Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trong quan hệ Việt-Trung (1974-1995)

Nằm ở vị trí chiến lược trên biển Đông, đồng thời lại chứa đựng những tài nguyên quý giá, nên từ đầu thế kỷ XX, quần đảo Hoàng Sa, một bộ phận lãnh thổ Việt Nam đã trở thành mục tiêu tranh chấp của một số nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.


Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trong quan hệ Việt-Trung (1974-1995) - Kỳ 1

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông, từ lâu là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi mà nó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào và đã liên tục thực hiện chủ quyền thật sự của Việt Nam đối với cả hai quần đảo này. Nhà nước Trung Quốc chưa hề chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là "Tây Sa" và "Nam Sa", Trung Quốc cũng chưa bao giờ nêu "yêu sách" về hai quần đảo này. Thế nhưng năm 1956, lợi dụng lúc quân Pháp chưa kịp rút ra khỏi Việt Nam, quân đội Sài Gòn chưa kịp ra thay thế, Trung Quốc cho quân chiếm đóng nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa.
Đêm 20 rạng sáng ngày 21 tháng 2 năm 1956, Trung Quốc cho binh lính cải trang làm ngư dân ra hoạt động khiêu khích, thăm dò nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa, hòng chiếm nốt số đảo còn lại. Các đơn vị quân đội chính quyền Sài Gòn đồn trú ở đây đã bắt toàn bộ 82 người và 5 tàu cải dạng đánh cá của hải quân Trung Quốc, làm thất bại âm mưa xâm lấn Hoàng Sa của Trung Quốc.
Đầu năm 1974, trong lúc nhân dân Việt Nam đang tập trung cao độ vào nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, Trung Quốc huy động lực lượng quân sự đánh chiếm nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa. Ngày 17 tháng 1 năm 1974, nhiều tàu chiến Trung Quốc đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa để khiêu khích các tàu của quân đội Sài Gòn đang làm nhiệm vụ tuần tra xung quanh quần đảo. Trung Quốc cho quân đổ bộ lên các đảo không có quân đội chính quyền Sài Gòn đồn trú. Ngày 19 tháng 1 đã xảy ra cuộc hải chiến giữa một bên là tàu chiến của quân đội chính quyền Sài Gòn vừa được tăng cường ra để bảo vệ đảo với một bên là lực lượng hải quân Trung Quốc đã phục sẵn. Ngày 20 tháng 1, dưới sự yểm trợ của máy bay và tàu chiến, quân Trung Quốc đổ bộ lên chiếm các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật và Quang Ảnh, xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính quyền Sài Gòn được Mỹ thông báo: hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã nhận được lệnh tránh khỏi quần đảo Hoàng Sa.
Đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc đã huy động hàng chục chiếc tàu các loại (hai tàu loại Kô Ma có trang bị tên lửa) và hàng trăm lần chiếc máy bay hoạt động liên tục. Quân đội chính quyền Sài Gòn đã chống trả quyết liệt, nhưng do lực lượng Quân đội chính quyền Sài Gòn quá ít, phía Trung Quốc quá đông, nên cuối cùng quần đảo Hoàng Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam đã bị Trung Quốc xâm chiếm.
Sau khi xảy ra sự kiện Trung Quốc đánh chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa, do quân đội Sài Gòn đóng giữ, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra Tuyên bố lập trường ba điểm như sau:
- Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc.
- Trong vấn đề biên giới và lãnh thổ, các nước láng giềng thường có sự tranh chấp do lịch sử để lại.
- Các nước có liên quan cần xem xét vấn đề này theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị, láng giềng tốt và giải quyết bằng thương lượng.
Sự kiện Hoàng Sa cho thấy: đây là một hành động quân sự của Trung Quốc nhằm đánh chiếm hoàn toàn nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa đang do chính quyền Sài Gòn quản lý.
Xâm chiếm Hoàng Sa là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và không có giá trị mang lại chủ quyền cho Trung Quốc. Giăng Phê-ri-ê Trường đại học Luật, Kinh tế và Khoa học xã hội ở Pa-ri nhận xét: "Đó là hành động vi phạm trắng trợn các quy tắc ngăn cản việc dùng võ lực và việc xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực… Việc xâm chiếm này về nguyên tắc là phi pháp"…và khẳng định: "Hành động xâm chiếm bằng quân sự của Trung Quốc không giải quyết được vấn đề pháp lý (Ferrier Jean Pierre,Vụ xung đột về quần đảo Paracel và vấn đề chủ quyền trên các đảo không có người ở, trong Nirn giám pháp luật quốc tế Pháp, Pa-ri,1975). Bởi lẽ, theo luật pháp quốc tế, xâm lược không đưa lại chủ quyền.
Tháng 1 năm 1988, Trung Quốc cho hải quân ra khu vực đảo Trường Sa hoạt động khiêu khích, ngăn cản các tàu vận tải Việt Nam. Họ đã xâm chiếm một số bãi đá ngầm, nhằm xây dựng căn cứ đứng chân làm bàn đạp để mở rộng các hoạt động xâm lược trên quần đảo.
Đặc biệt nghiêm trọng là sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc sử dụng một biên đội tàu chiến gồm 6 chiếc, trong đó có 3 tàu hộ vệ số 502, 206 và 531 được trang bị tên lửa và pháo cỡ 100 mi-li-mét, vô cớ tấn công bắn chìm và cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế ở các bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma, thuộc cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam. Khi các tàu cứu hộ Việt Nam mang cờ chữ thập đỏ đến cứu những tàu bị bắn cháy, bắn chìm, thì bị tàu chiến Trung Quốc ngăn cản, bao vây, khiêu khích. Cuộc tiến công của Trung Quốc đã gây thêm tội ác mới chống nhân dân Việt Nam làm cho một số cán bộ, chiến sĩ quân đội Việt Nam bị hy sinh, 74 người bị mất tích.
Phối hợp với các hoạt động quân sự trên biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các hoạt động đó là "bình thường" và đòi Việt Nam phải "rút khỏi các đảo san hô" ở đây; đổ lỗi cho bộ đội Việt Nam xông lên bắn vào nhân viên khảo sát của Trung Quốc trên bãi đá ngầm Gạc Ma (Trung Quốc gọi là Xích Qua) và vu cáo rằng, các tàu của hải quân Việt Nam nã pháo vào tàu hải quân Trung Quốc neo đậu gần đó, dẫn đến hải quân Trung Quốc buộc phải "phản kích để tự vệ" (Nhân dân nhật báo, ngày 1-4-1998).
Sự thật là thế nào? Điều gì đã làm cho nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kể từ ngày ra đời, luôn luôn tuyên bố là nước "yêu chuộng hòa bình", là một trong những nước đã đề ra năm nguyên tắc "chung sống hòa bình", lại dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, như Trung Quốc đã từng làm đối với một số nước có chung đường biên giới? Điều gì đã làm cho nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã từng tuyên bố chống đế quốc mạnh mẽ, đã từng tích cực ủng hộ nhiều phong trào giải phóng dân tộc và nhiều năm sát cánh cùng Việt Nam chiến đấu vì sự nghiệp chung, nay lại gây ra cảnh đau lòng khi những người lính Trung Quốc xả súng bắn vào cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa.
Mọi người đều biết, sau khi chiếm được quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1 năm 1974, Trung Quốc ra sức xây dựng quần đảo này thành một căn cứ quân sự liên hợp có cầu cảng, sân bay làm bàn đạp mở rộng xâm lược xuống quần đảo Trường Sa. Một tờ báo Mỹ đã vạch rõ: " Chiến lược của Trung Quốc dường như là củng cố vị trí trên quần đảo Hoàng Sa trước khi tiến tới quần đảo Trường Sa ở xa hơn nữa về phía Nam" (Theo báo Diễn đàn thông tin quốc tế (Mỹ) ngày 22-2-1983)...nơi mà từ trước đến nay Trung Quốc chưa bao giờ đặt chân tới.
Điều này được thể hiện trong lời tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa, ngày 30 tháng 7 năm 1977 rằng: "Khi thời cơ đến chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà không cần phải thương lượng gì hết" (ED. Xtê-pha-nốp, Trung Quốc bành trướng trên hướng biển, Nxb.Quan hệ quốc tế, 1980, tr.144).
Trên thực tế, từ năm 1981, Trung Quốc đã đưa Sở chỉ huy của hạm đội Nam Hải từ Quảng Châu xuống Trạm Giam, trang bị cho hạm đội này những phương tiện đổ bộ hiện đại nhất và xây dựng, mở rộng hàng loạt các cảng quân sự ở đảo Hải Nam. Đồng thời, Trung Quốc cũng xúc tiến mạnh về mặt tổ chức hành chính, để tạo cơ sở cho việc chiếm đoạt lâu dài Hoàng Sa và chuẩn bị thôn tính nốt Trường Sa của Việt Nam.
Tháng 6 năm 1984, Quốc hội Trung Quốc khóa VI đã phê chuẩn việc thành lập "Khu hành chính Hải Nam" bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, trực thuộc tỉnh Quảng Đông.
Ngày 13 tháng 4 năm 1988, Trung Quốc thành lập tỉnh Hải Nam, một tỉnh có địa giới hành chính rộng lớn trên biển Đông bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là một việc làm bất hợp pháp, vi phạm đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Tờ Liên hợp báo (Đài Loan) nhận xét: "Bằng việc nâng cấp quy chế của đảo Hải Nam, Trung Cộng rõ ràng là đang mưu toan đặt toàn bộ vùng biển Đông và tất cả các đảo ở đó dưới sự kiểm soát của họ, do đó mở rộng tuyến phòng thủ chiến lược phía Nam của họ tới quần đảo Spratly (tức Trường Sa) ở cực Nam biển Đông" (Theo tờ Liên hợp báo (Đài Loan), ngày 2-9-1987).
Trung Quốc vẽ bản đồ biển Đông theo yêu sách của chính quyền Tưởng Giới Thạch năm 1947, thể hiện một đường biên giới không liên tục chiếm ba triệu ki-lô-mét vuông. Theo đường biên giới này thì Trung Quốc chiếm hầu như toàn bộ biển Đông.
Từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 6 tháng 6 năm 1987, hải quân Trung Quốc diễn tập lớn ở khu vực quần đảo Trường Sa. Về cuộc tập trận này đài BBC (Anh) đã nhận xét như sau: " Cuộc tập trận hải quân đầu tiên từ trước tới nay, xung quanh quần đảo Trường Sa có lẽ sẽ có những hậu quả rộng lớn khắp vùng Đông-Nam châu Á. Nó làm phức tạp thêm quan hệ giữa Trung Quốc với Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a rằng, chính Bắc Kinh chứ không phải Mát-xcơ-va là mối đe dọa chiến lược lâu dài, thực sự đối với Đông- Nam Á" (Dẫn theo Tìm hiểu Trung Quốc thành lập tỉnh Hải Nam với chiến lược bành trướng trên biển Đông).
Tháng 1 năm 1988, một lực lượng lớn tàu chiến (có nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa) đi từ đảo Hải Nam xuống phía Nam, trong đó có 4 chiếc được phái đến khu vực quần đảo Trường Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động của 2 tàu vận tải Việt Nam trong khu vực bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên (là hai bãi san hô còn đang lập lờ mặt nước). Họ xây nhà, cắm cờ Trung Quốc trên hai đảo này, đồng thời cho tàu chiến thường xuyên ngăn cản, khiêu khích các tàu vận tải của Việt Nam đang tiến hành những hoạt động tiếp tế bình thường giữa các đảo do quân đội Việt Nam bảo vệ.
Trong đợt hoạt động nói trên, Trung Quốc đã thành lập một Bộ tư lệnh đặc biệt, sử dụng lực lượng hạm đội Nam Hải, được tăng cường một bộ phận của hạm đội Đông Hải và họ thường xuyên duy trì 20 tàu các loại ở khu vực quần đảo Trường Sa. Họ đẩy mạnh các hoạt động ngăn cản, phong tỏa, khiêu khích trắng trợn bằng vũ lực đối với các tàu vận tải Việt Nam để kiếm cớ gây xung đột vũ trang, dẫn đến sự kiện nghiêm trọng ngày 14 tháng 3 năm 1988.
Để biện hộ cho sự kiện này, Trung Quốc nói rằng: họ buộc phải "phản kích để tự vệ". Theo cách nói đó nghĩa là hải quân Việt Nam là kẻ tấn công, còn hải quân Trung Quốc là kẻ phòng thủ, tự vệ.
Trận "phản kích để tự vệ" đó được sách báo Trung Quốc mô tả như sau:
Ngày 14 tháng 3 năm 1988, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã nổ ra cuộc chiến đấu trên biển Nam Trung Quốc. Cuộc chiến đấu này mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian 28 phút, nhưng nó đã làm cả thế giới quan tâm theo dõi.
Trong khoảnh khắc, trên biển Nam trời đất tối sầm, tiếng pháo đùng đùng, bốn bề tiếng súng râm ran.
"Trong tiếng pháo đùng đùng, tàu vận tải (số 604) của hải quân Việt Nam chở đầy lính bị bắn chìm tại chỗ, tàu đổ bộ (số 505) và một tàu vận tải khác (số 605) đã bị bắn trọng thương, kéo theo đám cháy và cột khói đen ngòm, chuồn thẳng. Tàu đổ bộ (số 505) bị chìm trên đường về, còn tàu đổ bộ (số 605) thì mắc cạn.
Cuộc chiến đấu không cân sức trên biển vẻn vẹn chỉ diễn ra có 28 phút đã kết thúc với thất bại thảm hại của quân Việt Nam, kết quả một tàu bị chìm tại chỗ, hai tàu bị thương, chết và bị thương hơn 20 tên, mất tích 74 tên. Còn phía Trung Quốc chỉ có một số nhân viên khảo sát và một số nhân viên khác trên đảo bị thương, ngoài ra không bị tổn thất gì, đây là một trận chiến trên biển đánh gọn và đẹp mắt" (Sa Lực- Mân Lực, 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, Nxb Văn nghệ Tứ Xuyên, 1992).
Điều cần nói thêm là, lực lượng hải quân Trung Quốc hoạt động ở vùng biển Trường Sa năm 1988 có phải "thuần túy là hoạt động khoa học" như họ nói không?
Chính các tác giả Trung Quốc viết rằng: "Cùng với sự diễn biến ngày càng gay gắt và xấu đi trong mâu thuẫn về vấn đề chủ quyền Nam Sa giữa Trung Quốc- Việt Nam để gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Tổ quốc, hải quân Trung Quốc đã có sự cố gắng to lớn, đã xây dựng một đội quân tác chiến trên biển và trên đất liền trang bị thêm tàu cứu hộ viễn dương kiểu mới, xây dựng hệ thống dẫn đường vệ tinh hiện đại...Việc chúng ta giành lại chủ quyền lãnh thổ đối với những hòn đảo nào đó ở Nam Sa bị nhà cầm quyền Việt Nam xâm chiếm là trách nhiệm không thể thoái thác" (Sa Lực- Mân Lực, 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, Nxb Văn nghệ Tứ Xuyên, 1992).
Rõ ràng, cái gọi là tiến hành khảo sát để "lắp đặt trang bị khảo sát khoa học" theo yêu cầu của tổ chức văn hóa, giáo dục khoa học Liên hợp quốc là bức màn che đậy cho việc thực hiện chủ trương "tiến xuống Nam Sa" của Trung Quốc. Đúng như một tờ báo Mỹ đã nhận xét: "Các cuộc thao diễn hải quân của Trung Quốc ở biển Đông đang hỗ trợ cho những ý kiến khẳng định của những người lãnh đạo các nước Đông-Nam Á là Bắc Kinh có những mục đích bá quyền ở khu vực" (Theo báo Người hướng dẫn khoa học đạo Ki-tô (Mỹ), ngày 16-3-1988). Trung Quốc đã không thể tìm ra những chứng cứ để chứng minh được rằng, Trung Quốc đã chiếm hữu các quần đảo này từ bao giờ và đã có những hành động thực tế nào để thực hiện việc quản lý thật sự hai quần đảo. Vì vậy, phía Trung Quốc chỉ khăng khăng một cách đơn giản và độc đoán: "Chính phủ các triều đại Trung Quốc đã liên tục thực hiện quyền cai quản hai quần đảo đó" (Theo Văn kiện Bộ Ngoại giao nước CHND Trung Hoa, ngày 30-1-1980).
Trong quyển Hoàng Thanh nhất thống dư địa toàn đồ, bản đồ Trung Quốc đời Thanh, xuất bản năm 1894, ghi chú rõ: "Điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, Quảng Đông, độ Bắc cực 18 độ 13' " (Minh sử). Còn quyển Quảng Đông dư địa toàn đồ , bản đồ tỉnh Quảng Đông xuất bản năm 1897 cũng ghi: " Điểm cực nam tỉnh này là mỏm núi bên ngoài cảng Du Lâm 18 độ 09' 10'' ". Trong Đại Thanh đế quốc, bản đồ toàn Trung Quốc trong tập bản đồ mang tên Đại Thanh đế quốc toàn đồ xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ 4 năm 1910, cũng chỉ rõ phần cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Những bản đồ ấy đều khẳng định cho đến thế kỷ XX lãnh thổ Trung Quốc không bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tác giả Sa Lực-Mân Lực đã cố dẫn ra một vài chi tiết lặt vặt, bằng cách cắt xén, sắp xếp tư liệu để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc.
Bằng chứng mà Sa Lực- Mân Lực dẫn ra vừa mơ hồ về nội dung, vừa không thống nhất về thời điểm lịch sử. Lúc thì họ nói từ đời nhà Đường, lúc thì họ nói từ đời Bắc Tống, các triều đại Trung Quốc đã "thi hành quyền quản lý" hai quần đảo này? Qua các sách sử Trung Quốc như Đường Thư, Dư địa kỷ thắng, Vũ Kinh tổng yếu, Quảng Đông thống chí, người ta không thấy chép việc sáp nhập các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào đảo Hải Nam.
Sự kiện viên Thái giám nhà Minh, Trịnh Hòa bảy lần sang Tây Dương chép trong Minh sử chỉ là những chuyến "đi sứ" của một sứ thần, hoàn toàn không liên quan gì đến hai quần đảo ở biển Đông. Tuyến đường biển mà Trịnh Hòa đã đi là tuyến đường ven theo bờ đại lục Trung Quốc, bờ biển đảo Hải Nam, bờ biển miền Trung Việt Nam rồi đi xuống phía Nam.
Cần nói thêm, Sa Lực- Mân Lực đã viết rằng, đoàn thuyền của Trịnh Hòa đã "nhiều lần thả neo nghỉ ngơi tại đây" (tức là tại Tây Sa và Nam Sa). Điều đó chứng tỏ các tác giả không hiểu biết gì về các quần đảo này. Thực ra, đó chỉ là các quần đảo san hô, chằng chịt những bãi cạn và đá ngầm, chỉ có thuyền nhỏ có thể ra vào được, còn thuyền lớn vào đó không bị đắm cũng mắc cạn. Đoàn thuyền của Trịnh Hòa (viên Thái giám nhà Minh được vua Minh bảy lần sai đi sứ các nước Đông-Nam Á và Nam Á) "gồm 200 chiếc thuyền, trong đó có 60 chiếc dài 148 mét, rộng 60 mét" (Trung Quốc Đại bách khoa toàn thư, Nxb Bắc Kinh-Thượng Hải, 9-1990) sao có thể "thả neo" ở Tây Sa và Nam Sa được?
Không có chủ quyền trong lịch sử đối với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc làm sao có thể nói mình có quyền "giành lại chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo" thuộc quần đảo này? Những việc làm của Trung Quốc đối với quần đảo này từ những năm từ 1930 đến nay, không có khả năng biện minh theo luật pháp quốc tế.
Lý lẽ và hành động trên của Trung Quốc khiến cho dư luận quốc tế lo ngại và cảnh giác. Trong bài Yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa hoàn toàn là chuyện rắc rối ( Bary Wain, Yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa hoàn toàn là chuyện rắc rối , báo Asien wall Street (Hồng Kông) 15-4-1994). Tác giả Bary Wain vạch rõ: " Bằng những lý do chẳng ai biết rõ ra sao (nguyên văn là: bằng những lý lẽ mà không thể hiểu rõ ngay được đối với người trên sao Hỏa đáp xuống). Trung Quốc nói rằng, nhóm đảo ấy là lãnh thổ thiêng liêng của họ". Về những yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển Đông, cũng bài báo trên đã nhận xét: "...lập trường của Trung Quốc không chỉ là vô lý mà còn là lố bịch nữa".
Những hành động của Trung Quốc tại vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam rõ ràng là hành động bất hợp pháp, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, vi phạm nguyên tắc không sử dụng vũ lực của Liên hợp quốc, là sự chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế. Tờ báo Pháp Li-bê-ra-ti-on vạch rõ: " Cái chính trị pháo thuyền này khởi động những mối lo ngại từ lâu về chủ nghĩa bá quyền Trung Hoa ở Đông-Nam Á. Các nước trong vùng không khỏi nhận thấy một cách bực dọc rằng, các bản đồ phát hành ở Bắc Kinh chỉ rõ lãnh thổ Trung Quốc kéo dài đến sát bờ biển Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Việt Nam" (Liberation (Pháp), ngày 25-3-1988).
Cũng như các triều đại, các Chính phủ trước đây, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước sau khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Việt Nam chủ trương tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác, song quyết không để người khác xâm chiếm bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.
Với lòng mong muốn giữ gìn tình hữu nghị Việt- Trung, tôn trọng nguyên tắc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; trong các ngày 17, 23 và 27 tháng 3 năm 1988, Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc cử đại diện đàm phán để giải quyết những bất đồng liên quan đến quần đảo Trường Sa, cũng như các vấn đề tranh chấp khác về biên giới và quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam cũng đề nghị, trong khi chờ đợi hai bên cam kết không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp (Theo Công hàm Bộ ngoại giao CHXNCN Việt Nam gửi Bộ ngoại giao CHND Trung Hoa ngày 17, 23 và 27-3-1988).
Đáp lại, trong Bị vong lục công bố ngày 12 tháng 5 năm 1988, Trung Quốc xác nhận ý kiến của Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc trong cuộc hội đàm với Việt Nam tại Bắc Kinh, tháng 9 năm 1975 như sau: " Đối với Việt Nam, ngay sau khi họ đưa ra đòi hỏi về lãnh thổ đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, tháng 9 năm 1975, lãnh đạo phía Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nêu ra với người lãnh đạo Việt Nam Lê Duẩn đang thăm Trung Quốc, phía Trung Quốc có đầy đủ tài liệu chứng minh quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa từ cổ đến nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua hiệp thương hữu nghị, bày tỏ "sau này có thể thương lượng" " (Nhân dân nhật báo, ngày 12/5/1988).
Bước vào thập kỷ 90, quan hệ hai nước dần dần trở lại bình thường. Thông cáo chung Việt Nam-Trung Quốc tháng 11 năm 1991 nêu rõ: "Hai bên tuyên bố hai nước Việt Nam và Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện trên cơ sở năm nguyên tắc: "Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng,cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình". Hai bên xác định: "Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ khôi phục quan hệ bình thường trên các nguyên tắc độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau". Sau khi bình thường hóa quan hệ, Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận sẽ tiến hành đàm phán nhằm giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa tồn tại giữa hai nước. Chính phủ hai nước cũng bày tỏ tán thành tuyên bố về biển Đông của Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN họp ở Ma-ni-la tháng 7 năm 1992. Tuyên bố về biển Đông có đoạn:
"- Nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tất cả các vấn đề chủ quyền và quyền tài phán ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông) bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực.
- Kêu gọi các bên liên quan kiềm chế nhằm tạo ra bầu một bầu không khí tích cực cho giải pháp cuối cùng đối với mọi tranh chấp.
- Không phương hại tới chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia có lợi ích trực tiếp trong khu vực, quyết tâm thăm dò khả năng hợp tác tại biển Nam Trung Hoa về các vấn đề an toàn hàng hải và giao thông, chống ô nhiễm môi trường biển, phối hợp với các hoạt động tìm kiểm và cứu hộ, các cố gắng chống cướp biển và cướp có vũ trang, cũng như phối hợp trong các chiến dịch chống buôn lậu ma túy" (Báo Nhân dân, ngày 24/7/1992).
Nhân dân Việt Nam mong muốn rằng, thông qua đàm phán, hai bên có thể đi đến một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo ở biển Đông, mang lại hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực. Ngày 23 tháng 6 năm 1994, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, biểu thị quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển, hòa nhập vào đời sống pháp luật quốc tế.
Những năm gần đây, Việt Nam và Trung Quốc đang tiếp tục đàm phán giải quyết những vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Chính phủ các nước trong khu vực đã ra Tuyên bố chung về biển Đông, kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp về chủ quyền và quyền tài phán ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, bày tỏ quyết tâm thăm dò khả năng hợp tác ở vùng biển này. Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển đã có hiệu lực, được thế giới chấp nhận và tôn trọng.
Chuyến đi thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của đồng chí Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tháng 11 năm 1994, đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hai nước. Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc nêu rõ: "Hai bên khẳng định lại những thỏa thuận tại các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước từ năm 1991 đến nay, kiên trì thông qua đàm phán hòa bình giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Hai bên hài lòng về sự tiến triển của các cuộc đàm phán cấp chính phủ và cấp chuyên viên giữa hai nước.." và "...trước khi vấn đề được giải quyết, hai bên đều không tiến hành những hành động làm phức tạp thêm hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên sẽ bàn bạc kịp thời và giải quyết thỏa đáng những bất đồng nảy sinh với thái độ bình tĩnh xây dựng, không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước" (Báo Nhân dân ngày 22 và 23/11/1994).
Cũng trong chuyến đi thăm này, trả lời các nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch Giang Trạch Dân nhấn mạnh: "Đối với một số vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, hai bên cần xuất phát từ vấn đề lớn là giữ gìn quan hệ hữu nghị Trung-Việt, phát triển hòa bình, ổn định khu vực, thông qua hiệp thương để giải quyết từng bước" (Báo Nhân dân ngày 22 và 23/11/1994).
Tình hình dù phức tạp đến đâu, nếu các bên tranh chấp đều tuân theo Hiến chương Liên hợp quốc, giải quyết bằng thương lượng hòa bìn, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, thì đều có khả năng tìm ra giải pháp phù họp, đảm bảo cho vùng biển này mãi mãi là vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.
http://soha.vn/van-de-hoang-sa-va-truong-sa-trong-quan-he-viet-trung-1974-1995-ky-4-20180119164030536.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét