Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Bí mật tác chiến của tàu ngầm Kilo Việt Nam trên Biển Đông

Việt Nam mua sắm tàu ngầm là động thái trang bị vũ khí “từng bước hiện đại”, động thái này không  thể tách rời với tổ chức biên chế lực lượng tàu ngầm và tổ chức “cách đánh” cho tàu ngầm kiểu Việt Nam.


Tàu ngầm Kilo – một lựa chọn không đơn giản
Trong cả 3 cấp độ tác chiến chiến lược, chiến dịch và trận đánh, bất kể người cầm quân giải phóng lãnh thổ, hay bảo vệ mục tiêu đều coi trọng 3 yếu tố để xây dựng lực lượng, đó là: Tổ chức biên chế, tổ chức cách đánh và trang bị vũ khí.
Việc Việt Nam phát triển lực lượng tàu ngầm là theo tư tưởng xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, “từng bước hiện đại”, “từ không đến có”, chẳng bao lâu nữa Việt Nam sẽ có đủ bộ 6 chiếc tàu ngầm hiện đại.
Tàu ngầm Kilo Hà Nội.
Tàu ngầm Kilo Hà Nội.
Trước khi mua vũ khí, chẳng hạn như tàu ngầm, người cầm quân đều phải “bàn nát nước” để trả lời câu hỏi “mua để làm gì”, “đánh kiểu gì”, từ đó giải được bài toán cần “mua loại tàu gì”.
Mua loại Kilo chẳng hạn, thì phải tính đến “thực đơn nào”, trong đó có các lựa chọn về động cơ, vũ khí, thiết bị trinh sát, liên lạc tàu – bờ, khả năng lẩn tránh, đánh trả. Như vậy chắc chắn các nhà chỉ huy hải quân đã có nhiều đề bài sử dụng tàu ngầm Việt Nam cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Hiệp đồng để phòng thủ lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh từng tuyên bố rõ ràng là “tàu ngầm Kilo của Việt Nam chỉ để bảo vệ vùng biển của Việt Nam, gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam, không có mục đích sử dụng nào khác”.
Không tách rời các lực lượng tàu chiến, như tàu tên lửa, tàu săn ngầm, tàu pháo… tàu ngầm Việt có nhiệm vụ hiển nhiên là bảo vệ dưới đáy biển để khẳng định chắc chắn cho đồng đội trên mặt nước là: “đồng đội yên tâm, dưới anh là đáy biển an toàn, hãy làm tốt nhiệm vụ trên không, mặt nước.”
Tổ hợp tên lửa bờ Rubezh với tên lửa Termit tác chiến cùng tàu ngầm bảo vệ biển Việt Nam
Tổ hợp tên lửa bờ Rubezh với tên lửa Termit tác chiến cùng tàu ngầm bảo vệ biển Việt Nam
Bờ biển Việt Nam dài, chủ quyền lãnh thổ trên biển rộng lớn. Để bảo vệ gần trong phạm vi từ trên 200 km trở vào là lực lượng tên lửa và pháo bờ biển. Các vũ khí này Việt Nam đã có từ vài chục năm nay, giờ đây ngày càng hiện đại.
Bộ ba tên lửa đất đối hải đáng nể là: Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển 4K51 Rubezh (NATO định danh là SSC-3), chứa hai tên lửa hành trình đối hạm P-15M. tầm bắn tối đa 80km, đầu nổ nặng 513kg. Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển 4K44B Redut (NATO định danh SSC-1), sử dụng tên lửa hành trình đối hạm tầm xa P-35. đầu nổ mạnh 800 -1.000kg đem lại sức công phá mạnh đủ sức đánh chìm chiến hạm cỡ lớn. 4K44 là tổ hợp tên lửa bờ có tầm bắn xa nhất của Việt Nam, diệt mục tiêu trong cự ly tối đa gần 500km.
Dòng Bastion-P 3M55 đạt tốc độ hành trình gấp hơn 2 lần vận tốc âm thanh, do vậy mà việc đánh chặn quả tên lửa này không dễ. Nó có đầu đạn nặng 250kg đủ sức công phá các chiến hạm cỡ lớn, tầm bắn tối đa 300km. Hiện chỉ 3 nước (trong đó có Việt Nam) có loại tên lửa này.
Ngoài khoảng cách bảo vệ của tên lửa bờ phải trông vào các tàu tên lửa, tàu pháo, thay nhau cơ động ra đại dương để bảo vệ biển đảo nhà. Còn các quần đảo xa như tuyến đảo Đông Bắc, Tây nam, Hoàng Sa, Trường Sa cũng phải có các cụm tàu luân phiên hỗ trợ, khi cần thì tăng cường.
Có tàu ngầm bảo vệ đáy sâu, tàu tên lửa sẽ đủ tầm bảo vệ Trường Sa.
Không “lạnh lưng, hở sườn”, bên cạnh hải quân Việt Nam tác chiến biển còn có không quân đa nhiệm, với ưu thế về tính cơ động, hỏa lực tốt. Cụ thể là ở đây không quân dòng Sukhoi của Việt Nam có các máy bay Su-22, Su-27, Su-30 với số lượng “đủ dùng”, lại trực chiến ngay tại các sân bay ven biển, nên khả năng bay ra xa, bay được lâu trên biển rất tốt.
Có máy bay tác chiến biển tốt, lại có các loại tên lửa mang theo chống tàu cự ly xa, lượng nổ mạnh, khá thông minh… nên hiệp đồng tác chiến không – hải bảo vệ biển đảo hiệu quả cao. Nhưng còn điều này nữa, chính tàu nổi, máy bay tác chiến biển đảm bảo cho tàu ngầm của nhà rằng: “Đồng đội yên tâm cảnh giới ở dưới biển, còn trên không, mặt nước đã có chúng tôi”.
Vì bảo vệ biển nhà, ta có không quân săn ngầm, là các loại máy bay dòng Kamob tích luỹ kinh nghiệm, hàng chục năm nay; máy bay tuần thám biển CASA-212 mới trang bị thuộc đoàn C54, cùng tàu săn ngầm của các Hải đoàn. Tàu ngầm Việt Nam bảo vệ “nhà”, lại có đồng đội trên không, trên mặt nước, tên lửa bờ… luôn bên cạnh thì yên lòng để “tác chiến theo cách của bạn”.
Có thế trận Hải quân nhân dân rộng khắp, nhất định Binh chủng Tàu ngầm Việt Nam với cách đánh Việt Nam sẽ lập nên kỳ tích mới.
Máy bay tuần thám biển CASA -212, phối hợp tác chiến cùng tàu ngầm bảo vệ biển đảo.
Máy bay tuần thám biển CASA -212, phối hợp tác chiến cùng tàu ngầm bảo vệ biển đảo.
Tác chiến tàu ngầm trên địa hình cụ thể
Với bờ biển trên 3.260km, hơn 2.773 đảo ven bờ, tàu ngầm Việt Nam trong tác chiến phòng thủ luôn dựa vào thế hiểm là đảo ven bờ, đảo khơi xa.
Từ Hòn Mê, có thể quan sát về phía nam đến đảo Mắt của Nghệ An, phía đông bắc tới Sầm Sơn. Do vậy, Hòn Mê là “tai mắt” của đất liền, cũng là tai mắt của tàu ngầm.
Khu vực biển nông thuộc thềm lục địa địa lý (đến độ sâu 200 m) chiếm toàn bộ diện tích vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan.
Hình thế phần đất liền của Việt Nam hẹp chiều ngang (không có nơi nào cách biển trên 500 km). Bờ biển Việt Nam khúc khuỷu, nhiều eo, vũng, vịnh ven bờ và cứ 20 km chiều dài đường bờ biển lại bắt gặp một cửa sông lớn với tổng số khoảng 114 cửa sông đổ ra biển.
Bờ gần, sự hỗ trợ của đất liền với tàu ngầm trong tác chiến là điều cần khai thác triệt để, từ liên lạc, trao đổi thông tin, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật…
Căn cứ vị trí chiến lược và các điều kiện địa lý, kinh tế, dân cư người ta có thể chia các đảo, quần đảo thành các nhóm: Hệ thống đảo tiền tiêu, có vị trí quan có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời, kiểm tra hoạt động của tàu, thuyền, bảo đảm an ninh quốc phòng. Đó là các đảo, quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa, Chàng Tây, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ…
Tác chiến tàu ngầm thường đi kín tiếng, đánh hiểm. Cùng với tuyến đảo bờ ở từng vùng tạo thành thế trận “Thiên la địa võng”.
Lớp tàu ngầm 6 chiếc dòng Kilo của Việt Nam chẳng khác nhiều so với hàng chục tàu ngầm cùng lớp của các quốc gia khu vực.
Nhiều tác giả đã bình luận, đại ý, tàu ngầm KILO được giới quân sự mệnh danh là “lỗ đen” trên đại dương, nghĩa là có tính bí mật rất cao, lại nằm trong tay Việt Nam, một quốc gia có vị trí chiến lược rất quan trọng trên Biển Đông với một địa thế quân sự rất hiểm hóc. Với một “địa thế” như vậy chỉ cần có một “lực” nhỏ tối thiểu cũng tạo ra được một sức mạnh đáng nể, một thế trận vững chắc.
Nhà nghiên cứu quân sự C.Ph.CLaudovit nói: “Quy luật của chiến tranh là “mạnh thắng yếu thua”. Nhưng binh pháp cũng lại dạy “thượng sách là dụng mưu, hạ sách là dùng lực”. Dụng mưu, lập thế giỏi, nếu biết dựa vào địa hình là các vùng đáy biển, với các khe, rãnh, dòng chảy theo quy luật, thì tác chiến của tàu ngầm sẽ nâng hiệu quả lên gấp bội phần.”
Khi thế đã vững, mưu đã lập, một hành động chiến thuật có thể đạt được mục tiêu chiến lược, huống hồ vùng biển của ta, hải quân ta thuộc từng con nước, tường tận sâu nông, có lẽ nào tác chiến bảo vệ biển nhà của tàu ngầm Việt Nam lại thiếu hiệu quả trong khi đối phương từ chân trời góc biển xa lắc tới!
“Việt Nam chỉ mới sở hữu một số lượng tàu ngầm ít ỏi mà đã khiến cho ai đó có sự lo ngại”, người ta bình luận như vậy là có lý.
Tàu ngầm Kilo được thiết kế để bảo vệ các căn cứ quân sự biển, đường giao thông biển và bờ biển, thực hiện các hoạt động tuần tra và trinh thám. Tàu có chiều dài 73,8 m; đường kính thân tàu 9,9 m; trọng lượng rẽ nước 2.350 tấn. Mức lặn sâu tối đa 300 m; tốc độ khi nổi: 22 km/giờ; khi lặn 40 km/giờ.
Tầm hoạt động khi có ống thông hơi 12.000 km; khi lặn 640 km. Thủy thủ đoàn gồm 57 người. Thời gian hoạt động liên tục trên biển là 45 ngày.
Bơi dưới biển nhà, trên không mặt nước, biển rộng là quân ta, nên tàu kilo di chuyển và hoạt động chủ yếu sử dụng thông hơi không có gì lo ngại “ai” dòm ngó.
Khi cần lặn sâu, “kín võ” với địa hình quen thuộc, tàu ngầm Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả cao nhất trong tác chiến.
Mô phỏng tàu ngầm Kilo phóng ngư lôi.
Mô phỏng tàu ngầm Kilo phóng ngư lôi.
Hệ thống vũ khí của Kilo của Việt Nam có 6 ống phóng ngư lôi ngư lôi GE2-01 533 mm, độ chính xác cao. Trong 2 phút có thể thực hiện loạt bắn đầu, 5 phút kế tiếp là loạt bắn thứ hai. Tàu còn mang theo 24 trái thủy lôi phong toả các lối hiểm.
Tất cả các tàu này đều được trang bị tên lửa hành trình 3М-14E Club-S. Tên lửa này có tầm 280 km, ngoài ra còn bốn tên lửa loại PZRK “Strela -3”, tầm bắn tối đa là 6 km để tiêu diệt máy bay đối phương.
Như vậy, với một loạt các hoạt động, hay nói khác đi là cách đánh Việt, tàu ngầm Việt Nam có thể phục kích, rải thủy lôi; cơ động bám sát mục tiêu, bất ngờ xuất hiện, “tiến công kiên quyết kẻ cướp biển”… đây là những chiến thuật, cách đánh kinh điển mà các quốc gia có tàu ngầm thường áp dụng, sự xuất hiện của tầu ngầm Việt vào thời điểm này là hết sức cần thiết.
Những năm 60 của thế kỷ trước, binh chủng radar của Việt Nam trang bị khí tài còn kém hiện đại là radar P-8, P-10, nhưng luyện giỏi, tinh mắt, nhớ lâu, các trắc thủ Việt Nam đã thuộc toạ độ của hàng ngàn sóng địa vật, do đó phân biệt không sót một máy bay nào của không quân Mỹ – Nguỵ xâm nhập vùng trời.
Biển của ta, trí tuệ, ý chí Việt chắc chắn sẽ có những “trắc thủ” tàu ngầm tinh nhạy, phân biệt được hàng ngàn loại tiếng động dưới đáy sâu qua các mùa huấn luyện, từng ngày sẽ tích luỹ được “ngân hàng dữ liệu âm thanh” từ từng vùng biển gần – xa.
Ngày nay, nhờ có máy tính hiện đại, việc phân tích các cứ liệu âm thanh lại càng nhanh chóng, chính xác, nhất định khi “kẻ xấu” xâm nhập sẽ sớm bị phát hiện đánh trả thích đáng.

http://nguyentandung.org/bi-mat-tac-chien-cua-tau-ngam-kilo-viet-nam-tren-bien-dong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét