Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Việt Nam đầu tư mạnh cho giám sát, trinh sát Biển Đông

Tạp chí Jane’s bình luận, Việt Nam đang đầu tư mạnh cho giám sát, trinh sát biển để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly (trụ sở tại Anh) bình luận, với yêu cầu mang tầm chiến lược phải tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát).
Năng lực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam vẫn còn ở mức trung bình, tập trung chủ yếu phục vụ các hoạt động trên đất liền (chủ yếu chế tạo súng, súng cối, pháo…). Nhưng trong bối cảnh đang có nhiều hoạt động kinh tế trên biển, Hà Nội đã nhận ra tầm quan trọng của công tác trinh sát, kiểm soát vùng trời, vùng biển cũng như thông tin liên lạc.
Vì lẽ đó, trong vài năm trở lại đây, Việt Nam tích cực mua sắm thêm các phương tiện trinh sát, giám sát biển, nhất là các phương tiện bay không người lái.
Việt Nam đang xem xét đánh giá máy bay không người lái giám sát biển Heron-1 của Israel. 
Năm 2012, Việt Nam đã thỏa thuận với Nga và Thụy Điển để hợp tác cùng phát triển, sản xuất các phương tiện bay không người lái (UAV).
Ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng nỗ lực tự sản xuất các mẫu UAV với tầm hoạt động vừa và nhỏ để phục vụ trong quân đội và phát triển hệ thống điều khiển đặt dưới mặt đất cho các UAV này.
Bên cạnh đó, trong năm nay Bộ Quốc phòng Việt Nam đã khởi động một chương trình để mua một loại UAV nước ngoài đã được sản xuất và bán đại trà trên thị trường, nhằm dễ dàng kiểm định chất lượng, cũng như tìm kiếm phụ tùng thay thế.
Yêu cầu là loại UAV này phải có độ bền cao và hoạt động ở độ cao trung bình. Hệ thống máy bay không người lái giám sát biển Heron-1 của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Isarel (IAI) đang được xem xét.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã lên kế hoạch sản xuất một hệ thống thông tin liên lạc quân sự mới, mà theo truyền thông địa phương đưa tin thì nó sẽ có giá thành thấp hơn từ 3-4 lần so với thiết bị nhập khẩu.
Trong năm nay, Viettel cũng phát triển một hệ thống kiểm soát không lưu cho cho lực lượng không quân và không quân thuộc hải quân của Việt Nam.
 Việt Nam đã nhận bàn giao 2 trong 3 chiếc C-212-400.
Việt Nam đã mua 3 máy bay tuần tra biển CASA C-212-400 của hãng Airbus Military để trang bị cho Cảnh sát biển.
Những chiếc C-212-400 được xem là biến thể hiện đại nhất của dòng máy bay C-212, trang bị 2 động cơ tuốc bin cánh quạt TPE-331-12JR cho phép đạt tốc độ tối đa 360km/h, tuần tiễu liên tục 8 giờ, trần bay 3.300m, có khả năng cất cánh đường băng ngắn (khoảng 395m).
Thậm chí, C-212-400 còn thiết kế 2 giá treo cho phép mang 2 ngư lôi hạng nhẹ loại 324mm hoặc 2 ống phóng rocket hoặc súng máy.
Cũng theo Jane’s, Việt Nam có ý định mua máy bay tuần tra biển tầm xa P-3 Orion từ Tập đoàn Lockheed Martin.
Đối với loại P-3 Orion, tuy Mỹ chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí mà vì vậy những chiếc P-3 nếu bán cho Việt Nam sẽ không có vũ khí đi kèm. Nhưng, với việc sở hữu máy bay P-3 (hoạt động liên tục 16 giờ) sẽ góp phần tăng tầm, tăng thời gian tuần tra, trinh sát, giám biển cho Hải quân Việt Nam.
Ngoài C-212 và P-3, Việt Nam đã mua và sắp nhận bàn giao thủy phi cơ DHC-6 do Canada sản xuất. Những máy bay này sẽ biên chế cho Hải quân Nhân dân Việt Nam phục vụ công tác vận tải, chở khách, tuần tra, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
 Đài radar giám sát biển Coast Watcher 100 của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh việc mua sắm máy bay tuần tra biển, Việt Nam đã có nhiều sự đầu tư mua hệ thống radar giám biển. Gần đây, báo Quân đội Nhân dân đăng tải hình ảnh về loại radar Coast Watcher 100 có trang bị trong Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Hệ thống radar giám sát Coast Watcher 100 do Tập đoàn Thales Pháp chế tạo, được thiết kế cho nhiệm vụ giám sát bờ biển, phát hiện sớm từ xa các tàu thuyền lạ xâm nhập vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế.
Radar Coast Watcher 100 hoạt động ở băng tần X, tần số 300MHz, phạm vi phát hiện mục tiêu tới 170km ở góc phương vị 90 độ.
Cụ thể, nó có thể phát hiện các mục tiêu như: tàu thuyền nhỏ tàng hình có diện tích phản hồi sóng radar (RCS) 1m2 ở cự ly 45km; phát hiện máy bay tuần tra hàng hải có diện tích phản hồi radar 25m2 bay ở độ cao 170m ở cự ly 90km; tàu cá có RCS 50m2 chiều cao 3m trên mực nước biển từ cự ly 145km; tàu chiến có RCS 10.000m2, chiều cao 10m trên mực nước biển từ cự ly 170km.
Ngoài ra, theo Jane’s, Việt Nam đang có ý định mua hệ thống radar giám sát bờ biển tiên tiến của hãng Raytheon, Mỹ.
Lương Minh

http://kienthuc.net.vn/vu-khi/viet-nam-dau-tu-manh-cho-giam-sat-trinh-sat-bien-dong-251032.html

Việt Nam sở hữu radar rất mạnh của Israel

 Hệ thống radar EL/M-2228ER của Israel có tầm trinh sát tới 430km, đặc biệt là có thể phát hiện cả mục tiêu tên lửa đạn đạo.
Cảnh báo sớm đường không luôn là bộ phận cực kỳ quan trọng trong việc phát hiện sớm các mối đe dọa từ trên không. Lực lượng này được ví là những “đôi mắt” thần ngày đêm canh giữ bầu trời tổ quốc. Nếu không thể phát hiện sớm mục tiêu để cảnh báo cho các hệ thống vũ khí thì cho dù có được trang bị hệ thống phòng không hiện đại đến mấy cũng trở nên vô nghĩa.
Nhận thức được tầm quan trọng của lực lượng radar cảnh báo sớm nên thời gian qua Quân đội nhân dân Việt Nam đã được chú trọng đầu tư nhiều hệ thống radar cảnh báo sớm đường không trên mặt đất hiện đại. Theo một bài báo được đăng tải trên báo Quân đội Nhân dân thì Sư đoàn phòng không 363, Quân chủng Phòng không-Không quân đã được trang bị hệ thống radar cảnh giới tối tân EL/M-2288ER do Israel sản xuất.
Anten EL/M-2288 AD STAR có kích cỡ không quá lớn dù tính năng của nó thuộc hàng "khủng".
EL/M-2288ER là biến thể xuất khẩu của hệ thống radar cảnh báo sớm EL/M-2288 AD STAR. Radar này do ELTA Systems thuộc Israel Aerospace Industries(IAI) sản xuất. EL/M-2288 AD STAR là một radar phòng không tiên tiến được thiết kế để cung cấp giám sát đường không, cảnh báo sớm các mối đe dọa từ trên không và hỗ trợ giám sát không lưu trong môi trường lộn xộn.
EL/M-2288 AD STAR là radar 3D hoạt động ở băng tần S, nó được trang bị bộ vi xử lý tín hiệu kỹ thuật số có khả năng tự động theo dõi và phân loại mục tiêu. Radar này có những tính năng nổi bật như sau:
- Khả năng cơ động cao
- Thống nhất trong xử lý xung Doppler
- Khả năng định hình chùm tia kỹ thuật số hoàn toàn ở độ cao
- Tự động phân loại mục tiêu
- Khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo
- Khả năng kháng nhiễu ECCM tiên tiến
- Hệ thống nhận dạng bạn-thù IFF tích hợp
- An-ten và phòng điều khiển được thiết kế chung trên một container giúp hệ thống gọn nhẹ hơn
- Triển khai một cách nhanh chóng và dễ dàng vận chuyển đến chiến trường bằng xe tải hay máy bay
- Có thể hoạt động một cách độc lập hoặc một phần trong hệ thống phòng không tích hợp.
Biến thể EL/M-2288ER xuất khẩu cho Việt Nam có thể phát hiện mục tiêu cách xa 430km.
An-ten của radar có khả năng quét 360 độ, phạm vi tìm kiếm mục tiêu tới 480km với biến thể EL/M-2288 AD STAR, biến thể EL/M-2288ER mà Việt Nam đang sử dụng có phạm vi tìm kiếm mục tiêu 430km. Điểm mạnh của EL/M-2288 là nó có khả năng phát hiện mục tiêu với độ chính xác rất cao, đặc biệt là những mục tiêu nhỏ, tốc độ cao như tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo.
Sự xuất hiện của một hệ thống radar cảnh giới do Israel sản xuất trong biên chế lực lượng phòng không Việt Nam là một bất ngờ. Điều bất ngờ hơn nữa là hệ thống radar cảnh giới này mới được ELTA Systems giới thiệu trong năm 2011.
Trước đó, theo một nguồn tin được đăng tải trên Airforce-technology vào tháng 3/2012 ELTA Systems đã ký hợp đồng trị giá 33 triệu USD cung cấp hệ thống radar cảnh báo sớm tối tân EL/M-2288 AD STAR đầu tiên cho một khách hàng nước ngoài giấu tên.
Dựa vào thông tin trên cùng với sự xác nhận của báo Quân đội Nhân dânthì có thể nhận định rằng không loại trừ khả năng Việt Nam chính là khách hàng đầu tiên của hệ thống radar cảnh báo sớm tối tân này. Sự có mặt của radar cảnh báo sớm tối tân EL/M-2288 AD STAR sẽ nâng cao đáng kể khả năng cảnh giới của Việt Nam.
Cùng với các hệ thống radar cảnh giới hiện đại khác như Kolchuga,55Zh6UE NEBO-UEVostock-EP-18M36D6M … sẽ cho phép lực lượng phòng không Việt Nam đối phó hiệu quả với mọi mục tiêu đường không.
Bình Đứchttp://kienthuc.net.vn/vu-khi/tiet-lo-soc-viet-nam-so-huu-radar-rat-manh-cua-israel-310485.html

Trung Quốc theo dõi cực kỳ chặt chẽ, Việt Nam đủ sức chống can thiệp

 Trung Quốc theo dõi cực kỳ chặt chẽ chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Việt Nam và họ có một sự tôn trọng rộng rãi đối với quân đội Việt Nam nói chung.

Chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam chắc tay súng bảo vệ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: Vietnam News.
Ngày 29/9 giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc có bài phân tích trên The Diplomat về khả năng chống can thiệp của đối thủ trên Biển Đông mà Việt Nam đang xây dựng sau chương trình hiện đại hóa quốc phòng của mình.
Dẫn bình luận của Đô đốc hải quân Hoàng gia Anh đã nghỉ hưu James Goldrick, việc Việt Nam mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga cho thấy người Việt đang cố gắng làm một cái gì đó rất nhanh chóng mà không có lực lượng hải quân nào thành công trên quy mô tương tự với xuất phát điểm hạn chế như vậy.
Câu trả lời cho câu hỏi có hay không khả năng Việt Nam có thể sử dụng tốt lực lượng tàu ngầm này và tạo ra khả năng răn đe, ngăn chặn đang tin cậy trên Biển Đông đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn với những đánh giá của các chuyên gia, các nhà quan sát về hoạt động của lực lượng tàu ngầm đang tiến hành tuần tra dọc bờ biển Việt Nam.
Ngoài ra, lực lượng bộ đội tàu ngầm Việt Nam đang trải qua chương trình đào tạo theo học thuyết chiến tranh và chiến thuật tàu ngầm tại Trung tâm Tàu ngầm Ấn Độ INS. Quan điểm của các nhà phân tích quốc phòng về khả năng chống can thiệp hiệu quả của Việt Nam trên Biển Đông, chống lại các hành động bành trướng của Trung Quốc đã dần thay đổi từ chỗ hoài nghi đến lạc quan.
Những dấu hỏi hoài nghi về năng lực của Hải quân Việt Nam ngăn chặn xâm nhập trên Biển Đông và lời giải đáp
Zachary Abuza, một nhà khoa học chính trị tại đại học Simmons ở Boston đã có 2 bài viết về vấn đề này đăng tải trên trang Cogit Asia và blog của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) có những đánh giá tiêu cực về khả năng quốc phòng ngày càng tăng của Việt Nam.
Trong bài viết đầu tiên, Abuza khẳng định rằng sức mạnh cốt lõi của Hải quân Việt Nam bao gồm 11 tàu ngầm lão hóa từ thời Liên Xô và 5 tàu khu trục trang bị vũ khí lỗi thời. Không có gì mới. Cũng không có gì vừa được nâng cấp. Ông dánh giá, sẽ mất nhiều năm để Việt Nam thực hiện hiện đại hóa Hải quân cũng như phát triển các học thuyết và chiến thuật mới sử dụng công nghệ này. Abuza kết luận, vũ khí tốt nhất của Việt Nam ở Biển Đông vẫn là ngoại giao và luật pháp quốc tế.
Giáo sư Carl Thayer bình luận, Abuza đã nhầm lẫn về hệ thống vũ khí của Hải quân Việt Nam, bao gồm 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Tarantul V hoặc Molniya và một tàu hộ tống lớp BPS - 500 thời Liên Xô, trong đó chiếc BPS - 500 vừa mới được nâng cấp đáng kể năm 2013.
Chào cờ trên tàu ngầm Hà Nội. Lực lượng tàu ngầm hiện đại của Việt Nam được đưa vào sử dụng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: Vietnam News.
Ngoài ra Abuza đã nhầm lẫn rằng Việt Nam đã mua 6 tàu khu trục từ Ấn Độ. Thực tế Việt Nam không mua tàu khu trục nào của Hải quân Ấn Độ, mặc dù gần đây New Delhi đã cung cấp cho Việt Nam gói tín dụng 100 triệu USD để mua sắm tàu tuần tra biển, nhưng giao dịch vẫn chưa hoàn thành.
Khi đội hình 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Molniya, tàu hộ tống BPS-500 được tăng cường thêm 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tàng hình lớp Gepard 3.9 (được trang bị tên lưa chống hạm 3M24 Uran) và 2 tàu hộ tống lớp Sigma của Hà Lan với trang bị tên lửa chống hạm Exocet 6 cùng 6 tàu tấn công nhanh lướp Svetlyak mang tên lửa chống hạm, lực lượng mặt nước của Hải quân Việt Nam đã xuất hiện với sự vượt trội đáng kể.
Trong bài viết thứ 2 của mình, Abuza thừa nhận rằng Việt Nam đã nâng cấp đáng kể đội tàu từ thời Liên Xô với việc mua lại tàu khu trục lớp Gepard của Nga và tàu hộ tống lớp Sigma của Hà Lan. Tuy nhiên Abuza bác bỏ khả năng lực lượng này có thể hình thành lực cản đáng tin cậy trong so sánh tương quan lực lượng với Trung Quốc ở Biển Đông.
Abuza lập luận rằng để có năng lực ngăn chặn đáng tin cậy phải đáp ứng 4 tiêu chí: Đáng tin cậy, hợp tỷ lệ, truyền đạt rõ ràng và nhắm vào những mục tiêu giá trị của đối phương. Abuza đánh giá tích cực đối với 2 tiêu chí đầu tiên, 1 kết quả trung bình cho tiêu chí thứ 3 và số 0 cho tiêu chí thứ 4.
Học giả này cho rằng lực lượng tàu ngầm của Việt Nam sẽ không thể ngăn cản Trung Quốc vì Bắc Kinh có thể sẵn sàng hy sinh một vài chiến hạm mặt nước để ưu tiên chiếm thế thượng phong. Ngoài ra, khả năng ngăn chặn bất đối xứng của Việt Nam không đáng tin cậy trước các hoạt động bán quân sự của phía Trung Quốc. 
Đối với khẳng định thứ 2 của Abuza, theo Carl Thayer thì ngoài Nhật Bản, chưa có lực lượng hải quân nào trong khu vực phát triển được rào cản đối với hoạt động (bất hợp pháp) của hải cảnh Trung Quốc.
Đối với tiêu chí thứ 4, Abuza kết luận rằng Việt Nam không đủ khả năng gây thiệt hại cho Trung Quốc vì người Việt không thể chống lại một cuộc xung đột kéo dài với láng giềng lớn xác kể cả về kinh tế lẫn quân sự. Và đó là lỗ hổng lớn trong khả năng răn đe của Việt Nam. Ngoài ra quân đội Trung Quốc có thể phản ứng bằng thủ đoạn leo thang theo những cách "đe dọa đến hoạt động của bộ máy nhà nước của Việt Nam".
Trung Quốc phải tự lượng sức mình trước khi có ý định xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam
Tuy nhiên các nhà phân tích khác lưu ý rằng, chiến lược răn đe của Việt Nam không được thiết kế để đối đầu với Trung Quốc trong một cuộc xung đột kéo dài. Thay vào đó nó nhằm mục đích ngăn chặn Trung Quốc từ khi có nguy cơ xung đột bằng cách buộc hải quân Trung Quốc phải tiên lượng được rủi ro nếu can thiệp quá sâu vào việc hỗ trợ hoạt động (phi pháp) của lực lượng tàu dân sự - công vụ.
Trung Quốc không ngừng nhòm ngó và bành trướng trên Biển Đông, xâm phạm các vùng biển của Việt Nam gây căng thẳng trong khu vực. Hình minh họa.
Lyle Goldstein, một giáo sư tại Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ đã tham khảo đánh giá của giới học giả Trung Quốc về năng lực quân sự Việt Nam đã nhấn mạnh, các nhà hoạch định quốc phòng Trung Quốc theo dõi cực kỳ chặt chẽ chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Việt Nam và họ có một sự tôn trọng rộng rãi đối với quân đội Việt Nam nói chung, bao gồm cả lực lượng Không quân.
Goldstein cho biết, các tàu ngầm Kilo của Việt Nam có thể tung ra những đòn đánh chết người với một hoặc hai quả ngư lôi hay tên lửa hành trình chống hạm. Trương Bảo Huy, một chuyên gia về an ninh từ đại học Kỵ Nam, Hồng Kông đồng tình với nhận xét này. Ông Huy cho biết các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc đang lo ngại về lực lượng tàu ngầm của Việt Nam. "Về mặt lý thuyết, người Việt đang ở đúng thời điểm họ có thể đưa chúng vào sử dụng trong chiến đấu", ông Huy nhận xét.
Tuy nhiên Goldstein cho biết, các nhà phân tích Trung Quốc đã xác định 2 điểm yếu quan trọng trong chiến lược quân sự của Việt Nam: Thiếu kinh nghiệm vận hành sử dụng hệ thống vũ khí phức tạp và thiếu khả năng giám sát, xác định mục tiêu và kiểm soát thế trận. Điều này khiến giới chức quốc phòng Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh có thể chiếm ưu thế trong bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào với người Việt.
Goldstein đi đến kết luận, chiến lược tốt nhất cho Việt Nam đối với Trung Quốc là hy vọng có đủ lực lượng để ngăn chặn, đồng thời theo đuổi chính sách giải quyết tranh chấp thông qua ngoại giao. Các học giả khác như Gary Li, Brian Benedictus, Robert Farley, Collin Koh và Siemon Wezeman thì đưa ra những đánh giá lạc quan thận trọng với chiến lược chống can thiệp của Việt Nam.
Việt Nam có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho thế trận phòng thủ, tấn công
Gary Li, một chuyên gia an ninh hàng hải IHS ở Bắc Kinh ngay từ 1 năm trước đã ghi nhận rằng, lợi thế vị trí địa lý và hoạt động tăng cường năng lực cho Hải quân của Việt Nam đã trở thành "bộ sưu tập" ven bờ. Trong đó Gary Li lưu ý đển lực lượng pháo binh, tên lửa ven biển của Việt Nam đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Hải quân.
Trong một đánh giá mới đây, Gary Li một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của vị trí địa lý mà Việt Nam thừa hưởng trong tương quan với Trung Quốc. Việt Nam đang kiểm soát số lượng các đảo lớn nhất và nhiều nhất ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), trong khi Trung Quốc phải cơ động 1 khoảng cách rất lớn để tới vùng biển này. Lực lượng tàu hộ tống, tàu ngầm trang bị tên lửa của Việt Nam có thể tấn công và rút vào trú ẩn theo ý muốn, trong khi hạm đội của Trung Quốc ít nhiều cũng sẽ bị tổn thất.
Giáo sư Carl Thayer.
Đồng thời, lực lượng tàu ngầm Kilo của Việt Nam có khả năng phá vỡ trận địa tàu ngầm đối phương trong một cuộc xung đột quân sự theo nhiều cách khác nhau. Benedictus cũng đồn ý với nhận xét của Gary Li về tầm quan trọng của các yếu tố địa lý.
Việt Nam ở gần Trường Sa hơn nhiều so với khoảng cách từ đảo Hải Nam, Trung Quốc. Đáng lo ngại cho Bắc Kinh khi những con tàu của họ dễ dàng trở thành con mồi cho các tàu ngầm nếu xung đột xảy ra. Triển vọng Việt Nam một ngày nào đó có khả năng tấn công tích hợp bằng hạm đội tàu ngầm sẽ là một mối quan tâm nghiêm trọng.
Robert Farley đã củng cố những lập luận của Gary Li và Benedictus trong bài viết về 5 loại vũ khí Việt Nam mà Trung Quốc cần chú ý. Ông liệt kê ra chiến đấu cơ Sukhoi, tàu ngầm Kilo, tên lửa hành trình P-800 Onyx, tên lửa S-300 và vị trí địa lý đặc biệt.
Tên lửa hành trình P-800 Onyx có thể được phóng từ máy bay, chiến hạm mặt nước, tàu ngầm và kể cả bệ phóng trên đất liền ven biển. Những tên lửa này có thể tấn công tàu Trung Quốc từ nhiều hướng, bất ngờ và áp đảo so với hệ thống phòng không của hải quân Trung Quốc.
S-300 là hệ thống tên lửa phòng không tinh vi nhất trên thế giới, theo Farley nó có thể theo dõi hàng chục mục tiêu ở khoảng cách lên đến 75 dặm, được sử dụng kết hợp với lực lượng Không quân Việt Nam sẽ khiến cho đối phương gặp nhiều khó khăn. Hệ thống S-300 có thể được sử dụng để bảo vệ vịnh Cam Ranh và các căn cứ hải quân quan trọng khác.
Và cuối cùng Farley lưu ý là lợi thế không gian, địa hình của Việt Nam có thể giúp ngăn chặn Trung Quốc phát động một cuộc chiến tranh trên mặt đất. Cả Farley, Gary Li và Benedictus đều có chung kết luận, Việt Nam không muốn một cuộc chiến tranh toàn diện với Trung Quốc, đặc biệt là những cuộc chiến tranh có thể hủy diệt các vũ khí đắt tiền. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần phải hiểu rằng quân đội Việt Nam được xây dựng để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc, các học giả này nhận định.
Collin Koh từ trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng Việt Nam sẽ sử dụng tàu ngầm của mình trong các hoạt động ngăn chặn xâm nhập ngoài khơi bờ biển của mình và quần đảo Trường Sa một khi lực lượng được biên chế đầy đủ.
Siemon Wezeman từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho rằng người Việt đã thay đổi toàn bộ kịch bản, Việt Nam có tàu ngầm, có thủy thủ và xuất hiện với kinh nghiệm sẽ được phát triển từ thời điểm này. Từ quan điểm giả định của Trung Quốc, khả năng ngăn chặn của Việt Nam là rất thực tế.
Ông Carl Thayer kết luận, khi tất cả các vũ khí hiện tại và tương lai Việt Nam trang bị được đưa vào biên chế, rõ ràng Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng để phát triển khả năng mạnh mẽ chống lại sự can thiệp trên biển từ một thế lực đối địch. Điều này đã tạo ra sự phát triển của chiến lược chống can thiệp tích hợp hệ thống pháo và tên lửa trên bờ, chiến đấu cơ đa năng Sukhoi, tàu hộ tống và tàu khu trục mang tên lửa cùng lực lượng tàu ngầm Kilo.
Hệ thống vũ khí của Việt Nam sẽ khiến Trung Quốc phải cực kì tốn kém nếu họ (manh động) tiến hành các hoạt động (bất hợp pháp, xâm phạm) trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt là phía Đông Bắc Đà Nẵng và bờ biển phía Nam.
Mục đích của chiến lược chống can thiệp mà Việt Nam thiết kế theo giáo sư Carl Thayer là nhằm ngăn chặn Trung Quốc triển khai tàu chiến (bất hợp pháp), chẳng hạn như hỗ trợ các tàu dân sự, công vụ hoạt động (trái phép) trong vùng biển Việt Nam hay phong tỏa các đảo Việt Nam đang chốt giữ trên Biển Đông.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Trung-Quoc-theo-doi-cuc-ky-chat-che-Viet-Nam-du-suc-chong-can-thiep-post150434.g
d

Tập Cận Bình họp 15 tướng lĩnh hàng đầu, chỉ thị phải đánh thắng

Tập Cận Bình nói rằng quân đội Trung Quốc đã được tổ chức thành các Bộ Tư lệnh theo mô hình mới.

Ông Tập Cận Bình tiếp các sĩ quan chỉ huy các đơn vị chủ lực quân đội Trung Quốc về Bắc Kinh dự họp.

Tờ Times of India ngày 23/9 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cất nhắc 3 tướng lĩnh gần gũi với ông đồng thời yêu cầu quân đội nước này cải thiện năng lực sẵn sàng chiến đấu, nâng cao khả năng chiến thắng trong một cuộc chiến tranh khu vực thời buổi công nghệ thông tin.
Đây không phải lần đầu tiên Tập Cận Bình đưa ra một tuyên bố như vậy, nhưng vẫn khiến truyền thông Ấn Độ chú ý khi quân đội 2 nước đang "gầm ghè" nhau ở khu vực biên giới Chumar miền Đông Ladakh.
15 tướng lĩnh hàng đầu Trung Quốc đã được Tập Cận Bình triệu tập về Bắc Kinh hôm Chủ Nhật để tham dự hội nghị quân chính thảo luận về việc cải cách bộ máy quân đội. Nội dung chuyên môn đặt dưới sự chủ tọa của Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc.
Phát biểu trong cuộc họp này, ông Bình cho biết các tướng Trung Quốc cần có sự hiểu biết tốt hơn về các tình huống an ninh quốc tế và trong nước. Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố của Quân ủy trung ương kêu gọi các đơn vị toàn quân đội Trung Quốc thực hiện chỉ thị của ông Tập Cận Bình và cập nhật các hoạt động của mình, đáp ứng mục tiêu và nhiệm vụ theo phân công của Quân ủy trung ương.
Tập Cận Bình đòi hỏi quân đội Trung Quốc phải cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu, nâng cao năng lực giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh khu vực. Cuộc họp này của quân đội Trung Quốc tập trung vào việc tinh giản bộ máy các đơn vị chủ lực, nâng cao sức chiến đấu và điều chỉnh một số giao thức quan trọng.
Lính Trung Quốc, hình minh họa.
Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh hôm Thứ Hai rằng không cần thiết phải nghi ngờ về vấn đề biên giới Trung - Ấn. Các nhà lãnh đạo 2 nước đã đạt được đồng thuận quan trọng về chính trị, giải quyết vấn đề bằng cơ chế thân thiện.
Theo Bưu điện Hoa Nam ngày 23/9, trong buổi tiếp chỉ huy các đơn vị chủ lực quân đội Trung Quốc ngày Thứ Hai sau phiên họp hôm Chủ Nhật, Tập Cận Bình nói rằng quân đội Trung Quốc đã được tổ chức thành các Bộ Tư lệnh theo mô hình mới.
"Trước tình hình an ninh quốc gia có nhiều diễn biến mới và đòi hỏi của việc củng cố quốc phòng, quân đội phải phấn đấu tổ chức thành các Bộ Tư lệnh mới theo hướng dẫn và có kỹ năng trong việc hoạch định các chiến lược tác chiến", Tân Hoa Xã trích lời Tập Cận Bình cho biết.
Bản tin trên Tân Hoa Xã không cung cấp thêm thông tin cụ thể về mô hình Bộ Tư lệnh mới này. Đầu năm nay Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết họ đang tìm hiểu về một cơ chế tổ chức mới cho phép hiệp đồng quân binh chủng hiệu quả, chỉ huy tác chiến thông suốt.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Tap-Can-Binh-hop-15-tuong-linh-hang-dau-chi-thi-phai-danh-thang-post150207.g
d

TQ diễn tập giả định xung đột Biển Đông, Quảng Châu bị không kích

"Quân địch" tấn công các đảo, bãi đá Trung Quốc đang chiếm đóng (bất hợp pháp) trên Biển Đông. Tin tình báo cho biết, "quân địch" sẽ không kích...

Lực lượng pháo binh Trung Quốc tham gia diễn tập phòng không tại Quảng Châu hôm 27/9.

Tờ Đô thị Phương Nam ngày 28/9 đưa tin, hôm 27/9 quân khu Quảng Châu đã triển khai một cuộc diễn tập phòng không để đối phó với một cuộc không kích tiềm ẩn nhằm vào Quảng Châu cũng như các thành phố lớn khác ở miền Nam Trung Quốc một khi nổ ra xung đột ở Biển Đông.
Theo kịch bản của cuộc diễn tập, lực lượng không quân đối phương đã tấn công vào sân bay quốc tế Bạch Vân, các cảng khẩu, hệ thống thông tin liên lạc cũng như các mục tiêu quan trọng khác. Tất cả lực lượng quân sự chính quy và dự bị động viên của 12 quận huyện trong thành phố được điều động đối phó với không kích.
Trần Kiến Hoa, Thị trưởng Quảng Châu làm chỉ huy trưởng diễn tập. Còi báo động không kích vang lên lúc 10 giờ trưa 27/9 bắt đầu cuộc diễn tập "Lá chắn Dương Thành 2014" với 3 giai đoạn: Tổ chức lực lượng, chỉ huy khống chế hành động của đối phương và kết thúc diễn tập lúc 11 giờ 30 phút.
Kịch bản của cuộc diễn tập lần này là một ngày nào đó "quân địch" liên tục khiêu khích quân Trung Quốc trên Biển Đông để "tranh cướp tài nguyên" làm gia tăng căng thẳng. "Quân địch" tấn công các đảo, bãi đá Trung Quốc đang chiếm đóng (bất hợp pháp) trên Biển Đông. Tin tình báo cho biết, "quân địch" sẽ không kích vào các thành phố trọng điểm ven biển miền Nam Trung Quốc.
Tờ Vượng Báo xuất bản tại Đài Loan ngày 29/9 dẫn bình luận của tạp chí quốc phòng Kanwa cho rằng, Mỹ rất có thể là quốc gia có khả năng khởi động 1 cuộc không kích vào miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên Không quân Việt Nam cũng có khả năng tấn công các mục tiêu trong khoảng cách tương tự với lực lượng chiến đấu cơ Su-30MK2V mua từ Nga.
Thông tấn xã Đài Loan ngày 28/9 cho biết, chỉ tính trong tháng này quân đội Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 6 cuộc diễn tập, tập trận. Chuyên gia Trung Quốc cho rằng hoạt động tập trận liên tục như vậy không chỉ thể hiện thực lực "không sợ bên ngoài uy hiếp" mà còn nhằm vào Mỹ.
Theo tờ China News, trong số 6 cuộc tập trận này đáng chú ý là hoạt động của lữ đoàn phòng không số 9 tập đoàn quân 14, quân khu Thành Đô có tên gọi "Hỏa lực 2014". Đây là cuộc tập trận thực binh thực đạn xuyên khu vực. Ở Hoa Đông, quân đội Trung Quốc triển khai tập trận "Hải thần 2014" tập trung huấn luyện khả năng chi viện binh, hỏa lực trên không, mặt nước và tàu ngầm.
Cuối tháng 9 Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận "Hỏa lực 2014 Tam Giới" huy động hơn 20 ngàn quân đến từ 10 lữ đoàn pháo binh, phòng không của 6 đại quân khu hiệp đồng tác chiến. Trên Biển Đông, hôm 23/9 Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận "Hành động liên hợp 2014A" với sự tham gia của lực lượng hải quân, không quân và tên lửa chiến lược.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/TQ-dien-tap-gia-dinh-xung-dot-Bien-Dong-Quang-Chau-bi-khong-kich-post150437.g
d

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Mỹ lo ngại năng lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc

 Việc Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất DF-41 khiến Mỹ lo ngại về tiềm lực hạt nhân của Trung Quốc cả trên bộ lẫn trên biển, trong bối cảnh Mỹ và Nga cắt giảm vũ khí hạt nhân, theo báo Stars & Stripes ngày 26.8.

Tên lửa được cho là DF-41 đang phát triển của Trung Quốc - Ảnh: Washington Free Bacon
Theo báo này, đầu tháng 8.2014, Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Thiểm Tây đưa lên mạng một bản tin trong đó có nói về một địa điểm nghiên cứu phát triển tên lửa liên lục địa mới nhất Đông Phong 41 (DF-41). Loại tên lửa này được Bộ Quốc phòng Mỹ đầu năm nay ghi nhận sự tồn tại, và cho đó là tên lửa đặt trên giàn phóng trên xe tải, có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân.
Lâu nay người ta đồn đoán về loại tên lửa này dù Trung Quốc phủ nhận cho đến khi bản tin của Trung tâm môi trường tỉnh Thiểm Tây tiết lộ. Và sau đó bản tin này bị rút xuống.
Cũng trong tháng 8, Trung Quốc thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo đặt trên giàn phóng di động đang hoạt động là DF-31A.
Mỹ cũng dự báo Trung Quốc sắp đưa vào hoạt động các tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân vào năm nay, sau khi cho hoạt động máy bay ném bom HK-6 có tầm bay xa gần 3.200 km có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc có bộ ba vũ khí hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không theo tiêu chuẩn hàng chục năm trước đây của Mỹ để có thể sống sót trong một cuộc chiến hạt nhân.
Tuy vậy, theo các nhà phân tích, bộ ba vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vẫn còn mất cân bằng rất nhiều khi phải lệ thuộc vào tên lửa trên đất liền, do máy bay của họ không thể bay rất xa và tàu ngầm thì có thể không hoạt động tin cậy.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Trung Quốc, nước có chính sách "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên", lại đang nâng cấp vũ khí hạt nhân vào lúc mà Nga và Mỹ đang cắt giảm số vũ khí hạt nhân của đôi bên ?
Các lãnh đạo quân đội Trung Quốc cho rằng nước này tụt hậu so với Mỹ nên tư thế hạt nhân của họ không phải là biện pháp tấn công răn đe hiệu quả. Thậm chí tướng Yao Yunzhu, giám đốc Trung tâm quan hệ quốc phòng Trung Quốc - Mỹ, thuộc Viện hàn lâm khoa học quân sự Trung Quốc, trong bức thư gửi hội thảo Thái Bình Dương do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) hồi năm ngoài, có nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ và đồng minh đã và đang triển khai đều có khả năng đánh chặn vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sau khi đã bị tấn công, do đó có khả năng làm mất tác dụng răn đe của kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là có 250 đầu đạn hạt nhân so với 2.104 đầu đạn hạt nhân đang triển khai của Mỹ và hàng ngàn đầu đạn khác mà Mỹ đang dự trữ, theo số liệu của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ.
Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng kho dự trữ hạt nhân của họ đang có nguy cơ bị xóa sổ bởi máy bay, tên lửa và các phương tiện thông thường khác của Mỹ trong một cuộc chiến tranh theo giả thuyết, điều này khiến họ có hai lựa chọn để bảo vệ khả năng hạt nhân của Trung Quốc: Tăng cường khả năng tấn công tiềm năng, hoặc từ bỏ chính sách Không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên để tìm điều gì đó đáng sợ hơn.
Hiện tại có lẽ Trung Quốc chọn khả năng đầu tiên.
Tên lửa liên lục địa chủ lực DF-31A của Trung Quốc - Ảnh: ausairpower.net
 Tàu ngầm nguyên tử 094 lớp Tấn có khả năng mang tên lửa hạt nhân - Ảnh: china-defense.blogspot.com
Trung Quốc đã đóng 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn, có khả năng mang tên lửa hạt nhân JL-2 bắn xa đến 7.400 km. Loại tàu ngầm trang bị tên lửa này sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm 2014, theo dự báo của Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, đô đốc Samuel Locklear.
Tuy nhiên sự sống còn của loại tàu ngầm lớp Tấn là điều đáng quan tâm khi lớp tàu ngầm mới này của Trung Quốc lại gây tiếng ồn dưới nước còn lớn hơn cả lớp tàu ngầm Delta II của Liên Xô có từ 30 năm trước, theo báo cáo của Văn phòng tình báo hải quân Mỹ năm 2009. Tiếng ồn chính là sát thủ của tàu ngầm, và Mỹ có nhiều phương tiện nghe được âm thanh này.
Mặc dù Trung Quốc có thể phát triển một giải pháp khắc phục tiếng ồn, nhiều nhà phân tích Mỹ cho rằng lỗ hổng trong thiết kế các khoang tên lửa và hầm tàu đã khiến tàu ngầm lớp Tấn chưa được hoàn thiện. Trung Quốc cũng không có kinh nghiệm về chỉ huy và kiểm soát các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại có nhiều kinh nghiệm với tên lửa phóng từ đất liền, cũng là lựa chọn duy nhất về khả năng tấn công lục địa Mỹ.
Từ quan điểm đó, việc hiện đại hóa tên lửa trên đất liền có ý nghĩa nhiều hơn, theo phân tích của giáo sư Vipin Narang (đại học công nghệ Massachussette – MIT).
Bên cạnh bất kỳ cuộc tấn công thông thường, một vũ khí hạt nhân giáng trả của Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh giả tưởng sẽ phải vượt qua ba hệ thống phòng thủ chính của Mỹ: Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis đặt trên các tàu chiến bố trí tại  Nhật Bản và ở Tây Thái Bình Dương; hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung trên mặt đất; và hệ thống phòng thủ trên không gian.
Từ năm 2011, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã bắn hạ 65 trên 81 tên lửa trong các thử nghiệm.
Loại tên lửa liên lục địa hiện tại của Trung Quốc, DF-31A có tầm bắn 11.200 km, mỗi tên lửa mang theo tối đa 3 đầu đạn có thể bắn tới 3 mục tiêu.
Còn tên lửa DF-41 ít nghe nói, dù báo chí Trung Quốc tiết lộ sự tồn tại của nó vài năm gần đây. Năm 2012, đài truyền hình CCTV cho biết loại tên lửa này có tầm bắn 14.000 km, và có tin nói tên lửa này mang 10 đầu đạn hạt nhân (cả đầu đạn thật và giả để đánh lừa), có tốc độ gấp 25 lần vận tốc âm thanh, khiến không vũ khí nào có thể cản được nó v.v.
Loại tên lửa mang nhiều đầu đạn thế này khiến Mỹ và Nga tuy có phát triển nhưng lo ngại mối nguy hiểm của nó nên đã ký hiệp ước START II cấm phát triển chúng. Nhưng do một số vấn đề nội bộ ở Thượng viện Mỹ và Duma quốc gia Nga nên START II chưa thực hiện được.
Chiến hạm Mỹ USS Lake Erie thử nghiệm tên lửa đánh chặn SM-3 vào tháng 9.2013. Trung Quốc cho rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa như thế này của Mỹ khiến Trung Quốc phải nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình - Ảnh: Cục phòng thủ tên lửa Mỹ
Tuy Mỹ và Trung Quốc chưa đối đầu thù địch như kiểu giữa Mỹ và Liên Xô thời chiến tranh lạnh, nhưng vẫn còn tồn tại những xung đột có thể dẫn đến đụng độ vũ trang.
Đó là việc Mỹ cam kết bảo vệ Đài Loan và quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, là những lãnh thổ Trung Quốc muốn duy trì chủ quyền.
Tuy vậy, thậm chí nếu có xảy ra một cuộc xung đột vũ trang, có những dấu hiệu tích cực cho thấy xung đột đó sẽ không leo thang đến kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân.
Lý do, theo giáo sư Narang, là Trung Quốc chưa thể phát triển được hệ thống cảnh báo sớm và khả năng tình báo để có được điều gì đó nhiều hơn là một cuộc tấn công ngăn chặn trả đũa. Như vậy trừ khi Mỹ hay nước nào tấn công hạt nhân đầu tiên, Trung Quốc sẽ không ở vào vị trí thuận lợi để sử dụng các vũ khí hạt nhân của mình. “Một sự thay đổi từ tư thế cơ bản 'yên tâm trả thù' dường như chưa thể xảy ra”, giáo sư Narang nói.
http://tinnong.vn/pages/20140828/my-lo-ngai-nang-luc-vu-khi-hat-nhan-cua-trung-quoc.aspx