Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Hải quân Ấn Độ trước tham vọng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương

Khi chứng kiến các tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện thường xuyên hơn ở Ấn Độ Dương, Hải quân Ấn Độ đang tìm các cách thức mới để giành lợi thế về khả năng chống tàu ngầm. Liệu Hải quân Ấn Độ có thể chống lại một lực lượng tàu ngầm hiện đại của Trung Quốc?
china_2157795b.jpg

Tuần trước, tàu ngầm điện diesel thông thường đầu tiên do Ấn Độ tự chế tự - INS Kalvari - cuối cùng đã bắt đầu hành trình trên biển trong bối cảnh Mỹ-Ấn Độ tăng cường hợp tác theo dõi các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. Chi tiêu quân sự của Ấn Độ hầu như vẫn giữ nguyên trong những năm gần đây khiến cho không chỉ Hải quân mà các lực lượng vũ trang của nước này đều gặp khó khăn. Việc đưa tàu ngầm INS Kalvari, 1 trong số 6 tàu ngầm lớp Scorpene do Ấn Độ chế tạo theo giấy phép của Pháp, vào hoạt động sẽ là động lực phát triển đối với đội tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ. Tuy nhiên, loại tàu ngầm này không được trang bị vũ khí chủ chốt là ngư lôi.
Hải quân Ấn Độ dự kiến mua loại ngư lôi "Cá mập đen" do tập đoàn Finmeccanica của Italy chế tạo nhưng tập đoàn này hiện đang bị Chính phủ Ấn Độ đưa vào danh sách đen vì có hoạt động hối lộ trong thương vụ bán trực thăng cho Ấn Độ trước đây, khiến cho việc mua bán này bị trì hoãn. Vì vậy, tàu ngầm này sẽ không thể hoạt động hiệu quả trong tương lai gần. Ngoài ra, tàu khu trục INS Kochi thuộc lớp Kolkata (thiết kế tối tân nhất của Ấn Độ) mới được Hải quân Ấn Độ đưa vào sử dụng cũng như các loại tàu hộ tống chống tàu ngầm INS Kamorta và INS Kadmatt đều thiếu hệ thống phát hiện tàu ngầm trong thời điểm đưa vào vận hành.
Hải quân Ấn Độ cũng thiếu các trực thăng chống tàu ngầm, có nghĩa là các loại tàu trên phải hoạt động với điều kiện không có sự hỗ trợ trên không cần thiết. Việc mua 16 trực thăng Hải quân Sikorsky S-70B hiện vẫn đang bế tắc trong đàm phán. Mặc dù Hải quân Ấn Độ đã có những cải thiện đáng kể trong việc thuyết phục Chính phủ ủng hộ kế hoạch đóng các tàu chiến mạnh mẽ, song những nỗ lực trang bị loại trực thăng đa chức năng vẫn là vô ích. Điều này làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận các mục tiêu dưới mặt nước của các tàu chiến Ấn Độ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc do thám trên biển của không quân Ấn Độ đã được cải tiến rất nhiều với việc đưa vào sử dụng 8 chiếc trực thăng chống tàu ngầm và tuần tra Boeing Poseidon-8I được triển khai tại các khu vực chiến lược như quần đảo Andaman, quần đảo Nicobar và gần đây là Seychelles.
Trái lại, theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) từ giữa những năm 1990, Trung Quốc đã có 12 tàu ngầm lớp Kilo do Nga đóng và đưa vào sử dụng ít nhất 4 tàu ngầm thế hệ mới tự đóng. Bản báo cáo này cũng trích dẫn nhiều nguồn tin cho rằng ước tính lực lượng tàu ngầm của quân đội Trung Quốc sẽ lên tới 69-78 chiếc vào năm 2020. Các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân (như tàu ngầm lớp Tấn loại 094) và tàu ngầm không trang bị vũ khí hạt nhân (như tàu ngầm lớp Nguyên loại 039A) đã tạo nên sức mạnh ghê gớm cho Hải quân Trung Quốc. Trong khi tham vọng của Trung Quốc gia tăng tại vùng biển Ấn Độ Dương, Ấn Độ cũng ngày càng lo ngại về việc Pakistan đang tiến hành đàm phán mua 8 tàu ngầm chạy bằng điện thuộc lớp Nguyên loại 039A và loại 041 của Bắc Kinh. Cùng với 3 tàu ngầm Agosta thuộc lớp Khalid và 2 tàu ngầm Agosta-70 sẵn có của Hải quân Pakistan, Hải quân Ấn Độ sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa dưới biển trong những năm sắp tới.
Ông Ashley Tellis - nhà phân tích chiến lược về các vấn đề an ninh quốc tế, quốc phòng và châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment - gần đây tranh luận rằng ngân sách quốc phòng eo hẹp của Ấn Độ cho thấy nước này không thể đáp ứng những kế hoạch phòng vệ mà nước này đã tuyên bố và nó sẽ hạn chế năng lực của Ấn Độ trong khu vực. Có được năng lực quân sự lớn cùng với những chính sách khôn khéo là chìa khóa cho những tham vọng của Ấn Độ. Việc đáp ứng nhu cầu của quân đội trong phạm vi ngân sách eo hẹp vẫn là một thách thức trong bối cảnh vẫn còn những quan ngại về tình hình tài chính của Ấn Độ. Do đó, việc phối hợp với Mỹ và các đối tác khu vực trong việc chống tàu ngầm tại Ấn Độ Dương sẽ giúp Hải quân Ấn Độ hạn chế được những yếu kém về khả năng chống tàu ngầm cũng như tối ưu hóa các vũ khí và năng lực sẵn có của Ấn Độ.
Những thách thức an ninh và vấn đề ngân sách sẽ tác động tới định hướng hợp tác biển của Ấn Độ. Tuy nhiên, khả năng sẵn sàng chiến đấu và những nỗ lực tăng cường tiềm lực quốc phòng của Ấn Độ cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc xây dựng một mạng lưới thu mua, chế tạo, cải tiến các phương tiện quân sự nhằm hiện đại hóa quân đội nước này. Xem xét vai trò quan trọng của Ấn Độ Dương đối với an ninh quốc gia của Ấn Độ và tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc, Ấn Độ phải điều chỉnh và nâng cao năng lực chống tàu ngầm của mình để đảm bảo môi trường an ninh khu vực.
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/5887-hai-quan-an-do-truoc-tham-vong-cua-trung-quoc-o-an-do-duong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét