Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Căng thẳng Nhật-Trung giống Anh-Đức trước thế chiến I?

Trong phát biểu mới đây với báo giới bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ví căng thẳng hiện tại với Trung Quốc như những gì từng diễn ra giữa hai nước đối địch Anh và Đức trước Thế chiến thứ nhất.
Điểm tương đồng...
Theo cây bút Gideon Rachman của tờ Financial Times, ông Abe lí giải rằng, so sánh bắt nguồn từ thực tế rằng Anh và Đức, cũng giống như Nhật với Trung Quốc, đều có một mối quan hệ thương mại lớn mạnh. Tuy nhiên, vào năm 1914, điều đó không đủ ngăn các căng thẳng chiến lược dẫn tới bùng nổ xung đột - chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Đông, vùng nhận dạng phòng không, Senkaku
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ.Ảnh: Reuters
Không may là, có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai nước châu Âu trước Thế chiến thứ nhất với tình trạng hiện tại của Nhật - Trung. Đây đều là các cường quốc khu vực có giao thương rất phát triển và vô cùng bền chặt. Với vị trí là các nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 của thế giới, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nhật lên tới gần 334 tỉ USD trong năm 2012.
Thủ tướng Abe cũng tuyên bố, việc mạnh tay chi tiêu quân sự của Trung Quốc là căn nguyên chính gây mất ổn định trong khu vực. Năm ngoái, Nhật đã tăng đầu tư quân sự nhiều nhất trong gần 2 thập niên qua để đáp lại động thái tăng 10%/năm của nước láng giềng. Trong giai đoạn 1908 - 1913, các cường quốc châu Âu cũng từng tăng chi tiêu quân sự 50% sau khi Đức bắt đầu xây dựng lực lượng hải quân để đối địch với hải quân của Anh.
Ngoài ra, giữa hai cường quốc còn có các căng thẳng chiến lược khác. Trung - Nhật từ lâu đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" vì Bắc Kinh cho rằng Tokyo không tỏ ra hối hận hoặc chuộc lỗi về sự chiếm đóng Trung Quốc trong những năm 1930 và 1940.
Mối quan hệ song phương gần đây càng trở nên xấu đi do các tranh chấp lãnh thổ xung quanh một quần đảo nhỏ, không có người cư trú ở Hoa Đông và chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới một ngôi đền tử sĩ hồi tháng 12 vừa qua, mà những người chỉ trích gọi là làm sống dậy những ký ức đau buồn về quá khứ xâm lược của Nhật.
Việc Trung Quốc đơn phương thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Hoa Đông cách đây 2 tháng, bao trùm không phận phía trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật càng làm cho Tokyo "nóng mặt". Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) của Nhật hiện cũng thường xuyên phải điều chiến đấu cơ xuất kích để chặn đuổi máy bay Trung Quốc tiến sát không phận nước này.
Sự so sánh trên chỉ là điểm khởi đầu, đặc biệt vì bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào, vốn dẫn tới xung đột quân sự trực tiếp, sẽ đưa Mỹ về phe bảo vệ Nhật. Theo cách nào đó, nó cũng giống như khi Archduke Franz Ferdinand của Áo bị ám sát vào tháng 6/1914, Đức đã hậu thuẫn các đồng minh khu vực là Áo - Hungary và đế chế Ottoman trong cuộc đại chiến. Anh sau đó đã lãnh đạo phe đồng minh, bao gồm Pháp, Nga, Italia, Nhật và cuối cùng là Mỹ.
... và khác biệt
Phía Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích cách so sánh của ông Abe. "Tốt hơn là nên đối mặt với những gì Nhật đã làm với Trung Quốc trước chiến tranh và trong lịch sử gần đây, thay vì nói như vậy về quan hệ Anh - Đức trước Thế chiến thứ nhất", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo vừa diễn ra ở Tokyo, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga nhấn mạnh, các phát biểu của Thủ tướng Abe không nên được hiểu thành, chiến tranh giữa 2 cường quốc châu Á có thể sắp xảy ra. Việc ví von của ông Abe cho thấy, lãnh đạo Nhật đã lưu ý đến việc năm nay là dịp kỷ niệm 100 năm khởi đầu Thế chiến thứ nhất.
Thủ tướng Abe muốn Nhật và Trung Quốc tránh lặp lại các sai lầm của Anh và Đức trước đây. Ông cho biết, bất kỳ xung đột mang tính "sơ xuất" nào cũng sẽ được coi là một thảm họa, và ông một lần nữa kêu gọi đối thoại cũng như thiết lập thông tin liên lạc giữa quân đội Nhật - Trung.
Khi được hỏi liệu hai nước có thể đụng độ quân sự hay không, ông Abe đáp rằng, một cuộc xung đột như vậy "sẽ là tổn thất lớn không chỉ đối với Nhật và Trung Quốc, mà còn đối với cả thế giới. Chúng ta cần chắc chắn rằng điều như vậy sẽ không xảy ra".
Trong thông điệp gửi các từ báo tiếng Trung ở Nhật trước thềm năm Giáp Ngọ, ông Abe cũng khẳng định, Nhật "đã xây dựng một đất nước tự do, dân chủ và đi theo con đường hòa bình" kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai, và không có gì thay đổi chính sách đó.

Tuấn Anh(theo BI, Reuters)

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/159497/cang-thang-nhat-trung-giong-anh-duc-truoc-the-chien-i-.html

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Học thuyết quân sự hải quân trong mưu đồ toàn cầu

Học thuyết quân sự hải quân là một phần của học thuyết quân sự chung, có nội dung trọng tâm vào phát triển nghệ thuật quân sự và lực lượng vũ trang trên biển, bờ biển và hải đảo. Khác với tư tưởng quân sự chung, học thuyết quân sự hải quân còn được xây dựng dưới ánh sáng chỉ đạo của Học thuyết hải dương cường quốc biển.

Từ học thuyết hải dương, học thuyết quân sự hải quân định hướng phát triển lực lượng và phương tiện chiến tranh, phương thức tiến hành chiến tranh và giải quyết xung đột, tư duy chiến lược chiến thuật trong chiến tranh và xung đột trên biển.
Học thuyết hải dương là tập hợp những văn bản quy phạm pháp luật quốc gia, xác định chủ trương, chính sách trong lĩnh vực hàng hải (Chính sách hàng hải). Chính sách hàng hải quốc gia khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của vùng nội thuỷ, lãnh hải và vùng trời, đáy biển và dưới đáy biển và những lợi ích trên biển.

 Bố trí lực lượng quân sự Mỹ khu vực châu Á Thái Bình dương
Bố trí lực lượng quân sự Mỹ khu vực châu Á Thái Bình Dương
Căn cứ vào Học thuyết hải dương, các quốc gia biển có những nhận định và đánh giá khác nhau về chiến trang và xung đột vũ trang trên biển nhằm duy trì chủ quyền và lợi ích quốc gia, quy mô ảnh hưởng của họ trên đại dương.
Những học thuyết quân sự Hải quân của Mỹ, Trung Quốc được phát triển với mục đích đối phó với các xung đột toàn cầu, phổ biến và phát triển vũ khí hủy diệt lớn, nguy cơ bất ổn trong khu vực và các quốc gia (vùng Vịnh, khu vực Balkan, bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông, Biển Đông…), ngăn chặn những tổ chức cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia (buôn  ma túy, khủng bố quốc tế, hải tặc quốc tế, người di cư, vv.). 
 Sơ đồ tuyến phòng thủ ngoài khơi xa của học thuyết quân sự hải quân PLA
Sơ đồ tuyến phòng thủ ngoài khơi xa của học thuyết quân sự hải quân PLA
Từ ý đồ duy trì quyền thống trị đại dương cũng như ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích trên biển, chiến lược quân sự hải quân được phát triển từ học thuyết quân sự hải quân. Ví dụ điển hình là chiến lược quân sự Mỹ thông qua năm 1997 và được định danh là: “Tổ chức cấp chiến lược, điều chỉnh theo tình hình và sẵn sàng chiến đấu”.
Trung Quốc cũng thông qua chiến lược “Phòng thủ ngoài khơi xa” với 3 vành đai phòng thủ đối đầu trực tiếp với các lực lượng Mỹ nhằm chia sẻ quyền lực thống trị biển trước hết là trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Các học thuyết quân sự hải quân này đều xác định, để đạt được mục đích chiến lược của quốc gia biển – hay còn gọi là lợi ích cốt lõi, cần xây dựng và duy trì lực lượng hải quân, có khả năng thực hiện được ba tập hợp các nhiệm vụ chiến lược:
Tạo môi trường quốc tế thuận lợi dựa trên sức mạnh răn đe, ngăn chặn;
Phản ứng nhanh với tất cả các nguy cơ – từ hỗ trợ nhân đạo đến tiến hành chiến tranh trên quy mô lớn (hai cuộc chiến tranh  cùng một lúc hoặc hai cuộc chiến tranh nối tiếp nhau);
Sẵn sàng cho một tương lai không xác định (duy trì ưu thế quân sự vượt trội, duy trì ngân sách quân sự lớn, liên tục phát triển và hiện đại hóa vũ khí trang bị trên kết quả của cách mạng khoa học kỹ thuật).
Các hoạt động quân sự và các chiến dịch hải dương theo các nhiệm vụ đặt ra của Học thuyết quân sự hải quân, tính đến những phản ứng quốc tế là:
1. "Chiến lược linh hoạt" - tập kết lực lượng nhanh chóng, phản ứng linh hoạt và duy trì thời gian sử dụng sức mạnh quân sự lâu dài, tốc độ triển khai nhanh khiến đối phương không có thời gian hành động.
2. "Sự hiện diện thường xuyên lực lượng trên vùng nguy cơ xung đột". Chiến lược duy trì căng thẳng và đối đầu nhằm hiện diện sức mạnh răn đe. Đối với Hải quân Mỹ, đó là sự có mặt thường xuyên ở khu vực biển Bắc, Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, vịnh Ba Tư, biển Đỏ, phía Tây Thái Bình Dương.
Với hải quân Trung Quốc, đó là thường xuyên tuần tiễu trên biển Hoa Đông, Biển Đông, vùng nước quốc tế Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Vịnh Ba Tư…..
3. "Cơ động binh lực, vũ khí tranh bị nhanh trên phạm vi toàn cầu". Xây dựng khả năng cơ động lực lượng đến mọi điểm trên toàn cầu nhằm răn đe, ngăn chặn hoặc thủ tiêu mọi xung đột vũ trang, phản ứng kịp thời với khủng hoảng và tiến hành chiến tranh trên mọi khu vực.
4. "Sức mạnh quyết định" - Tập kết lực lượng hải quân đủ mạnh để đè bẹp mọi kháng cự của đối phương, tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết vấn đề bằng giải pháp chính trị.
Từ những nhiệm vụ chiến lược của học thuyết quân sự hải quân, phân tích các cuộc xung đột vũ trang hải quân cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21 cho thấy, vị thế khoa học kỹ thuật, cơ sở vật chất và hậu cần kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong thắng lợi cuối cùng, đặc biệt là các loại vũ khí tấn công có độ chính xác cao, hệ thống chỉ huy điều hành, hệ thống tác chiến điện tử.
Những tiến bộ công nghệ đã thay đổi tính chất của chiến tranh. Hải quân răn đe hạt nhân đã chuyển đổi sang hải quân thông thường với ưu thế thuộc về các chiến hạm tàng hình, tàu ngầm hạt nhân được trang bị hệ thống thông tin trên cả 3 không gian chiến trường.
Chiến thắng trong chiến tranh và xung đột vũ trang là nỗ lực của các quân binh chủng trong điều kiện sử dụng các loại phương tiện tác chiến tiên tiến. Những định hướng mở rộng của học thuyết quân sự hải quân đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến phương pháp chuẩn bị và tiến hành các cuộc chiến tranh và giải quyết xung đột.
Thứ nhất: mục tiêu tiêu diệt quan trọng hàng đầu là hủy diệt hệ thống thông tin đối phương trên phạm vi mở rộng gấp nhiều lần không gian chiến trường thực tế. Các đòn tấn công đồng thời được triển khai bằng từ các phương tiện mang trên đất liền, trên không, trên biển và dưới biển từ nhiều chiều khác nhau , tiêu diệt binh lực đối phương không chỉ trong khu vực va chạm mà trên cả cự ly xa.
Ví dụ: các đòn tấn công tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo vào những mục tiêu trên biển, bờ biển và sâu trong đất liền của đối phương. Các trận đánh đều mang tính “hỏa lực tập trung, hỏa khí phân tán” với không gian tấn công rộng lớn bao gồm cả tiền duyên, tầm cao và chiều sâu chiến trường.
Thứ hai: Vũ khí chính xác cấp chiến lược chiến dịch đóng vai trò quyết định giải quyết chiến trường. Các vũ khí hủy diệt lớn được thay thế bằng hệ thống vũ khí thông thường có độ chính xác cao, phóng từ các phương tiện mang đường biển, đường không có khả năng hủy diệt toàn bộ tiềm năng quân sự, quốc phòng của quốc gia xung đột (tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thông thường).
Thứ ba: Hệ thống thông tin, trinh sát, truyền thông toàn cầu mở rộng không gian chiến trường, một xung đột nhỏ trên biển có thể dẫn đến các đòn tấn công vào sâu trong đất liền, khái niệm tiền tuyến, hậu phương, khu vực an toàn hầu như chỉ mang tính ước lệ.
Thứ tư: Trong các thành tố cấu thành một trận đánh hỏa lực – đòn tấn công – cơ động, hỏa lực trở thành quan trọng nhất, đảm bảo tiêu diệt tiềm lực quân sự của đối phương. Đòn tấn công từ hướng biển phải tiêu diệt các mục tiêu trên biển, trên không, trên bờ biển và sâu trong đất liền và trên vũ trụ. Cuộc chiến đấu thực sự diễn ra quyết liệt trong không gian chiến trường điện tử.
Thứ năm: Lực lượng tấn công đường không từ các tàu sân bay và lực lượng phòng không hạm đội là những lực lượng tác chiến chủ công trên biển trong hải chiến hiện đại.
Thứ sáu: Thất bại của đối phương được xác định không phải bằng việc xâm chiếm đất nước hoặc chính phủ tuyên bố đầu hàng, mà bằng việc chính quyền quốc gia đó tuyên bố chấp nhận những vấn đề không thỏa hiệp được trước xung đột sau khi đã bị hủy diệt nền kinh tế cũng như tiêu diệt toàn bộ tiềm lực quân sự, tê liệt mọi hoạt động của đất nước.
Ví dụ: chấp nhận chủ quyền lãnh thổ của nước lớn, lãnh đạo chủ chốt phải ra đi, quân đội giải thể và chính phủ mới gần gũi và nhượng bộ hơn được thành lập, tạo lợi ích tối đa cho bên dành được thắng lợi.
Một kịch bản có tính nguyên tắc trong nghệ thuật chiến tranh hải dương tương lai là kiềm chế - răn đe đối phương bằng cách tạo ra một đe dọa quân sư sẽ phá hủy và tiêu diệt toàn bộ tiềm lực kinh tế quân sự, gây tổn thất không thể phục hồi cho đối phương bằng vũ khí không thường. Để thực tế hóa sự đe dọa đó, phải tổ chức được một lực lượng hải quân mạnh trên cơ sở những yếu tố sau:

1. Xây dựng một môi trường thông tin, trinh sát trên không và trên vũ trụ có khả năng cung cấp tọa độ mục tiêu, chỉ thị và dẫn đường vũ khí chính xác trong thời gian thực.

2. Tổ chức được một cụm binh lực hải quân và phương tiện mang vũ khí chính xác có khả năng đánh quỵ được tiềm lực chiến tranh của đối phương.

3. Tổ chức được cụm binh lực phòng không đủ mạnh để ngăn chặn và tiêu diệt lực lượng không quân của đối phương.
 Khu vực hoạt động cấp chiến lược của hải quân Trung Quốc
Khu vực hoạt động cấp chiến lược của hải quân Trung Quốc
Một trong những phương thức sử dụng lực lượng hải quân mới – lực lượng kiềm chế và răn đe trên chiến trường, đó là các cụm không quân hải quân tấn công chủ lực trên biển (CVBG). Trong điều kiện thời bình, CVBG tiến hành các hoạt động tuần tiễu, diễn tập sẵn sàng chiến đấu trong các khu vực có ý nghĩa chiến lược.
Ví dụ như Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông, các cụm CVBG Mỹ cơ động trên Thái Bình Dương, hoạt động trong vùng Vịnh Ba Tư, vùng nước Địa Trung Hải… sẵn sàng tiến hành các chiến dịch tác chiến không hải tiêu diệt tiềm lực chiến tranh của đối phương.
Các cụm chiến hạm thông thường – cơ động tuần biển theo các tuyến đường trên vùng biển quốc tế, thực hiện nhiệm vụ trinh sát, cảnh giới đường không và truy tìm tàu ngầm đối phương, trong điều kiện xảy ra các xung đột khu vực tiến hành hoạt động tác chiến đánh chặn các đòn tấn công bằng vũ khí chính xác của đối phương, thực hiện chống ngầm và phong tỏa khu vực.
Cụm hải quân phòng ngự ven biển, chống ngầm và phòng thủ bở biển thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ quân sự ven bờ, hải đảo và các đường vận tải cơ động.
Cụm hải quân triển khai nhanh: Lực lượng lính thủy đánh bộ, các tàu đổ bộ, các phương tiện đổ bộ đường không thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm hải đảo và các khu vực cần thiết ven bờ của đối phương.
Cụm lực lượng phòng không tầm xa: lực lượng các máy bay tiêm kích tầm xa thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu đường không thời bình và tham gia tiêu diệt lực lượng phòng không đối phương khi xảy ra xung đột hoặc chiến tranh.
Từ những tư duy chiến lược, thể hiện trong Học thuyết quân sự hải quân của các siêu cường biển như Mỹ và Trung Quốc, thể hiện rất rõ ràng tham vọng thống trị và chia sẻ ảnh hưởng trên đại dương và các vùng biển. Trung Quốc khi đưa ra vùng ADIZ  với kế hoạch đóng tiếp hai tàu sân bay, cũng đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu đặt ra trong học thuyết quân sự hải quân của mình.

Trịnh Thái Bằng
http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/hoc-thuyet-quan-su-hai-quan-trong-muu-do-toan-cau-2364271/

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Khi cường quốc chơi trò phiêu lưu quân sự

Trong quá khứ, các sĩ quan Xô Viết biết rằng, một hành động khiêu khích đồng nghĩa với việc chấm dứt sự nghiệp. Trong khi đó, thời hiện tại, Bắc Kinh lại gửi đi tín hiệu khác biệt.
Ngày 5/12/2013, một tàu hải quân Trung Quốc đã cố ngăn chặn tàu tuần dương của Mỹ trên vùng biển quốc tế. Thực sự bất ngờ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã xác nhận với báo chí rằng, có lúc hai tàu chỉ còn cách nhau 100m. Câu hỏi quan trọng đặt ra ở đây là: Tại sao những vị chỉ huy Trung Quốc lại coi đó là ý tưởng tốt khi khơi mào vụ suýt đụng độ với một tàu chiến Mỹ?
Trung Quốc, Mỹ, hải quân, tàu chiến, Hoa Đông, Nhật Bản, Biển Đông, Senkaku, tàu sân bay
Máy bay đậu trên tàu sân bay Mỹ USS George Washington và tàu tuần dương USS Cowpens.Ảnh: Reuters
Ngày càng có nhiều báo cáo cho thấy, sĩ quan hải quân Trung Quốc "có động lực sự nghiệp" để hành động khiêu khích, thậm chí là tạo ra nguy cơ dẫn tới sự cố chết người - giống như những cộng sự của họ từng làm trên đất liền: Lực lượng thuộc quân khu Lan Châu ở miền tây Trung Quốc, đã xâm nhập qua biên giới với Ấn Độ tại Ladakh trong tháng 4/2013. Họ chỉ rút lui khi Ấn Độ đe dọa hủy bỏ một chuyến thăm cấp nhà nước. Tương tự như vậy, đơn vị phòng vệ bờ biển Trung Quốc cũng thường xuyên tuần tra ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nhật, thậm chí gần đây tiến vào vùng lãnh hải Nhật.
Đây là sự khác biệt so với thời Chiến tranh Lạnh. Khi ấy, mặc dù có vô vàn đối đầu giữa máy bay, tàu chiến Mỹ và Liên Xô nhưng lại có rất ít sự cố nguy hiểm xảy ra. Các sĩ quan Xô Viết hiểu rằng, "phiêu lưu" là dấu chấm hết cho sự nghiệp của họ.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo dường như lại khuyến khích điều này. Báo chí chính thức cổ vũ mạnh mẽ mỗi hành động phiêu lưu ấy. Sau tất cả, rủi ro leo thang là rất lớn.
Tôn trọng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh,  tàu USS Cowpens của Mỹ đã tiến hành quan sát với khoảng cách an toàn khi vụ việc 5/12 xảy ra. Lưu ý rằng, tới thời điểm hiện tại, hải quân Trung Quốc là một tập hợp những mục tiêu dễ dàng của tàu sân bay và tàu ngầm tấn công Mỹ. USS Cowpens là tàu tuần dương nặng gần 10.000 tấn.
Tương tự như vậy, hải quân Nhật có thể "quét" xung quanh vùng biển Senkaku/Điếu Ngư trước bất kỳ vụ xâm nhập nào của tàu hải quân hay phòng vệ bờ biển Trung Quốc. Vậy tại sao Bắc Kinh lại mạo hiểm như vậy?
Kết luận khá rõ ràng là kể từ năm 2008, lãnh đạo Trung Quốc đã từ bỏ chính sách "trỗi dậy hòa bình" mà Đặng Tiểu Bình đưa ra năm 1978. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc cần một môi trường thế giới thuận lợi để hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu không bị cản trở. Chính sách của ông Đặng - không đe dọa ai - đã thành công rực rỡ khi Mỹ tích cực ủng hộ sự tăng trưởng của Trung Quốc, khuyến khích các nước khác làm theo, và người dân Trung Quốc cũng như nhiều nước khác được hưởng lợi.
Mọi thứ đã thay đổi sau năm 2008. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến sức mạnh Mỹ suy yếu. Bắc Kinh thì khôi phục những yêu sách chủ quyền với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và với hầu hết diện tích Biển Đông kể cả những khu vực cách rất xa bờ biển Trung Quốc hay nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của một số nước Đông Nam Á. Cuối tháng 11 vừa qua, Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không bao gồm quần đảo tranh chấp với Nhật khiến quan hệ giữa hai nước lớn ở châu Á khó có thể cải thiện.
Giới lãnh đạo Trung Quốc thì phàn nàn về việc phải đối đầu với một liên minh đang trỗi dậy từ Hàn Quốc tới Ấn Độ, và họ đổ lỗi cho Mỹ. Nhưng mặc dù nổi tiếng với chiến lược "trục xoay", Washington cũng khó có thể khiến các nước láng giềng quay lưng lại với Trung Quốc. Điều cơ bản nằm ở chính chính phủ Trung Quốc, với các yêu sách ngày càng lớn. Sau chuyện Vùng nhận diện phòng không, lại là yêu cầu Nhật không nên tăng chi tiêu quốc phòng, Nhật cần kiềm chế không phản ứng với các mối đe dọa.
Một số nhà phân tích nhìn thấy yếu tố thông minh trong chương trình đe dọa lâu dài có hệ thống này. Số khác lại khẳng định, không hay ho gì khi phải đối đầu với láng giềng. Điều đó chẳng những làm gia tăng cảm giác cảnh giác với Trung Quốc, mà còn khiến các nước thống nhất đoàn kết với nhau, chống lại các lợi ích Trung Quốc. Không may là, chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quân phiệt tắc trách khơi gợi "điềm gở" của một nước Đức trước năm 1914.
  • Thái An(theo Wall Street Journal)
  • http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/156848/khi-cuong-quoc-choi-tro-phieu-luu-quan-su.html

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Trung-Mỹ-Nhật sớm muộn sẽ thấy "ngứa ngáy" muốn dùng vũ khí nói chuyện

(GDVN) - Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng các quốc gia tạo ra lực lượng vũ trang hùng mạnh với những vũ khí đắt tiền thì sớm hay muộn cũng sẽ cảm thấy “ngứa ngáy”.

Tờ Daily Mail của Anh ngày 3/1 nhận định, một cuộc chiến tranh giữa các nước lớn trong thế kỷ 21 sẽ có sức công phá khủng khiếp chưa từng thấy bởi nó sẽ được tiến hành bằng các loại vũ khí công nghệ cao nhất. Do đó, bất kỳ động thái nào mở ra nguy cơ này đều thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Quân đội Trung Quốc tập trận nhằm về phía Đài Loan.
Một cơn chấn động đang lan tỏa trong các nước châu Á và phương Tây trong tuần này sau khi Đại sứ Trung Quốc ở London cho rằng Nhật Bản có nguy cơ "trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình toàn cầu" bằng cách "tăng thái độ hiếu chiến". Ông thậm chí còn so sánh Nhật Bản ngày nay với Chúa tể Voldemort, nhân vật phản diện trong bộ tiểu thuyết Harry Potter.
Những nhật xét trên của Trung Quốc xuất hiện vài tuần sau khi Bắc Kinh đơn phương thành lập cái gọi là "khu nhận diện phòng không" trên quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư thu hút phản ứng mạnh mẽ của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mỹ đã phản ứng gay gắt với động thái trên của Bắc Kinh bằng cách điều 2 chiếc B-52 bay qua khu vực trên mà không báo trước theo yêu cầu của Bắc Kinh; đồng thời nhấn mạnh cam kết về quyền tự do hàng hải trên vùng biển này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng động thái trên của Trung Quốc là bước leo thang nghiêm trọng và "bắt đầu một cuộc chơi hoàn toàn mới". Chính phủ của ông Abe cũng cảnh báo sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay nào của Trung Quốc xuất hiện trên quần đảo Senkaku. Trong khi đó, Bắc Kinh đáp lại rằng điều này sẽ là một hành động chiến tranh.
Không ai, kể cả người Trung Quốc, muốn xung đột vũ trang trong thời điểm này. 
Không ai, kể cả người Trung Quốc, muốn xung đột vũ trang trong thời điểm này. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Tokyo, Washington và Bắc Kinh đã gia tăng trong nhiều năm qua và nỗi lo sợ một hành động nhầm lẫn có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới mới cũng gia tăng theo.
Giáo sư Peter Dutton từ học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ đã cảnh báo về những căng thẳng ngày càng tăng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương: "Thách thức do Trung Quốc tạo ra để củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển của mình đang tạo ra các vết nứt trong trật tự toàn cầu".
Nhật xét này xuất hiện một ngày sau khi một quan chức quân sự Washington thừa nhận rằng "các nhóm khủng bố như al-Qaeda chỉ gây ra các mối đe dọa ngắn hạn, trong khi mối quan tâm chính và kéo dài của quân đội Mỹ chính là Trung Quốc. Trung Quốc đang tái định hình lại trật tự quân sự ở châu Á và cả với quân đội Mỹ".
“Trung-Mỹ đang ở trên miệng hố va chạm”
Trung Quốc đang từng ngày bổ sung các hạm đội tàu chiến của mình trên các vùng biển lân cận. Hải quân Trung Quốc hiện có 80 chiếc tàu tên lửa, khoảng 300 tàu tấn công đổ bộ gồm cả các tàu tấn công được thiết kế đặc biệt như "kẻ săn tàu sân bay của Mỹ".
Tương quan lực lượng quân sự Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.
Đáp lại Mỹ thiết lập căn cứ không quân lớn trên đảo Guam ở Thái Bình Dương với 15 tỷ USD và lấp đầy các vũ khí tiên tiến như:  máy bay ném bom chiến lược B-2, máy bay ném bom B-52, tên lửa không đối đất và tên lửa hành trình, máy bay Global Hawk , F-15, F-22 để có thể triển khai chúng tới Đài Loan chỉ trong 20 phút.
Amitai Etzioni, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học George Washington, cho rằng: "Có những dấu hiệu ngày càng tăng rằng Mỹ và Trung Quốc đang ở trên miệng hố va chạm".
Trung Quốc mượn các tranh chấp để khẳng định vị thế như một cường quốc mới nổi trong khu vực, trong khi Mỹ đang cố bẻ cong hoặc làm lệch hướng bành trướng của Trung Quốc.
Giáo sư Amitai Etzioni cho rằng nếu chính quyền Washington không duy trì quyết tâm mạnh mẽ hỗ trợ các đồng minh đang bị đe dọa bởi Trung Quốc như Nhật Bản, thì Trung Quốc sẽ còn tiếp tục áp đặt các tuyên bố tàn nhẫn của mình lên toàn bộ khu vực Thái Bình Dương.
Binh sĩ Nhật Bản tham gia tập trận gần núi Phú Sĩ.
Washington hiện muốn Nhật Bản ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế Trung Quốc. Nhưng mâu thuẫn giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc về lịch sử chiến tranh đã làm giảm đáng kể uy tín của Tokyo trong khu vực.
Với sức mạnh quân sự đang ngày càng được tăng cường, theo Daily Mail, nó sẽ tiếp tục là công cụ được Trung Quốc vận dụng trong những năm tới. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại rằng mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã loại trừ khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện. Nhưng theo Daily Mail, lịch sử thế giới đã chứng minh rằng các quốc gia tạo ra lực lượng vũ trang hùng mạnh với những vũ khí đắt tiền thì sớm hay muộn cũng sẽ cảm thấy “ngứa ngáy” muốn sử dụng chúng.
Tờ báo cũng cho biết, vành đai Thái Bình  Dương hiện đang rải rác các trò chơi chiến tranh và nguy cơ một số vụ tranh chấp khu vực nhỏ bùng nổ thành một vụ xung đột lớn vẫn còn thực sự đáng báo động./.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/TrungMyNhat-som-muon-se-thay-ngua-ngay-muon-dung-vu-khi-noi-chuyen-post136685.gd