Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Trung Quốc: Giai đoạn 3 của cuộc xâm lăng Biển Đông

(Petrotimes) - Chiến lược thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc (TQ) vừa bước sang một giai đoạn mới. Sau khi tìm cách chia rẽ khối ASEAN, đe dọa những nước hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông, rồi đến phô diễn “tiềm lực” quân sự, nay TQ tìm cách “tràn ngập” bằng thuyền đánh cá và các dự án khai thác dầu khí. Sự hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh đã khiến Mỹ lo ngại và lên tiếng cảnh báo.

Chiến dịch “biển thuyền”
Sáng ngày 5/8, các đoàn tàu nằm trong số hơn 23.000 tàu cá TQ tiếp tục tràn vào Biển Đông để tận lực khai thác tại khu vực này. Trước đó, gần 9.000 tàu đánh cá TQ ngày 1/8 đã rời cảng tại tỉnh Hải Nam ở cực Nam nước này để thẳng tiến đến vùng biển tranh chấp ở Biển Đông khi lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè của Bắc Kinh chấm dứt (TQ đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá lần thứ 14 trên Biển Đông từ hôm 16/5 đến 12 giờ ngày 1/8).
Giới phân tích cho rằng: “chiến dịch” lớn này là một bước đi nữa của Bắc Kinh nhằm tăng cường các tuyên bố chủ quyền của TQ tại các vùng biển tranh chấp và chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng hơn nữa trong khu vực. Giới quan sát tin rằng lực lượng tàu tuần tra núp bóng dân sự của TQ sẽ tháp tùng hàng chục ngàn tàu cá trên. Đó là vì tàu tuần tra “dân sự” đang đóng vai trò quan trọng đối với việc Bắc Kinh sử dụng tàu cá để tiến hành âm mưu xâm phạm rầm rộ trên Biển Đông. Tạp chí Janes Defence Weekly của Anh mới đây cho biết TQ hiện phát triển 5 nhóm tàu tuần tra “dân sự” bên cạnh những hạm đội của hải quân nước này. Đó là: hải giám, ngư chính, hải cảnh, hải tuần, hải quan. Theo giới phân tích, với việc phát triển trên, TQ đang ngày càng tăng cường khả năng hoạt động xa bờ, tạo ảnh hưởng mạnh hơn và có nhiều tàu lớn hơn. Những nhóm tàu tuần tra “dân sự” này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc “bảo hộ” những hoạt động đánh bắt, khai thác nguồn lợi trên biển tại những khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Tất nhiên, Biển Đông nằm trong số các khu vực này. Bằng việc khoác cho những nhóm tàu thực chất là quân sự trên cái áo “dân sự”, TQ có thể tránh tiếng là không “quân sự hóa” dù sức mạnh đe dọa chẳng kém gì việc triển khai tàu chiến.
Ðoàn tàu đánh cá Trung Quốc đi “biểu diễn” gần bãi đá ngầm Chử Bích khu vực quần đảo Trường Sa ngày 18/7/2012
Lý Kiệt, chuyên gia thuộc Viện Quân sự Hải quân TQ, nhận định việc triển khai đội tàu đánh cá trên là một động thái đẩy mạnh hơn nữa các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của TQ, tiếp sau việc bắt đầu các hoạt động tuần tra quân sự thông thường ở Biển Đông hồi tháng trước. Lý Kiệt nhấn mạnh: “TQ hiện đã quyết định thay đổi lập trường thụ động trước đây và thông qua các biện pháp “tiên phong thực hiện”, bao gồm can thiệp sâu hơn vào hoạt động khai thác các nguồn cá ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh cho là lãnh hải của riêng họ”.
Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng giúp đỡ ngư dân địa phương đóng nhiều tàu đánh bắt cá hiện đại hơn để phục vụ hoạt động đánh bắt tại các vùng biển sâu, và tổ chức các đội tàu tiến đến những vùng biển tranh chấp. Giới quan sát cho rằng, việc trang bị cho ngư dân Hải Nam những tàu thuyền tốt hơn sẽ khuyến khích họ ồ ạt tiến ra đánh bắt tại các vùng biển sâu có tranh chấp, vì họ cho rằng nhiều tàu sẽ an toàn hơn nếu họ phải đối đầu với các tàu nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng các hoạt động như vậy sẽ mang theo những nguy cơ cố hữu, bởi kế hoạch tổ chức các đội tàu cá cho ngư dân Hải Nam đánh bắt ở các vùng biển sâu chắc chắn sẽ đưa họ ra các vùng biển tranh chấp. Những hành động này chắc chắn sẽ khiến Việt Nam và Philippines khó chịu, khiến họ có thể thực hiện các hành động đáp trả, cũng như là gây ra những tranh chấp dữ dội hơn.
Ngoài việc lùa thuyền đi vơ vét hải sản ở những vùng biển đang tranh chấp, trước đó Bắc Kinh cũng đã tiến hành một chiến lược “chuyện đã rồi” để áp đặt chủ quyền của họ khi ngang nhiên mời thầu 9 lô dầu khí ngay trong thềm lục địa của Việt Nam và thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa”, cũng như thiết lập một đơn vị quân sự tại đây. Cụ thể, cuối tháng 6/2012, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương TQ (CNOOC) đã mời các công ty nước ngoài đấu thầu các lô dầu khí tại vùng biển mà Việt Nam đang khai thác. Ngay lập tức Việt Nam bác bỏ và lên án mạnh mẽ hành động vi phạm chủ quyền trắng trợn này, tuy nhiên đến nay, TQ vẫn chưa từ bỏ ý đồ và tiếp tục kêu gọi các nhà thầu quốc tế. Một nguồn tin liên quan tới ngành công nghiệp dầu khí của TQ cho biết thời hạn để các doanh nghiệp dầu khí xem xét tham gia đấu thầu 9 lô dầu khí này kéo dài tới tận tháng 6/2013. Nguồn tin giấu tên này còn cho biết thêm CNOOC cũng đã nhận được yêu cầu thông tin chi tiết từ nhiều công ty dầu khí nước ngoài.
Vì sao Mỹ lên án TQ?
Hôm 3/8, Bộ Ngoại giao Mỹ ra một bản thông cáo báo chí bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các diễn biến trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông. Được đưa ra ít lâu sau Nghị quyết của Thượng viện Mỹ cũng về Biển Đông, bản tuyên bố cho thấy là cả hành pháp lẫn lập pháp Mỹ đều quan tâm đến Biển Đông.
Bản thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Chúng tôi âu lo vì sự gia tăng căng thẳng trên Biển Ðông và đang theo dõi tình hình thật sát. Những diễn tiến gần đây bao gồm cả những lời chống đối nhau, bất đồng ý kiến về dò tìm tài nguyên thiên nhiên, đe dọa trừng phạt kinh tế, và những việc xảy ra ở bãi Scarborough/Hoàng Nham gồm cả lập hàng rào ngăn cản tiếp cận. Ðặc biệt, TQ nâng cấp quản trị thành phố Tam Sa và thiết lập doanh trại quân sự mới để bảo vệ các vùng tranh chấp trên Biển Ðông trái ngược với các nỗ lực hợp tác ngoại giao nhằm giải quyết những khác biệt, mà như vậy có nguy cơ leo thang căng thẳng ở khu vực”.
Việc Trung Quốc thành lập “Thành phố Tam Sa” và đồn trú một đơn vị quân sự tại đây khiến Mỹ quan ngại
Hội Nghề cá Việt Nam: “Trung Quốc xâm lược Việt Nam”
Ngày 2/8, Hội Nghề cá Việt Nam phát đi tuyên bố phản đối TQ vi phạm chủ quyền Việt Nam. Tuyên bố nêu rõ: Thời gian qua, TQ liên tiếp có nhiều hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam và gần đây khi lệnh cấm biển đơn phương của phía TQ hết hiệu lực (ngày 1/8) thì hàng chục ngàn tàu cá của TQ đồng loạt triển khai hoạt động đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là hành động xâm lược của TQ xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam yêu cầu TQ phải chấm dứt ngay các hành động trên.
Bản tuyên bố này có dấu hiệu Mỹ thấy không tiếp tục giữ yên lặng khi những dấu hiệu giông tố ngầm đang dần lộ diện ở vùng biển mà quá nửa lượng hàng hóa của thế giới đi qua. Bản tuyên bố lập lại chủ trương Mỹ không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp nhưng, vì là một nước và một cường quốc Thái Bình Dương, có quyền lợi quốc gia để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do hải hành và tự do thương mại hợp pháp trên Biển Ðông. Mỹ kêu gọi các nước tranh chấp hành động làm giảm căng thẳng theo đúng tinh thần của bản Tuyên bố về Biển Ðông năm 1992, bản Tuyên bố Ứng xử trên Biển Ðông (DOC) có từ năm 2002. Muốn vậy, Mỹ thúc các nước cố gắng đạt sự đồng thuận về một cơ chế đối phó và ngăn chặn tranh chấp. Cần phải tiến nhanh đến một bộ quy chế ứng xử để có thể mở đường cho sự giải quyết các bất đồng bằng những biện pháp hòa bình. Trong chiều hướng này, Mỹ hoan nghênh bản tuyên bố 6 điểm nguyên tắc mới được ASEAN đưa ra hồi tháng trước.
Tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Mỹ là tiếp nối sự phản ứng chính thức của các nhà lập pháp nước này về hành động leo thang căng thẳng của TQ trên Biển Đông. Ngày 23/7, 6 nghị sĩ Mỹ đã đệ trình một nghị quyết kêu gọi Chính phủ Washington lên tiếng hậu thuẫn cho các nước ASEAN và thúc giục mau chóng đưa ra bản Quy tắc Ứng xử Biển Ðông. Nghị quyết tuyên bố tán thành sự tăng cường lực lượng Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Biển Ðông, kể cả hợp tác với các lực lượng đồng minh ở khu vực. Ngày 26/7, Nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Ngoại giao khu vực với Ðông Á và Thái Bình Dương, phát biểu rằng các hành động gần đây của TQ “nhằm tăng kiểm soát tại vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông có thể đã vi phạm luật quốc tế”. Ông đòi Chính phủ Washington yêu cầu Bắc Kinh giải thích để báo cáo lại cho Quốc hội.
Như để khẳng định không phải cảnh báo trên của Bộ Ngoại giao Mỹ là “lời nói suông”, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách công tác kế hoạch Robert Scher mới đây cho biết, các nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc sẽ cân nhắc khả năng đẩy mạnh triển khai lực lượng máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một hướng đi nằm trong chủ trương chiến lược chung của chính quyền Tổng thống Barack Obama, theo đó Mỹ đang từng bước chuyển trọng điểm chiến lược, cả về ngoại giao, kinh tế và quân sự sang khu vực này.
Phát biểu trong phiên điều trần trước Tiểu ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông Scher cho biết đề án tăng cường binh lực trên đây đã được đề xuất trong một bản báo cáo độc lập về các kế hoạch quân sự của Mỹ tại các khu vực. Việc triển khai thêm các máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công sẽ góp phần tăng cường sức mạnh của Mỹ để đối phó với các thách thức an ninh ngày càng phức tạp trong khu vực rộng lớn này. Tuy không cho biết cụ thể, nhưng quan chức cấp cao này của Lầu Năm Góc tiết lộ số máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công thuộc diện tăng cường có thể sẽ được triển khai tại căn cứ chiến lược trên đảo Guam nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Bắc Kinh nhiều lần đả kích sự can dự của một nước thứ ba trong cuộc tranh chấp Biển Ðông, đặc biệt là đả kích thẳng Mỹ. Bắc Kinh chỉ muốn đàm phán tay đôi để lấy thế nước lớn, quân đội hùng mạnh để đè các nước nhỏ trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Những lời dọa đánh Việt Nam và Philippines không phải chỉ thấy xuất hiện một lần. Chả thế mà ngay sau tuyên bố trên của Mỹ, ngày 4/8, TQ đã có phản ứng dữ dội, triệu mời một quan chức của sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh lên để bày tỏ thái độ bất bình về vụ này, đồng thời yêu cầu Mỹ “sửa sai ngay lập tức”…
Vì sao đến giờ Mỹ mới chính thức chỉ trích hành động gây hấn của TQ trên Biển Đông? Các chuyên gia quân sự nói rằng, Mỹ đang tìm cách củng cố sự đoàn kết trong nội bộ các nước ASEAN để khiến TQ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hăm dọa và cưỡng ép các nước láng giềng. Những cáo buộc mới nhất của Mỹ nhằm vào TQ cho thấy Washington đang quan tâm sát sao hơn đến những động thái quốc phòng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, giới chuyên gia TQ đã lên tiếng đánh động chính quyền của họ. Phát biểu trên tờ Văn Hối ngày 5/8, chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu các vấn đề quân sự và vấn đề Mỹ của TQ, Hồng Nguyên cho biết kẻ đứng sau “thúc đẩy” leo thang căng thẳng ở Biển Đông hiện nay chính là Mỹ, ý đồ là nhằm mượn vấn đề Biển Đông để “bắt cóc” các nước ASEAN, biến tranh chấp lãnh hải giữa TQ với các nước xung quanh thành “vụ việc Mỹ cần phải can thiệp”, tiến tới đạt được mục đích kiềm chế sự trỗi dậy của TQ. Hồng Nguyên cho rằng, sự gia tăng căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông gần đây có “quan hệ trực tiếp với Mỹ”, và lúc này Mỹ lại đưa ra tuyên bố trên để với thân phận “người ngoài cuộc”, thể hiện một thái độ trung lập tiến hành điều đình giữa các bên, đây là hành động hết sức mỉa mai. Trong vấn đề Biển Đông, những người tinh tường đều thấy rõ Mỹ luôn suy xét trên cơ sở lợi ích của mình, có tính toán riêng của mình. Cách làm thông lệ của Mỹ là dựa vào sức mạnh kinh tế và sức mạnh quốc gia kích động các nước Châu Á - Thái Bình Dương bao vây hành động trong vấn đề Biển Đông, ý đồ nhằm lôi kéo nhiều nước, thậm chí là toàn bộ ASEAN đứng về một phía đối kháng TQ, thậm chí là xung đột gay gắt, để từ đó đạt được mục đích “đục nước béo cò”. Căng thẳng ở Biển Đông, thậm chí tương lai có thể xảy ra chiến tranh, là do Mỹ dựng lên, Mỹ phải chịu trách nhiệm hàng đầu….
Tuy nhiên, Giáo sư Giả Khánh Quốc, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Hongkong cho rằng, thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ không phải là nỗ lực can thiệp của Washington. Sẽ là không khôn ngoan nếu diễn giải quá nhiều thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo ông Giả, đó là một thông điệp ngoại giao chứ không phải là “một nỗ lực can dự vào những tranh chấp”, cho nên TQ không việc gì phải “cuống lên”!.
Tàu ngư dân Việt Nam lại bị tàu Trung Quốc đập phá
Sáng 3/8, Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Đồn phó Đồn Biên phòng 328 (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, chiều 28/7, khi đang tham gia khai thác rau câu tại vùng biển Hoàng Sa, tàu cá QNg 66379 TS do anh Phạm Văn Quy (27 tuổi, ngụ xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) làm chủ, ông Phạm Văn Quân (39 tuổi, ngụ xã An Vĩnh) làm thuyền trưởng, trên tàu có 6 ngư dân, đã bị tàu của lực lượng kiểm ngư Trung Quốc ngăn cản và đập phá toàn bộ tài sản cùng ngư cụ.
Tàu cá QNg 66379 TS rời đảo Lý Sơn ra khai thác rau câu tại vùng biển Hoàng Sa vào ngày 13/7. Vì lo sợ bị bắt giữ, tịch thu tài sản nên tàu QNg 66379 TS đã về đảo Lý Sơn vào chiều 31/7.
Giang Khuê
(Năng lượng Mới số 144, ra thứ Ba ngày 7/8/2012)

http://www.petrotimes.vn/news/vn/bien-dong/trung-quoc-giai-doan-3-cua-cuoc-xam-lang-bien-dong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét