Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Một mùa mưa chưa từng có!


Như tự ngàn đời nay, không một mùa mưa nào mà không gây ra nhiều thiệt hại cho người dân VN nói chung – người dân miền Trung nói riêng. Song, mùa mưa năm nay thật dữ dội – một mùa mưa chưa từng có! Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động mạnh mẽ tới VN. Điều đáng nói, thiên tai cộng với “nhân tai” đã làm người dân miền Trung kiệt sức. Liên tục các đợt lũ. Suốt ngày, bầu trời xám xịt, đầy mây mù và những cơn gió lạnh từ biên giới phía Bắc vẫn đang rình rập chúng ta!
Nhìn xa hơn về đất nước, về địa lý quân sự VN. Điều đầu tiên ta thấy, địa hình VN nói chung rất dễ bị chia cắt chiến lược và chia cắt từng vùng – khi bão lụt cũng như khi xẩy ra chiến tranh. Dải đất VN kéo dài, ngoằn nghèo như một con rắn mà miền Trung là khúc giữa. Nếu đánh vào khúc giữa ấy, con rắn khó mà cựa quậy! Các quân sư “quạt mo” Tàu đã từng bàn luận điều đó. Dù sao, với các yếu tố về địa hình, thời tiết, khí hậu VN, cần lưu ý luận điểm này.
Đất nước VN kéo dài theo hướng Bắc – Nam, từ điểm cực Bắc Lũng Cú đến điểm cực Nam xóm Rạch Tàu trên đất Mũi Cà Mau dài 1.650 km. Chỗ rộng nhất, từ Móng Cái đến mỏm núi Khoan La San, Lai Châu dài 500 km; chỗ hẹp nhất, đoạn cắt ngang Đồng Hới, Quảng Bình chỉ có 50 km.
Ba phần tư địa hình VN là rừng núi. Lịch sử VN cho thấy các trận đánh lớn thường diễn ra trên dạng địa hình này. Còn Tây Nguyên là mái nhà của đất nước. Ai làm chủ được Tây Nguyên, người đó sẽ làm chủ Đông Dương. Tất cả các nhà chỉ huy quân sự từ Ta, Tàu, Tây đều đi đến kết luận đó.
Như vậy, đặc điểm giao thông, địa hình VN không thuận lợi, thường gây trở ngại cho việc cơ động; ảnh hưởng lớn đến sự bố trí lực lượng trên các hướng và việc đảm bảo hậu cần để tác chiến cho các vùng khác nhau trong hoàn cảnh bị chia cắt. Việc bố trí lực lượng đúng hết sức quan trọng. Nếu bố trí lực lượng đúng, đã giành 70 % thắng lợi – đó là nhận xét của Lê Duẩn mà Trần Văn Trà rất tán thành trong hồi ký của mình.
Về phía Đông, VN có bờ biển dài hơn 3.000 km với nhiều đồng bằng nằm sát biển, thường bị ngăn cách bởi những dãy núi nhô ra biển, những con sông. Hai con đường lớn, huyết mạch chạy từ Bắc vào Nam là Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh có đặc điểm lớn là Quốc lộ 1A chạy sát ven biển miền Trung, dễ bị ngập lụt khi mưa lớn, còn đường Hồ Chí Minh men theo sườn núi cao, quanh co, lại dễ bị sạt lở, gây tắc đường. Mặt khác, trên đường có rất nhiều cầu, cống. Đứng về quân sự mà nói, trong tình hình đó, không quân và hải quân đối phương có điều kiện thuận lợi để khống chế, ngăn chặn cơ động Bắc Nam. Việc cơ động theo chiều ngang Đông Tây lại càng khó khăn hơn.
Lịch sử cũng như trong tương lai cho thấy, hướng đường biển phía Đông là một hướng chiến lược mà đối phương có thể dùng để tổ chức những chiến dịch đổ bộ bằng đường biển để đánh chiếm các đảo, các bờ biển xung yếu như vịnh Bắc Bộ, bờ biển miền Trung nhằm chia cắt chiến lược, chiến dịch, buộc VN phải đối phó trên nhiều hướng và phải phân tán lực lượng. Do đó, các đảo gần bờ, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trong điều kiện chiến tranh hiện đại, công nghệ cao, không quân và hải quân đối phương rất mạnh, hướng chiến lược phía Đông là không thể xem thường.
Lịch sử cũng cho thấy, ở VN, các hoạt động tác chiến lớn thường theo mùa khí hậu. Bởi vì, chiến tranh bao giờ cũng diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định. Không gian rộng hay hẹp, thời gian dài hay ngắn là tuỳ thuộc vào ý định và so sánh lực lượng của hai bên. Nhưng không gian, thời gian nào trong năm thuận lợi cho việc tác chiến lại còn do mùa khí hậu quyết định.
Khí hậu là một trong những yếu tố quan trọng nhất của địa lý tự nhiên, nó tác động sâu sắc đến địa hình. Hai yếu tố địa hình và khí hậu luôn ảnh hưởng lớn đến hoạt động tác chiến của quân đội – đặc biệt đối với VN.
Khí hậu VN là khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa, có thể chia VN làm ba miền khí hậu lớn. Miền khí hậu phía Bắc từ đèo Ngang trở ra Bắc có hai mùa nóng, lạnh rõ rệt ứng với hai mùa: mùa mưa và mùa ít mưa, thời tiết rất không ổn định. Miền khí hậu phía Đông Trường Sơn từ đèo Ngang vào Khánh Hoà, có mùa mưa ẩm lệch pha so với cả nước. Miền khí hậu phía Nam bao gồm Tây Nguyên và Nam Bộ quanh năm hầu như chỉ có mùa nóng, khí hậu ít biến động hơn. Tuy nhiên, với sự biến đổi khí toàn cầu hậu hiện nay thì việc nghiên cứu sâu thời tiết VN không những có ý nghĩa xã hội mà về quân sự lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Phân tích về đặc điểm khí hậu VN cho thấy, mùa khô là thời kỳ thuận lợi nhất cho các hoạt động tác chiến lớn trên không, trên biển, trên đất liền. Ta thấy, phần lớn những trận tiêu diệt đối phương có ý nghĩa chiến lược của ông cha ta đều diễn ra vào mùa khô như các trận Bạch Đằng, cuối năm 938 (Ngô Quyền) và tháng 4 năm 1288 (chống quân Nguyên – Mông lần thứ 3); trận Như Nguyệt, tháng 2 năng 1077 (Lý Thường Kiệt đánh Tống); Rạch Gầm – Xoài Mút, tháng 1 năm 1785; Quang Trung đại phá quân Thanh, tháng 1 năm 1789…Các chiến dịch lớn trong cuộc chiến với người Pháp cũng diễn ra vào mùa khô: Chiến dịch Việt Bắc, tháng 12 năm 1947; chiến dịch Biên Giới, tháng 10 năm 1950; chiến dịch Hòa Bình, tháng 12 năm 1951; chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3 đến tháng 5 năm 1954…
Nghiên cứu địa lý quân sự VN không phải là vấn đề mới, đã được các tướng lĩnh VN bàn đến rất nhiều. Vấn đề là, qua một mùa mưa chưa từng có như năm nay, mối lo ngại về an ninh VN càng trở nên sâu sắc. Yếu tố địa hình, thời tiết càng không cho phép VN phạm sai lầm. Đối phương có thể bao vây VN từ phía Bắc, phía Tây, phía Tây Nam và cả phía Đông! Không thể quên bài học năm 1979! Lưu ý, từ khá sớm, TQ đã “mua” một khu vực lớn của Lào giáp Tây Nguyên. Bây giờ, thêm “bùn đỏ” nằm yên chờ cơ hội! Phía Tây Nam giáp Cambodia càng đáng lo ngại hơn. Rồi các đập thuỷ điện trên sông Mê Kông đã làm Nam Bộ khô kiệt. Các mùa mưa tiếp theo đưa đến hậu quả ra sao, là điều có thể dự đoán được!
Nói là địa hình rừng núi nhưng giờ đây chủ yếu là núi, rừng còn lại rất ít. Miền Trung với hàng trăm dự án thuỷ điện đưa đến kết quả nhãn tiền: điện vẫn cứ thiếu ngay trong mùa mưa và việc xả lũ tuỳ tiện đã góp phần nhấn chìm người dân.
Một mùa mưa chưa từng có và nhiều sự kiện, nhiều trăn trở, nhiều day dứt, nhiều suy nghĩ của rất nhiều người VN cũng chưa từng có! “Cố rán sức qua mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ gặp mùa xuân” – Hồ Chí Minh.


Nguồnhttp://lemaiblog.wordpress.com/2010/11/10/m%E1%BB%99t-mua-m%C6%B0a-ch%C6%B0a-t%E1%BB%ABng-co/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét