Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Giải bài toán Việt Nam bảo vệ Trường Sa thế nào?

(Kienthuc.net.vn) - Trong bảo vệ Trường Sa, chỉ mình lực lượng trên đảo là không đủ để đối phó với lực lượng địch hùng hậu mà cần có sự chi viện từ đất liền.

Được thành lập ngày 7/5/1955, Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia và đặc biệt là thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Lực lượng hải quân của ta ngày càng chính qui, tinh nhuệ và hiện đại, với những trang bị khí tài thế hệ mới, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Phải khẳng định rằng, với thế trận phòng thủ bờ biển hiện nay, sử dụng linh hoạt kết hợp các vũ khí như tên lửa bờ biển, tàu chiến mang tên lửa và máy bay chiến đấu, Hải quân Nhân dân Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng bảo vệ bờ biển, chống lại mọi cuộc đổ bộ xâm lược đất liền và các đảo gần bờ. 

Tuy nhiên, ngoài phần đất liền rộng lớn, Tổ quốc ta còn có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó, có quần đảo Trường Sa cách xa bờ từ 400-600km. Việc phòng ngự, bảo vệ quần đảo Trường Sa phụ thuộc rất lớn vào sức mạnh của lực lượng không quân và hải quân Việt Nam. 

Việc triển khai chống đổ bộ, bảo vệ quần đảo Trường Sa trong tình hình mới mang nhiều đặc điểm khác nhiều so với trên đất liền. 

Trước hết, quần đảo Trường Sa nằm trên một diện tích rất rộng, lên đến 160.000km2. Quần đảo này của Việt Nam đang có sự tranh chấp với nhiều quốc gia khác, một số nước có đóng quân trên các đảo và bãi đá, đan xen với các vị trí phòng ngự của Việt Nam.

Sự hiện diện liên tục của các lực lượng quân sự nước ngoài tại đây, có thể dẫn đến một cuộc tấn công bất ngờ, nhằm cường tập hỏa lực, đổ bộ chiếm đảo trong thời gian ngắn (có thể từ 48-72 giờ). 
Lực lượng phòng ngự trên đảo chủ yếu trang bị vũ khí hạng nhẹ. Ảnh minh họa

Tuy các lực lượng phòng ngự của Việt Nam trên các đảo và bãi đá ngày càng được củng cố, với trang bị mạnh nhưng diện tích các đảo rất hạn chế, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, không cho phép triển khai nhiều vũ khí hạng nặng, hiện đại. Do đó, nếu đối phương tập trung binh lực mạnh, với sự yểm trợ hỏa lực của không quân và hải quân, lực lượng bảo vệ ở đây gặp nhiều khó khăn trong việc giữ đảo. 

Tình huống giả định, đó là lực lượng quân sự nước ngoài âm mưu đánh chiếm quần đảo Trường Sa trong thời gian ngắn từ 48 đến 72 giờ. Đương nhiên, để đánh chiếm được quần đảo Trường Sa, với những vị trí mạnh do Việt Nam chốt giữ, kẻ địch sẽ phải tập trung lực lượng lớn (gồm có tàu sân bay hạng nặng, cùng các tàu tuần dương, tàu khu trục mang tên lửa tầm xa, tàu hộ vệ tên lửa, tàu ngầm tiến công) để bảo vệ cho lực lượng đổ bộ tiến công của địch. 

Lực lượng của địch sẽ gồm 2 bộ phận chính:

- Bộ phận đổ bộ, với nhiều tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu đệm khí cao tốc, … sử dụng hỏa lực mạnh của pháo hạm và không quân để bắn phá các vị trí đóng quân trên đảo, và mở đường cho quân lính đổ bộ. 

- Bộ phận bảo vệ tàu đổ bộ, gồm nhiều hạm tàu mạnh, có cả sự hiện diện của tàu sân bay và tàu ngầm tiến công.

Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa không có nhiều hỏa lực mạnh để đấu tay đôi với pháo hạm địch, nhưng có nhiều vũ khí nhẹ cho bộ binh rất hiệu quả trong chống đổ bộ. Với một mục tiêu mà công sự được bê tông hóa, có những hỏa lực rất mạnh của bộ binh như súng phóng lựu liên thanh AGS-17, súng không giật DKZ, tên lửa vác vai… cùng những chiến sĩ hải quân với tinh thần quyết tử, thì chắc chắn quân đổ bộ của địch sẽ bị đánh chặn rất quyết liệt. 
Mở màn cho cuộc chiến có khả năng là cuộc không kích dữ dội của không quân địch. Ảnh minh họa

Để đảm bảo việc đổ bộ chiếm đảo thành công, kẻ địch sẽ phải có hỏa lực chuẩn bị cực mạnh. Trước hết là trận oanh tạc của không quân bằng bom và rocket vào những mục tiêu quan trọng của đảo. Tiếp đến là những giàn pháo phản lực, pháo hạm tàu bắn trải trên diện rộng. 

Dĩ nhiên, với những công sự cực kì vững chắc của đảo, được bê tông hóa và liên tục nâng cấp, cải tạo trong nhiều năm, thì những loạt bom phá, đạn pháo nổ phá mảnh của kẻ địch cũng sẽ chưa gây tổn thất nhiều cho đảo. Thực tế đã chứng minh, ngay cả hỏa lực khủng khiếp của không quân và pháo hạm Mĩ cũng khó có thể đánh bật quân giải phóng ra khỏi công sự. 

Vậy nên, dù kẻ địch có tập trung bao nhiêu pháo hạm, oanh tạc bằng bao nhiêu máy bay, cũng khó có thể gây ra tổn thất nặng cho lực lượng phòng thủ đảo, đang ẩn nấp trong các hầm hào cực kì kiên cố. Vì vậy, sau trận oanh kích phủ đầu của pháo hạm và không quân địch, các đảo vẫn duy trì được khả năng đánh trả, sẵn sàng ngăn chặn các cuộc đổ bộ của địch.

Sau đòn đánh phủ đầu, đối phương có khả năng điều lính đổ bộ bằng cả tàu đệm khí và trực thăng, để thiết lập một đầu cầu, đưa các thê đội tiếp theo tiến lên. 

Với một lực lượng gần như nguyên vẹn, quân phòng thủ đảo sẽ chờ cho các tàu đổ bộ vào gần bờ, mới khai hỏa tiêu diệt bằng: súng cối 60mm, 82mm bắn khóa đuôi; trọng liên 12,7mm, súng phóng lựu liên thanh AGS-17, súng chống tăng RPG-7 bắn chặn, tiêu diệt từng tàu đổ bộ một. Ý đồ đổ quân bằng trực thăng cũng rất khó thực hiện, vì những tên lửa vác vai của quân ta. 
Pháo hạm địch khá nguy hiểm đối với công sự của ta. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, điều đặc biệt nguy hiểm đối với lực lượng ta nằm ở hỏa lực đối phương. Thay vì bắn diện tích bằng đạn nổ phá mảnh, những khẩu pháo đa năng trên hạm tàu địch sẽ sử dụng đạn xuyên, bắn phá công sự. Chúng sẽ đóng vai trò như những khẩu pháo tự hành tấn công trong tác chiến trên bộ, hoạt động ở tiền duyên, bắn tiêu diệt hỏa điểm đề kháng quân ta. 

Với hệ thống ngắm bắn hiện đại, được điều khiển bằng máy tính, những khẩu pháo này có độ chính xác cao, tốc độ bắn rất nhanh, và trở thành mối nguy hiểm khôn lường với quân phòng thủ đảo. Để đánh quân đổ bộ địch, đương nhiên chúng ta phải bộc lộ hỏa lực. Và khi đó, có khả năng bị pháo hạm địch chế áp rất nhanh.

Ví dụ như khẩu pháo AK-176, rất phổ biến trên các chiến hạm hiện đại của Việt Nam cũng như nhiều nước khác, có thể bắn với tốc độ cao nhất lên đến 120 phát/phút. Dĩ nhiên trong chiến đấu hiếm khi pháo hạm địch sử dụng tốc độ bắn khủng khiếp như vậy, nhưng với cơ số đạn 152 viên và tốc độ bắn tối đa như một khẩu súng trường, pháo hạm AK-176 là mối đe dọa rất lớn với lực lượng phòng thủ đảo. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, chỉ bằng những khẩu pháo chống tăng D-44 85mm bắn trực xạ diệt công sự kiên cố, quân giải phóng đã đánh cho Mĩ – Ngụy “kinh hồn bạt vía”, diệt gọn nhiều căn cứ quân sự mạnh của địch, như căn cứ Thượng Đức. Vậy với những pháo hạm hiện đại, bắn rất nhanh và chính xác cao, kẻ địch hoàn toàn có khả năng chế áp các công sự trên đảo. Hầu như không một công sự nào có thể chịu đựng nổi các loạt đạn xuyên ZS-63 của AK-176 cả. 

Cùng với đó là những trực thăng vũ trang, sử dụng rocket và tên lửa tầm ngắn, bắn yểm trợ cho lính thủy đánh bộ của địch tấn công. Chúng sẽ “bào mòn” lực lượng phòng thủ đảo bằng hỏa lực mạnh. Trận đánh có thể kéo dài, các hỏa điểm của ta sẽ không đứng yên một chỗ, mà cơ động liên tục để tránh địch phản pháo. 
Việc bảo vệ Trường Sa cần thiết phải có sự chi viện từ đất liền.

Như vậy, có thể nói rằng, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa không thể đơn độc đương đầu với một cuộc tấn công tổng lực của kẻ địch. Cần thiết phải có sự chi viện từ đất liền của không quân và hải quân, để gây thiệt hại tối đa cho địch, tiến tới bẻ gãy cuộc đổ bộ tiến công của chúng.

Điều này đã nằm trong tính toán của đối phương. Chúng tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ, đánh nhanh thắng nhanh, đặt mục tiêu chiếm đảo trong vòng 48-72 giờ. Điều đó dẫn đến hải quân ta buộc phải xuất kích ứng cứu. Vậy câu hỏi đặt ra: Hải quân Việt Nam sẽ đối phó ra sao với một hạm đội địch mạnh hơn rất nhiều lần?

Đối phương có thể có cả tàu sân bay, tàu tuần dương hạng nặng, tàu khu trục, tàu hộ vệ mang tên lửa tầm xa, tàu ngầm tiến công… Với lực lượng như vậy, đương nhiên chúng ta phải thực hiện tác chiến phi đối xứng, sử dụng chiến thuật tấn công nhanh, dưới sự yểm hộ của tên lửa bờ biển và không quân.

Xin khẳng định lại, với thế trận phòng ngự liên hoàn hiện nay, với những khí tài tên lửa bờ biển, tàu chiến, máy bay hiện đại, chúng ta hoàn toàn tự tin có thể bảo vệ vùng biển gần, chống lại mọi cuộc tấn công của địch, ngăn chặn các cuộc đổ bộ lên đất liền. Tuy nhiên, ở đây chỉ đề cập đến việc tiến công địch để bảo vệ quần đảo Trường Sa, cách bờ từ từ 400-600km. Yếu tố về địa lí và sự vượt trội về trang bị của đối phương, khiến cuộc chiến bảo vệ Trường Sa trở nên gay gắt và căng thẳng hơn bao giờ hết. 

(Kienthuc.net.vn) - Hải quân Nhân dân Việt Nam mạnh trong tác chiến bảo vệ gần bờ nhưng khi bảo vệ Trường Sa thì đó là bài toán không hề đơn giản.

Trong những năm qua, nhằm mục đích bảo vệ vững chắc biển, đảo tổ quốc và nhất là quần đảo Trường Sa, lực lượng hải quân, không quân Việt Nam đã được đầu tư nâng cấp, trang bị thêm nhiều khí tài mới. 

Năng lực phòng thủ biển của Việt Nam

Hải quân Việt Nam sử dụng bốn lực lượng để tác chiến bảo vệ vùng biển, đảo tổ quốc gồm:

- Thứ nhất, các tên lửa bờ biển gồm có các tổ hợp 4K51 Rubezh (tầm bắn 80km), K-300P Bastion-P (tầm bắn 300km) và đặc biệt là tổ hợp 4K44 Redut đạt tầm bắn 460km (có nguồn tin cho rằng đạn tên lửa P-35 của tổ hợp đã được cải tiến tăng tầm bắn lên 550km). 

Tên lửa bờ biển hình thành một hệ thống phòng ngự tầm xa, phủ kín một vùng biển rộng, triển khai đánh tàu địch ngay từ khoảng cách rất xa. Kẻ địch càng vào gần thì hỏa lực quân ta càng mạnh. 

- Thứ 2 là các tàu ngầm Kilo, làm nhiệm vụ phục kích, bí mật đánh địch trên đường hành quân, trong khi chúng triển khai đội hình tiến công.

- Thứ 3 là các máy bay Su-22, Su-27, Su-30, thậm chí là cả MiG-21 mang bom và tên lửa diệt hạm, bất ngờ đột kích tấn công đội hình địch, bảo vệ trên không cho quân ta.

- Và cuối cùng là các tàu hộ vệ tên lửa, như Gepard 3.9, Project 1241.8, mang tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E (tầm bắn 130km). Đây cũng là loại tên lửa chống tàu mạnh nhất có trong trang bị tàu mặt nước hải quân. Trong chiến đấu, các tàu này ẩn nấp ở gần bờ, nơi có nhiều địa hình, địa vật thuận lợi, bất ngờ sử dụng tốc độ cao để áp sát tấn công địch. 
Biên đội tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Như vậy, nếu kẻ địch tổ chức đổ bộ lên đất liền hay các đảo gần bờ của ta, thì chúng sẽ phải lĩnh đòn hợp công từ nhiều quân binh chủng của quân đội, và chắc chắn sẽ gánh chịu thiệt hại rất lớn. 
Trở lại với tình huống giả định đã đưa ra ở kỳ trước về cuộc tấn công bất ngờ của quân địch vào quần đảo Trường Sa, nếu không có sự chi viện hỗ trợ từ đất liền thì việc bảo vệ vững chắc các đảo thuộc Trường Sa là điều hết sức khó khăn. 

Tuy chúng ta có lực lượng tên lửa, tàu chiến khá mạnh, nhưng quần đảo Trường Sa nằm cách bờ khoảng 450-600km thì lực lượng của ta cũng có khó khăn nhất định.

Nhận diện khó khăn bảo vệ Trường Sa

Vấn đề khó khăn nhất của lực lượng ta trong việc chi viện bảo Trường Sa là do phạm vi hỏa lực các hệ thống vũ khí bờ biển có những hạn chế. 

Đầu tiên, trong các tổ hợp tên lửa bờ biển của Việt Nam, chỉ có tổ hợp 4K44 Redut (tầm bắn 460 hoặc 550km nâng cấp) là đủ sức vươn đến một phần nhỏ của quần đảo Trường Sa, chủ yếu là khu vực Trường Sa Lớn. 

Trong khi đó, một phần rất lớn của quần đảo, những khu vực nóng bỏng nơi Hải quân Việt Nam đóng quân xen kẽ với hải quân nước ngoài không nằm trong tầm bao phủ của tên lửa bờ biển. Như vậy, nếu có tình huống địch tấn công chiếm một số đảo, thì chúng sẽ nằm ngoài tầm bắn tên lửa.
Trong 3 tổ hợp tên lửa bờ, chỉ có 4K44 Redut bắn tới Trường Sa.

Thứ hai, hạm tàu địch có trọng tải lớn, triển khai nhiều tổ hợp tên lửa diệt hạm mạnh, với tầm bắn xa lên đến 300km. Trong khi đó, chiến hạm của ta chỉ mang được tên lửa có tầm bắn ngắn dưới 200km.

Thứ ba, hạm đội địch có thể có tàu sân bay hạng nặng, cho phép triển khai nhiều máy bay chiến đấu. Chúng có thể triển khai đánh chặn đơn vị không quân ra tiếp ứng cho Trường Sa. 

Ba vấn đề này sẽ làm phát sinh hàng loạt vấn đề chiến thuật, khiến quân đội ta gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như trong tình huống giả định, làm nhiệm vụ chi viện cho quần đảo Trường Sa, biên đội tàu ta sẽ xuất kích với thành phần gồm tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, tàu tên lửa cao tốc Project 1241.8, bên cạnh có thể có sự yểm hộ của các tàu hộ vệ săn ngầm Petya, tàu pháo TT-400TP, Svetlyak. Vũ khí chống tàu hiện đại nhất của biên đội là tên lửa Kh-35 Uran-E, có tầm bắn 130km, tốc độ cận âm.

Trong khi đó, hạm đội địch có những tàu lớn, mang tên lửa diệt hạm bắn xa đến 300km, có tàu sân bay với nhiều máy bay chiến đấu. 

Để có thể tiếp cận tàu địch, phóng tên lửa, tấn công, biên đội tàu ta phải vận động một quãng đường trên 150km, nằm trong phạm vi hỏa lực tên lửa diệt hạm của địch. Với khoảng cách này, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 phải chạy hết tốc lực (27 hải lí/h) trong 3 giờ liên tục. Con số này với các tàu tên lửa cao tốc là hơn 2 tiếng. Thời gian đó là quá đủ để tàu địch nạp lại đạn, bắn nhiều loạt liên tiếp. Không quân địch cũng quá đủ thời gian xuất kích, tấn công tàu ta trong khi năng lực phòng không trên biển của tàu mặt nước chỉ ở mức tầm thấp, tầm ngắn. 

(Kienthuc.net.vn) - Với hỏa lực phòng không không mạnh, biên đội tàu chiến đấu của ta sẽ phải khá khó khăn đối phó trước vũ khí diệt hạm tàu mặt nước của đối phương.

Để tiếp viện cho Trường Sa, đầu tiên là đơn vị tàu chiến của ta phải tiêu diệt hạm tàu bảo vệ quân đổ bộ đối phương. Tuy nhiên, như đã trình bày ở kỳ trước, phạm vi hỏa lực chống tàu của ta kém hơn kẻ địch “giả định” (tầm bắn tên lửa diệt hạm Kh-35 Uran thua kém tầm bắn của địch). 

Như vậy, ta đã đặt mình vào thế phòng thủ phải đánh trả lại máy bay và tên lửa diệt hạm đối phương. Vượt qua bức tường này, biên đội tàu ta mới có cơ hội diệt tàu địch. 

Tình huống giả định, khi phát hiện biên đội tàu tiếp cận, đối phương sẽ phóng tên lửa hành trình chống tàu nhắm vào phía biên đội tàu ta. Vậy, biên đội tàu ta sẽ làm gì để có thể ngăn chặn và phản công?

Dùng hỏa lực của tàu đối phó

Hệ thống phòng không của biên đội tàu ta gồm có 2 vũ khí chính: tổ hợp phòng không Palma-SU (trang bị trên 2 tàu Gepard 3.9) và tổ hợp pháo phòng không cao tốc AK-630 (trang bị rộng rãi cho các tàu tên lửa, tàu pháo cỡ nhỏ). 

Ngoài ra, còn có thể kể thêm cả pháo hạm AK-176 được cho là có khả năng phòng không bên cạnh nhiệm vụ chính là đối hải. Tuy nhiên, vì tốc độ bắn hạn chế, chỉ ở mức 120 phát/phút, nên khả năng chống tên lửa diệt hạm của AK-176 vẫn cần được xem xét.
Pháo phòng không cao tốc AK-630 đạt tốc độ bắn 5.000 phát/phút.

Trong đó, tổ hợp pháo cao tốc AK-630 được kết hợp với radar điều khiển hỏa lực MR-123 và tổ hợp ngắm quang – điện tử SP-521. Tổ hợp pháo AK-630 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly xa 4km, tốc độ bắn cực cao 5.000 phát/phút.

Còn Palma-SU là biến thể rút gọn của tổ hợp phòng không tầm ngắn Kashtan. Đây có thể coi là vũ khí phòng không trên hạm mạnh nhất của hải quân ta. Tháp pháo Palma-SU lắp 8 đạn tên lửa Sosna-R 9M311 (tầm bắn 1,5-8km) và 2 pháo cao tốc 30mm AO-18KD (tầm từ 500-4.000m). Palma-SU không có radar riêng, mà chủ yếu bám bắt bằng quang học. 

Qua đó, có thể thấy rằng các tàu chiến Việt Nam chưa có khả năng phòng không cấp biên đội tàu, mà chỉ là phòng thủ điểm. Có ý kiến cho rằng, trong hoàn cảnh chúng ta chưa có phòng không tầm trung – xa để bảo vệ đội hình tiến công, cũng có thể sử dụng tàu đi kèm bảo vệ lẫn nhau. Ví dụ như dùng tàu pháo TT-400TP đi kèm với biên đội tàu chiến đấu, để giăng màn đạn pháo cao tốc AK-630 đánh chặn tên lửa diệt hạm. 

Tuy nhiên, điều đó không mang lại hiệu quả cao, vì phòng không chung cho biên đội, hạm đội tàu là nhiệm vụ của các hệ thống phòng không tầm trung – xa như Shtil hay S-300F, không phải của phòng không tầm ngắn và cực ngắn. 

Phòng không tầm ngắn trên hạm tàu, được thiết kế để đánh chặn tên lửa diệt hạm tiến công vào chính hạm tàu đó. Điều này dẫn đến đường bay của tên lửa diệt hạm và nòng pháo nằm trên cùng một đường thẳng, vận tốc ngang của tên lửa diệt hạm với nòng pháo gần như bằng không. Khi đó, khả năng đánh chặn sẽ tăng lên rất nhiều lần.

Khi tên lửa diệt hạm không lao vào “tàu mình”, mà lao vào tàu khác trong biên đội, thì vận tốc ngang của tên lửa so với nòng pháo sẽ rất cao, ở mức tốc độ âm thanh. Điều này khiến cho khả năng đánh chặn giảm xuống rất thấp. Đây chính là hạn chế của phương pháp cho tàu pháo TT-400TP đi kèm biên đội tàu chiến.
Tổ hợp pháo - tên lửa Palma-SU trên tàu Gepard 3.9.

Một điều cần lưu ý, tàu Gepard 3.9 và Project 12418 sử dụng radar ba tham số Pozitiv-ME để phát hiện tên lửa diệt hạm. Radar này chỉ có khả năng phát hiện tên lửa có diện tích phản xạ 0,03m2, bay cao 15m ở cự li 15km. Trên thực tế thì ở cự li này, đa số các tên lửa diệt hạm đều đã hạ độ cao xuống chỉ còn từ 3-5m, gây khó khăn cho phát hiện mục tiêu. 

Với tên lửa diệt hạm cận âm giả định, có tốc độ 300m/s, thì từ khi bị Pozitiv-ME phát hiện ở cự li 15km, nó sẽ chỉ mất 50 giây để lao vào tàu ta. Đó là 50 giây “sinh tử”, tổ hợp Palma-SU chỉ có 27 giây để đánh chặn, con số này với các pháo phòng không cao tốc AK-630 chỉ là 13 giây. Đối với các tên lửa diệt hạm có tốc độ siêu âm, thì thời gian phản ứng của tàu ta sẽ còn giảm đi nhiều lần. 

Và nếu như đối phương sử dụng đòn hợp công của không quân và hải quân, tiến hành công kích đồng loạt, thì có khả năng rất cao là các hệ thống phòng không sẽ không thể phản ứng kịp. Các tổ hợp như Palma-SU có khả năng đánh chặn chính xác, với xác suất lên đến trên 96%, nhưng vấn đề là chúng ít có khả năng đánh chặn nhiều tên lửa cùng lúc.

Cơ động, tác chiến điện tử

Bên cạnh phương án dùng hỏa lực pháo, tên lửa, chúng ta còn có một số biện pháp khác để đối phó với tên lửa diệt hạm của địch. Trước hết là cơ động hạm tàu, chiếm vị trí có lợi, giảm thiểu bộc lộ điện tử để tránh tên lửa. 

Các tàu Gepard 3.9 và Molniya đều được trang bị động cơ tuốc bin khí, cho phép đạt tốc độ tối đa là 27 và 35 hải lí/giờ. Điều này có thể giúp các tàu ta tránh được sự đe dọa của một số tên lửa diệt hạm kiểu cũ, không thể bám bắt các mục tiêu có tốc độ cao. Nhưng điều này cũng không có nhiều ý nghĩa khi đối phó với các tên lửa diệt hạm hiện đại, tốc độ siêu âm.

Về giảm thiểu bộc lộ điện tử, các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 đều được thiết kế để tăng khả năng tàng hình. Ngoài ra, Viện khoa học và Công nghệ Quân sự Việt Nam đã chế tạo thành công sơn hấp thụ sóng radar PD/RAP-MEH, hấp thụ đến 94% sóng radar 8 GHz đến 12 GHz. Tuy nhiên, đối phương không thiếu các biện pháp phối kiểm với radar cảnh giới hạm tàu, như sử dụng vệ tinh trinh sát phân giải cao, máy bay AWACS, UAV cùng nhiều khí tài khác. Dù tàu ta có khả năng tàng hình cao, cũng khó có thể “ẩn giấu” lâu.
Các tàu Gepard 3.9 có khả năng tành hình "nhẹ".

Biện pháp tiếp theo là tác chiến điện tử, các tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam hiện nay, như Gepard 3.9 hay Project 12418 đều có trang bị các hệ thống tác chiến điện tử khá mạnh. 

Tàu tên lửa cao tốc Project 12418 Molniya được trang bị tổ hợp tác chiến điện tử Vympel-R2 (gồm đài trinh sát điện tử MP-405 và đài chế áp điện tử MP-407-E). Tổ hợp này có vai trò chế áp quá trình trinh sát, dẫn bắn của hạm tàu và tên lửa địch từ ngoài đường chân trời. 

Ngoài ra, vẫn còn phương án khác, biên đội tàu có thể sử dụng các hệ thống phóng mồi bẫy PK-10, PK-16 gây nhiễu đầu tự dẫn tên lửa đối phương ở cự ly gần. Nó sẽ phóng các đạn gây nhiễu radar hoặc đầu dò ảnh nhiệt của tên lửa diệt hạm đối phương, kết hợp mức độ cơ động cao của tàu ta, sẽ khiến tên lửa diệt hạm đánh trượt mục tiêu. Tuy nhiên, mồi bẫy cũng khó có thể lừa được hết tất cả tên lửa diệt hạm, nhất là các tên lửa diệt hạm hiện đại.

Dẫu sao, tác chiến điện tử hay dùng mỗi bẫy chỉ là giải pháp tình thế, quan trọng nhất vẫn là hệ thống phòng không đánh chặn tên lửa. 

(Kienthuc.net.vn) - Ngoài phòng không, năng lực chiến đấu chống tàu của chiến hạm Việt Nam còn hạn chế, nên cần trang bị tên lửa tầm xa tương đương đối phương.

Tấn công cũng khó

Quá khứ từng chứng kiến tàu chiến (trang bị tên lửa có tầm bắn ngắn hơn) đánh chìm tàu có tên lửa đạt tầm bắn xa hơn. Đó là 2 trận đánh giữa Hải quân Isarel với Ai Cập (trận Baltim) và Syria (trận Latakia) trong cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Trong trận chiến này, tàu tên lửa Isarel chỉ được trang bị tên lửa Gabriel (tầm bắn 15-20km), trong khi tàu chiến Ai Cập – Syria có tên lửa P-15 Termit (tầm bắn 40km). Ở cự li 38km, các tàu Ai Cập - Syria đều phóng tên lửa, lợi dụng ưu thế về tầm bắn để đánh phủ đầu, tiêu diệt địch. 

Tuy nhiên, tàu Isarel sử dụng biện pháp gây nhiễu đầu tự dẫn dẫn tên lửa P-15 bằng các đầu tạo xung gây nhiễu; đồng thời thành tàu được phủ lớp vật liệu hấp thụ sóng điện từ. Điều này khiến cho các tên lửa P-15 của Ai Cập – Syria mất phương hướng, đánh trượt mục tiêu. Sau đó, biên đội tàu tên lửa Isarel nhanh chóng tăng tốc, sử dụng tốc độ cao để thu hẹp khoảng cách và phóng tên lửa Gabriel tiêu diệt toàn bộ tàu Ai Cập – Syria, giành chiến thắng. 

Thắng lợi do tàu Isarel giành được là do ưu thế về kĩ thuật gây nhiễu điện từ. Về nguyên nhân Ai Cập và Syria thất bại, trước hết do họ đã phóng hết đạn tên lửa P-15 Termit, không còn vũ khí đối phó. Thứ 2, hải quân các nước này kém cỏi về tổ chức đánh trận, hoàn toàn không có không quân, hay một biên đội tàu nào xuất kích ứng cứu, dẫn đến thất bại. Trong khoảng thời gian nửa giờ, nếu Ai Cập và Syria điều không quân đánh chặn, thì Hải quân Isarel chưa chắc đã thắng trận.
Trận hải chiến Baltim 1973, tuy trang bị tên lửa mạnh hơn nhưng Hải quân Ai Cập vẫn bị tàu chiến Israel với tên lửa yếu hơn đánh bại.

Tất nhiên, trận hải chiến năm 1973 khác biệt hoàn toàn với tình huống giả định xảy ra trên Biển Đông. Khoảng cách mà biên đội tàu Isarel phải vận động để tiếp cận tàu địch là trên 20km. Với tốc độ rất cao, lên đến trên 50km/h của tàu tên lửa cao tốc, thì tàu Isarel chỉ mất chưa đầy nửa giờ đồng hồ để tiếp cận và phóng tên lửa kết liễu đối phương. 

Còn trong cuộc chiến giả định trên Biển Đông, biên đội tàu Hải quân Việt Nam phải di chuyển trên 150km, trong khi tàu địch hiện đại, hỏa lực mạnh hơn. Về tác chiến điện tử, ta cũng không chiếm ưu thế so với địch như Isarel so với Ai Cập. 

Về khả năng tàng hình trên biển, các tàu chiến của Hải quân Việt Nam dù đã có những cải tiến nhất định nhưng trước đối phương có cả vệ tinh, máy bay trinh sát thì rất khó có thể “lẩn tránh” trong thời gian dài. Và thời gian trong 2-3 giờ là đủ để quân địch có thể xuất kích các biên đội không quân hải quân, tiến công biên đội tàu ta bằng tên lửa diệt hạm. Khả năng phòng không của tàu ta hạn chế nên trước những đòn đánh liên tiếp của kẻ địch, khó có khả năng chống đỡ. 

Ngoài ra, khác với năm 1973, 40 năm sau, tên lửa hành trình chống tàu đã có những bước tiến rất lớn trong công nghệ bắt bám, dẫn đường diệt mục tiêu bằng nhiều cơ chế: radar dẫn đường chủ động, hoặc thụ động bám theo tín hiệu radar tàu địch, hoặc dẫn đường quang truyền hình, dẫn bằng hồng ngoại … Nói cách khác, hiện không dễ để thực hiện các biện pháp đánh chặn, hay gây nhiễu điện tử.

Từ những phân tích trên đây, có thể nói việc các tàu hải quân ta xuất kích tiến công tiêu diệt địch mà không thiệt hại là khó. Điều này dẫn đến việc chúng ta ít có khả năng tổ chức một đòn hợp công giữa không quân, tàu ngầm với các hạm nổi cùng tiến công địch, giải vây cho Trường Sa (trong trường hợp xấu). 
Nếu đối phương không bị tiêu diệt sau loạt đạn tấn công, biên đội tàu ta có thể bị thiệt hại lớn khi rút lui, nhất là khi còn nằm trong tầm hỏa lực địch.

Còn nếu trong trường hợp, biên đội tàu ta vượt qua lưới lửa đối phương và tiếp cận tàu địch ở phạm vi hiệu quả của tên lửa Kh-35 Uran-E, vấn đề đặt ra là liệu sau khi phóng hết đạn thì chúng ta có rút lui an toàn; nhất là khi mà đối phương có thể chưa bị tiêu diệt hẳn (hoặc đông hơn) và lập tức phản công.

Hạm tàu ta chỉ thật sự an toàn khi ở cách bờ từ 200-300km. Ở đó, nếu tàu địch muốn tiến công tàu ta bằng tên lửa diệt hạm, chúng sẽ phải tiến vào tầm bắn của tên lửa 4K44 Redut (tầm bắn 460-550km). Nếu không quân địch tấn công, tàu ta có thể cơ động lùi về gần bờ, nơi có hỏa lực phòng không của tổ hợp tên lửa S-300PMU1. 

Cần sức mạnh tương đương

Có ý kiến cho rằng, các tàu tên lửa tốc độ cao Project 12418/1241RE có thể lợi dụng khả năng tấn công nhanh để tăng tốc tiếp cận mục tiêu, phóng tên lửa và rút chạy an toàn trước khi địch kịp phản kích. 

Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng trong trường hợp mà hỏa lực của hai bên không quá chênh lệch. Ví dụ, trong trận đánh trên Vịnh Bắc Bộ ngày 2/8/1964, tàu phóng lôi 123K đối đầu với 6 khẩu trọng pháo 127mm của tàu Maddox. Tàu khu trục Maddox của Mỹ khai hỏa khi 2 bên cách nhau 6 hải lý. Với tốc độ lên đến gần 50 hải lí/h, tàu 123K của Việt Nam chỉ cần vài phút để áp sát, phóng ngư lôi, bắn đại liên 14,5mm quét sang tàu địch ở cự li chưa đầy 1 hải lí. 

Đối với trận đánh của tàu Isarel với tàu tên lửa Ai Cập và Syria, khoảng cách để tàu Isarel vận động đến khi có thể tấn công mục tiêu chỉ là 20km. 

Theo xu thế phát triển của công nghệ, tầm bắn của các vũ khí chống tàu ngày một xa, trong khi tốc độ của tàu chiến hầu như không thay đổi nhiều. Do đó xuất hiện đòi hỏi tầm bắn của hai bên cũng phải liên tục gia tăng, để đảm bảo là hiệu số tầm bắn không chênh lệch quá nhiều so với tốc độ của tàu. 

Theo nhận định chủ quan, hiệu số về tầm bắn chỉ nên ở mức dưới 20-30 phút tốc độ chạy tàu, nghĩa là khoảng 20-30km. Thời gian đó là “hơi ngắn” để không quân địch kịp xuất kích tấn công, hạn chế được thiệt hại cho biên đội tàu chiến đấu của ta. Thời gian tàu ta ở trong khu vực nguy hiểm là khoảng trên dưới 1 giờ, cho phép ta khai thác các tính năng kĩ chiến thuật ở mức tối đa, đảm bảo khả năng chống trả lại các đòn tấn công của đối phương.
Nga đã có giải pháp trang bị tên lửa chống tầm siêu thanh tầm xa 300km lên chiến hạm Gepard. "Chiêu" này có thể áp dụng với các tàu Gepard của Việt Nam.

Vậy, trước một kẻ địch trang bị tên lửa chống tàu bắn xa đến 300km, thì hạm tàu hải quân ta phải có trang bị tương đương, ví dụ như là trang bị các loại tên lửa chống tàu tầm xa hơn Kh-35 (P-800 Yakhont, Kaliber NK hoặc Brahmos). 

Khi được trang bị vũ khí gần như tương đương với hạm tàu địch, thì tàu tên lửa cao tốc 1241.8/1241RE mới phát huy đầy đủ khả năng tấn công nhanh, hay tàu Gepard 3.9 mới có năng lực “đáng gờm”. Nó có thể đứng trong tầm bảo vệ của tên lửa bờ biển, cách bờ 300km và bất ngờ phóng tên lửa diệt tàu địch tại Trường Sa ở cự li 300km. 

Nếu địch phản kích, các tàu sẽ nhanh chóng di chuyển vào gần bờ để nhận sự “che chở” từ tên lửa bờ biển. Có thể nói, yếu tố quyết định chiến thắng nằm ở trí tuệ con người, nhưng cũng cần những vũ khí tối thiểu, để đảm bảo lực lượng đôi bên không quá chênh lệch. 

Qua các ví dụ và phân tích trên, có thể nhận thấy được hạn chế của tàu chiến đấu mặt nước của Việt Nam, trong thế trận bảo vệ quần đảo Trường Sa. Giải pháp để lực lượng này phát huy hơn nữa sức mạnh của mình, đó là chúng phải có số lượng lớn hơn, phải có khả năng tác chiến điện tử và phòng không mạnh hơn, để tự bảo vệ mình khỏi tên lửa chống tàu, không quân địch. 

Trong tương lai, hải quân ta cần trang bị thêm tên lửa diệt hạm tầm xa như P-800 Yakhont, Kaliber NK hay Brahmos. Đó sẽ là bước tiến lớn để Hải quân Nhân dân Việt Nam đảm bảo chắc chắn khả năng bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Khi đó, cùng với lực lượng tên lửa bờ, không quân và tàu ngầm, hải quân hạm nổi, Việt Nam có đầy đủ khả năng giáng trả mạnh mẽ vào tàu địch, bảo vệ quần đảo Trường Sa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét