Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Kinh tế Mỹ phục hồi, kinh tế Trung Quốc hụt hơi?

(Toquoc)-Mỹ sắp trở lại là đầu tàu kinh tế thế giới, còn kinh tế Trung Quốc đang hụt hơi và có thể sụp đổ vào năm 2013? Tương quan thương mại xoay chuyển?
Kỹ thuật khai thác dầu khí mới đang hứa hẹn giúp Mỹ đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong vòng 5 năm nữa. Đồng USD yếu đang tạo ra làn sóng “hồi hương” của các công ty chế tạo, giúp cán cân thương mại thặng dư trở lại. Sau một thập kỷ trì trệ, Mỹ đang đứng trước cơ hội lấy lại vị trí quyết định vận mệnh của nền kinh tế thế giới.
Mỹ phục hồi nhờ khai thác dầu, hồi hương công ty Mỹ và tỷ giá đô la Mỹ thấp
Theo các nhà phân tích, nguồn khí đốt tự nhiên khai thác từ đá phiến, với tên gọi “Cuộc cách mạng khí diệp thạch”, đã đưa Mỹ vượt Nga trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất thế giới trong năm qua. Tuy nhiên, có một thực tế khác chưa được nhiều người biết: Công nghệ “nứt vỉa thủy lực” áp dụng trong khai thác khí diệp thạch cũng hứa hẹn tạo ra một bước nhảy vọt trong khai thác dầu thô ở các mỏ dầu ở bang Bắc Dakota, Texas và ở miền Trung Tây nước Mỹ. Năm 2010, Mỹ đóng góp nhiều nhất vào mức tăng sản lượng dầu thô của thế giới, với 395.000 thùng/ngày. Nếu các mỏ dầu ở Dakota được khai thác, thế giới sẽ có thêm một “Biển Bắc” mới. Sản lượng dầu thô diệp thạch của Mỹ dự kiến sẽ tăng với tốc độ kinh ngạc, đạt 5,5 triệu thùng/ngày vào năm 2015, tăng 10 lần so với năm 2009. Hiện Mỹ đã đáp ứng được 72% nhu cầu dầu mỏ trong nước, so với 50% cách đây một thập kỷ. Theo ý kiến chuyên gia, sự thay đổi này mang một ý nghĩa rất lớn về địa chính trị, an ninh năng lượng, đồng minh quân sự và hoạt động kinh tế. Trong khi sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Đông tiếp tục giảm, sự lệ thuộc của châu Âu lại tăng lên và nguy cơ khu vực này bị chi phối bởi một số quốc gia nắm giữ tài nguyên cũng gia tăng.
Đồng thời, mối quan hệ thương mại “một chiều” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xoay chuyển theo hướng mới. Một báo cáo của “Nhóm tư vấn Boston” cho rằng mức chênh lệch về chi phí lao động của Trung Quốc và Mỹ không còn lớn do lương công nhân ở Trung Quốc tăng trung bình 16% trong thập kỷ qua, khiến nước này không còn là địa điểm lý tưởng với hãng chế tạo công nghiệp. Các lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc có chi phí nhân công sắp cao bằng Mỹ bao gồm máy tính, thiết bị điện, cơ khí, phụ tùng ôtô xe máy, nhựa, cao su, sản phẩm kim khí và cả nội thất. Theo tính toán, mức chênh về lương nhân công giữa Trung Quốc và Mỹ (sau khi đã trừ yếu tố năng suất lao động) sẽ tăng từ 22% năm 2005 lên 43% vào năm 2015. Thậm chí so với vùng miền nam của Mỹ, lương công nhân ở Trung Quốc gần bằng 61%. Nếu tính các chi phí vận chuyển, mức độ tin cậy và ăn cắp bản quyền, việc đặt nhà máy ở trong nước sẽ có lợi hơn đối với các công ty Mỹ.
Trên thực tế, làn sóng “hồi hương” của các công ty Mỹ đang dần gia tăng: Farouk Systems chuyển cơ sở lắp ráp máy sấy tóc về Texas sau khi trên thị trường xuất hiện quá nhiều hàng nhái; ET Water Systems rút nhà máy sản xuất thiết bị thủy lợi về California; Master Lock lên kế hoạch trở lại Milwaukee; NCR dời dây chuyền sản xuất máy ATM về Georgia; NatLabs sắp quay lại Florida. Nhóm Boston ước tính đến giữa thập kỷ này sẽ có khoảng 800.000 việc làm được hồi hương trở về Mỹ, tạo ra hiệu ứng 2,4 triệu việc làm nữa cho thị trường lao động nước này.
Các ngành chế tạo Mỹ còn được hưởng lợi thế cạnh tranh khá lớn nhờ tỷ giá đồng USD thấp. Việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) duy trì lãi suất 0% và bơm 2.300 tỷ USD ra thị trường, dù vô tình hay hữu ý, đã giúp đồng USD giảm giá so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Hành động của FED đặt các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trước hai lựa chọn, và chọn cách nào họ cũng thiệt: Hoặc là tăng giá đồng nhân dân tệ và chấp nhận lương công nhân tăng và mất nhà máy; hoặc là gắn đồng nội tệ với đồng USD và đối mặt với lạm phát. Cuối cùng Bắc Kinh chọn kìm cương lạm phát, bởi phải cần phải có thời gian để các công ty rút nhà máy hoặc thay đổi kế hoạch đầu tư vào nơi khác.
Tuy nhiên, những gì diễn ra ở châu Âu cho thấy làn sóng rút vốn có thể xảy ra rất nhanh.
Những lợi thế Mỹ có được nhờ nguồn năng lượng trong nước và đồng USD giảm giá chưa phải là yếu tố quyết định để nền kinh tế này có được một sự hồi phục ngoạn mục. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ chưa sớm chấm dứt do các nền kinh tế phát triển đều đang phải giảm đầu tư và chi tiêu, còn Trung Quốc thì lo xì hơi bong bóng lạm phát. Tuy nhiên, xét về thực lực Mỹ đang nắm trong tay nhiều quân bài lợi thế: 16/20 trường đại học tốt nhất thế giới, tốc độ tăng dân số trên 2% sẽ giúp nhanh chóng lấy lại cân bằng ngân sách. So với châu Âu, Mỹ có các thiết chế và một ngân hàng trung ương thực sự có quyền lực. Tất cả những yếu tố này sẽ giúp Mỹ lấy lại sức mạnh kinh tế trước đây của mình.
Kinh tế Trung Quốc đang hụt hơi và có thể sụp đổ vào năm 2013?
Theo tạp chí Statafrik và Đại Tây Dương đánh giá tình hình kinh tế Trung Quốc đứng trước một loạt bất cập.
Nhà kinh tế Nouriel Roubini, chuyên gia dự báo thảm họa thế giới nhận định, tuy Trung Quốc dường như đang thắng thế trên thế giới, song đứng trên quan điểm kinh tế, nhiều chỉ số cho thấy có những vết rạn trong đế chế Trung Hoa. Giới lãnh đạo Trung Quốc trong một thời gian dài được ca ngợi là đã quản lý kinh tế khéo léo, với việc thay thế nền kinh tế chỉ huy trong những năm 80 của thế kỷ 20 bằng một trạng thái cân bằng thị trường tinh tế, ngừng sản xuất hàng cấp thấp để phát triển công nghiệp chế biến ngày càng hiện đại hơn nhưng công trình đó không vững chắc. Từ đầu năm 2011 ông Roubini đã nhắc đi nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng tăng trưởng. Ông Roubini không loại trừ khả năng đó sẽ là cuộc khủng hoảng trầm trọng về tăng trưởng mà nước này có thể phải gánh chịu, và cảnh báo hình mẫu Trung Quốc sẽ không trụ được lâu và có thể sụp đổ vào năm 2013. Nhưng tại sao lại là năm 2013? Theo ông Roubini, không một nước nào trên thế giới có thể sản xuất đủ để dành tới 50% GDP của mình để đầu tư mà không gây ra tình trạng thừa năng lực quá mức và các vấn đề tín dụng không lành mạnh. Hơn nữa, năm 2013 là thời kỳ nửa đầu của Kế hoạch năm năm lần thứ 12 bắt đầu từ năm 2010. Trong khi đó, nhà phân tích Robin Rivaton cho biết Kế hoạch 5 năm đó là triệu chứng của một nền kinh tế quá nóng. Kế hoạch này được thiết kế nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn bị tác động bởi mức cầu chững lại trên thế giới trong thời kỳ 2008-2009, khi phần xuất khẩu trong GDP giảm mạnh từ 11% xuống còn 5%. Cũng như các kế hoạch 5 năm trước đó, Kế hoạch lần thứ 12 này nhằm mục đích đẩy mức tiêu thụ trong nước tăng lên để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng lại kéo theo các khoản đầu tư khổng lồ. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy mô hình tăng trưởng ít phụ thuộc vào nhu cầu của thế giới hơn, đồng thời hướng tới tiêu thụ trong nước nhiều hơn.
Các nhà kinh tế đều thống nhất cho rằng bong bóng kinh tế hình thành khi tỷ giá thực là âm trong dài hạn. Điều này diễn ra ở Trung Quốc trong thời kỳ gần đây. Vay tiền dễ dàng cộng với chi phí thấp kích thích các doanh nghiệp không có khả năng vay vốn theo tỷ giá thị trường thông thường lao vào cuộc chạy đua đầu tư quyết liệt. Nhà kinh tế Roubini nhắc lại rằng tất cả các thời kỳ đầu tư quá mức, cụ thể là ở Đông Nam Á trong những năm 1990, đã kết thúc bằng một "cuộc khủng hoảng tài chính" và một "thời kỳ tăng trưởng thấp". Tổng vốn được các ngân hàng Trung Quốc cho vay đã tăng gần gấp đôi lên tới 1.100 tỷ euro từ năm 2008 đến năm 2009. Ông cho rằng gần 1/3 số tiền mà các ngân hàng Trung Quốc cho vay có thể sẽ không trả được.
Bong bóng bất động sản sẽ vỡ?
Ngoài doanh nghiệp, chính quyền các địa phương cũng nợ đầm đìa vì vay tiền để rót vào bất động sản và hạ tầng. Cuối tháng 6/2011, Cơ quan Kiểm toán Quốc gia (NAO) của Trung Quốc cho biết món nợ của địa phương các cấp đã lên tới 10.700 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tức 1.140 tỷ euro, tương đương 27% GDP năm 2010. Theo thống kê chính thức, mức tăng nợ của các địa phương đã giảm từ 61,9% năm 2009 xuống 8,9% năm 2010. Hãng xếp hạng tín dụng Moody's nghi ngờ tính xác thực của con số thống kê chính thức của Trung Quốc và đánh giá con số đó phải là 1.513 tỷ euro, chiếm 36% GDP. Moody's thậm chí dọa sẽ hạ điểm của các ngân hàng Trung Quốc vì một khoản nợ khó đòi như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng cho vay. Một chuyên gia Mỹ về vấn đề này thậm chí còn đánh giá mức nợ của Trung Quốc chiếm khoảng 40-50% GDP năm 2010. Kể cả lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này cũng chưa chắc giúp giải tỏa được các món nợ trên. Gần một nửa số nợ này sinh ra từ việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ trị giá 4.000 tỷ NDT được triển khai từ năm 2008. Tuyệt đại đa số các khoản cho vay đó được dùng để tài trợ cho xây dựng hạ tầng, nhưng lại nảy sinh tham nhũng và lãng phí trong sử dụng vốn. Nghiêm trọng hơn nữa là phần lớn số nợ nói trên sẽ đến hạn phải trả vào năm 2013. Điều đó càng làm tăng thêm tính chất bản lề của năm đó.
Trong báo cáo phân tích hồi đầu tháng 9/2011, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick nhấn mạnh đến các thách thức xã hội và sinh thái của Trung Quốc. Dân chúng bày tỏ mối quan ngại quyết liệt trước tình hình môi trường ngày càng tồi tệ, thậm chí còn quyết liệt hơn cả đối với phát triển kinh tế. Dân số già đi cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng trong một hoặc hai thập kỷ nữa. Tháng 3/2011, hãng xếp hạng tín dụng Fitch đánh giá nguy cơ khủng hoảng ngân hàng ở Trung Quốc vào giữa năm 2013 lên tới 60%.
Có mấy mặt bất cập: Lạm phát không thể kiểm soát dẫn đến tình hình xáo trộn ở Trung Quốc và được chính quyền nước này chính thức coi là một cuộc đấu tranh cần được ưu tiên. Một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới chắc chắn làm phức tạp thêm tình hình ở Trung Quốc. Năm 2008, chính quyền nước này đã phải bơm 460 tỷ euro vào kế hoạch hỗ trợ trong hai năm để tái khởi động nền kinh tế và duy trì nhip độ tăng trưởng đều đặn khoảng 8%.
Bong bóng bất động sản chờ vỡ: Giới chuyên gia kinh tế nhận xét ngành này đang trong cơn "co giật", do mức cầu giảm trên thế giới. Chi phí trung bình cho các yếu tố sản xuất trái lại lên tới mức cao nhất trong 4 tháng trở lại đây. Giá nhà tại Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng. Bong bóng đã biến thị trường bất động sản ở Trung Quốc thành một trong những thị trường đắt đỏ nhất thế giới so với thu nhập ở nước này. Giá trung bình một căn hộ ở Bắc Kinh năm 2006 vào khoảng 100.000 USD, tức gấp 32 lần thu nhập trung bình của một công dân trong vùng, nhưng mức này đã tăng lên 250.000 USD năm 2011, cao gấp 57 lần thu nhập trung bình của người dân. Lĩnh vực bất động sản được người Trung Quốc thích đầu tư nhất vì mang lại lợi nhuận cao hơn gửi tiền vào ngân hàng. Các khoản môi giới cũng đóng vai trò chủ chốt trong việc cân đối tài chính địa phương. Do năng suất lao động giảm sút trong công nghiệp, nhiều doanh nghiệp sử dụng chính cơ sở sản xuất hay kinh doanh của mình làm bảo đảm để vay vốn trên thị trường chợ đen và có những trường hợp mang tiền vay được cho vay lại với lãi suất cao hơn hay dùng tiền vay đó để lao vào đầu cơ bất động sản.
Trước tốc độ lạm phát phi mã, Trung Quốc chọn cách thực hiện chính sách tiền tệ cứng rắn. Tuy nhiên, giới phân tích không loại trừ khả năng sắp tới, nước này sẽ phải để đồng NDT tự định giá nhằm tăng cường sức cạnh tranh trên cơ sở lành mạnh để có tiền tài trợ đầu tư và tăng lương.
Đại nhảy vọt… hướng tới tiêu thụ trong nước, hậu quả là các mảng lớn của nền công nghiệp Trung Quốc có thể sẽ không còn có lãi. Các khoản vay xấu có thể buộc chính phủ nước này phải can thiệp và tái tạo vốn cho ngân hàng. Nguy cơ thì nhiều, đặc biệt là nguy cơ phá sản đối với các doanh nghiệp hướng về xuất khẩu và chính phủ các địa phương hiện đang sống chủ yếu nhờ vay nợ và đầu cơ đất đai.
Thách thức đối với Trung Quốc là rất lớn, nhưng nếu vẫn cứ để như hiện nay sẽ dẫn đến tình hình bùng nổ và điều đó chắc chắn sẽ lại càng kích thích những kẻ đầu cơ trên toàn thế giới lao vào tìm kiếm một trò cá cược kéo giá xuống như đã từng xảy ra năm 2008. Giới chuyên gia kinh tế và chính trị phươ ng Tây cho rằng Trung Quốc nên áp dụng giải pháp thông thường là tái cân bằng nền kinh tế vì đầu tư bằng vốn cố định đã gần bằng ½ Tổng sản phẩm quốc nội, tức là mức quá lớn và không thể chịu nổi về dài hạn./.
QT (Theo các báo nước ngoài)


Nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét