Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

ẤN ĐỘ KÊU GỌI THẾ GIỚI CẢNH GIÁC VỚI CHIẾN LƯỢC BÀNH TRƯỚNG CỦA TRUNG QUỐC

Trung Quốc đang sử dụng một tranh chấp ở khu vực biên giới ở khu vực Himalaya để tiếp tục thử nghiệm chiến lược “cắt lát xúc xích” để bành trướng lãnh thổ và các nhà lãnh đạo thế giới nên đoàn kết chống lại mưu đồ của Bắc Kinh, một tờ báo của Ấn Độ kêu gọi.

Bản đồ khu vực biên giới đang có tranh chấp

Ấn Độ đang vướng vào tranh cãi ngoại giao với Trung Quốc xung quanh một phần lãnh thổ ở khu vực biên giới giữa ba nước Ấn-Trung và Bhutan. Tranh cãi đang có nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự khi Bắc Kinh đe dọa sẽ “dùng mọi biện pháp” để “bảo vệ chủ quyền” nếu Ấn Độ không rút quân khỏi vùng tranh chấp.
Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ đưa quân bất hợp pháp vào khu vực Donglang của họ mà phía Ấn Độ gọi là Doklam. Đây là khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Bhutan. New Delhi nói họ hành động theo đề nghị của Bhutan sau khi Trung Quốc bắt đầu cho xây dựng một con đường ở khu vực này – một hành động mà Ấn Độ cho rằng uy hiếp nghiêm trọng an ninh của họ.
Tờ India Today hôm thứ Sáu ngày 4/8 đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới không nên ngồi yên trước tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh trong khi New Delhi đang phải chống lại.
Chiến lược “cắt lát xúc xích” (salami slicing) của Trung Quốc, hay có thể gọi là “tằm ăn dâu” là chiến lược xâm chiếm dần dần, từng bước một để làm giảm khả năng đối phương có phản ứng quyết đoán cũng như tránh phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Tờ báo Ấn Độ nói không riêng ở Doklam/Donglang, Trung Quốc cũng đang thực hiện chiến lược này trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tờ báo này nhắc nhở rằng kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập thì nước này “là nước duy nhất trên thế giới mở rộng lãnh thổ của họ khiến các nước láng giềng bị thiệt hại”. Trung Quốc được cho là đang theo đuổi quyết liệt chính sách bành trướng này ở cả trên bộ lẫn trên biển, về phía đông và phía nam.
“Chính sách bành trướng của Trung Quốc đều tuân theo một mô típ: trước hết họ tuyên bố có chủ quyền với một vùng đất nào đó ở nơi tiếp giáp của các nước láng giềng. Họ tuyên bố một cách mạnh mẽ. Họ lặp đi lặp lại tuyên bố này bằng mọi cách vào bất cứ lúc nào có thể cho đến một lúc nào đó những luận điệu tinh vi này làm vùng đất của nước láng giềng trở thành khu vực có tranh chấp,” India Today miêu tả.
Tờ báo này nêu ra dẫn chứng từ những trường hợp của Tây Tạng, Tân Cương là những vùng lãnh thổ đã được sáp nhập vào Trung Quốc và Aksai Chin và Arunachal Pradesh mà họ tranh chấp với Ấn Độ.
Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc giành chính quyền ở Hoa lục từ tay của Quốc dân Đảng, Tây Tạng là một quốc gia độc lập do các vị lạt ma cai quản và không có quân đội. Bắc Kinh đã dùng vũ lực để kiểm soát Tây Tạng với lập luận rằng nơi này là thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc từ xưa.
“Nếu nói theo logic đó thì Ấn Độ cũng có thể đòi chủ quyền với Afghanistan, Bangladesh, Pakistan và thậm chí cả Nepal,” tờ báo của Ấn Độ phản bác.
Tây Tạng và Tân Cương đã mở rộng lãnh thổ Trung Quốc lên gấp đôi chỉ vài năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập. Còn ở Aksai Chin, Bắc Kinh trước hết đưa các nhóm du mục người Hán đến đây với lệnh là đuổi những người chăn thả gia súc Ấn Độ ra khỏi khỏi khu vực. Cho đến năm 1962 thì Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền với Aksai Chin và Arunachal Pradesh. Cuộc chiến biên giới năm 1962 đã khiến Ấn Độ để mất Aksai Chin vào tay Trung Quốc, tờ báo này nhắc lại.
Thành công với chiến lược “cắt lát xúc xích” ở khu vực Himalaya, Bắc Kinh đã tiếp tục áp dụng chiến lược này trên Biển Đông, bắt đầu từ việc chiếm Hoàng Sa năm 1974, bãi đá Gạc Ma năm 1988 từ Việt Nam và bãi Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough năm 2012 từ phía Philippines.
Trong lúc này, Bắc Kinh đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ để gây sức ép buộc New Delhi phải rút quân.
Trong một tuyên bố hôm 3/8, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói rằng “thiện chí của Trung Quốc phải có nguyên tắc và sự kiềm chế của Trung Quốc cũng có giới hạn.”
“Không nước nào có thể đánh giá thấp quyết tâm và ý chí của quân độ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và sự phát triển của đất nước,” ông Nhậm nói.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố hôm 2/8 nói rằng Bắc Kinh sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết”, tức bao hàm cả biện pháp quân sự.
Tuyên bố này cũng cho biết đến cuối tháng 7 thì Ấn Độ vẫn còn 40 binh sỹ đóng tại khu vực tranh chấp – giảm xuống so với 270 binh sỹ trước đây. Trung Quốc cho rằng “số binh sỹ này tiến sâu hơn 100 mét về phía lãnh thổ Trung Quốc”.
Ấn Độ lo ngại rằng nếu Trung Quốc kiểm soát khu vực tranh chấp với Bhutan này, họ sẽ khống chế một dải đất hẹp vốn là yết hầu nối cả phần còn lại của Ấn Độ với vùng đông bắc của nước này.
(Sources: India Today, AP)
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=749079831960050&id=100005741200531

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét