Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Bất ngờ có thể đến từ Hàn Quốc!

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa biết lúc nào hạ nhiệt. Cộng đồng quốc tế gần như bất lực trước một loạt các vụ phóng thử tên lửa khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, chuyên gia Balbina Hwang, khi trả lời phỏng vấn báo Le Figaro (16/09/2017) cảnh báo nếu Hàn Quốc rút khỏi hiệp ước không phổ biến hạt nhân, cuộc khủng hoảng trên bán đảo sẽ còn thêm nghiêm trọng.

media

LE FIGARO - Kim Jong Un tiếp tục trò thách thức mặc cả. Vậy lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ đi đến đâu ? Yếu tố mới mà tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra là gì trong trò chơi nguy hiểm này ?
Căng thẳng với Bắc Triều Tiên luôn luôn gia tăng theo vết lầy của các vụ Bình Nhưỡng vi phạm những chuẩn mực quốc tế. Thế rồi, những căng thẳng này sẽ bốc hơi cho đến khi lại xuất hiện một sự khiêu khích mới của Bắc Triều Tiên. Tình trạng này đã kéo dài từ nhiều thập kỷ qua, điều này giải thích vì sao Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ra đến 24 nghị quyết về Bắc Triều Tiên. Dường như đã nhiều lần, người ta tưởng rằng tình hình sẽ rơi vào một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn, nhưng điều này chưa bao giờ xẩy ra. Không có yếu tố thực chất nào cho thấy có khả năng xẩy ra một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn.
Donald Trump là một vị tổng thống rất bất thường và dường như ông tự trao cho mình nhiệm vụ xóa bỏ nguyên trạng, nhưng cuối cùng, cái định chế « tổng thống » lại lớn hơn cá nhân con người đang ở phòng Bầu Dục, Nhà Trắng. Tuy nhiên, bán đảo Triều Tiên vẫn là một hồ sơ độc nhất, mối đe dọa duy nhất chưa được giải quyết từ sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 là phép thử đầu tiên về thỏa thuận an ninh tập thể của Liên Hiệp Quốc và cũng là biểu thị quân sự rõ ràng nhất của chiến tranh lạnh. Hoa Kỳ đóng vai người canh gác, để kìm hãm Bình Nhưỡng, đặc biệt là bảo vệ Seoul. Việc thể chế hóa mối quan hệ song phương đặc biệt này đóng vai trò chủ chốt trong những thời kỳ căng thẳng nguy hiểm nhất.
Ai là người làm chủ được cuộc khủng hoảng này ?
Hiển nhiên là Kim Jong Un. Ông ta muốn Bắc Triều Tiên có thể quyết định được vận mệnh đất nước mình, một cách độc lập. Điều này vượt lên trên cả quyết tâm muốn duy trì sự sống còn của chế độ. Bản thân sự tồn tại của Bắc Triều Tiên kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vào năm 1945 (do các nước lớn quyết định) là một ý đồ tạo ra một sự độc lập thực sự, cho dù tình hình địa lý tại đây bị ngự trị bởi các ganh đua của những cường quốc lớn. Công cuộc tìm kiếm chủ quyền đầy viễn vông này là động lực thúc đẩy cách hành xử của hai nước Triều Tiên.
Hoa Kỳ khai thác yếu tố khó lường trong tính cách của Donald Trump để làm cho mọi người dễ tin là có giải pháp quân sự và buộc Trung Quốc phải hành động. Liệu cách thức này có hiệu quả không ?
Các giải pháp quân sự của Mỹ bị thu hẹp, chỉ trong lĩnh vực phòng thủ và răn đe, cho dù về mặt kỹ thuật, khả năng tấn công vẫn có. Tất cả mọi người chỉ trích Donald Trump có những phát biểu hiếu chiến, nhưng các phát biểu này cũng có ích, đó là Hoa Kỳ không bao giờ từ bỏ giải pháp quân sự. Nếu không thì làm sao các đồng minh của Mỹ có thể tin tưởng được. Mỗi lần Hoa Kỳ phô trương cơ bắp quân sự thì Bắc Triều Tiên lại lùi bước, không lùi hẳn hoàn toàn mà vẫn động đậy ở bên bờ vực thẳm. Không có bất kỳ lý do nào để nghĩ rằng điều này thay đổi, bởi vì chế độ Bình Nhưỡng không điên rồ mà rất tính toán.
Liệu Trung Quốc có giải pháp cho vấn đề Bắc Triều Tiên hay không ?
Tôi nghi ngờ vì lợi ích an ninh của Bắc Kinh không trùng hợp với lợi ích an ninh của Mỹ. Trung Quốc không thấy là các giá trị của Bắc Triều Tiên về mặt cơ bản là không thể chấp nhận được. Thậm chí, Bắc Triều Tiên là một chiếc lá nho cần thiết, làm cho Trung Quốc có bộ mặt khả dĩ. Cũng nên thấy là Bắc Kinh bất bình về cân bằng lực lượng tại châu Á, về mặt lịch sử, Trung Quốc coi khu vực này như một hệ thống cấp bậc trên dưới trong đó Trung Quốc là trung tâm.
Trở ngại lớn nhất ngăn cản các ý đồ của Trung Quốc, đó là sức mạnh của Mỹ, hệ thống liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác. Do vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Bắc Triều Tiên, mặc dù Bắc Kinh cho rằng cách hành xử của Bình Nhưỡng là đáng ghét.
Một điểm cơ bản khác là cho dù Bắc Kinh có ảnh hưởng kinh tế to lớn đối với Bình Nhưỡng, nhưng đây không phải là đòn bẩy quyết định. Bắc Triều Tiên thù ghét sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bình Nhưỡng đã phát triển quan hệ trong bóng tối với các tác nhân không phải của Nhà nước Trung Quốc và với các quốc gia khác mà Bắc Kinh không kiểm soát được.
Vậy động lực nào đang diễn ra tại Hàn Quốc ?
Trái ngược với những gì người ta hay nói, Bắc Triều Tiên chắc chắn là tác nhân trong khu vực dễ lường nhất. Đây không phải là trường hợp của Hàn Quốc, đất nước đang có nhiều biến đổi và theo tôi, đây là quốc gia khó lường nhất. Các hành động của tổng thống Moon làm tôi ngạc nhiên (tư tưởng cánh tả đẩy tổng thống Hàn Quốc Moon hướng tới việc làm dịu căng thẳng, thế nhưng ông ta lại đứng về phía Donald Trump).
Đối với cường quốc hiện đại này, ý tưởng tự bảo đảm an ninh xuất hiện. Thế nhưng, khả năng Hàn Quốc ra khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân có thể làm cho hồ sơ Bắc Triều Tiên lan tỏa ra một cách nguy hiểm nhất. Tôi không tin sẽ sớm có một chiến tranh tại châu Á, nhưng cần phải chú ý đến sự sụp đổ của hệ thống phòng thủ chung, dẫn đến hệ quả là Seoul sẽ trang bị vũ khí nguyên tử. Hiệu ứng domino có thể có sức tàn phá ghê gớm.
*****
- Balbina Hwang là chuyên gia về châu Á, giáo sư thỉnh giảng trường đại học Georgetown, tại Washington.

https://www.facebook.com/RFIvi/posts/2091207737571325

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét