Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Cuộc tập kích Sơn Tây - Chiến dịch Ivory Coast

Năm 1970, đặc nhiệm Mỹ đã tiến hành chiến dịch Ivory Coast (Bờ biển Nga) tập kích vào trại tù binh Sơn Tây nhằm giải thoát số tù binh Mỹ bị giam giữ tại đây.
Vào năm 1970, có hơn 500 người Mỹ biết rõ tên bị bắt làm tù binh và bị giam ở các trại giam ở miền Bắc Việt Nam. Ở Paris, định kỳ diễn ra các cuộc đàm phán với ban lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc giải phóng tù binh, nhưng trong hai năm, việc đàm phán đã không đem lại kết quả nào. Người Mỹ cho rằng, đã đến lúc phải giải quyết vấn đề giải phóng tù binh bằng phương pháp khác, cực đoan hơn.
 

Ngày 6/8/1970 Chuẩn tướng không quân LeRoy J. Manor, người được bổ nhiệm làm Tư lệnh Lực lượng Tác chiến đặc biệt Không quân Mỹ, bị triệu đến Lầu Năm góc. Đúng thời gian đã định, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Thomas H. Moore đã tiếp Chuẩn tướng LeRoy J. Manor và Đại tá lục quân Arthur D. “Bull” Simons từ Quân đoàn dù 18. Sau cuộc nói chuyện sơ bộ ngắn, Đô đốc Moore thăm dò hai thuộc cấp liệu họ có sẵn sàng nghiên cứu khả năng thực hiện một nỗ lực giải cứu một số tù binh Mỹ đang ở Bắc Việt không. Cả hai sĩ quan đều trả lời khẳng định. 

Sau đó, Chuẩn tướng Manor đã được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Lực lượng đặc nhiệm chiến dịch, còn Đại tá Simons được cử làm phó cho ông ta. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird đã cho phép thành lập Lực lượng đặc nhiệm chiến dịch và cam kết cung cấp mọi nguồn lực cần thiết.


Thành lập Lực lượng đặc nhiệm chiến dịch

Trong một thời gian ngắn, đã lựa chọn được 26 sĩ quan được đào tạo về lĩnh vực lập kế hoạch. Việc đổ bộ và bốc rút quân cùng với các tù binh được giải cứu dự kiến thực hiện bằng trực thăng.

Khi thành lập bộ phận tác chiến cho Lực lượng đặc nhiệm chiến dịch, người ta quyết định chỉ chọn những người tình nguyện. Đơn vị đổ bộ được biên chế quân lấy từ các nhóm đặc nhiệm. Phi công lái các máy bay tham gia chiến dịch được chọn từ Không quân Mỹ.

Để chuẩn bị và huấn luyện, người ta đã chọn căn cứ không quân Eglin, bang Florida. Tại đây, không hề có ai ngoài binh lính nên bảo đảm bí mật hoàn toàn cho công tác chuẩn bị chiến dịch.

Việc tuyển chọn người tình nguyện được thực hiện tại đại bản doanh của Lực lượng Tác chiến đặc biệt Mỹ, Fort Bragg. Họ quyết định chọn những người có các kỹ năng phù hợp, kinh nghiệm chiến đấu ở Đông Nam Á và thể lực tốt. Đã có gần 500 người hưởng ứng lời kêu gọi. Mỗi người đều được phỏng vấn, sau đó đã chọn được 100 người đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Hai sĩ quan được chọn để chỉ huy cuộc tập kích. Một là Trung tá Elliott P. “Bud” Sydnor từ Fort Benning, bang Georgia, người có uy tín cao với tư cách một chỉ huy chiến đấu. Người thứ hai là Đại úy Richard J. “Dick” Meadows từ Fort Benning. 

Khi lập kế hoạch chiến dịch, họ đã chọn trình tự đội hình chiến đấu đổ bộ như sau:

- Đội yểm trợ có mật danh Greenleaf dưới sự chỉ huy của Đại tá Simons;
 
- Đội đột kích có mật danh Blueboy dưới sự chỉ huy của Đại úy Meadows; 

- Đội bảo đảm có mật danh Redwine dưới sự chỉ huy của Trung tá Sydnor. 

- Đơn vị không quân tiền phương dùng để chở biệt kích tới mục tiêu và yểm trợ trong chiến đấu gồm 5 trực thăng HH-53C Super Jolly, 1 trực thăng HH-3E Jolly Green, 2 máy bay MC-130 Combat Talon và 5 cường kích А-1E Skyraider. Tất cả các thành viên các tổ lái của đơn vị đều là dân chuyên nghiệp, có kinh nghiệm tác chiến. Sau khi biết mục đích của chiến dịch, họ đều tỏ ý muốn tham gia. Kết quả là tham gia chiến dịch toàn là lính tình nguyện.


Lập kế hoạch và chuẩn bị
Trong quá trình lập kế hoạch, đã quyết định tiến hành chiến dịch giải cứu vào ban đêm. Để bảo đảm tầm bay cần thiết cho các trực thăng thì tổ chức tiếp dầu trên không cho chúng. Tất cả đều thống nhất là để chiến dịch thắng lợi, cần bảo đảm tính bất ngờ và giành quyền chủ động ít ra là trong những phút đầu giao chiến.

Vào cuối tháng 8/1970, toàn bộ quân số của Lực lượng đặc nhiệm chiến dịch hỗn hợp đã được tập trung về căn cứ không quân Eglin. 

Các hành động chính dự định tập dượt tại bãi Duke Field. Cách không xa bãi này đã xây dựng một mô hình trại giam Sơn Tây. Thông tin về cơ sở hạ tầng của trại giam do Cục Tình báo trung ương CIA cung cấp. Mô hình này có kích thước như thật đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác huấn luyện binh lính tham gia chiến dịch, nhất là Đội đột kích của Đại úy Meadows. Tại đây, đã tập dượt chi tiết tất cả các bộ phận của chiến dịch, kể cả các hành động của các trực thăng.

Họ đặc biệt chú ý đến vấn đề sử dụng hiệu quả sức mạnh hỏa lực của trực thăng, xạ kích súng máy trên trực thăng và súng của lực lượng đổ bộ từ trên trực thăng trong khi bay và khi đổ bộ. Do HH-53 có độ ổn định tốt hơn UH-1H khi bắn nên trực thăng này đã được chọn tham gia chiến dịch. Trên trực thăng, các vị trí lắp đặt vũ khí đã được thay đổi. Vũ khí được bố trí trong cửa đuôi và trong khoang. Ngoài ra, trực thăng này còn cho phép bố trí 1 súng máy 7,62 mm ở cửa sổ bên trái phía trước, còn 10 tay súng khác có thể bắn qua các khe ở mạn phải, qua cửa bên phải và cửa đuôi. Chế độ bắn đó cho phép tạo vùng hỏa lực sát thương dày đặc xung quanh trực thăng. Trong khi đổ bộ, 1 súng máy М60 kịp bắn ra không dưới 100 viên đạn. Cũng trong thời gian này, mỗi biệt kích đổ bộ bắn được không dưới 30 viên đạn 5,56 mm của súng trường М-16. Điều đó bảo đảm mật độ hỏa lực cao trên bãi đổ bộ.

Việc huấn luyện các tổ lái diễn ra ban đêm. Việc sử dụng trong chiến dịch các loại máy bay, trực thăng khác nhau cũng gây thêm nhiều khó khăn. Tiến trình chiến dịch được tập dượt lần lượt theo từng phần ở nhịp độ chậm. Các yếu tố mới của chiến dịch từng bước được bổ sung. Sau đó, bắt đầu tập song song hoạt động bảo đảm hỏa lực cho chiến dịch bằng các máy bay С-130 và А-1. Rieengng trong quá trình chuẩn bị, các phi công đã bay 1.054 giờ mỗi người. 

Đợt luyện tập cuối cùng diễn ra từ 2 giờ đêm đến 5 giờ sáng và cho thấy các thành viên tham gia đã hoàn toàn sẵn sàng hành động.Trong khi đó, nhóm kế hoạch ở Lầu Năm góc và nhóm tác chiến ở Florida cũng đã thuận lợi tiến đến mục tiêu, Don Blackburn đã thiết lập được quan hệ với các cơ quan tình báo nhằm hỗ trợ cho nhóm.

Khi tiếp dầu ban đêm, điều quan trọng là trời quang mây, vị trí của mặt trăng là 35 độ trên đường chân trời. Điều đó đã buộc nhóm kế hoạch phải tìm một kẽ hở bảo đảm được các điều kiện thời tiết cần thiết. Thích hợp để tiến hành nhiệm vụ là quãng thời gian từ ngày 21-25/10 và ngày 21-25/11. Ban đầu, họ đã chọn ngày 21/10 để tiến hành chiến dịch. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ phê chuẩn kế hoạch. Ngày 24/9, kế hoạch được báo cáo với Bộ trưởng Quốc phòng thông qua. 

Ngày 8/10, kế hoạch được trình tại Nhà Trắng cho Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger và trợ lý quân sự của ông ta là Chuẩn tướng Alexander Haig. Tướng LeRoy J. Manor báo cáo với họ rằng, cần có được sự đồng ý của Tổng thống Mỹ trong vòng 24 giờ để có điều kiện tiến hành chiến dịch đúng hạn. Nhưng Kissinger nói rằng, điều đó là không thể vì lúc đó không thể gặp Nixon. Bởi vậy, người ta đề xuất lùi thời gian bắt đầu chiến dịch sang ngày 21/11. 

Sự trì hoãn này làm cho những người lãnh đạo chiến dịch rất khó chịu vì nó lại đòi hỏi phải cập nhật thông tin tình báo về mục tiêu. Nhưng mặt khác, họ cũng có thêm 30 ngày chuẩn bị. Nhờ việc trì hoãn này, đã có thể lắp cho máy bay МС-130 một thiết bị hồng ngoại quan sát phía trước FLIR (Forward Looking Infra Red) và các máy ngắm đêm tốt hơn cho vũ khí trên máy bay. Còn bác sĩ Joe Cataldo thì hoàn thiện kế hoạch hỗ trợ cho các binh sĩ yếu mệt trong quá trình bốc rút.

Ngày 1-/11, 2 chiếc MC-130 Super Talon cất cánh rời căn cứ không quân Eglin bay đến Takhli (Thái Lan) để tham gia chiến dịch. Đội máy bay vận tải gồm 4 chiếc C-141 dùng để vận chuyển quân và trang thiết bị của Lực lượng đặc nhiệm chiến dịch được chuyển giao sau các cuộc trao đổi riêng giữa Chuẩn tướng LeRoy J. Manor và Tướng Jack J. Catton, Tư lệnh Bộ chỉ huy Không quân vận tải. Các máy bay đã cất cánh từ Eglin vào ngày 14/11 và sau hai ngày đã đến Takhli.

Tại Thái Lan, họ hoàn thành những bước chuẩn bị cuối cùng. Để chế áp các đại đội tên lửa đất đối không Bắc Việt, lực lượng không quân của chiến dịch được biên chế các máy bay cường kích F-105. Ngoài ra, còn có các tiêm kích F-4 Con ma để bảo vệ đội máy bay hỗn hợp chống cuộc tấn công có thể xảy ra của các tiêm kích MiG của Bắc Việt.

Các máy bay A-1E, F-105S và F-4 đóng tại các căn cứ không quân Korat, Ubon và Nakhon Phanom. Các máy bay tiếp dầu KC-130 đóng tại căn cứ không quân Utapao, phía nam Bangkok. Các trực thăng tham gia chiến dịch được tập hợp từ các căn cứ không quân khác nhau đến sân bay Udorn.

Trong 100 lính đặc nhiệm, người ta đã chọn ra 56 người để trực tiếp tham gia thực hiện sứ mệnh giải cứu. Đối với 44 người còn lại thì tin này là một liều thuốc đắng.

Họ đã nhận được thông điệp “Tên lửa đỏ”, có nghĩa là tổng thống Nixon đã có phê chuẩn cuối cùng đối với việc tiến hành chiến dịch. Tuy nhiên, việc tiến hành chiến dịch trong đêm 20, rạng sáng 21/11 đã suýt nữa bị đổ bể. Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng, một cơn bão hình thành ở khu vực Philippines sẽ đến khu vực miền Bắc Việt Nam đúng vào đêm 20, rạng sáng 21/11. Bởi vậy, người ta quyết định đẩy sớm thời gian bắt đầu chiến dịch lên sớm 24 giờ và bắt đầu thực hiện chiến dịch vào ngày 20/11. Chỉ huy chiến dịch thông báo cho các thành viên tham gia về việc thay đổi ngày D.


Trước khi xuất phát
Việc cập nhật nhiệm vụ lần cuối được tiến hành vào ngày 20/11. Tất cả các những người tham gia đều đã nắm được vị trí chính xác của mục tiêu và việc tại trại giam Sơn Tây có từ 70-80 tù binh Mỹ, chủ yếu là phi công lái máy bay và trực thăng bị bắn rơi.

Sau khi chắc chắn tất cả đã sẵn sàng cho việc mở màn chiến dịch, chỉ huy tất cả các phân đội tập trung tại sở chỉ huy trên núi “Khỉ”. Tại đây, ngoài Chuẩn tướng Manor, chỉ huy trưởng chiến dịch, còn có các sĩ quan của nhóm tham mưu: Morris, Peshkin, Newman, Knops và Willett. 

Kraljev ở căn cứ không quân Takhli, còn Ropka ở Udorn. Cả hai duy trì liên tục liên lạc với chỉ huy chiến dịch. Trong khi đó, Frisbie cùng một nhóm nhỏ sĩ quan thì ở trên chiếc máy bay tiếp sức vô tuyến điện bay trên trời. Trong trường hợp sở chỉ huy chính bị mất khả năng chỉ huy thì nó có thể nhận về mình vai trò chỉ huy chiến dịch và hoạt động với tư cách sở chỉ huy trên không.

Nhân viên tham mưu tình báo Art Andraitus ở Nhật Bản và theo dõi các bức ảnh nhận được từ một máy bay trinh sát SR-71.
Ngày 20/11 được tuyên bố là ngày nghỉ cho các thành viên tham gia chiến dịch. Bác sĩ Joe Cataldo phát thuốc ngủ cho binh sĩ để họ có thể ngủ nghỉ đẫy giấc ban ngày.

Lúc 22 giờ 00, lính đặc nhiệm lên khoang chiếc С-130 và cất cánh bay khỏi Takhli tới căn cứ không quân Udorn ở miền bắc Thái Lan. Tại đây, họ tiếp nhận 2 trực thăng HH-53C và 1 trực thăng HH-3, cẩn thận kiểm tra lại trang thiết bị trên khoang của chúng.

Một lúc trước nửa đêm 20/11/1970, tại căn cứ không quân, các tổ lái vào vị trí trên các máy bay. Lính Mũ nồi xanh lên khoang.
Tại 7 căn cứ không quân và 3 tàu sân bay có mặt 116 máy bay và trực thăng để tham gia chiến dịch.
Thời tiết thật đẹp. Chỉ huy báo cáo về việc sẵn sàng cho chiến dịch và hạ lệnh bắt đầu chiến dịch. Lúc 23 giờ 18, các trực thăng bắt đầu khởi động động cơ.

Trên không, 2 máy bay tiếp dầu HC-130 dẫn đầu các trực thăng để tiếp dầu trên không mà dự kiến được tiến hành trên không phận Bắc Lào. Máy bay tiếp dầu đi đầu có mật danh Lime 01, trực thăng HH-3 có mật danh Banana, còn 5 chiếc HH-53 còn lại có mật danh Apple từ 01 đến 05. Các máy bay lập thành đội hình chiến đấu gồm 7 chiếc: Đi đầu là máy bay tiếp dầu, tiếp sau bên phải và bên trái, mỗi bên có 3 trực thăng. Cả đội hình bay ở độ cao 450 m trên mặt đất.

Cơ trưởng chiếc HC-130 có mật danh Lime 01 đi đầu, Bill Kornitzer: “Sứ mệnh của chúng tôi bắt đầu từ căn cứ không quân Udorn. Chúng tôi phải gặp 6 trực thăng và dẫn chúng đến biên giới Bắc Việt. Sau khi gặp mà không có trục trặc gì, chúng tôi tiếp dầu cho 5 chiếc HH-53 và 1 chiếc HH-3. Việc đó đã được làm trong sự yên lặng hoàn toàn mà không có sự cố nào. Tiếp đó, HH-3 vẫn ở gần và phía sau cánh bên trái của chúng tôi để duy trì tốc độ của cả đội hình chiến đấu. Sau khi các trực thăng rời đi thực hiện nhiệm vụ chính, chúng tôi lập tức quay trở lại Udorn để nạp dầu mà chúng tôi phải làm càng nhanh càng tốt để sau đó có thể thực hiện tiếp dầu trên không cho cả các tốp tìm/cứu khi cần. May mắn là thời tiết tại khu vực tiếp dầu quang đãng. Tất cả các máy bay tiếp dầu đều thực hiện nhiệm vụ mà không gặp khó khăn gì”.

Sau đó, các trực thăng được chiếc MC-130 Cobat Talon dẫn đầu bay ở độ cao nhỏ tiến sang Bắc Việt. Lãnh thổ Lào trập trùng núi non, đòi hỏi phải có sự dẫn đường chính xác từ tổ lái chiếc MC-130.

Nhiệm vụ không trợ trực tiếp được giao cho các cường kích А-1 vốn cực kỳ thích hợp với nhiệm vụ này vì chúng có thể mang nhiều đạn dược. Ngoài ra, ở tốc độ tương đối thấp, chúng có thể hoạt động ngay sát khu vực chiến dịch và có sự hỗ trợ cần thiết cho lực lượng đổ bổ trong thời gian thật ngắn. Bởi vậy, không lâu sau, 5 chiếc cường kích А-1 cất cánh từ Nakhon Phanom và sắp hàng sau chiếc MC-130 Combat Talon thứ hai. Chúng bay sát chiếc máy bay đi đầu đang dẫn dắt các trực thăng bay ở độ cao nhỏ.

Để bảo vệ các đội hình chiến đấu chống các tiêm kích MiG của Việt Nam tập kích, từ một căn cứ không quân xuất kích 10 tiêm kích F-4 Phantom, còn từ căn cứ không quân Korat cất cánh 5 chiếc F-105 Wild Weasel để bảo vệ chống tên lửa phòng không đối phương. Các máy bay F-4 và F-105 bay ở độ cao lớn, bao quát một khu vực rộng lớn tiến hành chiến dịch và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết.

Khi tốp máy bay tiến gần biên giới miền nam Việt Nam, từ các tàu sân bay thuộc Lực lượng đặc nhiệm chiến dịch của Hải quân Mỹ, các máy bay cất cánh bay đến biên giới Lào-Bắc Việt Nam. Các radar của Bắc Việt phát hiện tổng cộng 59 lần chiếc. Hoạt động trên không cường độ cao của Mỹ ở vịnh Bắc Bộ đã khiến Bắc Việt lo ngại và lúng túng mặc dù họ đã chờ đợi các máy bay Mỹ tiến vào từ hướng đông.

Trong lúc đó, một phân đội biệt kích xâm nhập trót lọt vào lãnh thổ Việt Nam từ hướng Tây.
 
Tấn công
Jay Strayer, cựu phi công thứ hai trực thăng có mật danh Apple 02, nhớ lại: “Căng thẳng tăng lên khi chúng tôi tiếp cận điểm xuất phát mà từ đó thực hiện cú tiếp cận cuối cùng đến trại giam. Cho đến lúc đó, tôi đã lái trực thăng phần lớn quãng đường. Tại chỗ đó, Jack Allison thay tôi nhận lấy việc lái máy bay ở giai đoạn cuối của chiến dịch. Tôi thì nhận trách nhiệm hoa tiêu. Đúng như khi diễn tập, chiếc МС-130 đi đầu dẫn các máy bay đến dãy núi cuối cùng ở độ cao 150 m so với mặt đất. Ở điểm xuất phát, chúng cùng với Apple 04 và Apple 05 lấy độ cao đến 450 m và bay thẳng về hướng trại giam. Từ khoang chiếc МС-130 làm nhiệm vụ dẫn đường phát đi một bức điện duy nhất xác định hướng bay đến trại giam, và sau đó làn sóng chìm vào im lặng vô tuyến.

Lúc này, chúng tôi còn 4 chiếc: 3 chiếc với mật danh Apple 01, 02, 03 được chiếc HH-3 dẫn đầu. Tôi đặc biệt quan tâm giai đoạn này của chiến dịch, mà trong đó mỗi người chúng tôi phải thực hiện một nhiệm vụ được phân công. Khi đến IP (điểm xuất phát), chiếc MC-130 bốc lên độ cao 450 m thả pháo sáng trên trại giam Sơn Tây. Các trực thăng Apple 04 và Apple 05 làm nhiệm vụ dự phòng cho nó và phải thả pháo sáng nếu các pháo sáng từ chiếc MC-130 không đủ hiệu quả. Nhưng điều đó đã không cần thiết. Vì vậy, các trực thăng lượn sang trái để tìm bãi hạ cánh chọn trước trên một hòn đảo giữa một cái hồ lớn. Các phi công trực thăng phải đợi ở đó cho đến khi lực lượng đặc nhiệm tiến đến trại tù binh Sơn Tây để giải thoát và di tản các tù binh Mỹ. Chiếc МС-130 lượn sang phải và thả các quả bom cháy và napalm để tạo ra đống lửa làm mốc định hướng cho các cường kích А-1. Sau đó, chiếc МС-130 bay đến khu vực chờ trên lãnh thổ Bắc Lào.

Ngay sau khi pháo sáng chiếu sáng nhà tù, chiếc trực thăng HH-53 với mật danh Apple 03, dưới sự chỉ huy của Marty Donohue, bay qua trên nóc nhà tù, bắn xuống bằng các súng máy Gatling vào các chòi canh vì theo kế hoạch thì phải vô hiệu hóa chúng để triệt tiêu nguồn gốc đề kháng tiềm tàng”.

Bob Senko trong tổ lái chiếc С-130 nhớ lại: “Tôi còn nhớ rõ rằng, khi các trực thăng bay vào mục tiêu, trước hết chúng đã phải loại khỏi vòng chiến các chòi canh bằng hỏa lực của các khẩu súng máy 7,62 mm của mình. Chúng tôi đã phải yểm trợ cho chúng thực hiện nhiệm vụ này. Điều đó thật đáng ngạc nhiên, nhưng đã không hề có phản ứng đáp trả của lực lượng bảo vệ trên các chòi canh”.



Hạ cánh khẩn cấp
Tổ lái chiếc HH-3 do Marty Donohue chỉ huy vào hạ cánh để đổ quân. Tổ đột kích của Dick Meadows lập tức bắn xuống bãi đáp để ngăn chặn đối phương chống trả. Donohue với tổ lái gồm Herb Kalen, Herb Zender và Leroy Wright đáp chiếc trực thăng chở Meadows cùng tổ đột kích 13 người đổ bộ xuống một khoảnh đất khá nhỏ bên trong các bức tường nhà tù. Cho đến lúc đó, mọi thứ diễn ra đúng theo kế hoạch và chính xác về thời gian. Khi hạ cánh, các lá cánh quay đã quẹt phải mấy cái cây cao bao quanh bãi đáp. Do hạ cánh gắt, một bình cứu hỏa đã văng ra làm vỡ mắt cá chân của trung sĩ LeRoy Wright, nhân viên cơ giới của trực thăng.

Cần thấy rằng, kế hoạch chiến dịch đã trù tính khả năng bị mất chiếc HH-3. Khi rút lui, lực lượng đổ bộ đã phải giật nổ phá hủy nó.

Các lính đổ bộ của Dick Meadows không bị tổn hại gì và bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Họ phải lùng sục các tù binh bên trong các tòa nhà, cũng như ngăn chặn khả năng can thiệp của đối phương.

Bộ đội Bắc Việt chạy ra khỏi các tòa nhà và nổ súng vào lính Mỹ. Không còn yếu tố bất ngờ, đặc nhiệm Mỹ đã phải giành quyền chủ động. Nhiệm vụ chủ yếu của Meadows là xông vào tòa nhà và tìm tù binh ở đó. Để các binh sĩ tập kích và tù binh có thể thoát khỏi trại giam, người ta đã dự định dùng thiết bị nổ phá thủng một lỗ ở góc tây nam bức tường nhà tù. Tại đây, ngay sát bức tường, ở chỗ lỗ thủng phải triển khai sở chỉ huy của Trung tá “Bud” Sydnor.

Để phá nổ tường rào, đã sử dụng 1,5 kg chất nổ dẻo С-4. Xác chiếc trực thăng cũng bị phá hủy bằng một quả bộc phá tự tạo đặc biệt. 1,5 kg С-4 trộn chất nhiệt nhôm được nhồ vào đoạn vòi cứu hỏa dài 75 cm, đường kính 10 cm. Để phá hủy chắc chắn chiếc trực thăng bỏ lại, bộc phá được nhét vào hầm chứa dưới sàn, giữa các thùng nhiên liệu phía trước và phía sau.


Sai lầm của Apple 01
Apple 01 với Đại tá Symons và 21 lính đổ bộ đã hạ cánh nhầm xuống một bãi đáp có hàng rào bao quanh mà trong kế hoạch không có. Nó nằm cách mục tiêu khoảng 200 m về phía nam. Đấu súng lập tức nổ ra. Trận đánh này làm họ mất khoảng 5 phút, sau đó Simons và binh lính lại leo lên trực thăng và bay đến nơi cần đến.

Không còn mắc sai lầm, các phi công của chiếc Apple 01 đã đổ đội yểm trợ của Đại tá Simons ở khu vực phía bắc của nhà tù.
Trong khi đó John V. Allison lái chiếc Apple 02 đưa Trung tá Elliott Sydnor và binh sĩ của ông tiếp đất tại địa điểm đã định và khi hiểu rằng không có chiếc Apple 01 cùng với họ, họ liền lập tức thực hiện kế hoạch 2. Các đội đổ bộ trong quá trình luyện tập đã tập thực hiện không chỉ các nhiệm vụ của mình mà của cả các lực lượng bạn, phòng khi xảy ra các tình huống bất trắc.

Mặc dù Warner Britton đã mắc sai lầm khi hạ cánh, còn các trực thăng khác cũng làm theo ông ta, nhưng chiếc Apple 03 đã khắc phục được sai lầm này. Tại thời điểm G+1 phút, Britton đã đổ toán đặc nhiệm có mật danh Greenleaf. Lúc đó, xuất hiện một bộ đội Bắc Việt, nhưng lập tức anh ta bị Simons bắn chết bằng khẩu súng ngắn ổ quay cỡ .357.

Toán chỉ huy lọt vào tầm hỏa lực súng tự động của đối phương và do đó, các phân đội đột kích đã xông lên phía trước. Trên cơ sở thông tin tình báo có từ trước, toán Greenleaf đã biết số lượng binh sĩ đối phương bên trong tòa nhà. Họ cũng hiểu rằng, do sai lầm lúc đầu khi tấn công nhầm mục tiêu mà yếu tố bất ngờ đã mất. Sau khi loạt vào tòa nhà, biệt kích Mỹ quét sạch cánh trái sau khi tiêu diệt gần 10 bộ đội Việt Nam bằng hỏa lực súng bộ binh và lựu đạn.

Tại thời điểm G+2 phút, các phân đội tiến vào tòa nhà và giao chiến. Lúc G+3 phút, tốp đầu tiên đã bảo đảm được an toàn cho bãi đáp và bắn canh chừng về hướng nam và hướng tây.

Từ G+2 phút đến G+5 phút, toán chỉ huy tiếp tục đột phá qua các căn phòng ở cánh nam. Các phân đội báo cáo rằng, họ đã đụng độ với đối phương mạnh hơn dự tính. Ngoài ra, đối phương còn bắn từ tòa nhà hai tầng nằm ở giữa khu trại giam. Một biệt kích Mỹ trong toán đầu tiên đã dùng súng phóng lựu М79 chế áp được hỏa điểm này của đối phương.

Tốp đầu tiên cũng xác nhận chế áp được hảo điểm ở tòa nhà hai tầng, nhưng khi tiếp tục  tiến lên đã lọt vào tầm hỏa lực ở rìa phía tây của trại giam. Tại đây, khẩu súng máy М60 của họ vào cuộc và buộc đối phương phải im lặng. Tốp thứ hai tiến xuôi theo con đường về hướng bắc, cách ranh giới khu trại khoảng 150 m, càn quét và tiêu diệt lực lượng đối phương ở cả hai cánh. Lúc G+4 phút, Simons hạ lệnh cho chỉ huy tốp này tiến đến bãi đổ bộ và bảo đảm an toàn cho nó từ hướng đông nam.

Sau này, Simons nói rằng, ông ta không đủ quân để thực hiện nhiệm vụ chính tấn công trại tù binh. Lúc G+5 phút, toán chỉ huy cuối cùng đã đột phá được ở hướng đông, sau khi ném những quả lựu đạn sát thương vào hai căn phòng kế bên và buộc các khẩu súng tự động của 4 bộ đội Bắc Việt im tiếng.

Khoảng G+6 phút, Simons hạ lệnh cho tất cả các tốp của toán chỉ huy và yểm trợ đột phá đến địa điểm bốc rút. Trong vòng 60 giây, ông ta đã nhận được báo cáo đầy đủ về các binh lính thuộc quyền tại bãi đáp. Ông ta cũng được báo cáo là bãi đáp đã được đánh dấu bằng các ngọn lửa. Tốp đầu tiên canh chừng bãi đáp từ hướng tây, nơi đối phương tiếp tục đánh trả. Tốp thứ hai bảo vệ bãi đáp từ hướng nam. Sau khi chắc chắn bãi đáp an toàn, lúc G+9 phút, Simons gọi trực thăng của mình. Sau đó, đội của Simons được bốc rút đi.


Hành động của các toán còn lại
Đến lúc đó, Meadows, chỉ huy toán Blueboy, đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Sydnor với toán Redwine cũng hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của mình. Các binh sĩ của Sydnor đã phá nổ một câu cầu mà một đoàn quân đối phương đang cố tiến qua để chi viện cho những người bảo vệ các mục tiêu bị tấn công. Khi Simons và binh lính của ông ta cuối cùng vẫn được đổ xuống địa điểm đã định, ông ta đã gọi các cường kích А-1 và chúng đã bắt đầu tiêu diệt các mục tiêu trong toàn trại tù binh, kể cả một cây cầu đi bộ nhỏ giữa địa điểm sống của các cố vấn và trại tù binh, cũng như các mục tiêu ở trại bên cạnh.

Do biệt kích Mỹ đổ bộ xuống đã không thể chiếm lĩnh kịp thời một cây cầu ở phía bắc khu vực, các phi công С-130 đã được giao nhiệm vụ ném bom vào cây cầu này. Do bay ở độ cao nhỏ nên không thể sử dụng bom, các máy bay đành phải bắn vào cây cầu.

Các máy bay vào tấn công mục tiêu ở độ cao nhỏ, tiến hành bắn phá cây cầu và cái mà chúng cho là một nhà máy hóa chất trong khi chấp nhận rủi ro bị hư hại do đạn cho chính chúng bắn xuống.

Mặc dù đã không thể phá hủy được cây cầu, nhưng mọi di chuyển qua cây cầu này đã bị ngừng lại.

Các máy bay đã phải bay tác chiến ở độ cao nhỏ do Bắc Việt bắt đầu sử dụng tên lửa phòng không. Các máy bay nhìn rất rõ trong ánh sáng trăng. Chúng bay quần trong khu vực trại ở độ cao 100-200 m trên mực nước biển, ở phía bắc khu vực, do nguy cơ bị tên lửa đất đối không bắn rơi, các máy bay đã phải hạ xuống độ cao sát mặt nước sông Hồng. Khi biệt kích Mỹ cuối cùng đã tiến đến được cây cầu, các máy bay đã thả số bom còn lại xuống sông Hồng và bay về căn cứ.

Trong khi đó, các tổ lái chiếc Apple 04 và Apple 05 quan sát toàn bộ bức tranh khai mở trên bầu trời đêm. Jack Allison nhớ lại: “Ở vùng chờ, trong khi chúng tôi đợi lực lượng đổ bộ với các tù binh để di tản họ, chúng tôi đã quan sát trên trời một màn pháo hoa ấn tượng. Đã có từ 14 đến 16 quả tên lửa phòng không phóng vào chiếc F-105 Wild Weasel. Hơn nữa, các tên lửa được phóng ở góc thấp đến nỗi một trong các trực thăng đang bay đã phải cơ động tránh đạn. Chúng tôi đã quan sát một quả tên lửa phun ra lượng nhiên liệu còn lại và nổ tung sau chiếc cường kích Firebird 3. Quả cầu lửa bùng lên che kín chiếc máy bay và có cảm tưởng chúng tôi đã mất nó. Nhưng khi lửa tắt đi, tổ lái đã tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Một quả tên lửa khác đã nổ cạnh chiếc Firebird 5,làm hỏng hệ thống điều khiển bay và hệ thống nhiên liệu”.

Các hệ thống tên lửa phòng không SA-2 của Việt Nam đã tấn công tốp F-105. Một quả tên lửa đã bắn trúng và làm bị thương nặng một chiếc F-105. Thiếu tá Kilgus và Đại úy Lowry đã nhảy dù và tiếp đất tại một vùng núi. Do hết nhiên liệu, trên không phận Lào đã tiến hành tiếp dầu trên  không từ máy bay tiếp dầu KC-135.

Việc chiếc máy bay rơi đã được báo cáo về sở chỉ huy. Tọa độ của các phi công bị bắn rơi được báo cáo lên các trực thăng Apple 04 và Apple 05, chúng đã di tản trót lọt các phi công này.

Đối phương phòng ngự đã bị tiêu diệt. Các biệt kích đổ bộ lục soát toàn trại, nhưng không thể tìm thấy tù binh Mỹ nào. Sau đó, qua vô tuyến điện, Chuẩn tướng Manor đã nhận được bức điện mã: “Negative items”.

Manor đã không thể tin vào điều này và nghĩ rằng, đã có sai sót khi truyền đạt thông tin. Cùng với Simons, ông đã tính toán xác suất thất bại và hiểu rằng, điều đó có thể xảy ra, nhưng xác suất thất bại là không đáng kể. Tất cả đều theo đúng kế hoạch. Phân đội đổ bộ đã hoàn thành nhiệm vụ trên mặt đất trong vòng 29 phút thay vì 30 như dự kiến. Sau khi tiêu diệt được gần 50 người của đối phương, họ đã có 2 người bị thương nhẹ: trung sĩ Wright bị vỡ mắt cá chân, còn trung sĩ Murry bị vết thương do đạn bắn vào phía trong đùi.

Các trực thăng đã được gọi đến và phân đội lên trực thăng. Sau khi điểm danh tất cả, các phi công đã khởi động động cơ, bay về hướng ngược lại. Sau đó, tất cả trót lọt trở về căn cứ không quân. Các biệt kích Mỹ buồn bãi vì đã không hoàn thành nhiệm vụ và nhiều người đòi đêm sau quay lại để cứu các tù binh. Tuy vậy, vì nhiều lý do, điều đó đã không thể làm được.


Theo Định luật Murphy
Tất nhiên là người ta đã lập một ủy ban để xác định các nguyên nhân thất bại. Ủy ban đã xác định rằng, trong quá trình chuẩn bị chiến dịch mật danh IVORY COAST đã thực hiện gần 170 bài tập với binh sĩ các toán đổ bộ và các tổ lái máy bay, trực thăng. Bởi vậy, các thành viên tham gia chiến dịch đã sẵn sàng với mọi diễn biến. Việc đi sâu nghiên cứu các hành động đã thực hiện và báo cáo do chỉ huy trưởng chiến dịch Chuẩn tướng LeRoy Manor viết đã không cho phép ủy ban đưa ra cáo buộc nào đối với các lính tình nguyện tham gia chiến dịch. Nhưng vậy thì cái gì là nguyên nhân gây ra sai lầm khi đổ bộ một toán biệt kích?

Theo tin tức tình báo, tòa nhà của trường trung học cũ nằm cách nhà tù Sơn Tây chưa đến 500 m cũng giống như các công trình khác nằm ngay sát nó đã bị biến thành các doanh trại quân đội. Trong báo cáo “Vai trò của Không quân trong tấn công trại tù binh Sơn Tây” do Alfred Montrem (phi công thứ hai của Britton) viết cho Học viện Không quân Mỹ vào năm 1978 có nói rằng, tòa nhà trường học và các công trình khác bị cải tạo lại thành các doanh trại trông giống với trại tù binh.

Mặc dù trong báo cáo của mình, Chuẩn tướng Manor không nhắc đến ngôi trường, ông chỉ ra rằng, cách công trình 400 m về phía nam có một khu doanh trại. Công trình này ban đầu được nhận dạng là công trình quân sự, chứ không phải là dân sự. Theo thông tin trinh sát đường không và tình báo quân sự, tại cơ sở này có từ 60 đến 90 bộ đội Bắc Việt, cũng như các huấn luyện viên và cố vấn Trung Quốc. Đơn vị này phụ trách bảo vệ và có khả năng trong thời gian ngắn nhất đi bằng xe ô tô hay chạy bộ có mặt tại trại tù binh. Bởi vậy, công trình này đã được coi là thứ yếu và theo kế hoạch ban đầu, nó là mục tiêu của các cường kích А-1. Tại sao toán Simons lại đổ bộ xuống khu doanh trại thay vì trại tù binh?

Một là, theo Montrem, Britton đã mắc sai lầm do đã không tham gia các chuyến bay tập tại căn cứ không quân Eglin. Số giờ bay huấn luyện của anh ta chỉ là 30 giờ, trong khi đó các phi công còn lại có 1.000 giờ bay tập.

Hai là, như giải thích trong báo cáo chính thức về chiến dịch của Chuẩn tướng Manor, tất cả các tổ lái trực thăng tham gia tấn công đều đã bị lệch hướng bay do gió.

Nếu như giả thiết, điều đó là sự thật thì khi điều chỉnh hướng bay, nó sẽ dẫn thẳng đến các doanh trại chứ không phải đến nhà tù. Tốp trực thăng được dẫn đến khu vực chiến dịch bởi chiếc MC-130 Combat Talon mật danh Cherry One bay ở độ cao 100-200 m. Sau đó, các trực thăng tự bay đến mục tiêu khi hạ xuồng độ cao cực nhỏ và vì thế mà định hướng kém bằng mắt. Do tác động của gió, chúng bị dạt hướng và trong đêm, khi có một công trình giống như vậy thì đã đổ quân xuống.

Như Trung tá Britton viết trong cuốn sách “Ở trong mắt bão” (At the Hurricane’s Eye): “Khi bay đến mục tiêu, tôi đã không chú ý đến các điểm kiểm tra địa hình cuối cùng. Tôi đã quan sát con đường hay sông Cồn phải ở ngay cổng vào nhà tù. Khi tôi nhìn thấy đường nét của các tòa nhà, lập tức tôi bay về phí đó”.

Nhưng các tù nhân đã ở đâu chứ? Sau này mới biết rằng, ngày 14/7 do nước sông dâng lên và nguy cơ lụt các cánh đồng các tù binh đã được chuyển đến một nơi được đặt biệt danh là “Trại Niềm tin”.

Cuộc sống một lần nữa chứng minh Định luật Murphy nổi tiếng: “Nếu một việc có thể diễn tiến xấu, nó sẽ diễn tiến đúng như thế” (Anything that can go wrong, will go wrong).
Nguồn:
Brat, No.1.2011.
http://vietnamdefence.com/Home/tinhbaoanninh/dacnhiem/Cuoc-tap-kich-Son-Tay--Chien-dich-Ivory-Coast-2/20148/53925.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét