Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Kế hoạch đóng tàu sân bay và chiến lược hải quân viễn dương của Trung Quốc


Gần đây, thông tin về việc Trung Quốc đang bí mật đóng chiếc tàu sân bay thứ 3 đã gây nên sự chú ý của giới quan sát quốc tế. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của tỷ phú Jack Ma, chiếc tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc này lớn hơn tàu Liêu Ninh, nhỏ hơn tàu Nimiz 10 vạn tấn của Mỹ nhưng lớn hơn tàu Charles de Gaulle 42.500 tấn của Pháp và tàu Queen Elizabeth II 65 ngàn tấn của Anh. Nếu hoàn thành, chiếc tàu sân bay thứ 3 này của Trung Quốc sẽ lớn hơn mọi con tàu của tất cả các nước châu Á.
Mở rộng quy mô lớn các hạm tàu mặt nước là phương hướng phát triển chiến lược biển xa của Trung Quốc
Mở rộng quy mô lớn các hạm tàu mặt nước là phương hướng phát triển chiến lược biển xa của Trung Quốc

Nhân sự kiện này, trang tin Đa Chiều hôm 16.5 đã đăng bài viết về kế hoạch đóng tàu sân bay và chiến lược hải quân biển xa của Trung Quốc. Bài báo cho biết, theo dự kiến đến năm 2021, chiếc tàu sân bay thứ 2 do Trung Quốc tự đóng cùng với tàu Liêu Ninh hoán cải từ chiếc tàu Varyag mua của Ukraine và chiếc Type 001A tự đóng đang chạy thử nghiệm sẽ tạo thành biên đội tàu sân bay gồm 3 chiếc. Nhưng đó chưa phải là toàn bộ diện mạo của Kế hoạch đóng tàu sân bay của Trung Quốc.

Kế hoạch đóng tàu sân bay và chiến lược hải quân viễn dương của Trung Quốc  - ảnh 1
Hình ảnh vệ tinh chụp chiếc tàu sân bay thứ 3 đang được đóng ở Thượng Hải 
Kế hoạch đóng tàu sân bay đầy tham vọng
Từ lâu, dư luận bên ngoài đã lan truyền tin Kế hoạch đóng tàu sân bay của Trung Quốc được đề ra từ Hội nghị Bắc Đới Hà (Hội nghị các Ủy viên Bộ Chính trị và các nhà lãnh đạo lão thành) tháng 8.2004. Khi đó, Chủ tịch Quân ủy Giang Trạch Dân đã phê chuẩn bản kế hoạch đóng tàu sân bay mang mật danh “Công trình 048”. Theo bản kế hoạch chưa từng được công khai xác nhận này thì nó được chia làm 3 bước (giai đoạn): bước một, trong vòng 10 năm đóng 2 tàu sân bay hạng trung; bước hai: trong 10 năm tiếp theo sẽ đóng 2 tàu hạng lớn; bước thứ ba: căn cứ tình hình thực tế để phát triển tàu sân bay hạt nhân loại lớn.
Theo đánh giá, nhiệm vụ của bước thứ nhất đã cơ bản hoàn thành sau khi có tàu Liêu Ninh và Type 001A; chiếc Type 002 đang được đóng tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam (Thượng Hải) cho thấy bước thứ hai đang được xúc tiến; bước tiếp theo sẽ là thừa cơ thay thế tàu cũ để phát triển tàu sân bay hạt nhân. Theo tính toán về thời gian, sau khi hạ thủy chiếc Type 002 năm 2021 sẽ khởi động luôn bước thứ ba. Giới quan sát nước ngoài dự đoán, đến năm 2049 Trung Quốc sẽ có trong biên chế 6 tàu sân bay. Cũng có giả thuyết cho rằng, nhìn xa hơn,Trung Quốc sẽ xây dựng biên đội tàu sân bay sánh ngang với Mỹ, tức là có khoảng 10 chiếc.

Kế hoạch đóng tàu sân bay và chiến lược hải quân viễn dương của Trung Quốc  - ảnh 2
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh trên biển
Thế nhưng, trên thực tế, kế hoạch đóng tàu sân bay của Trung Quốc không phải bắt đầu năm 2004. Năm 1983, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc khi đó là tướng Lưu Hoa Thanh sau khi nhậm chức đã lập ra Trung tâm luận chứng hạm tàu hải quân để luận chứng về tính cấp thiết của việc xây dựng lực lượng tác chiến cốt lõi là biên đội tàu liên hợp cơ động; nhưng khi đó có sự tranh luận giữa phái chủ trương làm tàu sân bay và phái chủ trương phát triển tàu ngầm, tức trong nội bộ cũng có bất đồng.
Các tướng Lục quân thì bất mãn với việc đầu tư khoản tiền khổng lồ vào việc luận chứng và phát triển tàu mặt nước loại vừa và lớn của Hải quân; các tướng Hải quân xuất thân khác nhau, từng trải khác nhau cũng bày tỏ hoài nghi về công dụng thực tế của loại tàu mặt nước loại lớn. Điều này khiến giới lãnh đạo cao cấp của đảng và quân đội khi đó trù trừ không quyết. Thời cơ bất ngờ xuất hiện sau khi Lưu Hoa Thanh từ chức, thập niên 1990, chiến tranh hiện đại có những diễn biến mới, cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan, nhất là sự xuất hiện của thuyết “hai nước Trung Hoa” cùng với tình trạng yếu kém về cung ứng năng lượng của Trung Quốc lúc đó đã buộc giới lãnh đạo cấp cao phải hạ quyết tâm phát triển các hạm tàu mặt nước cỡ vạn tấn trở lên.

Kế hoạch đóng tàu sân bay và chiến lược hải quân viễn dương của Trung Quốc  - ảnh 3
Tàu Type 001A, chiếc tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc đóng đang trong quá trình chạy thử 
Trong thực tế, đồng thời với việc bàn luận có cần phát triển tàu mặt nước loại lớn hay không, Trung Quốc đã chi nhiều trăm triệu Nhân dân Tệ (NDT) để mua 4 chiếc tàu sân bay cũ đã loại ngũ của nước ngoài. Trong đó,  năm 1985 Công ty phá dỡ tàu Hoàng Phố mua chiếc tàu sân bay “Melbourne” 3 vạn tấn của Australia về nghiên cứu hơn 1 tháng mới phá dỡ; mua 3 tàu sân bay cũ “Minsk”, “Kiev” và “Varyag” di sản của Liên Xô cũ, 2 chiếc đầu được chuyển đổi thành công viên giải trí còn chiếc “Varyag” được cải tạo thành chiếc Liêu Ninh.
Đi bằng “hai chân”
Ngày 23.4.2019, Trung Quốc tổ chức lễ duyệt binh hải quân quy mô lớn trên vùng biển gần Thanh Đảo, lần đầu tiên trình diễn “Đệ nhất thế trận” biên đội tàu ngầm 8 chiếc các loại khác nhau; bao gồm 2 chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 (mang tên Trường Chinh-10, Trường Chinh-11), 2 tàu ngầm hạt nhân tiến công Type 093A (Trường Chinh-15, 16), 2 tàu ngầm động lực thường Type 039B (Trường Chinh-231, 236) và 2 tàu Type 039A (Trường Chinh-197, 205).

Kế hoạch đóng tàu sân bay và chiến lược hải quân viễn dương của Trung Quốc  - ảnh 4
Tầu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo Type 094 lần đầu lộ diện
Type 094 và 093A là hai loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu ngầm hạt nhân tiến công chủ yếu nhất có trong biên chế Hải quân Trung Quốc hiện nay. Loại 094  thể hiện năng lực tấn công hạt nhân lần 2 khiến Mỹ lo ngại nhất; loại 094 đã xuất hiện trên truyền thông lần đầu năm 2018. Hiện nay Trung Quốc mới chỉ công khai 2 chiếc loại 094 đang có trong biên chế, theo Reuters thì cả 2 đều được bố trí tại cảng Du Lâm (Hải Nam), tức trong biên chế Hạm đội Nam Hải. Chiếc đầu tiên của loại tàu ngầm hạt nhân tiến công Type 093A đưa vào biên chế năm 2012, hiện có 4 chiếc, cộng thêm loại tiền thân Type 093 và loại Type 093B được lắp thêm hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng thì hiện Trung Quốc có tới 9 chiếc đang trong biên chế.
Type 093B/093G đều là loại động lực thường, hiện có 18 chiêc trong biên chế, có hệ thống AIP giúp nâng cao đáng kể khả năng lặn ngầm và sức chiến đấu của loại tàu ngầm động lực thường. Gần đây, các loại tàu ngầm này đã được trình làng nhiều lần tại các Triển lãm quốc phòng  quốc tế, đã có khách hàng quốc tế đặt mua, cho thấy chúng có giá trị tiềm tại.
Điều này cho thấy, mặc dù từ sau cuối thập niên 1990 Trung Quốc đã quyết định phát triển các tàu mặt nước loại lớn để phát triển năng lực hoạt động biển xa; họ đồng thời cũng không bỏ qua việc phát triển tàu ngầm cơ động linh hoạt, giá thành thấp, thích hợp với môi trường biển gần. Hiện nay Trung Quốc cũng đang ra sức cải tiến tính năng tàng hình đột kích, khả năng lặn sâu của tàu ngầm và phát triển tung tâm chiến lược hướng tới biển xa.

Kế hoạch đóng tàu sân bay và chiến lược hải quân viễn dương của Trung Quốc  - ảnh 5
Tầu ngầm hạt nhân tấn công 093A
Trên thực tế, chiến lược biển xa của Trung Quốc hiện đang thực hiện “đi bằng hai chân”. Ngoài các tàu ngầm hạt nhân kiểu mới đã bộc lộ, còn có thông tin cho thấy đã có các loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu ngầm hạt nhân tiến công các kiểu kế tiếp đang ở trong giai đoạn nghiên cứu phát triển, thậm chí đã chạy thử.
Biên chế tương lai
Theo số liệu thống kê của Global Firepower, Trung Quốc hiện có cả thảy 714 hạm tàu mặt nước và tàu ngầm với đủ các loại tàu sân bay, hộ vệ, khu trục, hộ vệ hạng nhẹ, phóng lôi, tuần tra, chi viện lưỡng thê, đổ bộ, tiếp tế hậu cần. Số lượng này chỉ kém Triều Tiên (967 chiếc), nhưng nhiều hơn Mỹ (415 chiếc), Iran (398 chiếc), Nga (352 chiếc). Đương nhiên, đó là xét về số lượng, chưa xét đến số liệu về tổng số tấn.
Trong thực tế, nếu xếp theo số lượng tấn, mấy năm gần đây Trung Quốc cũng phát triển rất nhanh, các tàu mới hạ thủy được ví "nhiều như sủi cảo", “10 năm hạ thủy hơn trăm tàu”. Tin cho biết, năm 2018, tổng số tấn của các tàu hải quân Trung Quốc mới hạ thủy lên tới hơn 20 vạn, chiếm hơn 1/3 tổng lượng tấn tàu hạ thủy trong năm của cả thế giới, cao gấp 2,5 lần hải quân Mỹ. Ngoài ra trên các dây chuyền sản xuất của các nhà máy đóng tàu vẫn còn mấy chục chiếc đang đóng dở.
Tuy nhiên, số liệu đó không thể hiện được toàn bộ diện mạo. Xét về thực lực hải quân toàn cầu thì hải quân Trung Quốc vẫn còn khoảng cách rõ rệt so với hải quân Mỹ.
Bảng so sánh các loại tàu của Mỹ, Nga và Trung Quốc
Loại tàu chủ yếu
HQ Mỹ
HQ Nga
HQ Trung Quốc
Tàu sân bay (Aircraft Carriers)
11
1
1
Tuần dương hạm (Cruisers)
23
5
0
Khu trục hạm (Destroyers)
64
15
23
Tàu tuần tra (Frigates)
9
13
59
Hộ vệ hạm (Corvettes)
0
48
37
Tàu công kích lưỡng thê (Amphibious Assault Ships)
9
0
0
Cộng
106
82
120
Nguồn: CSIS CHINA POWER


Biên chế của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh hiện đã công khai, cụ thể gồm:
- Tàu khu trục tên lửa Type 052C: 2 chiếc (Trịnh Châu 151 và Hải Khẩu 171)
- Tàu khu trục tên lửa Type 052D: 1 (Trường Sa 173)
- Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A: 2 (Yên Đài 538, Lâm Nghi 547)
- Tàu hộ vệ tên lửa Type 056A: 1 (Chu Châu, 594)
- Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903A: 1 (Cao Bưu Hồ, 966)
- Tàu tấn công nhanh (chưa được tiết lộ).

Kế hoạch đóng tàu sân bay và chiến lược hải quân viễn dương của Trung Quốc  - ảnh 6
Tầu khu trục Type 055 Nam Xương, chiếc tàu khu trục cỡ vạn tấn đầu tiên của Trung Quốc 
Qua đó có thể thấy, tàu hộ vệ, tàu khu trục mỗi loại 2-3 chiếc, tàu tiếp tế hậu cần 1 chiếc đều là biên chế tất yếu. Nhưng tàu sân bay Liêu Ninh mục đích chủ yếu không phải là chiến đấu, mà là huấn luyện nên chưa có biên chế hoàn chỉnh.
Ngoại trừ nhân tố đặc biệt, các tư liệu công khai cho thấy theo kế hoạch xây dựng 10 đến 20 năm tới, số lượng các loại tàu chính của Trung Quốc như sau có thể giúp ích cho việc đánh giá biên đội tàu sân bay tương lai:
- Tàu khu trục Type 055 cỡ vạn tấn: dự kiến 8 chiếc ( hiện mới có 1 chiếc Nam Xương)
- Tàu khu trục Type 052D: dự kiến 26 chiếc (hiện có 11, năm 2022 sẽ có đủ)
- Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A: 30 chiếc, hiện đã có đủ.
- Tàu hộ vệ tên lửa Type 056A: dự kiến 38 (đã có 20, 18 sắp hạ thủy)
- Tàu đổ bộ Type 071: dự kiến 8 chiếc (đã có 6 trong biên chế)
- Tàu tiếp tế tổng hợp Type 901: dự kiến 4 chiếc (đã có 2, 2 đang đóng).
- Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903: dự kiến 9 chiếc (đã có 8, 1 đang đóng)
- Tàu ngầm hạt nhân tấn công 093/093A/093B: đã biết có 8 chiếc đang trong biên chế.
- Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095: dự kiến 8 chiếc, 3 đang đóng.
- Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo chiến lược Type 094/094A: đã biết 5 chiếc (4 trong biên chế, 1 đang đóng).
- Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo chiến lược Type 056: nghe nói có 2 chiếc (1 đã lộ diện).
Tổng cộng: 146 chiếc, chưa kể số lượng lớn các tàu tuần tra, tàu phóng lôi, tàu tấn công loại nhỏ...

Hạm đội bị diệt gọn trong 9 phút, Trung Quốc bàng hoàng chứng kiến thiên triều thất thế ra sao?

Tháng 6/1840, xung đột quân sự quy mô lớn lần đầu tiên nổ ra giữa quân đội triều đình Trung Quốc và quân đội Anh, mở màn Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất.


Hạm đội bị diệt gọn trong 9 phút, Trung Quốc bàng hoàng chứng kiến thiên triều thất thế ra sao?

Xung đột vũ trang bùng nổ, Trung Quốc lập tức thất thế
Tháng 6/1840, hạm đội Anh gồm hơn 40 tàu - gồm tàu hơi nước, pháo hạng nặng, pháo Congreve, và 4.000 binh sĩ được trang bị súng trường tầm xa có độ chính xác cao, tiến về vùng biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, leo thang xung đột vũ trang trong Chiến tranh nha phiến thứ nhất.
Nhận chỉ thị từ ngoại trưởng Henry John Temple, quân viễn chinh Anh phong tỏa các cửa biển ở Quảng Châu, Hạ Môn,... cắt đứt tuyến hàng hải thương mại của Trung Quốc.
Ngày 5/7, Anh bắt đầu tấn công huyện Định Hải ở ven biển tỉnh Chiết Giang. Sáng sớm hôm sau, lực lượng Anh tấn công vào thị trấn, tri huyện Định Hải nhảy xuống biển tự vẫn, còn tổng binh Trương Triều Phát tử trận từ trước đó.
Chiến dịch Định Hải là một đòn choáng váng với Trung Quốc, khi hải quân Thanh tại Định Hải bị tiêu diệt toàn hạm đội trong vòng 9 phút, trong khi các chiến hạm Anh trúng... 3 phát đạn, không có thương vong.
Ngày 20/7, tin Định Hải thất thủ truyền về Bắc Kinh. Trước khi chiến sự bùng phát, Trung Quốc vẫn coi quân đội Anh là một lực lượng man di đến từ phương xa và không gây ra bất kỳ đe dọa nào.
Đến thời điểm Định Hải bị công phá, ngoại trừ vùng biển tỉnh Quảng Đông được tổng đốc, khâm sai Lâm Tắc Từ tăng cường hoạt động phòng thủ, các vị trí ven biển Trung Quốc khác tương đối lỏng lẻo. Lâm cũng là người đứng đầu chiến dịch chống buôn lậu thuốc phiện quyết liệt của chính phủ Thanh tại Quảng Đông năm 1839, động thái được cho là nguồn cơn khiến các nhà buôn Anh đòi hỏi London can thiệp để bảo vệ lợi ích.
Tháng 8/1840, hạm đội của Anh công thành chiếm đất với tốc độ kinh ngạc, và áp sát cửa biển Thiên Tân vào ngày 11/8. Tổng đốc Trực Lệ Kỳ Thiện - một quý tộc thuộc Chính Hoàng Kỳ của triều đình Thanh - có cuộc gặp với tư lệnh Anh và chuyển thư của Anh tới vua Đạo Quang.
Đạo Quang ban đầu chủ trương trả đũa quân sự nhằm vào người Anh, nhưng đã trở nên khiếp sợ khi thấy hạm đội của Anh tiến đến Thiên Tân, chỉ cách Bắc Kinh hơn 130km. Trước sức ép quân sự của đối phương, triều đình phúc đáp yêu sách của người Anh ngày 20/8, cho phép thông thương, cách chức Lâm Tắc Từ và điều Kỳ Thiện làm đặc phái viên tới đàm phán tại Quảng Châu, nhằm đổi lại việc Anh rút lực lượng trở lại phía Nam. Tháng 10/1840, Kỳ Thiện nhận chức tổng đốc Lưỡng Quảng, đại diện triều đình trong đàm phán Trung-Anh.
Hạm đội bị diệt gọn trong 9 phút, Trung Quốc bàng hoàng chứng kiến thiên triều thất thế ra sao? - Ảnh 1.
Tranh vẽ hạm đội Anh chiếm đảo Chusan, Trung Quốc, ngày 5/7/1840 (Nguồn: National Army Museum, London)
Ngày 29/11/1840, vòng đàm phán Trung-Anh vừa bắt đầu tại Quảng Châu đã nhanh chóng đi vào bế tắc do bất đồng lớn trong đòi hỏi giữa đôi bên. Một tháng sau đó, Kỳ Thiện gửi báo cáo đầu tiên về Bắc Kinh.
Cho rằng những yêu cầu của người Anh là quá đáng - tương tự những điều khoản trong Hiệp ước Nam Kinh mà hai nước ký sau này, khi Trung Quốc thất trận, Đạo Quang ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu. Các tỉnh duyên hải miền Đông được lệnh tăng cường phòng thủ bờ biển, đồng thời tổng đốc Lưỡng Giang Yilibu - một thành viên hoàng tộc - dẫn quân tiến đến vùng Chiết Đông (tỉnh Chiết Giang), chuẩn bị chiến dịch tái chiếm Định Hải.
Ngày 30/12, báo cáo thứ hai của Kỳ Thiện đánh giá đàm phán không có kết quả và được triều đình chỉ thị "không được tỏ ra yếu thế". Lực lượng ba tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam, Quý Châu được điều động để tiếp viện cho Quảng Đông. Trong quá trình đàm phán, Kỳ Thiện cũng liên tục điều động lực lượng từ các địa phương trong tỉnh Quảng Đông về Hổ Môn để sẵn sàng cho chiến sự, khiến binh lực tại đây lên tới 11.000 người. Hổ Môn trở thành pháo đài có hỏa lực mạnh nhất của phía Trung Quốc trong Chiến tranh nha phiến.
Ngày 6/1/1841, Đạo Quang ra lệnh "đại quân thảo phạt" người Anh. Một ngày sau đó, tướng Anh Charles Elliot quyết định "đánh xong mới đàm" và tái khởi động quân sự. Quân Anh tấn công bất ngờ vào các pháo đài Đại Giác, Sa Giác ở Hổ Môn khiến quân triều đình thương vong hơn 700 người, 11 tàu thuyền gồm soái hạm, tàu kéo,... bị đánh chìm. 38 lính Anh bị thương.
Chiến dịch của Anh buộc Kỳ Thiện phải trở lại bàn đàm phán chỉ 2 ngày sau khi Đạo Quang ban hành mệnh lệnh tấn công. Đàm phán kéo dài đến 25/1/1841, Kỳ Thiện cùng Charles Elliot ký kết Thảo ước Xuyên Tỵ, với điều khoản đầu tiên là "nhường" đảo Hồng Kông cho Anh. Tuy thỏa thuận chưa được nhà vua phê chuẩn và không được đóng dấu của triều đình, do đó không có giá trị pháp lý, song tình hình thực địa đã cho phép quân Anh chiếm lĩnh Hồng Kông ngay trong ngày 26/1.
Chiến dịch Hổ Môn: Hòa ước đầu tiên
Vụ Kỳ Thiện tự ý ký kết Thảo ước Xuyên Tỵ với Elliot khiến Bắc Kinh nổi giận. Đạo Quang cách chức Kỳ Thiện, đồng thời bổ nhiệm Dịch Sơn làm tướng quân, Long Văn và Dương Phương làm tham tán đại thần đến chỉ huy chiến sự tại Quảng Đông.
Ngày 23/2, quân triều đình tấn công pháo đài Hổ Môn. Mặc dù quân đội Trung Quốc được ghi nhận nỗ lực, song kết quả không giành được chiến thắng và pháo đài này vẫn thất thủ. Ba ngày sau đó, Anh huy động hải quân, lục quân đánh phá một loạt pháo đài ở tuyến đầu của Hổ Môn, áp sát đe dọa trực diện Quảng Châu. Thủy sư đề đốc Quan Thiên Bồi của Trung Quốc tử trận.
Ngày 21/5, Dịch Sơn điều động 1.700 binh sĩ đột kích tàu Anh bằng hỏa công, nhưng bị quân Anh đẩy lùi vào rạng sáng hôm sau. Đến ngày 24, Anh phát động tấn công Quảng Châu, chiếm lĩnh các điểm cao và phá vỡ các pháo đài ở phía đông, bắc thành Quảng Châu, đồng thời nã pháo vào thành phố. Những vùng yếu địa xung quanh Quảng Châu hoàn toàn thất thủ, buộc 18.000 quân Thanh rút lui vào nội thành. Trong tình hình quân đội "vỡ trận", Dịch Sơn - một hoàng thân cùng họ với nhà vua - đã giương cờ trắng đầu hàng.
Dịch Sơn chấp nhận các điều kiện của Anh, ký kết Hòa ước Quảng Châu. Người Anh thắng thế, ra yêu sách buộc các nhà buôn ở Quảng Châu chi trả 6 triệu lượng bạc trắng "phí chuộc thành". Trong khi đó, Dịch Sơn tìm cách tránh sự trừng phạt của Bắc Kinh bằng cách làm báo cáo giả, biến thảm bại trong chiến dịch Hổ Môn thành một chiến tích buộc quân Anh rút lui.
Hạm đội bị diệt gọn trong 9 phút, Trung Quốc bàng hoàng chứng kiến thiên triều thất thế ra sao? - Ảnh 2.
Người Anh tiến vào Nam Kinh, Trung Quốc thỏa hiệp
Mặc dù thu về nhiều lợi ích cho London, Charles Elliot bị ngoại trưởng John Temple đánh giá là quá bảo thủ. Ngày 31/5/1841, Henry Pottinger được bổ nhiệm thay thế Elliot giữ chức vụ Toàn quyền, phụ trách sự vụ Trung Quốc.
Nhậm chức từ tháng 8/1841, ngày 21/8, Pottinger chỉ huy hạm đội 37 tàu, 2.500 quân nhân xuất phát từ Hồng Kông tiến về phương Bắc, tấn công thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến và chiếm cứ núi Cổ Lãng.
Hạm đội Anh tiếp tục di chuyển tới Chiết Giang, một lần nữa chiếm lĩnh Định Hải vào ngày 1/10. Trước đó, quân Anh đã phải từ bỏ địa bàn này vào tháng 2 cùng năm do dịch bệnh lây lan. Ngày 10/10, quân đội triều đình tiếp tục thất thế tại Trấn Hải (nay thuộc thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang); ngày 13 Anh chiếm được Ninh Ba và tạm ngưng chiến dịch để chờ đợi viện binh.
Sau loạt chiến bại ở Phúc Kiến, Chiết Giang, vua Đạo Quang tiếp tục bổ nhiệm Thượng thư Bộ lại Dịch Kinh làm Dương Uy tướng quân tiếp quản chiến sự Chiết Giang, đồng thời liên tục tập trung quân lực để phản kích.
Tháng 3/1842, Dịch Kinh đánh giá binh lực đã đủ, quyết định phản công quân Anh từ hai đường thủy, bộ nhằm tái chiếm Ninh Ba, Trấn Hải, Định Hải. Đêm ngày 10/3, quân triều đình tấn công Ninh Ba và Trấn Hải bất thành, bị buộc thoái lui, còn chiến dịch Định Hải bị trì hoãn bởi ngược gió.
Ngày 15/3, quân Anh đồn trú tại Ninh Ba phản kích tại một loạt vị trí xung quanh thành phố. Quân Thanh tiếp tục thua thảm và phải rút về phòng thủ ở bờ tây sông Tào Nga.
Chiến dịch phản công được trù bị kỹ lưỡng của Dịch Kinh thất bại khiến Tử Cấm Thành rối loạn. Tử Cấm Thành một lần nữa phải tính đến phương án hòa đàm, vua Đạo Quang cử tướng Kỳ Anh tới Giang Nam để đàm phán với quân Anh.
Trên đà thắng lợi, Anh từ bỏ Ninh Ba vào tháng 5/1842 và tập trung quân lực tiến về phía Bắc. Tháng 6, Henry Pottinger chỉ huy hạm đội gồm 73 tàu chiến, lục quân 12.000 binh sĩ di chuyển trên Trường Giang, chuẩn bị cắt đứt tuyến giao thông vận tải đường thủy lớn nhất của Trung Quốc Đại lục.
Ngày 21/7, Anh bắt đầu tấn công thành phố Trấn Giang, bờ đông Trường Giang, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Bất chấp quân đội Thanh chống trả quyết liệt, lực lượng vượt trội của Anh vẫn chiếm được cứ điểm này với 169 thương vong. Quân triều đình trong thành phố thiệt hại 30% lực lượng.
Ngày 2/8, quân Anh bắt đầu rời Trấn Giang tiến công Nam Kinh. Thời điểm này, phía Trung Quốc quyết định cầu hòa.
Ngày 4/8, người Anh đổ bộ vào Nam Kinh, bắt đầu quan sát địa hình và tuyên bố tấn công thành phố này. Dưới áp lực từ những pháo hạm hùng hậu của hải quân Anh, Kỳ Anh, Yilibu cùng tổng đốc Lưỡng Giang Ngưu Giám chính thức thỏa hiệp, bắt đầu vòng đàm phán với Anh tại Nam Kinh.
Ngày 29/8, Kỳ Anh đại diện Trung Quốc ký kết Điều ước Nam Kinh với Henry Pottinger - hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên mà Bắc Kinh ký với phương Tây.
Đáng chú ý, các đại diện Trung Quốc dường như đã một lần nữa vượt quyền nhà vua, bởi đến ngày 31/8, Đạo Quang mới ban lệnh chấp nhận ký kết thỏa thuận với Anh. Chiếu chỉ được đưa tới Nam Kinh ngày 7/9/1842, chính thức khép lại Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất.
Theo Điều ước, chính phủ Thanh chấp nhận cắt Hồng Kông cho Anh, đồng thời mở các thương cảng Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Thượng Hải, Ninh Ba cho tất cả các thương nhân. Trung Quốc cũng phải bồi thường chiến phí nặng nề 21 triệu lượng bạc.
Các báo cáo của Trung Quốc ngày nay cho rằng, Chiến tranh nha phiến là cuộc chiến thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội và quần chúng Trung Quốc, đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước cao. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thất bại bởi chính phủ Thanh dao động liên tục giữa hai phe chủ hòa và chủ chiến, trong khi các tướng lĩnh không đủ năng lực, chiến lược và chiến thuật quân sự lạc hậu, khí tài lỗi thời. Hậu Chiến tranh nha phiến thứ nhất, Trung Quốc dần dần rơi vào trạng thái của một xã hội phong kiến bán thuộc địa.

Bí mật cơ quan tình báo Trung Quốc

Là nền kinh tế số 2 thế giới và nước đông dân nhất quả đất, không phải ngẫu nhiên Trung Quốc sở hữu một hệ thống tình báo đồ sộ chỉ sau Nga và Mỹ.


Bí mật cơ quan tình báo Trung Quốc

Vài nét về tình báo đối ngoại và phản gián Trung Quốc
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) là cơ quan tình báo của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cơ quan này chịu trách nhiệm về cả hoạt động tình báo đối ngoại lẫn phản gián.
Ngoài Bộ An ninh Quốc gia (Trung Quốc gọi tắt là Quốc An Bộ), Cục 2 và Cục 3 của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng tham gia hoạt động tình báo và phản gián, trong lĩnh vực quân sự. Hạ tầng tình báo của Trung Quốc là lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga.
Cấu trúc tổ chức của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc có hơi hướng của cơ quan KGB thời Liên Xô. Bộ này chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và Quốc vụ viện Trung Quốc (tức chính phủ Trung Quốc). Ban Chính trị học và Pháp luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc giám sát hoạt động của bộ này.
Về mặt nhân sự, MSS ưa dùng các điệp viên phi chuyên nghiệp, như là du khách, doanh nhân, viện sĩ, đặc biệt là sinh viên Trung Quốc học ở nước ngoài, và các chuyên gia Trung Quốc công nghệ cao làm việc ở hải ngoại và được tiếp cận các thiết bị công nghệ nhạy cảm.
Trên phương diện tình báo đối nội, MSS chịu trách nhiệm theo dõi và tuyển dụng các doanh nhân, nhà nghiên cứu và các quan chức đến từ nước ngoài. Có nhiều dấu hiệu cho thấy MSS chủ yếu dùng các biện pháp theo dõi đối với các phần tử bất đồng chính kiến và các nhà báo nước ngoài. Tuy nhiên ở các bộ ngành, viện nghiên cứu và cơ sở quân sự-công nghiệp lớn đều có một mạng lưới theo dõi ngầm rất tinh vi.
Người ta phát hiện có những thiết bị theo dõi, cả ghi hình và nghe lén, được gắn bí mật bên trong các khách sạn có đông người nước ngoài lui tới. Hoạt động tình báo bao gồm việc nói chuyện trực tiếp với các học giả nước ngoài sang Trung Quốc, thu thập thông tin trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, và tuyển điệp viên.
Tiền thân cơ quan tình báo dân sự Trung Quốc
Trước năm 1949, trong cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân đảng, thể chế trung ương của tình báo Trung Quốc trong Đảng Cộng sản Trung Quốc là Ban Các vấn đề xã hội Trung ương, mà về sau trở thành Ban Điều tra Trung ương. Mãi đến năm 1983, cơ quan này được thay thế bằng Bộ An ninh Quốc gia.
Trong thời kỳ Diên An, Ban Các vấn đề xã hội Trung ương báo cáo với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc về tình hình thế giới và các sự kiện lớn diễn ra ở nước ngoài. Các báo cáo này dựa trên tin tức từ thông tấn, báo chí và sách nước ngoài. Trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng giai đoạn 1946-1949, thông tin tình báo do Ban Các vấn đề xã hội Trung ương cung cấp đã góp phần hữu hiệu vào các chiến thắng trên chiến trường của phe cộng sảnTrung Quốc .
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc củng cố chính quyền ở đại lục Trung Hoa vào năm 1949, hệ thống tình báo đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong nhà nước này.
Trong thập niên 1950, mọi đại sứ quán Trung Quốc đều có một phòng điều tra-nghiên cứu chuyên thu thập tình báo, với nhân viên là người của Ban Điều tra Trung ương. Nhiệm vụ phân tích là trách nhiệm của Vụ 8 thuộc Ban này. Vào năm 1978, Vụ 8 này được biết đến công khai với cái tên “Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại”.
Trong thời kỳ “Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản”, Ban Điều tra Trung ương bị giải thể - đa phần các cán bộ cấp cao của Ban này đã bị đưa về nông thôn để chịu sự cải tạo. Cục 2 của Bộ Tổng thâm mưu quân đội Trung Quốc đã tiếp quản hầu hết các hoạt động và tài sản của Ban Điều tra Trung ương.
“Tổ Trung ương về Kiểm tra các Vụ án”, chủ yếu bao gồm các cán bộ của Ban Điều tra Trung ương hành động theo lệnh của Kang Sheng (một trong những quan chức quyền lực nhất thời kỳ cách mạng văn hóa), đóng vai trò quan trọng trong việc hạ bệ nhiều cá nhân lúc đó như ông Đặng Tiểu Bình.
Chuẩn bị cho sự ra đời của cơ quan tình báo quy mô lớn
Với việc nhân vật Lâm Bưu tử vong vào thập niên 1970, Ban Điều tra Trung ương được tái lập. Khi Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng nắm lại quyền bính vào năm 1977 (từ tay “Tứ nhân Bang” hay còn gọi là “Bè lũ 4 tên” – ND), họ nỗ lực mở rộng Ban Điều tra Trung ương và mạng lưới tình báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ đó tăng cường thêm quyền lực của mình.
Tuy nhiên động thái này vấp phải sự phản đối của ông Đặng Tiểu Bình, người đã khôi phục lại được vị thế của mình (sau cơn lũ “Cách mạng Văn hóa” – ND). Ông Đặng cho rằng hệ thống tình báo không nên sử dụng các đại sứ quán Trung Quốc làm bình phong và rằng nhân viên tình báo nên được cử ra nước ngoài dưới vỏ bọc phóng viên và doanh nhân. Do vậy, Ban Điều tra Trung ương đã rút lại người của mình từ các đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài, ngoại trừ một bộ phận nhỏ các đặc vụ chìm.
Zhou Shaozheng, một cán bộ kỳ cựu của hệ thống Điều tra Trung ương, trở thành Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ban Điều tra Trung ương vào năm 1976. Trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 12 vào năm 1982, một trưởng chi nhánh thuộc Vụ Các vấn đề Đài Loan Trung ương đưa ra thông tin bất lợi cho Zhou Shaozheng.
Đơn vị này thông báo rằng trong thời gian để tang sau cái chết của Thủ tướng Chu Ân Lai, ông Zhou Shaozheng bị tố là trước đó đã có những hoạt động chống phá vị Thủ tướng. Kết quả điều tra sau đó cho thấy Zhou Shaozheng vô tội, tuy nhiên “được vạ thì má đã sưng”, Zhou Shaozheng đã mất cơ hội được cất nhắc lên vị trị Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia.
Năm 1983, Liu Fuzhi - ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đề xuất thành lập một Bộ An ninh Quốc gia trên cơ sở sáp nhập toàn bộ Ban Điều tra Trung ương với các bộ phận phản gián của Bộ Công an. Đề xuất này được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp thuận.
Vào tháng 6/1983, Quốc hội Trung Quốc sau khi nhận thấy có mối đe dọa lật đổ và phá hoại ngầm đã lập ra Bộ An ninh Quốc gia trực thuộc Quốc vụ viện (tức chính phủ Trung Quốc). Bộ mới ra đời này được trao nhiệm vụ bảo đảm “an ninh quốc gia” thông qua các biện pháp hiệu quả chống lại đặc vụ, gián điệp của đối phương và các hoạt động phản cách mạng nhằm phá hoại và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa tại Trung Quốc.
Vào lúc thành lập, Bộ này cam kết tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, kêu gọi người dân hợp tác, nhắc nhở họ về nghĩa vụ “giữ gìn bí mật quốc gia” và “bảo vệ an ninh” Tổ quốc./. (Còn nữa

Huawei chỉ là ‘tốt thí’ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ


Nhà phân tích Terry F Buss – nguyên cố vấn chính quyền Clinton, giám đốc nghiên cứu chiến lược và an ninh – nhận định rằng sự kiện Huawei chính là hiện thân của cuộc tranh đấu giữa Mỹ và Trung quốc nhằm xác định thể chế kinh tế nào sẽ thắng thế: kinh tế kế hoạch hóa hay kinh tế thị trường tự do. Bài viết dành riêng cho VietTimes.

Huawei chỉ là ‘tốt thí’ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ - ảnh 1
Hầu hết chúng ta đều hồn nhiên dùng smartphone mà chẳng mấy suy tư về các vấn đề địa chính trị đang sục sôi phía bên trong hậu cảnh. Mới đây, chính quyền Mỹ ban hành lệnh cấm các công ty trong nước bán hoặc cấp phép cho các sản phẩm smartphone, công nghệ mạng viễn thông không dây của Huawei – công ty tư nhân Trung Quốc với doanh thu 108,5 tỉ USD cùng lực lượng nhân công 180.000 người và cũng là công ty hàng đầu thế giới. Huawei nuôi tham vọng độc quyền công nghệ mạng 5G với băng thông đủ rộng để tăng mạnh tốc độ truyền nhận email, video, hay file dung lượng lớn.
Với lệnh cấm này, người dùng smartphone cần biết điện thoại của Huawei sử dụng hệ điều hành Android sẽ sớm mất quyền truy cập các dịch vụ tiện ích phổ biến ngày nay của Google như Play Store, Gmail, và YouTube.
Lệnh cấm Huawei không chỉ đơn giản là cuộc tranh chấp giữa một công ty và Chính phủ một nước, nó là hiện thân của cuộc tranh đấu giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm quyết định xem mô hình kinh tế nào sẽ thắng thế: kinh tế thị trường tự do hay kinh tế kế hoạch hóa. Nó xoay quanh câu hỏi: bảo vệ công nghiệp trong nước trước cạnh tranh nước ngoài liệu có là việc thích đáng không. Nó phơi bày quan ngại về nạn đánh cắp công nghệ như là phương cách để tăng tốc phát triển công nghệ. Nó giao cắt với những mối đe dọa về an ninh quốc gia và chiến tranh không gian mạng. Nó có thể cho phép một quốc gia giành quyền thống trị, sau đó kiểm soát Internet. Tất cả những nguồn cơn này đang phát triển lên mức cực độ tại cuộc thương chiến Mỹ-Trung, mà trong đó Huawei đã trở thành quân tốt thí. Lệnh cấm này có thể là triệu chứng của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Và sau đây là những thứ để xem khi cuộc chiến Mỹ - Trung Quốc dần khai triển.
Huawei chỉ là ‘tốt thí’ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ - ảnh 2
Tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo APEC tổ chức ở Đà Nẵng, Việt Nam tháng 11/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra hai hình dung khác hẳn nhau về cách thức nền kinh tế thế giới sẽ vận hành trong tương lai.
Ông Tập khi đó trình bày những ý tưởng không mới về sự độc lập, tự do, tôn trọng, hợp tác, đa phương, cân bằng và toàn cầu hóa mà phần lớn các quốc gia tiếp nhận. Ông Tập ủng hộ mạnh mẽ hướng đi phối hợp và "quản trị toàn cầu". Ông đề xuất tất cả các quốc gia cùng thúc đẩy hợp tác khu vực, ông tuyên bố mô hình kinh mới của Trung Quốc sẽ cung cấp những chuẩn mực toàn cầu.
Trong chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 10 năm, còn gọi "Made in China 2025", ông Tập kêu gọi chuyển hướng nền kinh tế nước nhà từ chỗ là "công xưởng của thế giới" sang "nhà sản xuất thông minh" của "công nghiệp 4.0". Ông cũng chỉ ra các ngành công nghiệp "chủ đạo của đất nước" sẽ phải tập trung vào các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, thực tế ảo (VR), Internet vạn vật (IoT), v.v. Trung Quốc sẽ sử dụng trợ cấp Chính phủ, các doanh nghiệp quốc doanh, và nắm giữ tài sản trí tuệ. Nước này tỏ ra hết sức nghiêm túc về mô hình kinh tế mới của họ, đến nỗi họ ghi nhớ nó vào Hiến pháp sửa đổi trong dịp Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 tổ chức vào tháng 10/2017.
Và từ góc nhìn của Mỹ, Huawei chính là mô hình tinh túy trong tham vọng thống trị toàn cầu của Trung Quốc nhờ vào mô hình kinh tế mới của họ.
Trong khi đó, quan điểm của ông Trump là để cho các công ty cạnh tranh trong môi trường kinh tế thị trường tự do, với sự trợ giúp hạn chế từ Chính phủ. Ông cho rằng hàng tá các thỏa thuận thương mại quốc tế, đa phương lẫn song phương đã gây tổn hại cho nền kinh tế và nhân công Mỹ trong khoảng thời gian quá dài. Ông quay sang đổ lỗi cho các đời chính quyền trước đây vì đã chấp nhận những "thỏa thuận tệ hại" này. Ông lập luận rằng rất nhiều quốc gia đã "phỉnh lừa" trong các thỏa thuận mà họ ký kết, ngày càng gây bất lợi cho nước Mỹ.
Ông Trump có mong muốn mãnh liệt là bảo vệ sự độc lập, tự do, thượng tôn pháp luật, sự cân bằng và công bằng, tránh xa các hệ thống quốc tế và đa phương mà ông cho rằng đã tước đi chủ quyền cũng như sự chủ động của các nước trong việc xử lý các vấn đề của họ, và được thực thi một cách yếu kém trong quá khứ.
Khác Trung Quốc, Mỹ không có chính sách công nghiệp mà chỉ dựa vào thị trường tự do và sự đổi mới trong khu vực tư nhân để đạt được các mục tiêu chung về kinh tế. Cho đến gần đây, họ luôn ghi nhớ rằng tất cả các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đều là của nước Mỹ: Google, Amazon, Microsoft, Facebook, Intel, Qualcomm, Cisco và nhiều công ty khác. Và Mỹ muốn duy trì sự thống trị của mình.
Nhưng Trung Quốc hiện nay ngày càng thu hẹp khoảng cách với Mỹ - nước vẫn đang thống trị trong lĩnh vực công nghệ, nhưng có lẽ không còn được bao lâu. Nhiều nhà quan sát đang quay sang đặt cược cho mô hình kinh tế Trung Quốc, bởi vậy đã gây nên sự xung đột về tầm nhìn của hai nước. Một số nhà hoạch định chính sách và cố vấn của Mỹ giờ đang kêu gọi Chính phủ áp dụng mô hình của Trung Quốc: Điều này khó xảy ra, nhưng không phải là không thể.
Và cả Trung Quốc và Mỹ đều nhập cuộc rất sâu. Mỹ là nước định hình cho sự phát triển của mạng 4G, và nhận được lợi ích lớn từ nó khi thêm 100 tỉ USD vào GDP của mình, tăng khối lượng công ăn việc làm trong lĩnh vực công nghệ không dây thêm 84%, và đóng góp 950 tỷ USD cho nền kinh tế thông qua xuất khẩu các ứng dụng (app).
Thị trường 5G được dự báo sẽ tăng trưởng hàng năm và ước đạt ít nhất 251 tỷ USD vào năm 2025.
Huawei chỉ là ‘tốt thí’ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ - ảnh 3
Trong hội đàm đây giữa hai bên địch thủ, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang cố bảo vệ các công ty trong nước khỏi sự cạnh tranh từ các công ty của mình. Mỹ bác bỏ cáo buộc này, chỉ ra rằng chính Trung Quốc luôn bảo vệ các công ty của họ trước sự cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là những công ty thuộc các ngành nghề phù hợp với sáng kiến chính sách công nghiệp Trung Quốc.
Huawei, tuy là một công ty "tư nhân", vẫn thường được xem như "người hùng quốc gia", luôn nhận được sự quan tâm và trợ giúp đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc. Các công ty Mỹ thì tuyên bố rằng họ đã phát triển mạng 4G mà không cần Chính phủ trợ giúp.
Mỹ chỉ ra rằng các nhà điều hành Trung Quốc mới đây đã ngăn chặn công ty Qualcomm của Mỹ mua lại công ty NXP của Hà Lan với giá 44 tỷ USD, để bảo vệ các nhà sản xuất của Trung Quốc. Cùng lúc, Mỹ sau đó đâm đơn kiện Qualcomm vì công ty này đang "lũng loạn thị trường". Mỹ phát triển nhờ vào sự cạnh tranh, ít nhất trên lý thuyết là như vậy.
Cũng bởi vậy mà ông Trump luôn cố gắng gỡ bỏ bớt quy định trong nền kinh tế, đảo ngược các quy định nặng nề mà Tổng thống Obama áp đặt với ngành công nghiệp trước đây. Nước Mỹ đang trở lại một nền kinh tế tự do hơn.
Huawei chỉ là ‘tốt thí’ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ - ảnh 4
Mỹ và nhiều quốc gia kinh tế phát triển khác đã cáo buộc Trung Quốc có hoạt động gián điệp kinh tế, đánh cắp tài sản trí tuệ của họ để giúp các công ty Trung Quốc phát triển.
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định rằng họ chưa từng đánh cắp tài sản trí tuệ của các nước khác. Để chứng minh, Trung Quốc chỉ ra chương trình mua lại các công ty cạnh tranh để giành được công nghệ mà họ cần có phục vụ cho phát triển công nghiệp 4.0, được họ cấp phép hoặc mua lại. Trung Quốc cũng có vô số quan hệ đối tác toàn cầu mà trong đó họ cùng hợp tác phát triển công nghệ với các nhà cung ứng và đôi khi là với cả bên cạnh tranh.
Huawei là một ví dụ, công ty này hợp tác với ARM -- một nhà sản xuất vi xử lý của Anh -- để được cung cấp những linh kiện then chốt, Huawei cũng bắt đầu xây dựng một trung tâm nghiên cứu phát triển gần cơ sở của ARM ở Anh để hợp tác phát triển công nghệ. Thế nhưng sau khi Mỹ ra lệnh cấm, ARM đã chấm dứt quan hệ đối tác này do một số linh kiện trong bộ vi xử lý của công ty này có "xuất xứ Mỹ"..
Trong khi đó, Mỹ lại cho rằng phía Trung Quốc ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho Chính phủ để đổi lấy giấy phép kinh doanh trên lãnh thổ Trung Quốc – “chuyển giao công nghệ ép buộc”. Trong các vòng đàm phán thương mại với Mỹ gần đây, để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, Trung Quốc đã nhất trí coi những cuộc chuyển giao như vậy là phi pháp.
Thực ra không có nhiều trường hợp Huawei bị kiện ra tòa vì cáo buộc gián điệp tài sản trí tuệ. Nhưng có một vụ liên quan tới T-Mobile: Huawei bị cáo buộc đánh cắp công nghệ tự động mà công ty này sử dụng để thử nghiệm smartphone. Trước đó, Huawei cũng từng kiện T-Mobile.
Sắc lệnh của ông Trump cấm các công ty Mỹ cung cấp phần mềm, phần cứng hoặc giấy phép cho các mẫu smartphone, trang thiết bị mạng viễn thông do Huawei sản xuất. Mặt khác, Mỹ cũng ra sức thuyết phục các quốc gia khác ngừng cung ứng thiết bị cho Huawei hay ngừng bán các sản phẩm Huawei trên thị trường nước họ.
Tính đến nay, Australia và New Zealand đã hoàn toàn thực thi lệnh cấm, trong khi Nhật Bản, Ấn Độ và Anh thực thi một phần. Pháp, Đức, Italy và Hà Lan thì tuyên bố rằng họ sẽ không cấm Huawei. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu đang yêu cầu các thành viên cung cấp dữ liệu và thông tin để làm rõ các quan ngại an ninh liên quan tới Huawei và mạng 5G mà công ty này cung cấp.
Như vậy nỗ lực của Mỹ không thành công trên toàn cầu như ông Trump từng hy vọng, nhưng nó đang gây ra những vấn đề lớn cho Huawei. Những cấu kiện mà Mỹ sản xuất chỉ chiếm 1/6 tổng số những cấu kiện được sử dụng (tổng giá trị 1 tỷ USD), bởi vậy Mỹ không thể hoàn toàn kiểm soát Huawei.
Huawei tuyên bố rằng họ có “kế hoạch B” để đối trọng lệnh cấm của Mỹ. Giới chuyên gia công nghệ thì không chắc về điều này. Tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng của Huawei sẽ không hề đơn giản bởi công ty này không hề có nguồn cung ứng thay thế các linh kiện thành phần. Huawei cho rằng họ sẵn có một hệ điều hành để thay thế Android, nhưng giới chuyên gia tỏ rõ sự hoài nghi. Chỉ có thời gian mới làm rõ được mức độ thiệt hại mà Huawei phải gánh chịu.
Huawei chỉ là ‘tốt thí’ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ - ảnh 6
Mỹ quan ngại Huawei lợi dụng các hệ thống mạng và thiết bị của họ để thâm nhập vào cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp của Mỹ cùng các nước đồng minh để đạt lợi ích về quân sự: Do thám và kiểm soát. Mối quan ngại này là về khả năng kết nối: Mạng 5G kết nối tất cả mọi thứ. Các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) châm biếm: Liệu quân đội Trung Quốc có thể kiểm soát một chiếc tủ lạnh thông minh ở nước Mỹ hay không? Có thể.
Mỹ và Trung Quốc đều cáo buộc nhau là đang do thám bên còn lại, vậy nên cả hai nước đều chịu rủi ro từ bên còn lại. Mỹ tố Trung quốc thâm nhập vào Văn phòng Nhân sự và Quản lý của họ, đánh cắp thông tin cá nhân của hàng triệu nhân viên Chính phủ. Trung Quốc thì tố Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ do thám gần như mọi chiếc điện thoại di động trên lãnh thổ Mỹ.
Có một vấn đề an ninh lớn ở đây, là liệu những chiếc smartphone và hệ thống mạng của Huawei có tạo ra những “cửa hậu” cho phép Chính phủ Trung Quốc theo dõi người dùng và chiếm quyền điều khiển các thiết bị của họ hay không? Huawei tuyên bố rằng cả phần mềm và phần cứng của họ đều an toàn; và rằng họ là một công ty tư nhân, một công ty độc lập và không có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc.
Mỹ khẳng định rằng họ lo sợ là có lý do. Vodafone – công ty viễn thông lớn nhất châu Âu – từng phát hiện Huawei thực sự có nhiều lỗ hổng trong phần cứng và phần mềm mà họ cung cấp, và chúng có thể bị lợi dụng. Huawei sau đó nói rằng họ đã vá lỗi, nhưng Vodafone cho rằng chưa. Dù sao thì chúng ta vẫn có thể nói rằng bất kỳ hệ thống nào cũng có thể bị thâm nhập nhờ lợi dụng các cửa hậu ẩn náu đâu đó. Và, người ta cũng thường bắt gặp những vụ việc trong đó một số nhân viên trao quyền truy cập cho những kẻ xấu. Mỹ tin rằng Huawei sẽ sớm cài đặt các cửa hậu như vậy chỉ nhờ một lần nâng cấp phần mềm và phần cứng.
Lenovo – một công ty máy tính Trung Quốc – là một trường hợp cụ thể. Lenovo đã bị hack một vài lần trước đây, và điều này cho thấy Huawei cũng có thể gặp tình trạng tương tự.
ZTE chính là một trường hợp điển hình mà Mỹ phản ánh quan ngại của họ về an ninh quốc gia và các vụ đánh cắp tài sản trí tuệ. ZTE là công ty Trung Quốc chuyên sản xuất smartphone trên lãnh thổ Mỹ. Công ty này bị phát hiện bán công nghệ của Mỹ cho Triều tiên và Iran một cách bất hợp pháp. Mỹ bởi vậy đã áp đòn trừng phạt ZTE nghiêm khắc, và ra tối hậu thư rằng nếu còn muốn duy trì hoạt động làm ăn thì phải trả 1 tỉ USD tiền phạt, cho phép các cơ quan hữu quan của Mỹ quyền truy cập, tái cấu trúc ban điều hành và chịu sự giám sát chặt chẽ. Ông Trump đã hứng không ít chỉ trích vì để ZTE được tiếp tục hoạt động. Có lẽ ông Trump đang cố tránh đưa ra các cáo buộc tương tự đối với trường hợp của Huawei.
Mối quan hệ giữa Huawei và Chính phủ, quân đội Trung Quốc là rất khó đánh giá.
Mỹ cho rằng Giám đốc Tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu – cũng là con gái của người sáng lập công ty này – đã vi phạm các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Iran. Người phụ nữ này giờ đang chờ lệnh dẫn độ tới Mỹ để xét xử. Mỹ coi trường hợp này là chứng cứ cho thấy Huawei có quan hệ bí mật với Chính phủ Trung Quốc.
Mỹ cũng xem người sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi, như một bằng chứng cho thấy công ty này không đáng tin. Ông Nhậm từng là quan chức thuộc Quân đội giải phóng nhân dân, có lẽ là làm trong lĩnh vực an ninh. Mỹ cũng ngờ rằng Huawei, với tư cách một công ty “chủ lực quốc gia”, không thực sự độc lập khỏi Chính phủ Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc mới đây đã thông qua một bộ luật An ninh Quốc gia trong đó buộc cá nhân và các tổ chức trong nước hỗ trợ nhà nước đảm bảo an ninh quốc gia. Bộ luật này cũng được áp dụng cho Huawei.
Phía Trung Quốc còn cho rằng Mỹ đụng tới Huawei là do tin rằng công ty này đang làm việc cho Chính phủ Trung Quốc. Mỹ lo rằng Huawei có thể dễ dàng trở thành một nhân tố xấu trong tương lai bằng cách thay đổi phần mềm hay phần cứng của họ. Dù sao thì Mỹ vẫn coi Huawei như một chú “Ngựa chiến thành Troy” – một điển tích trong Hy Lạp cổ đại khi một đối tượng xấu cải trang thành một thứ gì đó tốt đẹp để được tiếp nhận, rồi sau đó hóa ra lại là kẻ xâm lược.
Huawei hiện đang chỉ trích Mỹ vì nước này xem họ như một mối đe dọa an ninh.
Mỹ hoàn toàn có lý do để lo ngại về an ninh mạng quốc gia. Nhiều chuyên gia coi Mỹ đang tụt hậu khá xa trong việc phát triển khả năng phòng thủ trước một cuộc chiến tranh mạng. Ông Barack Obama gần như không làm được gì để củng cố an ninh quốc gia trong suốt 8 năm làm Tổng thống, và ông Trump cũng vậy. Thế nên Mỹ rất dễ bị tổn thương.
Huawei chỉ là ‘tốt thí’ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ - ảnh 7
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng phát trong bối cảnh hàng loạt các vấn đề lớn hơn xuất hiện. Huawei trở thành một con tốt thí trong cuộc chiến đó.
Trung Quốc coi những hành động nhằm vào Huawei như cách mà Mỹ nhằm vào Trung Quốc để buộc họ nhượng bộ trong thương mại. Trói buộc Huawei được xem như một lời tuyên bố mạnh mẽ về sức mạnh kinh tế của nước Mỹ. Nhưng tại thời điểm viết những dòng này, vẫn chưa rõ Huawei là một “con bài ngã giá” trong thương mại hay còn là cái gì lớn hơn thế trong chiến lược “nước Mỹ trên hết” mà ông Trump khởi xướng.

Huawei chỉ là ‘tốt thí’ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ - ảnh 8
(ảnh The Verge)
Nhưng bất chấp ý định của Mỹ, Trung Quốc vẫn xem vụ việc của Huawei như một vấn đề lớn trong thương mại. Mới đây, nước này đã tung ra lời đe dọa Mỹ khi tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu kim loại đất hiếm sang Mỹ. Kim loại đất hiếm được sử dụng trong các sản phẩm công nghệ - từ máy tính, máy X-quang, pin cho tới camera v.v. Các nhà sản xuất Mỹ tiêu thụ tới 90% lượng đất hiếm từ các nguồn mà Trung Quốc kiểm soát.
Mỹ đã điều tàu chiến đi vào quần đảo Trường Sa trên Biển Đông nhằm thách thức Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở đó. Mỹ cũng cử nhiều chiến hạm tới eo biển Đài Loan, nằm giữa Đại lục và Đài Loan. Ngoài ra, Mỹ và Philippines cũng tổ chức một cuộc tập trận chung. Những hành động này có thể -- và cũng có thể không -- khiến Trung Quốc lung lay trong đàm phán thương mại, nhưng chúng phản ánh những vấn đề lớn hơn trong cuộc đối đầu tranh giành bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ cũng đang nỗ lực hoàn tất các thỏa thuận thương mại song phương với Nhật Bản, giúp giảm nhẹ tầm ảnh hưởng của các đòn áp thuế mà Trung Quốc áp đặt với Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Cuộc chiến thương mại này cũng đầy rẫy những điều trớ trêu. Nhiều người quên rằng trước năm năm 1971, thời điểm Tổng thống Richard Nixon bắt đầu giao thương với Trung Quốc, Mỹ vẫn áp đặt cấm vận kinh tế Trung Quốc. Giới hoạch định chính sách Mỹ, những người từng ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giờ lại cho rằng tư cách thành viên WTO của Trung Quốc là quyết định thương mại tồi tệ nhất mà các đời Tổng thống Mỹ từng đưa ra. Trung Quốc cũng cảm thấy như vậy về Mỹ.
Huawei chỉ là ‘tốt thí’ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ - ảnh 9
Theo Jim Cramer thuộc đài CNBC, mối quan hệ Mỹ-Trung đang dần hướng tới hoặc có nhiều triệu chứng của một cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0. Nếu nó xảy ra như cuộc Chiến tranh Lạnh gần nhất, nhiều quốc gia sẽ bắt đầu chia bè kết phái. Trung Quốc và Mỹ sẽ thử thách lẫn nhau cả về mặt quân sự (có lẽ thông qua chiến tranh ủy nhiệm) và mặt kinh tế, đầu tiên là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sau là toàn cầu. Trung Quốc vốn đã tham gia khá sâu vào cuộc nội chiến ở Venezuela, đối đầu với Mỹ. Thêm vào đó, Chính sách Vành đai và con đường của Trung Quốc đang liên kết các đầu mối thương mại trải dài từ Trung Quốc tới châu Âu, châu Phi và Trung Đông – đó sẽ là một phương tiện mà họ dùng để đối phó Mỹ.
Cuộc Chiến tranh Lạnh gần nhất diễn ra trong khoảng từ 1947 đến 1991.
Dù cho người ta có suy nghĩ gì về ông Trump, thì ngay cả những người chỉ trích ông kịch liệt nhất – như Thomas Friedman (Tác giả cuốn “Thế giới phẳng”) – cũng đã thừa nhận rằng ông Trump, không giống như George W. Bush và Barack Obama, đã khiến Trung Quốc chú ý.
Thế nhưng Mỹ đang công kích Trung Quốc với đôi tay bị trói sau lưng.
Nước Mỹ dưới thời Bush và Obama đã cố gắng nhưng bất thành trong việc tách mình khỏi các cuộc xung đột Trung Đông vốn đã khiến họ mất tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương – khu vực giờ đóng vai trò quan trọng hơn. Ông Trump cũng không phải ngoại lệ. Trong lúc tôi đang thực hiện bài viết này, Mỹ và Iran dường như đang bên miệng hố chiến tranh; Israel và những bên thù địch của họ đang khuấy động tình trạng căng thẳng; Arab Saudi và các đồng minh của họ đang thực hiện một cuộc chiến ở Yemen; Syria đang dần sử dụng lại vũ khí hóa học; Thổ Nhĩ Kỳ đang sụp đổ dưới ách độc tài; Triều Tiên đang thử nghiệm tên lửa; Nga và Trung Quốc đang ủng hộ Chính phủ Venezuela; quan hệ với Cuba đang căng thẳng; và làn sóng nhập cư bất hợp pháp đang xâm lược nước Mỹ.
Trong lúc ông Trump và chính quyền của ông đang quanh quẩn với vấn đề Trung Quốc và “các điểm nóng” khác, Quốc hội đã quyết định ngăn chặn mọi nỗ lực của ông Trump trong các vấn đề đối ngoại (và cả trong nước). Quốc hội còn có kế hoạch khiến ông Trump không thể cầm quyền bằng cách tung ra hàng loạt các cuộc điều tra, điều trần, các vụ kiện nhằm khiến ông không thể tái đắc cử trong năm 2020. Cùng lúc, CIA và FBI dường như cũng đang chống lại ông Trump, cố gắng khiến ông phải từ chức, chưa kể nhiều cơ quan khác công kích ông Trump bằng cách làm rò rỉ thông tin cho báo chí, tung tin giả và bóp méo thông tin.
Có một câu nổi tiếng trong văn chương cổ điển: “Hoàng đế Nero chỉ biết đứng nhìn khi Rome bị thiêu rụi”. Có nghĩa rằng Rome bị thiêu rụi mà không ai thèm làm gì cả.