Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Tàu khu trục và frigate trong chiến tranh hiện đại

Các cuộc chiến tranh cục bộ sau năm 1945 không có nhiều trận hải chiến. Hoạt động chiến sự chủ yếu diễn ra trên bộ và trên không. Tuy nhiên, trong một số cuộc chiến tranh, chúng đã đóng vai trò quan trọng.
Chủ lực hạm Wisconsin ở vịnh Persique, ngày 13/10/1990 (John Gaps III / AP)

Đồng thời, ngoại trừ chiến tranh Falklands (Malvinas) năm 1982, các trận hải chiến đã diễn ra song song với các trận đánh chính, nhưng không tác động lớn đến kết cục chiến tranh.

Ví dụ, điều đó đã xảy ra trong các cuộc chiến tranh Arab-Israel. Trận đánh nổi tiếng gần cảng Port Said ngày 21/10/1967, trong đó 2 xuồng tên lửa lớp Projekt 183R đã đánh chìm tàu khu trục Eilat của Israel chắc chắn chỉ có giá trị tinh thần. Thậm chí ảnh hưởng của nó đối với chiến lược hải quân nói chung cũng là phóng đại: Eilat chẳng qua là tàu chiến được đóng trong thập niên 1940, khi mà về nguyên tắc chẳng hề có tên lửa chống hạm, tương ứng là nó đã không thể ngăn chặn cuộc tấn công của các xuồng tên lửa Ai Cập. Đơn giản là người Israel đã đi hơi xa khi coi mình là bất khả chiến bại và để mất mọi sự thận trọng.

Sự giúp đỡ của Liên Xô cho người Arab không chỉ gói gọi ở việc chuyển giao vũ khí, mà còn đi đến cả tham gia trực tiếp vào chiến sự. Ví dụ, vào đầu năm 1968, ba tàu đổ bộ của Hạm đội Biển Đen dưới sự yểm trợ của một tàu hộ vệ và một tàu quét lôi đã đổ bộ gần 400 lính thủy đánh bộ cùng với 4 xe tăng Т-54, 10 xe tăng bơi PT-76 và 21 xe bọc thép chở quân BTR-60 lên bờ kênh đào Suez bên phía châu Á nhằm giữ vững quyền kiểm soát của Ai Cập đối với cửa vào con kênh. Người Israel đã không dám mạo hiểm cản trở cuộc đổ bộ.

Chiến dịch thành công nhất của hạm đội Ai Cập (sau khi đánh đắm tàu khu trục Eilat) là cuộc tập kích của các tàu khu trục Nasser và Damietta với mục đích bắn phá các mục tiêu trên bờ của quân Israel ở cách cảng Port Said 40 km về phía đông vào đêm mồng 9, rạng sáng mồng 10/11/1969. Chắc chắn, quân Israel đã chịu thiệt hại rất nặng nề nên họ cố không nhắc đến sự kiện này. Trên đường rút, các tàu khu trục Ai Cập đã bị 40 máy bay Israel tấn công một cách vô hiệu. Dĩ nhiên, chỉ huy chiến dịch này là các chuyê gia Liên Xô. Tất nhiên là thành công của chiến dịch một phần được lý giải là việc các mục tiêu bị tấn công ở gần các căn cứ của Ai Cập.

Trong chiến tranh tháng 10/1973, lần đầu tiên đã nổ ra các trận đánh giữa các xuồng tên lửa. Trong các hải chiến này, phía Israel đã có chiến thuật lẫn vũ khí trang bị tốt hơn nhiều. Các tên lửa Gabriel do Israel tự sản xuất có kích thước nhỏ hơn nhiều tên lửa P-15 do Liên Xô sản xuất của người Arab, nhưng lại thích hợp hơn với tác chiến giữa các xuồng tên lửa. Ngoài ra, các xuồng Israel cũng có vũ khí pháo mạnh hơn, nhờ đó, chúng đã đánh bồi thành công các xuồng tên lửa đối phương đã bị tên lửa Gabriel bắn bị thương.

Trong trận đánh gần Latakia vào đêm 6, rạng sáng 7/10, 5 xuồng tên lửa Israel đã đánh chìm 3 xuồng tên lửa, 1 xuồng phóng lôi lớp Projekt 123K, 1 tàu quét lôi lớp Projekt 254 của Syria mà không bị sứt mẻ gì. Trong trận đánh thứ hai vào Latakia vào đêm 10, rạng sáng 11/10, họ đã đánh đắm 1 xuồng tên lửa lớp Projekt 205 và 1 chiếc lớp Projekt 183R, cũng như 1 tàu buôn Nhật Bản và 1 tàu buôn Hy Lạp.

Giữa các xuồng tên lửa của Hải quân Israel và Hải quân Ai Cập đã xảy ra 3 trận đánh, ngoài ra, quân Ai Cập trong đêm đầu cuộc chiến đã bắn tên lửa chống hạm vào các mục tiêu trên bờ của Israel với hiệu quả khá cao. Trong các trận đánh này, quân Ai Cập đã mất 4 xuồng lớp Projekt 205, còn 2 xuồng lớp Projekt 183R đã bị người nhái chiến đấu Israel đánh chìm ở Port Said, nhưng họ cũng hy sinh trong chiến dịch này. Ai Cập tuyên bố đã đánh chìm một số xuồng tên lửa Israel, nhưng sau chiến tranh tất cả chúng vẫn còn nguyên trong biên chế của Israel. Tổn thất duy nhất của Hải quân Israel là 1 tàu hộ vệ bị pháo bờ biển Ai Cập bắn chìm.
Tàu corvette Hanit của Israel, ngày 30/5/2010 (Israel Defense Forces / Flickr)

Trận đánh trên biển cuối cùng tính đến nay giữa người Arab và Israel là cuộc tấn công của nhóm Hezbollah bằng tên lửa bờ biển chống hạm С-802 do Trung Quốc sản xuất (hoặc loại tên lửa sao chép C-802 là Noor) chống corvette của Israel vào ngày 14/7/2006. Ở đây, câu chuyện Eilat đã tái diễn - người Israel đã quá chủ quan nên đã xảy ra cuộc tấn công mà họ lẽ ra đã hoàn toàn có khả năng ngăn chặn. Tuy nhiên, hậu quả kém nghiêm trọng hơn nhiều khi corvette này chỉ bị thương tích vừa phải và chết 4 thủy thủ.

Hải quân của một nước Arab khác là Libya vào tháng 3/1986 đã tham gia vào cuộc xung đột ngắn với Hải quân Mỹ, kết quả là tổn thất tàu tên lửa nhỏ lớp Projekt 1234E do Liên Xô đóng và xuồng tên lửa lớp Combattante II do Pháp đóng. Cả 2 tàu chiến này đều bị các cuonwgf kích A-6 của Mỹ đánh đắm (theo một số thông tin khác, chiếc tàu tên lửa nhỏ bị đánh đắm không phải bởi cường kích mà bởi 1 tên lửa chống hạm Harpoon phóng từ tàu tuần dương tên lửa Yorktown). Năm 2011, các máy bay Tornado của Anh đã đánh chìm ở Tripoli 1 frigate lớp Projekt 1159 do Liên Xô đóng và 3 xuồng tên lửa lớp Combattante II nữa mà lúc đõ đã mất khả năng chiến đấu của Libya.

Hải quân Liên Xô đã tham gia trực tiếp và khá tích cực vào các sự kiện ở khu vực Sừng Châu Phi trong những năm 1970-1990. Năm 1977, chiến tranh giữa Somalia và Ethiopia nổ ra, hơn nữa cả hai nước này đều được coi là đồng minh của Liên Xô. Moskva lựa chọn đứng về phía Ethiopia, điều đó dẫn đến việc cần phải di tản chuyên gia Liên Xô và gia đình họ khỏi Somalia. Để bảo đảm an toàn cho quá trình này, ngày 20/11/1977, một đơn vị Liên Xô đã được đổ bộ lên Mogadishu và nó đã bảo đảm tốt an toàn cho quá trình di tản.

Ethiopia với sự trợ giúp của Liên Xô và Cuba đã chiến thắng Somalia, sau đó lại lao vào cuộc chiến gay go với tỉnh nổi loạn Eritrea khi đó còn thuộc Ethiopia, khu vực chiếm toàn bộ đường bờ biển của Ethiopia. Liên Xô đã chuyển giao cho Ethiopia một khối lượng lớn vũ khí và đôi khi đã trực tiếp chiến đấu. Chẳng hạn, vào tháng 12/1977 - tháng 1/1978, tàu khu trục Vesky của Hạm đội Thái Bình Dương (lớp Projekt 56) đã bắn phá các trận địa của lực lượng Eritrea tại khu vực Massawa. Tháng 6/1978, bộ binh hải quân Liên Xô được đổ bộ lên Massawa và giao tranh với quân Eritrea để ngăn chặn lực lượng này đánh chiếm thành phố. Trong chiến đấu, bộ binh hải quân Liên Xô không chịu tổn thất gì. Có lẽ quân Liên Xô đã tiếp tục tham gia cuộc chiến này, nhưng chiến tranh Afghanistan lúc đó bùng nổ. Vì vậy, Moskva đã chỉ hạn chế ở việc cung cấp vũ khí và cử cố vấn, còn Hải quân Liên Xô thì sử dụng căn cứ trên đảo Dahlac gần bờ biển Ethiopia, tức là ở Eritrea.

Cuộc khủng hoảng nặng nề ở Liên Xô đã dẫn tới sự cắt giảm viện trợ cho Ethiopia, nhờ đó, quân Eritrea đã thiết lập được sự kiểm soát trên toàn bộ tỉnh này và bắt đầu tấn công sang chính Ethiopia. Họ có vũ khí trang bị khá hiện đại, trong đó có các xuồng chiến đấu mà nhờ đó, họ có khả năng tấn công căn cứ hải quân Liên Xô lúc đó đã bị cô lập hoàn toàn. Vào giữa tháng 5/1990, đã xảy ra trận đánh giữa tàu quét lôi Razvedchik (lớp Projekt 266M) của Hạm đội Biển Đen và 4 xuồng của Eritrea, trong đó 1 xuồng đã bị bắn chìm. Ngày 27/5, xuồng tuần tra AK-213 (lớp Projekt 205P) của Hạm đội Biển Đen cũng giao chiến với 4 xuồng của quân Eritrea, đánh đắm 2 hoặc 3 chiếc trong số đó. Sau đó, đối phương đã không dám mạo hiểm trực tiếp giao chiến với các tàu Liên Xô. Nhưng Moskva cũng đã quyết định sơ tán căn cứ hải quân khỏi Dahlac vì sự tồn tại của nó đã không còn ý nghĩa gì nữa. Ngày 19/10/1990, binh đoàn tàu của Hải quân Liên Xô (Tàu chống ngầm cỡ nhỏ MPK-118 Komsomolets Moldavyy (lớp Projekt 1124М), tàu quét lôi Paravan, 2 tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu chở dầu Sheksna) làm nhiệm vụ rút căn cứ đã bị pháo và pháo phản lực của quân Eritrea bắn từ bờ biển. Tàu chống ngầm cỡ nhỏ đã bắn trả, chế áp các trận địa pháo và làm nổ tung một kho đạn. Đây là trận đánh cuối cùng của Hải quân Liên Xô.

 Chiến tranh Việt Nam về hình thức đã bắt đầu chính là trên biển - từ cái gọi là Sự kiện Vịnh Bắc Bộ.


Mỹ nói rằng, ngày 2/8/1964, các tàu phóng lôi của Bắc Việt Nam đã tấn công 2 tàu khu trục Mỹ trong Vịnh Bắc Bộ. Cho đến nay, vẫn chưa rõ là chuyện này đã xảy ra trên thực tế hay là do người Mỹ bịa đặt để có cớ phát động chiến tranh, hay là người Mỹ tưởng tượng ra. Trong quá trình chiến sự sau đó, đã không xảy ra những trận hải chiến do sự bất cân đối về lực lượng hai bên. 
Chiếc tiêm kích MiG-17 đã thực hiện cuộc tập kích vào tàu khu trục USS Higbee của Hải quân Mỹ vào ngày 19/4/1972 (Binh Giang / wikimedia.org)

Chỉ vào tháng 4/1972, khi quân đội Bắc Việt đã phát động cuộc tổng tiến công nhằm đánh bại hoàn toàn kẻ địch, 2 chiếc tiêm kích MiG-17 đã tấn công biên đội tàu Mỹ (1 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục) đang bắn phá bờ biển miền Bắc Việt Nam. Mặc dù các tiêm kích nhỏ này hoàn toàn không được thiết kế để tấn công các tàu chiến lớn, chúng đã gây thương tích nặng cho tàu khu trục USS Higbee, loại khỏi vòng chiến tháp pháo ở đuôi tàu. Người Mỹ tuyên bố đã bắn hạ 1 chiếc MiG, nhưng người Việt Nam bác bỏ. Dù sao, đây cũng là cuộc tấn công bằng không quân thành công đầu tiên sau Thế chiến II nhằm vào các tàu Hải quân Mỹ.

Bên cạnh đó, tại khu vực Biển Đông đang diễn ra cuộc xung đột kéo dài nhiều năm về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với thói bành trướng đã thành tính, Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với cả Biển Đông. Dĩ nhiên là các nước ven biển còn lại không chấp nhận, nhưng phản kháng trực tiếp chỉ có Việt Nam.

Tháng 1/1974, đã diễn ra trận chiến tranh giành quần đảo Hoàng Sa giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Tham gia trận đánh ở phía Trung Quốc có 6 xuồng tuần tra (4 chiếc lớp Projekt 122 do Liên Xô đóng, 2 chiếc lớp 037 Hải Nam do Trung Quốc tự đóng), phía quân đội VNCH có 3 frigate và 1 corvette do Mỹ đóng. Tất cả các tàu đều rất lạc hậu và thô sơ. Ưu thế thực tế về lực lượng thuộc về phía Việt Nam, nhưng người Trung Quốc đã giành chiến thắng khi đánh đắm tàu corvette của đối phương, còn các frigate thì rút lui. Gần như tất cả các xuồng tuần tra Trung Quốc đều bị thương nặng.

Tháng 3/1988 đã xảy ra trận đánh giành giật các đảo ở quần đảo Trường Sa giữa hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam. Thực ra, đây khó có thể gọi là một trận đánh khi 3 frigate Trung Quốc (tức là các tàu chiến thực sự) tấn công 2 tàu vận tải và 1 tàu đổ bộ (do Mỹ đóng trong những năm 1940) của Việt Nam. Cả 2 tàu vận tải đã bị đánh chìm, tàu đổ bộ bị thương nặng và lao lên một hòn đảo. Tuy vậy, mặc dù lực lượng đôi bên là không cân xứng, bộ đội Việt Nam đã kháng cự mãnh liệt, không để quân Trung Quốc chiếm hòn đảo mặc dù họ đã mất các tàu. Các tàu của Hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh chẳng giúp gì cho Việt Nam mặc dù họ có các nghĩa vụ pháp lý đó. Giống như vào tháng 1/1974, các tàu Hải quân Mỹ ở vịnh Subic, Philippines chẳng hề giúp đỡ gì cho hải quân VNCH mặc dù họ cũng có những cam kết như thế.

Tất cả những trận hải chiến nêu trên đã không có ảnh hưởng thực sự đến kết cục của các cuộc chiến tranh liên quan hay đơn giản chỉ là những trường hợp đơn lẻ.

Hoạt động tác chiến trên biển đã được tiến hành mạnh mẽ trong cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan vào tháng 12/1971. Ngay trong ngày đầu chiến tranh (4/12) tại vịnh Bengal, tàu khu trục INS Rajput của Ấn Độ, (trước đây là tàu khu trục HMS Rotherham (H09) của Hải quân Anh, đóng trong những năm 1940), đã đánh chìm tàu ngầm PNS Ghazi (trước đây là tàu ngầm USS Diablo (SS-479) của Hải quân Mỹ, đóng trong những năm 1940).

Đêm mồng 4, rạng sáng mồng 5/12/1971, 3 xuồng tên lửa lớp Projekt 205 của Ấn Độ được sự bảo vệ của 2 frigate lớp Projekt 159 (đều do Liên Xô đóng) đã thực hiện cuộc tập kích vào cảng Karachi, dùng tên lửa chống hạm P-15 đánh chìm tàu khu trục PNS Khaibar, taufn quét lôi Muhafiz của Hải quân Pakistan, cũng như tàu vận tải Liberia chở đạn của Mỹ cho quân đội Pakistan. Tàu khu trục Shah Jahan bị thương nặng và bị cắt làm sắt vụn ngay sau chiến tranh.

Cần lưu ý rằng, cả 2 tàu khu trục Pakistan, cũng giống như tàu khu trục Eilat của Israel, đều được đóng ở Anh trong những năm 1940 khi mà chưa hề nói đến tên lửa chống hạm. Tuy nhiên, thành công của Hải quân Ấn Độ đã dẫn đến hiện tượng tuyệt đối hóa tạm thời các xuồng tên lửa.

Đêm mồng 8, rạng sáng mồng 9/12/1971, Hải quân Ấn Độ dùng 4 xuồng tên lửa tấn công Karachi một lần nữa, đánh chím 1 tàu Panama, 1 tàu Liberia, 1 tàu Anh và 1 tàu Hy Lạp, thiêu cháy không dưới một nửa các bồn nhiên liệu trong cảng Karachi.
Các xuồng cứu sinh bên tàu tuần dương ARA General Belgrano của Hải quân Argentina đang chìm, ngày 1/5/1982 (AP)

Ngày 9/12/1971, Pakistan đã báo thù được phần nào: tàu ngầm PNS Hangor (tàu ngầm mới nhất lúc đó, lớp Daphné, do Pháp đóng) của Hải quân Pakistan đã đánh đắm frigate INS Khukri (cũng là tàu do Anh đóng trong thập niên 1940) của Hải quân Ấn Độ. Cho đến nay, đây là chiến thắng duy nhất của một tàu ngầm diesel trong suốt thời kỳ sau năm 1945 (có lẽ trường hợp thứ hai là vụ đánh đắm corvette Cheonan của Hải quân Hàn Quốc vào tháng 3/2010, nhưng vẫn chưa có thông tin khách quan xác nhận nó bị một tàu ngầm Bắc Triều Tiên đánh chìm).

Tàu sân bay Ấn Độ INS Vikrant (do Anh đóng và mang các máy bay cường kích Sea Hawk của Anh) được sự bảo vệ của 3 frigate đã triển khai hoạt động trong vịnh Bengal. Các máy bay Sea Hawk của tàu đã đánh đắm một số lượng lớn tàu vận tải, các giang hhạm và xuồng ở Đông Pakistan, khu vực mà sau chiến tranh trở thành nước Bangladesh độc lập. Tại đây, quân Ấn Độ đã tác chiến như trên bãi tập vì quân Pakistan đã mất tàu ngầm duy nhất ở chiến trường này (chính là tàu ngầm PNS Ghazi) và toàn bộ không quân chiến đấu ngay trong ngày đầu của cuộc chiến tranh.

Khác với các cuộc chiến tranh khác, hoạt động chiến đấu trên biển trong cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakisttan năm 1971 đã có tầm quan trọng chiến lược: Hải quân Ấn Độ đã làm tê liệt hoạt động của hải quân và hạm đội tàu buôn Pakistan, cô lập hoàn toàn các khu vực Tây Pakistan và Đông Pakistan với nhau, tạo điều kiện cho Ấn Độ giành chiến thắng chung nhanh chóng.

Cuộc chiến tranh Falklands từ tháng 4-6/1982 là cuộc chiến tranh duy nhất sau năm 1945 mà trong đó hoạt động tác chiến trên biển đóng vai trò chủ đạo. Ban đầu, khi chiến đấu “trên sân nhà”, Argentina đã có ưu thế lớn cả trên biển, lẫn trên không. Nhưng ưu thế kỹ thuật và chiến thuật lại ở phía Anh.

Điểm bước ngoặt của cuộc chiến là việc tàu ngầm nguyên tử Anh Conquerror đánh chìm tàu tuần dương General Belgrano của Argentina (đến nay, đây vẫn là chiến thắng đầu tiên trong lịch sử hải chiến của tàu ngầm nguyên tử). Ở góc độ nào đó, ở đây đã lặp lại câu chuyện của tàu khu trục Eilat của Israel và tàu khu trục PNS Khaibar của Pakistan: chiếc tuần dương hạm Argentina được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ với tên USS Phoenix vào năm в 1938  (được bán lại cho Argentina vào năm 1951, khi mà chưa ai có thể tưởng tượng ra sự xuất hiện của tàu ngầm nguyên tử. Tuy vậy, sự tử vong của tàu tuần dương General Belgrano đã loại hoàn toàn hạm đội Argentina khỏi vòng chiến.

Chỉ còn tàu ngầm ARA San Luis (lúc đó là tàu ngầm tối tân lớp Type 209 do Đức đóng) là còn xuất trận mấy lần để tấn công các tàu Hải quân Anh, nhưng không gặt hái thành công. Tất cả những tổn thất còn lại của hai hạm đội đều do máy bay gây ra. Quân Argentina đã mất 1 tàu ngầm (do Mỹ đóng trong thập niên 1940), 1 tàu tuần tra và 1 tàu vận tải (còn 1 tàu tuần tra và 1 tàu vận tải khác thì bị quân Anh chiếm giữ tại quần đảo Falklands). Quân Anh tổn thất 2 tàu khu trục lớp Sheffield, 2 frigate lớp Amazon, 1 tàu chở container Atlantic Conveyor và 1 tàu đổ bộ. Trong đó, 1 tàu khu trục (chính là tàu HMS Sheffield) và tàu chở container bị đánh đắm bởi tên lửa chống hạm Exocet phóng đi từ các máy bay cường kích Super Étendard (cả tên lửa Exocet và cường kích Super Étendard đều do Pháp sản xuất), 4 tàu còn lại bị diệt bằng bom thường thả từ các máy bay Mirage và Skyhawk.

Nhiều tàu Anh đã bị trúng bom, nhưng một số bom rất lớn trong số đó đã không nổ (đó là các quả bom cũ do Mỹ sản xuất). Tuy nhiên, các máy bay Harrier của Anh (nhờ có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng, có thể cất cánh không chỉ từ các tàu sân bay mà cả từ tàu khu trục và frigate) và các hệ thống tên lửa phòng không hạm tàu đã bắn hạ một phần lớn máy bay Argentina, giúp cho quân Anh làm chủ hoàn toàn không phận bên trên quần đảo Falklands, còn việc phong tỏa lực lượng Argentina đồn trú trên quần đảo đã được tổ chức ngày từ những ngày đầu chiến tranh. Tất cả những điều này đã cho phép người Anh giành chiến thắng.

Hoạt động tác chiến trên biển cũng chiếm phần rất đáng kể trong chiến tranh Iran-Iraq. ở Giai đoạn đầu chiến tranh, đã xảy ra các trận đánh giữa các xuồng tên lửa lớp Projekt 205 của Iraq và lớp Combattante II do Pháp đóng của Iran. Ngay trong tháng đầu chiến tranh (tháng 9/1980), 4 xuồng lớp Projekt 205 của Iraq đã bị đánh đắm (2 chiếc bị đánh đắm bởi các xuồng Iran và 2 bởi máy bay). Ngày 28/11/1980, ở phía tây vịnh Persique đã diễn ra trận không-hải chiến lớn nhất trong cuộc chiến tranh này, trong đó Iran đã thắng lớn. Các xuồng tên lửa Iran đã đánh chìm 2 xuồng tên lửa Iraq lớp Projekt 205, còn các máy bay F-4 và F-5 đánh đắm thêm 3 xuồng tên lửa lớp Projekt 205 và 4 xuồng phóng lôi lớp Projekt 183, cũng như bắn rơi 6 máy bay MiG-23, 1 MiG-21 và 1 trực thăng SA321 do Pháp sản xuất của Iraq. Iran chỉ mất 1 xuồng tên lửa (bị đánh chìm bởi tên lửa chống hạm P-15 phóng từ các xuồng tên lửa Iraq) và 1 F-4 (bị 1 MiG-23 của Iraq bắn hạ). Sau trận đánh này, thực chất Hải quân Iraq đã chấm dứt sự tồn tại.
Frigate Sahand của Iran đang chìm ở vịnh Persique, ngày 18/4/1988 (wikimedia.org)

Sau đó, cuộc chiến tranh trên biển tiếp diễn dưới hình thức các cuộc tấn công của không quân hai bên (từ phía Iran còn cả của tàu chiến và xuồng chiến đấu) vào các tàu chở dầu đi từ các cảng của đối phương. Quốc tịch của các tàu dầu chẳng có ý nghĩa gì. Trong cuộc chiến tranh này, đã thực hiện 451 cuộc tấn công vào tàu bè ở vịnh Persique (283 cuộc từ phía Iraq, 168 cuộc từ phía Iran). Kết quả là 11 tàu bị đánh chìm, 340 tàu bị thương. Người Iraq tích cực hơn nhiều trong cuộc chiến này. Ví dụ, tháng 3/1988, các máy bay ném bom Tu-22 của họ đã bắn cháy 2 siêu tàu chở dầu Iran: Avaj (trọng tải 316.379 tấn) và Sanandaj (253.837 tấn), làm chế hơn 50 người. Ngoài ra, ngày 17/5/1987, 1 máy bay Mirage F1 của Iraq đã bắn 2 quả tên lửa chống hạm Exocet vào frigate USS Stark (lớp Oliver Hazard Perry), làm chết 35 thủy binh. Chiếc tàu chiến Mỹ may mắn không chìm chỉ vì 1 trong 2 quả Exocet đã không nổ.

Bên cạnh đó, Mỹ đã không chỉ ủng hộ Iraq trong cuộc chiến tranh này, mà từ mùa thu năm 1987, còn bắt đầu giao chiến bên phía Iraq. Tháng 9/1987, người Mỹ đã bắn bị thương, sau đó chiếm giữ và giật nổ 1 tàu đổ bộ của Iran. Mọi cáo buộc về các vụ tấn công tàu thương mại chỉ nhằm vào Iran, ngay cả cuộc tấn công của Iraq vào tàu USS Stark cũng được người Mỹ làm ngơ. Tuy nhiên, không được quên rằng, nguyên nhân của cuộc chiến này cũng chính là việc Iraq xâm lược nhằm đánh chiếm các khu vực tây nam Iran nhiều dầu mỏ nhất. Nhưng người Mỹ cũng vẫn bỏ qua cho Saddam Hussein chuyện này.

Ngày 17/4/1988, quân đội Ira triển khai cuộc tổng tiến công chống quân Iran trên khu vực phía nam (khu vực chủ yếu) của mặt trận. Với sự trùng hợp đáng kinh ngạc, ngày hôm sau, Hải quân Mỹ đã tiến hành một chiến dịch lớn ở vịnh Persique chống Hải quân Iran. Tham gia chiến dịch từ phía Mỹ có tàu sân bay hạt nhân USS Enterprise, 2 tàu tuần dương, 4 tàu khu trục, 4 frigate. Kết quả, 1 frigate, 1 xuồng tên lửa và 1 xuồng tuần tra của Hải quân Iran bị đánh đắm, 1 frigate khác của Iran bị thương nặng, 2 dàn khoan dầu của Iran bị tiêu diệt. Điều đó đã hút bớt một phần lực lượng Iran từ mặt trận là đương nhiên là đã giúp cho cuộc tấn công của Iraq giành thắng lợi.

Được khuyến khích bởi sự ủng hộ của Mỹ, Saddam Hussein chỉ hai năm sau chiến tranh với Iran đã phát động cuộc xâm lược mới chống Kuwait. Trong cuộc xâm lược này, quân Iraq đã chiếm được 6 trong 8 xuồng tên lửa của Hải quân Kuwait, điều này đã hồi sinh Hải quân Iraq.

Nhưng Iraq nhanh chóng hiểu ra rằng, xâm lược chống Iran thì được, còn chống Kuwait thì không. Iraq đã bị đánh thảm bại vào tháng 1-2/1991 trong chiến dịch Bão táp Sa mạc. Không quân Anh và Mỹ đã đánh chìm tất cả các xuồng tên lửa trước đây của Kuwait.

Như vậy, các cuộc chiến tranh cục bộ đã khẳng định rằng, địch thủ chủ yếu của hạm đội là không quân. Trong các cuộc chiến tranh Arab-Israel tháng 10/1973 và Iran-Iraq, đã xảy ra các trận đánh giữa các xuồng tên lửa, còn trận hải chiến bằng pháo “kinh điển” duy nhất là trận đánh ở quần đảo Hoàng Sa (cũng có thể coi như thế là trận đánh bằng pháo AK-213 chống các xuồng chiến đấu của Eritrea). Rõ ràng là trong tương lai cũng có thể xảy ra các trận đánh giữa các xuồng chiến đấu của hải quân các nước đang phát triển, không có ảnh hưởng lớn đến kết cục chiến tranh. Nếu như xảy ra các trận hải chiến lớn thì chỉ có trong trường hợp có sự tham gia của hải quân Trung Quốc.
Nguồn: Hải chiến / Aleksandr Khramchikhin // Rusplt, 8.9.2014.
http://vietnamdefence.com/Home/ktqs/tongquan/Tau-khu-truc-va-frigate-trong-chien-tranh-hien-dai-2--full/20149/53968.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét