong các điều kiện thông tin hóa. Mối lo ngại của Trung Quốc về sức mạnh của hệ thống phòng thủ tên lửa đặt trên vũ trụ của đối phương để phá hủy các khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy Bắc Kinh phát triển và sử dụng các khả năng của ASAT. Rõ ràng, nhận thấy việc ngăn chặn đối phương không sử dụng các hệ thống vũ trụ trong một cuộc xung đột có thể là yếu tố rất quan trọng để giành ưu thế thông tin hoặc thậm chí bảo vệ khả năng của Trung Quốc nhằm phát động một đòn tiến công hạt nhân trả đũa, nhưng việc phát triển các hệ thống chống vũ trụ của Trung Quốc sẽ bị hạn chế trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công các vệ tinh của Trung Quốc. Vì vậy, mặc dù mối quan tâm tới phòng thủ và răn đe vũ trụ để bảo vệ các khả năng của vệ tinh ngày càng tăng, nhưng Bắc Kinh vẫn có thể coi các vũ khí chống vũ trụ như một phương tiện để không cho đối phương giành ưu thế nhờ sử dụng các hệ thống vũ trụ./.

Theo Jamestown Foundation 
Lê Trang (gt)