Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Báo Nhật: Kịch bản Trung Quốc tấn công Senkaku

Theo báo "Sankei", dựa trên “Đại cương kế hoạch phòng vệ mới” được hoạch định tháng 12/2010, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã soạn thảo kịch bản quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) bị Trung Quốc chiếm đóng để thảo luận đối sách tăng cường năng lực tuần tra cảnh giới và triển khai cơ động lực lượng phòng vệ.
Nhật Bản đã giả định tình huống bắt đầu từ việc Trung Quốc cho các “ngư dân giả trang” đổ bộ bất hợp pháp lên quần đảo cho đến tấn công bằng vũ lực lên hai đảo Miyako và Ishigaki, đồng thời Nhật Bản cũng tính đến việc phản công chiếm lại các đảo này. Đây là lần đầu tiên nội dung toàn bộ kịch bản tình huống xảy ra chiến sự với Trung Quốc được tiết lộ
Sau khi có “Đại cương kế hoạch phòng vệ mới”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thành lập “Ủy ban xúc tiến cải cách cơ cấu để nâng cao hiệu quả của lực lượng phòng vệ”. Các nhóm đã tiến hành thảo luận về thực trạng của lực lượng phòng vệ, tăng cường chức năng phối hợp giữa 3 lực lượng hải, lục, không quân, nêu lên các vấn đề về khả năng sẵn sàng triển khai cơ động, công tác chỉ huy, cảnh giới và giám sát tình hình. Sau khi thảo luận các vấn đề trên, đầu năm nay Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bí mật soạn thảo kịch bản Trung Quốc chiếm quần đảo Senkaku, coi đó là tình huống mẫu. Kịch bản này được hình thành từ 3 tình huống sau:
1. "Ngư dân giả trang" của Trung Quốc đổ bộ bất hợp pháp lên quần đảo: Sau khi dân quân biển của Trung Quốc giả trang làm ngư dân đổ bộ lên quần đảo Senkaku, Trung Quốc tuyên bố rằng đó là do “tàu đánh cá của họ bị hỏng”. Lực lượng cảnh sát biển của tỉnh Okinawa lên đảo và bắt giữ tại chỗ các ngư dân giả trang này vì họ đã vi phạm Luật dân tị nạn nhập cảnh. Các tàu tuần tra của Cục bảo an biển cũng được triển khai quanh quần đảo
2. Lực lượng phòng vệ triển khai hoạt động cảnh giới, bảo vệ trên biển: Phản ứng lại các hành động trên của Nhật Bản, Trung Quốc phái tàu điều tra “Hải Giám” của Cục hải dương quốc gia đến vùng biển này. Nhật Bản phán đoán rằng tàu “Hải Giám” là tàu lớn, có tốc độ cao, không thể đuổi bằng tàu tuần tra của Cục bảo an biển, nên tàu chiến và máy bay của lực lượng phòng vệ trên biển sẽ xuất kích. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng “Nhật Bản đã bắt đầu hành động quân sự trái đạo lý”.
3. Trung Quốc tấn công vũ lực quần đảo Tây Nam: Trung Quốc đưa tàu chiến của hải quân vào cuộc. Tàu chiến của lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản lo ngại sự việc phát triển thành cuộc đụng độ vũ trang nên rút khỏi vùng biển này. Lực lượng cảnh sát biển cũng rút lui. Nhân cơ hội này, Trung Quốc tấn công lên đảo Miyako và Ishigaki để ngăn chặn sự can thiệp của tàu sân bay Mỹ. Đến giai đoạn này, Nhật Bản sẽ phát lệnh phòng vệ, tập trung tàu chiến và máy bay của lực lượng phòng vệ trên không và trên biển. Quân Mỹ cũng triển khai lực lượng. Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản sẽ tiến hành chiến dịch chiếm lại đảo Dựa trên kịch bản này, ba binh chủng của lực lượng phòng vệ sẽ xem xét lại năng lực của mình. Phía Nhật Bản cũng chú trọng đến việc tăng cường khả năng phối hợp đã được áp dụng trong đối phó với thảm họa động đất-sóng thần vừa qua. Ngoài ra, để đối phó với kịch bản trên, Nhật Bản không thể không tăng cường khả năng cảnh giới, giám sát, cũng như năng lực vận chuyển của lực lượng phòng vệ trên không và trên biển để triển khai các đơn vị phòng vệ mặt đất. Vấn đề trang bị máy bay do thám không người lái cũng trở thành chủ đề được tranh luận. Chính phủ Nhật Bản chủ trương đến tháng 6 năm nay sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống cần đối phó khẩn cấp và bắt tay chuẩn bị cho tình huống có thể xảy ra trong trung, dài hạn và sẽ đề cập đến trong dự thảo ngân sách tài khóa tới. 
Theo Sankei

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét