Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Anh 'phát hoảng' khi thua Nga cả thủy, lục và không quân

Trong cơn sốt sợ Nga tấn công quân sự, báo Anh không ngại đưa ra so sánh tương quan quân đội hai nước trên mọi khía cạnh. Kết quả là họ phát hoảng khi nhận ra tiềm lực quân đội Anh chỉ bằng 1/10 của Nga trên mọi lĩnh vực từ thủy, lục đến không quân.


Trước hết Nga có 771.000 quân theo số liệu năm ngoái trong khi quân thường trực của Anh là 154.000, gồm 87.000 lính lục quân, 34.000 lính không quân và gần 33.000 lính hải quân.
Riêng về lục quân, Nga có 6.590 xe bọc thép trong khi Anh chỉ có 400 xe. Ngoài ra, Nga là cường quốc xe tăng với 2.800 chiếc trong khi Anh chỉ có 227 chiếc. Về pháo binh, Nga có 5.145 khẩu trong khi con số tương ứng của Anh là 642.
Riêng về hải quân, số tàu ngầm hạt nhân của Nga là 12 còn của Anh là 4. Ngoài ra, Nga có 47 tàu ngầm trang bị tên lửa dẫn đường còn Anh chỉ có 6 chiếc. Số lượng tàu chiến cỡ lớn của Nga là 34 còn Anh là 19.
Về không quân, Nga có 1.144 máy bay chiến đấu trong khi Anh chỉ có 206. Nga có 296 trực thăng tấn công trong khi Anh chỉ có 66.
Anh thua Nga
 Ngoài ngân sách quốc phòng còn mọi chỉ số quân sự khác, Anh đều thua Nga
Tất nhiên, những con số trên chỉ mang tính chất tương đối và không thể dùng nếu hai nước động binh do khoảng cách xa giữa Anh và Nga. Tuy nhiên, trong cuộc chiến xa giữa hai nước thì tên lửa đóng vai trò quan trọng và báo Anh không muốn liệt kê điểm mạnh của Nga (và cũng là điểm yếu của Anh).
Một con số cho thấy độ vênh giữa hai nước nếu chiến tranh vượt qua chiến tranh vũ khí thông thường là đầu đạn hạt nhân. Dù cắt giảm nhưng Nga còn 1.600 đầu đạn hạt nhân trong khi Anh chỉ có 160.
Sở dĩ báo Anh lo đi so sánh tương quan hai nước vì quan hệ Anh – Nga đang rất căng thẳng. Người Anh rất lo lắng khi máy bay ném bom và tàu chiến Nga di chuyển gần Anh những ngày qua. Các quan chức Anh thi nhau đưa ra các đe dọa quân sự với Nga.
Hồi giữa tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin là một "mối nguy hiểm đang tồn tại" với Baltic và châu Âu. Đồng thời, ông Fallon khẳng định NATO đã sẵn sàng để đẩy lùi sự xâm lược của Nga.
Còn Ngoại trưởng Anh Philip Hammond lại lên tiếng cảnh báo Nga cần để ý đến "lằn ranh đỏ" xung quanh các thành viên NATO trong đó có các quốc gia Baltic.  Ông Hammonnd ám chỉ Anh và đồng minh sẵn sàng hành động theo Điều 5 của NATO (thực hiện quyền phòng vệ tập thể khi một nước trong liên minh bị tấn công).
    Anh Tú (theo Daily Mail)
    http://motthegioi.vn/ho-so-phan-tich/anh-phat-hoang-khi-thua-nga-ca-thuy-luc-va-khong-quan-156954.html

    Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

    Bàn cờ biển Đông 2015 ra sao?

    Trung Quốc sẽ tiếp tục biến những đá đã chiếm đoạt thành đảo để tạo thành thế cờ vây chiến lược của mình.

    Việc dự báo các động thái của Trung Quốc (TQ) tại biển Đông trong năm 2015 vừa khó mà lại vừa dễ. Cái khó ở đây chính là thời gian và địa điểm chính xác mà chính quyền Bắc Kinh “tung đòn hiểm” ở biển Đông. Nhưng nói như thế không có nghĩa là các nước có chủ quyền thực sự tại biển Đông sẽ không còn cách đối phó với những mưu mô từ Bắc Kinh ở biển Đông.
    Đọc được gì ở nước cờ của Trung Quốc
    Nhìn từ “tầm cao chiến lược” thì những hành động của TQ tại biển Đông sáng tỏ như ban ngày. Bởi lẽ các động thái ấy nằm trong một chuỗi mắt xích khá rõ ràng, bài bản, nhất quán nhưng không cứng nhắc.
    Triết lý nền tảng của chiến lược ấy có thể được tóm gọn trong hai chữ “thời” và “thế”. Bắc Kinh “thúc thủ” hay “động binh”, “động binh” gì và “động” đến đâu đều tùy vào “thời” và “thế”. Khi “thời thế” chưa thuận thì “ẩn mình chờ thời”, lặng lẽ và âm thầm xây dựng lực lượng. Khi có khoảng trống quyền lực mở ra thì lập tức “trám chỗ”. Được lúc thế thượng phong thì không ngại tạo ra xung đột để chiếm giữ những “khoảng hời” dù đó không phải của mình. Nhưng cần lưu ý là chiến lược “thời thế” được Bắc Kinh áp dụng mềm dẻo, không tạo ra các xung đột lớn. TQ đặt nặng yếu tố đánh lừa và tạo thế để không cần đánh mà vẫn thắng.
    Nếu nhìn “thời thế” hiện nay thì rõ ràng tương đối thuận lợi cho TQ tiếp tục lấn lướt ở biển Đông nhưng không trơn tru để Bắc Kinh dám gây ra xung đột quân sự. Hành vi xâm lấn cùng thái độ hung hăng của TQ trong những năm gần đây khiến nhiều nước, trong đó có các nước lớn trong khu vực phải lo ngại. Song mức độ phản ứng của nhiều quốc gia vẫn chưa đủ để có thể thay đổi các nước cờ nhìn thì mới nhưng thật ra là “bài cũ” của Bắc Kinh. Điều này dễ thấy khi các nước chỉ quyết liệt khi TQ dám dụng bài quân sự, còn với chiêu trò dùng “gậy nhỏ gõ đầu khẽ” cùng mánh khóe “tằm thực” - gặm nhấm dần dần, một phương pháp xâm lấn theo kiểu “cắt lát xúc xích” - thì Bắc Kinh dường như vẫn thoải mái “múa gậy vườn hoang”.
    Bàn cờ biển Đông 2015 ra sao? 
    Tàu cảnh sát biển của Việt Nam kiên trung đứng vững trong suốt quá trình đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Tổ quốc (Ảnh: Lê Phi)
    Nếu ví thế trận ở biển Đông như một bàn cờ thì ván cờ TQ đang tạo ra không như cờ tướng hay cờ vua - nơi mà việc bày binh bố trận phụ thuộc chủ yếu vào các “võ sĩ” như “xe, pháo, mã”. Trái lại, Bắc Kinh thích chơi “cờ vây” - nơi các viên đá tưởng chừng vô dụng nhưng lại có sức mạnh bội phần khi được đặt vào các vị trí chiến lược. Chúng liên kết các “địa thế” chủ chốt, tạo thành mạng lưới vây hãm đối phương khiến nước khác bối rối, lúng túng, ngột ngạt đến mức “không còn khí”. Bắc Kinh ra sức hút cát lấp biển, biến đảo chìm thành đảo nổi, biến đảo nhỏ thành đảo lớn. Với tiến độ thi công chóng mặt như hiện nay, năm 2015 sẽ chứng kiến đá Chữ Thập (của Việt Nam (VN) được TQ mở rộng thành thực thể lớn nhất quần đảo Trường Sa, lớn gấp đôi đảo Ba Bình - hiện là hòn đảo lớn nhất thuộc chủ quyền VN tại quần đảo Trường Sa.
    Bắt đầu từ năm 2015 sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu TQ lấn biển và xây sân bay trên đá Xu Bi ở rìa tây nam của cụm đảo tây bắc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam); lấn biển và xây cảng ở đá Vành Khăn mà Bắc Kinh bí mật chiếm đoạt năm 1995; xây dựng công trình kiên cố trên bãi Scarborough - nơi TQ đánh bật Philippines ra để độc chiếm từ năm 2012. Những “viên đá” này có khả năng làm thay đổi toàn bộ cục diện biển Đông nếu Bắc Kinh biến các vị trí “bao vây” chiến lược ấy thành các căn cứ dân sự lẫn quân sự lan tỏa sức mạnh toàn vùng. Dự báo đây sẽ là một trong những “mũi giáp công” chiến lược nhất mà TQ tiếp tục theo đuổi trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
    Ở mặt khác, năm 2015 là thời điểm Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển chuẩn bị phán quyết vụ kiện TQ ở biển Đông do Philippines khởi xướng. Dù không công nhận phán quyết của tòa, đồng thời không tham gia vụ kiện nhưng TQ sẽ có những hành động nhằm ảnh hưởng đến quyết định của tòa. Nắm được xu hướng chung là tòa án thường sẽ phân xử theo hướng chấp nhận được cho tất cả các bên, đồng thời để truyền thông điệp “một quyết định bất lợi cho TQ chỉ làm tăng thêm căng thẳng ở biển Đông”, Bắc Kinh sẽ mở rộng phạm vi và gia tăng tần suất các động thái theo kiểu mà TQ đơn phương gọi là thực thi chủ quyền ở biển Đông. Đây là một “canh bạc” vì nếu TQ quá hung hăng thì các nước sẽ gia tăng phản ứng. Nhưng dẫu thế thì Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục lấn tới cho đến khi các quốc gia phản ứng quyết liệt mới thôi. Điều này đã từng được thấy qua sự kiện giàn khoan trái phép 981 của nước này hồi tháng 5-2014.
     
    Bàn cờ biển Đông 2015 ra sao?
    Trung Quốc đang trong quá trình hoàn tất các công trình xây dựng trên đá Chữ Thập - chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa (Ảnh: IHS JANE’S)
    Tám “chữ vàng”
    Cho đến lúc này, bài học giá trị nhất, cũng là sự thành công của VN chính là “cách ứng xử” với TQ - được gói gọn trong tám chữ: “Lõi cứng vỏ mềm, tranh thủ quốc tế”. VN đã phản ứng rất quyết liệt, tôn trọng luật quốc tế, biết kiềm chế và sẵn sàng đối thoại với TQ. Đồng thời, VN biết cách đánh động dư luận quốc tế và huy động sức mạnh của bạn bè.
    Dựa trên những thành công ấy để giải ván cờ vây của Bắc Kinh, trong năm 2015 trở về sau VN nhất quyết phải tăng cường các hoạt động trinh sát, giám sát và tuần tra trên biển Đông. Điều quan trọng là làm thế nào để phối hợp hoạt động trinh sát, tuần tra với một số nước bạn bè có năng lực và chung lợi ích.
    Song song đó VN cần tăng cường đưa thông tin về hoạt động ngang ngược, hung hăng của TQ trên biển Đông đến giới truyền thông và lực lượng nghiên cứu quốc tế. Sẽ rất tốt nếu VN có sáng kiến nhằm thiết lập một cơ chế thông tin kịp thời, thông thoáng đến dư luận, giới truyền thông và nghiên cứu trong nước và quốc tế. Cốt yếu nhất là VN phải xác định được “cách chơi cờ” chiến lược của mình, vượt hơn kiểu chơi cờ vây hiện nay của Bắc Kinh, đập tan các “nước cờ” hòng độc chiếm biển Đông của TQ.
    Theo PGS-TS Alexander Vuvinh (Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Hoa Kỳ), Đỗ Thiện (ghi)
    Pháp luật TPHCM
    http://dantri.com.vn/su-kien/ban-co-bien-dong-2015-ra-sao-1032193.htm

    Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

    Tình báo Hải quân Mỹ cảnh báo, Trung Quốc đang chuẩn bị cho xung đột

    Chiến lược của đảng Cộng sản Trung Quốc hiện không chỉ đang trẻ hóa 
    mà còn phục vụ cho mục đích ổn định nội bộ, đã và đang chuẩn bị cho 
    hành động vũ lực.

    Washington Free Beacon hôm 2.2 cho biết, Giám đốc tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương đã cảnh báo về sự chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự ở châu Á của Trung Quốc.
    James E. Fanell.
    James E. Fanell phát biểu hôm 31/1 tại lễ nghỉ hưu của mình ở Trân Châu Cảng, chiến lược của đảng Cộng sản Trung Quốc hiện không chỉ đang trẻ hóa mà còn phục vụ cho mục đích ổn định nội bộ, đã và đang tiếp tục chuẩn bị cho việc sử dụng lực lượng quân sự.

    Fanell nói rằng ông tin, Bắc Kinh không thích sử dụng vũ lực để đạt được sự thống trị trong khu vực, nhưng trong thực tế, họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho hành động quân sự.

    Nhận định về chính sách tái cân bằng châu Á của Tổng thống Barack Obama, Fanell cho biết đây là bước khởi động rất tốt để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc.

    Tuy nhiên, để chính sách này đạt được hiệu quả, ông cho rằng Mỹ cần phải có lực lượng răn đe hữu hình, thúc đẩy các chiến dịch tuyên truyền chống lại sự bắt nạt của Bắc Kinh và đặc biệt là tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực.

    Ông cũng kêu gọi các đồng nghiệp đưa ra những đánh giá trung thực về mối nguy hiểm gây ra bởi sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc.
    Quân đội Trung Quốc.           
    Đánh giá về Hải quân Trung Quốc, Fanell cho rằng lực lượng này đang từng bước đạt được mục tiêu chiến lược bao gồm việc phục hồi những gì Bắc Kinh nói là "lãnh thổ có chủ quyền trên biển", đặc biệt hàng ngàn dặm vuông trong cái gọi là chuỗi đảo đầu tiên - một chuỗi các đảo nằm ở Tây Thái Bình Dương gần bờ biển của Trung Quốc trải dài từ Đông Bắc Á thông qua Biển Đông.

    Fanell nghỉ hưu sau hơn 28 năm phục vụ trong Hải quân. Ông phụ trách vị trí Trưởng cơ quan tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương từ năm 2011. Fanell được đánh giá là một trong các quan chức tình báo cao cấp nhất của Mỹ.

    Theo Washington Free Beacon, Sự nghiệp Fanell đã được cắt ngắn sau khi ông thực hiện hai bài phát biểu vào năm 2013 và năm 2014 thẳng thừng chỉ trích các mối đe dọa của Trung Quốc. Tại San Diego năm 2013, ông cảnh báo rằng Trung Quốc đã leo thang những hành động bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực.

    Vào tháng Hai năm 2014, ông nói rằng sự tăng cường tập trận của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh "ngắn, bất ngờ" với Nhật Bản. Các ý kiến của Fanell đã bị những nhà phân tích ủng hộ Trung Quốc trong chính phủ Mỹ và cộng đồng học thuật lên án mạnh mẽ./.
    http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Tinh-bao-Hai-quan-My-canh-bao-Trung-Quoc-dang-chuan-bi-cho-xung-dot-post155247.g
    d

    Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

    "Chó sói' Huawei đã cắm chân ở Việt Nam như thế nào? - Huawei là Con ngựa thành Troy của Trung Quốc?

    Đại diện Huawei khẳng định hai “đại gia” viễn thông hàng đầu của Việt Nam là các “đối tác lớn nhất” của Huawei tại thị trường này.

    Từ nhiều năm qua, Huawei đã trở thành nguồn cung cấp chính yếu hạ tầng viễn thông cho hầu hết các nhà mạng tại Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào từ một nhà cung cấp thiết bị vô danh, thậm chí bị nghi ngờ nhiều mặt khi đặt chân vào thị trường mà đến nay Huawei lại chiếm được vị trí này?
    'Chó sói' Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam - Kỳ 5: Chó sói' Huawei đã cắm chân ở Việt Nam như thế nào? - ảnh 1Các chuyên gia lo ngại, việc các công ty viễn thông hàng đầu của Việt Nam sử dụng sản phẩm Huawei sẽ dẫn đến nguy cơ bị giám sát, nghe lén, theo dõi - Ảnh: ZDNet


    Để có câu trả lời cần quay ngược lại thời điểm 15 năm trước. Năm 1999, sau ba năm  đặt chân ra ngoài Trung Quốc nhưng chưa có kết quả đáng kể nào, thương hiệu Huawei lần đầu tiên xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Trước đó từ 1997 - 1998 Huawei không có điểm sáng nào trên thị trường quốc tế.

    Trong cuốn sách “Nhiệm Chính Phi” (tác giả Cung Văn Ba, bản dịch tiếng Việt do Thái Hà Books xuất bản 2010) đã trích lời Lý Kiệt người phụ trách tuyên truyền của Huawei nói về giai đoạn này của Huawei tại Việt Nam như sau : “Giai đoạn lúc bấy giờ thực sự rất cực khổ. Mỗi người phụ trách chạy đi chạy lại vài quốc gia nhưng không có đơn vị nào muốn hợp tác. Lần đầu tiên có hy vọng là năm 1999 khi Việt Nam và Lào chính thức trở thành hai nước hợp tác với Huawei trên trường quốc tế”. Đây cũng là giai đoạn mà trọng tâm khai thác phát triển của Huawei là các nước đang phát triển.

    Khi bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam, mặc dù cực kỳ cố gắng nhưng hầu như Huawei không có được kết quả nào đáng kể. Trong giai đoạn này thị trường thiết bị viễn thông Việt Nam hoàn toàn là sân chơi của các ông lớn như Ericsson, Alcatel, Nokia, Siemens, Motorola...

    Đầu những năm 2000 cũng là thời kỳ thị trường viễn thông nằm trong sự độc quyền của VNPT với hai mạng di động Mobifone và Vinaphone. Mặc dù đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc làm việc giới thiệu thử nghiệm thiết bị với các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam như có lẽ tiếng xấu về chất lượng “hàng Tàu” khiến các công ty Việt Nam không dám đặt niềm tin vào Huawei, một nhân viên người Việt làm việc cho Huawei trong giai đoạn này cho biết.

    Vấp phải nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm bằng mọi giá phải đứng được ở thị trường Việt Nam, đội quân Huawei tìm cách đánh đường vòng bằng cách thông qua những dự án mang tính chất “quà tặng thử nghiệm”. Quan điểm của Huawei lúc này là “thị trường Việt Nam chưa biết, chưa có thông tin gì về sản phẩm của Huawei thì chúng tôi sẽ tặng thiết bị để khách hàng tương lai dùng thử”.

    Đội ngũ quản lý và nhân viên Huawei ở Việt Nam cũng biết rõ cho dù là “quà tặng” nhưng để các thiết bị Huawei len được vào địa bàn quan trọng như Hà Nội, TP.HCM hay các đô thị lớn cũng rất khó khăn. Thậm chí để “quà tặng” lọt qua các khâu kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật để vào được cũng có khả năng mất vài năm.

    Chiến lược “dùng nông thôn bao vây thành thị” lại tiếp tục được Huawei áp dụng ở thị trường Việt Nam. Huawei đã tìm cách đưa thiết bị hỗ trợ các dự án viễn thông ở các vùng sâu, vùng xa. Theo tiết lộ của một cán bộ quản lý từng làm việc cho Huawei, việc đưa thiết bị vào các vùng nông thôn dễ hơn, do các thiết bị là quà tặng nên các đối tác Việt Nam cũng “giữ ý” và không yêu cầu kiểm tra tiêu chuẩn chặt chẽ lắm.

    Các tổng đài quà tặng đầu tiên của Huawei đã được sử dụng ở cho các mạng cố định tại Cần Thơ, Đồng Tháp...từ năm 2001. Những món quà tặng này sau đó được phát triển dưới hình thức vừa tặng vừa bán. “Tức là Huawei sẽ tặng tổng đài có khả năng phục vụ 500 số, nếu muốn 1.000 số thì khách hàng phải mua thêm”. Nhờ những bước đi khôn khéo này mà những nền tảng ban đầu trong quan hệ giữa Huawei và VNPT đã được thiết lập.

    Năm 2002 sau một số thử nghiệm hợp tác qua các dự án ADSL băng thông rộng, Huawei đã có được hợp đồng đầu tiên với Viettel. Cần phải nhắc lại rằng thời điểm này Viettel còn đang là một người chơi mới dò dẫm bước vào thị trường viễn thông chứ không phải Viettel của thời điểm hiện tại. Lúc ấy Viettel có ít tiền, thiết bị của Huawei thì rẻ và về mặt chất lượng cũng có thể tạm chấp nhận được. Thời điểm đó có thể coi là cơ hội của cả Viettel và Huawei nên hai bên đã gặp nhau ở điểm chung này.

    Cũng phải nói thêm rằng cơ hội cho sự phát triển của Huawei một phần đến từ chính các đối thủ của nó. Theo giới chuyên môn, các công ty Ericsson, Alcatel, Nokia, Siemens, Motorola dường như đã có một thỏa thuận ngầm trong việc bắt tay giữ giá khiến cho trong suốt mười năm từ 1995-2005 giá thiết bị hạ tầng viễn thông ở Việt Nam hầu như không giảm. Mọi chuyện chỉ bắt đầu rục rịch thay đổi từ 2005 với vai trò của Huawei.

    Năm 2004 khi Viettel tấn công vào thị trường di động cũng là lúc Huawei bắt đầu ăn nên làm ra tại Việt Nam. Điều đặc biệt là Huawei đã dành cho Viettel những ưu đãi đặc biệt như điều khoản hợp đồng mua thiết bị trả chậm tới 4 năm theo hình thức tín chấp. Theo tiết lộ của một chuyên gia thuộc Huawei phương án giá mà hãng này cung cấp cho Viettel thời điểm đó thấp hơn 30% so với phương án của Cisco.

    Bên cạnh đó mối “lương duyên” giữa Viettel và Huawei còn được kết nối chặt chẽ nhờ sự “mềm dẻo” của Huawei đối với các yêu cầu từ Viettel. “Nếu anh mua thiết bị của một hãng phương Tây thì các khâu hậu mãi đều phải thực hiện theo đúng hợp đồng rất chặt chẽ, thậm chí kể cả anh có sự cố vào những ngày nghỉ mà liên lạc với đối tác chưa chắc họ đã nghe máy để hỗ trợ. Nhưng với Huawei thì việc phục vụ khách hàng được ưu tiên hàng đầu. Viettel cũng như các đối tác khác khi có bất cứ yêu cầu gì dù là ngoài giờ hay các dịp nghỉ lễ tết đều được Huawei đáp ứng. Có thể nói là 24/7 không có chuyện không liên lạc được”, một cán bộ phụ trách của Huawei cho biết.

    Cũng trong thời kỳ 2004-2005 cùng với sự phát triển của Viettel sức bật của Huawei tại thị trường VN vượt lên hẳn so với các đối thủ khác. Trong khi Viettel liên tục tạo nên những cú sốc về giảm cước di động làm bùng nổ thị trường di động thì Huawei cũng âm thầm vượt lên trong một cuộc chiến khốc liệt không kém. Sự lớn mạnh của Huawei đồng nghĩa với việc các đại gia sản xuất thiết bị viễn thông từ châu Âu, Hoa Kỳ lần lượt bị đánh bật khỏi VN. Thị trường hạ tầng viễn thông tại VN từng bước trở thành sân chơi riêng của các doanh nghiệp Trung Quốc.

    “Chó sói” Huawei tràn ngập

    Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam công bố tháng 4.2013,  có tới 6/7 hãng viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE. Đặc biệt, hiện có hơn 30.000 trạm thu phát sóng (BTS) của các nhà mạng Việt Nam sử dụng thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc này.

    Riêng trong năm 2009, đã có hơn 5 triệu thiết bị như USB, modem, router của Huawei và ZTE đã được bán ra trên thị trường Việt Nam. Ông Trịnh Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin (VNISA) từng nhận xét rằng đây là mối lo về an ninh, an toàn cho viễn thông trong nước. Mặc dù không có thông tin chính thức và cụ thể từ các nhà mạng nhưng theo giới chuyên môn phần lớn hệ thống hạ tầng mạng viễn thông của VNPT (bao gồm cả Vinaphone, Mobifone và một số công ty khác), Viettel (gồm cả phần mạng của EVN Telecom trước đây được sát nhập về Viettel) cũng như các mạng nhỏ khác như Gmobile, Vietnamobile đều do Huawei, ZTE... cung cấp.

    Theo một chuyên gia đề nghị không nêu tên, là một quốc gia có quan hệ rất nhạy cảm với Trung Quốc việc hạ tầng mạng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào các công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE đã đặt ra nhiều nguy cơ và thách thức cho Việt Nam. “Mạng viễn thông Việt Nam liệu có bị nghe lén, giám sát, theo dõi hoặc bị đánh sập trong trường hợp xấu? Ngoài mạng viễn thông các hệ thống khác như ngân hàng, hệ thống điện lưới quốc gia vv có nguy cơ bị tấn công hay không?”

    Cho đến thời điểm hiện tại, đại diện các nhà mạng tại Việt Nam chưa từng lên tiếng về những vấn đề liên quan đến an ninh hạ tầng viễn thông xuất phát từ vấn đề thiết bị của Huawei. Thanh Niên Online đã liên hệ với Viettel, Mobifone, Vinaphone để tìm hiểu vấn đề liên quan đến Huawei, ZTE...nhưng đều không nhận được thông tin phản hồi.

    Trả lời Thanh Niên Online, một chuyên gia nổi tiếng về an ninh mạng người Việt hiện đang làm việc cho Google đã dẫn chiếu một số nghiên cứu từ các đồng nghiệp cho biết các dòng thiết bị của Huawei có rất nhiều lỗ hổng sơ đẳng, rất dễ khai thác. Tuy nhiên các lỗ hổng này chưa hẳn là backdoor mà có thể do Huawei chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề an toàn sản phẩm. Cũng theo chuyên gia này mặc dù chưa có ai phát hiện ra backdoor trong các thiết bị của Huawei nhưng vì chất lượng sản phẩm kém, người ta vẫn không cần phải có backdoor mới hack được các thiết bị Huawei. “Hơn nữa nhìn ở một góc độ nào đó thì mỗi lỗ hổng đều có thể được xem là một backdoor do lập trình viên cố ý tạo ra. Đó là ý kiến của những người ủng hộ giả thuyết Huawei có chứa backdoor của chính phủ Trung Quốc”, chuyên gia cho biết.

    Chuyên gia này cũng nhấn mạnh về trung hạn (5-10 năm) Việt Nam cần phải có được đội ngũ chuyên gia kỹ sư lành nghề. “Không có cách gì giải được bài toán an toàn thông tin mà không cần kỹ sư giỏi”. Về dài hạn (10-30 năm) thì Việt Nam cần phải giảm sự lệ thuộc công nghệ vào các nước khác, nhất là đối với các hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt quan trọng. “Bước đầu tiên mà chúng ta có thể làm là tự chủ về phần mềm, rồi sau đó tự chủ về phần cứng”, chuyên gia cho biết.
    Nhiều nước “cấm cửa” Huawei

    Nhờ chiêu thức giá rẻ và sự hậu thuẫn của chính quyền Trung Quốc,  đến nay Huawei đã hiện diện tại khoảng 140 quốc gia. Những nghi ngờ về việc Huawei có phải là một trong những công cụ phục vụ cho mục tiêu theo dõi và đánh cắp thông tin trên toàn cầu hay không vẫn đang gây nhiều tranh cã

    Trong khi hiện diện và được chào đón khắp châu Phi thì tại Ấn Độ, Huawei vấp phải sự tẩy chay mạnh mẽ với cáo buộc là mối đe dọa an ninh và những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tháng 3.2012 Úc đã quyết định cấm Huawei tham gia đấu thầu xây dựng mạng băng thông rộng quốc gia (NBN) mới của nước này. Quyết định của Úc được đưa ra dựa trên các nghiên cứu, điều tra và kiến nghị của  Cơ quan Tình báo An ninh Úc (ASIO).

    Sự nghi kỵ và cảnh giác lớn nhất dành cho Huawei đến từ Mỹ. Dù là một đại gia với thị phần đáng kể trên toàn cầu nhưng đến nay Huawei  vẫn chưa thể ký được hợp đồng nào với các hãng viễn thông khổng lồ của Mỹ như AT&T, Sprint, T-Mobile hay Verizon. Chính giới Mỹ tin rằng Huawei là công cụ của Bắc Kinh trong cuộc chiến tình báo nhắm tới Hoa Kỳ. Tháng 10.2012 sau một năm điều tra, Ủy ban tình báo Hạ viện Hoa Kỳ cũng công bố báo cáo cho biết, có bằng chứng rằng hai tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông TQ là Huawei và ZTE đang trở thành hiểm họa an ninh đối với Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Mike Rogers thậm chí kêu gọi các công ty Mỹ chấm dứt làm ăn với Huawei.

    Theo Chủ tịch Mike Rogers, trong suốt gần một năm điều tra, cả Huawei và ZTE đều tỏ thái độ bất hợp tác với Ủy ban Tình báo. Cơ quan này cũng cho biết họ đã nhận được những cáo buộc đáng tin cậy cho thấy Huawei có thể đã phạm tội hối lộ, tham nhũng, phân biệt đối xử và vi phạm bản quyền. Ủy ban tình báo Hạ viện Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu Ủy ban về đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS),  một hội đồng liên bộ phụ trách giám định các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia liên quan đến các thương vụ đầu tư nước ngoài vào Mỹ do Bộ trưởng tài chính đứng đầu, phải ngăn chặn mọi vụ sáp nhập tại Mỹ liên quan đến Huawei hoặc ZTE.

    Trước đó vào 2011, CFIUS từng phản đối việc Huawei mua lại 3leaf, một công ty sản xuất máy chủ bị phá sản, căn cứ trên những quan ngại về an ninh. Huawei sau đó cũng đã phải từ bỏ thương vụ này.

    Trong cuộc phỏng vấn hồi 7.2013 với tạp chí Australian Financial Review, Michael Hayden, người từng giữ chức giám đốc Cơ quan an ninh Mỹ (NSA) (1999-2005) và giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) (2006-2009) đã thẳng thừng khẳng định chuyện Huawei làm gián điệp cho Bắc Kinh là điều “không phải bàn cãi”. Theo Hayden, TQ đã tiến hành các hoạt động do thám toàn diện với phương Tây và ông này tin chắc rằng Huawei sẽ chia sẻ các thông tin họ có được với chính quyền TQ.

    James Lewis, một thành viên của CSIS và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao chuyên về các rủi ro công nghệ thương mại, cho rằng các nhận xét của Hayden phản ánh quan điểm của chính phủ Mỹ. "Các quan chức trong các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã từng nói riêng với tôi rằng Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia", Lewis cho biết.

    Năm 2012, Michael Maloof, nguyên chuyên gia phân tích chính sách bảo mật của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã cảnh báo chính quyền TQ có thể truy cập trên diện rộng đối với 80% thông tin liên lạc của thế giới. Theo chuyên gia này “năng lực” trên cho phép TQ có khả năng tiến hành hoạt động gián điệp công nghiệp từ xa và thậm chí phá hoại về mặt điện tử các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Hoa Kỳ và các nước công nghiệp khác.
    Trường Sơn
    http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi/cho-soi-huawei-va-nguy-co-cho-an-ninh-vien-thong-viet-nam-ky-5-cho-soi-huawei-da-cam-chan-o-viet-nam-nhu-the-nao-530912.html


    ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

    Huawei la Con ngua thanh Troy cua Trung Quoc
    Nguồn ảnh: www.cems360.biz

    Michael Hadey, một cựu quan chức tình báo Mỹ đã từng cáo buộc Huawei là gián điệp, trong khi một số quốc gia khác cũng lo ngại sự bành trướng của Huawei tại nước họ giống như Con ngựa thành Troy của Trung Quốc. 

    Ông Ren Zhengfei, người sáng lập tập đoàn cung cấp thiết bị viễn thông Huawei, từng là sĩ quan kỹ thuật của quân đội Trung Quốc.
    Theo tờ Business Spectator, ông Ren là người rất kín tiếng và không thích được phỏng vấn. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông mới chỉ trả lời phỏng vấn báo giới có 5 lần và lần gần nhất là tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, diễn ra vào tháng 1.2015.
    Trong cuộc phỏng vấn đó, ông Ren, người từng là sĩ quan kỹ thuật của quân đội Trung Quốc, đã trả lời hàng loạt câu hỏi về bản thân, về tập đoàn Huawei cũng như mối liên kết giữa Huawei và quân đội Trung Quốc.
    Cánh tay nối dài của Bắc Kinh?
    Loạt bài về Huawei trên báo TNO mới đây (bắt đầu từ 31.1.2015) đã trích báo cáo do Nathaniel Ahrens thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ (CSIS) công bố hồi tháng 2.2013, nói một điểm quan trọng là những hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đối với Huawei không chỉ là những nỗ lực để hỗ trợ cho một công ty đơn lẻ mà đây là một phần của sách lược dài hạn nhằm phát triển ngành công nghiệp viễn thông nội địa của nước này.
    Năm 2000, Huawei vẫn cung cấp các sản phẩm cho quân đội Trung Quốc và hiện nay dường như công việc này vẫn được tiếp tục. Các nghi vấn được đặt ra ở đây là bản chất của các sản phẩm mà Huawei cung cấp cho quân đội Trung Quốc là gì? 
    Huawei trả lời đó hoàn toàn là các sản phẩm dân sự và không có gì khác biệt so với những sản phẩm khác mà Huawei bán ra trên thị trường. Huawei cũng khẳng định những sản phẩm cung cấp cho quân đội chỉ chiếm khoảng 0,16% lượng hàng bán trong 2009 và 0,33% năm 2011. 
    Tuy nhiên, cũng có nghi vấn rằng trong những sản phẩm Huawei cung cấp cho (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc - PLA) có những thiết bị đặc chủng phục vụ cho mục đích quân sự.
    Theo CSIS, mặc dù rất khó để có thể nắm rõ được bản chất sự hỗ trợ từ phía chính quyền Trung Quốc, nhưng từ những thừa nhận của Huawei có thể thấy quan hệ của công ty này với chính quyền là một yếu tố có tính chất quyết định đối với Huawei.
    Đặc biệt, sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn khi vào giai đoạn đầu Huawei vẫn là một công ty còn vô cùng non yếu trong cuộc đấu với những đối thủ lớn.
    Nhiều cáo buộc cho rằng Huawei chính là những cánh tay nối tay của chính quyền và quân đội Trung Quốc nhằm theo dõi, đánh cắp thông tin trên toàn thế giới. Các thiết bị của Huawei, ZTE thậm chí còn được cho rằng, có thể cho phép Trung Quốc can thiệp thậm chí vô hiệu hóa hệ thống viễn thông, của một quốc gia nào đó trong trường hợp xảy ra xung đột.
    Nghi vấn con ngựa thành Troy
    Như vậy, câu hỏi lớn đầu tiên liên quan đến Huawei đó là liệu tập đoàn này có liên hệ gì với quân đội Trung Quốc hay không.
    Mối liên kết này hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành các cuộc “chiến tranh mạng” nhằm vào nước Mỹ và cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden cũng đã tiết lộ rằng, Bắc Kinh đã cố đánh cắp bản thiết kế chiếc máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ. 
    Với sự hỗ trợ của Huawei, điều này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
    Huawei la Con ngua thanh Troy cua Trung Quoc

    Ông Ren Zhengfei là người sáng lập Huawei - Nguồn ảnh: www.thetimes.co.uk
    Việc chủ tịch Ren đã phục vụ quân đội Trung Quốc cũng dễ khiến người ta nghi ngờ về mối quan hệ giữa Huawei và Chính phủ Trung Quốc. Dù ông đã giải thích về việc mình “tình cờ” trở thành binh sĩ như thế nào.
    Theo lời ông Ren, trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, Trung Quốc thiếu rất nhiều vải và các mặt hàng khác. Chính vì thế Chính phủ Trung Quốc đã nhập máy móc từ Đức về và xây dựng nhiều nhà máy tại các tỉnh vùng xa của nước này.
    Do không có các thợ cơ khí lành nghề tại đó, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu quân đội hỗ trợ việc lắp đặt máy móc và ông Ren đã gia nhập quân đội, trở thành một sĩ quan kỹ thuật điều hành các máy dệt vải nhập từ Đức. Sau đó, ông giải ngũ vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi Trung Quốc quyết định cắt giảm quân số để tập trung phát triển kinh tế.
    Ông Ren cũng không ngần ngại nói về việc mình luôn ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông luôn nhắc đi nhắc lại rằng: “Chúng tôi là một doanh nghiệp Trung Quốc và hiển nhiên là chúng tôi phải ủng hộ Đảng và chúng tôi yêu đất nước mình. Tuy nhiên, chúng tôi không làm tổn hại đến các nước khác và luôn tuân thủ các quy định và luật lệ toàn cầu”.
    Huawei cũng nhiều lần khẳng định họ là một doanh nghiệp tư nhân, bản thân Ren chỉ sở hữu trực tiếp 1,4% cổ phần, còn lại thuộc về công nhân viên của Huawei. Tuy vậy, chủ nhân thực của Huawei là ai vẫn luôn là một nghi vấn của dư luận.
    Nhằm gạt những hoài nghi về việc ai là chủ thực sự của tập đoàn, người sáng lập Huawei còn giải thích về cấu trúc của tập đoàn: “Chúng tôi có 80.000 cổ đông và họ đều làm việc cho Huawei. Tôi là cổ đông lớn nhất với 1,4% cổ phiếu của tập đoàn”.
    Nhưng CSIS cho biết, theo quy định hiện tại, cổ đông của Huawei được trả cổ tức hằng năm nhưng không được giao dịch cổ phiếu. Mặc dù có hàng ngàn nhân viên quốc tế nhưng Huawei quy định chỉ có công nhân viên Trung Quốc mới được quyền chia và sở hữu cổ phiếu. 
    Số lượng cổ phần của Huawei là bao nhiêu cũng là một con số chưa từng được công bố. Chưa được lên sàn chứng khoán nên giá trị, tài sản thực sự của Huawei hiện tại cũng vẫn là ẩn số.
    Danh tính thực sự sẽ dần được sáng tỏ
    Ông Ren đã trải qua mối quan hệ nhiều thăng trầm với Mỹ và ông là một người rất ngưỡng mộ các công nghệ cũng như phương pháp làm việc kiểu Mỹ.
    Tuy nhiên, ông cũng đã phải “ngậm đắng nuốt cay” khi Washington quyết định đẩy Huawei ra khỏi thị trường viễn thông Mỹ, vốn được coi là thị trường màu mỡ nhất thế giới.
    Ông Ren thừa nhận rằng Mỹ có thể duy trì vị thế hàng đầu về công nghệ của mình trong vài thập kỷ nữa, Huawei cũng không thể làm gì để thay đổi điều này.
    Người sáng lập Huawei cũng tiết lộ rằng, tệ nạn tham nhũng lan tràn trong tập đoàn của ông. Theo đó, khoảng 4.000-5.000 nhân viên của Huawei đã thú nhận việc họ ăn cắp vặt hoặc làm báo cáo giả. Vì vậy, đối thủ lớn nhất của Huawei chính là bản thân họ.
    Trong khi đó, Cục tình báo Hạ viện Mỹ đã coi Huawei và ZTE (cũng của Trung Quốc) là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước này.
    Thậm chí, ông Michael Hadey, một cựu quan chức tình báo Mỹ còn cáo buộc Huawei là gián điệp cho Trung Quốc.
    Còn ông Ren thì so sánh vai trò của Huawei đối với mạng lưới viễn thông toàn cầu như những chiếc ống nước.
    “Nước nằm trong ống chính là Internet. Mọi hoạt động tìm kiếm trên mạng là đều dựa vào Internet”, ông Ren nói, “chúng tôi được trả tiền để làm những chiếc ống nước đó”.
    “Tôi không nghĩ mình phải giải thích thêm gì về việc chúng tôi là ai. Danh tính thực sự của chúng tôi rồi sẽ được sáng tỏ. Chúng tôi không thể ngừng sản xuất, bán hàng và kiếm tiền. Nếu thế chúng tôi sẽ tồn tại ra sao?”, Ren nói thêm (theo Business Spectator).
    A.T tổng hợp từ VOV, TNO
    http://motthegioi.vn/tai-chinh-bat-dong-san/huawei-la-con-ngua-thanh-troy-cua-trung-quoc-150754.html