Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Hạm đội Nam Hải và những lực lượng của Trung Quốc có thể tham chiến ở khu vực biển Đông

1- Tiềm lực quân sự của Trung Quốc:
Từ năm 2004 đến nay, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng trung bình hàng năm từ 7,8 đến trên 13 %. Theo công bố của Chính phủ Trung Quốc, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2012 là 670 tỷ NDT (tương đương 106,4 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2011, gấp 9 lần so với năm 2003 (12,9 tỷ USD). Năm 2013, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đạt 130 tỷ USD, chiếm 2% tổng GDP của Trung Quốc. Năm 2014, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tiếp tục tăng 12,2% so với năm 2013, lên mức 808,23 tỷ nhân dân tệ (tương đương 131,57 tỷ USD). Năm 2015, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tiếp tục tăng 10,1%, đạt mức 144 tỷ USD. Trong cơ cấu đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc, hải quân và tên lửa chiến lược (Trung Quốc gọi là đệ nhị pháo binh) là hai lực lượng được đầu tư nhiều hơn cả. Điều này thể hiện tham vọng muốn chiếm ưu thế trên biển, phục vụ cho chính sách “phá vòng kim cô” của Trung Quốc; đồng thời, phát triển tên lửa hạt nhân làm đối trọng răn đe với Mỹ và Nga.
Trong những năm “trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc vẫn âm thầm hiện đại hóa quân đội dựa trên sự phát triển nhanh và nóng của nền kình tế. So với năm 1979, Quân đội Trung Quốc giảm khoảng 35% quân số nhưng sức mạnh đã tăng lên nhiều lần nhờ được trang bị các loại vũ khí hiện đại. Tổng quân số lực lượng vũ trang chính quy là 2,3 triệu người. Tổng quân số dự bị động viên cục bộ là 10 triệu người. Tổng quân số dự bị động viên toàn quốc: 198,4 triệu người. Ngoài ra, Trung Quốc còn có các lực lượng bán vũ trang chính quy và không chính quy gồm: Cảnh sát vũ trang có 110.000 người. Dân quân, dân cảnh có 3.000.000 người. Các đơn vị đặc biệt thuộc Bộ An ninh có 50.000 người.
Riêng Hải quân Trung Quốc (PLAN) được đầu tư nhiều vũ khí mới, hạm tàu mới, kể cả tàu ngầm và tàu sân bay. Nhiều tàu chiến thuộc thế hệ cũ như các lớp khinh hạm Lữ Hộ, Lữ Đại, các lớp tàu tên lửa kiểu cũ Hồ Bắc đã được bàn giao cho các lực lượng bán vũ trang như Hải giám, Ngư chính, Tuần ngư sau khi tháo dỡ những vũ khí hạng nặng. Thay thế vào đó là các khinh hạm và khinh tốc hạm hiện đại hơn gồm các tàu 054 và 054A (Lớp Giang Khải). Trong 20 năm gần đây, Trung Quốc tích cực phát triển các loại tàu hộ vệ tên lửa kiểu 053 (lớp Giang Hộ), 053H2G (lớp Giang Vỹ), 053H3 (lớp Giang Vỹ II), phát triển các khu trục hạm lớp Lương và Lương II (Type 052B và 052C) dần thay thế cho các tàu khu trục lớp Lữ Hải (051B) và Lữ Châu (051C). Hải quân Trung Quốc vẫn duy trì sử dụng các khu trục hạm lớp Sovremenny 956/956M mua của Liên Xô cũ (Trung quốc gọi là lớp Hạng).
Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc cũng được đầu tư rất mạnh. Hạm đội tàu ngầm chiến lược mang tên lửa hạt nhân gồm 4 chiếc lớp Hán (Type 091), 1 chiếc lớp Hạ (Type 092), 4 chiếc lớp Thương (Type 093) và 4 chiếc lớp Tấn (Type 094). Hạm đội tàu ngầm diesel – điện của hải quân Trung Quốc chủ yếu gồm ba loại: 12 chiếc lớp Kilo (mua của Liên Xô cũ), 14 chiếc lớp Tống và 2 chiếc lớp Nguyên (tự đóng theo mẫu tàu lớp Kilo), 17 chiếc lớp Ming (tự đóng theo mẫu tàu lớp Romeo). Binh chủng Hải quân đánh bộ của Trung Quốc cũng có 29 tàu đổ bộ kiểu LST các lớp Vũ Khang, Vũ Đình II và Vũ Đình III, 2 tàu đổ bộ LSM lớp Vũ Đảo và Vũ Đăng, 6 tàu đổ bộ tấn công các lớp Hùng Sa và Hùng Sa AH. Từ năm 2012 Trung Quốc đã đưa vào hoạt động tàu sân bay Liêu Ninh (tên cũ là Thi Lang) vốn là khung tàu sân bay Varyak của Liên Xô (cũ) đang đóng dở.
Hải quân Trung Quốc có ba hạm đội: Bắc Hải (có Sở chỉ huy chính tại Thanh Đảo, Sơn Đông), Đông Hải (có Sở chỉ huy chính tại Ninh Ba, Chiết Giang) và Nam Hải (có Sở chỉ huy chính tại Trạm Giang, Quảng Đông). Trước những năm 1990-2000, Hạm đội Đông Hải là hạm đội mạnh nhất. Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XXI, Hải quân Trung Quốc đã dồn tiền của đầu tư cho Hạm đội Nam Hải trở thành hạm đội mạnh nhất để phục vụ cho mục tiêu độc chiếm Biển Đông.
2- Hạm đội Nam Hải – Chủ lực của Hải quân Trung Quốc ở khu vực Biển Đông:
Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc có Bộ Tư lệnh đóng tại căn cứ Trạm Giang, phía Đông bán đảo Lôi Châu (trước năm 1990, Bộ tư lệnh hạm đội này đóng tại Quảng Châu). Tư lệnh hạm đội là Phó đô đốc Tưởng Vĩ Liệt. Chính ủy là tướng Nghị Thiên. Các phó tư lệnh gồm Triệu Tân Niên, Hứa Thiên Bối, Đường Minh Lâm, Dương Chí Thành, Hàn Lâm Chí. Tàu chỉ huy của hạm đội (soái hạm) là tuần dương hạm Nam Xương (lớp 935). Tổng quân số của hạm đội này khoảng trên 95.000 người.
Lực lượng tàu nổi của hạm đội Nam Hải đóng tại các căn cứ Trạm Giang, Quảng Châu, Du Lâm (trên đảo Hải Nam), Hải Khẩu, Sán Đầu, Mã Vỹ, Bắc Hải và khu Ngang Thuyền Châu (Căn cứ đồn trú của hải quân Trung Quốc tại Hồng Kông). Ngoài soái hạm Nam Xương có trọng tải 23.000 tấn, lực lượng tàu nổi của hạm đội này gồm các đơn vị:
– Lữ đoàn đặc nhiệm 91562 đóng tại Trạm Giang gồm các khu trục hạm 161 Trường Sa thuộc lớp Lữ Đại I, 163 Nam Xương và 164 Quế Lâm thuộc lớp Lữ Đại D, 166 Chu Hải thuộc lớp Lữ Đại II, 167 Thẩm Quyến thuộc lớp Lữ Hải, các hộ tống hạm 558 Tư Cống thuộc lớp Giang Hồ I, 552 Nghị Bình, 564 Nghi Xương, 565 Du Lâm, 566 Vũ Tây và 567 Hương Phiên thuộc lớp Giang Vệ II.
– Lữ đoàn đặc nhiệm 91561 đóng tại Quảng Châu gồm các khu trục hạm 139 Ninh Ba, tên cũ là Lưu Hoa Thanh, thuộc lớp Sovremenny, 162 Nam Ninh và 165 Trạm Giang thuộc lớp Lữ Đại II, 168 Quảng Châu thuộc lớp Quảng Châu, các hộ tống hạm 509 Trường Đức, 551 Mao Minh, 553 Chiêu Quân, 554 Ân Thuận và 555 Chiêu Đồng thuộc lớp Giang Hồ I.
– Lữ đoàn đặc nhiệm 91458 đóng tại Hải Khẩu gồm các khu trục hạm 169 Vũ Hán thuộc lớp Quảng Châu, 170 Lan Châu và 171 Hải Khẩu đều thuộc lớp Lữ Dương II, các hộ tống hạm 557 Kế Thủ, 559 Bắc Hải, 560 Đông Quan, 561 Sán Đầu, 562 Giang Môn và 563 Phật Sơn thuộc lớp Giang Hồ I.
Lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải gồm cả tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm diesel – điện đóng tại các căn cứ Tam Á và Du Lâm, gồm có:
– Lữ đoàn tàu ngầm chiến lược số 1 gồm các ngầm hạt nhân (SSBN) gắn tên lửa chiến lược (ICBM): 1 chiếc 092 lớp Hạ và 4 chiếc 094 lớp Tấn, đóng tại căn cứ Tam Á, chiếm hơn 1/3 số tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc. Lữ đoàn này còn có hai tàu ngầm lớp Romeo và lớp Tống. Việc sử dụng lữ đoàn này phải được sự đồng ý của Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
– Lữ đoàn tàu ngầm xung kích số 32 đóng tại căn cứ Du Lâm gồm 6 tàu ngầm lớp Ming mang số hiệu 305, 306, 307, 308, 309, 310, 4 tàu lớp Romeo, 2 tàu lớp Tống và 1 tàu lớp Kilo.
Không quân của Hạm đội Nam Hải gồm đủ các loại máy bay ném bom, cường kích chống hạm, chống ngầm, tiêm kích, trinh sát cảnh báo sớm, cứu hộ, vận tải. Lực lượng này có các sân bay tại Trạm Giang, Hải Khẩu, Linh Linh, Linh Thủy, Lôi Dương, Gia Lai Thức, Lạc Đông, Du Lâm, Tam Á và Phú Lâm (trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), được trang bị trên 400 máy bay các loại. Biên chế gồm có:
– Trung đoàn ném bom số 8 thuộc Sư đoàn 3 có căn cứ tại Trạm Giang, được trang bị các loại máy bay ném bom H-6D, H-6U (copy mẫu máy bay Tu-16 của Liên Xô), máy bay ném bom J-10 (copy mẫu máy bay Mirage-2000 của Pháp), máy bay tiêm kích-bom JH-7 (phát triển từ mẫu MiG-21), các máy bay tiêm kích-bom J-11 (copy mẫu Su-27) và Su-27/30 (mua của Nga).
– Trung đoàn tiêm kích 22 thuộc Sư đoàn 3 đóng căn cứ tại Hải Khẩu được trang bị các máy bay J-7 (copy mẫu MiG-21) và Su-27, Su-30MKK.
– Trung đoàn tiêm kích 24 thuộc Sư đoàn 3 đóng căn cứ tại Gia Lai Thức được trang bị các máy bay J-7.
– Trung đoàn tiêm kích 25 thuộc Sư đoàn 9 đóng căn cứ tại Linh Thủy, được trang bị các loại máy bay tiêm kích J-8B, J-8D (copy mẫu máy bay Su-15 của Liên Xô).
– Trung đoàn ném bom 27 thuộc Sư đoàn 9 đóng tại căn cứ Lạc Đông được trang bị các máy bay tiêm kích-bom JH-7A.
– Trung đoàn ném bom số 5 thuộc Sư đoàn 2 đóng tại Lôi Dương được trang bị các máy bay ném bom HZ-5 (copy mẫu máy bay ném bom IL-28 của Liên Xô).
– Trung đoàn vận tải đóng căn cứ tại Hải Khẩu.
– Các trung đoàn trực thăng được trang bị các máy bay trực thăng vận tải Z-8, được chế tạo theo mẫu máy bay SA 321 Super Frelon của Pháp và trực thăng cường kích Z-9 do Trung Quốc tự chế tạo.
Hải quân đánh bộ thuộc Hạm đội Nam Hải có Sư đoàn 1 và Sư đoàn 164. Mỗi sư đoàn gồm 3 trung đoàn hải quân đánh bộ cơ giới hóa, 1 trung đoàn pháo, 1 trung đoàn tăng-thiết giáp lội nước, các tiểu đoàn đặc công người nhái, công binh, phòng hóa, thông tin. Lực lượng tàu đổ bộ gồm 3 tàu đổ bộ đa năng cỡ lớn loại 071 lớp Ngọc Chiêu; 11 tàu LST loại 072II lớp Ngưu Tinh, 7 tàu LST loại 071I lớp Ngưu Cán, 4 tàu LSM lớp Ngưu Đẩu. Năm 2013, Hạm đội này được cấp thêm loại 4 tàu đổ bộ đệm khí cao tốc lớp ZURB mua của Nga.
Hạm đội Nam Hải còn sở hữu một tiểu đoàn tên lửa bờ được trang bị các loại tên lửa “Shang Yo” (copy mẫu P-15 Termit của Liên Xô) và 3M-54 Klub K (mua của Nga); một trung đoàn phòng không và 1 lữ đoàn radar hỗn hỗn hợp đối không và đối hải.
Lực lượng hải quân trợ chiến của Hạm đội Nam Hải gồm 4 tàu quét mìn lớp 081: 841 Hiếu Nghĩa, 842 Thái Sơn, 843 Trường Thục và 844 Hạc Sơn. Ngoài ra còn có 04 tàu vận tải, tiếp liệu mang các số hiệu 885, 886 lớp Hùng Sa, 887 lớp Quan Độ, 973 lớp Vĩ Sơn và Tàu bệnh viện lớp Hùng Sơn.
Nam Hải
Các căn cứ của Hạm đội Nam Hải.
Nam Hai1 
Cửa vào hầm ngầm của căn cứ tàu ngầm Tam Á.

Nam Hai2
Căn cứ tàu ngầm Du Lâm.
 NamHai1
 Căn cứ Trạm Giang, nơi đóng Sở Chỉ huy trung tâm của Hạm đội Nam Hải
NamHai2
Cầu tàu tại căn cứ quân sự liên hợp Tam Á.
NHai
Tàu hộ vệ Nghi Xương lớp Type 053-H3 tại quân cảng.
Cùng đóng trên địa bàn có các căn cứ của Hạm đội Nam Hải còn có Đại quân khu Quảng Châu bao gồm các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây; có quân số khoảng 180.000 người của các tập đoàn quân 41 và 42, các sư đoàn bộ binh cơ giới phản ứng nhanh 123 và 124 với 53.028 người; các sư đoàn không quân số 7 và 15. Những lực lượng này có thể phối hợp tác chiến với Hạm đội Nam Hải trên vùng ven biển.
Tuy không nằm trong thành phần Hạm đội Nam Hải nhưng Trung Quốc đã duy trì tại Biển Đông một số lực lượng bán vũ trang lớn như Hải giám, Ngư chính và Tuần Ngư với hơn 120 tàu thuyền các loại có lượng dãn nước từ vài trăm tấn đến dưới 1.200 tấn. Các tàu này được trang bị vũ khí bộ binh hạng nhẹ. Các nhân viên trên tàu phần lớn là quân nhân hoặc lính nghĩa vụ quân sự của hải quân đã xuất ngũ. Trong thời bình, lực lượng này là nhiệm vụ kiểm tra, truy bắt, xua đuổi các tàu đánh cá của nước ngoài. Trong tình huống chiến tranh, lực lượng này có thể được động viên vào thành phần Hạm đội Nam Hải hoặc tham gia tác chiến độc lập và bảo vệ những vùng nước xung quanh các đảo đã chiếm được hoặc tham gia bảo vệ các căn cứ hải quân.
3- Quan điểm của các giới quân sự và dân sự Trung Quốc về vấn đề Biển Đông:
– Quân đội:
Hầu như tất cả tướng lĩnh cao cấp trong quân đội Trung Quốc đều có cùng quan điểm về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên “đường lưỡi bò”. Trong các giới, các tầng lớp ở Trung Quốc, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) mà chủ yếu là giới tướng lĩnh đã tỏ thái độ hung hăng nhất trong các tuyên bố của họ về vấn đề Biển Đông. Điển hình trong số này là Trung tướng Thích Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và các tướng La Viện, Bành Quang Khiêm, Trương Triệu Trung, Chu Thành Hổ (cháu nội nguyên soái Chu Đức), Chu Hòa Bình (Phó viện trưởng Viện Khoa học không quân), Doãn Trác, Kim Nhất Nam.v.v…
Tuy nhiên, trong giới tướng lĩnh Trung Quốc cũng có một số người tỏ ra cân nhắc, tính toán tỉnh táo hơn khi bàn luận về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tướng Trần Hổ, nhà nghiên cứu quân sự, tổng biên tập tạp chí “Quân sự thế giới” của Trung Quốc từng nhận định: “Ai chiến thắng trong xung đột này cũng chỉ có lợi cho Mỹ”. Nhiều học giả Trung Quốc đã tỏ ra quan ngại trước tình hình Biển Đông ngày một nóng lên. Theo họ, tốt nhất là nên quay lại chính sách “trỗi dậy trong hòa bình” trước đây để “không đánh mà thắng”
– Ngoại giao:
Trong vấn đề Biển Đông, giới ngoại giao Trung Quốc cũng có những phản ứng khác nhau nhưng đa phần đều lên tiếng khẳng định cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Điển hình cho những giọng nói đe nẹt kiểu nước lớn là Hồng Lỗi, một trong các phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trong các hoạt động đối ngoại để giải quyết các tranh chấp, Trung Quốc luôn có hai nguyên tắc. Một là đàm phán song phương, không đàm phán đa phương. Với chiến thuật này, họ muốn “bẻ đũa từng chiếc” trong số các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Hai là tránh quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Họ thường “khuyên” những nước không liên quan đến Biển Đông không nên can dự vào. Lý do là họ không có quyền lợi gì ở đó. Tuy nhiên, điều này đã bị nhiều nước trên thế giới bác bỏ vì Biển Đông cần được đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải. Bất cứ một hành động gây hấn ở Biển Đông dù là của bất kỳ nước nào cũng sẽ có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
– Doanh nhân và dân chúng:
Giới doanh nhân Trung Quốc (trừ giới doanh nhân trong quân đội) thường đứng ngoài các vấn đề tranh chấp quân sự ở Biển Đông. Đa phần trong số họ vẫn ủng hộ trường phái “trỗi dậy trong hòa bình” để có nhiều cơ hội làm ăn, kiếm lời.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, một phụ bản của Nhân dân nhật báo (Tờ báo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) số ra ngày 29 tháng 5 năm 2012 đăng kết quả khảo sát của báo này tại 7 thành phố lớn ở Trung Quốc thì có 60% số người trên 15 tuổi được hỏi (trong số 1.482 phiếu trả lời hoàn chỉnh) cho biết họ tin rằng cuộc chiến ở Biển Đông (tức Nam Hải, theo cách gọi của Trung Quốc) sẽ không diễn ra hoặc khả năng xảy ra xung đột quân sự là không lớn; 80% số người được hỏi nói trên cho rằng cần có hành động đáp trả bằng quân sự của Trung Quốc trong trường hợp có các hành động khiêu khích và vi phạm cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. 80% nickname trên cộng đồng mạng của Trung Quốc hoàn toàn hiểu sai về Việt Nam và Biển Đông.
Song song việc tăng cường lực lượng quân sự cho Hải quân nói chung và Hạm đội Nam Hải nói riêng, Trung Quốc đã cho ban hành cuốn sách trắng, giới thiệu chiến lược quân sự mới của Trung Quốc. Trong đó, đáng chú ý nhất là tuyên bố “Trung Quốc sẽ trung thành với sự phát triển hòa bình nhưng sẽ áp dụng chiến lược “phòng thủ tích cực”. Cụm từ này có thể được hiểu là nước này dành cho mình quyền không thể tranh cãi là phản công chứ không phải chỉ phòng ngự trong trường hợp bị tấn công. Theo đó, hải quân và không quân Trung Quốc sẽ được huấn luyện và chuẩn bị không chỉ cho các chiến dịch phòng ngự mà là còn cho cả các chiến dịch tấn công. Cuốn sách này cũng chứa đựng tuyên bố thẳng thừng của Trung Quốc về mục tiêu trở thành một cường quốc quân sự biển, buộc dư luận suy nghĩ về khả năng xảy ra chiến tranh.
Không ai muốn chiến tranh. Chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng trong tất cả các giải pháp, khi không còn giải pháp nào khác để giải quyết mâu thuẫn. Và nói như Mao Trạch Đông: “Chiến tranh là chính trị có đổ máu”. Việt Nam luôn kiên trì “ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa” trong vấn đề Biển Đông, vẫn tranh thủ từng giờ, từng phút, từng cơ hội nhỏ để níu kéo, cố gắng giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để yên ổn làm ăn, phát triển kinh tế. Nhưng, nếu đối thủ không chịu buông, không chịu lùi bước và dùng sức mạnh quân sự để đánh chiếm thì Việt Nam cũng không ngán ngại để bước vào cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc như chúng ta đã làm vào năm 1979, năm 1984 và 1988.
 Minh Tâm Nguyễn
http://danchuonline.com/ham-doi-nam-hai-va-nhung-luc-luong-cua-trung-quoc-co-the-tham-chien-o-khu-vuc-bien-dong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét