Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Quyền lực quá lớn vào tay cặp kỳ phùng địch thủ, châu Á chuẩn bị biến thành "chảo lửa"?

Nền chính trị của các lãnh đạo mạnh mẽ đã trở lại châu Á khi lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất châu lục là Trung Quốc và Nhật Bản trở nên quyền lực hơn.



Hai nhà lãnh đạo cứng rắn
Tại Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình đã chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai trong vai trò Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ hôm 25/10, với quyền lực lớn hơn hẳn so với nhiệm kỳ đầu, sau khi học thuyết chính trị của ông mang tên "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" được ghi vào Điều lệ đảng này, đánh dấu ông Tập có được địa vị chính trị tương đương với lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông.
Trong khi đó, quyền lực trong tay nội các thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tăng mạnh, sau khi liên minh đảng Tự do Dân chủ (LDP) của ông giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử sớm hôm 22/10.
Giành được 2/3 số ghế trong Quốc hội, ông Abe sẽ giữ chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp kể từ năm 2012, và bước trên con đường trở thành lãnh đạo có ảnh hưởng cũng như nắm quyền lâu nhất tại Nhật từ sau Thế chiến II.
Tuy nhiên, thắng lợi chính trị của ông Tập và ông Abe sẽ không giúp hàn gắn quan hệ song phương đang có nhiều rạn nứt. Thay vào đó, các liên hệ giữa hai nước trong tương lai có thể bị phủ bóng nhiều hơn bởi dấu ấn cá nhân của các lãnh đạo.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 29/10 nhận định, các diễn biến trên chính trường Nhật và Trung Quốc tuần trước cho thấy chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc cực đoan và cạnh tranh quyền lực đã lên cao ở hai nước trong 5 năm qua. 
Tập Cận Bình và Shinzo Abe nổi tiếng là những lãnh đạo cứng rắn ở mỗi nước trong nhiều thế hệ. Sau khi hai ông cùng lên nắm quyền vào năm 2012, quan hệ Trung-Nhật bắt đầu rơi vào thế giằng co căng thẳng, bế tắc, và xuống mức thấp nhất kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972 - một mối quan hệ đối đầu nhiều hơn hòa dịu.
Lo ngại xung đột quân sự bùng phát trên biển Hoa Đông cũng rõ ràng hơn trong vài năm trở lại đây, khi Trung-Nhật cùng tăng cường triển khai tàu chiến, máy bay ngày càng dày đặc xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Chính phủ hai nước tỏ rõ sự cứng rắn trong các lĩnh vực mà họ coi là có lợi ích cốt lõi, từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mâu thuẫn lịch sử Trung-Nhật, tự do hàng hải ở biển Đông, hay đơn giản là tranh giành tầm ảnh hưởng trong khu vực và ở toàn cầu.
Quyền lực quá lớn vào tay cặp kỳ phùng địch thủ, châu Á chuẩn bị biến thành chảo lửa? - Ảnh 1.
Ông Tập Cận Bình (phải) lạnh nhạt và không giao tiếp bằng mắt với ông Shinzo Abe trong lễ đón khách mời tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Trung Quốc, nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2014 tổ chức ở Bắc Kinh (Ảnh: KYODO)
Tương đồng khiến cạnh tranh gay gắt hơn
Dù đến từ hai nước có nền chính trị khác nhau, ông Tập và ông Abe được cho là có nhiều điểm tương đồng về bối cảnh xuất thân, cá tính cho đến quan điểm chính trị.
Hai nhà lãnh đạo đều sinh ra trong những gia đình có truyền thống chính trị, là con trai của những chính khách hàng đầu ở Trung Quốc và Nhật Bản; gia đình đều từng gặp khó khăn trong các biến cố chính trị; họ đều là những chính khách theo hướng dân tộc chủ nghĩa và cứng rắn trong đối ngoại, cũng như theo đuổi con đường "phục hưng quốc gia".
Nhưng những điểm tương đồng này khiến cuộc đối đầu Tập-Abe leo thang chứ không giảm bớt. SCMP cho rằng, việc quyền lực chính trị của hai ông được củng cố sẽ góp phần đẩy nhanh các nghị trình cứng rắn của họ - viễn cảnh có thể tạo ra tác động sâu sắc lên quan hệ song phương, đến hòa bình khu vực và toàn cầu.
Đầu tiên, Trung Quốc và Nhật Bản nhiều khả năng sẽ nỗ lực mở mang tầm ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, và gia tăng quyền lực mềm trên khắp thế giới, từ châu Á, châu Phi, Mỹ-Latin và các nơi khác.
Thứ hai, Tokyo sẽ tăng cường các liên kết quân sự với Mỹ nhằm kìm hãm các hành động trỗi dậy của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Thứ ba, ông Tập và ông Abe có thể cùng cứng rắn hơn trong lập trường của mỗi bên về Triều Tiên.
Thủ tướng Abe tái đắc cử nhờ chính sách của ông được ủng hộ, sau khi Bình Nhưỡng đe dọa "nhấn chìm" Nhật Bản xuống đáy biển, bên cạnh hai vụ phóng tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật ra Thái Bình Dương, cùng cuộc đấu khẩu hàng tháng trời giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump với hàng loạt đe dọa tấn công hạt nhân.
Ông Shinzo Abe cam kết nếu tái cử sẽ đưa Nhật Bản lên vai trò chủ động hơn trong việc hỗ trợ bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ trong khu vực, còn Trung Quốc phản đối gay gắt điều này.
Quyền lực quá lớn vào tay cặp kỳ phùng địch thủ, châu Á chuẩn bị biến thành chảo lửa? - Ảnh 2.
Các tàu trinh sát của Trung Quốc tuần tra ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu NgưChinese (Ảnh: AP)
Thứ tư, giành thắng lợi trong tuyển cử với "siêu đa số" ghế trong Quốc hội cho phép ông Abe đề xuất thay đổi hiến pháp hòa bình sau Thế chiến II - hạn chế quân sự của Nhật ở mức độ tự vệ và từ bỏ quyền tham chiến ở nước ngoài. Đây cũng là những điều Bắc Kinh xem như "ranh giới đỏ" trong quan hệ hai nước.
Thứ năm, trong bối cảnh Trung Quốc cải tổ lớn để xây dựng quân đội hùng mạnh, một phần trong kế hoạch thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa" của ông Tập Cận Bình, thủ tướng Abe có thể thúc đẩy chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Nhật Bản - hiện cũng là một "ranh giới đỏ" ở trong nước và giữa các bên trong khu vực.
Khả năng Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân ngày càng rõ rệt là động lực thúc đẩy không chỉ Nhật Bản, mà cả Hàn Quốc, phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình thay vì chỉ dựa vào "ô bảo hộ" của Mỹ.
Trong những điều kiện như trên, việc điều tiết các lợi ích của Trung Quốc-Nhật Bản, và làm thế nào để hai lãnh đạo Tập Cận Bình-Shinzo Abe vượt qua bất đồng để cùng tồn tại, sẽ trở thành thách thức lớn cho ngoại giao toàn cầu trong những năm tới đây.

http://soha.vn/quyen-luc-qua-lon-vao-tay-cap-ky-phung-dich-thu-chau-a-chuan-bi-bien-thanh-chao-lua-20171030163808065.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét