Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

YAMAMOTO Con Rồng Thái Bình Dương

Trận Chân Châu Cảng

Image may contain: 1 person, closeup

Kể từ sau năm 1936, lục quân Nhật phát động một phong trào cách mạng chính trị và kiểm soát được chính phủ. Ðây là thời kỳ vàng son của lục quân sau những chiến thắng tại Trung Hoa. Lục quân còn có tham vọng làm bá chủ chính trường Nhật Bản và đô hộ cả Á Châu. Trái lại hải quân Nhật vẫn tuân theo lệnh của Minh Trị Thiên Hoàng, phải khuất phục trước một chính quyền dân sự. Trong khi lục quân lộng hành thì hải quân vẫn trung thành với đường lối cổ truyền, và do đó dần dần lép vế trước lục quân. Tuy nhiên Yamamoto quyết tâm không để lục quân bảo sao nghe vậy. Yamamoto thường cảnh cáo lục quân rằng họ có thể chiến thắng Trung Hoa một cách dễ dàng, nhưng một cuộc chiến tranh với Anh Mỹ thì không thể chấm dứt trong chiến thắng được. Với tư cách là thứ trưởng hải quân, Yamamoto đã ra công làm một công việc mà ông gọi là "cố ngăn chặn một dòng nước mạnh chảy sai đường."
Thái độ quá khích của lục quân dần dần lan tràn sang hải quân. Ngay từ năm 1938, nhiều sĩ quan hải quân trẻ đã công khai chống đối các đô đốc Yonai và Yamamoto. Họ đả kích quan điểm của Yamamoto về việc Nhật gia nhập khối Trục và thái độ của Yamamoto đối với quyền lợi của Nhật Bản. Yamamoto bắt đầu nhận được rất nhiều thư công kích thù nghịch. Thoạt đầu ông chăm chú đọc những lá thư này, nhưng về sau ông hiểu rằng đây chỉ là một phần chiến dịch của phe quá khích muốn lung lạc tinh thần ông, nên ông không thèm quan tâm đến những lá thư này nữa. Nhưng sau đó, những lá thư công kích chuyển thành những lá thư hăm dọa giết ông. Sự hăm dọa này cũng không làm Yamamoto thay đổi quan điểm. Vốn là một quân nhân can trường, thấm nhuần truyền thống dũng khí của võ sĩ đạo, ông coi cái chết vì sự công chính đẹp như những cánh hoa anh đào. Ông đã viết:
"Chết cho Nhật Hoàng và tổ quốc là hy vọng cao cả nhất của một quân nhân. Sau một trận chiến đấu khó khăn và can đảm, những cánh hoa sẽ bay tả tơi trên chiến trường. Nhưng nếu một người ái quốc bị ám sát, thì người chiến sĩ ấy sẽ vẫn đi tới sự bất diệt trường cửu cho Nhật Hoàng và đất nước. Sự sống hay cái chết của một con người không quan hệ. Ðiều quan hệ là Ðế Quốc Nhật Bản. Khổng Tử đã viết: "Người ta có thể đập vỡ thần sa nhưng người ta không thể lấy đi được mầu son của nó; người ta có thể đốt một cây cỏ thơm, nhưng người ta không thể diệt được hương thơm của cỏ." Những kẻ bất đồng quan điểm có thể hủy diệt được thân xác tôi, nhưng họ không thể lấy đi được ý chí của tôi."
Yamamoto đã thất bại không xoay chuyển được khuynh hướng hiếu chiến của lục quân, và để lục quân đưa nước Nhật vào vòng chiến, một phần vì những biến cố sau đây:
Biến cố đầu tiên là quyết định của tổng thống Roosevelt ra lệnh tập trung hải quân Hoa Kỳ tại Trân châu cảng, thay vì tại bờ biển phía tây của Hoa Kỳ như trước. Việc thay đổi này khiến người Nhật tin tưởng rằng Hoa Kỳ đang sửa soạn gây hấn với Nhật Bản. Người Nhật coi việc tập trung hải quân Hoa Kỳ tại quần đảo Hawaii như là một "mũi dao chĩa vào trái tim Nhật Bản." Việc tấn công vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân châu cảng bỗng trở thành một nhiệm vụ cần thiết, nhưng bộ tư lệnh hải quân Nhật nghiên cứu, và đi đến kết luận đây là một công cuộc mạo hiểm vô cùng khó khăn.
Trong lúc đó thì hai nhà độc tài Hitler của Ðức và Mussolini của Ý ra công thúc giục Nhật Bản tham gia khối Trục của ba cường quốc Ðức Ý Nhật để đương đầu với khối Anh Mỹ Nga. Chính phủ Nhật lúc đó nằm trong sự kiểm soát của lục quân và lục quân lúc nào cũng hoan nghênh việc liên kết với Ðức và Ý. Trong khi đó hải quân Nhật phản đối việc Nhật đi chung đường với Ðức và Ý, để phải đương đầu với các hạm đội hùng mạnh của Anh và Mỹ. Nhưng hải quân không có tiếng nói mạnh trong những quyết định của chính phủ. Hai đô đốc Yonai và Yamamoto liên tục chống lại việc thành lập trục Ðức-Ý-Nhật. Mặc dầu bị áp lực nặng nề của lục quân, nhưng cả Yonai và Yamamoto cương quyết phản đối bất cứ một sự thống nhất hành động nào với Hitler và Mussolini. Yamamoto lý luận rằng bất cứ một sự liên minh nào với Ðức và Ý cũng sẽ đẩy Nhật phải xung đột với Anh và Mỹ, ngay cả với Nga Sô nữa. Yamamoto tận dụng mọi khả năng để ngăn cản sự xáp lại gần hai nước Phát xít Âu châu. Lúc nào ông cũng lập lại quan điẻm của mình: "Nhật Bản có thực điên rồ mới trở thành kẻ thù của Anh và Mỹ."
Sự hăng say chống lại khuynh hướng của lục quân đã đem lại cho Yamamoto nhiều kẻ thù, đặc biệt là trong nhóm quốc gia cực đoan. Kẻ thù của ông gọi ông là một kẻ thân Mỹ và phản bội tổ quốc. Họ hăm dọa sẽ ám sát ông. Tuy thế ông vẫn không hề nao núng. Khi đô đốc Yonai khuyên ông nên mang theo vệ sĩ, ông từ chối ngay. Càng ngày Yamamoto càng trở thành một người cô đơn chống lại trào lưu của thời đại, chống lại chủ trương gây chiến với tây phương. Ông có lý do chính đáng của ông. Ông không phải là người thân Mỹ như kẻ thù gán cho ông, trái lại ông là một người yêu nước Nhật và tôn thờ Nhật Hoàng không kém gì kẻ thù của ông. Ðiều khác biệt duy nhất là không một kẻ thù nào của ông, và không một người hiếu chiến quá khích nào hiểu rõ khả năng của hải quân Nhật bằng ông. Mặc dù hải quân có vẻ hùng mạnh và càng ngày càng có thêm mẫu hạm và chiến hạm, nhưng Yamamoto hiểu rất rõ rằng hải quân của Nhật vẫn còn quá yếu kém, nếu phải đương đầu với lực lượng hải quân hỗn hợp của Anh và Hoa Kỳ.
Yamamoto còn biết rõ rằng nếu chiến tranh xảy ra thì tám mươi phần trăm gánh nặng sẽ đè xuống vai hải quân, mà theo ông thì hải quân của ông chưa sẵn sàng gánh vác bổn phận nặng nề ấy. Thái độ thực tế của ông càng làm lục quân căm giận ông hơn. Phe lục quân hỏi thẳng ông: "Ông không nghĩ rằng hải quân oai hùng của chúng ta không chiến thắng được hay sao?" Yamamoto trả lời thẳng thắn: "Không, tôi không tin hải quân sẽ thắng." Câu trả lời của Yamamoto không những chọc giận lục quân, mà còn làm phe ôn hòa phải kinh ngạc. Họ tự hỏi tại sao người cha đẻ của một hải quân kiêu hùng, một người đã tạo ra được một hệ thống không quân phối hợp chặt chẽ với hải quân lại có thể trả lời bi quan như thế.
Khi những lời buộc tội ông là kẻ phản quốc gia tăng, vì lời tuyên bố trên của ông thì ông chỉ trả lời, "Tôi đang phục vụ tổ quốc tôi đúng như lúc lâm chiến. Tôi đang phải nỗ lực lôi các đồng bào của tôi trở lại với một lối suy nghĩ sáng suốt. Họ có thể giết được tôi, nhưng họ không thể giết được sự sai lầm của họ." Ông biết ông đang gặp hung hiểm; kẻ thù quá khích có thể ám sát ông bất cứ lúc nào, nhất là ông là một khuôn mặt nổi tiếng ai cũng biết, nhưng ông vẫn không tỏ ra khiếp nhược. Hàng ngày ông vẫn đi bộ từ Bộ Hải quân ra các tiệm sách để tìm mua sách. Bất cứ ai đến thăm ông, dù là rất khuya, ông vẫn ra mở cửa cho họ, không quan tâm rằng những người khách ban đêm đó có thể là những thích khách tới ám sát ông.
Ðầu năm 1939 nội các Konoye đổ vì vấn đề gia nhập khối Trục. Hiranuma đứng ra lập chính phủ và đô đốc Yonai và Yamamoto vẫn được mời ở lại giữ Bộ Hải quân. Ðến đây dường như không còn cách gì ngăn được phe lục quân hiếu chiến liên kết với Ðức và Ý nữa. Càng ngày sự hăm dọa ám sát Yamamoto càng nhiều hơn.
Vào giữa năm 1939, tình hình chính trị càng tồi tệ hơn. Chính phủ vẫn cân nhắc lời cám dỗ của Hitler và Mussolini. Yamamoto nhận thức rằng quan điểm chống lại chiến tranh của mình sẽ đưa đến một cuộc ám sát. Ông viết một lời trăn trối, bỏ vào trong một cái hộp. Cái hộp này chỉ mở ra khi ông bị giết chết. Lời nhắn nhủ của ông chỉ có vắn tắt một câu: "Tôi coi cái chết của tôi là một vinh dự khi tôi chết cho một điều mà tôi nghĩ là đúng." Yamamoto là một người thấy xa trông rộng, nhưng tiếc thay nhóm quân phiệt mù quáng không nhận thấy, và đã đẩy nhiều dân tộc trên thế giới vào một cuộc chiến tàn phá nhất.
Cuối cùng đô đốc Yonai thấy tình thế quá nguy hiểm nên bắt buộc Yamamoto phải có vệ sĩ, ngay tại văn phòng cũng như tại tư gia. Dù Yamamoto đi đâu, lúc nào chung quanh ông cũng có một tiểu đội cảnh sát mặc thường phục hộ vệ. Rồi đến một lúc đô đốc Yonai thấy rằng sự bảo vệ như thế cũng không đủ, Yonai liền tìm cách đẩy Yamamoto ra khỏi nơi chính trường hiểm nghèo, bằng cách bổ nhiệm Yamamoto vào chức vụ Tư lệnh Liên Hạm đội Nhật, và thăng Yamamoto lên chức đô đốc. Về sau Yonai phải thú nhận bổ nhiệm Yamamoto vào một chức vụ ngoài biển cả là cách duy nhất để cứu sinh mạng cho Yamamoto.
Chức vụ và cấp bậc của Yamamoto là tột đỉnh trong hải quân Nhật, và dĩ nhiên Yamamoto cũng không từ chối vinh dự lớn lao này, mặc dầu ông hơi ngạc nhiên. Khi được báo tin, Yamamoto vốn là một người không thích rượu mà cũng uống cả ly la de một hơi để dằn sự khích động to lớn. Thực tình Yamamoto muốn đô đốc Yonai làm Tư lệnh Liên Hạm đội và Yamamoto sẽ là tư lệnh lực lượng xung kích, trực tiếp chỉ huy những trận đánh, nhưng Yonai không muốn trở lại chức Tư lệnh Liên Hạm đội một lần nữa.
Hai tuần lễ sau khi Yamamoto nhận chức Tư lệnh hải quân thì quân Ðức xâm chiếm Ba Lan và đệ nhị thế chiến bắt đầu. Bây giờ công việc cấp bách của Yamamoto không còn là chống chiến tranh nữa vì đã quá trễ, trái lại ông lao mình vào nhiệm vụ sửa soạn cho chiến trường Thái Bình Dương, vì ông biết rằng ông không còn nhiều thì giờ nữa trước khi phải quần thảo với hạm đội Mỹ. Ngay khi ông tiếp nhận soái hạm Nagato, ông đã đưa ra đường lối chỉ đạo mới cho hạm đội:
1. Ưu tiên thứ nhất là huấn luyện phi công.
2. Nếu chiến tranh xảy ra, phải dụ hạm đội Hoa kỳ tại quần đảo Hawaii vào một trận đánh quyết định càng sớm càng tốt.
Với tư cách Tư lệnh Hạm đội Nhật, Yamamoto kinh hoàng khám phá rằng mức độ chính xác của các phi công oanh tạc Nhật rất thấp kém. Người ta cho bốn phi đội oanh tạc cơ, mỗi phi đội gồm chín phi cơ, oanh tạc bom giả vào một chiến hạm đang di chuyển ngoài khơi. Các phi cơ chỉ cách xa mục tiêu khoảng 1 ngàn bộ. Kết quả là không một phi công nào ném bom trúng mục tiêu cả. Nhưng khi cho ba phi cơ nhào thấp để phóng thủy lôi thì một phi cơ ném trúng đích.
Các sĩ quan cao cấp hải quân Nhật định hủy bỏ việc oanh tạc từ trên cao độ, và chỉ phát triển các loại phi cơ phóng thủy lôi, nhưng Yamamoto không đồng ý. Ông cho rằng các phi công ném bom không trúng mục tiêu chỉ vì đã thiếu tập dượt và hơn nữa, phi công không cần phải chọn các mục tiêu di động. Kể từ đó các phi công Nhật phải tập dượt liên tục không ngừng. Yamamoto thân hành đứng trên cầu mẫu hạm quan sát việc thực tập của phi công. Lúc đó là hai năm rưỡi trước cuộc tấn công Trân châu cảng. Khi Nhật mở cuộc tấn công tại Trân châu cảng thì phi công Nhật đạt được mức oanh tạc chính xác cao nhất thế giới. Ðó là công đầu của tư lệnh Yamamoto.
Lối sống rất khắc khổ của tư lệnh Yamamoto đã làm toàn thể sĩ quan hải quân Nhật khâm phục. Công việc hàng ngày của Yamamoto chấm dứt vào lúc 5 giờ chiều; sau đó ông chơi một ván cờ giải trí. Sau bữa tối ông đi vào giường lúc 9 giờ, nhưng không ngủ ngay. Ông nằm đọc các tài liệu và hồ sơ cho tới quá nửa đêm. Ðúng 4 giờ sáng ông thức giấc và nằm trong giường đọc hồ sơ và báo cáo cho tới 6:30 sáng. Ông ngủ rất ít, một phần vì bệnh mất ngủ từ ngày ông được bộ nhiệm làm Tư lệnh Liên Hạm đội Nhật. Trong một bài diễn văn đọc trước học sinh trường cũ của ông, ông đã xác nhận: "Tôi không ngủ được nhiều kể từ khi tôi nhận chức Tư lệnh Liên Hạm đội, bởi vì Nhật Bản mạnh tiến hay sụp đổ là tùy thuộc nhiều vào cách tôi hành xử bổn phận của tôi."
Yamamoto nhận thấy nhiệm vụ lớn nhất của ông là phải làm sao cho hạm đội Nhật bản sẵn sàng khi tổ quốc đòi hỏi sự hy sinh của hải quân. Hải quân Nhật đã thao dượt tập luyên liên tục trong mọi hoàn cảnh thời tiết và địa lý. Các cuộc thao dượt này cũng là thực tập sẵn sàng cho cuộc tấn công Trân châu cảng. Một trong những khẩu hiệu tập luyện của hải quân là: "Với một tinh thần dẻo dai không biết mệt, chúng ta đang cố gắng đạt tới một mức độ siêu nhân về khả năng và hiệu năng chiến đấu hoàn toàn."
Yamamoto cũng không quên khía cạnh đời sống riêng tư của các sĩ quan trẻ. Ông thường nói với họ: "Tôi không uống rượu, nhưng đó là bản chất của tôi. Bản chất của các bạn có thể không thế. Nếu các bạn thích rượu thì các bạn cứ uống tự do, nhưng xin nhớ rằng đừng bao giờ bàn luận các vấn đề hải quân trong một bữa tiệc hoặc trong những tiệm ăn. Bạn cũng không bao giờ trở thành một vĩ nhân nếu bạn phổng mũi vì lời khen của một người đàn bà. Ðừng vội lập gia đình. Hãy sống độc thân cho tới tuổi ba mươi. Nhiệm vụ của các bạn có những đòi hỏi đặc biệt khiến cho việc lập gia đình sớm không có lợi. Năm ba mươi-lăm tuổi tôi mới lấy vợ và tôi không cho như thế là quá trễ."
Sau 6 tháng trong chức vụ và chương trình huấn luyện hải quân tiếp tục tốt đẹp, Yamamoto cảm thấy tin tưởng vào binh sĩ hải quân nhiều hơn. Hải quân dường như đang đi đúng con đường Yamamoto muốn, trái hẳn với chính trường bị lục quân chi phối đã đi ngược lại ước muốn của Yamamoto. Nhật Bản càng lúc càng sẵn sàng gia nhập khối Trục của Ðức và Ý. Việc ký kết Hiệp Ước Liên Kết giữa ba quốc gia vào tháng 9-1940 không có nhiều bó buộc cho Nhật Bản. Nhật Bản chỉ đồng ý tham chiến với Ðức và Ý khi nào Hoa Kỳ liên kết với Anh quốc đánh lại Ðức và Ý. Hitler muốn Nhật ngăn cản Hoa Kỳ không cho Hoa Kỳ can thiệp vào Âu Châu để cứu Anh quốc. Tuy nhiên nhiều nhân vật Nhật rất không đồng ý với lời cam kết có giới hạn này, trong đó có Nhật Hoàng và thủ tướng Konoye. Các đô đốc Yonai, Yamamoto và phần đông sĩ quan hải quân kịch liệt chống lại lời cam kết đó, nhưng lục quân đang nắm quyền và không thèm để ý tới sự phản đối của hải quân.
Người chống đối hiệp ước nặng ký nhất là Yamamoto thì lại ở xa ngoài khơi, nên cuối cùng hiệp ước đã được ký với sự phản đối yếu ớt của tân thứ trưởng hải quân thay thế Yamamoto. Khi còn là thủ tướng, Konoye lo sợ trước viễn ảnh chiến tranh có thể đưa Nhật Bản tới chỗ sụp đổ. Ông biết khi chiến tranh xảy ra với Hoa Kỳ thì thắng hay bại phần lớn do hải quân, nên ông cho mời Yamamoto vào tham khảo ý kiến. Konoye hỏi Yamamoto nếu chiến tranh bùng nổ giữa Nhật và Anh Mỹ thì Nhật Bản có bao nhiêu hy vọng chiến thắng.
Yamamoto trả lời thẳng thắn, "Tôi có thể tung hoành gây tàn phá cho hải quân Anh Mỹ trong một năm hoặc nhiều lắm là 18 tháng. Sau đó tôi không có một bảo đảm nào hết." Lời tuyên bố của Yamamoto trở thành một lời tiên tri rất đúng sau này. Hải quân Nhật làm mưa làm gió tại Thái Bình Dương trong suốt gần hai năm, chạy từ chiến thắng này tới chiến thắng khác mà Anh Mỹ không thể làm gì được, cho tới lúc Yamamoto tử trận. Thủ tướng Konoye là một người hiểu rõ tiềm năng chiến tranh của Anh và Mỹ nên công nhận lời tuyên bố bi quan của Yamamoto rất có lý. Nếu Nhật Bản phải tham dự một cuộc chiến lâu dài với Hoa kỳ thì các đô đốc Nhật trông thấy cuộc chiến cuối cùng chỉ đem lại thất bại cho Nhật Bản.
Sau khi thảm khảo ý kiến của Yamamoto, thủ tướng Konoye làm một cố gắng thân thiện với Hoa Kỳ. Tuy nhiên lúc đó đã quá trễ và hành động của Konoye chỉ gây căm phẫn cho lục quân. Tướng Ðông Ðiều, bộ trưởng chiến tranh, công kích thủ tướng Konoye có một chính sách ngoại giao mềm yếu. Khi tướng Ðông Ðiều làm thủ tướng, bộ trưởng hải quân Nhật không dám nói thẳng với Ðông Ðiều những điều Yamamoto đã dám nới với cựu thủ tướng Konoye, trái lại hải quân dường như để trôi theo con đường chiến tranh của lục quân.
Một đô đốc đã quy lỗi cho hải quân để mặc cho lục quân dẫn dắt vào vòng chiến khi ông viết:
"Trách nhiệm hàng đầu đưa Nhật Bản vào vòng chiến là tại hải quân. Chúng tôi không trách gì lục quân vừa ngu dốt vừa làm càn. Công luận và Nhật Hoàng đã không thể ngăn cản được cuộc lao đầu vào chiến tranh của họ -- nhưng hải quân có thể làm được điều đó. Chỉ mình hải quân đã có một thế chống lại Ðông Ðiều. Nếu hải quân đã làm như vậy thì Nhật Bản đã không tham chiến. Hải quân đã biết rõ tình thế mà vẫn cứ nhường nhịn phe lục quân thiển cận. Hải quân phải chịu trách nhiệm đã để chiến tranh xảy ra mà không ngăn lại."
Ðúng ra hải quân đã bị lục quân lôi vào chiến tranh vì các lãnh tụ hải quân tại Ðông Kinh không có dũng khí và tự tin như Yamamoto. Hải quân Nhật chưa sẵn sàng đi vào một cuộc chiến lâu dài. Vào tháng 1-1940, hải quân chỉ mới có 3,500 phi công. Một sĩ quan hải quân đề nghị huấn luyện thêm 15,000 phi công nữa cho hải quân, nhưng ý kiến này bị coi là điên rồ và bị bác bỏ. Ðề nghị của sĩ quan huấn luyện viên này không tới được bàn giấy của Yamamoto. Ðến năm 1941, hải quân đòi hỏi hàng năm phải đào tạo thêm 15,000 phi công nữa mới đủ cung ứng cho nhu cầu chiến trường, nhưng lời yêu cầu này đã quá trễ. Lúc ấy chiến tranh đã sắp xảy ra rồi, và không thể đào tạo một số đông phi công trong lúc đó. Ðây là một lỗi lầm sinh tử của Nhật Bản.
Vào mùa hè năm 1941, cuộc xung đột vũ trang giữa Nhật và Hoa Kỳ là điều không thể tránh khỏi được, thế mà phần lớn các nhà lãnh đạo hải quân Nhật vẫn không muốn lâm chiến, vì họ có những lý do để hoài nghi chiến thắng. Sức mạnh không lực của Anh Mỹ thực là khủng khiếp, mặc dầu Nhật bản có những phi đội Zero rất hữu hiệu. Người ta có thể so sánh một phi cơ Zero mạnh bằng hai tới năm lần phi cơ Anh Mỹ. Hầu hết các đô đốc đã về hưu rồi đều lên tiếng phản đối chiến tranh. Các đô đốc già này quả quyết rằng các chiến thắng của hải quân Nhật trong quá khứ, kể cả trận hải chiến Ðối Mã, không hoàn toàn tốt đẹp như sự mô tả của các sử gia.
Yamamoto đứng về quan điểm của các đô đốc già. Không ai biết rõ sức mạnh của hải quân cũng như tiềm năng quốc gia bằng Yamamoto. Yamamoto một lằn nữa lớn tiếng nhắc lại lời cảnh cáo của ông đã nói với cựu thủ tướng Konoye:
"Nếu cần thiết phải tham chiến, trong sáu tháng đầu cho tới một năm trong cuộc chiến với Hoa Kỳ, tôi sẽ chiến thắng rất ngoạn mục. Tôi sẽ đem về cho quý vị hàng loạt chiến thắng. Nhưng tôi cũng phải cảnh cáo quý vị rằng nếu chiến tranh kéo dài hai hoặc ba năm thì tôi không tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của chúng ta."
Tiếng nói của Yamamoto trở thành một tiếng kêu trong sa mạc, không ai thèm nghe theo. Một năm sau khi được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hạm đội Nhật, Yamamoto thường cân nhắc ý định từ chức. Ông tâm sự với một số bạn thân rằng ông muốn trở về quê cũ sống một cuộc đời lặng lẽ, trồng hoa câu cá tại con sông Shinano. Ông cũng đã chỉ định đô đốc Koga thay thế ông. Quả thực về sau đô đốc Koga cũng thay thế Yamamoto, nhưng trong một hoàn cảnh của một đại thảm kịch cho hải quân Nhật.
Thực ra Ðông Ðiều và lục quân cũng muốn Yamamoto về hưu để loại bỏ được một đối thủ nặng ký nhất. Nhưng vai trò của Yamamoto trong hải quân lên tới tuyệt đỉnh, và hải quân không bao giờ muốn mất một đô đốc vĩ đại nhất, kể từ thời của đô đốc Togo. Yamamoto không bao giờ mong muốn tổ quốc ông lao vào một cuộc chiến mà ông biết thế nào cũng bại trận, và ông cũng buồn rầu biết rằng chính ông sẽ là người Nhật duy nhất có thể đưa Nhật Bản đến chiến bại trong một ngày.
Trong tư cách là Tư lệnh hải quân, Yamamoto mài miệt thảo một kế hoạch mà ông nghĩ nếu thành công sẽ có thể cho Nhật Bản một cơ hội đứng vững. Dù ông rất ghét chiến tranh, nhưng ông biết rằng ông không thể từ chức được. Ông phải sửa soạn hạm đội Nhật sẵn sàng khi trường hợp khẩn cấp xảy tới. Con đường sinh tồn duy nhất của Nhật phải là đánh gục hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương càng mau lẹ càng tốt. Nếu hải quân Nhật có thể đánh cho hạm đội Mỹ một đòn chí tử thì sẽ có cơ hội thương thuyết hòa bình trước khi Nhật bị đánh qụy.
Một hôm ông đọc một bài diễn văn tại trường trung học Nagaoka. Trong bài diễn văn, vị đô đốc nổi tiếng nhất của Nhật Bản phát biểu lần cuối cùng quan điểm của ông về người Mỹ:
"Nhiều người nghĩ rằng người Mỹ yêu thích xa hoa và văn hóa của họ nông cạn và vô nghĩa. Thực là sai lầm khi cho rằng người Mỹ yếu đuối, chỉ biết yêu những sự xa hoa. Tôi có thể bảo cho các bạn biết rằng người Mỹ đầy tinh thần công bằng, tranh đua và mạo hiểm. Hơn nữa cách suy nghĩ của họ rất tiến bộ và khoa học. Chuyến bay một mình băng qua Ðại Tây Dương của Lindbergh là loại hành động hào hùng thông thường của họ. Ðó là một sự mạo hiểm tiêu biểu đặt căn bản trên khoa học của người Mỹ."
"Ðừng quên rằng kỹ nghệ của Mỹ phát triển hơn kỹ nghệ của Nhật Bản nhiều - và không như chúng ta, họ có đủ dầu hỏa họ cần dùng. Nhật Bản không thể thắng được Hoa Kỳ. Chính vì thế, Nhật Bản không nên gây chiến với Hoa Kỳ."
Bài diễn văn gây nên một luồng công kích mới. Phe lục quân vừa chiến thắng tại nước Trung Hoa bán khai lên tiếng chê Yamamoto là kẻ hèn nhát. Nhiều nhân vật quan trọng tức giận, coi lời tuyên bố của Yamamoto là vô trách nhiệm. Yamamoto cũng tức giận tuyên bố: "Tôi là một người Nhật. Tôi chỉ làm điều gì ích lợi cho tổ quốc tôi. Chính những kẻ đang đẩy Nhật Bản vào vòng chiến mới là những kẻ vô trách nhiệm."
Người Mỹ ngày càng mất dần tin tưởng vào thiện chí của người Nhật, và do đó đã có những sự phối trí mới về hạm đội Mỹ. Tháng 2-1941, hạm đội tại Trân châu cảng được đổi tên là Hạm đội Thái Bình Dương do đô đốc Kimmel chỉ huy. Một lực lượng hải quân nhỏ khác tại Viễn Ðông do đô đốc Hart chỉ huy được gọi là Hạm đội Hoa Kỳ Á Ðông. Ðầu năm 1941, mẫu hạm Yorktown từ Thái Bình Dương được chuyển qua Ðại Tây Dương, mặc dù lúc đó Mỹ chưa tham chiến tại Âu Châu, để đương đầu với một hạm đội nhỏ của Ðức. Tổng số lực lượng mẫu hạm của Hoa kỳ lúc đó gồm bốn mẫu hạm tại Ðại Tây Dương và ba mẫu hạm tại Thái Bình Dương, trong khi Nhật có tới mười mẫu hạm.
Tình hình thế giới năm 1941 rất là suy đồi và dễ dàng đưa tới đại chiến, vì cuộc tiến quân liên tục của Nhật tại Á Châu và của Ðức tại Âu Châu. Tháng 7-1941 Nhật tuyên bố chính phủ Vichy của Pháp đã đồng ý cho Nhật đồng bảo hộ Ðông Dương và quân Nhật tiến vào bán đảo này. Hành động của Nhật tiến vào Ðông Dương như là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, khiến Hoa Kỳ không thể nhân nhượng mãi và phải có thái độ. Hoa Kỳ phong tỏa các tài sản trương mục của Nhật tại Hoa Kỳ. Ðiều này có nghĩa là Nhật không thể mua dầu hỏa được nữa. Nếu không có dầu hỏa thì bộ máy chiến tranh của Nhật sẽ bị tê liệt.
Hoa Kỳ cùng với Anh và Hòa Lan áp dụng những biện pháp kinh tế trừng phạt Nhật Bản. Nhưng cuộc trừng phạt kinh tế này hơi trễ vì Nhật đã mua của Hoa Kỳ rất nhiều dụng cụ quốc phòng rồi và cũng đã mua dự trữ nhiều thép cần thiết cho việc chế tạo vũ khí. Tuy nhiên việc phong tỏa dầu hỏa là một đòn sinh tử cho Nhật, vì Nhật phải nhập cảng nhiên liệu ngoại quốc. Ðô đốc Yamamoto đòi kiểm kê số tồn trữ dầu hỏa và được biết Nhật lúc đó có 6 triệu 450 ngàn tấn dầu, đủ dùng Do đó việc cấm bán dầu cho Nhật đã là một tối hậu thư. Nhật Bản phải tuân theo ý muốn của Hoa Kỳ để có dầu hay phải khai chiến? Lục quân có một kế hoạch chiếm các mỏ dầu tại Nam Dương, nhưng Yamamoto lo ngại rằng trong lúc Nhật tung quân chiếm các mỏ dầu Nam Dương mà hạm đội Mỹ tại Trân châu cảng mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Nhật thì sao? Tham mưu trưởng hải quân Nhật, đô đốc Nagano, đề nghị tung hết lực lượng hải quân Nhật ra chiếm Nam Dương thật mau lẹ để hải quân Mỹ không kịp trở tay. Hải quân Nhật tin tưởng rằng trong rường hợp có chiến tranh, hạm đội Mỹ sẽ phải tiến tới phía tây Thái bình dương, và như thế hải quân Nhật có lợi điểm được nghênh địch ngay tại vùng biển quen thuộc gần nhà.cho 18 tháng. Dù Nhật hết sức tiết kiệm thì cũng chỉ đủ dùng trong ba năm.
Vào thời kỳ đó các tư lệnh hải quân Nhật chưa hề nghĩ tới việc đem hạm đội Nhật tới tận vùng biển Hawaii để tấn công hạm đội Mỹ. Ðô đốc Yamamoto luôn luôn lo lắng hạm đội Mỹ sẽ tấn công trong lúc phần lớn hạm đội Nhật bận đi đánh chiếm Nam Dương, và trong trường hợp ấy, ông không nghĩ ông có thể đương đầu với hạm đội của Mỹ được. Yamamoto muốn ra tay trước để ngăn chặn hiểm họa bị tấn công. Yamamoto muốn tấn công tiêu diệt hạm đội Mỹ ngay tại căn cứ Trân châu cảng, đặc biệt là phải diệt cho bằng được lực lượng mẫu hạm địch. Ðây là một ý tưởng thật táo bạo. Yamamoto nghĩ rằng nếu không hạ được hạm đội Mỹ tại Hawaii thì cán cân sức mạnh dần dần sẽ nghiêng về phía Hoa Kỳ. Yamamoto cũng học được bài học trong trận Trung Nhật chiến tranh đã kéo dài, dai dẳng bất phân thắng bại, và gây hao tổn quá nhiều cho Nhật Bản. Chắc chắn Nhật Bản không thể tham gia một cuộc chiến kéo dài như thế được nữa. Nhật Bản cần phải ra tay bất thần và tạo được một chiến thắng thật mau lẹ ngoạn mục, đánh một đòn chí tử khiến địch thủ không hy vọng quật khởi lại được.
Ðối với đa số các đô đốc Mỹ thì vị trí của căn cứ hải quân Trân châu cảng thực là bảo đảm, địch quân không thể tấn công được. Nhưng Yamamoto đang âm thầm tính toán một cuộc tấn công bất thần, làm tê liệt hải quân Mỹ tại Thái bình dương.
Kế hoạch tấn công căn cứ Trân châu cảng đã lóe sáng trong tâm trí Yamamoto, ít nhất hơn một năm rưỡi trước khi cuộc tấn công bắt đầu. Sau khi nắm chức Tư lệnh Liên Hạm đội, Yamamoto gia tăng các công cuộc thực tập không tập phóng thủy lôi. Cuộc không tập có kết quả đến nỗi Yamamoto nghĩ ngay đến việc dùng thủy lôi tấn công hạm đội Mỹ, nhưng một vài đô đốc khác cho rằng việc tấn công Trân châu cảng thực là liều lĩnh, khó thành công.
Nhưng sáu tháng sau đó, một biến cố xảy ra tại chiến trường Âu Châu giúp Yamamoto quả quyết hơn. Tháng 11 năm 1940, một phi đoàn gồm 21 oanh tạc cơ của Anh từ một mẫu hạm đã dùng thủy lôi tấn công hạm đội Ý tại căn cứ an toàn Taranto. Kết quả là ba chiến hạm Ý bị đánh chìm trong khi Anh chỉ mất có hai phi cơ. Yamamoto lập tức yêu cầu các tùy viên hải quân Nhật tại Âu Châu phải gửi ngay các báo cáo về vụ tấn công này cho ông ngay. Ông đã nghiên cứu thận trọng từng chi tiết của cuộc không tập Taranto.
Theo các báo cáo thì quân cảng Taranto rất cạn, chỉ sâu 44 bộ và chiều sâu đó là một trở ngại cho việc phóng thủy lôi, thế mà các phi công Anh đã chứng minh thủy lôi có thể hữu hiệu tại những vùng biển cạn. Yamamoto nghĩ nếu các phi công Anh thành công tại Taranto thì tại sao phi công Nhật lại không thể thành công dùng thủy lôi tại Trân châu cảng, một nơi mực sâu lên tới 45 bộ.
Chính người Mỹ cũng lo ngại cho Trân châu cảng qua bài học của Taranto, và bộ trưởng hải quân Mỹ đã cảnh giác giới chỉ huy tại Trân châu cảng phải đề phòng một cuộc tấn công bất ngờ của Nhật, bằng cách thiết lập những hàng rào cản thủy lôi, nhưng độ đốc Kimmel, tư lệnh Hạm đội Thái bình dương, phản đối việc thiết lập màng lưới cản thủy lôi, vì như thế sẽ làm chật hẹp đường thủy lưu vào căn cứ.
Ðúng lúc Kimmel từ chối thiết lập màng lưới chống thủy lôi thì đô đốc Yamamoto nói một cách tin tưởng vối dô đốc Fukudome rằng cuộc không tập bằng thủy lôi của phi công Nhật vào căn cứ Trân châu cảng chắc chắn sẽ thành công. Ðây là lần đầu tiên Yamamoto công khai nêu ý kiến tấn công Trân châu cảng. Yamamoto chọn đô đốc Onishi, một phi công giỏi nhất của hải quân, để bàn luận chi tiết cuộc tấn công. Chính Onishi sau này thành lập đội phi công Thần Phong danh tiếng trong một nỗ lực cuối cùng, mong cứu Nhật thoát khỏi cảnh bại trận. Yamamoto cho biết ý định muốn đánh một đòn chí tử bất ngờ, đánh gục hạm đội Mỹ tại Thái bình dương.
Ðây là một kế hoạch hết sức bí mật. Lúc đầu chỉ có ba người biết, Yamamoto, đô đốc Fukudome tham mưu của Yamamoto và đô đốc Onishi, người soạn thảo chi tiết cuộc tấn công. Onishi xin phép tham khảo ý kiến trung tá Genda, một phi công nhiều kinh nghiệm đã từng tham chiến tại Trung Hoa và làm tùy viên tại Luân Ðôn. Lúc đó Nhật Bản có 6 mẫu hạm, là Akagi, Kaga, Hiryu, Soryu, Shokaku và Zuikaku. Theo ý kiến của Genda thì tất cả 6 mẫu hạm này phải dùng vào cuộc tấn công. Genda cũng còn nêu ra hai điểm quan trọng: Phải thận trọng lựa chọn những tư lệnh và phi công giỏi nhất cho cuộc tấn công, và phải bảo mật kế hoạch đến tối đa.
Thoạt đầu Yamamoto dự định dùng các mẫu hạm chở phi cơ tới cách Hawaii trên 600 dậm thì dừng lại, từ đó các phi công sẽ cất cánh, oanh kích mục tiêu tại Trân châu cảng. Ðây là một phi vụ xa 1200 dậm, nếu tính cả đường về. Trên đường về, các phi công sẽ nhảy dù xuống biển và được tiềm thủy đỉnh hoặc diệt ngư lôi hạm vớt lên. Kế hoạch này của Yamamoto nhắm bảo vệ các mẫu hạm Nhật không bị các phi cơ Mỹ phản công một khi kế hoạch tấn công bị lộ. Các mẫu hạm Nhật sẽ được an toàn nếu ở xa căn cứ Mỹ trên 600 dậm. Yamamoto cũng muốn gây kinh hoàng cho người Mỹ bằng cách biểu dương sự can đảm của phi công Nhật, vì chỉ có phi công Nhật mới dám thi hành một sứ mạng nguy hiểm, nguy hiểm ngay cả trên đường về.
Dụng ý sâu xa của Yamamoto là cho người Mỹ thấy người Nhật sẽ là những kẻ thù dũng cảm đáng sợ nhất, không hề sờn lòng trước cái chết, để người Mỹ phải suy nghĩ trước khi khai chiến với Nhật. Có lẽ chỉ có dân tộc Nhật và Việt Nam mới có được những tướng lãnh can đảm, khi bại trận đã tự tử chứ không chịu cái nhục phải đầu hàng. Rồi khi Nhật sắp sửa bại trận, hàng loạt phi công trẻ, tranh nhau xin gia nhập đoàn phi công Thần Phong trong một hùng tâm đem cái chết của mình ngăn cản địch quân. Những phi công này tuổi xuân mới bừng nở nhưng đã biết coi cái chết nhẹ như một cánh hoa anh đào. Họ đã lái phi cơ chở đầy bom nhào xuống các chiến hạm Mỹ, và chết tan xác theo sau những tiếng nổ kinh hồn. Nhiều phi công đã làm những bài thơ hài cú trước khi lên chuyến bay cuối cùng:
Ước gì cho tôi rơi xuống
Như những bông anh đào mùa xuân
Thật trong sạch và rạng rỡ.
hoặc
Hôm nay còn là bông hoa
Ngày mai tan tác trong gió
Ðó là đời một bông hoa
Liệu hương thơm còn mãi mãi?
hoặc
Bây giờ nhiệm vụ hoàn thành
Tôi sẽ ngủ giấc triệu năm.
Người Nhật đã biết thua trận một cách hào hùng cao thượng. Những cái chết kinh hoàng của các tướng lãnh mổ bụng, các phi công Thần Phong tan xác trên chiến hạm Mỹ đã không vô ích. Cả thế giới và kẻ chiến thắng họ phải nghiêng mình khâm phục, và quân đội chiếm đóng Mỹ không dám coi thường dân Nhật bại trận. Ai có thể khinh thường một quốc gia có những con dân dũng cảm phi thường như thế?
Tuy nhiên đô đốc Onishi bác bỏ quan điểm của Yamamoto vì các phi công nhảy dù xuống biển rất dễ bị nguy hiểm, và hy vọng được các tiềm thủy đỉnh hoặc các tầu nhỏ khác vớt lên sẽ rất mong manh. Khi phải thi hành một cuộc tấn công quá nhiều nguy hiểm, nguy hiểm cả trong lúc tấn công địch và nguy hiểm cả trong lúc làm xong phận sự trở về căn cứ như thế, nhiều phi công có thể mất tinh thần và kết quả có thể không được mỹ mãn. Ngoài ra còn là một sự phí phạm một số lớn phi cơ và phi công Nhật nữa. Onishi chủ trương các mẫu hạm Nhật sẽ tới gần mục tiêu hơn, khoảng 200 dậm, và các phi công sẽ trở về mẫu hạm sau khi hoàn thành công tác.
Onishi cũng trình bầy những khó khăn của kế hoạch. Trước hết là khó khăn kỹ thuật: Trân châu cảng rất cạn nên thủy lôi sẽ trúng vào đáy tầu nếu được phóng theo đường lối thông thường; sau đó là khó khăn chiến thuật: cuộc tấn công có đủ yếu tố bất ngờ không, vì nếu không có yếu tố bất ngờ, kế hoạch này không thể thực hiện được. Sau khi nêu ra những khó khăn trên, Onishi phỏng đoán kế hoạch có 60% cơ may thành công. Trái lại đô đốc Fukudome bi quan hơn, ông cho rằng kế hoạch này chỉ có 40% thành công và chủ trương nên hủy bỏ kế hoạch.
Ðường tiến quân của hải quân Nhật cũng có nhiều khó khăn. Hải quân Nhật chỉ có thể chọn một trong ba lộ trình sau đây:
1. Ðường phía bắc. Ðây là hải lộ ngắn nhất cho các mẫu hạm Nhật, nhưng những cơn bão mùa đông tại Bắc Thái Bình Dương sẽ làm cho việc tiếp tế nhiên liệu cho các mẫu hạm khó khăn, nhất là những tầu hộ tống nhỏ cần phải được tiếp tế nhiên liệu tới hai lần trong chuyến đi.
2. Hải lộ xuyên giữa Thái Bình Dương đi qua ngang phía nam đảo Midway.
3. Hải lộ phía nam qua quần đảo Marshalls.
Hai hải lộ sau sẽ đưa các mẫu hạm qua những vùng biển lặng, ít bão tố và việc tiếp tế nhiên liệu sẽ dễ dàng hơn. Nhưng hai hải lộ này lại là nơi có nhiều thương thuyền đi qua và cũng là đường tuần thám của các phi cơ Mỹ từ các đảo Wake, Midway và Johnston Islands và do đó việc tiến quân bí mật của các hạm đội Nhật sẽ dễ bị bại lộ. Cuối cùng Yamamoto quyết định chọn hải lộ phía bắc Thái Bình Dương, chạy qua các quần đảo Aleutians và Midway. Tại những vùng biển băng giá đó sẽ không có các thương thuyền, và những diệt ngư lôi hạm sẽ đi trước dò đường, nếu thấy thương thuyền thì sẽ báo động cho các mẫu hạm chuyển hướng.
Mặc dầu cả hai đô đốc Onishi và Fukudome tỏ vẻ bi quan, nhưng các báo cáo của hai đô đốc này cho Yamamoto tin tưởng rằng việc dùng mẫu hạm tấn công Trân châu cảng là một việc có thể thực hiện được. Yamamoto vẫn chống đối chiến tranh, nhưng khi thấy chiến tranh không tránh được thì ông quyết tâm với kế hoạch tấn công Trân châu cảng hơn. Cuối tháng 7-1940, khi thảo luận với đô đốc Shimizu, tư lệnh hạm đội tiềm thủy đỉnh, Yamamoto đã nói: "Hiện tình thế giới mỗi lúc một đen tối và chiến tranh không tránh khỏi. Nếu chúng ta phải chiến đấu với cả Anh và Mỹ thì chúng ta sẽ thảm bại. Tôi muốn không đụng tới Anh quốc, và dùng Anh quốc làm người môi giới nhưng tôi biết Anh quốc không thể làm như thế được. Nếu chiến tranh xảy ra thì cơ hội duy nhất của chúng ta là phải triệt hạ hạm đội Mỹ tại Trân châu cảng và phái tiềm thủy đỉnh tới tận bờ biển phía tây của Hoa kỳ."
Ðể cuộc tấn công thành công, Yamamoto phải có tin tức chính xác về căn cứ Trân châu cảng và hoạt động của hạm đội Mỹ tại đây. Việc đầu tiên Yamamoto đòi hỏi là tùy viên hải quân tại Hoa thịnh đốn, và các văn phòng lãnh sự tại Honolulu phải gửi các báo cáo về những tin tức mà báo chí Mỹ viết về các hoạt động của hải quân Mỹ. Việc thứ hai là phái thiếu úy Yoshikawa, một sĩ quan tình báo trẻ, sang Hawaii để thu thập tin tức. Tháng 8-1941, Yoshikawa tới Honolulu với chức vụ giả là phó lãnh sự. Yoshikawa có nhiệm vụ thu thập tin tức về hoạt động của Hạm đội Thái Bình Dương. Yoshikawa thường đi tắm biển để tìm hiểu tính chất của bờ biển tại Hawaii và chiều cao của sóng biển, vị trí của các tầu chiến Mỹ. Yoshikawa còn cố tâm tìm xem căn cứ Trân châu cảng có màng lưới chống thủy lôi không. Yoshikawa còn được lệnh phân chia Trân châu cảng làm 5 khu vực, và phải báo cáo chi tiết từng khu vực một. Yoshikawa tránh không bao giờ chụp hình, mà chỉ quan sát và ghi nhớ thật kỹ.
Ðể tránh các báo cáo của Yoshikawa có thể bị nghi ngờ, Yamamoto ra lệnh cho tất cả các nhân viên lãnh sự tại các nơi khác, như Vancouver, Portland, San Diego, San Francicso, Manila và Panama cũng phải gửi những báo cáo tương tự. Vì thế khi Hoa Thịnh Ðốn khám phá được mật mã của hải quân Nhật và đọc được các báo cáo hàng ngày của Yoshikawa mà vẫn không hề nghĩ rằng Nhật sẽ tấn công Trân châu cảng. Ðó là kế hoạch che giấu của Yamamoto, và kế hoạch này đã thành công.
Nhưng ngay tại bộ tham mưu hải quân Nhật, không ai hưởng ứng kế hoạch tấn công Trân châu cảng của Yamamoto. Ðiều quan tâm nhất của bộ tham mưu là bao nhiêu mẫu hạm Nhật sẽ bị tổn thất trong trận tấn công, và tất cả các đô đốc khác của Nhật đều cho rằng kế hoạch của Yamamoto quá liều lĩnh nguy hiểm. Trong khi đó bộ tham mưu đã hoàn thành kế hoạch mở cuộc hành quân chiếm các mỏ dầu tại Ðông Nam Á. Tham mưu trưởng hải quân, đô đốc Nagano, không muốn gây chiến với Hoa Kỳ vì ông cũng từng sống tại Hoa kỳ và hiểu sức mạnh của Hoa Kỳ. Ông chủ trương mở chiến dịch chiếm đảo dầu hỏa Java, và nếu hạm đội Mỹ tiến vào hải phận Nhật để tấn công thì hải quân Nhật có lợi điểm được nghênh địch ngay tại chiến trường quen thuộc gần căn cứ nhà.
Yamamoto cũng kính trọng sức mạnh của Hoa Kỳ như Nagano, và cũng chính vì thế ông cần phải đánh gục hạm đội Mỹ ngay bằng cú đánh thần tốc đầu tiên. Nếu hạm đội Mỹ còn nguyên vẹn thì làm sao Nhật có thể khai thác được các chiến thắng tại Ðông Nam Á. Vấn đề của Yamamoto là phải huấn luyện các phi công cho thực thuần thục trong chiến dịch này. Tháng 9, Yamamoto chọn vịnh Kagoshima ở vùng cực nam của quần đảo Kyushu làm nơi thực tập, vì địa hình của vịnh Kagoshima khá giống địa hình của Trân châu cảng. Hàng trăm phi cơ nhào xuống từ núi Shiro, xuống thung lũng Iwasaki, rồi bay sát mặt nước và thả những trái thủy lôi. Các phi công còn phải tập hạ cánh và cất cánh trên mẫu hạm bốn lần một ngày. Ðiểm đặc biệt của cuộc huấn luyện là tập cho phi công quen với việc xuất quân và trở về phải bay sát mặt nước, để tránh không bị các phi cơ Mỹ tấn công. Mỗi phi công phải tập ít nhất là 50 phi xuất.
Trong lúc các phi công thực tập vất vả cho cuộc tấn công sắp tới thì bộ tham mưu hải quân vẫn còn nghi ngờ sự thành công của kế hoạch. Bộ tham mưu gửi cho Yamamoto 5 lý do dưới đây, phản đối kế hoạch của Yamamoto:
1. Sự thành công hoàn toàn tùy thuộc vào yếu tố bất ngờ. Ðây là một chiến dịch lớn xử dụng tới 60 chiến hạm. Các chiến hạm này phải lên đường một tháng trước cuộc tấn công và rất dễ bị khám phá. Các hệ thống tình báo của Anh, Mỹ và Nga có tầm hoạt động rất rộng rãi. Bộ tham mưu không tin kế hoạch này có thể bảo mật được.
2. Bộ tham mưu không đồng ý Mỹ sẽ tấn công thẳng vào Nhật ngay, nếu chiến tranh xảy ra. Bộ tham mưu ước tính Mỹ sẽ lập căn cứ tiền phong tại quần đảo Marshalls trước, rồi sẽ chiếm dần từng quần đảo tới gần Nhật Bản hơn. Như vậy cuộc tấn công vào Trân châu cảng không cần thiết đến nỗi phải thực hiện trong những điều kiện nguy hiểm. Nếu không mở cuộc tấn công này, Nhật Bản sẽ có thời giờ tập trung tất cả sức mạnh vào một trận đánh quyết định mà từ lâu hải quân vẫn được huấn luyện sẵn sàng. Ðiều khôn ngoan nhất là chỉ nên giao chiến tại những vùng biển quen thuộc.
3. Hầu hết các chiến hạm tham dự cuộc tấn công Hawaii đều phải tiếp tế nhiên liệu giữa đường, nhất là các diệt ngư lôi hạm phải tiếp tế tới hai lần. Theo thống kê thời tiết thì mỗi tháng chỉ có 7 ngàylà có biển lặng sóng êm tại bắc Thái Bình Dương để có thể tiếp tế nhiên liệu dễ dàng. Nếu việc tiếp tế nhiên liệu không thực hiện được, chiến dịch tấn công sẽ thất bại và như thế các chiến hạm trở thành vô dụng mà đáng lẽ được xử dụng hữu hiệu hơn trong các chiến dịch khác. Sự bế tắc này sẽ đưa tới bế tắc khác. Nếu việc tiếp tế nhiên liệu giữa biển gặp khó khăn thì phải dùng tới radio, và do đó sẽ không giấu được bí mật của cuộc hành quân bí mật nữa.
4. Theo tin tình báo của ta thì hàng ngày phi cơ Mỹ bay tuần thám xa Trân châu cảng tới 600 dậm. Ðiều này có nghĩa là lực lượng Nhật sẽ bị phi cơ Mỹ khám phá. Vì các mẫu hạm phải tiến tới cách mục tiêu 200 dặm, và do đó rất dễ trở thành mục tiêu cho các phi cơ Mỹ phản công. 5. Bất cứ một tin tức nào về kế hoạch tấn công này bị tiết lộ cũng sẽ làm tan vỡ cuộc thương thuyết giữa Mỹ và Nhật đang diễn ra tại Hoa Thịnh Ðốn.
Lúc đó Nhật đã mời đô đốc Nomura đang về hưu ra nhận chức đại sứ tại Mỹ với hy vọng thương thuyết hòa bình với Mỹ, vì Nomura đã từng là bạn của tổng thống Roosevelt khi Roosevelt là bộ trưởng hải quân. Nomura đang cố gắng dàn hòa với Mỹ về việc quân Nhật tiến vào Việt nam và vụ phong tỏa dầu hỏa của Mỹ. Ðô đốc Nagano luôn luôn xác quyết với Yamamoto rằng Nomura sẽ thành công trong sứ mạng giao phó, và không muốn kế hoạch của Yamamoto phá vỡ kế hoạch hòa bình với Mỹ của Nhật Bản.
Nhưng theo nhiều sĩ quan cao cấp khác thì Mỹ không có hảo ý gì với Nhật Bản. Mỹ cũng cảm thấy bất ổn nên cũng đang mở rộng các hoạt động hải quân. Nhưng vào lúc đó Mỹ không thể nào mở hai chiến dịch cùng một lúc được, một tại Ðại Tây Dương và một tại Thái Bình Dương. Trong lúc đó thì hải quân Nhật đã sửa soạn và đang ngứa ngáy muốn ra tay ngay, bất cứ khi nào tình thế đòi hỏi.
Như thế kế hoạch tấn công của Yamamoto vẫn chưa được sự đồng ý của hầu hết các đô đốc tư lệnh. Cuối tháng 10, khi nhận được 5 điểm phản đối của bộ tham mưu, Yamamoto rất bất bình. Yamamoto liền phái sĩ quan hành quân của mình là phó đề đốc Kuroshima đem lá thơ dưới đây đến bộ tham mưu hải quân tại Ðông Kinh:
"Sự hiện diện của hạm đội Mỹ tại Hawaii là một mũi dao găm cắm vào cổ họng chúng ta. Nếu Nhật chính thức tuyên chiến với Mỹ thì chiến dịch Ðông nam á sẽ rất dễ bị tấn công vào cạnh sườn."
"Chiến dịch Hawaii vô cùng cần thiết. Nếu không thực hiện cuộc tấn công này thì đô đốc Yamamoto không tin rằng ông sẽ có đủ tin tưởng có thể làm tròn nhiệm vụ giao phó. Các khó khăn dầy dẫy của chiến dịch này không có nghĩa là không thực hiện nổi. Ðiều kiện thời tiết làm chúng ta lo ngại nhất, nhưng ít nhất cũng có bẩy ngày trong một tháng chúng ta có thể tiếp tế nhiên liệu được thì cơ hội thành công cũng không phải là nhỏ. Nếu cơ may đến với chúng ta thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công."
"Nếu vì bất cứ lý do gì chiến dịch tấn công Hawaii mà thất bại, thì điều đó có nghĩa là cơ may không thuộc về chúng ta. Ðó cũng là lúc mà chúng ta chấm dứt vĩnh viễn mọi chiến dịch. Nếu chiến dịch này thất bại thì đó là thất trận hoàn toàn."
Mặc dầu các đô đốc khác bất bình câu nói cuối cùng trong lá thư của Yamamoto, nhưng lá thư này đã nâng cao lòng tin tưởng vào Yamamoto. Bộ tham mưu cảm thấy rằng nếu Yamamoto không hoàn toàn tin tưởng vào chiến thắng thì ông sẽ không bao giờ phiêu lưu mạo hiểm.
Yamamoto ra lệnh cho đề đốc Kuroshima không được quay về mà không đạt được sự chấp thuận của bộ tham mưu. Trong lúc bộ tham mưu đang lưỡng lự cân nhắc thì Kuroshima gọi điện thoại cho Yamamoto đang đi bách bộ trên soái hạm. Yamamoto căn dặn Kuroshima: "Hãy bảo cho họ biết tôi sẽ từ chức Tổng Tư lệnh Liên Hạm Ðội và sẽ thân hành chỉ huy các mẫu hạm và lực lượng xung kích trong cuộc tấn công vào Trân châu cảng."
Khi Kuroshima bước trở lại phòng họp và thông báo ý định mới của Yamamoto thì bộ tham mưu hoảng hốt nhưng vẫn không nhượng bộ. Sau một giờ bàn cãi nữa, Kuroshima bước sang phòng bên cạnh và báo tình hình cho Yamamoto. Kuroshima cho biết bộ tham mưu rất cứng rắn, nhất định dùng các mẫu hạm cho chiến dịch chiếm đảo dầu lửa Java. Cuộc điện đàm này rắt ngắn ngủi. Kuroshima mặt tái nhợt bước vào phòng họp và nói với các đô đốc trong phòng họp: "Tôi được lệnh của Tổng Tư lệnh Liên Hạm đội để thông báo cho qúy vị hay nếu quý vị không đồng ý với kế hoạch tấn công Hawaii của ông ta thì ông ta sẽ từ chức và giải ngũ trở về đời sống dân sự."
Ðó là một giây phút đầy xúc động và đó cũng là giây phút quyết liệt nhất. Yamamoto đã đem tất cả cuộc đời binh nghiệp của mình và tương lai hải quân Nhật lên bàn cân. Một đô đốc chảy nước mắt nói: "Trường hợp này phải trình lên đô đốc tham mưu trưởng ngay lập tức."
Kuroshima được đưa vào phòng phó đô đốc Ito, tham mưu phó hải quân. Khi Ito nghe được những gì xảy ra, ông liền bước vào phòng tham mưu trưởng của đô đốc Nagano mà không phê bình gì cả. Bên ngoài mọi người chờ đợi một cách căng thẳng và nghe thấy những tiếng xì xào to nhỏ bên trong. Một lát sau đô đốc Nagano bước ra khỏi phòng, một tay ôm lấy vai Kuroshima và nói, "Tôi rất hiểu các cảm nghĩ của Yamamoto. Nếu ông ta tin tưởng đến như vậy thì ông ta được phép thực hiện kế hoạch của ông ta. Tôi chấp thuận kế hoạch của Yamamoto."
Ðây chỉ là một sự đồng ý bất đắc dĩ, nhưng như thế là Yamamoto đã thắng. Kuroshima bay ngay về soái hạm với tin mừng: tham mưu trưởng hải quân đã bật đèn xanh cho Yamamoto. Hôm đó là ngày 3-11-1941. Chỉ còn lại 35 ngày nữa trước khi cuộc tấn công bắt đầu.
Yamamoto vội xúc tiến chuẩn bị cho cuộc tấn công vì ông không còn nhiều thì giờ nữa. Ông cho thiết lập ngay trên mẫu hạm Akagi một mô hình rất giống vị trí của Trân châu cảng và các khu vực phụ cận. Mô hình này có mục đích giúp cho các phi công quen thuộc địa hình để cuộc tấn công đạt được kết quả đến tối đa.
Tất cả các phi công tham dự chiến dịch Trân châu cảng được lệnh tập họp quanh mô hình này. Trung tá Genda, người phụ trách công cuộc huấn luyện cuối cùng, trình bầy cho các phi công mục đích của việc thực tập. Từ trước các phi công tham dự các cuộc thực tập không tập những mục tiêu cố định, rất thắc mắc không hiểu cuộc thực tập có mục đích gì. Nay trung tá Genda nói thẳng cho họ biết họ sẽ tham dự cuộc tấn công các chiến hạm của Mỹ tại Trân châu cảng, và mục tiêu của họ là những mẫu hạm và chiến hạm bỏ neo trong quân cảng. Ðứng về phương diện quân sự thì nhiều chiến hạm lớn của Mỹ tập trung trong một quân cảng nhỏ hẹp như Trân châu cảng là một mục tiêu rất hấp dẫn cho các phi cơ oanh tạc.
Genda trình bầy chi tiết các khu vực của đảo Oahu và Trân châu cảng. Khi Genda tiếp tục cuộc trình bầy một cách lạnh lùng thì nhiều phi công cũng cảm thấy một sự hồi hộp pha thêm chút e ngại trước chiến dịch quá táo bạo này. Genda cho biết nếu cuộc tấn công giữ được bí mật thì các phi cơ phóng thủy lôi sẽ đi tiên phong trong cuộc tấn công. Trái lại nếu kế hoạch bị bại lộ thì các oanh tạc cơ sẽ phải làm nhiệm vụ đầu tiên. Vừa phấn khởi vừa lo ngại, các phi công Nhật theo dõi các lời giải thích chỉ dẫn cặn kẽ của Genda cho họ trong lúc thi hành nhiệm vụ.
Ngày 5-11, Yamamoto ra nhật lệnh hành quân số 1. Ðây là một lệnh tối mật và bao gồm những nét chính của cuộc tấn công bất ngờ vào Trân châu cảng. Kể từ sau nhật lệnh số 1 thì việc tấn công Trân châu cảng không còn là một giấc mơ của Yamamoto nữa, mà đã là một thực tế, một cơ hội nhổ đi con dao găm đâm vào trái tim Nhật Bản. Dưới đây là nguyên văn nhật lệnh đầu tiên:
Sửa soạn khai chiến. Phải tiêu diệt hạm đội Mỹ tại phía đông.
Phải cắt các đường hoạt động và tiếp tế của Mỹ tới Á đông.
Phải ngăn chặn và tiêu diệt lực lượng địch.
Phải khai thác chiến thắng để hủy diệt ý chí chiến đấu của địch quân.
Yamamoto ra lệnh phải hoàn tất các chuẩn bị cuối cùng trước khi xuất quân vào ngày được gọi là ngày Y, và giờ khai chiến sẽ được công bố trong một Nhật Lệnh của Bộ Tư Lệnh Hoàng Gia. Hai ngày sau Yamamoto lại ra một nhật lệnh thứ hai nữa như sau: "Lực lượng xung kích phải giữ cực kỳ bí mật và sẽ điều động tập hợp tại vịnh Tankan ngày 22-11 để tiếp tế nhiên liệu."
Vịnh Tankan nằm trong quần đảo Kuriles ở về phía bắc Nhật Bản. Trong lúc Yamamoto thận trọng thi hành kế hoạch tấn công thì lục quân không quan tâm tới Trân châu cảng. Ðiều lục quân mong đợi nhất là phải mở các cuộc hành quân ở phương nam. Lục quân dự định cuộc hành quân miền nam sẽ khởi sự vào ngày 1-12. Ngay từ đầu tháng 11, Yamamoto đã về Ðông Kinh để gặp tướng Terauchi, người chỉ huy cuộc hành quân phía nam, nhằm tấn công Tân gia ba, Nam dương, Miến điện, và Phi luật tân. Yamamoto đề nghị với Terauchi sẽ mở cuộc tấn công Trân châu cảng vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng 12, để cho hạm đội Nhật Bản có thêm thời giờ sửa soạn. Terauchi và bộ tổng tư lệnh đồng ý. Như vậy cuộc chiến tại Thái Bình Dương được chính thức ấn định vào lúc 8:30 sáng ngày chủ nhật 7-12, giờ tại Hawaii.
Tại sao Yamamoto chọn ngày chủ nhật để tấn công? Ðó là kết quả của một tin từ Honolulu gửi về. Vài ngày trước khi Yamamoto quyết định ngày tấn công, Yamamoto phái trung tá hải quân Suzuki giả trang làm một người hầu bàn trên chiếc thương thuyền ghé Hawaii để gặp tổng lãnh sự Nhật Nagao Kita. Suzuki lén đưa cho Kita một loạt gồm tới 97 câu hỏi, trong đó có câu hỏi "Ngày nào phần lớn chiến hạm Mỹ sẽ tập trung tại Trân châu cảng?"
Khi câu hỏi này được chuyển cho Yoshikawa, thì Yoshikawa trả lời ngay không do dự là ngày chủ nhật. Khi bị hỏi vặn thêm tại sao lại là ngày chủ nhật, Yoshikawa cho biết ngay chủ nhật nào đô đốc Kimmel cũng đem cả hạm đội vào quân cảng.
Sau khi ấn định ngày tấn công rồi, Yamamoto bổ nhiệm phó đô đốc Chuichi Nagumo vào chức Tư lệnh Lực lượng Xung kích trực tiếp tấn công Trân châu cảng. Nagumo có một lực lương bao gồm 23 chiến hạm trong đó có 6 mẫu hạm: Akagi, Kaga, Soryu, Hiryu, Zuikaku và Shokaku. Ðể bảo vệ sáu mẫu hạm mới tân trang này là hai tuần dương hạm lớn Hiei và Kirishima, hai tuần dương hạm nhỏ Tone và Chikuma, một tuần dương hạm nhẹ và chín diệt ngư lôi hạm mới.
Trên sáu mẫu hạm sẽ có 423 phi cơ đủ loại. Ba mươi phi cơ dùng để tuần tiễu làm thành một cái dù lớn bảo vệ bên trên các mẫu hạm. Bốn chục phi cơ làm lực lượng trừ bị. Còn lại 353 phi cơ có nhiệm vụ tấn công quân cảng Trân châu cảng. Trong số các phi cơ có nhiệm vụ tấn công thì có 100 phi cơ loại Kates, trang bị đạn 16-phân để oanh kích ở mức cao, 40 phi cơ Kates khác dùng để phóng thủy lôi, 131 oanh tạc cơ và 79 chiến đấu cơ Zero. Các tuần dương hạm và chiến hạm khác cũng có một số phi cơ nổi để thám thính và để trợ giúp các phi đội chiến đấu.
Ngày 10-11, đô đốc Nagumo ra nhật lệnh đầu tiên trên chiếc soái hạm Akagi đang bỏ neo tại Biển Inland. Cũng ngày hôm ấy tân Tham mưu tưởng của Liên Hạm đội là đô đốc Ukagi, đã đọc một bài diễn văn quan trọng, trong đó ông kêu gọi lòng ái quốc của các phi công Nhật trong một nhiệm vụ thiêng liêng cho tổ quốc:
"Một hạm đội địch hùng hậu tập trung tại Trân châu cảng. Chúng ta phải diệt tan hạm đội này ngay khi cuộc chiến xảy ra. Nếu kế hoạch này thất bại ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc hành quân, thì hải quân của chúng ta sẽ chịu số phận thảm hại sẽ không bao giờ có thể đứng lên được nữa."
"Sự thành công của cuộc tấn công này vào Trân châu cảng sẽ chứng tỏ là một trận tương tự như trận Waterloo cho cuộc chiến sau đó. Vì lý do này, hải quân Hoàng gia sẽ tập hợp tất cả sức mạnh về chiến hạm và phi cơ để bảo đảm chiến thắng."
"Hiện nay các kỹ nghệ nặng của Hoa Kỳ đang chuyển sang chế tạo chiến hạm, phi cơ và các khí cụ chiến tranh khác. Phải mất nhiều tháng mới đủ cho sức mạnh nhân lực của Hoa Kỳ động viên được để đương đầu với chúng ta. Nếu chúng ta bảo đảm được sự siêu việt chiến lược ngay từ lúc khởi đầu, bằng cách tấn công và chiếm được những yếu điểm bằng một cú đánh bất ngờ trong lúc Hoa Kỳ chưa sẵn sàng, thì chúng ta làm cho các cuộc hành quân sau này thuận lợi cho chúng ta. Hoàng thiên sẽ chứng dám cho sự chính đáng của chúng ta trong cuộc chiến này."
Cuộc tấn công còn một tháng nữa, nhưng các chiến hạm tham dự cuộc tấn công đã bí mật hội quân tại hải cảng bí mật trong quần đảo Kuriles. Ðúng ra cuộc tấn công Trân châu cảng bắt đầu ngày 10-11 khi 27 tiềm thủy đỉnh lớn nhất của Nhật, những tiềm thủy đỉnh tối tân nhất thế giới hồi đó, lên đường vượt Thái Bình Dương. Cuộc tấn công của phi cơ Nhật sẽ tập trung tại Trân châu cảng, nhưng nhiệm vụ của đoàn tiềm thủy đỉnh có một chiến trường rộng lớn hơn nhiều. Tiềm thủy đỉnh sẽ phải bao vây cả đảo Oahu, ngăn chặn các cuộc tăng cường và tiếp liệu của Hoa Kỳ từ bờ biển phía tây.
Hải quân Nhật trông cậy rất nhiều vào các tiềm thủy đỉnh. Yamamoto tin rằng nếu cuộc tấn công bằng phi cơ của Nagumo thất bại thì các tiềm thủy đỉnh sẽ chu toàn cho cuộc hành quân được thành công. Các tiềm thủy đỉnh loại chữ "I" của Nhật rất lớn, dài tới 320 bộ và có tầm hoạt động xa 12,000 dặm và chạy nhanh 14 hải lý một giờ. Ðây chính là những tuần dương hạm dưới mặt nước. Các tiềm thủy đỉnh này có khả năng chạy từ Nhật sang tới bờ biển California và quay trở lại Nhật mà không cần phải tiếp tế nhiên liệu. Ðó là một khả năng tương đương với một tiềm thủy đỉnh nguyên tử ngày nay. Thủy thủ đoàn trên các tiềm thủy đỉnh này được coi là tài giỏi nhất.
Một số tiềm thủy đỉnh loại chữ "I" chở theo phi cơ nhỏ, và có nhiệm vụ thông báo cho các mẫu hạm của Nagumo biết những chiến hạm địch nào đã thoát cuộc tấn công của Nhật. Việc bao vây Hawaii đối với đoàn tiềm thủy định thiện chiến này tương đối không khó khăn gì. Các cuộc tấn công của tiềm thủy đỉnh có thể kéo dài trong một thời gian và có thể gây nhiều tổn thất cho địch nhiều hơn là các cuộc oanh kích của không quân.
Các toán tiềm thủy đỉnh bắt đầu rời các căn cứ Kure và Yokosuka một tuần lễ trước khi các mẫu hạm của Nagumo bắt đầu lên đường. Các mẫu hạm của Nagumo sẽ đi theo hải lộ phía bắc, trong khi các tiềm thủy đỉnh dùng hải lộ phía nam. Cả hai lực lượng này hoàn toàn không liên lạc vô tuyến với nhau, vì sợ bại lộ. Trong suốt bốn ngày, các tiềm thủy đỉnh từ giã căn cứ từng nhóm ba chiếc. Năm tiềm thủy đỉnh loại "I" đi sau cùng và mang theo vũ khí bí mật nhất cho cuộc tấn công Trân châu cảng: đó là các tiểu tiềm thủy đỉnh có tên là Target-A.
Các tiểu tiềm thủy đỉnh Target-A là một vũ khí được nghiên cứu lâu dài. Thoạt đầu đại tá Yokou, người tham dự cuộc chiến Nga-Nhật, nghiên cứu lần đầu trong những năm cuối của thập niên 1920. Ðây là một thứ tiểu tiềm thủy đỉnh tự sát, chỉ có một người điều khiển. Khi lâm trận, các tiểu tiềm thủy đỉnh Target-A sẽ được phóng ra từ tiềm thủy đỉnh mẹ. Mỗi tiểu tiềm thủy đỉnh Target-A sẽ mang theo một trái thủy lôi. Khi tấn công chiến hạm địch, sĩ quan sẽ điều khiển cho tiểu tiềm thủy đỉnh phóng đâm thẳng vào chiến hạm địch. Dĩ nhiên khi thủy lôi nổ, phá tan chiến hạm địch thì người sĩ quan điều khiển tiểu tiềm thủy đỉnh cũng chết tan xác cùng với tiểu tiềm thủy đỉnh.
Ðầu năm 1933, tiểu tiềm thủy đỉnh Target-A được bộ tham mưu hải quân chú ý, nhưng tham mưu trưởng lúc đó chỉ đồng ý thực hiện loại tiềm thủy đỉnh này nếu không sát hại sĩ quan điều khiển tiềm thủy đỉnh, do đó kế hoạch không được tiếp tục. Mãi ba năm sau, người ta mới sáng chế ra được một tiểu tiềm thủy đỉnh mà sĩ quan điều khiển có thể phóng được thủy lôi và trốn thoát khỏi tiềm thủy đỉnh. Khi Yamamoto bắt đầu kế hoạch tấn công Trân châu cảng thì tiểu tiềm thủy đỉnh này đã được hoàn thiện hơn, nhưng Yamamoto phản đối xử dụng các tiểu tiềm thủy đỉnh tại Trân châu cảng vì sợ các tiểu tiềm thủy đỉnh không thể quay trở về với tiềm thủy đỉnh mẹ được. Nhưng hai sĩ quan hải quân cố gắng cải thiện các tiểu tiềm thủy đỉnh có được tầm hoạt động xa 175 dặm và có thể lặn năm mươi phút và có tốc lực 20 hải lý. Như vậy tiểu tiềm thủy đỉnh có nhiều cơ hội được tiềm thủy đỉnh mẹ cứu thoát, và do đó được Yamamoto cho phép tham dự chiến dịch tại Trân châu cảng.
Mặc dầu Yamamoto rất quan tâm tới sự an toàn của các sĩ quan điều khiển tiểu tiềm thủy đỉnh, nhưng tất cả 10 trung úy tình nguyện lái 10 chiếc Target-A đều biết sẽ không trở về an toàn. Họ quyết định đánh đắm các mẫu hạm Mỹ, dù phải phóng tiềm thủy đỉnh đâm vào thành tầu của mẫu hạm và chết tan xác khi thủy lôi nổ. Quyết tâm của họ cũng giống như tinh thần của các phi công Thần Phong sau này.
Theo kế hoạch thì các tiểu tiềm thủy đỉnh này sẽ xâm nhập vào Trân châu cảng, nằm im dưới đáy biển suốt ngày trong khi các phi cơ Nhật mở cuộc tấn công. Các tiểu tiềm thủy đỉnh sẽ mở cuộc tấn công bất ngờ vào lúc chiều tối, trong lúc người Mỹ tưởng họ được an toàn. Sau cuộc tấn công, các tiểu tiềm thủy đỉnh sẽ trốn thoát ra khơi nhờ đêm tối. Nhưng tất cả 10 trung úy chỉ huy cho biết họ không có cơ hội trở về an toàn thì tại sao lại bắt họ phải chờ đợi đến đêm tối. Họ muốn được tấn công cùng lúc với các phi cơ. Cuối cùng đô đốc Shimizu, tư lệnh hạm đội tiềm thủy đỉnh, cho phép họ mở cuộc tấn công tùy theo điều kiện chiến trường và sự phán đoán của họ.
Chiều tối ngày 18-11, năm tiềm thủy đỉnh I-16, I-18, I-20, I-22 và I-24 mang theo 10 tiểu tiềm thủy đỉnh Target-A rời căn cứ tại đảo Kure lên đường tiến vào Thái Bình Dương, dưới quyền chỉ huy của đại tá Hanku Sasaki. Sau khi đoàn tiềm thủy đỉnh lên đường rồi, các chiến hạm cũng bắt đầu âm thầm rời biển Inland. Tất cả các mẫu hạm đã lên đường tới điểm tập trung tại vịnh Tankan, nhưng Yamamoto vẫn không biết tại Trân châu cảng có màng lưới chống thủy lôi hay không. Yoshikawa vẫn không thể trả lời rõ ràng nghi vấn này của Yamamoto.
Ðể đánh lạc hướng không cho tình báo Mỹ biết được mục tiêu của mình, Yamamoto ra l?nh cho các chiến hạm Nhật tại biển Inland phải gia tăng mức độ liên lạc bằng radio, và các bản tin bằng radio chỉ nhắc tới các mục tiêu tại chiến trường Trung Hoa, và các mục tiêu của chiến dịch tấn công Ðông nam á. Kế hoạch đánh lạc hướng này của Yamamoto đã thành công. Không những thế, Yamamoto còn ra lệnh cho các thủy thủ còn lại ở Nhật Bản hàng ngày phải kéo nhau đi thăm phong cảnh tại Ðông Kinh. Các quan sát viên ngoại quốc thấy Ðông Kinh đầy nghẹt các thủy thủ và nghĩ rằng hạm đội Nhật vẫn còn bỏ neo tại Nhật và phân nửa thủy thủ được nghỉ phép.
Tình báo Mỹ nhận được rất nhiều các tín hiệu radio từ các chiến hạm Nhật, nhưng các tín hiệu từ các mẫu hạm Nhật hoàn toàn im bặt. Các đô đốc Mỹ ngạc nhiên về sự kiện này, nhưng phỏng đoán các mẫu hạm Nhật vẫn còn tại các căn cứ hải quân Nhật. Nhưng trong lúc các đô đốc Mỹ tin tưởng như thế thì các mẫu hạm của đô đốc Nagumo đang mở hết tốc lực tiến về phía bắc. Nagumo cũng nghiêm cấm các mẫu hạm không được dùng radio. Các mẫu hạm được các khu trục hạm bảo vệ tối đa. Ðến ngày 22-11 thì tất cả các mẫu hạm Nhật đã tới vịnh Tankan trong quần đảo Kuriles. Quần đảo Kuriles gồm có 16 hòn đảo nhỏ nằm tại một vùng hẻo lánh rất ít dân cư. Chính tại đây, Lực lượng Xung kích tấn công Trân châu cảng dừng lại, làm những sửa soạn cuối cùng trước khi tung ra cuộc tấn công bất ngờ.
Khoảng cuối tháng 11, cả Mỹ và Nhật đều biết rằng cuộc thương thuyết giữa hai bên đã thất bại vì không bên nào chịu nhượng bộ. Tuy thế hai bên vẫn tiếp tục cuộc thuơng thuyết để phe quân sự có đủ thời giờ chuẩn bị cho cuộc xung đột. Hoa Thịnh Ðốn tin rằng Nhật sẽ tấn công Phi luật tân, Mã lai á hoặc Borneo. Nhưng người Mỹ không hề nghĩ người Nhật sẽ tấn công Trân châu cảng vì những chuẩn bị rầm rộ của lục quân Nhật về hướng nam. Các chiến lược gia Mỹ cũng nghĩ như bộ tham mưu Nhật rằng khi Nhật tấn công Ðông nam á thì tất cả các mẫu hạm Nhật sẽ phải tham chiến tại đó.
Ngày 24-11 khi các chiến hạm của Nagumo đang được tiếp tế nhiên liệu tại vịnh Tankan thì đô đốc Kimmel, tư lệnh Hạm đội Thái bình dương được thông báo rằng kết quả của cuộc thương thuyết Nhật-Mỹ sẽ không thành công, và lực lương Nhật sẽ bất thình lình tấn công Phi luật tân hoặc đảo Guam.
Ngày hôm sau, 25-11, đô đốc Yamamoto ra nhật lệnh cho lực lượng xung kích:
1. Lực lượng xung kích phải giữ mọi hoạt động cực kỳ bí mật và sẽ rời vịnh Tankan ngày 26-11 và tiến tới một vị trí chờ đợi chiều ngày 3-12 và ngay lúc đó phải mau lẹ tiếp tế nhiên liệu.
2. Lực lượng xung kích phải giữ mọi hoạt động cực kỳ bí mật và phải thận trọng coi chừng tiềm thủy đỉnh và phi cơ địch và phải tiến vào hải phận Hawaii. Khi cuộc chiến xảy ra, phải tấn công hạm đội Mỹ tại Hawaii và phải đánh cho Mỹ một đòn chí tử. Loạt tấn công đầu tiên của phi cơ sẽ khởi sự vào lúc bình minh ngày X - một ngày chính xác sẽ thông báo sau.
3. Sau khi hoàn thành cuộc không tập, lực lượng xung kích sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau và đề phòng cuộc phản công của địch quân, sẽ mau lẹ rời bỏ vùng biển địch và trở về Nhật Bản.
4. Nếu cuộc thương thuyết với Hoa Kỳ tỏ ra thành công, lực lượng xung kích sẽ phải sẵn sàng để rút lui và tập hợp lại.
Ngày 26-11, đô đốc Kimmel nhận được một điện tín của bộ hải quân Mỹ như sau: "Ðiện tín này phải được coi như một sự báo động có chiến tranh." Vào lúc 6 giờ sáng ngày 26-11, khi các mẫu hạm của đô đốc Nagumo rời khỏi vịnh Tankan đầy sương mù thì cuộc tấn công vẫn chưa được quyết định dứt khoát. Quyết định khai chiến còn tùy thuộc cuộc hội thảo giữa nội các và các tư lệnh quân đội. Ngay thủ tướng Ðông Ðiều cũng chưa biết lực lượng xung kích của Nagumo đang chờ đợi để tấn công Hawaii. Hải quân không muốn tiết lộ kế hoạch hành quân cho Ðông Ðiều vì Ðông Ðiều thuộc lục quân. Ngay khi ngoại trưởng Togo hỏi khi nào chiến tranh bắt đầu và muốn khai chiến một cách chính thức theo đường lối thông thường, nghĩa là báo trước cho Hoa Kỳ biết, thì đô đốc Nagano, tham mưu trưởng hải quân, trả lời, "Chúng tôi sẽ mở một cuộc tấn công bất ngờ." Ðô đốc Ito, phụ tá của Nagano nói thêm: "Chúng tôi không muốn chấm dứt cuộc thương thuyết cho đến khi cuộc tấn công bắt đầu để có được hiệu quả tối đa của cuộc tấn công đầu tiên." Ngoại trưởng Togo tức giận đến nỗi đứng dậy bỏ phòng họp ra về.
Tuy đô đốc Nagano đồng ý kế hoạch tấn công của Yamamoto, nhưng quyết định của ông không phải là quyết định cuối cùng. Theo luật lệ Nhật Bản thì chỉ có Nhật Hoàng mới có quyền khai chiến. Vì thế Nagano và tướng Sugiyama vào Hoàng Cung trình bầy vấn đề với Nhật Hoàng. Thoạt đầu Nhật Hoàng Hirohito không chấp nhận ra huấn lệnh khai chiến và muốn mở cuộc họp với các chính khách già. Nhưng lúc đó quá trễ, lực lượng của Nagumo đã rời vịnh Tankan được ba ngày rồi, khi các chính khách tập họp vào lúc 9:30. Nhật Hoàng yêu cầu các chính khách cho biết quan điểm. Phần lớn các chính khách muốn hòa bình và khuyên Nhật Hoàng nên hòa hoãn. Chỉ có hai viên tướng cho biết con đường chiến tranh là con đường duy nhất. Ngay em út của Nhật Hoàng là một sĩ quan hải quân cũng chống lại chiến tranh với Hoa Kỳ.
Ngày 1-12, cuộc hội họp trong Hoàng Cung đi đến quyết định khai chiến với Anh quốc, Hoa kỳ và Hoà lan. Trong cuộc họp này, đô đốc Ito muốn làm vừa lòng ngoại trưởng Togo và đồng ý cho Togo thông báo khai chiến với Mỹ vào lúc 12:30 theo giờ Hoa Thịnh Ðốn, và cuộc tấn công Trân châu cảng sẽ xảy ra vào lúc 2 giờ chiều, cũng giờ Hoa thịnh đốn. Như vậy Hoa Kỳ biết trước được cuộc khai chiến trước một giờ rưỡi. Nhưng cuối cùng các đô đốc khác cho rằng thông báo trước như vậy rất nguy hiểm. Cuối cùng tất cả đồng ý chỉ thông báo trước cho Hoa Kỳ một nửa giờ mà thôi.
Sau đó Nhật Hoàng ký lệnh khai chiến. Thực ra đây là một việc trái ý muốn của Nhật Hoàng, nhưng Nhật Bản không còn con đường nào khác hơn, không thể chấp nhận điều kiện của Hoa Kỳ bắt Nhật phải rút khỏi Trung Hoa và hợp tác với chính phủ của Tưởng Giới Thạch được. Sau khi ký lệnh khai chiến, Nhật Hoàng gửi một thông điệp cho Yamamoto như sau:
"Sau khi ra lệnh khai chiến, ta giao phó trọng trách chỉ huy Hạm đội Hỗn hợp cho đô đốc. Trách nhiệm của Hạm đội Hỗn hợp thật là nặng nề, và thành công hay thất bại của Hạm đội sẽ thay đổi số phận của quốc gia. Ðô đốc đã thành công huấn luyện hạm đội trong nhiều năm qua, và đô đốc phải quyết tâm hoàn thành sự trông đợi của ta bằng cách bành trướng sức mạnh và quyền uy của Hạm đội khắp thế giới và tiêu diệt kẻ thù."
Yamamoto trả lời Nhật Hoàng: "Thần vô cùng xúc động được lệnh Khai chiến của Hoàng Gia khi cuộc chiến bắt đầu. Thần sẽ kính cẩn thi hành mệnh lệnh cao cả của đức Hoàng Thượng. Binh sĩ của Hạm đội Hỗn hợp đã tuyên thệ hết sức tận tụy với nhiệm vụ và sẽ hoàn thành mục đích của thông điệp này. Tất cả đều quyết tâm chấp nhận trách nhiệm và thực hiện mệnh lệnh của đức Hoàng Thượng."
Tuy vậy lệnh tấn công Trân châu cảng vẫn được giữ tuyệt đối bí mật. Chỉ một số nhỏ sĩ quan soạn thảo kế hoạch mới biết được những gì sẽ xảy ra. Mãi tới lúc Yamamoto ra lệnh cho Lực lượng Xung kích tiến vào vùng biển Hawaii thì các binh sĩ khác mới biết. Phản ứng của binh sĩ Nhật thoạt đầu là kinh ngạc, và sau đó là hứng khởi. Kuramoto, một thủy thủ, viết trong nhật ký, "Tấn công Trân châu cảng - một giấc mơ đã thành sự thực! Ðồng bào tại quê nhà sẽ nghĩ gì khi họ biết được tin này? Họ có sung sướng khích động không? Tôi đã trông thấy trước họ sẽ vỗ tay reo mừng. Chúng ta sẽ dạy những tên Anglo-Saxon khốn kiếp một bài học!"
Các đại sứ Nhật tại Hoa Thịnh Ðốn Kurusu và đô đốc Nomura vẫn tiếp tục cuộc thương thuyết, và không hề hay biết gì về Hạm đội Nhật đã ra khơi và sắp khai chiến với Hoa Kỳ. Họ được lệnh từ Ðông Kinh phải tiếp tục cuộc thương thuyết, mặc dù sẽ không đi tới một thỏa hiệp nào. Họ có nhiệm vụ không để Hoa Kỳ nghi ngờ về những sửa soạn chiến tranh của Nhật. Sau khi được lệnh này thì hai đại sứ Nhật biết rằng sẽ có chuyện xảy ra ngay, nhưng họ không thể đoán được cuộc chiến sẽ xảy ra tại đâu và bao giờ. Họ biết rằng họ được chính phủ Nhật xử dụng như một nghi trang, một thứ mồi để lừa đối phương. Nhưng vẫn có một người không nghi ngờ chút nào. Người đó là đô đốc Kimmel, mặc dù Hạm đội Nhật đã lên đường vài ngày rồi. Phương tiện duy nhất để kiểm soát hạm đội Nhật là các phi đội thám thính, nhưng Kimmel vẫn không mở rộng phạm vi hoạt động của các phi công tuần thám.
Trong khi đó sinh hoạt tại Hawaii vẫn là sinh hoạt của thời bình. Ngày 28-11, đô đốc Halsey ghé Hawaii và hội đàm lâu dài với Kimmel trước khi Halsey lên đường đi Guam. Các chiến hạm của Halsey cũng có nhiệm vụ thám thính tìm các chiến hạm địch. Halsey hỏi Kimmel nếu các chiến hạm của ông đụng phải Hạm đội Nhật thì ông sẽ hành động như thế nào. Kimmel khuyên Halsey nên dùng phán đoán của một cấp chỉ huy tại chỗ. Nhưng con đường đi Guam của Halsey thì không thể nào gặp Hạm đội Nhật được. Ðó cũng là điều may cho Halsey. Ngày thứ sáu 5-12, đô đốc Newton chỉ huy Lực lượng Xung kích Thứ Hai, gồm có mẫu hạm Lexington, ba tuần dương hạm và năm diệt ngư lôi hạn, cũng ghé lại Hawaii trên đường đi quần đảo Midway.
Cũng trong tuần lễ đó, đô đốc Hart gửi cho Kimmel và các tư lệnh hải quân khác một bản tin về các dấu hiệu "Gió" do đài phát thanh Ðông Kinh đang dùng. Theo các chuyên viên về mật mã thì khi người Nhật dùng mật hiệu "Mưa Ðông Phong" thì có nghĩa là chiến tranh với Hoa Kỳ, Anh và Hòa Lan. Mật hiệu "Gió Bắc Âm U" thì có nghĩa là sự rạn nứt giữa Nga và Nhật. Các chuyên viên phát thanh tại Hawaii theo dõi 24 giờ một ngày để chờ nghe các mật hiệu này. Ðại tá Safford, chuyên viên mật mã của hải quân Mỹ, đã bắt được mật hiệu "Mưa Ðông Phong" một lần. Ðại tá Safford tin rằng chiến tranh sẽ xảy ra, nhưng người ta không có một sự cảnh giác nào tại Hawaii. Trân châu cảng vẫn chưa sẵn sàng, và các chiến hạm vẫn nằm trong quân cảng, chưa ra khơi để ngăn chặn lực lượng địch.
Các chuyên viên về radio tại Trân châu cảng vẫn ngày đêm theo dõi các làn sóng radio của Nhật để tìm kiếm vị trí của các mẫu hạm Nhật. Nhưng họ không thể nào xác định được vị trí của các mẫu hạm Nhật, vì Yamamoto ra lệnh cấm ngặt dùng radio trên các mẫu hạm. Ðồng thời Yamamoto ra lệnh tung ra những tín hiệu giả, khiến cho người Mỹ không nghi ngờ gì cả. Kế hoạch lừa địch của Yamamoto đã thành công.
Ngày 1-12, khi nội các phê chuẩn quyết định khai chiến của thủ tướng Ðông Ðiều thì đô đốc Nagumo đã dẫn lực lượng xung kích tiến vào hải phận Hawaii được năm ngày rồi. Ngày hôm sau, tiếp theo Huấn Lệnh Khai Chiến bất đắc dĩ của Nhật Hoàng, bộ Tổng Tư Lệnh Hoàng gia ra một mật lệnh cho biết trận đánh đầu tiên mở màn cuộc chiến sẽ bắt đầu ngày 7-12 tại Hawaii.
Trên soái hạm Nagato trong biển Inland, Yamamoto cho phát thanh mật hiệu lịch sử: "Nagata Yama Nobore", có nghĩa là "Trèo Ngọn Núi Nagata". Ðây là tên ngọn núi cao tại Ðài Loan đang thuộc quyền cai trị của Nhật Bản. Khi nhận được mật hiệu này, các chiến hạm của Nagumo đã tới điểm hẹn và chiến tranh sắp xảy ra. Trong khi đó tình báo Mỹ vẫn tin tưởng sức mạnh hải quân của Nhật vẫn còn bỏ neo tại các quân cảng Nhật Bản. Một bản tin tình báo tóm tắt cho biết Nhật Bản đang chuẩn bị một cuộc hành quân rất lớn, nhưng không tin Hawaii sẽ là mục tiêu, và nhấn mạnh mục tiêu sẽ là Phi luật tân hoặc đảo Guam.
Người Mỹ đặt tin tưởng vào những tín hiệu giả của hải quân Nhật, nhất là các phi đội tuần thám của Mỹ không hề bắt gặp bất cứ một phi cơ hoặc một chiến hạm nào của Nhật tại đường tiến quân về phía bắc Thái Bình Dương. Không những thế, các khu trục hạm của Nhật đi tiên phong sẽ đánh chìm bất cứ một tàu chiến hoặc một thương thuyền nào bị bắt gặp.
Phó lãnh sự Nhật tại Hawaii vẫn chăm chỉ cung cấp những bản tin vào giờ chót về mẫu hạm Lexington của Mỹ. Tình báo Mỹ bắt được một số tín hiệu từ Honolulu của một người mang tên là Mori, gửi cho một người nào đó tại Nhật Bản, báo cáo về những chuyến bay hàng ngày của phi cơ Mỹ, đặc biệt là những phi cơ lớn xuất phát từ Honolulu, số lượng chiến hạm trong quân cảng và quân trú phòng Mỹ có dùng những đèn pha chiếu rọi không. Tuy nhiên trong những bản tin này, các danh từ quân sự được thay thế bằng tên các loài hoa. Nhân viên tình báo Mỹ cho rằng đây là những tin tức về một cuộc tấn công của hải quân Nhật, nhưng không cho là quá khẩn cấp. Tình báo Mỹ cũng tìm ra manh mối tới một gia đình họ Mori tại Hawaii. Gia đình này cũng đang bị FBI điều tra và họ phủ nhận không hề có liên lạc với Nhật Bản. Thực ra Mori có thể là tên phó lãnh sự Morimura viết ngắn lại.
Cho tới ngày thứ sáu, hai ngày trước cuộc tấn công, tòa lãnh sự tại Honolulu đã đánh điện thẳng về Ðông Kinh một tín hiệu: "Các chiến hạm không có màng lưới chống thủy lôi. Không có dấu hiệu đề cao cảnh giác tại hải phận." Ðến đây thì phó lãnh sự Morimura không cần phải dè dặt nữa, một phần vì cuộc chiến sắp xảy ra rồi, và một phần vì bị thúc bách phải nói rõ chi tiết.
Những tin tức như thế phải được coi là sinh tử, nhưng hầu như các tư lệnh Mỹ đều bị các tín hiệu từ biển Inland ru ngủ và tin tưởng vào một cuộc hành quân quy mô của Nhật vào Ðông nam á. Người Mỹ tin rằng đây sẽ là một cuộc hành quân rất lớn và quan trọng của Nhật Bản, nhưng tin rằng cuộc hành quân này cách xa hàng ngàn dậm tại Ðông nam á, và không một ai nghi ngờ hải quân Nhật dám táo báo tới tận Hawaii tấn công hạm đội Mỹ.
Trong lúc giới quân sự tại Trân châu cảng sống trong trạng thái bình thản thì các mẫu hạm của đô đốc Nagumo vẫn tiến song song hàng sáu, nhắm hướng Hawaii. Các chiến hạm lớn Kirishima và Hiei cũng chạy song song với các mẫu hạm, và tất cả được hai tuần dương hạm lớn Tone và Chikuma hộ tống hai bên, cách khoảng vài dặm. Khi hạm đội Nhật tới gần Hawaii thì biển động và gây rất nhiều khó khăn. Những cờ tín hiệu bị gió mạnh phá rách bươm. Nhiều thủy thủ bị gió và sóng cuốn xuống biển, nhưng hạm đội không thể nào dừng lại để tìm vớt những thủy thủ không may này. Tất cả phải tiến tới điểm hẹn đúng thời hạn. Rồi sương mù buông xuống bao trùm tất cả vùng biển, nhưng các mẫu hạm vẫn không giảm tốc độ. Trong tình trạng ấy, các sĩ quan chỉ huy rất lo sợ các mẫu hạm và chiến hạm có thể đụng nhau, vì họ không thể trông thấy gì xa quá vài chục thước. Nhưng sương mù cũng có lợi điểm là bảo vệ cho hạm đội không bị phi cơ thám thính Mỹ khám phá. Trong khi đó, bên dưới khoang tàu, các phi công cố ôn lại các đồ hình về địa thế Trân châu cảng và đảo Oahu. Các phi công này thông thuộc đường lối tại Hawaii hơn chính người dân bản xứ. Tòa lãnh sự Nhật tại Honolulu báo cáo hàng giờ về tình hình tại Trân châu cảng. Các sĩ quan Nhật chuyên về thông tin luôn luôn theo dõi các đài phát thanh tại Hawaii xem cuộc hành quân có bị bại lộ không.
Càng gần tới Hawaii, các mẫu hạm bắt đầu nhận được các tín hiệu của các phi cơ thám thính Mỹ. Các chuyên viên về tín hiệu của Nhật Bản đã biết được con số phi cơ tuần tiễu của Mỹ từng lúc một. Nhưng những phi cơ thám thính Mỹ chỉ bay tại phía tây nam đảo Oahu, trong khi lực lượng Nhật tiến tới từ phía bắc, do đó phi cơ Mỹ không thể khám phá được hạm đội Nhật đang tiến tới. Ðô đốc Nagumo không dám cho phi cơ thám thính của Nhật bay lên. Trong khi các mẫu hạm của Nagumo tiến tới cuộc tấn công lịch sử này thì các tiềm thủy đỉnh Nhật đã bố trí tại phía nam Hawaii từ trước. Chính vì thế lực lượng tiềm thủy đỉnh của Nhật được gọi là Lực Lượng Tiền Phương.
Ðô đốc Nagumo và các đô đốc thuộc bộ tư lệnh hải quân Nhật vẫn hoài nghi về sự thành công của kế hoạch Yamamoto tấn công Trân châu cảng bất ngờ. Họ vẫn tin rằng các phi công của Nagumo chỉ có hy vọng thành công năm mươi phần trăm. Chính vì thế bộ tư lệnh hải quân Nhật cho rằng việc tấn công của các tiềm thủy đỉnh cùng một lúc với các phi cơ cũng rất cần thiết. Khi tới gần Hawaii, các tiềm thủy đỉnh trồi lên mặt nước về ban đêm. Ban ngày các tiềm thủy đỉnh lại lặn xuống nước và dùng kính tiềm vọng để quan sát. Khi năm tiềm thủy đỉnh cuối cùng đem theo mười tiểu tiềm thủy đỉnh Target-A tới nơi thì lệnh cuối cùng của họ là:
1. Phải canh chừng mọi hoạt động của hạm đội Mỹ quanh Trân châu cảng.
 2. Phải thả các tiểu tiềm thủy đỉnh xuống và quan sát kết quả.
3. Nếu gặp chiến hạm Mỹ phải tấn công ngay.
4. Phải cứu vớt các tiềm thủy đỉnh và các phi công Nhật bị bắn rơi.
Ngay tối thứ sáu, các tiềm thủy đỉnh đã chiếm các vị trí thám thính quanh Trân châu cảng. Vị trí gần nhất là tám dặm và vị trí xa nhất là 100 dặm cách Trân châu cảng. Ba tiềm thủy đỉnh làm thành một hàng trước các mẫu hạm của Nagumo một trăm dặm. Nếu thấy bóng dáng phi cơ hoặc chiến hạm Mỹ, các tiềm thủy đỉnh phải lặn ngay, và khi đã an toàn để trồi lên thì họ phải báo tin về cho Nagumo biết ngay.
Trong cuộc hành quân tấn công Trân châu cảng, lực lượng Nhật may mắn không gặp một trở ngại nào. Ngay cả thời tiết cuối cùng cũng trở nên thuận lợi. Một điều bận tâm duy nhất của các tư lệnh Nhật Bản là không biết các mẫu hạm Mỹ có mặt tại Trân châu cảng hay không. Người Nhật tin rằng ít nhất có bốn mẫu hạm Mỹ tại Trân châu cảng là những chiếc Yorktown, Hornet, Lexington và Enterprise. Thực ra hai chiếc Yorktown và Hornet đã được chuyển sang Ðại Tây Dương, còn hai chiếc Lexington và Enterprise thì rời Trân châu cảng khi hạm đội của Nagumo tới nơi. Ðó là sự không may cho hải quân Nhật, vì mục đích chính của Yamamoto là tiêu diệt cho bằng được các mẫu hạm Mỹ.
Tuy nhiên tại Trân châu cảng vẫn còn những mục tiêu khá hấp dẫn cho các oanh tạc cơ của Nagumo. Tại Trân châu cảng lúc đó có Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ gồm có 8 chiến hạm, 2 tuần dương hạm lớn, 6 tuần dương hạm nhẹ, 29 khu trục hạm, 5 tiềm thủy đỉnh, 1 thuyền máy, 8 khu trục giải mìn, 1 tàu thả mìn, 4 khu trục hạm vớt mìn, 6 tàu vớt mìn và 24 tàu đủ loại khác.
Ngày Yamamoto gửi tín hiệu "Trèo Núi Nagata" thì biển Hawaii bình lặng trở lại và hạm đội của Nagumo dùng cả ngày để tiếp tế nhiên liệu. Khi tất cả mọi chiến hạm được tiếp tế nhiên liệu xong, các mẫu hạm gia tăng tốc lực lên 26 hải lý một giờ, và lướt trên một vùng biển bình lặng tới Trân châu cảng. Nhưng cũng đúng lúc đó, mẫu hạm Mỹ Enterprise cũng rời đảo Wake để trở về Trân châu cảng.
Ngày thứ bảy, một ngày trước cuộc tấn công, là một ngày gay cấn nhất cho đô đốc Nagumo. Trên sàn các mẫu hạm, các phi cơ đậu sát cánh nhau, và các nhân viên bảo trì tận lực kiểm soát các phi cơ để bảo đảm mọi sự được tốt đẹp. Sáng sớm hôm đó, bộ Tổng tư lệnh Hoàng gia tại Ðông Kinh loan báo những tin tức cuối cùng từ Trân châu cảng cho các mẫu hạm của Nagumo. Tin cuối cùng khá chính xác. Thiếu úy Yoshikawa đã làm nhiệm vụ do thám Trân châu cảng cho tới phút cuối cùng. Bản tin cuối cùng xác nhận có 7 chiến hạm và 7 tuần dương hạm Mỹ trong quân cảng, nhưng không có một mẫu hạm nào. Các phi công Nhật lập tức thay đổi chi tiết tấn công cho phù hợp với bản tin cuối. Tuy thế họ vẫn hy vọng trong 24 giờ nữa có thể có mẫu hạm Mỹ vào bến. Tối thứ bảy, Nagumo nhận được bản tin nữa của bộ Tổng tư lệnh Hoàng gia cho biết Trân châu cảng có 8 chiến hạm và 15 tuần dương hạm địch.
Ðêm thứ bảy, những tiềm thủy đỉnh Nhật nằm ở những vị trí gần nhất đã có thể trông thấy các đèn nê-ông sáng trưng trên bãi biển Waikiki, và nghe thấy các đài phát thanh tại Hawaii chơi các điệu nhạc khiêu vũ. Một pháo thủ trên chiếc I-24 đã từng đến Hawaii trước kia, đứng trên boong chỉ trỏ cho đại tá Sasaki biết những lối đi vào Trân châu cảng. Tối hôm đó tất cả 27 tiềm thủy đỉnh Nhật đã bao vây Trân châu cảng. Trung tá Ono phụ trách tình báo cho Nagumo thu thập các báo cáo cuối cùng thì vẫn không thấy có mẫu hạm nào của địch, trừ chiếc Enterprise rời Trân châu cảng tuần trước, và hy vọng sẽ trở về khi cuộc tấn công bắt đầu.
Cũng trong đêm đó, Hoa Thịnh Ðốn nhận được một bản tin đặc biệt. Ðó là bản trả lời của người Nhật cho người Mỹ. Tổng thống Roosevelt tha thiết kêu gọi Nhật Hoàng cố gắng giữ hòa bình cho thế giới. Lời kêu gọi này của Roosevelt không được người Nhật đáp ứng lại. Ðêm đó Nagumo nhận được tin của Bộ Tư lệnh Hoàng Gia bày tỏ lòng tin tưởng cuộc tấn công sẽ chiến thắng, nhưng Nagumo thì lại không tin như vậy. Chỉ có một điều được chính thức xác nhận là đô đốc Kimmel đem tất cả hạm đội Thái Bình dương vào trong quân cảng như thường lệ, ngoại trừ các mẫu hạm. Không may cho Nagumo là bản tin này không cho biết chiếc mẫu hạm lớn của Mỹ là Lexington đang ở gần vùng chiến trường. Ngay sáng sớm ngày thứ bảy, chiếc Lexington chỉ cách bờ biển Oahu về phía tây có 200 dặm.
Nagumo triệu tập các sĩ quan vào phòng hành quân và cho họ biết tình hình chiến trường như sau:
1. Sức mạnh của địch trong khu vực Hawaii gồm có 9 chiến hạm, 2 mẫu hạm, khoảng 10 tuần dương hạm nặng và nhẹ. Các mẫu hạm và tuần dương hạm hạng nặng có lẽ ở ngoài khơi, nhưng các chiến hạm khác đều ở trong quân cảng.
2. Không có dấu hiệu địch quân cảnh giác đề phòng, nhưng không phải vì thế mà chểnh mảng việc an ninh.
3. Trừ phi có những biến chuyển bất ngờ, cuộc tấn công của Nhật sẽ nhắm vào Trân châu cảng.
Ngay sau đó, thiếu tá Shibuya, sĩ quan tham mưu về cuộc hành quân tiềm thủy đỉnh, giải thích cho các sĩ quan trên soái hạm Akagi về kế hoạch hành quân của tiềm thủy đỉnh. Shibuya ra lệnh cho các tiềm thủy đỉnh loại chữ I phải đưa các tiểu tiềm thủy đỉnh Target-A vào trong quân cảng nhờ đêm tối. Shibuya còn nhấn mạnh rằng dù cơ hội tấn công thuận lợi thế nào mặc lòng, các tiềm thủy đỉnh sẽ không được phép tấn công trước các phi cơ. Chính lệnh này đã cứu chiếc mẫu hạm Lexington của Mỹ. Chiếc tiềm thủy đỉnh I-74 của Nhật bắt gặp mẫu hạm Lexington, nhưng đã tuân lệnh cấp trên nên không tấn công ngay. Suốt đêm thứ bảy, chiếc tiềm thủy đỉnh I-74 của Nhật chỉ hết sức theo dõi chiếc mẫu hạm Lexington để chờ tấn công, sau khi phi cơ Nhật đã bắt đầu cuộc tấn công. Nhưng đến sáng sớm ngày hôm sau, đúng lúc Nagumo ra lệnh cho các phi công xuất quân thì chiếc I-74 lạc mất chiếc mẫu hạm Lexington vì đêm tối.
Ðêm thứ bảy là một đêm dài cho đô đốc Nagumo. Ông ngồi chăm chú nhìn những bản tin cuối cùng để quyết định tấn công hay lui quân. Bây giờ ông là người cô đơn tại chiến trường, phải dùng sự phán đoán riêng của mình để quyết định. Yamamoto hoặc bộ tư lệnh tại Ðông Kinh không thể giúp gì cho ông được nữa. Khi không thấy có mẫu hạm Mỹ, ông có quyền lui quân, nhưng một số lớn chiến hạm Mỹ tại Trân châu cảng cũng là miếng mồi ngon, một cái giá đáng mở cuộc tấn công. Cuối cùng ông quyết định thi hành cuộc tấn công, với hy vọng mong manh các mẫu hạm Mỹ sẽ xuất hiện vào lúc các phi công của ông đang oanh tạc Trân châu cảng.
Vào khoảng 9 giờ tối thứ bảy thì hạm đội của Nagumo chỉ còn cách Hawaii 400 dặm thôi. Nagumo triệu tập tất cả binh sĩ lên boong mẫu hạm. Hàng ngàn sĩ quan và binh sĩ đứng nghiêm để nghe đọc huấn lệnh của Yamamoto: "Sự hưng vong của đế quốc Nhật tùy thuộc vào trận đánh này. Mọi người phải tận tụy gắng sức chu toàn sứ mạng." Toàn thể binh sĩ trên boong mẫu hạm Akagi đều òa khóc và reo hò khi một lá cờ trận vĩ đại được kéo lên và bay tung trên soái hạm Akagi. Chiếc cờ cũ đó chính là lá cờ của đô đốc Togo treo trên soái hạm Mikasa của Togo 26 năm trước, khi ông chiến thắng hạm đội Nga tại Ðối Mã. Ý kiến kéo lá cờ này lên trước khi ra quân là của một cựu thiếu úy hải quân đã từng chiến đấu bên cạnh đô đốc Togo, và bị cụt mất hai ngón tay trong trận hải chiến Ðối Mã. Người thiếu úy ấy bây giờ là đại đô đốc Yamamoto.
Các tư lệnh đọc những bài diễn văn ái quốc và người ta nghe thấy những tiếng tung hô "Banzai" nghẹn ngào trong nước mắt cảm động. Tất cả đều tin tưởng rằng cuộc tấn công sắp tới là giây phút lịch sử quan trọng cho lịch sử hải quân Nhật hơn là cuộc chiến của Togo tại eo biển Ðối Mã trước kia. Rồi soái hạm Akagi ra lệnh tất cả chiến hạm và mẫu hạm phải mở hết tốc lực tiến về phía nam. Trong lúc các thủy thủ reo hò, và các mẫu hạm mở hết tốc lực tới 27 hải lý một giờ thì các phi công xuống phòng hành quân để nghe thuyết trình lần cuối cùng. Mỗi phi công mang theo một tấm hình của Trân châu cảng có đánh dấu vị trí mới nhất của các chiến hạm Mỹ.
Sáng sớm ngày chủ nhật, Nagumo nhận được một bản tin ngắn cuối cùng của bộ Tư lệnh Hoàng Gia: "Không có mẫu hạm, nhắc lại, không có mẫu hạm tại Trân châu cảng." Lúc đó là một bầu trời tối thui, mây đen bao phủ khi các mẫu hạm chạy đua tới điểm xuất phát cuộc tấn công, 270 dặm cách bờ biển Hawaii. Cuồng phong dấy lên và sóng biển dữ dội đập vào thành tàu. Mọi người tưởng rằng hạm đội sẽ gặp điềm không may, vì trong tình trạng thời tiết như thế rất khó cho phi cơ cất cánh. Lúc đó hạm đội vẫn còn phải chạy 5 giờ nữa mới tới điểm xuất quân, trong khi các tiềm thủy đỉnh mẹ đã lặn xuống để phóng các tiểu tiềm thủy đỉnh Traget-A ra. Các tiểu tiềm thủy đỉnh tìm cách lẻn vào Trân châu cảng để chờ dịp tấn công địch. Các tiểu tiềm thủy đỉnh vẫn có cơ hội trở lại tiềm thủy đỉnh mẹ, nhưng tất cả các sĩ quan điều khiển tiểu tiềm thủy đỉnh biết rằng họ sẽ không bao giờ có dịp nhìn lại tổ quốc và gặp lại gia đình một lần nữa. Một sĩ quan cẩn thận để lại các vật tùy thân, tiền bạc và một lá thư tuyệt mạng gửi về cho cha mẹ. Các sửa soạn thận trọng của viên sĩ quan này không phải là vô ích, vì người ta không bao giờ gặp lại anh ta nữa.
Cửa dẫn vào Trân châu cảng rất hẹp và có màng lưới chống tiềm thủy đỉnh. Các tiểu tiềm thủy đỉnh phải nằm nấp bên ngoài, chờ khi nào cổng mở cho chiến hạm Mỹ ra vào thì sẽ lẻn vào. Ðúng 3:45, chiếc tàu vớt mìn Antares của Mỹ đang chờ đợi bên ngoài cửa vào Trân châu cảng thì trông thấy tiềm vọng kính của một tiểu tiềm thủy đỉnh Nhật nhô lên cách khoảng 140 thước. Có lẽ chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh này đi theo chiếc Antares về hướng Trân châu cảng. Ngay gần lúc bình minh, chiếc tàu vớt mìn Condor cũng trông thấy một tiềm vọng kính của một tiểu tiềm thủy đỉnh khác. Vì biết rằng các tiềm thủy đỉnh Mỹ không hoạt động ngầm dưới nước trong khu vực này, các thủy thủ của chiếc Condor vội báo ngay cho khu trục hạm Ward đang đi tuần ngay ngoài cửa lối vào Trân châu cảng. Ngay lập tức phi cơ tuần thám Mỹ và chiếc khu trục hạm Ward mở cuộc tấn công ngay tại chỗ các tiềm thủy đỉnh Nhật bị khám phá. Ðây chính là những phát khai hỏa đầu tiên của cuộc chiến tại Thái Bình Dương.
Mặc dù khu trục hạm báo cáo về bộ chỉ huy về việc xuất hiện của tiềm thủy đỉnh Nhật, nhưng không ai quan tâm. Người ta chỉ bàn tán về sự việc này cho tới phi cơ Nhật nhào xuống tấn công. Cổng vào quân cảng được mở ra vào lúc 4:58 để cho chiếc tàu vớt mìn của Mỹ vào. Cửa cứ tiếp tục để ngỏ như vậy cho mãi tới 8:40. Ngay buổi sáng lịch sử đó, cổng vào quân cảng bỏ ngỏ tới gần 4 tiếng đồng hồ. Hải quân Nhật tin chắc rằng ít nhất ba tiểu tiềm thủy đỉnh Nhật đã vào được bên trong quân cảng một cách an toàn.
Khoảng 5 giờ sáng trong bầu trời tối đen như mực, trong khi các mẫu hạm tiếp tục nhào mình vào những đợt sóng lớn của một biển động để tiến tới điểm xuất quân, thì hai chiếc tuần dương hạm hạng nặng Chijuma và Tone mỗi chiếc phóng ra một phi cơ nổi để dò thám Trân châu cảng. Khi hai chiếc phi cơ nổi trôi đi thì trên các mẫu hạm, các phi cơ đã sẵn sàng vào hàng để cất cánh. Lúc đó sóng biển cao đến nỗi tràn qua cả boong mẫu hạm, khiến các phi công và nhân viên bảo trì phải ôm chặt cánh máy bay để khỏi bị cuốn trôi xuống biển.
Một giờ sau đó, biển tối xầm lại và những làn sóng biển lớn dường như mỗi lúc một hung dữ hơn. Trong hoàn cảnh ấy phải mất nhiều thì giờ hơn phi cơ mới cất cánh được. Mặc dù không nhận được tin tức của phi cơ thám thính, Nagumo vẫn quyết định phải tung phi cơ lên ngay, nếu không yếu tố bất ngờ sẽ không còn nữa. Bằng quyết định này, Nagumo đã đạt được yếu tố bất ngờ hơn trước.
Thay vì phải cho chính phủ Nhật 30 phút để tuyên chiến với Hoa Kỳ mà bộ Tư lệnh hải quân đã đồng ý. Nhưng quyết định mở cuộc tấn công ngay của Nagumo đã không có thì giờ cách biệt giữa lệnh tuyên chiến của chính phủ Nhật và cuộc tấn công nữa.
Nagumo triệu tập trung tá Fuchida vào phòng thuyết trình của soái hạm Akagi. Fuchida là một phi công nhiều kinh nghiệm, với 25 năm thâm niên trong hải quân, sẽ hướng dẫn cuộc tấn công. Khi Fuchida trình diện Nagumo và đại tá Hasegawa chỉ huy soái hạm Akagi, thì tất cả phi công trên các mẫu hạm tiến vào phòng hành quân để nghe lệnh cuối cùng. Trên một tấm bảng đen, vị trí của các chiến hạm Mỹ trong quân cảng được vẽ rõ ràng theo đúng tin tình báo cuối cùng nhận được vài giờ trước đó, từ những tiềm thủy đỉnh thám thính và các điệp viên tại Honolulu. Khi không còn tin tức nào nữa, và không còn gì để nói nữa, đô đốc Nagumo bắt tay trung tá Fuchida và nói, "Hãy cất cánh theo đúng kế hoạch."
Khi Fuchida bước lên chiếc oanh tạc cơ sơn màu vàng và đỏ cùng với áo giáp mặc bên trong, một sĩ quan bảo trì cao cấp trao cho Fuchida một mảnh vải trắng để quấn ngang đầu, một biểu tượng sẵn sàng chết cho tổ quốc. Trong lúc Fuchida buộc chặt chiếc nón sắt của phi công thì các mẫu hạm chạy vòng theo hướng gió bắc và lá cờ lệnh của Nagumo phất phới song song với lá cờ cũ của đô đốc Togo trên đỉnh cột cờ của soái hạm Akagi. Một ngọn đèn màu xanh nhạt làm thành một vòng tròn nhỏ trong bóng đêm, đánh đấu chiếc phi cơ đầu tiên sửa soạn cất cánh. Khi chiếc phi cơ đầu tiên bốc lên vào bầu trời đen thẫm, tất cả thủy thủ trên mẫu hạm nức lòng xúc động và cất tiếng reo hò vang dội, át cả những âm thanh cuồng nộ của biển động.
Các phi cơ dường như cũng nức lòng vì nhiệm vụ cao cả, cũng gào thét nối đuôi nhau chờ đến lượt tung cánh bay. Trông thấy cảnh tượng hào hùng phấn khởi đó, đô đốc Nagumo đứng trên cầu soái hạm quan sát cuộc xuất quân cũng không còn cảm thấy e ngại như trước nữa. Mặc dù đêm tối và biển động, trong vòng 15 phút, tất cả 183 chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và phi cơ phóng thủy lôi đã cất cánh hết từ sáu mẫu hạm. Các phi cơ bay vòng quanh các mẫu hạm, rồi bắt đầu nhắm hướng Trân châu cảng phóng tới. Lúc đó là 6:15 sáng ngày chủ nhật 7-12-1941.
Vì biển động phong ba bão táp dữ dội trong lúc các phi cơ Nhật phải cất cánh rời mẫu hạm, nên đô đốc Nagumo nghĩ rằng ít nhất cũng phải có một số phi cơ lâm nạn, nhưng tất cả các phi cơ đều cất cánh rất tốt đẹp hơn sự mong đợi của Nagumo. Sự thành công khởi đầu này chứng tỏ kế hoạch huấn luyện của Yamamoto có kết quả tốt và các phi công Nhật đạt được kỹ thuật bay rất cao. Các tư lệnh Nhật ước tính rằng đợt phi cơ tấn công đầu tiên của Nhật sẽ tới bờ biển Hawaii trong khoảng hơn một giờ bay. Toán phi cơ do trung tá Fuchida chỉ huy lập tức bốc lên độ cao 10,000 bộ, bên trên những lớp mây dầy đặc. Trong lúc các phi cơ tiếp tục chuyến bay sinh tử này thì mây tan dần và mặt trời xuất hiện, báo trước một bình minh hồng.
Mối lo ngại của Nagumo về mẫu hạm Mỹ suýt nữa gây tai hại cho sứ mạng của ông. Nagumo phái hai phi cơ thám thính bay về phía Hawaii để dò xét một lần nữa. Trong khi đó tại một địa điểm kiểm soát không phận tại Opana, hai binh nhì Joseph Locard và George Elliot phải trực từ 4 tới 7 giờ sáng. Khoảng 6:45 sáng, hai người trông thấy một phi cơ lạ bay về hướng đảo Oahu. Ðó chính là một trong hai chiếc phi cơ thám thính từ các tuần dương hạm Chikuma và Tone, đang bay một chuyến bay thám thính nguy hiểm cuối cùng để tìm xem có mẫu hạm Mỹ hay không.
Thoạt đầu binh nhì Locard cho rằng đây là một phi cơ bị trục trặc, nhưng quan sát kỹ, anh ta thấy đó là một phi cơ rất bình thường. Khoảng 7.02, máy radar của Mỹ khám phá nhiều phi cơ đang bay về hướng đảo Oahu, cách xa khoảng 130 dặm về hướng bắc. Hai binh nhì này hoảng sợ và sau một hồi bàn cãi, cả hai báo cáo về trung tâm kiểm soát không phận những khám phá của họ. Lúc đó viên sĩ quan trực duy nhất tại trung tâm là trung úy Kermit A. Tyler. Tyler là một sĩ quan không quân được gửi tới trung tâm radar để huấn luyện và quan sát. Khi Locard gọi điện thoại cho Tyler, Tyler cho rằng Locard hoảng hốt quá đáng và khuyên Locard nên quên sự hoảng hốt đi. Tyler cho rằng những phi cơ đó đúng là những phi cơ tuần thám của phi trường Hickam, hoặc có thể là một đoàn phi cơ B-17 từ lục địa bay ra.
Toán phi cơ mà trung úy Tyler đoán là các phi cơ B-17 đó chính là toán phi cơ tấn công của trung tá Fuchida. Ðây là những phi cơ tấn công đầu tiên của Nhật. Fuchida bay dẫn đầu đoàn phi cơ gồm 49 oanh tạc cơ. Bay bên dưới đoàn oanh tạc cơ của Fuchida là một đoàn 40 phi cơ phóng thủy lôi do trung tá Murata chỉ huy, cũng thuộc mẫu hạm Akagi như trung tá Fuchida. Bên trên Fuchida là một đoàn 51 phi cơ nhào xuống thả bom cất cánh từ mẫu hạm Shikoku dưới quyền chỉ huy của trung tá Takahashi. Mỗi phi cơ của toán Takahashi mang theo một trái bom nặng 500 cân. Bên trên tất cả ba đội hình phi cơ này là 43 chiến đấu cơ loại Zero có nhiệm vụ bảo vệ ba đoàn phi cơ Nhật nếu bị phi cơ Mỹ tấn công. Ðoàn chiến đấu cơ Zero do trung tá Itaya chỉ huy và cũng cất cánh từ soái hạm Akagi.
Trong lúc hai binh nhì Mỹ vẫn theo dõi đoàn phi cơ Nhật thì Fuchida mở radio nghe đài Honolulu. Ông điều chỉnh ăng-ten của radio về hướng đài phát thanh và nhận thấy ông đã bay sai 5 độ. Ông liền điều chỉnh lại hướng bay và tất cả các phi cơ còn lại đều chuyển hướng theo ông. Ngay lúc đó radio báo tin thời tiết: "Trời hơi u ám, nhưng phần lớn u ám trên núi." Ðây là một tin mừng cho các phi công Nhật, vì như vậy trời sẽ quang đãng và các phi công có thể trông thấy rõ mục tiêu. Càng đến gần Hawaii, các phi cơ Nhật đều cố bay lẩn vào những đám mây.
Có hai kế hoạch tấn công. Nếu yếu tố bất ngờ đạt được tối đa thì đoàn phi cơ phóng thủy lôi của trung tá Murata phải mở đầu cuộc tấn công. Sau đó là đoàn phi cơ thả bom của Fuchida tấn công đợt thứ hai, trong lúc đó đoàn phi cơ của Takahashi sẽ nhào xuống oanh tạc phi trường Hickam và Ford Island. Nếu có sự kháng cự của lực lượng phòng thủ Mỹ thì đoàn phi cơ của Takahashi phải nhào xuống oanh kích trước. Khi các phi cơ này nhào xuống sẽ gây hoảng hốt và hỗn loạn cho quân trú phòng Mỹ và các đội phòng không Mỹ sẽ khai hỏa. Như vậy đoàn phi cơ thả bom của Fuchida sẽ trông thấy vị trí của các ổ phòng không của Mỹ và lập tức thả bom xuống triệt hạ ngay. Và trong cơn hỗn loạn ấy, các phi cơ phóng thủy lôi sẽ ào tối tấn công các chiến hạm Mỹ.
Fuchida sẽ là người quyết định dùng kế hoạch tấn công I hoặc II. Fuchida sẽ dùng pháo sáng ra hiệu lệnh. Nếu kế hoạch vẫn còn giữ được bí mật thì Fuchida sẽ bắn pháo sáng lóe một lần, trái lại các phi cơ sẽ theo kế hoạch II nếu Fuchida bắn pháo hiệu sáng lóe tới hai lần. Cuộc tấn công bất ngờ theo kế hoạch I sẽ dự trù lâu khoảng 10 phút và theo thời biểu sau đây:
Ðúng 7:55 các phi cơ phóng xuống oanh kích phi trường Hickam và Wheeler. Hai phút sau đó, các phi cơ phóng thủy lôi sẽ nhào xuống các chiến hạm Mỹ. Ðúng 8 giờ, nghĩa là đúng 5 phút sau khi các phi cơ nhào xuống oanh kích các phi trường rồi thì các chiến đấu cơ Zero bắn phá hai phi trường. Năm phút sau nữa, các oanh tạc cơ của Fuchida sẽ chấm dứt cuộc tấn công bằng cách thả bom xuống các chiến hạm Mỹ.
Một giờ 40 phút sau khi cất cánh khỏi các mẫu hạm, các phi công của Fuchida trông thấy, qua khe những đám mây, một đường dài uốn khúc bên dưới. Ðó là bờ biển đảo Oahu với những làn sóng chồm lên bãi cát. Lúc đó là 7:40 sáng. Vài phút sau nữa Trân châu cảng và thành phố Honolulu hiện ra trước mắt họ, giống như những khối hình mầu xám nổi bật trong làn sương hồng buổi sáng. Nhìn xuyên qua lớp sương mờ mỏng, các phi công Nhật có thể trông thấy các chiến hạm của hạm đội Thái bình dương. Các chiến hạm này đậu cạnh nhau từng đôi giống như các binh sĩ đang diễn hành. Khi các phi công vươn cổ ra để đếm các chiến hạm Mỹ, họ không trông thấy một làn khói nào bốc lên từ quân cảng hoặc từ một chiến hạm nào. Tất cả quân cảng và chiến hạm dường như đang trong một giấc ngủ lười biếng của một buổi sáng chủ nhật, sau một đêm thứ bảy vui chơi. Fuchida và các phi công Nhật rất kinh ngạc trước sự chểnh mảng của quân trú phòng Mỹ. Sau này Fuchida mô tả lại quang cảnh buổi sáng sớm hôm đó như sau:
"Bên dưới tôi, tất cả hạm đội Thái bình dương của Hoa Kỳ nằm trong một đội hình lý tưởng để tấn công mà tôi không hề dám mơ ước trong những giấc mơ lạc quan nhất của tôi. Tôi đã được chứng kiến hạm đội Ðức tập trung tại hải cảng Kiel. Tôi đã được thấy hạm đội của Pháp tại quân cảng Brest. Tôi cũng thường thấy các chiến hạm của chúng tôi tập họp lại để Nhật Hoàng duyệt binh, nhưng tôi chưa bao giờ được trông thấy các chiến hạm, dù trong thời bình, bỏ neo gần nhau đến như thế, chỉ cách nhau khoảng vài trăm thước. Một chiến hạm trong thời chiến phải luôn luôn đề cao cảnh giác một cuộc tấn công bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng hình ảnh bên dưới kia thực là khó hiểu. Phải chăng người Mỹ chưa bao giờ nghe thấy trận tấn công bất ngờ tại Lữ Thuận?"
Khi các phi công Nhật bay quanh đảo Oahu để tấn công từ phía nam, họ mở radio để nghe các báo cáo từ các phi cơ nổi, báo cho họ biết các mục tiêu cuối cùng của họ. Thiếu úy Yoshikawa chuyển máy radio bắt đài Ðông Kinh và hai lần các phi công nghe thấy tín hiệu "Mưa Ðông Phong" - một tín hiệu cho biết phải tấn công hạm đội Hoa Kỳ. Sau đó Yoshikawa bắt đầu đốt hết các dấu hiệu mật mã và các tài liệu tình báo khác. Nhiệm vụ tình báo của viên thiếu úy trẻ đến đây là chấm dứt. Liền sau đó Yoshikawa nghe thấy tiếng bom nổ. Lúc nhân viên FBI tới bắt Yoshikawa thì viên thiếu úy trẻ này chỉ có một bản vẽ phác khu vực Trân châu cảng thôi.
Buổi sáng chủ nhẫt ấy là giờ ăn trưa tại Hoa Thịnh Ðốn. Bộ trưởng chiến tranh Stimson, ngoại trưởng Cordell Hull và thứ trưởng hải quân Knox họp tại bộ ngoại giao để thảo luận về vấn đề Nhật Bản. Ngoại trưởng Hull xác quyết người Nhật đang âm mưu một việc gì; ông nhấn mạnh, "Người Nhật muốn khai chiến. Chúng ta phải sửa soạn để đối phó." Khi ba ông bộ trưởng tạm nghỉ để dùng bữa trưa thì các phi công của Fuchida đã tiến tới bờ biển đảo Oahu rồi. Lúc đó là 3 giờ sáng tại Ðông Kinh và đèn trong bộ tham mưu hải quân vẫn còn bật sáng, và đô đốc Nagano vẫn đang lo lắng chờ đợi tin tấn công mà ông bất đắc dĩ phải chấp thuận.
Trong khi đó Yamamoto ngồi chờ đợi trong soái hạm Nagato, thỉnh thoảng lại cúi xuống coi đồng hồ đeo tay. Ðây là cử chỉ duy nhất chứng tỏ Yamamoto đang lo lắng chờ đợi. Ông dường như là người bình tĩnh nhất trong phòng hành quân, trong đó các sĩ quan khác đều có vẻ căng thẳng. Họ biết rằng số phận của Nhật Bản tùy thuộc rất nhiều vào đoàn phi cơ của Fuchida đang bay xa cách họ hàng ngàn dậm, trong sứ mạng tiêu diệt hạm đội Mỹ.

Một buổi bình minh đẹp rực rỡ đang bắt đầu tại Hawaii. Ngoài căn cứ Trân châu cảng nằm êm đềm bên dưới, Fuchida còn trông thấy những phi cơ dân sự lượn vòng tại phi trường dân sự John Rodgers gần Honolulu. Fuchida quyết định không thể chờ thêm báo cáo của các thủy phi cơ nữa, vì đây là cơ hội tấn công bất ngờ lý tưởng. Fuchida liền bắn pháo hiệu "Một Con Rồng Ðen" - báo hiệu cho các phi đoàn khác biết lệnh tấn công bất ngờ bắt đầu.
Ngay khi trong thấy hiệu lệnh của Fuchida, trung tá Takahashi và 51 phi cơ oanh tạc của ông bốc lên cao độ 15 ngàn bộ và chia làm hai toán, như những con đại bàng sẫn sàng lao xuống những con mồi bên dưới. Takahashi hướng dẫn một toán nhắm hướng các phi trường quân sự Ford Island và Hickam Field. Trung úy Akira Sakamoto hướng dẫn toán thứ hai lao xuống căn cứ không quân Wheeler.
Những phi cơ phóng thủy lôi của Murata vượt lên từ phía sau, xuất hiện bất ngờ sau những đám mây trắng dầy đặc, nhào xuống bay sát mặt biển để bắt đầu cuộc tấn công phóng thủy lôi vào các chiến hạm Mỹ. Ðồng thời các chiến đấu cơ của Itaya bốc mình bay lên thật nhanh và thật cao để có thể bao quát toàn thể chiến trường, và sẫn sàng phóng xuống đánh chặn bất cứ một phi cơ Mỹ nào bay lên. Toán phi cơ thả bom của Fuchida vẫn giữ cùng một cao độ bên dưới đám mây để quan sát mục tiêu một cách rõ ràng hơn.
Trong lúc đó viên sĩ quan tư lệnh căn cứ không quân Kaneohe đang bình thản ngồi uống cà phê và nghe thấy tiếng động ì ầm của đoàn phi cơ Nhật. Khi các phi cơ Nhật tiến lại gần hơn nữa, viên tư lệnh Mỹ trông thấy rõ ràng nhưng lại lơ đãng coi đó là những phi cơ của Mỹ từ bờ biển phía tây Hoa Kỳ tới. Nhưng khi ông ta trông thấy các phi cơ bay vòng về phía trái thay vì bay về phía tay phải như luật định của khu vực này, thì ông ta biết ngay là có chuyện chẳng lành. Ông ta vội nhẩy lên xe và lái vào nhà hầm chứa phi cơ. Ông ta còn kịp nhìn vào đồng hồ tay. Lúc đó là 7:48 sáng.
Trân châu cảng bây giờ nằm phơi mình thật rõ ràng trước mắt các phi công Nhật. Mục tiêu thật ngon lành! Fuchida soi ống nhòm và đếm thấy đủ tám chiến hạm lớn bỏ neo tại quân cảng. Các phi cơ của Fuchida bây giờ ở vị trí sẫn sàng thả bom. Fuchida quay lại ra lệnh cho sĩ quan truyền tin bấm lệnh bắt đầu tấn công. Lúc đó là đúng 7:49. Mặc dầu viên tư lệnh Mỹ thấy sự bất thường, nhưng tất cả căn cứ không quân đều im lặng, không một phi cơ Mỹ nào bay lên nghênh chiến, và cũng không có một khẩu súng phòng không nào lên tiếng.
Hạm đội Mỹ vẫn nằm bình yên như trong thời bình. Một vài binh sĩ cũng bắt đầu công việc hàng ngày, như lau chùi sương đêm khỏi các ổ súng. Các sĩ quan thì đang ăn điểm tâm trong phòng. Tại căn cứ hải quân Vịnh Kaneohe, ba phi cơ thuộc phi đội 14 đã bay lên làm công việc thám thính thường lệ. Số phi cơ còn lại của phi đội và phi đội 11 cũng đang sẵn sàng, nhưng đúng lúc đó các phi cơ của Takahashi đã nhào xuống.
Ðợt tấn công đầu tiên là của trung úy Akira Sakamoto xuống căn cứ Wheeler, nơi tình báo Nhật cho biết là trung tâm của các chiến đấu cơ Mỹ tại Hawaii. Nhiệm vụ của Sakamoto là hủy diệt tất cả các chiến đấu cơ của Mỹ ngay trên sân bay. Tiếp theo ngay sau toán của Sakamoto, trung tá Takajashi dẫn đầu 26 phi cơ mở cuộc tấn công phi trường Hickam Field; tại đây tập trung những phi cơ oanh tạc hạng nặng của Không lực Mỹ. Một vài oanh tạc cơ khác của Nhật bay sang tấn công phi trường Ford Island.
Chỉ hai phút sau khi viên tư lệnh Mỹ trông thấy đoàn phi cơ của Fuchida bay vòng trái chiều tại Hawaii thì những trái bom đầu tiên của Nhật đã nổ tại phi trường Wheeler. Một vài giây sau đó, các Yếu tố bất ngờ đã đạt được hoàn toàn. Không một phi cơ nào của Mỹ bay lên được. Hầu như binh sĩ Mỹ tại Trân châu cảng đang ngủ khi cuộc tấn công diễn ra. Ngay cả khi bom nổ rung chuyển cả đảo Hawaii mà các đài phát thanh vẫn tiếp tục chơi những bản nhạc khiêu vũ.
Khi nhận được tín hiệu chiến thắng của Fuchida, đô đốc Nagumo vội truyền ngay tin đó về Ðông Kinh. Nhưng tin chiến thắng đã nhận được tại Ðông Kinh rồi. Soái hạm Nagato của Yamamoto và Ðông Kinh đã nhận được trực tiếp từ phi cơ của Fuchida. Tín hiệu này đã mở màn cho cuộc chiến khắp Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương. Ngay khi nhận được tín hiệu "Tora, Tora, Tora", các toán phi công Nhật Bản liền tung ra các cuộc tấn công tại khắp nơi trong vùng Ðông Nam Á. Về phần các sĩ quan trong phòng hành quân của Yamamoto, họ đều reo mừng hứng khởi trước tin chiến thắng, nhưng Yamamoto vẫn bình tĩnh và quay lại nói với viên sĩ quan phụ tá: "Hãy kiểm lại giờ tấn công thực cẩn thận. Biết được rõ giờ khởi đầu của cuộc tấn công rất là quan trọng. Dường như cuộc tấn công xảy ra trước giờ chúng ta ấn định."
Thoạt đầu các sĩ quan tham mưu không hiểu Yamamoto muốn nói gì. Mãi sau họ mới hiểu rằng Yamamoto muốn tôn trọng công pháp quốc tế và chỉ muốn cuộc tấn công phải bắt đầu một thời hạn nào đó, sau khi Nhật đã trao tối hậu thư khai chiến cho Mỹ rồi. Hai đại sứ Nhật tại Hoa thịnh đốn nhận được bản tối hậu thư để trao cho chính phủ Mỹ sau cả các chuyên viên mật mã của Mỹ. Bản tối hậu thư đó đại ý cho biết chính phủ Nhật rất tiếc phải báo cho chính phủ Hoa Kỳ biết Nhật Bản thấy rằng hai bên không thể đạt được tới một thỏa hiệp, dù có tiếp tục thương thuyết nữa. Thực ra hai đại sứ Nomura và Kurusu biết trước rằng chiến tranh thế nào cũng xảy ra giữa Mỹ và Nhật, nhưng không biết rõ bao giờ và ở đâu. Chính phủ Nhật e sợ rằng nếu thông báo trước cho hai đại sứ thì người Mỹ có thể đọc được tin và cuộc tấn công sẽ mất yếu tố bất ngờ.
Ðại sứ Kurusu dự định thông báo quyết định của chính phủ Nhật cho bộ ngoại giao Mỹ vào lúc 1 giờ chiều, thế mà mãi tới 2.20 chiều đại sứ Nomura mới tới nơi. Như vậy Fuchida đã ra lệnh tấn công 35 phút sớm hơn kế hoạch. Nếu tối hậu thư của Nhật tới bộ ngoại giao Nhật đúng giờ thì người Mỹ sẽ có 35 phút trước để sửa soạn, theo như ý định của Yamamoto. Nhưng đại tá Fuchida đã dẫn Nhật Bản vào một cuộc chiến tranh không được chính thức thông báo trước. Nhưng dẫu sao đây cũng không phải là lần dầu tiên Nhật Bản đã hành động như vậy trong lịch sử Nhật Bản.
Trong khi Fuchida báo cáo chiến thắng thì bốn chục phi cơ phóng thủy lôi của Murata bắt đầu tấn công các chiến hạm Mỹ. Trung úy Goto lái chiếc phi cơ đầu tiên qua căn cứ không quân Ewa và trông thấy hàng loạt chiến đấu cơ của Mỹ đậu trên sân bay. Khi lướt qua phi trường Hickam Field, Goto trông thấy hàng loạt oanh tạc cơ hạng nặng của Mỹ đang nằm chờ phi đoàn của Takahashi. Hôm đó là một ngày quang đãng. Murata và Goto chia đoàn phi cơ phóng thủy lôi làm hai toán. Toán của Goto tấn công đại chiến hạm Arizona trước. Khi hạ thấp xuống vị trí tấn công, Goto thận trọng kiểm soát lại cao độ và tọa độ trước khi phóng ra chiếc thủy lôi đầu tiên. Bỗng nhiên Goto trông thấy vài bóng đen vượt qua trước mặt. Ðó là những oanh tạc cơ của Nhật. Các phi công trong đoàn oanh tạc cơ này tưởng lầm lệnh của Fuchida và cho rằng yếu tố bất ngờ đã mất và họ sẽ là những phi công đầu tiên mở cuộc tấn công vào các chiến hạm. Goto rất tức giận cho rằng các phi công oanh tạc muốn chiếm công đầu. Tuy nhiên Goto vẫn cố bình tĩnh tiếp tục bay tới chiếc Arizona và phóng trái thủy lôi đầu tiên xuống. Chiếc Arizona dường như không có người. Goto không thấy một thủy thủ Mỹ nào trên boong cả.
Sau khi phóng trái thủy lôi rồi, Goto bay vọt phi cơ lên cao để tránh đạn phòng không từ trên chiếc Arizona. Khi quay lại Goto trông thấy một tia lửa lóe lên tiếp theo là một tiếng nổ kinh hồn và một cột nước khổng lồ bắn lên. Goto sung sướng la to vào máy liên lạc: "Trúng rồi!". Khi quay lượn một vòng trở lại, Goto thấy từng loạt súng bắn lên. Thủy thủ đoàn trên chiếc Arizona quả thực sẵn sàng chiến đấu hơn là người Nhật tưởng, mặc dù họ bị bất ngờ. Mori, một phi công khác trong đoàn phi cơ phóng thủy lôi, mô tả lại quang cảnh cuộc tấn công các chiến hạm Mỹ như sau:
"Tôi không tin sẽ sống sót trong cuộc tấn công này. Vì những đợt tấn công của các phi cơ từ các mẫu hạm Akagi và Kaga đã xong rồi, cuộc tấn của các phi cơ từ mẫu hạm Soryu gặp phải một màng lưới đạn phòng không rất ác liệt từ phía hạm đội địch. Phi cơ của tôi bị rung chuyển vì bị trúng đạn phòng không của địch."
"Tôi bay ngay bên trên các chiến hạm địch ngay tại Ford Island. Tôi chọn mục tiêu là một chiến hạm bỏ neo cách xa hẳn các chiến hạm khác đang bị các phi cơ phóng thủy lôi từ mẫu hạm Soryu tấn công. Chiến hạm tôi chọn dường như chưa bị tấn công. Tôi phải phóng thủy lôi thật đúng phương pháp và thật chính xác. Tôi được báo cho biết trước hải cảng này không sâu quá 45 bộ. Một tốc độ hoặc độ cao hơi sai trật sẽ khiến thủy lôi cắm xuống đáy biển hoặc nhảy lên trên mặt nước. Và như thế thì nỗ lực của chúng tôi chẳng có kết quả gì."
"Vào lúc đó tôi không biết tôi sẽ phải làm gì. Tôi chỉ hành động theo phản ứng mà tôi có được trong các cuộc huấn luyện, và tôi hành động như một cái máy. Tôi hạ xuống 200 bộ và bất thần tôi trông thấy chiến hạm lừng lững trước mắt như một trái núi. Tôi ngả người lại để lấy hết sức mạnh. Tôi biết rõ rằng địch quân đang xử dụng hệ thống súng phòng không và đạn của địch đến từ tứ phía. Tôi sợ đến nỗi mồ hôi ướt đẫm quần áo." "Bỗng nhiên một phi cơ địch xuất hiện ngay trước mặt tôi. Vì phi cơ của tôi trang bị súng máy 7.7 ly chỉ bắn được về phía sau nên tôi không có khả năng không chiến. Tôi liều phóng phi cơ của tôi nhắm thẳng vào phi cơ địch. Tên phi công địch hoảng hốt bay vọt đi. Tôi tự hỏi: "Có phải đây là cái người ta gọi là chiến tranh không?"
Các phi cơ phóng thủy lôi đã gây nên nhiều tiếng nổ kinh hoàng. Nước như sủi bọt lên và những cột khói đen bốc lên từ những chiến hạm. Từ bên trên, các khu trục Zero của Itaya không tìm được một phi cơ địch nào. Ðến đó Itaya quyết định cho các khu trục Zero nhào xuống và oanh kích các mục tiêu trên mặt đất. Các toán sửa chữa của Mỹ đang đưa ra được bốn chiếc thủy phi cơ tại vinh Kaneohe thì các khu trục Zero xà xuống. Một giây sau, từng cột nước vọt lên và tất cả 4 thủy phi cơ của Mỹ bốc cháy, ném tung các quân nhân Mỹ bị thương hoặc đã chết ra ngoài. Các khu trục cơ làm chủ cả khu vực, bay dọc theo vịnh tìm mục tiêu, rồi tấn công căn cứ Thủy quân lục chiến Ewa. Trong vòng 15 phút, tất cả phi cơ của Thủy quân lục chiến đều bị bắn cháy hết. Trong tổng số 49 phi cơ Mỹ thuộc căn cứ Thủy quân lục chiến thì 35 chiếc bị bắn cháy, và 16 chiếc còn lại bị hư hại không thể bay được nữa. Sau đó đoàn phi công của Itaya quay lại tấn công chính các Thủy quân lục chiến Mỹ.
Thủy quân lục chiến Mỹ cố gắng phản công lại, nhưng cuộc phản công tuy rất anh hùng gan dạ nhưng hoàn toàn thất bại thảm thương. Các thủy quân lục chiến Mỹ dùng cả súng lục lẫn súng máy bắn lại phi cơ Zero. Phần lớn tổn thất về phía Mỹ xảy ra là vì các cố gắng cứu vãn che chở cho các phi cơ chưa bị tổn hại. Chỉ có 9 phi cơ trong số 36 chiếc tại Kaneohe là không bị tiêu hủy, trong đó 6 chiếc bị hư hại. Ba chiếc may mắn còn nguyên vẹn là những chiếc đã bay đi tuần thám trước khi cuộc tấn công của Nhật khởi sự. Tuy nhiên tinh thần chiến đấu của quân trú phòng Mỹ trong suốt cuộc tấn công rất là đáng khen ngợi. Nếu các binh sĩ Mỹ không can đảm thiết lập những ổ súng máy chống lại phi cơ Nhật thì quân Mỹ đã không phải hy sinh nhiều đến thế. Nhờ sự kháng cự quá liều lĩnh can đảm của quân Mỹ, hai khu trục cơ của Itaya đã bị bắn rơi, và nhiều chiếc khác bị trúng đạn phải rời bỏ chiến trường hoặc biến mất, có thể là bị rơi xuống biển.
Ðã đến lúc mở cuộc đại oanh tạc của phi đoàn dưới quyền chỉ huy của Fuchida. Fuchida phân các oanh tạc cơ của mình thành 10 phi đội, và bay thành một hàng duy nhất cách nhau khoảng 600 bộ. Lúc này quân trú phòng Mỹ đã lấy lại được bình tĩnh sau cơn xúc động thất thần lúc đầu. Vì thế các oanh tạc cơ của Fuchida gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của hệ thống phòng không Mỹ. Các phi công của Fuchida giật mình trước sự phản công mau lẹ của quân Mỹ. Cuộc phản công của Mỹ bắt đầu khoảng năm phút sau những trái bom đầu tiên. Bản chất của quân sĩ Nhật thì rất mau lẹ khi tấn công, nhưng khi phải ứng phó phòng vệ thì lại rất chậm chạp, vì thế các loạt súng phòng không của quân Mỹ đã gây khó khăn cho các phi công của Fuchida.
Thoạt đầu Fuchida dẫn 49 oanh tạc cơ của mình tiến về phía chiếc chiến hạm Nevada đang bỏ neo tại phía cực bắc của của dàn chiến hạm tại Ford Island. Khi các phi cơ này quần vòng tròn quanh mục tiêu thì súng phòng không của Mỹ đã làm các phi công Nhật lo ngại. Một vài phi cơ bay vọt đi tránh hàng loạt đạn từ bên dưới, một số phi công khác gan dạ hơn, bay lượn ba vòng quanh mục tiêu mới thả bom. Một phi công khác cuống quýt thả bom quá sớm không trúng mục tiêu. Fuchida nhận thấy thế và bất kể bầu không khí tối đen vì khói súng phòng không, Fuchida bay nhào xuống sát chiếc phi cơ ấy và viết câu hỏi "Sao vậy?" lên một tấm bảng đen và giơ ra hỏi người phi công. Người phi công cũng viết lên một tấm bảng đen trả lời Fuchida: "Bình săng bị trúng đạn."
Fuchida ra lệnh cho viên phi công phải quay về mẫu hạm ngay, nhưng viên phi công từ chối, và đòi tiếp tục cuộc oanh tạc. Fuchida đành miễn cưỡng vẫy tay đồng ý, nhưng ông biết rằng lái một chiếc oanh tạc cơ đã bị trúng đạn giữa rừng đạn phòng không của Mỹ thì thực là tối nguy hiểm. Viên phi công phóng mạnh phi cơ về phía các chiến hạm Mỹ, hy vọng đánh trúng được một mục tiêu trước khi bị hạ, nhưng ngay lập tức phi cơ nổ tung khi trúng đạn phòng không của Mỹ. Fuchida kể lại cuộc oanh tạc như sau:
"Tôi nằm sát xuống sàn phi cơ để quan sát những trái bom của chúng tôi qua một cửa nhìn. Bốn trái bom đang lao xuống theo một hình thể thật hoàn toàn. Mục tiêu thì ở xa quá đến nỗi tôi tự hỏi không biết bom có tới tận nơi được không. Bốn trái bom càng lúc càng nhỏ hơn cho tới khi tôi không còn nhìn thấy rõ nữa. Tôi quên hết mọi chuyện khác trong cơn mê say nhìn bom rơi xuống mục tiêu. Những trái bom cuối cùng biến mất khỏi tầm mắt của tôi và tôi chợt trông thấy những cột khói bốc lên. Tôi sung sướng la lên: "Hai trái trúng" và nhỏm dậy khỏi sàn phi cơ."
Súng phòng không của Mỹ ngày mỗi lúc một hoạt động mạnh hơn. Nhưng bỗng nhiên Fuchida nghe thấy những tiếng nổ dữ dội tại dẫy chiến hạm Mỹ và hàng loạt ánh lửa đỏ bốc lên cao hàng ngàn bộ. Tiếng nổ quá mạnh đã làm phi cơ của Fuchida chao đi. Một vài trái bom hạng nặng của Nhật đã trúng và nổ ngay trên chiếc chiến hạm Arizona. Khói cũng bắt đầu cuộn lên từ chiến hạm Maryland, tuy nhiên chiến hạm này không bị hư hại nhiều, mặc dầu bị trúng tới hai trái bom.
Trong lúc các phi công của Fuchida làm nhiệm vụ thì các tiềm thủy đỉnh Nhật cũng lâm trận, và tại các mẫu hạm, các phi cơ thuộc đợt tấn công thứ hai đã bắt đầu cất cánh. Các tiềm thủy đỉnh lớn của Nhật tiến vào Trân châu cảng và dùng thủy lôi để tấn công bất cứ chiến hạm nào của Mỹ định chạy trốn. Nhiệm vụ của các tiềm thủy đỉnh bỗng khó khăn hơn trong những cơn sóng biển vĩ đại vì hàng loạt bom tấn công của phi công Nhật. Mặc dù ẩn sâu dưới đáy biển, các tiềm thủy đỉnh nặng hai ngàn tấn này vẫn cảm thấy sức dội của sóng.
Ðợt tấn công thứ hai của trung tá Shimazaki khởi đầu với 170 phi cơ cất cánh từ mẫu hạm Zuikaku. Ðoàn phi cơ này tới Trân châu cảng vào lúc 8:40, nhưng các phi công của Fuchida vẫn chưa thả hết bom và vẫn tiếp tục cuộc oanh tạc nên các phi cơ của Shimazaki phải bay lượn trên cao trong một thời gian 15 phút để tránh đụng phải các phi cơ của Fuchida. Ngay trong lúc còn bay cao mà các phi cơ của Shimazaki cũng cảm thấy chấn động vì những tiếng nổ trên chiến hạm Arizona.
Ðợt tấn công của phi đoàn Fuchida kéo dài khoảng một giờ, và Fuchida ra lệnh cho các phi cơ quay trở về mẫu hạm. Tổng kết tổn thất của Nhật trong đợt tấn công đầu gồm có ba chiến đấu cơ, năm phi cơ phóng thủy lôi và một oanh tạc cơ. Khi bắt đầu quay trở về mẫu hạm, đoàn phi cơ Fuchida nghiêng cánh vẫy chào đoàn phi cơ của Shimazaki đang chờ tới lượt tấn công. Riêng Fuchida không quay về mẫu hạm ngay. Không còn bom nữa, Fuchida bay vọt lên cao để quan sát cuộc tàn sát của đợt tấn công thứ hai. Trung úy Suganami, chỉ huy đoàn khu trục cơ Zero hộ tống phi đoàn của Fuchida cũng nán lại tại chiến trường để xem cuộc tấn công của đoàn phi cơ Shimazaki. Hành động của trung úy Suganami thực là liều lĩnh vì khu trục cơ Zero chỉ có một tầm hoạt động nhỏ thôi. Khi chiếc Zero của Suganami trở về tới mẫu hạm thì bình nhiên liệu chỉ còn vài ga-lông săng. Khi đợt tấn công của Fuchida chấm dứt, đô đốc Nagumo gửi tín hiệu về cho Yamamoto, xác nhận một điều mà Yamamoto đã biết: không có một mẫu hạm nào của Mỹ tại Trân châu cảng. Ðề đốc Kuroshima, sĩ quan hành quân của Yamamoto đề nghị với Yamamoto cho lực lượng của Nagumo phải đi tìm mẫu hạm Mỹ để tiêu diệt. Yamamoto không đồng ý và trả lời: "Nagumo ở xa chúng ta hàng ngàn dặm. Ông ta có thể có được những tin tức mà chúng ta không biết. Ðể mặc ông ta chỉ huy trận đánh này. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở ông ta." Thực ra Yamamoto không thể làm gì hơn là phải tin hoàn toàn vào Nagumo, người đang trực tiếp chỉ huy trận đánh tại chỗ.
Fuchida đã rời chiến trường Trân châu cảng, và các căn cứ không quân bên dưới đã bị tàn phá đang bốc cháy, và không một phi cơ Mỹ nào bay lên được. Nhưng lực lượng phòng không của Mỹ trở nên rất mạnh mẽ vào lúc 9 giờ sáng, khi mà trung tá Shimazaki bắt đầu ra lệnh cho 170 phi cơ của ông mở đợt tấn công thứ hai. Nhiệm vụ của Shimazaki khó khăn nguy hiểm hơn của Fuchida, vì bây giờ quân phòng thủ Mỹ đã tập hợp được và chiến đấu rất dũng mãnh. Không giống như phi đoàn của Fuchida, Shumazika không có phi cơ phóng thủy lôi, mà chỉ gồm có phần lớn là các oanh tạc cơ loại Kate, chuyên dùng để oanh tạc các phi trường.
Ðợt phi cơ nhào xuống dội bom do trung tá Egusa chỉ huy thì mạnh hơn, bao gồm 80 phi cơ ném bom ở độ thấp. Các phi cơ của Egusa trang bị những bom 500 cân và các phi công của Egusa là những con đại bàng thuộc loại thượng thặng đã dầy dạn kinh nghiệm bay và chiến đấu. Tất cả những phi công này đã được huấn luyện đặc biệt để có thể tiêu diệt các mẫu hạm Mỹ trong một trận tấn công. Bây giờ không có mẫu hạm, các phi công này đành nhào xuống các chiến hạm vậy. Trong đợt tấn công đầu tiên của Fuchida, các chiến hạm Mỹ bị thiệt hại rất ít.
Egusa hướng dẫn các phi công của mình bay về phía núi như để lấy trớn, rồi quay vọt trở lại tạo một hàng hỏa lực khủng khiếp. Egusa chọn tấn công những chiến hạm nào có súng phòng không dữ dội nhất vì những chiến hạm này là những chiến hạm ít bị thiệt hại nhất trong đợt tấn công đầu tiên của Fuchida. Những cột khói đen khổng lồ bốc lên từ quân cảng đã gây khó khăn cho các phi công Nhật vì họ khó trông thấy các mục tiêu. Nhưng Egusa ra lệnh cho các phi công bay theo mình, lấy cái đuôi phi cơ sơn mầu đỏ của Egusa làm chuẩn như hồi còn tập luyện tại Kagoshima. Egusa hướng dẫn các phi công dưới quyền tới các mục tiêu một cách rất chính xác. Thế là hết tiếng nổ này tới tiếng nổ khác, và lửa đỏ bốc lên và những khối khói đen tỏa khắp quân cảng.
Trong lúc các phi công thượng thặng của Egusa phá hủy các chiến hạm còn lại thì phần lớn các oanh tạc cơ của Shimazaki tập trung tại phi trường Hickam. Số còn lại tấn công Ford Island và căn cứ không quân Kaneohe. Không một phi cơ nào của Shimazaki bị hạ, mặc dù rất nhiều chiếc bị trúng đạn. Các khu trục cơ bảo vệ đợt tấn công thứ hai này gồm có 36 chiếc Zero. Không một chiến đấu cơ Mỹ nào lên nghênh địch vì đợt tấn công đầu của Fuchida đã bắn hạ tất cả phi cơ Mỹ ngay trên sân bay rồi.
Phi công Zero Fujita bay lên cao 18 ngàn bộ cùng với Iida, sĩ quan chỉ huy toán phi cơ Zero, để quan sát và tìm phi cơ Mỹ. Hai người bay lượn quanh đảo hai lần nhưng không thấy một phi cơ địch nào. Nhưng hỏa lực phòng không của Mỹ quả thực ác liệt hơn người Nhật tưởng, và hai người có cảm tưởng đang bay trong giữa một bầu trời bắn pháo bông vậy. Iida là một trung úy 27 tuổi và là một phi công cừ khôi đã chiến đấu hai năm tại Trung Hoa. Trong trân Trân châu cảng, Iida hướng dẫn các phi công Nhật thiếu kinh nghiệm trong đợt tấn công đợt hai. Bất kể đạn súng máy bắn lên, Iida lao xuống các nhà chứa máy bay và bắn phá đốt cháy các phi cơ. Khi đợt tấn công chấm dứt, Iida bay lượn quanh phi trường Kaneohe để kiểm soát xem các tất cả phi cơ có trở về thành đội hình không thì một viên đạn từ bên dưới bắn trúng phi cơ của Iida. Dầu chảy ra và khói bốc lên từ phi cơ. Iida bay sát vào phi cơ của Fujita và lấy tay bụm miệng ra dấu cho biết bị ngạt khói. Rồi Iida nghiêng cánh và lấy tay chỉ xuống dưới đất. Sau đó Iida bổ nhào phi cơ xuống đất. Fujita trông thấy tình trạng tuyệt vọng của Iida mà không làm gì được. Phi cơ của Iida nổ tung dưới đất và trở thành một trong những binh sĩ Nhật tử trận đầu tiên tại Trân châu cảng.
Cuộc tấn công đợt hai của Shimazaki cũng chỉ lâu khoảng một giờ như đợt của Fuchida. Ðợt này đã thành công tấn công tiêu hủy được những chiến hạm chưa bị tổn thất trong đợt đầu. Vì đạn phòng không bắn lên như mưa nên đợt tấn công của Shimazaki bị nhiều thiệt hại hơn: sáu khu trục cơ và 14 oanh tạc cơ của Egusa bị bắn rơi. Trong lúc phi đoàn của Shimazaki quay trở về mẫu hạm thì Fuchida vẫn ở lại để kiểm điểm kết quả chiến trường. Fuchida đếm được bốn chiến hạm Mỹ chìm hẳn, ba chiếc khác bị tổn thất nặng, nhiều chiến hạm khác cũng bị tổn thất khá nhiều và chỉ một chiếc bị tổn thất sơ sài. Các căn cứ không quân Ford Island và Wheeler đang cháy dữ dội.
Mặc dầu các tổn thất của Nhật tương đối rất nhẹ so với những tổn thất của Mỹ, nhưng nhiều phi cơ Nhật trong lần tấn công đợt hai bị trúng đạn, nhưng phần lớn cố gắng bay trở về được mẫu hạm. Trường hợp của Fujita thật là hãn hữu. Trên đường về, Fujita bay bảo vệ cho một nhóm oanh tạc cơ của Egusa và gặp một phi cơ Mỹ chặn đầu. Fujita cố phóng bỏ các thùng dầu đi mà không được. Fujita đành phải quay tránh phi cơ Mỹ thì trông thấy một phi cơ Mỹ khác. Fujita bắn trúng chiếc phi cơ thứ hai này cháy bùng lên và rơi xuống biển, nhưng chiếc phi cơ thứ nhất vẫn đuổi theo Fujita. Fujita chợt nhớ một điều tâm niệm trong lúc huấn luyện là "nếu bỏ chạy thì chắc chắn sẽ bị bại". Thế là Fujita quay phi cơ lại và phóng thẳng vào chiếc phi cơ Mỹ khiến chiếc phi cơ Mỹ phải né tránh. Nhưng trong lúc né tránh, người phi công Mỹ còn đủ thời giờ quạt một tràng liên thanh sang phi cơ của Fujita. Cửa sổ và ghế ngồi của Fujita nát bấy, nhưng Fujita không bị thương. Phi cơ của Fujita đầy lỗ thủng và đầu máy khật khừ và áp xuất dầu săng xuống thấp một cách đáng ngại. Fujita trông thấy bên dưới các tiềm thủy đỉnh Nhật đang chờ đợi tấn công các chiến hạm Mỹ. Thoạt đầu Fujita định lao xuống biển và hy vọng được tiềm thủy đỉnh vớt, nhưng Fujita thấy làm như vậy thì liều lĩnh quá nên cố bay lết về mẫu hạm Akagi. Khi vừa đáp xuống sàn mẫu hạm thì phi cơ vừa vặn hết săng và máy tắt, nhưng Fujita bình an vô sự.
Nagumo được Fuchida báo cáo kết quả của cuộc tấn công. Fuchida cho biết còn một số mục tiêu nữa cần phải triệt hạ và đề nghị Nagumo cho mở một đợt tấn công nữa. Ý kiến của Fuchida không được các cấp chỉ huy khác tán thành, vì họ không muốn các mẫu hạm và phi cơ gặp nguy hiểm nữa vì sức mạnh phòng không của Mỹ rất hữu hiệu, mặc dù các phi cơ Nhật trở về được, đã được tiếp tế nhiên liệu và sẫn sàng cho một cuộc tấn công nữa. Sau khi nghe các ý kiến trái ngược của các sĩ quan chỉ huy không quân, Nagumo kết luận rằng không quân Nhật sẽ gặp nhiều nguy hiểm trong đợt tấn công thứ ba và chưa chắc đã gây được nhiều tổn hại cho Mỹ. Nagumo quyết định ngưng cuộc tấn công. Ðúng 1:30, cờ hiệu trên soái hạm Akagi ra lệnh cho các mẫu hạm quay về hướng nam. Tất cả các mẫu hạm mở hết tốc lực chạy xa khỏi chiến trường.
Quyết định của Nagumo căn cứ vào ý kiến của viên tham mưu của ông là đề dốc Kusaka. Quan điểm của Kusaka lại căn cứ vào các tin tức bắt được các băng tần của Mỹ và biết rằng Mỹ còn nhiều khu trục cơ còn hoạt động được. Các mẫu hạm ở lại lâu tại một nơi nằm trong tầm hoạt động của không lực địch là một điều tối nguy hiểm. Lúc đó các mẫu hạm chỉ cách Trân châu cảng 250 dậm trong khi phi cơ của Mỹ có tầm hoạt động xa tới 600 dậm. Nagumo cũng không thể trông cậy vào các tiềm thủy đỉnh quanh Hawaii để biết tin tức của địch.
Lý do chính khiến Nagumo phải rút quân mau lẹ là vì không còn hy vọng tìm được mẫu hạm Mỹ. Nếu tiếp tục ở lại tìm mẫu hạm Mỹ thì rất có thể chính các mẫu hạm Nhật sẽ trở thành mục tiêu của không quân Mỹ. Mẫu hạm được hải quân Nhật coi rất trọng và hết sức bảo vệ. Vì yêu quý mẫu hạm nên người Nhật đặt cho các mẫu hạm những cái tên rất nên thơ đáng yêu. Sáu mẫu hạm có những tên như Akagi (Lâu Ðài Hồng), Kaga (Niềm Hân Hoan), Soryu (Thanh Long), Hiryu (Phi Long), Shokaku (Con Hạc Bay Vút Lên) và Zuikaku (Con Hạc Hạnh Phúc).
Tuy rút lui một cách vội vàng, nhưng Lực lượng Xung kích của Nagumo đã đạt được những thành quả đáng kể. Trong tổng số 353 phi cơ thuộc sáu mẫu hạm, Nhật chỉ mất có chín khu trục cơ, 15 oanh tạc cơ và năm phi cơ phóng thủy lôi. Về nhân mạng thì 55 binh sĩ Nhật được coi là mất tích. Ðổi lại những tổn thất nhẹ nhàng này, Nhật đã tiêu diệt toàn bộ sức mạnh của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ khi tiêu diệt được tám chiến hạm lớn của Mỹ. Các chiến hạm Arizona, California, và West Virginia bị đánh đắm, chiến hạm Oklahoma bị lật úp, chiếc Nevada bị tổn thất nặng nề, ba chiếc Maryland, Pennsylvania và Tennessee cũng bị hư hại. Ngoài ra các khu trục hạm Cassin và Downes bị cháy, chiếc Shaw bị tổn thất nặng nề. Một số tầu nhỏ khác cũng bị đánh chìm hoặc bị hư hại nặng.
Lý do chính khiến đô đốc Nagumo quyết định không tấn công Trân châu cảng một lần nữa, không có tài liệu rõ ràng và mùa hè năm 1944 Nagumo đã mổ bụng tự tử trong trận hải chiến tại Saipan, đem theo cả câu hỏi lớn lao này đi theo cái chết của ông. Người ta chỉ tìm thấy một tài liệu mô tả vắn tắt lý do của ông như sau:
1. Các đợt tấn công đầu đã gây được những tổn thất cho Mỹ đúng theo bộ tham mưu Nhật mong muốn rồi. Một cuộc tấn công nữa cũng không gây thêm được nhiều tổn thất nữa cho Mỹ.
2. Hệ thống phòng không của Mỹ phản ứng mau lẹ và rất chính xác, mặc dầu bị tấn công bất ngờ. Một đợt tấn công nữa sẽ gặp sự kháng cự ác liệt hơn nữa và như thế thì tổn thất của Nhật sẽ lớn lao hơn nữa. Những tổn thất mới sẽ làm lệch cán cân chiến thắng đã đạt được.
3. Các tin bắt được qua các tần số của Mỹ cho thấy Mỹ còn ít nhất 50 phi cơ nữa còn hoạt động được. Ngoài ra Nhật không biết được các mẫu hạm, tuần dương hạm và tiềm thủy đỉnh của Mỹ ở đâu.
4. Tiếp tục ở lại trong tầm hoạt động của không lực địch có căn cứ trên đất liền là điều bất lợi cho Nhật, đặc biệt là tầm hoạt động của phi cơ Nhật chỉ trong phạm vi 250 dậm, và Nhật phải tùy thuộc vào sự hoạt động của tiềm thủy đỉnh tiền thám trong khu vực Hawaii.
Trong lúc đoàn mẫu hạm của Nagumo rời chiến trường với nhiệm vụ hoàn thành thì các tiềm thủy đỉnh mẹ của Nhật vẫn còn ở lại để thu hồi các tiểu tiềm thủy đỉnh. Trong sự hỗn loạn của cuộc oanh tạc, người ta không biết được số phận của các tiểu tiềm thủy đỉnh. Người ta chỉ biết rằng tất cả năm tiểu tiềm thủy đỉnh của Nhật không trở về được tiềm thủy đỉnh mẹ.
Ít nhất ba tiểu tiềm thủy đỉnh vào được Trân châu cảng nhưng hình như không làm nên chuyện gì cả. Ðô đốc Shimizu, tư lệnh hạm đội tiềm thủy đỉnh, ra lệnh cho các tiềm thủy đỉnh loại I tìm cách vớt những tiểu tiềm thủy đỉnh. Ðầu tiên hai chiếc I-69 và I-68 chờ đợi tại cửa vào quân cảng. Thiếu tá Watanabe chỉ huy chiếc I-69 tới nơi lúc 9 giờ tối, trồi lên mặt nước và chứng kiến cảnh lửa cháy trên chiếc Arizona. Bầu trời Trân châu cảng lúc ấy tắm trong một mầu đỏ của lửa. Trong lúc mải ngắm chiếc Arizona cháy, chiếc I-69 bị ba khu trục hạm Mỹ trông thấy. Watanabe vội cho chiếc I-69 lặn xuống tới 200 feet. Các khu trục hạm Mỹ phóng hỏa lực xuống tấn công chiều sâu, nhưng hỏa lực của Mỹ chỉ công hiệu ở mức độ 100 feet thôi và chiếc I-69 an toàn.
Chiếc I-68 cũng bị một khu trục hạm Mỹ bắt gặp. Khi chiếc I-68 lặn xuống thì đụng phải màng lưới chống tiềm thủy đỉnh. Các thủy thủ Nhật vội tìm cách gỡ chiếc I-68 thì khám phá rằng hỏa lực của khu trục hạm Mỹ đã làm chiếc I-68 chảy dầu. Thiếu tá Nakaoka chỉ huy chiếc I-68 quyết định phải trồi lên, dù có gặp khu trục hạm Mỹ. Nhưng khi trồi lên, chiếc I-68 được màn đêm che kín và những khu trục hạm Mỹ bỏ cuộc không truy nã thêm nữa.
Sau bốn ngày chờ đợi mà không thấy dấu hiệu của các tiểu tiềm thủy đỉnh, các tiềm thủy đỉnh loại I của Nhật đành quay trở về quần đảo Marshalls và về tới nơi đúng lúc ngày Tết đầu năm của người Nhật. Trong số 10 sĩ quan lái 5 chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh tại Trân châu cảng thì 9 người mất tích và tất cả 9 sĩ quan này đều được thăng lên hai cấp và được coi như anh hùng quốc gia. Người duy nhất không được thăng thưởng là thiếu úy Sakamaki. Sakamaki bị hải quân Mỹ bắt sống làm tù binh.
Nhiệm vụ tấn công Trân châu cảng thoạt đầu được phân chia đồng đều cho các tiềm thủy đỉnh và các phi công trên các mẫu hạm. Nhưng chính các phi công hải quân đã hoàn thành tất cả mục tiêu trong khi cuộc hành quân của tiềm thủy đỉnh là một thất bại. Sau cuộc thất bại này, bộ tư lệnh tiềm thủy đỉnh mất mặt và không được chú ý và không được tăng cường nữa. Nhiệm vụ của tiềm thủy đỉnh Nhật sau này bị thu hẹp vào tấn công đường tiếp tế của Mỹ trong các trận đánh tại quần đảo Solomons.
Hải quân Nhật công bố chiến thắng ngoạn mục tại Trân châu cảng như là một kỳ công trong việc bảo vệ hòa bình thế giới. Nhưng khi đô đốc Nagumo yêu cầu thăng thưởng cho 55 phi công tử trận trong cuộc tấn công thì bị từ chối với lý do là số sĩ quan được thăng thưởng quá nhiều. Các phi công của hải quân Nhật rất tức giận khi bộ Tư lệnh Hoàng gia công bố việc đánh đắm chiến hạm Arizona là công của thiếu tá Yokoyama, người chỉ huy các tiểu tiềm thủy đỉnh. Các phi công xác nhận rằng chiếc Arizona bị đợt tấn công của trung tá Shimazaki đánh chìm bằng hai trái bom, nhưng bộ tư lệnh đã cố tình thiên vị làm suy giảm công chiến thắng của các phi công hải quân.
Cuộc tấn công Trân châu cảng đã đạt được những mục tiêu căn bản của Yamamoto là ngăn cản hạm đội Thái bình dương của Mỹ can thiệp vào các cuộc hành quân tại phía nam để chiếm khu vực dầu lửa. Nhưng cuộc tấn công này cũng không đạt được hoàn toàn các điều mong đợi của Yamamoto, vì các hàng không mẫu hạm Mỹ vẫn còn nguyên vẹn. Chính các mẫu hạm Mỹ mới đích thực là mục tiêu khi Yamamoto dự định và đặt kế hoạch tấn công. Các mẫu hạm Mỹ là mối quan tâm lo lắng nhất của Yamamoto vì các mẫu hạm có khả năng đem chiến trường lại gần Nhật bản. Yamamoto vẫn tiếp tục chiến thuật căn bản của ông là kết hợp các phi công ưu tú trên 6 mẫu hạm. Các mẫu hạm này sẽ tập trung sức mạnh khủng khiếp, dụ các mẫu hạm Mỹ ra khơi giao chiến và tấn công hạm đội địch bằng một sức mạnh đè bẹp. Ðó là lý do của các trận hải chiến ác liệt tại biển San Hô và quần đảo Midway sau này.
Về phần Mỹ, trận đánh Trân châu cảng là một chiến bại nặng nề, một bài học không thể quên được. Phải một thời gian khá lâu hạm đội Thái bình dương mới phục hồi lại được, trong khi hải quân Nhật tung hoành tại Thái Bình Dương mà không gặp một cản trở nào. Phải mãi sau khi đô đốc Yamamoto bị tổng thống Roosevelt ra lệnh chặn đường phục kích ám sát rồi, Mỹ mới lấy lại được thế thượng phong.
Trong các chiến hạm Mỹ bị đánh chìm tại Trân châu cảng thì chiếc Arizona là chiến hạm lớn nhất. Ngày nay tại Hawaii có một đài kỷ niệm nơi chiếc Arizona bị đánh chìm. Hàng ngày hàng ngàn du khách được tầu hải quân chở ra đài kỷ niệm để tưởng nhớ các binh sĩ anh dũng của Mỹ đã can đảm chết theo chiến hạm Arizona. Trên đài kỷ niệm, du khách có thể trông thấy chiếc Arizona còn nằm dưới lòng biển, và thỉnh thoảng từng giọt dầu còn sủi lên, mặc dù con tầu đã chìm cách đây hơn một nửa thế kỷ rồi. Thực ra những giọt dầu đó là do một bộ máy người ta đặt ra sau này, cứ vài giây lại nhả ra một vài giọt dầu sủi lên, như là những giọt máu vẫn còn chảy ra từ một vết thương chưa lành, để gây xúc động và khơi dậy lòng ái quốc cho du khách Mỹ.

Trận tấn công Trân châu cảng là một trận đánh rất đáng chú ý trong chiến sử thế giới. Trong trận đánh lớn nhưng ngắn ngủi này, binh sĩ của cả hai phe thù nghịch đều rất đáng kính trọng và ngưỡng mộ vì tinh thần ái quốc và lòng dũng cảm tuyệt vời của họ. Cả hai bên đều hãnh diện đã hoàn thành được nhiệm vụ mà quốc gia giao phó cho họ. Người Mỹ không hề có mặc cảm khi thua trận đánh đầu tiên này, bởi vì được hay thua một trận đánh trong một cuộc chiến dài bốn năm không quan trọng lắm. Chiến thắng trận đánh cuối cùng mới thực là quan trọng, và người Mỹ đã oanh liệt thắng trận đánh cuối cùng trong cuộc chiến tại Thái Bình Dương.



https://www.facebook.com/trungthuy.bui/posts/1749814208366935

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét