Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Học thuyết quân sự Tây Thái Bình Dương kiềm chế Trung Quốc

Các chính trị gia và các chiến lược gia Mỹ dự đoán rằng, trong những năm tới là cuộc chạy đua sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ.  Dự đoán đó dựa trên cơ sở đối ngoại chính trị cứng rắn và đòi hỏi chủ quyền mạnh mẽ của Trung Quốc cũng như tiến trình hiện đại hóa của Quân đội Nhân dân Trung Hoa (PLA), được thể hiện rất rõ nét những năm gần đây.

Năm 2010, các chuyên gia quân sự Mỹ đã phân tích và đi đến kết luận rằng: sự có mặt của quân đội Mỹ trên khu vực Trung Cận Đông đã làm suy giảm ảnh hưởng của Washington trên khu vực phía Tây Thái Bình Dương, khu vực có ý nghĩa sống còn đối với lợi ích kinh tế của Mỹ. Đồng thời sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc dẫn đến khả năng mất vị thế lãnh đạo của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Kết quả là sự cô lập và vô hiệu hóa các căn cứ quân sự Mỹ, buộc Mỹ phải lui về thế phòng thủ bị động và chia sẻ quyền lợi trên vùng nước Hoa Đông và Biển Đông.
Chiến tranh như một học thuyết quân sự
Câu trả lời cho Trung Quốc là Hệ thống tư tưởng chiến lược “tác chiến không – biển” phía tây Thái Bình Dương (Air – Sea Battle Operational Concept), những khái niệm cơ bản của tư tưởng chiến lược này được phát triển tại Trung tâm phân tích và đánh giá Chiến lược và Ngân sách (Center for Strategic and Budgetary Assessments) cho những hoạt động của Không quân và Hải quân Mỹ.
Tháng 1/2012, Lầu Năm góc đã tổ chức Văn phòng phân tích toàn diện và đưa vào thực tế Tư tưởng chiến lược này. Hệ thống hóa tư tưởng chiến lược (Air – Sea Battle Operational Concept) như một Học thuyết quân sự là hành động đáp trả những thách thức từ phía Trung Quốc.
 
 Sơ đồ tuyến phòng ngự của không quân hải quân Mỹ
Sơ đồ tuyến phòng ngự của không quân hải quân Mỹ
Nguyên nhân cơ bản hình thành “Tác chiến không biển”
Sau thời gian ẩn mình, Trung Quốc đã nhanh chóng hiện đại hóa quân đội và chế tạo rất thành công các loại vũ khí, trang thiết bị công nghệ cao.
Với các phương tiện chiến đấu và các loại vũ khí hiện đại đa tầm, Trung Quốc có khả năng làm suy giảm quyền kiểm soát trên các tuyến vận tải đường không và đường biển then chốt của Mỹ, thuật ngữ được sử dụng trong chiến dịch chiến thuật là (anti – access /area denial capabilities– rút gọn là: khả năng A2/AD).
Khu vực quan trọng sống còn đối với quân đội Mỹ là biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Malacca, qua đó có từ 25% đến 40% vận tải thương mại hàng hải thế giới.
Hệ thống tư tưởng tác chiến “Không – biển” có mục đích phân tích đánh giá một cách khách quan tương quan lực lượng trong một cuộc chiến tranh lý thuyết cân xứng (lực lượng không quân hải quân Mỹ và lực lượng quân đội Trung Quốc).
Khả năng A2/AD của Trung Quốc có thể lay chuyển toàn bộ hệ thống các tuyến phòng thủ của Washington trên khu vực Tây Thái Bình Dương, các cụm tàu sân bay ACSG sẽ nằm trong tầm hỏa lực tên lửa chống tàu Trung Quốc, các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản có thể bị tiến công. Thậm chí cả hệ thống C4I2, dựa trên cơ sở nền tảng của các vệ tinh và các hệ thống siêu máy tính cũng có thể bị đánh sập tức khắc.
“Tác chiến không - hải trong chiến tranh với Trung Quốc có nguồn gốc từ “chiến tranh lạnh”
Từ sau Chiến tranh Thế giới 2, nền tảng an ninh quốc gia Mỹ và năng lực kiểm soát thế giới dựa trên khả năng tập trung sức mạnh quân sự có ưu thế vượt trội trên các vùng lãnh thổ quan trọng cho lợi ích quốc gia. Mỹ sẵn sàng ủng hộ và viện trợ cho các đồng minh và đối tác chiến lược, những nước thực sự tin tưởng vào sức mạnh quân sự và tiềm lực kinh tế của Mỹ .
Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa
Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa
Theo những thông số của các nhà phân tích chiến lược, PLA năm 2012 đã đạt được những khả năng (trong đó có những khả năng theo các thông số năng lực ảnh hưởng đến phân khúc chiến lược A2/AD), có thể vô hiệu hóa lực lượng của hải quân Mỹ trong khu vực, đồng thời giới hạn hiệu quả tập trung lực lượng liên minh trong tình huống xung đột.
Nếu xảy ra xung đột có vũ trang với đồng minh của Mỹ (ví dụ: Philippines) hải quân Mỹ tham chiến với tàu sân bay và các chiến hạm, thì tổn thất thực tế sẽ rất cao (nguy cơ các tàu sân bay Mỹ hoàn toàn có thể bị tiêu diệt bởi tên lửa đạn đạo Trung Quốc).
Những tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Không quân - Hải quân Mỹ  
Các nhà phát triển Tư tưởng chiến lược “tác chiến không - biển” đã khẳng định, bản thân sự tồn tại của tư duy chiến lược và khả năng đưa vào thực tế như một Học thuyết quân sự hải quân, tư duy chiến lược này sẽ được Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ trong khu vực theo dõi chặt chẽ.
Khi xây dựng và cập nhật các kế hoạch tác chiến, chuẩn bị các phương thức tác chiến giả định và các quyết định được đưa vào thực tế huấn luyện sẽ tác động trực tiếp lên Trung Quốc, như một yếu tố kiềm chế các hành động mạnh mẽ từ phía PLA, giảm thiểu áp lực mà Trung Quốc gây lên cho đồng minh của Mỹ.
   Cụm không quân Hải quân tác chiến chủ lực Hải quân Mỹ
Cụm không quân Hải quân tác chiến chủ lực Hải quân Mỹ
Phân tích các kế hoạch chiến lược - chiến dịch “tác chiến không - biển”, có thể nhận định được những tư tưởng chủ đạo của Mỹ và đồng minh.
1. Khu vực cho một cuộc chiến tranh là vùng chiếm ưu thế khống chế những con đường vận tải chiến lược trên vùng nước Phía Tây Thái Bình Dương. Quân đội Mỹ sẽ phải tiến hành các chiến dịch quân sự quan trọng trong các cuộc xung đột sẽ ở trên không hoặc trên biển. Mỹ có những hiệp ước phòng thủ chung với các đồng minh như: Nhật Bản, Hàn Quốc. 
Tất cả những nước kể trên đều không có chiều sâu phòng ngự theo lãnh thổ trên đất liền, cần được bảo vệ từ phía biển. Lực lượng vũ trang Mỹ, thực hiện nhiệm vụ chi viện và hiệp đồng phòng thủ, cần có khả năng triển khai các hoạt động phòng ngự trong điều kiện tác chiến đường không quy mô rất lớn của đối phương.
Nền tảng cơ bản của tư tưởng tác chiến không - biển (Air – Sea Battle Operational Concept) là trách nhiệm bảo vệ đến cùng Nhật Bản. Cần xác định liên minh quân sự với Nhật Bản như cơ sở căn bản để bảo vệ Đài Loan, Philippines và Hàn Quốc.
Phòng thủ Hàn Quốc, giá trị chiến lược của nó cũng tương tự như Đài Loan  nhưng tình huống thực tế xấu hơn rất nhiều nếu Trung Quốc thông qua Bắc Triền Tiên tấn công vào Hàn Quốc trên đất liền, và điều đó hoàn toàn có thể.
Sự tham chiến của Nhật Bản trong một cuộc chiến tranh tổng lực sẽ giảm đi rất nhiều ưu thế các kế hoạch tác chiến và hoạt động tác chiến của PLA, đồng thời sự ủng hộ tích cực của Úc vào chiến lược chung sẽ đảm bảo cho Mỹ một chiều sâu phòng ngự quan trọng trên khu vực Tây Thái Bình Dương, hình thành vành đai tác chiến trên biển Indonesia, vịnh Malacca, Châu Đại Dương và một phần của Biển Đông.
2. Trên không gian chiến trường rộng lớn của Tây Thái Bình dương, các căn cứ quân sự Mỹ được bố trí rất thưa thớt. Các căn cứ  lại lớn và rất khó trong cảnh giới và phòng thủ, đại đa số đều nằm trên các hòn đảo đơn độc và hoàn toàn trong tầm tấn công của tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay ném bom tầm xa của PLA.
   Các căn cứ tên lửa đạn đạo của Trung Quốc
Các căn cứ tên lửa đạn đạo của Trung Quốc
Quân đội Trung Quốc có thế mạnh rõ rệt về phòng ngự và tấn công – PLA có 27 căn cứ Không quân, từ các căn cứ này có thể tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên đảo Đài Loan, các tổ hợp tên lửa đạn đạo có thể cơ động trên lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc và tấn công các mục tiêu trên biển, do đó thế trận PLA có chiều sâu chiến lược.
 Tên lửa đạn đao chống hạm DF – 21 của Trung Quốc
Tên lửa đạn đao chống hạm DF – 21 của Trung Quốc
Hoạt động “Tác chiến không hải” phải hình thành khả năng cơ động tập trung linh hoạt lực lượng cấp chiến lược, chiến dịch và tấn công từ  bất cứ hướng nào. Không quân hải quân Mỹ phải tấn công vào sâu không phận của đối phương bằng các loại vũ khí tầm siêu xa có độ chính xác cao, tiêu diệt lực lượng không quân và hệ thống phòng không đa tầng hiện đại của Trung Quốc.
3. Không quân và Hải quân Mỹ cần sự yểm trợ và chi viện tối đa từ các sanctuary – có nghĩa là vùng lãnh thổ có các căn cứ quan trọng, hải cảng và các trung tâm hậu cần kỹ thuật nằm ngoài giới hạn tấn công của đối phương. Các cụm không quân hải quân tác chiến chủ lực (ACSG) cần có các căn cứ neo đậu an toàn, làm bàn đạp tiến hành các đòn tấn công tầm xa vào lãnh thổ đối phương.  
4. Sự phát triển khả năng A2/AD của Trung Quốc và các phương tiện, vũ khí trang bị hiện có trong biên chế của PLA sẽ dẫn đến hình thái chiến trường chèn ép. Quân đội Mỹ cần phong tỏa các hành lang dẫn đến khu vực tác chiến (biển Hoa Đông, Biển Đông) nhằm giành quyền chủ động. Phong tỏa thành công các hành lang dẫn đến khu vực tác chiến trọng yếu sẽ vô hiệu hóa các phương tiện A2/AD của PLA và gây tổn thất nặng nề cho đối phương.
5. Nhiệm vụ chủ yếu của quân đội Mỹ là ngăn chặn một chiến thắng nhanh chóng của Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh của Không quân - Hải quân Mỹ trong thời gian dài sẽ phong tỏa Trung Quốc khỏi các các nguồn cung cấp nhiên liệu, năng lượng quốc tế đồng thời ngăn cách Trung Quốc với thương mại quốc tế.
Trước mắt là trong các khu vực mà hệ thống khả năng A2/AD không kiểm soát được (distantblockade), từ đó đánh quỵ tiềm năng kinh tế và tiềm năng chiến tranh, phá hoại và làm suy giảm nghiêm trọng tình hình kinh tế của Trung Quốc.
Hệ thống tư tưởng Tác chiến không biển như Học thuyết quân sự đã hình thành lên tư duy chiến lược Bao vây, phong tỏa và tác chiến dài ngày. Đây cũng là một hình thái chiến lược chiến tranh mới nhằm đánh quỵ tiềm năng đối phương, giành thắng lợi trước Trung Quốc bằng sụp đổ hệ thống kinh tế chính trị, chứ không bằng khả năng hủy diệt.
Học thuyết quân sự mới (Air – Sea Battle) sẽ phát triển thành các tư duy chiến dịch mới và phương thức tác chiến mới, sử dụng vũ khí công nghệ hiện đại chế ngự và vô hiệu hóa kẻ thù.

http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tu-tuong-chien-luoc-tac-chien-khong-bien-hoc-thuyet-quan-su-tay-thai-binh-duong-kiem-che-trung-quoc-2361087/
Trịnh Thái Bằng (Nguồn tư liệu: Global Security. FAS (Federation of American Scientists)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét