Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Đánh lừa Saddam trong chiến dịch Bão táp sa mạc


Không có gì cay đắng hơn khi một chỉ huy quân sự bị đối phương đánh lừa trong một trận đánh quyết định – hơn thế, trong một cuộc chiến tranh. Tất nhiên, đánh lừa một người như Saddam Hussein dày dạn kinh nghiệm, có sự mẫn cảm đặc biệt, không hề dễ dàng. Chiến thắng của Hoa Kỳ và đồng minh trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 cho thấy chiến thuật nghi binh độc đáo, thành công ngoài tưởng tượng của nghệ thuật quân sự Hoa Kỳ và phương Tây.
Bộ máy chiến tranh của Iraq lúc bấy giờ thật đáng sợ, nó không còn đối thủ ở vùng Trung Cận Đông. Vào đầu tháng 1.1991, tổng số quân Iraq tại chiến trường Kuwait đã lên tới 43 sư đoàn, được tổ chức thành 4 quân đoàn và các lực lượng Vệ binh cộng hòa. Lực lượng này bao gồm: 7 sư đoàn thiết giáp, 4 sư đoàn cơ giới, 29 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn tác chiến đặc biệt và vài lữ đoàn độc lập khác. Iraq có hơn 4.500 xe tăng, 2.800 xe thiết giáp chở quân, 3.200 khẩu pháo. Lúc này, Iraq không còn có thể triển khai lực lượng có ý nghĩa về sức mạnh chiến đấu tới chiến trường Kuwait nữa, do các vấn đề về hậu cần và ngoài ra, nó làm mỏng lực lượng bảo vệ an ninh nội địa.  
Vì sao Iraq bố trí quân đội như vậy? Điều đáng nói, vấn đề bố trí quân của Iraq đã bị Hoa Kỳ và liên quân đánh lừa rất công phu, ngoạn mục.
Do tính chất gây hấn của Saddam, cuộc xâm lược Kuwait của Iraq đã bị quốc tế tức khắc phản ứng gay gắt, kể cả Liên Xô – đồng minh thân cận của Iraq. Chiến tranh lạnh vừa kết thúc. Gorbachev không tin là Iraq có thể thắng Mỹ. Ông ta nhiều lần phái Đặc phái viên đến Iraq nhằm thuyết phục Saddam. Đây là một đoạn trong cuộc nói chuyện của Primakov – đặc phái viên của Gorbachev, người mà sau này từng là Thủ tướng Nga. Ông này nói với Saddam bằng thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ ngoại giao mà ông thường dùng:
- Thưa ngài Tổng thống, nếu ngài cố chấp, người Mỹ sẽ tiến hành chiến tranh với ngài, lúc đó chúng tôi sẽ không thể can ngăn.
Saddam trả lời bằng một giọng gần như lạnh nhạt:
- Tôi hiểu.
- Nhưng ngài sẽ thua trận.
- Có thể.
Chắc hẳn Saddam đã có sự chuẩn bị và tính toán sâu xa nào đấy mới có thể bình tĩnh và tự tin đến thế!
Các chỉ huy Hoa Kỳ – đối thủ của Saddam, trong quá trình vạch kế hoạch, nhấn mạnh tới sự cần thiết của một kế hoạch tác chiến tổng hợp nhằm đánh lừa các lực lượng Iraq về các ý định và giữ kín kế hoạch vận động của liên quân. Kế hoạch nghi binh nhằm làm cho Iraq tin rằng hướng tấn công chủ yếu của liên quân là sẽ đánh thẳng vào Kuwait, với sự yểm trợ của cuộc tấn công đổ bộ đường biển. Kế hoạch này còn nhằm đánh lạc hướng các lực lượng Iraq khởi xướng tấn công chủ yếu và kìm chân các lực lượng Iraq tại miền Đông Kuwait và dọc theo bờ biển Kuwait.
Các yêu cầu của kế hoạch nghi binh gồm: (a) Nghi binh chiến lược để làm cho đối phương tưởng là liên quân đang ở thế phòng thủ; (b) Nghi binh chiến dịch để kìm chế hoặc đánh lạc hướng lực lượng vệ binh cộng hòa và các đơn vị hạng nặng khác khỏi hướng tấn công chủ yếu và (c) Nghi binh chiến thuật để tạo thuận lợi cho việc vượt qua các chướng ngại vật.
Chiến thuật nghi binh đánh lừa Saddam gồm các điểm chủ yếu sau:
- Bố trí lực lượng mạnh dọc theo biên giới Kuwait – Arab Saudi, tổ chức diễn tập quân sự cố ý làm các động thái ra vẻ như các lực lượng liên quân sẽ xuất phát từ  Arab Saudi đánh thẳng vào Kuwait.
Nhằm mục đích đó, ngay từ tháng 12.1990, đã điều Quân đoàn 7 từ Cộng hòa LB Đức sang Arab Saudi; quân Mỹ dàn lực lượng chủ công suốt dải biên giới Kuwait và liên tiếp tổ chức tập trận, nhử cho Iraq tăng quân ồ ạt đến miền Nam Kuwait. Quả nhiên, Iraq đã mắc lừa, vội vàng điều một lực lượng khá lớn vào miền Nam Kuwait.
- Hạm đội Mỹ, sau khi hoàn toàn giành quyền khống chế trên biển, đã bố trí dọc bờ biển Kuwait 17 ngàn lính thủy đánh bộ và cố ý làm ra vẻ sắp sửa đổ bộ lên Kuwait.
Ta hãy nghe phân tích rất hay của Đại tướng H.Norman Schwarkopf, Tổng chỉ huy, Bộ Tư lệnh Trung tâm:
“Chúng ta tiếp tục tiến hành những hoạt động tàu chiến ngoài khơi vì chúng ta muốn Iraq tin rằng chúng ta đang tiến hành một cuộc hành quân thủy bộ ồ ạt. Iraq nghĩ rằng chúng ta sắp sửa chạm trán với chúng trong vùng được phong thủ kiên cố nhất của chúng. Chúng ta đã tung ra những đòn nhử và bắn hỏa lực của hải quân để chúng cứ tưởng là ta chuẩn bị tấn công dọc bờ biển và vì vậy đã chốt các lực lượng của chúng ở đây. Hy vọng của chúng ta là bằng việc chôn chân các lực lượng địch ở vị trí này và với cuộc tấn công trên bộ từ phía nam, chúng ta sẽ cơ bản kìm chân được các lượng lượng của địch ở miền nam Kuwait…Chúng ta đã rất thành công trong hoạt động này”.
- Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, Hoa Kỳ cố ý tung ra những tin tức giả mạo, loan tin lính thủy đánh bộ sắp tràn lên chiếm Kuwait, khéo léo tạo ra những hiện tượng giả làm Iraq bối rối, không biết đâu mà lần.
Kế hoạch nghi binh, đánh lừa Saddam của Hoa Kỳ và liên quân đã rất thành công. Saddam gần như đui mù, không thể đoán ra ý định của liên quân. Trinh sát đường không của Saddam hoàn toàn bất lực. Việc bố trí quân đội sai lệch, hậu cần cồng kềnh, khả năng tấn công rất hạn chế, hệ thống chỉ huy cứng nhắc càng làm cho Iraq nhanh chóng thua trận.
Trong một thế giới đầy bấp bênh, việc chuẩn bị ứng phó với các cuộc xung đột bất ngờ là hết sức cần thiết. Hoa Kỳ thì như vậy, còn Trung Quốc thì sao? Nghi binh, đánh lừa đối phương (“thuật dùng mẹo”) là một chiến thuật rất hay được người Trung Quốc ưa dùng và họ thường rất thành công. Nghệ thuật dùng “mẹo” của họ thật đa dạng, khó lường. Chúng ta không thể bị mắc mưu – trừ phi “tự nguyện” mắc mưu họ? Xưa nay ông cha ta chưa bao giờ mắc mưu họ, chỉ khi đang yếu thế thì lui quân để bảo toàn lực lượng và tìm kế khác!
Cuộc chiến vùng Vịnh được các đối thủ nghiên cứu kỹ càng chẳng kém Hoa Kỳ. Và bài học Saddam bị đánh lừa vẫn luôn là đề tài nóng hổi của các nhà nghiên cứu quân sự thế giới!


Nguồnhttp://lemaiblog.wordpress.com/2010/10/05/danh-l%E1%BB%ABa-saddam-trong-chi%E1%BA%BFn-d%E1%BB%8Bch-bao-tap-sa-m%E1%BA%A1c/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét