Sự đối đầu hạt nhân giữa Nga và Mỹ được “kế thừa truyền thống” từ thời Xô-Mỹ và ngày càng gia tăng trên nền các cuộc khủng hoảng Ukraine và Syria.
Ảnh minh họa
|
Trước đây, nhân loại đã từng nhiều lần đứng trước bờ vực chiến tranh hạt nhân và hiện nay cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta sẽ điểm lại những vụ việc tiêu biểu, liên quan đến sự cố cảnh báo giả hoặc cảnh báo nhầm hay phóng tên lửa không thông báo của cả Liên Xô/Nga và Mỹ sau đây:
Một đàn ngỗng trời khiến NATO phát hoảng
Ngày 05-11-1956, do nhận được những thông tin tình báo trái ngược nhau, 2 nước Anh và Pháp đã tấn công quân đội Ai Cập trên kênh đào Suez, Moscow đã đưa ra kiến nghị với Washington rằng, quân đội 2 nước sẽ hợp lực ngăn chặn, đồng thời Liên Xô đe dọa Anh và Pháp cần xem xét hậu quả của một cuộc tấn công tên lửa vào Paris và London.
Ngay buổi tối hôm đó, Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu đã nhận được một bản báo cáo tin tức tình báo gồm 4 nội dung:
1, Một vật thể bay cực lớn không rõ lai lịch đã bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ, khiến phòng không, không quân nước này được đặt trong tình trạng báo động cao nhất.
2, Phát hiện 100 chiếc máy bay MiG-15 của không quân Liên Xô bay trên không phận Syria.
3, Một chiếc máy bay ném bom của không quân Anh bị bắn rơi trên bầu trời Syria.
Một vụ phóng tên lửa đánh chặn từ mặt đất của Mỹ
|
4, Một biên đội tàu chiến Liên Xô đang đi qua eo biển Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ, có khả năng sẽ tấn công liên quân Anh-Pháp ở Địa Trung Hải.
Thông tin tình báo chấn động này đã khiến NATO phải vạch ra một kế hoạch đáp trả hạt nhân đối với Liên Xô. Tuy nhiên, sau đó bản báo cáo này đã được xác minh lại và nó cho ra một kết quả vô cùng ngớ ngẩn như sau:
1, Một đàn ngỗng trời cực lớn đã bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải là “vật thể bay lạ”.
2, Tổng thống Syria trở về nước sau chuyến thăm Moscow, không quân nước này (chủ yếu là máy bay MiG-15 của Liên Xô) đã bay lên hộ tống.
3, Chiếc máy bay ném bom của Anh gặp sự cố máy máy móc nên bị rơi chứ không phải phòng không Syria bắn hạ.
4, Biên đội tàu chiến Liên Xô hành quân qua eo biển Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành diễn tập theo thông lệ, không nhằm vào đối thủ nào.
Sự cố mất liên lạc giữa Bộ tư lệnh phòng không với không quân
Ngày 24-11-1961, do máy phát điện quá nhiệt đã gây ra sự cố thông tin làm gián đoạn toàn bộ các hệ thống liên lạc giữa Bộ tư lệnh không quân chiến lược Mỹ và Bộ tư lệnh phòng không Bắc Mỹ. Lệnh cảnh báo về một vụ phá hoại các hệ thống tấn công chiến lược của Mỹ được ban ra.
Nga có hàng chục phương tiện có thể phóng tên lửa hạt nhân
|
Toàn bộ các căn cứ không quân chiến lược Mỹ được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu. Máy bay B-52 mang theo vũ khí hạt nhân đã chuẩn bị sẵn sàng cất cánh. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, một trạm liên lạc trung gian của Mỹ ở Colorado đã phát sinh sự cố này, làm gián đoạn liên lạc.
F-102A mang vũ khí hạt nhân hộ tống U-2 đào thoát khỏi không phận Liên Xô
Ngày 10-08-1962, một chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ nhận lệnh trinh sát một tuyến bay mới xuyên qua Bắc Cực. Vì một số thiết bị hiển thị sai lệch do ảnh hưởng của hiện tượng cực quang, nó đã bay tới tận bán đảo Chukotka của Liên Xô.
Mỹ đã kịp nhận ra sai lầm, lập tức điều động các máy bay chiến đấu F-102A (có mang theo vũ khí hạt nhân) bay lên hộ tống chiếc U-2 nhanh chóng đào thoát về Alaska, ngay khi các máy bay tiêm kích đánh chặn của Liên Xô được lệnh bắn hạ U-2 đang chuẩn bị hành động.
B-52 Mỹ mang vũ khí hạt nhân lạc vào không phận Liên Xô
Sau đó khoảng 2 tuần, vào ngày 23-08-1962, một chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ, mang theo vũ khí hạt nhân đang tiến hành hoạt động bay tuần theo thông lệ.
Do trục trặc ở hệ thống dẫn đường nên nó đã bay lệch so với hướng bay khoảng 20 độ, lạc vào không phận Liên Xô, cách đó khoảng 400 dặm có 1 căn cứ máy bay đánh chặn của không quân Xô Viết.
Một khi phía Liên Xô cho rằng, máy bay ném bom chiến lược Mỹ mang vũ khí hạt nhân uy hiếp, Moscow sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa quyết liệt đối với Washington. Rất may là sau đó viên phi công đã kịp nhận ra sai sót và lập tức bay ra khỏi không phận Liên Xô.
Một con gấu suýt gây ra thảm họa hạt nhân
Ngày 25-10-1962, một con gấu đã suýt gây lên một sự kiện hạt nhân lớn.
Đêm hôm đó, cảnh vệ của Trung tâm chỉ huy Minnesota đã nổ súng vào một “kẻ lạ mặt” đang trèo qua hàng rào bảo vệ, đột nhập vào Trung tâm.
Phát súng đó đã vô tình kích hoạt “Hệ thống cảnh báo hành động phá hoại”, tín hiệu báo động dồn dập vang lên, các máy bay tiêm kích đánh chặn F106-A mang theo vũ khí hạt nhân được lệnh ra đường băng cất cánh bay lên trời để tránh một vụ tấn công nhằm vào chúng.
Ngay lúc đó, một chiếc ô tô của chỉ huy Trung tâm lao ra đường băng, phát tín hiệu cho máy bay dừng lại, bởi vì người ta phát hiện “kẻ đột nhập” bị lực lượng cảnh vệ nổ súng giết chết, suýt gây ra sự cố hỗn loạn hạt nhân là một… con gấu rất lớn.
Máy bay tiêm kích đánh chặn F106-A có khả năng theo vũ khí hạt nhân
|
Cảnh báo tên lửa hỗn loạn do sự cố điện
Tháng 11-1965, hàng loạt các đèn tín hiệu của các hệ thống cảnh báo sớm tên lửa ở xung quanh các thành phố lớn và các căn cứ quân sự Mỹ đã đồng loạt đổi màu và phát đi tín hiệu cảnh báo bị tập kích tên lửa đạn đạo, trước khi đồng loạt mất tín hiệu.
Nguyên nhân là do mạng lưới điện dân dụng gặp sự cố khiến toàn bộ đèn báo của các hệ thống cảnh báo ở khu vực New England chuyển sang màu vàng, còn đèn báo của các hệ thống thuộc 2 thành phố khác đồng loạt chuyển sang màu đỏ.
Đây là 2 tín hiệu báo thuộc các cấp độ khác nhau của hệ thống cảnh báo sớm tên lửa. Sự việc đã được xác minh ngay sau đó, tín hiệu cảnh báo bị hủy bỏ.
B-52 rơi, bom hạt nhân suýt nổ
Ngày 21-01-1968, một vụ rơi máy bay ném bom B-52 suýt biến thành thảm họa hạt nhân, khi một chiếc máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đột nhiên bị cháy trên không, phi công nhảy dù đào thoát, không kịp thông báo cho Bộ tư lệnh không quân chiến lược.
Kết quả là chiếc máy bay đã bị rơi xuống một khu vực cách căn cứ cảnh báo sớm tên lửa liên lục địa Thule (nằm cách 750 dặm về phía Bắc của vòng Bắc cực), thuộc thuộc Bộ tư lệnh phòng không Bắc Mỹ (NORAD), khoảng 7 dặm.
Chiếc máy bay nổ tung và bốc cháy làm cho nhiên liệu và thuốc nổ trong tầng đẩy của vũ khí hạt nhân nổ tung, nhưng rất may là khu vực máy bay rơi toàn băng tuyết và các hệ thống bảo vệ an toàn của đầu đạn hạt nhân đã hoạt động tốt làm nó không bị nổ.
Máy bay ném bom B-52 Mỹ có khả năng tấn công vũ khí hạt nhân
|
Kích hoạt nhầm thiết bị báo động âm thanh
Ngày 25-10-1973, một nhân viên kỹ thuật của căn cứ không quân Michigan trong khi bảo dưỡng hệ thống báo động âm thanh đã bất cẩn kích hoạt thiết bị hoạt động khiến cho toàn bộ phi công thường trực sẵn sàng chiến đấu lao ra máy bay ném bom chiến lược B-52 có mang vũ khí hạt nhân, nổ máy xuất kích.
Tuy nhiên, trực ban tác chiến của Trung tâm chỉ huy căn cứ không quân này đã phát hiện cảnh báo giả và hạ lệnh cho các máy bay tắt máy, ngừng lao ra đường băng.
Tên lửa đạn đạo Minuteman đã sẵn sàng
Lúc 2h26 phút, rạng sáng ngày 3-6-1980, màn hình giám sát của rất nhiều Trung tâm chỉ huy của Mỹ đã hiển thị thông báo Hoa Kỳ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Vụ việc ngay lập tức được thông báo lên Bộ chỉ huy cao nhất, trong khi chờ quyết định của Tổng thống, lệnh báo động chiến đấu đã phát ra.
Theo kế hoạch đáp trả đã được xây dựng sẵn, các tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman đã bước vào giai đoạn sẵn sàng phóng. Sau đó người ta phát hiện đó là cảnh báo giả, nguyên nhân do 1 con chip trong bộ vi xử lý của máy tính bị hỏng nên máy tính đã đưa ra cảnh báo sai.
Hệ thống cảnh báo tên lửa vệ tinh của Liên Xô mắc sai lầm
Đêm 27-9-1983, một trung tá chỉ huy 44 tuổi tại trung tâm điều khiển bí mật Serpukhov-15 của Liên Xô đã cứu thế giới khỏi một thảm họa hạt nhân khi đã đưa ra kết luận và chịu trách nhiệm trước cấp trên là hệ thống cảnh báo tên lửa bằng vệ tinh đã đưa ra báo động sai.
Đêm hôm đó, một hồi còi của hệ thống cảnh báo tên lửa rú lên, dòng chữ ''LAUNCH'' (báo hiệu có tên lửa tấn công) phát sáng. Trung tá sĩ quan lực lượng phòng thủ tên lửa Liên Xô Stanislav Petrov, bật dậy và thấy những người khác đang nhìn ông một cách bối rối.
Vài phút sau, còi báo động lại vang lên, báo hiệu vụ phóng tên tên lửa thứ hai, hiển thị rằng Mỹ đã phóng 5 tên lửa vào lãnh thổ Liên Xô.
Quyết định thuộc về người chỉ huy, vị trung tá 44 tuổi quyết định xem xét mức độ đáng tin cậy của những thông tin từ máy tính. Ông đã kết luận rằng, hệ thống giám sát bằng vệ tinh đã cung cấp thông tin sai lệch, do radar mặt đất của Liên Xô không xác nhận bất cứ vụ phóng tên lửa nào.
Về sau, Liên Xô xác nhận rằng, vào đêm đó, một sự cố kỹ thuật khiến vệ tinh nhầm lẫn sự phản chiếu ánh sáng mặt trời trên mây cao là vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ vào Liên Xô.
Vụ việc xảy ra đúng thời điểm căng thẳng Chiến tranh Lạnh lên đến đỉnh điểm. Rạng sáng ngày 1-9-1983, Liên Xô bắn rơi một máy bay chở khách từ Mỹ đến Hàn Quốc, xâm nhập sâu vào không phận nước này, khiến 269 hành khách và toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30 Minuteman III của Mỹ
|
Vụ việc này được Moscow cho là nằm trong 1 âm mưu do thám của Mỹ và đổ vấy trách nhiệm là suy giảm uy tín của Liên Xô. Vụ tai nạn này có nhiều tình tiết khó hiểu nên hiện vẫn còn rất nhiều giả thuyết khác nhau về nó.
Lợi dụng vụ việc này, NATO đã triển khai hàng loạt cuộc tập trận mang tính khiêu khích nhằm vào Liên Xô. Sau đó, Mỹ cũng tích cực chuẩn bị cho cuộc tập trận Able Archer của NATO để mô phỏng quá trình ứng biến nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra.
Trong bối cảnh quan hệ Xô-Mỹ đang hết sức căng thẳng, trong thời điểm quyết định được tính bằng giây, nếu vị trung tá 44 tuổi vội tin tưởng vào hệ thống cảnh báo sớm tên lửa vệ tinh và không lật lại những kết quả của radar mặt đất, rất có thể Liên Xô sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ.
Khi Vali hạt nhân đặt trước mặt nguyên thủ Nga
Vụ việc xảy ra vào ngày 25-01-1995 là thời khắc thế giới đến gần một thảm họa hạt nhân nhất. Ngày hôm đó, Na Uy đã phóng một tên lửa đẩy mang vệ tinh khí tượng lên khoảng không vũ trụ, có quỹ đạo bay về hướng nước Nga, nhưng không hề có thông báo về sự việc này.
Các radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Nga đã phát hiện một quả “tên lửa đạn đạo liên lục địa” không xác định được chủng loại và chưa rõ khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được phóng đi từ khu vực phụ cận Spitsbergen - Na Uy, hướng thẳng về phía nước này.
Thảm họa hạt nhân là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với loài người
|
Thông tin này ngay lập tức được báo cáo lên Tổng thống Nga, lúc đó là ông Boris Yeltsin, đồng thời, các hệ thống radar dự cảnh, hệ thống chỉ huy, kiểm soát lực lượng phòng thủ tên lửa tự động được đặt trong tình trạng báo động ở mức cao nhất.
Bộ chỉ huy trung ương của Nga cho rằng, đây có thể là một tên lửa đạn đạo liên lục địa của NATO, tấn công vào Nga từ các căn cứ phóng ở Na Uy. Lúc này, các thiết bị đo đạc của Nga dự kiến tên lửa đạn đạo này chỉ mất khoảng 5 phút nữa là bay đến Moscow.
Ngay lập tức Tổng thống Boris Yeltsin và các lãnh đạo cấp cao nhất đã hội ý khẩn cấp qua đường dây tối khẩn để bàn về “cú phản đòn hạt nhân”, trong khi đó, các thông tin về đường bay và khoảng cách của tên lửa này liên tục được xác định và cập nhật.
Sau này ông Yeltsin thừa nhận, trong thời điểm sinh tử đó, chiếc “Vali hạt nhân” huyền thoại mà chỉ những nhà lãnh đạo tối cao của Nga mới được sử dụng, đã được chuyển đến trước mặt ông, Tổng thống Nga chuẩn bị đối diện với một quyết định lịch sử với “quả bóng hạt nhân”.
May mắn cho thế giới là trong vòng 5 phút nghẹt thở đó, các hệ thống radar cảnh báo tên lửa Nga đã kịp xác định đó chỉ là một tên lửa đẩy chứ không phải là tên lửa đạn đạo liên lục địa. Sau đó, Moscow đã nổi khùng lên vì sự bất cẩn của Na Uy suýt nữa đã giết chết toàn nhân loại.
http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/khi-tong-thong-nga-dat-tay-len-vali-hat-nhan-huyen-thoai-3293763/?paged=3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét