Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Biển Đông có nguy cơ trở thành vũ đài của Chiến tranh Thế giới thứ 3

Hơn một tuần qua, tình hình Biển Đông nhanh chóng "tăng nhiệt". Thay đổi chủ yếu là việc Mỹ thực sự bắt đầu can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Bối cảnh của động thái trên là việc Trung Quốc gia tăng tốc độ cải tạo và xây dựng đảo ở khu vực này. 

Trong tương lai sẽ xuất hiện những tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông với mục đích gia tăng mạnh mẽ năng lực quản lý, kiểm soát vùng biển này. Tình trạng đối đầu chính thức ở Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rõ nét khiến vùng biển này đang đứng trước nguy cơ trở thành "kho thuốc súng" làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ 3. 
Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã xảy ra từ lâu. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo, vùng biển trong phạm vi cái gọi là "Đường 9 Đoạn", vốn chiếm 3/4 diện tích Biển Đông và do nước này tự ý vạch ra. Từ tháng 3/2014 đến nay, Trung Quốc tiến hành bồi đắp, cải tạo ít nhất 7 đảo, rạn san hô ở Biển Đông bao gồm: bãi Đá Vành Khăn, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập... với diện tích hơn 800 hécta, đồng thời lắp đặt trang thiết bị quân sự tại đây như cứ điểm quan trọng, chống pháo, radar, trang thiết bị thông tin liên lạc, bãi đỗ máy bay trực thăng, cầu cảng... Trong đó, công trình trên bãi đá Chữ Thập bao gồm đường băng cho máy bay chiến đấu với chiều dài khoảng 3km, dự kiến hoàn thành vào năm 2017-2018. Một khi công trình này hoàn thiện sẽ nâng cao năng lực phòng ngự, tấn công của Trung Quốc ở Biển Đông. Diễn biến này khiến Mỹ cảm nhận được nguy cơ to lớn. 
Cho đến nay, việc Mỹ can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông rõ ràng được tiến hành theo 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là cảnh cáo bằng lời, và động thái của Quốc hội Mỹ vào năm 2014 mở đường cho việc can thiệp bằng sức mạnh quân sự trong tương lai. Tháng 5/2014, Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan “Hải Dương-981” ở vùng biển cách đất liền Việt Nam 220 km. Sau đó, tháng 7/2014, Mỹ đưa ra 3 kiến nghị cụ thể nhằm đóng băng các hành động khiêu khích của các bên có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm: chấm dứt xây dựng tiền đồn quân sự mới, chấm dứt viếc xây dựng trên các hòn đảo và chấm dứt các hành động đơn phương nhằm vào hoạt động kinh tế của đối phương ở khu vực xảy ra tranh chấp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ đưa ra kiến nghị cụ thể nhằm hóa giải xung đột ở Biển Đông.
Thượng viện Mỹ cũng thông qua Nghị quyết số 412 nhằm ủng hộ chính sách của chính phủ Mỹ sử dụng phương thức ngoại giao để giải quyết vấn đề tự do hàng hải và tranh chấp lãnh thổ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đồng thời lên án bất kỳ hành động nào có ý đồ làm thay đổi hiện trạng như: uy hiếp, sử dụng vũ lực và lợi dụng máy bay quân sự, máy bay dân dụng gây trở ngại đối với tự do hàng không trong không phận quốc tế. Ngoài ra, Mỹ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế thực hiện "Vùng Nhận dạng Phòng không" (ADIZ) trên Biển Hoa Đông mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố hồi cuối tháng 11/2013. 
Giai đoạn thứ hai là Mỹ bắt đầu các hành động can thiệp thực sự vào Biển Đông trong tháng 5/2015. Từ ngày 11/5 vừa qua, Mỹ phái tàu chiến ven biển USS Forth Worth (LCS-3), một trong những chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, tới tuần tra ở Biển Đông, đồng thời phái một máy bay trinh sát không người lái và một trực thăng Seahawk để tuần tra vùng trời ở các vùng biển có liên quan. Đây là lần đầu tiên Mỹ phái tàu chiến tới tuần tra ở khu vực đang có tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Động thái này của Mỹ nhằm gia tăng sức ép đối với Trung Quốc, đồng thời kiềm chế và đáp trả khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông. 
Tuy nhiên, động thái của Mỹ hiện mới chỉ dừng lại ở việc tuần tra nên không thể ngăn cản được Trung Quốc tiếp tục "xây đảo" và lắp đặt hệ thống quản lý, giám sát quân sự ở Biển Đông. Trừ khi Mỹ nâng tầm vấn đề lên thành nghi ngờ đối với chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc, bao gồm phủ định hoàn toàn tính chính đáng của "Đường lưỡi bò" (hay đường chữ U) mà Đại lục và Đài Loan công nhận thì mới có khả năng phối hợp lập trường mới, triển khai toàn diện hàng loạt hành động bao vây nhằm ngăn cản Trung Quốc tiếp tục "bành trướng" ở Biển Đông. Kịch bản này nếu diễn ra đồng nghĩa với việc chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông đã có sự thay đổi to lớn bởi lập trường nhất quán của Washington luôn là: duy trì thái độ trung lập đối với vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. 
Các nước lớn hàng đầu thế giới gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn đối với việc bảo vệ hòa bình của nhân loại, điều này không có sự khác biệt đối với Mỹ hay Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông phức tạp, Trung Quốc, Mỹ và các bên có liên quan tới chủ quyền ở Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan nên ngồi lại, tái xây dựng cơ chế hiệp thương, tìm kiếm con đường hòa bình để giải quyết vấn đề. Đây mới là con đường đúng đắn. 
Tác giả Lâm Tuyền Trung, chuyên gia nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu Sử cận đại, thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan đăng trên tờ "Minh báo" (Hong Kong).
Thuỳ Anh (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/4934-bien-dong-co-nguy-co-tro-thanh-vu-dai-cua-chien-tranh-the-gioi-thu-3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét