Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Tại sao Trung Quốc vội vã đưa tàu sân bay vào trực chiến?

(Toquoc)- Trung Quốc cần sớm tung ra con “chủ bài” tàu sân bay để phục vụ cho bành trướng lãnh thổ, đồng thời hỗ trợ tăng cường quyền lực phái quân đội trước Đại hội 18.
Trung Quốc dự định đưa tàu sân bay đầu tiên Varyag vào trực chiến sớm hơn kế hoạch ban đầu. Đại tá Lý Kiệt, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Học viện Quân sự Hải quân ở Bắc Kinh, tiết lộ với phóng viên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng tàu Varyag đã hoàn thành chuyến chạy thử lần thứ 9 ngày 30/7 vừa qua, có thể chính thức gia nhập hải quân Trung Quốc vào dịp Quốc khánh Trung Quốc 1/10. Đại tá Kiệt cho biết “toàn bộ những trang thiết bị cần thiết trên tàu đều đã được lắp đặt xong”.
Hai lý do cần sớm đưa Varyag vào trực chiến
Hồi đầu năm nay, Đô đốc hải quân Tào Đông Thẩm cho biết, tàu sân bay Varyag đi vào hoạt động sớm nhất cũng phải cuối năm 2012. Nó sẽ không biên chế cụ thể cho hạm đội nào, mà sẽ điều chuyển luân phiên. Varyag được Trung Quốc mua của Ukraine, đặt lại tên là Thi Lang - một đô đốc hải quân thời nhà Thanh có công đánh chiếm Đài Loan.
Ít nhất có hai lý do cắt nghĩa cho sự vội vã này. Trước hết, hỗ trợ cho các tranh chấp diễn ra trên cả ba vùng biển tiếp giáp Trung Quốc ở Đông Á. Ở các biển Hoàng Hải và Đông Hải, binh lực của Hàn Quốc và Nhật Bản tuy số lượng thua kém Trung Quốc, nhưng chất lượng tên lửa và chiến hạm đều không kém cạnh, thậm chí vượt Trung Quốc. Hai nước này lại được sự bảo vệ của Mỹ thông qua các hiệp ước liên minh quân sự. Các tướng lĩnh Trung Quốc cần sớm tung ra con “chủ bài” tàu sân bay để phục vụ cho tham vọng bành trướng lãnh thổ. Còn tại Biển Đông, khi Trung Quốc triển khai hai mặt trận - quân sự và khai thác nguồn tài nguyên biển ở vùng trung-nam Biển Đông -, tàu sân bay sẽ giúp các chiến đấu cơ hải quân Trung Quốc tiếp cận các vùng tranh chấp mà không phải tiếp dầu trên không. Ở vùng biển này, hải quân Trung Quốc cũng cần giảm áp lực của lực lượng quân sự của Mỹ bố trí tại các trọng điểm kiểm soát con đường biển qua lại Eo Malacca. Thứ hai, các tướng lĩnh Trung Quốc muốn dùng sự kiện này để kích động tinh thần dân tộc nước lớn, hỗ trợ tăng cường sự hiện diện của phái quân đội trong bộ máy quyền lực Đảng Cộng sản Trung Quốc vào lúc cuộc đấu tranh đang ở giai đoạn quyết định trước Đại hội 18. Quân đội muốn có ghế trong Thường vụ Bộ Chính trị hiện đang co kéo giữa 7, 9 hay 11 ghế.

Tàu sân bay Thi Lang trong một lần chạy thử
Tướng La Viện, một nhân vật diều hâu chủ chiến, từng phát biểu với báo chí rằng việc hình thành biên đội tàu sân bay của Trung Quốc “đã đầy đủ, chỉ thiếu gió đông”. Tuy nhiên một thứ không phải dễ dàng.
Hàng không mẫu hạm là tổ hợp phức tạp các thiết bị và việc làm cho tất cả các hệ thống điện tử tương thích với nhau là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Trung Quốc đã chuẩn bị đội tàu hộ tống trang bị tên lửa, tàu ngầm hạt nhân và một số tàu hậu cần cỡ lớn. Nguồn tin của giới công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, những năm gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực đột phá trong lĩnh vực chế tạo tàu khu trục hiện đại 052D tương tự như lớp Aegis của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc đã chế tạo 4 tàu khu trục 052D cho cụm tàu sân bay. Tàu khu trục 052D sẽ đưa vào hoạt động năm 2016 - 2020. Giới tướng lĩnh Trung Quốc hy vọng thông qua hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển liên tục được cải tiến để bảo vệ cụm tàu sân bay trong tương lai. Chuyên gia quân sự Nga cho biết, tàu khu trục lớp 052C mới nhất, được gọi là Aegis Trung Hoa, hiện đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Yomiuri của Nhật Bản, hồi tháng 3 năm nay, Thiếu tướng Doãn Trác, Chủ nhiệm Ủy ban Chuyên gia Thông tin hóa của Hải quân Trung Quốc, cho biết vì Trung Quốc chưa từng có kinh nghiệm vận hành tàu sân bay nên sẽ mất khá nhiều thời gian để đào tạo các sĩ quan chỉ huy công đoạn cất-hạ cánh cho máy bay chiến đấu.
Từ mấy năm nay, Trung Quốc khẩn trương huấn luyện phi công hải quân cho tàu sân bay qua các mô hình trên đất liền và thông qua hợp tác đào tạo trên tàu sân bay của Brazil.
Ngoài ra, theo Thái Đắc Thắng, Cục trưởng Cục An ninh Đài Loan, Trung Quốc Đại lục đang xúc tiến đóng mới hai tàu sân bay để hợp thành một hạm đội tàu sân bay cùng với Varyag. Viên Cục trưởng nói trước Viện Lập pháp Đài Loan: “Thực sự là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định đóng hai tàu sân bay của riêng nước này”. Việc đóng mới hai tàu sân bay sẽ lần lượt được triển khai vào năm 2013 và 2015, với thời hạn bàn giao cho hải quân dự kiến vào các năm 2020 và 2022”. Hai tàu này sẽ chạy bằng năng lượng thông thường.
Các chuyên gia cho rằng, mức độ đe dọa nguy hiểm đến cỡ nào còn phải chờ vào “đẳng cấp” của những tàu đóng mới. Với cái tàu cũ Varyag dù đã được nâng cấp rất nhiều vẫn chỉ thuộc loại “thường thường bậc trung”.
Ngoại giao pháo hạm xóa nhòa các thông điệp chính trị ngoại giao
Người đứng đầu ngành tình báo Đài Loan nhận định: “Khi hai tàu sân bay mới được phiên chế cho hải quân Trung Quốc, mối đe dọa của chúng đối với Đài Loan sẽ lớn hơn nhiều so với mối đe dọa từ tàu Varyag”.
Vũ khí ắt đẻ ra vũ khí. Đài Loan đang nâng cấp các tên lửa diệt hạm,  ngấm ngầm chuẩn bị các vũ khí “sát thủ” tàu sân bay.
Nhưng đến một lúc nào đó khi Trung Quốc thực hiện được tham vọng tàu sân bay, các vùng biển dân sự ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á/Biển Đông sẽ trở nên chật chội bởi đủ các loại tàu chiến của Trung Quốc. Các thông điệp ngoại giao của Trung Quốc về hòa bình, hữu nghị, hợp tác mà các nhà lãnh đạo chính trị Bắc Kinh đưa ra đã không còn được đón nhận với sự tin cậy. Vì chúng bị lấn át bởi “ngoại giao pháo hạm”. Đó là một điều không hay ho gì đối với nền ngoại giao một cường quốc. Người Trung Quốc vẫn thường phê phán các nước đế quốc phương Tây đè nén, ức hiếp dân tộc Trung Hoa trong suốt thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Ngày nay, quá trình hiện đại hóa quân sự và chạy đua vũ trang hết tốc lực đang đẩy Trung Quốc trượt theo vết xe đổ của các nước phương Tây. Mà nạn nhân là các nước láng giềng nhỏ và yếu./.
Lưu Việt

http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/toquoc.vn/Tai-sao-Trung-Quoc-voi-va-dua-tau-san-bay-vao-truc-chien/9087940.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét