Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và thế hệ lãnh đạo thứ 5


VietnamDefence - Nếu tình hình tài chính của EU, Mỹ và Nhật Bản trong thời gian tới không được cải thiện, Trung Quốc một là sẽ phải tìm kiếm những thị trường tiêu thụ nước ngoài mới và phát triển thương mại với các đối tác thay thế, hai là mở rộng dung lượng thị trường nội địa.
“Nền kinh tế hải đảo”
 
Kinh tế Trung Quốc mỗi năm một tiến gần hơn đến mô hình gọi là “quốc gia hải đảo”, tức là mô hình của một hệ thống kinh tế mà sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu đã gần với mức nguy kịch. Với tư cách ví dụ của hệ thống như thế có thể nói đến Nhật Bản, Hàn Quốc, còn với tư cách ví dụ lịch sử thì có thể nói đến nước Anh vào cái thời mà nó vẫn còn là một nước công nghiệp hùng mạnh và hoạt động để xuất khẩu.
Không còn nghi ngờ gì, hiện nay mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung nguyên liệu còn lâu mới lớn như Nhật Bản. Trung Quốc có một số lượng khá lớn tài nguyên của mình. Nhưng mỗi năm, nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc lại tăng và là tăng nhiều. Ví dụ, với đời sống dân chúng khấm khá lên thì nhu cầu thực phẩm và nhất là thịt và cá cũng tăng, còn với sự phát triển của ngành sản xuất ô tô thì nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ cũng tăng lên. Ví dụ, có thời Trung Quốc đã bảo đảm được nguồn năng lượng không chỉ cho mình mà cả một số nước láng giềng. Từ năm 1993, sau khi đẩy mạnh sản xuất và hoạt động ngoại thương, Trung Quốc đã dịch chuyển từ nhóm nước cung cấp nguồn năng lượng sang nhóm nước nhập khẩu dầu mỏ, còn kể từ năm 2003, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới trong nhóm nước này, chỉ sau Mỹ.

Lãnh thổ Trung Quốc, một trong những quốc gia rộng lớn nhất thế giới, do độ lớn của mình tạo ra ấn tượng tâm lý nhất định. Tuy nhiên, gần một nửa lãnh thổ đó là núi cao như Tây Tạng hay các khu vực sa mạc như Gobi và vùng thấp Tarim khó khai khẩn. Khu vực kinh tế hiệu quả nhất của Trung Quốc là các khu vực miền đông, cũng như các tỉnh duyên hải miền bắc và đông nam với khí hậu dễ chịu, các loại cây trồng có năng suất cao, chi phí cho sản xuất công nghiệp và kinh tế đô thị thấp. Sinh sống chính ở các tỉnh này mà dân cư tuyệt đại đa số là dân tộc Hán đa số là phần lớn dân cư Trung Quốc.

Ngoại thương Trung Quốc
Tại thời điểm này, Trung Quốc là quốc gia công nghiệp dẫn đầu nền kinh tế thế giới và là quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Theo Nhân dân nhật báo điện tử, tháng 8/2012, xuất khẩu của Trung Quốc là 173,31 tỷ USD, cao hơn 24,5% so với tháng 8/2011. Tháng 1-8/2012, tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc là 2.352,53 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2010.

Cũng cần lưu ý rằng, theo số liệu của South China Service Group, trong số 200 tập đoàn, tổng công ty xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc, có 185 nằm ở các tỉnh miền đông Trung Quốc, tức là hầu như sát với các trung tâm cảng biển lớn nhất Trung Quốc.
 
Các khách hàng thương mại chủ yếu của Trung Quốc là Mỹ, EU và Nhật Bản. Các nước này chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Được biết, nền kinh tế của chính các quốc gia này đang là nguồn chủ yếu làm lan tràn khủng hoảng thế giới. Mức nợ nội địa cũng như nợ nước ngoài của các nước này là rất lớn và đang tiếp tục tăng. Một trong những cách hiệu quả nhất để cắt giảm nợ là cắt giảm chi phí nhà nước (trước hết là cho quốc phòng) và giảm lương và chi phí xã hội cho người lao động.

Chẳng hạn, nếu như Mỹ hoàn toàn có khả năng thắt lưng buộc bụng hơn nữa đối với dân chúng Mỹ thì Nhà Trắng sẽ không chịu cắt giảm các chương trình vũ khí của họ. Rõ ràng là yếu tố cuối cùng này sẽ chỉ làm tăng sự hung hăng của chính sách đối ngoại Mỹ và buộc chính phủ Mỹ tìm kiếm các nguồn thu ở nước ngoài bằng cách sử dụng sức mạnh vũ trang. Minh họa cho điều đó là những sự kiện gần đây ở thế giới Hồi giáo.

Bởi lẽ sự sụt giảm đáng kể mức sống của dân chúng Mỹ, Eu và Nhật Bản nhiều khả năng sẽ xảy ra ngay trong thập niên này nên chờ đợi Trung Quốc là sự tụt giảm đột biến thu nhập từ xuất khẩu.

Thư ký báo chí của Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang đã tuyên bố rằng, mức xuất khẩu từ Trung Quốc trong nửa cuối năm 2012 có thể ngừng tăng: “Bây giờ, yếu tố chủ yếu kìm hãm sự phát triển thương mại là sự sụt giảm đột biến xuất khẩu sang các nước EU. Chúng ta chờ đợi tình hình ngoại thương xấu đi vào nửa cuối năm cùng với sự phát triển của cuộc khủng hoảng nợ và nhịp độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, gây khó khăn nghiêm trọng cho việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu”.

Cựu thứ trưởng thương mại Trung Quốc Wei Jianguo cho rằng, điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước: “Khối lượng đơn đặt hàng dịp Giáng sinh thấp hơn bình thường, trong khi chính các đơn đặt hàng quà tặng năm mới mang lại cho các nhà sản xuất nguồn thu nhập lớn nhất”. Theo ông này, chính phủ Trung Quốc cần cấp tốc giảm thuế xuất khẩu và tăng quy mô hỗ trợ nhà nước cho các công ty đang cố tiến vào các thị trường mới như Nga, Brazil và các nước Đông Nam Á. Hiện tại, các nước này chỉ chiếm 20% tổng lượng xuất khẩu của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ các đối tác thương mại của mình giữ sự ổn định tài chính. Đầu tháng 11/2012, đại diện Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc Li Daokui tuyên bố rằng, Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp cho EU 100 tỷ USD. Tuy nhiên, đổi lại, chính phủ Trung Quốc chờ đợi được hưởng một số ưu đãi.

“Chúng tôi muốn giúp đỡ, nhưng chúng tôi không phải là tổ chức từ thiện”, một nguồn tin của hãng Reuters nói.

Để bắt đầu, Trung Quốc mong muốn đẩy nhanh việc đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ SDR, nơi hiện tại mới có 4 đồng tiền (đô la Mỹ, euro, yen và bảng Anh). “Chúng tôi phải mở rộng việc sử dụng SDR của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, cải cách giỏ tiền tệ”, ông Hồ Cẩm Đảo, người vừa rời chức chủ tịch Trung Quốc nói với các đối tác châu Âu. Việc gia tăng vai trò của đồng nhân dân tệ làm hạn chế lớn các khả năng của Mỹ và EU. Đáp lại đề nghị của Trung Quốc, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã tuyên bố rằng, bây giờ chưa phải là thời điểm tốt nhất để làm xáo động giỏ tiền tệ. Ngoài ra, Bắc Kinh không phản đối việc cải thiện vị thế của mình trong WTO, điều này gây khó khăn cho EU trong việc thông qua các biện pháp trừng phạt chống Trung Quốc như một quốc gia với “nền kinh tế phi thị trường”.

Cuối cùng, tại các cuộc đàm phán diễn ra tháng 9/2012 ở Brussels trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã yêu cầu gỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc vốn được áp dụng từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và hủy bỏ thuế đánh váo hàng loạt hàng hóa Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng, sự giúp đỡ của Trung Quốc thậm chí được giành cho EU vô điều kiện cũng chỉ có thể trì hoãn cuộc khủng hoảng kinh tế của thế giới phương Tây. Việc giải quyết các vấn đề của châu Âu phải mang tính hệ thống, việc vá các lỗ thủng tài chính bằng tiền của Trung Quốc sẽ không mang lại hiệu quả thật sự.

Vậy thì nếu như tình hình tài chính của EU, Mỹ và Nhật Bản trong thời gian tới mà không được cải thiện, Trung Quốc một là sẽ phải tìm kiếm những thị trường tiêu thụ nước ngoài mới và phát triển thương mại với các đối tác thay thế (Mỹ Latinh, Nga, châu Phi...), hai là mở rộng dung lượng thị trường nội địa.

Ngoại thương Trung Quốc với các đối tác thương mại chủ yếu của mình (và không chỉ với họ) đang được thực hiện chủ yếu bằng đường biển. Tuyến đường chuyên chở hàng hóa Trung Quốc chẳng hạn sang châu Âu khởi đầu từ các cảng ở bờ đông Trung Quốc đi qua eo biển Malacca sang Ấn Độ Dương, cắt ngang Ấn Độ Dương và đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez ở Địa Trung Hải. Tiếp đó, các tàu biển tản đến các hải cảng châu Âu.
Các nhà cung cấp dầu mỏ chính cho Trung Quốc là các nước Trung Đông: Saudi Arabia, Iran, Sudan…, cũng như Angola. Theo Reuters, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu dầu mỏ 10-65% đến năm 2015. Chính phủ Trung Quốc đang có những nỗ lực lớn để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Con đường chủ yếu cung cấp dầu mỏ Cận Đông về Trung Quốc là tuyến đường biển “Liên Châu” (String of Pearls) chạy qua vịnh Persique, Ấn Độ Dương, eo biển Malacca và Biển Đông.

Việc kiểm soát bằng hải quân đối với tuyến đường này là rất quan trọng đối với Trung Quốc, nhưng hiện thời quyền kiểm soát này do Hải quân Mỹ nắm giữ với sự hỗ trợ của các cụm tàu sân bay chiến đấu. Nghĩa là các vấn đề ngoại thương của Trung Quốc gắn rất chặt với các vấn đề chiến lược-quân sự của họ.

Sự tụt hậu của quân đội Trung Quốc về các loại đạn dược chính xác cao có thể không phải là nhược điểm mà là ưu thế, nhất là khi nói đến cuộc chiến tranh kinh điển “quân đội chống lại quân đội” quy mô lớn.
Lợi thế của thô sơ và rẻ tiền
Hiện nay, điều ngày càng rõ ràng là sự đam thái quá đối với các loại đạn dược chính xác cao đắt tiền vốn đặc trưng cho các quân đội phương Tây đang tỏ ra cực kỳ bất lợi về kinh tế và thường là không tăng cường mà làm suy yếu khả năng chiến đấu của chúng (đạn dược rất nhanh chóng tiêu hao hết, sau đó không thể chiến đấu được, còn mới thì lâu và rất đắt). Từ giác độ đó, sự tụt hậu của quân đội Trung Quốc về các loại đạn dược này có thể không phải là nhược điểm mà là ưu thế, nhất là khi nói đến cuộc chiến tranh kinh điển “quân đội chống lại quân đội” quy mô lớn. 

Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc định hướng vào chuẩn bị chính là cho cuộc chiến tranh như thế và về mặt này, có thể coi công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là giỏi nhất thế giới. Các khả năng của nó trong sản xuất vũ khí trang bị tất cả các loại thậm chí vượt cả Mỹ (ngoại trừ đóng tàu ngầm nguyên tử và tàu sân bay), lớn hơn nhiều so với Nga, còn bất kỳ nước ngào khác thì không thể nào sánh nổi. 

Nhược điểm về chất lượng vũ khí trang bị ở một số hướng đơn lẻ (các hướng như vậy đang ngày một ít đi) sẽ hoàn toàn được bù đắp bằng số lượng, còn số lượng bản thân các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng bảo đảm việc cung cấp liên tục vũ khí trang bị và vật tư tiêu hao một khi nổ ra chiến tranh bất kỳ quy mô nào. Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc không hề có sự phụ thuộc quá mức vào linh kiện và công nghệ nước ngoài về bất kỳ một hướng nào.

Điều kỳ lạ là thế giới hầu như không nhận thức được việc này, kể cả ở những nước giáp giới Trung Quốc mà Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với họ. Bất chấp những sự kiện rõ ràng, người ta vẫn giữ quan niệm cũ về công nghiệp quốc phòng Trung Quốc như một ngành sở hữu các công nghệ thô sơ lạc hậu và chỉ có khả năng sao chép ở dạng tồi tệ nhất các mẫu vũ khí trang bị nước ngoài. 

Ngoài ra, còn một quan điểm hoàn toàn sai lầm và không hề có bất kỳ cơ sở thực tế nào đối với công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là nó chỉ sản xuất các mẫu vũ khí trang bị hiện đại với số lượng cực kỳ không đáng kể. Một ví dụ điển hình của việc coi thường khả năng chiến đấu của quân đội và công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là đánh giá của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm SIPRI hết năm này đến năm khác nói rằng, kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc gồm 200-250 đầu đạn. Trong khi đó, theo các đánh giá khiêm tốn nhất, quân đội Trung Quốc sở hữu 850 đầu đạn hạt nhân, còn đánh giá cân đối hơn cả là 3.500 đầu đạn, còn tối đa là 20.000 đầu đạn. 

Liên quan đến vũ khí thông thường, thì như đã nêu, Trung Quốc đứng ở vị trí số 1 thế giới về sản xuất tất cả các lớp vũ khí thông thường cơ bản. Hơn nữa, về một số lớp như xe tăng, Trung Quốc hiện vượt qua tất cả các nước còn lại của thế giới cộng lại về khối lượng sản xuất.

Trung Quốc đang sản xuất đồng thời 4 loại máy bay chiến đấu: máy bay ném bom chiến thuật JH-7, tiêm kích J-16 (bản sao chép trái phép Su-30), J-11В (bản sao chép trái phép Su-27) và J-10. Họ sản xuất tổng cộng không dưới 100 tiêm kích và máy bay ném bom hiện đại trong một năm (nhiều hơn tất cả các nước NATO, kể cả Mỹ, cộng lại). 

Thậm chí ở một số ngành đóng tàu đơn lẻ, Trung Quốc đã vượt được Mỹ khi đóng đồng thời đến 6 tàu khu trục lớp 052С/D (ở Mỹ là không quá 2) và đưa vào biên chế mỗi tháng 1 corvette lớp 056. 

Việc thay thế vũ khí trang bị đang thực hiện theo nguyên tắc “một đổi một”, có nghĩa là đang diễn ra sự cải thiện chất lượng đột biến trong khi giữ số lượng như cũ. 

May ra có thể nói đến “những số lượng không đáng kể” vũ khí trang bị được sản xuất ở Trung Quốc ở ý nghĩa khả năng sản xuất công nghiệp quốc phòng Trung Quốc cho phép trong vài tháng tăng sản lượng 3-10 lần kể cả so với những con số sản xuất hiện nay đã kỷ lục của nó.

Xem nhẹ Trung Quốc là nguy hiểm 
Báo chí quân sự Nga đã có nhiều tin bài viết về hiện tượng đáng ngạc nhiên ở Nga coi nhẹ khả năng quân sự của Trung Quốc. Ở Nga người ta không hiểu vì sao vẫn đinh ninh tin rằng, Trung Quốc đang sản xuất hoàn toàn không nhiều vũ khí vốn là những hàng nhái tồi tệ vũ khí Nga.

Điều rất buồn cười là báo chí Nga dẫn các nguồn Mỹ vốn có những lý do dễ hiểu để đặc biệt chú ý đến sự phát triển của hạm đội Trung Quốc, nhưng hoàn toàn phớt lờ sự phát triển của lục quân nước này, bởi lẽ chẳng biết chép lại của ai về đề tài này. Mặc dù về sản xuất tăng-thiết giáp và các hệ thống pháo, Trung Quốc nhiều năm nay đã vượt nhiều lần toàn bộ 28 nước NATO cộng lại. 

Chẳng hạn, trong năm nay đã xảy ra một tình huống chiến đấu đặc biệt thú vị mà người Nga không nhận thấy. Tháng 5/2012, trong thời gian giao tranh giữa quân đội Sudan và Nam Sudan tranh giành thành phố biên giới Heglig, các xe tăng Туре 96 của Sudan do Trung Quốc sản xuất đã giành được những thành tích chiến đấu đầu tiên trong lịch sử của nó, khiến báo chí Trung Quốc rất phấn khích. 

Điều này đáng mừng gấp đôi với người Trung Quốc là vì chúng đã giành chiến thắng trước đối thủ tiềm tàng chủ yếu - Т-72 mà Nam Sudan mua từ Ukraine.

Đó là điều dễ hiểu bởi vì Туре 96 và loại tiên tiến hơn là Туре 99 (người ta đã sản xuất cho quân đội Trung Quốc 3.500-4.000 xe tăng hai loại này, và vẫn đang sản xuất với nhịp độ vài trăm xe một năm) đang được nhà máy ở Baotou xuất xưởng không phải để giao chiến với các xe tăng M1 Abrams, chứ không nói đến là với Leopard 2, Leclerc hay Merkava. 

Sự kiện Type 96 đánh nhau với T-72 cho thấy, Nga cần vứt bỏ sự tự tin vô lý rằng, vũ khí Nga có chất lượng vượt vũ khí Trung Quốc. 

Xét về tuyệt đại đa số các chủng loại vũ khí, Trung Quốc đã đuổi kịp Nga và đâu đó đã vượt Nga. Các xe tăng Trung Quốc đã không còn tồi hơn xe tăng Nga. Kết cục các trận đánh giữa chúng có thể được xác định không phải bởi ưu thế chất lượng của ai đó mà bởi tình huống chiến thuật, sự tinh thục của các kíp xe và số lượng. Ít ra về số lượng, Trung Quốc chắc chắn vượt Nga, cả về xe tăng, cả về pháo binh và cả về không quân.

Như vậy, ngay cả đối với Mỹ, chứ không chỉ Nga, đang cực kỳ khó duy trì cán cân quân sự với Trung Quốc ở nghĩa truyền thống của nó. Thời gian càng trôi đi thì cả hai nước càng khó làm điều đó hơn. Đối với bất kỳ quốc gia nào khác, thậm chí Ấn Độ và Nhật Bản, nhiệm vụ duy trì cán cân với Trung Quốc về cơ bản là không thể làm được. Chỉ trong 10 năm, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã thực hiện cú nhảy vọt chưa từng có mà nay thì không thể ngăn chặn. 

Chỉ có những chấn động nội bộ cực mạnh hoặc các nước láng giềng của Trung Quốc tìm được các phương pháp đối phó phi đối xứng (ví dụ bằng cách sử dụng vũ khí nguyên lý mới) mới có thể cản trở Trung Quốc tiếp tục gia tăng ưu thế quân sự của đối với tất cả các nước xung quanh và quân đội của họ. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, bản thân Trung Quốc cũng có thể chế tạo các loại vũ khí đó, thậm chí còn nhanh hơn các nước láng giềng. Bởi vì, Trung Quốc không hề tiếc tiền cho việc đó.

Nguồn: Aleksandr Anatolievich Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự (Nga) // NVO, 7.12.2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét