Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

3 quyết định sai lầm khiến Thổ Nhĩ Kỳ sa vào bẫy của chính mình

"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn được coi là nhân tố đóng vai trò ổn định khu vực khi mà nước này đã góp phần "tạo nên con quái vật" và cố gắng phá hoại nỗ lực ngăn chặn thiệt hại".


"3 quyết định sai lầm khiến Thổ Nhĩ Kỳ sa vào bẫy của chính mình"

Trong bài phân tích đăng tải trên tờ Huffington Post bản tiếng Pháp, nhà báo Romain Herreros nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ đã sa vào cái bẫy của chính mình.
Theo ông này, từ việc thiếu rõ ràng trong các vấn đề ở Syria, Ankara đã rơi vào mâu thuẫn với Moscow và khiến chính phủ các nước phương Tây cảm thấy khó chịu - đặc biệt là bởi lập trường "nhập nhằng" liên quan tới IS, những kẻ Pháp cũng đang tìm cách tiêu diệt.
Bài báo đã chỉ ra 3 quyết định sai lầm của Thổ Nhĩ Kỳ về mặt ngoại giao khiến quan hệ của nước này rơi vào tình thế như hiện nay, leo thang căng thẳng với Nga.
Thỏa hiệp với IS
Đáp trả lại cáo buộc từ Tổng thống Nga Putin rằng Ankara "đi đêm" với IS, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: "Chúng tôi không lọc lừa tới mức mua bán kiểu đó với các nhóm khủng bố".
Tuy nhiên, đã có nhiều bằng chứng chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IS.
Theo báo Anh The Guardian, các đặc nhiệm Mỹ, khi đột kích vào nơi ở của Abu Sayyaf, kẻ được mệnh danh là "ông trùm dầu mỏ và khí đốt của IS" hồi tháng Năm năm ngoái, đã thu được ổ cứng ghi lại chi tiết các mối liên hệ giữa chúng và quan chức Ankara.
Ông Herreros cũng chỉ ra thêm những dấu hiệu cho thấy mối liên hệ này: Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát khu vực biên giới với Syria rất lỏng lẻo, và vì thế, các chiến binh nước ngoài cũng như vũ khí không gặp quá nhiều khó khăn khi qua lại biên giới.
Còn ông Erdogan thì vẫn từ chối xếp IS vào danh sách khủng bố.
NHÀ BÁO NGƯỜI PHÁP
ROMAIN HERREROS
Việc thỏa hiệp với IS là một sai lầm bởi lẽ, Thổ Nhĩ Kỳ không thể vì vậy mà không trở thành mục tiêu của IS. Bằng chứng là vụ tấn công tại Suruç hồi tháng Bảy khiến 32 người thiệt mạng, hay như vụ đánh bom ga tàu ở Ankara hồi tháng Mười, cướp đi sinh mạng của 95 người. Một lý do nữa là, cái logic "tài trợ" cho IS đã gián tiếp đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc đối đầu không trực diện với Nga.
Đối đầu không trực diện với Nga
"Nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhìn thấy có gì đó tốt đẹp từ sự trỗi dậy của IS thì đó là vì nhóm này cùng lúc là mối đe dọa đối với cả Assad và các chiến binh người Kurd", bài báo đánh giá.
Hồi tháng Tám, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn tự tin tuyên bố rằng rồi Putin sẽ chấp nhận để Assad ra đi. Tuy nhiên, mọi sự lại diễn ra hoàn toàn trái ngược. Các máy bay chiến đấu Nga hợp sức với quân chính phủ.
Vì vậy, bằng cách hỗ trợ cho các đối thủ của Assad, Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận logic của cuộc đối đầu với Nga - "Bạn của kẻ thù là kẻ thù", để rồi dẫn tới kết quả như hôm nay.
NHÀ BÁO NGƯỜI PHÁP
ROMAIN HERREROS
Logic này của Thổ Nhĩ Kỳ đã phản tác dụng. Thứ nhất, nó khiến các đồng minh phương Tây ngày càng mất lòng tin vào Ankara, những người luôn cố gắng để tìm thấy sự chân thành và rõ ràng ở quốc gia này. Thứ hai, điều nguy hiểm hơn là, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã rơi vào thế đối đầu với Nga.
Sự ngoan cố đã lâm vào bế tắc
Bị đẩy vào chân tường, Thổ Nhĩ Kỳ không còn lựa chọn nào khác là phải chấp nhận leo thang căng thẳng với Nga.
Hành động bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga là minh chứng cho thái độ ngoan cố của Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi ngay cả khi ông Erdogan có khẳng định rằng ông đang bảo vệ không phận đi chăng nữa, thì cũng không thể nào lờ đi hậu quả của sự việc lần này.
Hồi tháng Mười, Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai phản đối hành vi vi phạm không phận, đe dọa trừng phạt kinh tế các bên có liên quan tới dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ hoặc dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do một công ty Nga đảm trách.
Nhưng vào thời điểm mà dường như Nga, Mỹ, Pháp và Anh đang gần đi tới nhất trí, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại từ bỏ lập trường "hợp lý" để chọn logic leo thang căng thẳng với Nga.
Ông Herreros đánh giá, "nhìn vào sự bất tương xứng về lực và thái độ kiên quyết của Putin, thì logic này sẽ thất bại".
http://soha.vn/quoc-te/3-quyet-dinh-sai-lam-khien-tho-nhi-ky-sa-vao-bay-cua-chinh-minh-20151204003448475.htm
NHÀ BÁO NGƯỜI PHÁP
ROMAIN HERREROS
Về ngắn hạn, sai lầm của Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở chỗ nó đã làm lung lay hi vọng về một mặt trận chung chống IS, khi mà Tổng thống Mỹ Obama và người đồng cấp Putin đã gần đi tới thống nhất. Về lâu dài, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn được coi là một nhân tố đóng vai trò ổn định tình hình trong khu vực khi mà nước này đã góp phần "tạo nên con quái vật", trong khi đó lại cố gắng phá hoại nỗ lực ngăn chặn thiệt hại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét