Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Tác chiến không gian mạng: Nguy hiểm cận kề, coi chừng "sập bẫy" bất cứ lúc nào

Khi hỏa lực luôn sẵn sàng, chưa kể vũ khí dự trữ, "binh hùng, tướng mạnh"… nhưng sức mạnh chiến đấu ở 3 cấp tê liệt thì chỉ có thể là bị tấn công bởi "Tác chiến không gian mạng".

Tác chiến không gian mạng: Nguy hiểm cận kề, coi chừng "sập bẫy" bất cứ lúc nào
"Nó" là gì?
"Tác chiến không gian mạng" (TCKGM) là sự đối kháng máy tính trên không gian Internet. Mục tiêu của cuộc chiến tranh đó trước hết là phá hoại hoạt động và sự truy cập tự do vào mạng toàn cầu, các tài nguyên của các cơ quan nhà nước, các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp sản xuất.
TCKGM tiến hành việc sử dụng các virus và hoạt động chặn thu, dưới sự kiểm soát của những siêu thủ công nghệ máy tính làm việc phục vụ quốc gia mình.
"Không nhìn thấy hành vi, không nhận biết được trực tiếp đối phương" là một đặc điểm của Tác chiến không gian mạng.
Gần như không bao giờ có thể làm rõ chính xác cụ thể ai là kẻ tổ chức cuộc tấn công mạng, các tin tặc đơn độc, các nhóm tin tặc có tổ chức hay các cơ quan nhà nước. Tất cả các nước trên thế giới đều chịu sự đe dọa này như nhau. Quy mô, mức độ "ác liệt", hậu quả của TCKGM diễn ra ở cả 3 cấp (chiến lược, chiến dịch và chiến thuật).
Tiến sĩ Peter Singer, một nhà chiến lược nói với Business Insider: "Chúng ta đã quen với việc chiến đấu chỉ diễn ra trong một lãnh thổ, khu vực nào đó. Nhưng chúng ta đang có những khu vực mới, mà chúng ta chưa từng chiến đấu tại đó trước đây, và đó là khu vực ngoài không gian và không gian mạng".
Tác chiến không gian mạng: Nguy hiểm cận kề, coi chừng sập bẫy bất cứ lúc nào - Ảnh 1.
Ông Singer giải thích rằng các quốc gia sẽ chỉ làm bốn điều sau trong không gian mạng: thu thập, ăn trộm, chặn và thay đổi thông tin. Tất cả những điều này đều đang diễn ra ngay tại thời điểm này, nhưng không ở quy mô đủ lớn để xem nó như một cuộc chiến tranh mạng trên toàn cầu mà thôi.
Như thế rõ ràng nguy cơ đã hiện hữu xung quanh người lính, sĩ quan chỉ huy ngay lúc này. Có bấm chuông "báo động" không là tùy sĩ quan trực!?
Các chuyên gia an ninh Nga thông tin chia sẻ, các cuộc tấn công mạng được chia thành: Lớp dữ liệu bị phá hủy hoặc bị đánh cắp. Lớp dữ liệu sử dụng bị phần mềm độc hại thay thế. Lớp vật lý, là các cuộc tấn công cơ sở hạ tầng mạng, nhìn thấy được.
Hệ thống mạng máy tính đã trở thành mục tiêu tiến công trọng điểm của các bên tham chiến trong chiến tranh thông tin. Quân đội quốc gia nào có ưu thế về tác chiến mạng máy tính, sử dụng vi-rút máy tính và các hacker để thực hiện tiến công vào hệ thống thông tin, hệ thống mạng chỉ huy của đối phương sẽ giành được ưu thế trên chiến trường.
Điều đó làm cho phương thức tác chiến truyền thống trước đây lấy vũ khí "cứng" làm trung tâm đang có xu hướng chuyển sang tác chiến lấy vũ khí "mềm" là mạng làm trung tâm. Chiến tranh tương lai có sự thay đổi về chất, cả về học thuyết, tư duy chiến tranh, phương thức tiến hành chiến tranh cũng như trong xây dựng lực lượng quân đội.
Tác chiến không gian mạng gồm 3 dạng thức cơ bản là tiến công, phòng thủ và khai thác. Trong tiến công, TCKGM thực hiện phá vỡ các tổ chức thông tin chỉ huy điều khiển, ngăn cản truy cập, phá huỷ thông tin lưu trong máy tính và các mạng máy tính của đối phương.
Ưu điểm của TCKGM là chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống thông tin, chỉ huy tác chiến… của đối phương sẽ bị tê liệt, dẫn đến rối loạn về chỉ huy, hiệp đồng và mất phương hướng tác chiến.
Mặt khác, mọi hoạt động tác chiến của quân đội (nhà) sẽ được điều hành linh hoạt, phương thức kín đáo, uy lực, thủ đoạn tác chiến đa dạng, hiệu quả cao.
Tác chiến không gian mạng: Nguy hiểm cận kề, coi chừng sập bẫy bất cứ lúc nào - Ảnh 2.
Quân đội Nga thực hành diễn tập.
Đơn cử
FBI đã chính thức cáo buộc tin tặc Triều Tiên dính líu đến vụ tấn công mạng Công ty phim Sony Pictures Entertainment để lấy cắp dữ liệu của khiến một số bộ phim chưa xuất bản, dữ liệu công ty lọt ra Internet. Mỹ đang đe dọa áp đặt những biện pháp trừng phạt mới nhân vụ việc này.
Israel là quốc gia "bậc thầy" đánh lừa đối phương, từ khi công nghệ cũ của hệ "tương tự - analog" đang thịnh hành, công nghệ số digital chưa phổ biến. Một chiến dịch được Israel thực hiện vào năm 2007, có tên gọi Chiến dịch Orchard (Chiến dịch Vườn ăn quả), một hoạt động ném bom bí mật nhằm vào các cơ sở hạt nhân bị tình nghi của Syria.
Ông Singer cho biết "Về cơ bản, họ đột nhập vào hệ thống mạng phòng không (số hóa) của Syria. Việc này làm cho màn hình radar trông vẫn hoàn toàn bình thường đối với những người đang theo dõi chúng. Nhưng radar cung cấp cho họ các thông tin sai về tọa độ thực.
Năm 2013, hơn 30.000 máy tính cá nhân ở các ngân hàng và công ty phát thanh, truyền hình Hàn Quốc đã hứng chịu một cuộc tấn công tương tự mà các chuyên gia an ninh mạng coi là xuất phát từ Bắc.
Tại Nga: Tổn thất của hệ thông tài chính-ngân hàng Nga do các vụ tấn công mạng trong năm 2013 là 700 tỷ rúp. Ở quy mô toàn cầu, theo đánh giá của công ty McAffee, tổn thất hàng năm do cuộc chiến tranh này là gần 400 tỷ USD.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tác chiến không gian, Đô đốc Michael Rogers nhiều lần tuyên bố rằng, các địch thủ của nước Mỹ, cả các quốc gia lẫn các nhóm phi quốc gia, thường xuyên tiến hành trinh sát trong các mạng thông tin, tìm cách bẻ khóa và đột nhập vào đánh cắp dữ liệu và phá hoại tính toàn vẹn của chúng nhằm đạt được ưu thế chiến lược trước nước Mỹ.
Tại Đức, chỉ trong 9 tuần đầu năm 2017, các mạng của quân đội Đức đã bị tấn công 284.000 lần, Tướng Ludwig Leinhos cho biết.
Tác chiến không gian mạng: Nguy hiểm cận kề, coi chừng sập bẫy bất cứ lúc nào - Ảnh 3.
Lực lượng tác chiến không gian mạng của Mỹ.
TCKGM nguy hiểm cận kề tới mức, ngay trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa Donald Trump và Putin, Donald Trump đã bàn chuyện thành lập một đơn vị an ninh mạng chung với Nga tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa diễn ra ở Đức, trong bối cảnh rất nhiều chuyện "nước sôi, lửa bỏng".
Tuy nhiên các nhà lập pháp Mỹ phản đối, khiến cho Tổng thống Donald Trump phải rút đề nghị này. Nhưng ông cũng hối thúc G20 có nhiều giải pháp tăng cường an ninh mạng.
Rốt ráo chống đỡ
Các tài liệu nghiên cứu quốc tế cho thấy, Mỹ là nước đi tiên phong trong tác chiến mạng, cả về xây dựng các học thuyết và xây dựng lực lượng.
Mỹ xác định TCKGM là một trong năm phạm vi tác chiến chủ yếu của quân đội trong thế kỷ 21 gồm: trên bộ, trên biển, trên không, trong vũ trụ và TCKGM.
Ngày 23-6-2009, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Chỉ thị thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến TCKGM (CYBERCOM) trực thuộc Bộ Tư lệnh Chiến lược (STRATCOM). Tháng 7-2011, BQP Mỹ đã công bố Chiến lược hoạt động TCKGM.
Ngày 25-5-2011, Quân đội Trung Quốc (PLA) đã tuyên bố thành lập lực lượng đặc nhiệm mạng, gồm 30 chuyên gia có trình độ cao về công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Một số cục chức năng của PLA cũng chịu trách nhiệm tiến công điện tử hoặc thực hiện nhiệm vụ tình báo tín hiệu (SIGINT).
Đội ngũ nhân viên trong các cục này của Trung Quốc có đến hơn 100.000 người, gồm: các nhà ngôn ngữ học, các kỹ thuật viên chuyên thu thập tình báo và khai thác nhiệm vụ dựa trên máy tính… PLA từ một quân đội dựa vào quân số đông dịch chuyển sang lực lượng cơ giới hóa, được liên kết bởi các công nghệ TCKGM tiên tiến.
Tác chiến không gian mạng: Nguy hiểm cận kề, coi chừng sập bẫy bất cứ lúc nào - Ảnh 4.
Hải quân Mỹ biểu dương lực lượng.
Theo báo cáo quốc phòng của nhiều nước, mới chỉ tính đến cuối năm 2008, (cách đây 9 năm), trên thế giới đã có hơn 140 quốc gia có các chương trình phát triển lực lượng và phương tiện TCKGM ở những quy mô khác nhau. Gần 10 năm sau, quy mô của nó lớn bao nhiêu?
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã công bố quyết định thành lập đơn vị TCKGM trụ sở đặt tại Bonn. Nó chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1/4/2017 với tư cách quân chủng thứ 6.
Vào tháng 7/2017, quân số đơn vị này sẽ là 13.500 người. Trong khi Hải quân Đức chỉ có 16.000 quân, Không quân Đức có 28.000 người. Đức coi TCKGM là một quân chủng, có vị thế ngang bằng với các quân chủng khác.
Những cứ liệu nêu trên đây chủ yếu mới là biện pháp tổ chức lực lượng. Còn về giải pháp công nghệ, nói cụ thể hơn là các giải pháp thuật toán thì khó có thể mô tả trong bài viết. Vả lại, nếu có viết lên được cũng là "hàng quá đát", vì công nghệ IT phát triển như gió lốc và người viết không là …hacker. Đành phải chấp nhận như một điều cực bí mật.
Khó khăn đang khắc phục
Như một tất yếu, vạn sự khởi với mọi quốc gia, vấn đề đầu tiên tưởng là "tiền đâu?" Nhưng không! cũng không phải là ý chí, mà lại là nguồn nhân lực. Tiền, kinh phí, ý chí mới chỉ là phương tiện cần, nhưng chưa đủ.
Như ở Đức, lực lượng TCKGM Đức dự kiến đến năm 2021 sẽ có quân số 13.500 quân và thêm 1.500 nhân viên dân sự. Nhưng hiện nay, toàn lực lượng mới chỉ có 260 chuyên gia CNTT.
Quân đội Đức vấp phải vấn đề tuyển quân, mặc dù trong năm 2017 sẽ nhận 1.000 tân binh và 800 chuyên gia CNTT. Thế nên ở Đức, những người lính tác chiến không gian mạng được phép không phải sống trong doanh trại quân đội và không phải dậy lúc 6 giờ sáng, có lịch làm việc tự do và khi muốn có thể làm việc từ nhà.
Số lượng những nhượng bộ mà các vị lãnh đạo quân đội sẵn sàng thực hiện chưa dừng lại ở đó. Dự kiến còn mở đường nhận quân hàm sĩ quan kể cả cho những người đã bỏ học và nhiều thứ khác.
Ở Đức, một chuyên gia giỏi có mức lương khởi điểm đến 120.000 euro. Trong quân đội Đức, may ra chỉ có sĩ quan cấp tướng nhận được mức lương đó. Vì thế, sự cạnh tranh với khu vực tư nhân, nơi có mức lương cao hơn, sẽ rất khốc liệt.
Một chuyên gia về tấn công hacking và bảo vệ mạng thông tin làm việc ở bên dân sự có thể kiếm tiền nhiều gấp 10 lần so với trong quân đội. Do đó quân đội Đức tính việc phải có mưc lương thu hút với các kỹ sư CNNTT, phần lớn họ đều trẻ tuổi.
Theo kế hoạch của Lầu Năm góc, Mỹ, vào năm 2018, họ sẽ hoàn thành xây dựng 3 đơn vị đặc trách không gian mạng). Trong biên chế của các đơn vị này sẽ có 133 đội với tổng quân số 6.200 người.
Hiện nay, CYBERCOM (thuộc STRATCOM) và các bộ chỉ huy tác chiến không gian mạng quân chủng cũng đang rất thiếu về nguồn nhân lực. Có sự cạnh tranh gay gắt từ phía các cơ quan nhà nước và tổ chức tư nhân đưa ra các hợp đồng hấp dẫn hơn.
Ở Mỹ tiền phụ cấp trung bình một năm được ấn định là gần 50.000 USD đối với hạ sĩ quan (hạ sĩ quan và chuẩn úy) và hơn 100.000 USD đối với sĩ quan và chuyên gia dân sự giữ các chức vụ cao. Dự kiến cả việc khuyến khích bằng tiền cho các chuyên gia đang phục vụ trong Lực lượng không gian mạng đặc biệt.
Dường như bước tiến công nghệ hiện đại hóa vũ khí, đã đi nhanh hơn rất nhiều sự phòng ngừa của con người. Mặt bên kia của quá trình số hóa, truyền dẫn và mạng toàn cầu đã " vùng lên, quật lại" chính con người nghĩ ra nó.
Tác chiến không gian mạng khiến mỗi quốc gia lại phải co vào thế "thủ", trước khi tung ra những đòn phòng vệ, tấn công lại đối phương, hay các thế lực thù địch với mình.
Cuộc chiến này còn đang diễn tiến. Hãy tỉnh táo quan sát từng giờ.
http://soha.vn/tac-chien-khong-gian-mang-nguy-hiem-can-ke-coi-chung-sap-bay-bat-cu-luc-nao-20170714173949137.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét